Ông Mót bỏ xứ đi sau 1975, về quê hương đoàn tụ chưa được
bao lâu thì phải khăn gói ra đi. Hai vợ chồng ông với một đàn con nheo nhóc ... Bà Riêng vợ ông cứ luôn lo lắng, không biết cái miền Nam nó nằm ở đâu? Ngã
ba Dầu Dây là nơi nào ? Nhưng thân phận người phụ nữ miền Trung là vậy, chồng
đi đâu là vợ theo đó, chẳng dám một lời than vãn hay góp ý với chồng. Bà ở cùng làng với ông, nên hiểu tính ông, ông đã muốn là phải được, chẳng ai can
ngăn gì được.
Cứ tưởng hết chiến tranh chồng về với vợ với con, cùng nhau
xây dựng cuộc sống, theo tập quán cha ông từ muôn đời trước ... bám ruộng
nương mà cày cấy mà lao động, hết mùa lúa mùa ngô thì lại kéo nhau lên huyện
lên tỉnh để làm thợ xây thợ mộc. Ông Mót là một người thợ xây giỏi của làng,
ngày trước một mình ông mà có tới chục đứa đi theo học nghề. Ông có tay
nghề giỏi, xây bức tường lên chẳng cần dây thước gì mà tường nó thẳng tắp. Khi
đất nước ngừng tiếng súng, mọi người lần lượt kéo về quê, người thì què chân, người
thì cụt tay, người thì miếng đạn găm trong đùi ... nhưng họ đều về với quê
được. Ông Mót thì mãi lâu sau mới về quê, ông chạy vô tới miền nam ... Về tới
làng ông bị cán bộ xã gọi lên chất vấn, viết tường trình. Ông chẳng thể đi
đâu xa làm ăn ... nghề xây dựng thì phải lên huyện, lên tỉnh mới có việc, chứ ở
làng quê tiền đâu mà bà con xây nhà tường gạch với vôi. Ông Mót dần chán
chường, cọc cằn, nóng tính ... từ sáng đến tối ông cứ hằm hằm, không nói gì với
ai một câu, có lúc ông lại đá con chó đen nằm trên sân, nó kêu oẳng oẳng rồi
chạy mất hút.
Họ phân biệt nặng với những gia đình như ông Mót, cái gì cực
khổ thì họ gọi gia đình ông đầu tiên, cái gì hưởng lợi thì nhận sau cùng ... Ở
quê thì đất ruộng là cái nuôi sống cả gia đình, nhưng những gia đình như ông, những kẻ thua cuộc,
thì chi được giao những miếng ruộng xấu.
Đêm đó, ông Mót tự dưng gọi cả nhà dậy và nói: "Chúng
ta đi vô miền Nam lập nghiệp, tôi chán ngấy cái cảnh sống ở đây lắm rồi, nếu ở
mãi đây chúng ta sẽ chết ... ". Nói xong ông Mót đi ngủ ... Cả nhà chưng
hững không biết đang mơ ngủ hay là thực? Bà Riêng cùng đàn con ngồi đó, chẳng
ai nói một lời nào, bên kia thì ông Mót đã ngáy nhè nhẹ.
Vậy là cả gia đình khăn gói đi vô miền Nam. Họ phải bán đi tất cả đồ
đạc, trâu bò, bán luôn căn nhà gỗ của ông bà để lại ... để có được
một ít tiền để đi đường, và sinh sống, hy vọng được một đến hai năm. Trong gia đình
không một ai có thể tưởng tượng ra miền Nam nó như thế nào ? Chỉ có ông Mót mới
biết thôi ...
Nơi ông Mót đưa gia đình đến là nông trường Cù Bị mà nay là
xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà con nơi đây sinh sống bằng
nghề làm rẫy ... Những ngày đầu cơ cực trăm bề, cái gì cũng lạ cũng mới ... ông
Mót từ sáng sớm đã đưa các con trai lớn lên rẫy, đến tối mờ mịt mới về, gia
đình ông đã có một cái chòi nhỏ chui vào chui ra. Ông Mót đã bắt đầu nhẹ nhàng,
nói nói cười cười ... vì nơi đây ông không phải lên xã để mà viết tường trình,
rồi bị mắng chửi.
Cuộc sống gia đình ông Mót ngày một đi lên, cái chòi xưa nay
đã đổi thành căn nhà khang trang, rộng rãi, con cái của ông ai cũng được cắp
sách đến trường học cái chữ .. Có đứa đã học xong đại học, và đi lập nghiệp
trên thành phố ... bà Riêng và các con nay nhìn lại mới thấy quyết định của ông
Mót là hoàn toàn đúng, nhờ thoát ly xa quê hương nên mới thoát được nghèo đói,
con cái học hành đàng hoàng, chứ ở quê chắc không được như vậy, thôi thì mất
cái này được cái kia.
Cuộc sống cứ như vậy thì đâu có gì nên chuyện, nhưng ... rất
nhiều cái nhưng đã đến với gia đình ông Mót ... Sau những ngày tháng ông ăn nằm
trên nương rẫy, bà vợ ở nhà lại đi theo tiếng gọi của những môn phái tu hành,
bỏ gia đình con cái ... ông Mót buồn lắm, ông dần dần không về nhà nữa, mà dựng
một cái chòi trên rẫy và ở đó luôn, lúc nào hết đồ ăn thức uống thì ông mới về
để đi chợ .
Ông Mót ngày càng già đi, chẳng có ai tâm sự cùng ông, con
cái thì lập nghiệp ở xa ... vợ thì nay không còn nữa, ông chỉ còn làm thân với
nương rẫy, cái cuốc, cái cào ... cây tiêu cây mít. Cái nương rẫy thương ông nên
cây cối xanh tốt, cá dưới hồ thì sinh sôi nảy nở, ông chẳng còn lo miếng ăn
hàng ngày nữa, lâu lâu đi ra xã mua gạo thôi, còn lại trong vườn ông có đủ.
Ừ thôi thì thân già sống cho qua ngày tháng, đời mình nay
coi như đã hết ... mình đã làm trọn bổn phận của một người chồng, một người cha
rồi. Nhưng ông Mót đâu ngờ rằng ngày mai kia ông sẻ mất đi cái bình yên đó, mất
đi cái cuộc sống nhẹ nhàng bên nương rẫy ... Gia đình ông lại gặp chuyện ... Dự
án của tỉnh có mở một con đường lớn, chạy từ Sài Gòn về và đi qua nương rẫy của
ông, cái miếng đất đó tự nhiên được lên giá ... con số bạc tỷ nó đến với ông.
Cơ sự lại kéo đến, vợ ông bà Riêng viết đơn đòi ly dị, để
chia gia tài ... con cái ông những đứa đã có gia đình riêng cũng đòi chia tài
sản ... Mắt ông thôi còn nước để mà khóc, lòng ông đau đớn ... những tháng ngày
yên ấm nay cũng chẳng thể nào có được. Ông đang ngồi trên đống tiền và ngồi
trên cái mâu thuẩn gia đình cùng con cái, ba chữ " chia tài sản " cứ
vờn mãi trong đầu ông ? Sự ám ảnh của ba từ đó nó đi vào trong giấc ngủ vật vờ
của ông già gần đất xa trời này ...
Ông Mót chưa quyết định gì, cứ xem tình thế nó chuyển biến
như thế nào ? Nhưng ngoài kia ... những câu chuyện của xã hội thêu dệt ra giúp
ông, quyết định giúp ông ... và đến tai vợ con ông, họ lại kéo đến bên cái chòi
rách nát mà kiện cáo, thua thiệt ...
Ông Mót cười đau xót, nếu như trước kia khi ông chưa có
miếng đất bạc tỷ ... ngày nào tụi nó cũng đến với mình như vậy thì tuyệt vời
làm sao? Nó mắng chửi hay cười vui cũng là có tiếng người ... lâu nay hình như
ông quên tiếng người thì phải, chỉ nói trong đầu với cỏ cây và muông thú thôi.
Tại sao họ giờ này mới đến ... trong khi mình còn sống như vậy mà đòi của thừa
kế, đòi chia gia tài là sao? Cái nương rẫy này nó có được hôm nay là cả máu và
mồ hôi nước mắt mà ông già Mót này đổ xuống.
Sao mọi người lại đối xử với lão như vậy?
Bây giờ lão phải ra tòa xử ly hôn, xử của thừa kế sao? Lão
già này cần phải có tòa án xử hay không? Hay lão già cần một tòa án lương tâm,
xử cái đạo làm con người, cái tình cảm thiêng liêng của máu thịt ...
Tình thương yêu cao quý hơn vật chất, ừ cái nương rẫy đó nó
bán đi chừng đôi ba tỷ, chia cho con cái ông, vợ ông ... thì mỗi người được mấy
trăm triệu ... và rồi sao? Họ có còn là một đại gia đình không?
Sài Gòn ngày 07/01/2013
Đinh Thanh Hải
*****
PS: Rất nhiều câu chuyện đau buồn từ miếng đất của ông bà
cha mẹ để lại ... họ vì cái đồng tiền trước mắt mà đánh mất đi cái thiêng liêng
của tình cảm gia đình, anh em ruột thịt.Đồng tiền mất đi có thể làm lại được,
nhưng mất tình thâm ruột thịt thì mãi không bao giờ lấy lại được. Đừng làm đau
nhau ... cái ngày cơ cực củ sắn củ khoai chia đôi, chia ba vẫn yêu nhau mà. Sao
giờ lại cắn nhau chỉ vì một cái của thừa kế.