Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 23, 2011

HOÀNG KIM LIÊN – LÀNG AN MỸ CỦA TÔI


Tôi sinh ra, lớn lên tại làng An Mỹ, một làng quê hẻo lánh, nghèo nàn nhất ở phía Đông Bắc huyện Gio Linh, cách huyện lị khoảng chừng năm cây số. Dân làng đa số làm nghề nông, suốt năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không khấm khá được, họa chăng chỉ đủ ăn, có đâu giàu có. Những nghề khác mang tính cách cải thiện cuộc sống hay để hổ trợ cho nông nghiệp mà thôi. Giao thông cách trở sông hói, chưa mưa đã lụt, mưa xuống thì đường sá lầy lội. Do đó, những thông tin, văn hóa, văn minh mới mẻ khó mà đến với làng tôi sớm được.

Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, hai làng An Mỹ và Cẩm Phổ giao hảo với nhau rất hiếu hòa, con gái của hội chủ làng An Mỹ gả cho con trai hội chủ làng Cẩm Phổ. Làng Cẩm Phổ đất hẹp, dân đông nên người con gái về xin cha mình cho làng chồng thêm một ít ruộng để làm ăn. Ngay giữa ranh giới hai làng có một cục đá giống như cái bia cao khoảng một mét, lớn chừng một ôm người lớn . Ông cha bảo với đứa con gái rằng: lần sau, khi về thăm lại cha, con hãy nhắc cục đá đi qua khỏi ranh giới, được chừng nào mà con không nhắc nổi nữa thì chỗ đó là ranh giới của hai làng. Cục đá trơn láng như vậy cô gái dùng năm ngón tay bấu thật chặt vào đá, đá thũng vào rồi xách đi. Mới đi được khoảng 150 mét, vì gắng sức nên tuột quần (ngày xưa, quần không cột lưng bằng dây mà lấy hai mối quấn với nhau rồi nhét vào hông), bà ta phải để cục đá xuống mà vận quần lại rồi nhắc tiếp. Không ngờ khi để cục đá xuống rồi, bưng lên không bao giờ nổi nữa”. Diện tích làng mất thêm một ít . Khi bà ấy chết, làng Cẩm Phổ nhớ ơn Bà, cho lập miếu thờ gần chỗ cục đá. Hiện cục đá có dấu năm lỗ bấu tay và nền miếu vẫn còn. 
Phía sau làng là những đồi cát trắng, cao chạy dài từ đầu làng đến cuối làng, phía sau nữa giáp với thôn Phường Mới (thôn 9,của xã Gio Hải) là đồng cát cỏ mọc, bằng phẳng, rất rộng, chừng 500 mẫu ta. Ở giữa có một đồi cát trắng rất cao gọi là đôộng “Cồn Dôn” và gần đó có một hồ nước sâu. Các cụ xưa nói rằng : trước đây, đó là một khu rừng thấp gọi là “rú”, cây tự nhiên như trâm bầu, tràm, ngút, nổ, săng mả v.v…cao chừng năm mét, rất rậm rạp, đến mùa sinh sản chim cò về đây làm tổ rất đông. Vì trong làng ít nam, nhiều nữ, làng động viên sinh nam, ai sinh con trai được ra sau rú đốn mười cây về làm nhà hay làm củi đốt…, rồi có kẻ lợi dụng làm cho rú tan hoang, lâu ngày mưa gió xói mòn lớp đất trên mặt bây giờ còn lại chỉ toàn cát trắng. Lúc lớn lên khoảng mười tuổi, đi chăn trâu ở vùng nầy, tôi thấy gốc cây mục còn sót lại nhiều lắm, thỉnh thoảng thấy một vài cái chum bị gió thổi trốc lên ở trong thấy có xương hoặc đất màu đen đen, người ta nói đó là mã hời, ai đụng đến sẽ bị ma hời bắt chết, nên rất sợ. Nhiều cồn cát cao trên 20 mét. Mùa đông, gió đông nam thổi cồn cát di chuyển về gần làng, rồi mùa hè, gió nam lào thổi ngược lại, cồn cát lại chuyển ra xa hơn. Cứ thế năm này qua năm nọ. Mùa nắng từ 9 giờ đến 16 giờ không ai có thể đi trên cát đó được vì rất nóng. 
Phía trước mặt làng, có một bàu nước sâu; phía tây làng giáp giới với làng Lại An, làng Phước Thị là con sông đào vào thời nhà Nguyễn nối sông Hiền Lương cửa Tùng và Hiếu Giang cửa Việt gọi là sông Bến Ngự. Bàu và sông ấy là cả một kho thực phẩm cho dân làng An Mỹ và những làng chung quanh. Bởi ở đó cá tôm quanh năm, ai cũng có thể đánh bắt để cải thiện cuộc sống. Khi nước rút xuống, lúc nghỉ ngơi, dân làng rủ nhau ra chơm cá, nhủi tôm tép, mò cua ốc về ăn. Bây giờ không còn nữa bởi sông thì bị ngăn chận hai đầu, ở giữa thì phân chia nhau đấu giá. Bàu trước làng cũng đã được một số ít người ỷ thế, cậy quyền lập mưu đấu với giá rẻ còn hơn cho. Quyền lợi nầy bây giờ vào tay một vài người. 

Làng có một con đường liên hương lộ nối từ cữa Tùng qua Cát Sơn,Thủy Ban,Thủy Khê, Cẩm Phổ, An Mỹ, Nhĩ Thượng, Nhỉ Trung, Nhỉ Hạ, Lâm xuân…Cửa Việt. Một con đường chính ngang qua làng từ Phường Mới ( thôn 9) đến làng qua Cầu sắt (trước đây là cầu tay vựơn, bây giờ chận sông hẹp lại đúc máng cho nước chảy dưới người đi trên đến Phước Thị, Lại An…lên Hà Thượng, Quốc lộ 1. Ruộng, vườn, nhà có khoảng 350 mẫu ta, ruộng có chỗ hai vụ lúa, có chỗ một vụ lúa, một vụ khoai hay bỏ hoang cho trâu bò ăn vì mùa hè không có nước. Sau năm 1975, có đập “Ông Búp” dẫn nước về nên tất cả ruộng đều làm hai vụ. Thế nhưng ruộng ít, người đông, hơn nữa ruộng đa phần canh tác bằng thủ công, chia ra nhỏ lẻ nên khó bề phát triển. Dân trong làng đã đi vào Nam, Tây nguyên lập nghiệp hơn nữa, người ở lại bám đất giữ làng không còn nhiều nhưng không còn đủ đất làm nhà, phải lên bớt vùng trung du một ít. Số thanh niên còn lại cũng tìm vào thành phố làm công nhân kiếm sống, trong làng bây giờ còn lại một số lao động già, ông già, bà lão và trẻ em.

Trước năm 1970, ít có người cho con cái đi học. Con phải giúp cha mẹ trong công việc đồng áng, chăn trâu, giữ bò hoặc gia đình nghèo không thể đi học được, không đủ điều kiện đi học gần nói chi chuyện đi học xa. Hơn nữa, chiến tranh Pháp mới kết thúc thì nội chiến, người dân đói khổ. Số người đi học đếm được đầu ngón tay. Những người thức thời cố vươn lên thì ít mà an phận thì nhiều, có cố gắng hoặc may mắn lắm thì mới học xong bậc tiểu học là tốt rồi. Ngày trước, những nhà giàu cũng có mời các thầy đồ về nhà dạy cho con cái họ học chữ Nho, cốt để sử dụng đọc văn tế trong các buổi lễ cúng tế của làng. Chữ quốc ngữ chỉ học xóa mù chữ như phong trào “bình dân học vụ” mà thôi. Ban ngày đi làm, đi chăn trâu bò đêm về mỗi người một cái đèn dầu lửa, một vài quyển vở, cây viết nhúng mực do vài người trong làng mới biết đọc, biết viết truyền lại cho. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, người ta mới ý thức được sự quan trọng của văn hóa, kiến thức trong đời sống hàng ngày mới đầu tư cho con cái học hành. Làng hiện thời có vài ba ông tiến sĩ; thạc sĩ năm bảy người; bác sĩ, kỹ sư, cử nhân cũng nhiều rồi.


 Xin nói thêm một chút về chuyện học hành làng tôi . Năm 1955, xã Gio Mỹ có một trường, được ba lớp, đó là trường Diêm Hà Trung. Diêm Hà Trung là một làng ven biển của xã, không có học sinh học nên chuyển về làng Nhỉ Thượng, không có lớp nhì, lớp nhất. Làng tôi đi học được khoảng 10 người, đa số con nhà khá giả. Năm ấy tôi đã 11 tuổi, vì gia đình quá khó khăn nên chưa được đi học. Năm sau, 1956, tôi ghi tên vào học lóp ba, vì tôi đã có học Bình dân học vụ, đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ. Lên lớp nhì, làng tôi gồm sáu bạn và tôi phải xin qua học Trường Tiểu Học Gia Môn,Thầy Nguyễn Đức Đích (ở làng Lễ Môn) làm Hiệu trưởng, Thầy Nguyễn Kim Đính (ở làng Lan Đình) dạy lớp Nhì; lên lớp Nhất, Thầy Đoàn Văn Quả dạy. Đến khi thi Tiểu học, làng tôi đi thi bảy người, mặc dù cả bảy đều học rất khá, thường chiếm vị trí từ thứ nhất đến thứ bảy nhưng bị hỏng một. Còn sáu người thi vào lớp Đệ thất Trường Trung Học Gio Linh, lần nầy hỏng năm, chỉ đậu được một.Tôi là người đậu, được vào lớp Đệ thất năm 1960 – 1961, Nguyễn Hửu Tỷ đậu đầu, Nguyễn Út đậu thứ hai, tôi và Trần Lương Tứ đậu thứ ba trên sáu mươi học sinh, là thế hệ thứ hai của Trường Trung Học Gio Linh. Cho đến thời điểm nầy, làng tôi mới có ba người học trung học. Anh Mai Văn Cẩn đậu Tú tài ll năm 1959, anh Dương Bá Cẩm học lớp Đệ tứ trường Bán công Gio Linh và tôi mới vào lớp Đệ thất. Bốn năm học tại Trường Trung Học Gio Linh, Thầy Nguyễn Bảo luôn là người Thầy theo sát lớp tôi, thầy vừa dạy toán vừa cố vấn lớp. Thầy được học sinh yêu mến và kính trọng nhất. Thế rồi bốn năm học trôi qua, tôi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp hạng Bình thứ, tôi chọn ban B ,vào học Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quãng Trị, sinh ngữ chính là Anh văn, nhà trường sắp tôi vào học lớp B4 cùng với Nguyễn Út, Nguyễn Hửu Tỷ, Nguyễn Thừa Trương Thỉu ở Gio Linh, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đăng Chương Dương, Nguyễn Đăng Yên Trúc, Trần Xuân Trường ở Quãng Trị, Đặng Bá Sô, Đặng Bá Khoái ở Cu Hoan Hải Lăng. Các bạn nầy học rất giỏi, Thầy Phan Khắc Đồ dạy toán rất hay.Thế hệ sau tôi, học sinh làng tôi vào học Trường Trung Học Nguyễn Hoàng có : Mai Văn Đạm, Mai Văn Thi, Mai Chức, Dương Bá Lữ, Dương Thành, Dương Thức… còn lại sau nầy tôi không nhớ hết. Số học sinh được đi học là do gia đình khá giả về kinh tế hoặc cha mẹ thức thời cố gắng lắm mới được. Ba tôi rất thông Nho học. Ông cũng thức thời, rất thao thức về việc học hành của con cái nhưng gặp lúc thời vận sa sút tôi đành thất học bốn năm năm. Làng tôi có một hội gọi là Văn hội, thờ Ông Khổng Tử, làng có dành cho hội năm sào ruộng để lo việc cúng tế. Có khoảng mười hội viên, ai thông Nho học hoặc đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp trở lên mới được vào hội .Tôi cũng được vào hội. 
Trong làng có năm cái giếng cỗ rất sâu, xây bằng đá tổ ong, vuông, rộng chừng một mét sâu khoảng hai ba chục mét. Các giếng nầy đào từ lúc nào không ai biết, nó không nằm trong khu dân cư mà rải rác ngoài đồng, chỗ những cồn đất, cũng không phải để lấy nước xài. Các cụ xưa bảo rằng vùng này có long mạch nên các thầy Địa lý của Tàu họ âm thầm đào giếng để đoạn đứt long mạch không cho trong làng phát tướng, phát quan được. Trong thời Nhà Nguyễn, làng cũng có người làm quan lớn trong triều, cũng có người làm tướng có sắc phong của vua ban thờ ở miếu Thần hoàng.

Đặc biệt làng tôi có giữ được một trò chơi từ xưa truyền lại mang bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc mà có lẻ vùng Gio linh không nơi nào có được. Nghe nói ở làng Kim Long huyện Hải Lăng cũng có trò chơi nầy nhưng không biết bây giờ còn không. Trò chơi “đánh cù”. Những hòn cù (hòn cầu) to bằng quả bưởi, nặng khoảng từ 2 đến 2,5kg, tròn, làm bằng gốc cây chuối. Mỗi năm tổ chức chơi một lần vào dịp đầu năm âm lịch, sau khi ăn tết Nguyên đán xong, khoảng ngày mồng 7 tháng giêng. Mục đích của trò chơi là gia tăng tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, cầu mưa thuận, gió hòa, được mùa…Trò chơi không biết có từ lúc nào, khi lớn lên tôi đã thấy rồi cho đến bây giờ vẫn còn (trừ những năm chiến tranh ác liệt làng phải tản cư đi nơi khác). Tết năm 2008, đài truyền hình VTV có về làng tôi quay phim, ghi hình phát trên sóng VTV1 lúc 19 giờ.

Làng có tất cả sáu họ tộc, họ Hoàng đến trước là tiền khai khẩn, đến họ Dương – họ đông nhất làng – đến họ Trương, họ Mai, họ Trần, họ Nguyễn (hai họ Trần, Nguyễn ít người nhất). Tất cả sống với nhau rất hòa thuận, đoàn kết. Mỗi họ đều có nhà thờ họ; làng có đủ đình, chùa, miếu…, chỉ có một tôn giáo độc nhất là Phật giáo.

Về ẩm thực, vào tháng hai, tháng ba âm lịch, khi lúa vụ chiêm sắp trổ đồng, có một loại cá nhỏ sinh sống ở giữa ruộng lúa, loại cá ruộng cạn nầy con lớn nhất bằng đầu mút lớn đũa; con nhỏ nhất nhỏ hơn que tăm, dài từ 1,5 đến 3 cm gọi là cá mủ hay cá bống mủ. Còn sống trong nước có màu xám như đất, khi bắt lên khỏi nước vài phút thì chuyển sang màu đen đen. Người ta dùng một dụng cụ để đánh bắt gọi là cái “dẹp” hay cái “đó”, bện bằng tre với dây “dôốc”(loại cây leo có rễ phụ thòng xuống rất dai). Cái dẹp có một cái mợng hay cái hom để cá vào nhưng không ra được. Khi nước sắp cạn ở ruộng, người ta khơi một rảnh cho nước mát từ đám ruộng trên chảy vào ruộng cạn nước đó. Cá mủ ở ruộng nầy đều tìm nước mát đi ngược lên, người ta đơm ngay cái “đó” ở trên dòng, cá đi lên sẽ vào hết trong cái “đó” đó cả. Sáng sớm đem “đó” ra đơm, khoảng 8 giờ, gió nam lào thổi nhẹ, cá bắt đầu đi lên, người ta đem rổ ra lấy “đó” lên đổ cá vào rổ rồi đặt “đó” lại chỗ cũ. Buổi sáng đổ cá hai lần, đến trưa gió mạnh, nắng, nước nóng cá đi trốn không lên nữa, người ta ngăn nước lại đem dụng cụ đánh bắt về ngày mai đơm tiếp. Một cái “đó” mỗi ngày đem ra đơm đổ được chừng 100gram cá, nhưng chục cái được chừng 1kg thế là nhiều lắm rồi. Cá mủ đơm ngược nước thế này không có rác bẩn, rất sạch sẽ người ta chà rửa sạch độ 200gram đem xào với nước mắm cho cá chín tới xong, đổ thêm vào nồi 1,5 hoặc 2 tô nước (tùy theo ăn ít hay nhiều người) đun cho sôi lên. Bầu tươi non đang ở ngoài dàn, ra cắt môt trái nhỏ độ 1kg hoặc cắt ngang một nửa trái lớn hơn, nửa còn lại cho thỏng dưới dàn cho lớn thêm, ngày mai cắt tiếp. Bầu gọt vỏ rửa sạch, để đứng, băm dọc xuống nhiều nhát dao rồi xắt ngang từng lát mỏng chừng hai ly. Khi nước trên nồi sôi, đổ bầu vào, lấy môi hay vá đảo qua đảo lại vài lần rồi bắc xuống ngay, nêm vào một tý bột ngọt, một muỗng cà phê muối, ném củ giả nhỏ với trái ớt mọi xanh (ở ngoài vườn lấy vào), đảo đều, múc ra tô còn bốc khói đứng cách vài chục mét mùi thơm của món canh nầy xông vào mũi thì chắc rằng không ai mà không thích. Mùi thơm và khẩu vị của nó khó diển tả được. Khỏi nói. Ngon tuyệt ! Món ăn nầy bây giờ không còn nữa, cái gì cũng có nhưng vật liệu chủ yếu: cá mủ không còn vì ruộng bón vôi, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc nổ bom đạn…đã làm tiệt chủng loại cá mủ ruộng cạn nầy rồi. Tiếc thay ! Món ăn đặc trưng không còn, hồi tưởng lại mà thấy thèm. Một món ăn tự tạo hoàn toàn không độc hại, không tốn tiền kể cả nước mắm cũng tự làm lấy (bằng loại cá mủ nầy), khỏi cần bột ngọt, thay vào đó, người ta nêm một chút ruốc ngon là được rồi. Ai đã một lần ăn thì nhớ mãi. 


Theo đà tiến triển của xã hội và khoa học, nghề nông cũng phải thay đổi cách canh tác, sản xuất, phải cơ giới hóa, công nghệ hóa, công nghiệp hóa. Để bớt tốn công sức, bớt tốn tiền, năng suất cao thì phải mất đi một cái gì đó. Đó là điều không sao tránh khỏi. Mặc dù về mọi mặt, làng tôi không có gì nổi trội cả nhưng có một điều đáng trân trọng là người dân làng tôi có một nếp sống giản dị, tính tình chất phác, thật thà, hiền lành, luôn luôn đối xử với nhau rất chân tình, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nào có đám đình, cúng giỗ là hàng xóm đến giúp đỡ không nề hà, tính toán thiệt hơn. Nhà có lon nếp, biếu lon nếp, có quả trứng, biếu quả trứng, có con gá, con vịt, biếu con gà con vịt. Họ xem nhau như ruột thịt. Luôn tuân thủ pháp luật, không bao giờ con dân làm điều gì mang tiếng xấu ảnh hưởng đến danh dự của làng. Thuần phong mỹ tục được giữ gìn cẩn thận. Người dân luôn tin tưởng một điều gì đó. Họ nghĩ rằng bất cứ một việc làm gì dù tốt hay xấu đều có ảnh hưởng đến nếp sống hiền hòa của họ. Ai đã từng sinh ra, lớn lên trên quê hương của mình, đã từng một lần xa quê hương mới cảm thấy tình yêu quê hương nó đậm đà tha thiết biết bao. Những người cùng quê hương đi xa khi gặp nhau đâu đó ở quê người thường hay kể lại cho nhau nghe về những kỷ niệm tuổi thơ, ôn lại những gì thời trai trẻ mình có được ở quê hương mình. Quê hương, ở đó có rất nhiều, rất nhiều thứ, rất nhiều điều không sao nói hết được. “Quê hương, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người”. Dù ở đâu, chân trời góc biển nào càng xa ngái thì tình quê lại càng dạt dào, tha thiết hơn, khi nhắc đến Quê hương không ai mà không ngậm ngùi xúc động…cảm thương.
15.8.2009
Hoàng Kim Liên
READ MORE - HOÀNG KIM LIÊN – LÀNG AN MỸ CỦA TÔI