|
Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
CHUYỆN HAI ĐỨA BÉ
Lê Hứa Huyền Trân
Có
một lần tôi nằm mơ môt giấc mơ rất là kì lạ, trong giấc mơ, tôi là một cô lao
công. Ừ thì giả sử là một cô lao công cũng không có gì là kì lạ, chỉ là tôi
không thể phân biệt được đó có phải là giấc mơ hay không. Những người viết văn
như tôi, lúc nào cũng khoác lên mình những bộ cánh xuề xòa và hình dáng thiếu
ngủ, thậm chí ít khi chúng tôi chăm chút cho bản thân. Mà thứ duy nhất chúng
tôi chăm chút đó là tác phẩm, là đứa con tinh thần của mình. Có nhiều bận, tôi
soi gương và không thể nhận ra chính mình trong gương, khi để tác phẩm hoàn
thành tôi đã nhốt lì mình trong căn phòng, không cho ai quấy rầy, thậm chí
biếng ăn vì không muốn dòng ý tưởng bị cắt đứt giữa chừng. Tôi ốm o, tóc tai rũ
rượi, đôi mắt sưng húp. Lại có khi, tôi lăn lộn vào hình ảnh của một nhân vật
nào đó, nó thật đến nỗi tôi nghĩ mình đang là nhân vật đó, làm công việc mà họ
đang làm, sống bằng cảm xúc họ đang có. Và đó, đó chính là lí do khi tôi nhìn
xuống tay mình, bàn tay đã được đeo hai cái bao tay to sụ màu hồng, trên cổ có
gác cái cán chổi đang được thòng xuống đất và đeo một cái tạp dề to sụ tôi đã
hơi choáng, tôi đã thành một cô lao công.
Việc một cô lao công phải làm là gì
nhỉ? Dẫu có hơi bất ngờ nhưng tôi cũng vẫn bắt đầu công việc của mình, tôi bắt
đầu lau cầu thang. Trời hãy còn sớm tinh sương, sân trường chẳng có lấy một ai,
“mình làm để ai xem? làm để làm gì?”, ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu tôi thì
tôi nghe tiếng nói rất khẽ của hai đứa bé. Một đứa tầm mười ba, đứa kia có vẻ
nhỏ hơn một hai tuổi gì đấy, đứa nhỏ hơn vùng vằng khi đứa lớn nắm tay, nó lí
nhí còn ánh mắt thì lấm lét như sợ ai bắt gặp :” Em đã bảo anh đừng có lại gần
em, đừng có tỏ ra quen em rồi mà.” Đứa lớn vẫn đang cố dúi vào tay đứa nhỏ một
ổ bánh mì nhưng bị hất văng rơi xuống đất, nó đứng đó ngẩn ngơ, còn đứa nhỏ thì
bỏ chạy vào lớp. “ Lại hai đứa bé cãi nhau. Mình thì học được gì khi trở thành
một cô lao công nhỉ?” . Bỗng tôi thấy đứa lớn lại gần, cúi chào tôi môt cách lễ
phép:
-Chào chị ạ, chị mới tới đây làm sao?
Vài đứa trẻ đi ngang qua nhìn thấy nó
nói chuyện với tôi thì bật ra tiếng cười khẩy, tôi nghe thi thoảng còn có tiếng:
-Phải mẹ nó không mày?
-Mẹ nó đâu trẻ vậy.
Bỗng tiếng trống vang lên cắt ngang
dòng suy nghĩ của tôi, nó cúi chào tôi rồi bảo:
-Em tên là Pha, bữa sau mình nói
chuyện tiếp chị nhé?
Thằng bé lách người để xuyên qua đám
đông đang nhìn nó cười trêu ghẹo, tôi thấy ánh mắt quen thuộc cũng đang nhìn
tôi như vừa ẩn chứa tức giận, vừa ẩn chứa khinh bỉ, vừa ẩn chứa sự tổn thương,
đó là ánh mắt của thằng nhóc nhỏ hồi nãy. Tôi nhìn lại mình trong gương :” Ơ
hay, trông mình cũng đâu có tệ. Đâu có lấm lem lắm đâu, sao đám nhóc lại cười
mình nhỉ?”. Rốt cuộc qua một thời gian ở đây tôi cũng đã hiểu, đây là một ngôi
trường nhà giàu, mà phần lớn học sinh ở đây là con em giám đốc trưởng phòng,
không thì cũng là những người kinh doanh, việc một đứa bé như Pha, con của một
người lao công được học ở đây trở thành trò dè bỉu.
-Chị, chị ăn sáng chưa? Hôm nay em
lại được gặp chị rồi.
-Thế em ăn chưa? Chị có ít xôi buổi
sáng mới nấu đây này.
Lại có vài đứa bé đi qua cười khẩy :
-Ô hay, cái chị ấy không phải mẹ nó
mà là chị nó đấy. Đặng thì đưa cả chị vào làm cùng cho có bạn đấy mà.
Tôi không nói gì, mà khi quay qua tôi
vẫn thấy Pha cười rất tươi như không có gì xảy ra. Theo sau đám nhóc đang dè
bỉu Pha là thằng nhóc hôm bữa, nó nhìn Pha nhưng Pha không dám nhìn nó, cho tới
khi nó đi khuất thì Pha ngoái đầu nhìn theo, đôi mắt đượm buồn:
-Thằng nhóc đó là em trai em phải
không?
Pha hơi choáng váng nửa muốn từ chối,
nửa lại không, nó như đang dằn xé giữa việc nói thật và nói dối, cuối cùng nó
thở hắt ra:
-Nó là em trai của em, học khóa dưới,
tên nó là Ny, nhưng chị đừng nói với ai nhé? Cả trường chưa ai biết nó cũng là
con của lao công đâu.
Pha và Ny là con của cô lao công
trước kia làm ở trường này, Pha được học bổng nên vào đây còn Ny thì vào học
nhờ đóng tiền. Vì Pha vô tư nên cũng thú nhận mình là con cô lao công một cách
không tư lự, và từ lúc đó người trong trường nhìn em bằng ánh mắt khác, thấy
được điều đó, Ny gần như tìm một lối thoát khác cho mình, nó tự cắt đứt mọi
liên hệ với anh trai ngay khi đến cổng trường. Dù anh nó có bị vùi dập nhường
nào thì tuyệt nhiên nó không hề hó hé vì không muốn bị liên luy. Tôi nhìn mấy
đứa thi thoảng đi qua quăng cốc sữa chuối về phía Pha, nó chỉ lẳng lặng lấy cây
lau nhà của tôi lau sạch, tôi hắng giọng:
-Chị lau được mà, đây là công việc
của chị. Em làm mấy đứa càng chọc em thêm.
-Không sao đâu chị. Em thích thì em
làm, người ta phán xét thế nào, miễn em thấy đúng là được.
Tôi định quay sang bảo nó quả là một
thằng nhóc ngang bướng nhưng khi nhìn vào mắt nó, đôi mắt ươn ướt của nó chực
như khóc tới nơi, có chăng những lời nó nói hồi nãy không phải là nó đang nói
với tôi mà là nó tự an ủi trấn tĩnh chính mình. Bất giác như cảm thấy có ánh
mắt nào đang dõi theo phía sau mình, quay lại tôi thấy thằng nhóc Ny đang đứng
đó nhìn anh nó, đôi mắt nó như có gì đó muốn lại gần nhưng trước mặt nó là một
bức tường không thể (hay không muốn) đập do chính nó tạo ra. Thằng Pha vừa đứng
dậy vào lớp thì thằng Ny chạy tới bên tôi:
-Chị, chị đưa cái này cho anh hai bôi
vô nhen, không để lại sẹo, bôi liền đi.
Tôi nhìn xuống hũ thuốc nhỏ bật cười
còn thằng nhóc thì chạy biến. Có vẻ có những thứ không dễ dàng mất đi. Bẵng đi
ít lâu, nhìn đi nhìn lại xuống bộ đồ mình vẫn là bộ đồ màu xanh công nhân, đôi
tay đang mang vẫn là đôi bao tay nhựa, và chiếc ủng cao su, thậm chí thứ luôn “
dựa” vào tôi mỗi ngày còn là cái cây lau nhà tôi chợt tỉnh. Hóa ra mình vẫn
đang là một cô lao công, một cô lao công ngày ngày nhìn những đứa trẻ lớn lên
và không can thiệp vào cuộc sống của chúng. Bởi với tôi, khi tôi đụng chạm thay
đổi cuộc sống của nhân vật tôi đã để chúng mất đi cái “ thật” của mình mà chỉ
áp đặt chúng theo ý tôi.
Cho tới một ngày, khi tôi đang bắt
đầu mang đôi ủng vào, tôi nghe tiếng í ới phía sau sân trường, chỗ hồ bơi của
lũ nhỏ, tôi thiết nghĩ: “Mới sáng sớm thế này, chưa tới giờ tập bơi mà.” Tôi
chạy như bay về phía hồ bơi. Ở đó có khoảng ba bốn đứa trẻ đang bị ngạt nước, í
ới trong hồ, tôi chỉ kịp la lên vì không biết bơi thì nhanh như cắt một hình
bóng nhỏ xíu nhảy như bay xuống hồ, đó là Pha. Nó kéo từng đứa dưới hồ lên, còn
tôi thì kéo những đứa ở gần vào bờ, hồ bơi khá sâu so với tôi. Kéo được đứa thứ
cuối cùng lên thì thằng Pha bị đuối nước, ở trên bờ thằng Ny khóc như điên,
luôn miệng kêu cứu, tôi đánh liều nhảy ùm xuống, cũng may đám trẻ kêu la dữ
quá, có người tới cứu cả tôi lẫn Pha. Ny quỳ sụp bên anh trai khi người ta đang
sơ cứu, luôn miệng:
-Cứu anh hai em đi, cứu giùm anh hai
em… Anh hai, anh hai…
Những đứa trẻ mắt tròn mắt dẹt, Ny
gần như không quan tâm tới xung quanh nữa, giờ trong mắt nó chỉ có anh nó. Còn
tôi, tôi cũng bất tỉnh sau pha “anh hùng rơm” của mình. Khi tỉnh lại thì tôi
thấy mình đang gục trên bàn với một mớ bản thảo xung quanh, tôi tự đánh vào mặt
mình, chỉnh lại gọng kính của mình, à, thì ra tôi đã lại là một nhà văn. Vậy
còn câu chuyện vừa rồi? Nó ra sao? Anh em Pha Ny như thế nào? Và quan trong
hơn, nó…có thật không? Phải ít lâu sau đó tôi mới quay lại ngôi trường đó, không
khí vẫn như vậy, dù giờ tôi có ăn bận khác họ vẫn gọi tôi là cô lao công, tôi
nhìn thấy vài đứa trẻ nhìn tôi bằng ánh mắt rất khác, những đứa trẻ ấy giống
những đứa trẻ đã bắt nạt Pha, và cũng là những đứa trẻ được Pha cứu. Tôi nhìn
ra sân trường có hai bóng hình quen thuộc đang choàng tay nhau đi vào, và những
đứa trẻ chúng chào nhau rất tự nhiên. Thấy tôi, bỗng Pha, vẫy vẫy tay:
-Chị, em gặp lại chị rồi.
A, thì ra chúng là có thật.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định