Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 17, 2015

NGƯỜI ĐÌNH BẢNG - Nguyễn Khôi


Nguyễn Khôi
    Tác giả Nguyễn Khôi



NGƯỜI ĐÌNH BẢNG
(Tặng : Nguyễn Phúc Thái)
             -----
   Anh về vui với cày bừa
Để em tay nải gió đưa phương trời.

Tôi không sinh ở làng
và cũng ít ở quê
Nhưng Đình Bảng là nơi thương nhớ nhất
Nơi cha mẹ nhà gianh, vách đất
Nơi gốc Bàng che mát tuổi thơ
Vũng Ao Đình lặn ngụp thuở yêu mơ
cô gái bên kia ao 
ra tắm
làm TẮT trăng
mờ ảo...
                    
Ngôi đình Báng mái rêu , đao thẳng vút
Ông Chó đá đầu đình
là bạn vong niên
cứ mỗi lần qua 
lại ôm cổ đến mòn.
Có một bầy chim bay đi rồi
không về nữa
Lũ Điêu Điếu trên bờ tre làm tổ
Những đêm đông còn ngủ ổ rơm
Cả những mùa khoai sắn thay cơm...
Đấu "Địa chủ"
bừng bừng khí thế
"Trí Phú Địa Hào- đào tận gốc, trốc tận rễ"
cả "Làng buôn" (1)
thành bần cố
Anh Hùng !
                      
Nơi tôi thoáng về những năm tháng bão giông
Lụt Tân Hợi (1971) cửa nhà theo thủy quái
Phía góc Đình bom bi Mỹ rải
Hai thằng em bặt mãi chiến trường xa
Tôi ba lô  ngược dốc Sơn La.
                   
Làng vẫn đấy
cuốc cày nuôi chiến sĩ
Làm  bi đất, cuốn thuốc lá mưu sinh
Xóm thôn buồn
Rượu Quốc Lủi nấu trong đêm.
                     
Làng ta đấy
Anh Hùng đâu chịu đói
Vào"Đổi Mới"
cả dân làng hứng khởi
lại quật cường
bừng dậy
phá lũy tre
mở Đô Thị 
kinh doanh
Xóa nhà gianh
Xây phố mới cao tầng
Điện rực rỡ những Công ty- Xí nghiệp
Cả đêm ngày tấp nập vào ra
hàng hóa chất đầy
những chuyến tàu cất cánh bay xa...
                       
Đã nghìn năm 
khởi sắc "Chiếu dời Đô" (2)
Đền miếu thiêng liêng
khói hương nghi ngút
Và cây Báng lại trở về rừng Báng
Hậu duệ Lý Hoàng thân
từ Hàn Quốc lại về
dòng máu Lạc Hồng
có một chốn quê.
                      
Như ngày xưa
nắng tháng ba rực trời hoa Gạo đỏ
câu Quan Họ
rạo rực trăng đêm
Váy Đình Bảng lại buông chùng cửa Võng
Người Bạn tình đúng hẹn lại lên.
                      
Làng giầu có nuôi tôi là Thi sĩ
Viết những vần thơ ca ngợi xóm làng
Và bảy năm thao thiết viết 
nghìn trang
"Cổ Pháp cố sự"
để Người làng thêm trân trọng quê hương.
                     
Trai Đình Bảng
là tôi
Nguyễn Khôi
hân hoan
về quê mẹ
cùng quê cha ,dòng Họ Lý xửa xưa
Bến nước, sân đình, trường cũ, cây đa
Và đêm nay được ngủ ở nhà mình
thắp nén hương trầm
tưới rượu xuống
Ao trăng...

Nguyễn Khôi
Quê Đình Bảng , rằm tháng ba Giáp Ngọ (2014)

---
(1) Đình Bảng , Phù Lưu vốn là một làng buôn, làng nghề ở Bắc Ninh.
(2) Đình Bảng tên cũ là Diên Uẩn, rồi là "Cổ Pháp hương" nơi phát tích Vương triều Lý.
   
READ MORE - NGƯỜI ĐÌNH BẢNG - Nguyễn Khôi

HÍT HÀ CON CHẮT CHẮT - Hoàng Long Hải




HÍT HÀ CON CHẮT CHẮT

     Tôi vốn dốt môn sinh vật, cứ tưởng con hến cũng như chắt
chắt thuộc lài “giáp xác” như tôm chẳng hạn vì nó có vỏ. Tra tự điển mới biết chúng nó thuộc lài nhuyễn thể có hai miếng vỏ, thuộc bộ Veneroida, xuất hiện nhiều nơi trên mặt địa cầu, kể cả Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi đen.
      Có điều lạ, dân các xứ ấy cũng “đói” không khác gì dân
Việt Nam ta, họ cũng dùng loài nhuyễn thể nầy làm thực phẩm, nhưng không biết chế biến để làm thành những món ăn ngon như ở nước ta. Không ít người ngoại quốc biết món cơm hến, nhất là những “ông, bà”nào đã đến du lịch Huế. Tiếc một điều, con chắt chắt không thấy xuất hiện ở Huế nhiều, nên Huế chỉ có cơm hến mà không có cơm chắt chắt.
     Là món ăn của người bình dân, tôi không thấy con hến hay
con chắt chắt xuất hiện trong văn chương bình dân như tục ngữ, ca dao. Món nầy không “gợi hứng” cho các nhà thơ của miền ruộng rẫy hay sao? Nếu có ai biết, xin chỉ giùm. Đa tạ!


      Sông Thạch Hãn cũng như Hiếu Giang là những con sông già,
bờ sông không hẳm, lẫn lộn cát với bùn, là nơi sản sinh loại chắt chắt và hến, không nơi nào bằng. Vì vậy, nói tới con chắt chắt, người dân các vùng khác thì mù tịt, nhưng dân “Quảng Trị tui” thì lại rất rành. Rành ăn canh chắt chắt và cũng rành “chế biến”, nhứt là kể từ khi “Nhậu để khói sầu lên chất ngất” (NBS). Chiến tranh, đời lính, chết chóc, nghèo khổ sau chiến tranh, nhậu trở thành một “vũ khí chiến lược tiêu cực” để chống lại đói nghèo, vô vọng...

      Canh chắt chắt nấu với rau muống hay khế hoặc bầu, thường
có nhiều gừng. Gừng là một dược liệu chống hàn, vì con chắt chắt thuộc “giống hàn”. Hàn dễ gây đau bụng - đau bụng chớ không tháo dạ, không thuộc loại “Tào Tháo đuổi”. Người ta còn bảo con chắt chắt sinh ở bùn. Rửa không sạch bùn, canh chắt chắt dễ làm đau bụng. Cũng để bớt mùi bùn, canh chắt chắt phải nấu cay. Trẻ con không ăn cay được thì bên cái “đọi” (tô) canh phải có chén nước mắm ớt. Ớt chìa vôi giả dập với nước mắm, nếu nhà giàu, nhà nghèo giả ớt với muối hột.
       Mùa hè, gió Lào (còn gọi là gió Nam, “may được nồm nam cơn gió thổi” - Dương Bá Trạc) - nóng nực, buổi chiều ăn cơm với canh chắt chắt là món ăn giải nhiệt “siêu đẳng” của “Quảng Trị tui nghèo, đất cày lên sỏi đá”.
       Dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu, nhiều làng có nghề cào chắt chắt, nhưng nhiều nhất là làng An Giạ, phía dưới ngã ba sông Hiếu và sông Thạch gặp nhau, gần cửa Việt. Gần tới biển nên nước sông không mặn mà cũng không còn ngọt, thường gọi là vùng nước lợ. Nước lợ là nơi “định cư” của loài chắt chắt, không muốn sống nơi “biển mặn”. Đó là nơi hội tụ của bùn và cát, cũng là nơi hội tụ của hàng triệu con chắt chắt cống hiến cho dân quê xứ tôi món canh đặc biệt không nơi nào có.

       Đừng lầm chắt chắt với hến. Con hến lớn hơn và cũng nhiều
hơn. Cách bán chắt chắt và hến cũng giống nhau. Hoặc bán tươi, từng mớ, để trong rổ, rá, ngão…hoặc bán chín. Một đầu gánh là rổ hến đã “trơi” vỏ, đong bằng loon hay chén, ngão, đầu kia là hủ đất nung, đựng nước hến. Cái (con chắt chắt hay con hến) mà không có nước thì không ngon vì nước ngọt và mát.
      Ở Quảng Trị người ta không bán cơm hến, nhưng Huế thì khá
nhiều. Cơm nguội đựng trong chén. Cơm thì ít, hến thì nhiều, thêm rau thơm, bắp chuối xắt lát... Nhiều nhứt là ớt. Ớt rất cay. Người miền Nam đến Huế còn không dám ăn bún bò, huống chi cơm hến cay hơn bún bò nhiều.
       Làm ruộng là nghề chính của nông dân, cào chắt chắt hay
hến là nghề phụ, chỉ làm mùa hè, là mùa sản vật sinh sôi nảy nở nhiều. Gọi là cào vì người ta dùng cào để bắt chắt chắt hay hến. Dĩ nhiên, cái cào có hình dạng như cái cào, khoảng cách của răng cào nhỏ hơn, nên khi cào, cát bùn thì lọt qua răng, còn con hến hay con chắt chắt thì bị giữ lại. Chắt chắt, hến sinh sống dưới mặt nước, từ chỗ trên mắt cá đến bụng, ít khi ngang tới ngực. Người cầm cào thường đi lui, cào lui nên người ta thường nói đùa câu “ăn tới làm lui”. Buổi sáng, đàn ông con trai có khỏe thì ra cào chắt chắt, hến. Trong khi các mẹ, các chị thì gánh hàng lên bán ở các chợ như Đông Hà, chợ Sòng, chợ Chùa, chợ Thuận, chợ Sãi và chợ Quảng Trị (thị xã), sau khi đã ngâm nước giếng, lọc gạn sạch cát, đá, bùn...
       Những nhà khá giả thường dùng bánh tráng nướng, bẻ thành
miếng xúc chắt chắt hay xúc hến mà ăn. Bánh tráng nướng thường là loại bánh tráng mè, dày. Chắt chắt hay hến thì xào với “tóp mỡ”, hành Tây và ớt xắt lát mỏng, theo chiều dọc của trái ớt.
       Chắt chắt là món ăn của người nghèo, bình dân. Vua quan và
nhà giàu có không ăn món “quê mùa” nầy bao giờ. Tuy nhiên, có người nói vua Thiệu Trị rất thích canh chắt chắt “hiện diện” trong mâm “ngự thiện” của vua. Có gì đâu! Khi còn trẻ, chưa nối nghiệp vua cha, vua Thiệu Trị thường hay “ra chơi” Quảng Trị, nên cũng đã có lần “ngự” món ăn dân giả nầy. Té ra, vua của ta cũng “quê” chớ không “sang trọng phú quí cao lương mỹ vị” như các đại gia ngày nay.

       Xa Quảng Trị, người ta chỉ nhắc lại “món quê” để mà nhớ.
Ai đó thèm lắm thì có thể mua vài dĩa “ hến xuất khẩu” ở các chợ Việt Nam đem về nấu cơm hến ăn chơi, còn như chắt chắt thì người ta chỉ có thể ăn... hàm thụ mà thôi. 

                                                                        Hoàng Long Hải
READ MORE - HÍT HÀ CON CHẮT CHẮT - Hoàng Long Hải

LỜI MẸ TRƯỚC LÚC XUÔI TAY- Hoàng Đằng


     
  
    Ảnh tác giả Lão Gàn - Thầy Hoàng Đằng (cựu giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và Trung Học Đông Hà Quảng Trị trước 1975)

       



         LỜI MẸ TRƯỚC LÚC XUÔI TAY.
        (Lão Gàn cảm tác kèm chuyện kể "Họa vô đơn chí")

Bác sĩ chần chừ ... đưa thông tin bệnh mẹ,
Bệnh nan y, bệnh đâu dễ chữa lành!
Án tử hình. Sao “Tòa” không nhanh xử?
Ngại ngùng chi ... Mẹ cứ lần đi
Con đường chết lầm lì trước mặt.

Nỡ lòng nào! Cậu dì cô bác
Góp công của, nước còn thì tát.
Mù trong đêm, ra Bắc xe bon.
Con, năm canh, thức giấc cô đơn.
Lòng mẹ rộn bồn chồn, ai biết?

Bao ngày qua, mẹ buồn da diết,
Nhìn ảnh mệ, ảnh cha con mải miết,
Khóc âm thầm, đầu gục niết bờ vai,
Nhớ nghĩ chuyện chi; chẳng hiện rõ hình hài.

Biết bao đêm, mẹ đau quằn quại,
Trằn trọc trằn xa; nội ngoại tới thăm,
Chả lẽ nằm, mẹ ngồi gượng dậy,
Mắt rối mù, nào thấy ai đâu!

Đau dữ dội, xác thân nào chịu nổi.
Tàn hơi rồi, Ông Mệ gọi bên kia.
Trời đảo điên, Tử Thần chìa tay vớt.
Sáng tối tranh nhau, nhợt nhạt đường về.

Mồ hôi rịn, mắt dầm dề lệ.
Hồn chập chờn, đầu ngoái lại phía con.
Chim chưa ràng, mồi còn trún mớm.
Khi đói ăn, ai lượm, ai tìm!
Nước sẩy mưa sa, đất chìm bão lũ.
Đêm đông giá lạnh, gió hú ngoài phên,
Chúng con một lũ nghèo hèn!
Ai người cảm cảnh, gạo tiền giúp nuôi.
Thôi! Thì mọi việc nhờ Trời.
Thác thiêng, mẹ hứa muôn đời bên con./.

                                       Hoàng Đằng

READ MORE - LỜI MẸ TRƯỚC LÚC XUÔI TAY- Hoàng Đằng