NHÂN MÙA NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015
Nhìn về một dân tộc thi ca: Việt Nam
Giải Nobel Văn chương 2015
Cách đây vài giờ, kết quả Nobel văn chương 2015 vừa được
Viện hàn lâm Thụy Điển công bố từ Stockholm .
Ba tác giả được đánh giá có khả năng cao nhất nhận giải Nobel Văn chương năm
nay là nhà văn Kenya Ngugi Wa Thiong'o, tác giả Nhật Bản Haruki Murakami và
Svetlana Alexievich. Nữ tác giả 67 tuổi, người Ukraina, Svetlana Alexievich
cuối cùng đã thắng.
Svetlana Alexievich, nữ tác giả thứ 14 vừa thắng giải Nobel Văn chương |
Trong lịch sử giải Nobel văn chương cho đến nay, chỉ có 14
nữ tác giả trong số 112 người thắng giải. Nữ tác giả gần đây nhất thắng Nobel
là nhà văn Canada Alice Munro (2013).
Svetlana Alexievich sinh ngày 31-5-1948 tại thị trấn Ivano-Frankovsk ở
Ukraina. Thân phụ bà là người Belarus
và thân mẫu là người Ukraina. Cha mẹ cùng làm giáo viên nhưng Svetlana
Alexievich sớm bắt đầu công việc làm phóng viên tại một tờ báo địa phương ở thị
trấn Narovl.
Svetlana Alexievich là một người cầm bút điển hình trong
thế hệ Chiến Tranh Việt Nam ,
đó là nhà báo cũng vừa là nhà văn và ngược lại. Tác giả văn chương không còn là
khuôn mặt của chữ nghĩa và sách vở đắm mình với thế giới tưởng tượng, suy tư
của văn bút mà là một con người sống thực, lao vào giữa cuộc đời để trải nghiệm
và tìm tư liệu thực tế cho những dòng văn của mình.
Svetlana Alexievich đã nói trong một cuộc phỏng vấn là bà
luôn luôn truy tìm một phương pháp sáng tác văn chương gần nhất với cuộc sống hiện
thực để làm chất liệu cho tác phẩm của bà.
Tác phẩm sống thực được đánh giá cáo nhất là Voices From Chernobyl
(Tiếng kêu từ Thảm Hoạ Nguyên Tử Chernobyl )
trong đó bà đã lăn lộn truy tìm những nhân chứng sống và thực hiện nhiều cuộc
phỏng vấn với những nạn nhân còn sống sót cũng như giới cầm quyền có trách
nhiệm trong thảm hoạ hạt nhân. Bà cũng đã từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng
trải nghiệm thời Liên bang Xô Viết trong Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô
(1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl
(1985).
Có thể nói sự nghiệp văn chương của nữ văn sĩ Svetlana
Alexievich là bức tranh sống động của Liên bang Xô Viết trong dòng lịch sử nhân
loại.
Cuốn sách đầu tiên của Svetlana Alexievich là War's
Unwomanly Face (Cuộc Chiến Không Có Bóng Đàn Bà) với nguồn tư liệu chắt lọc
và đúc kết lấy từ những
cuộc phỏng vấn với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến II. Tiểu thuyết là
những dòng tự sự của các nhân vật nữ từng trải qua chiến tranh. Năm 1985, cuốn
sách đã được thế giới đón nhận nhiệt tình với số bản in bán ra gần 2 triệu
cuốn. Bà cũng được nhìn nhận là người
bạn của thế giới trẻ thơ bất hạnh với những tác phẩm được xem là Văn - Báo (báo
chí - văn chương) như The Last Witnesses: the Book of Unchildlike, Zinky
Boys (1992)
Những tác phẩm nổi tiếng của Alexievich đã được dịch và
xuất bản ở hơn 25 quốc gia, trong đó có tiểu thuyết War's Unwomanly Face được
Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có khuôn mặt
phụ nữ (Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 1987).
Giải Nobel Văn Chương và giá trị tượng trưng
của nó
Theo nhận
định chung của cộng đồng quốc tế thì Thụy Điển là một vương quốc trung lập,
tiên tiến với nền văn hiến lâu đời. Họ xem giải thưởng Nobel là một sự tiêu
biểu cho danh dự và niềm tự hào quốc gia nên ảnh hưởng chính trị và tính chất
thời sự nhất thời không có tác động trực tiếp trên sự đánh giá tuyển chọn giải
thưởng.
Để có một nhận định chính xác hơn về sự khách quan và nguyên tắc tuyển lựa chặt chẽ của Hàn Lâm viện Thụy Điển và Hội đồng chấm giải Nobel, thử nhìn sơ lược phương thức làm việc của họ như sau:
Để có một nhận định chính xác hơn về sự khách quan và nguyên tắc tuyển lựa chặt chẽ của Hàn Lâm viện Thụy Điển và Hội đồng chấm giải Nobel, thử nhìn sơ lược phương thức làm việc của họ như sau:
Trên danh
nghĩa, Hàn lâm viện Thụy Điển là cơ quan tuyển chọn giải thưởng Nobel, nhưng
trên thực tế thì quá trình chọn lựa nầy là một công trình đóng góp tập thể của
các học giả, chuyên gia, tác giả, thi văn nghệ sĩ... có uy thế và uy tín từ
nhiều nơi trên thế giới. Trình tự về thời gian tuyển lựa giải Nobel văn chương
được quy định theo một nguyên tắc không thay đổi rằng:
Thời gian
bắt đầu từ đầu mùa Thu năm trước, khi Hàn lâm viện Thụy Điển mời tất cả các
nhân vật được biết đến trên toàn thế giới nộp danh sách các ứng viên được đề
cử. Mỗi nhân vật đề cử đều phải viết “đề nghị thư” để trình bày và bảo vệ cho
lý do chọn lựa của mình. Tự đề cử mình làm ứng viên hoàn toàn không được chấp
nhận. Tất cả danh sách các ứng viên được đề nghị đều phải nộp cho Hội Đồng Hàn
lâm viện trước ngày mồng 1 tháng 2 hàng năm. Mỗi năm, có khoảng 1000 ứng viên
được đề nghị cho giải thưởng Văn chương Nobel, trong đó có chừng từ 100 đến 250
là nhà văn. Số ứng viên đề nghị nầy được cộng chung với các ứng viên do chính
các thành viên trong Hội Đồng và Hàn lâm viện tuyển lựa.
Giai đoạn
kế tiếp, Hội Đồng tuyển chọn lọc lại còn 15 ứng viên và danh sách nầy phải hoàn
thành trong tháng 4. Cuối tháng 5, số ứng viên được tuyển chọn vào vòng chung
kết còn lại là 5 người. Có hàng trăm nhân vật tên tuổi trong lãnh vực văn
chương khắp thế giới phụ tá cung cấp tất cả các nguồn tư liệu về tác phẩm, sáng
tác và các công trình biên khảo liên quan đến 5 ứng viên nầy.
Sau khi sử
dụng suốt mùa Hè để đọc, nghiên cứu và phân tích giá trị văn chương tất cả tác
phẩm của từng ứng viên một trong tổng số 5 nhân vật vào chung kết, Hội Đồng
Giải Nobel đệ trình Đề Nghị của họ lên Hàn lâm viện Thụy Điển. Tháng 10, Hàn
lâm viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín để chọn người trúng giải.
Trong lịch
sử giải Nobel văn chương, có rất ít các ứng viên lần đầu tiên được đề cử được
giải thưởng liền trong năm đó. Thường các ứng viên không được tuyển chọn sẽ
được Hội Đồng đưa ra thẩm định, xét đi, xét lại trong những năm tiếp theo bởi
vì Hàn lâm viện Thụy Điển căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp văn chương của một nhà
văn, nhà thơ... để đánh giá chứ không chỉ căn cứ trên một tác phẩm hay một công
trình đơn lẻ nào đó mà thôi. Bởi vậy, giải Nobel Văn chương là giải thưởng của
một sự nghiệp văn chương chứ không phải là giải thưởng dành cho một tác phẩm
xuất sắc.
Giải Nobel
Văn chương không hẳn là thước đo chuẩn xác tuyệt đối để thẩm định giá trị văn
chương và tài năng đích thực của một tác giả. Tuy nhiên, đối với thế giới văn
bút toàn cầu thì giải thưởng nầy vẫn là một giải thưởng văn chương sáng giá và
được kính trọng nhất trong lịch sử văn học quốc tế suốt 100 năm qua. Chính tên
tuổi lẫy lừng của người trúng giải đã mang đến sự vinh quang cho giải thưởng,
hơn là chính giải thưởng Nobel tự nó mang hào quang đến cho người nhận
giải.
Nói một
cách công bằng thì chiếc huy chương nào cũng có mặt giới hạn của nó. Trong lịch
sử văn học thế giới, cũng đã có nhiều thi hào, văn hào kiệt xuất nhưng vẫn bị
“sẩy” giải Nobel Văn Chương trong khi những tên tuổi đương thời khác ít lẫy
lừng hơn lại được. Có thể kể một số trường hợp điển hình như: Tolstoy, Proust,
Hardy, Chekhov, Ibsen, James Joyce, Joseph Conrad, Kafka, Bretch... là những
tài năng văn chương tuyệt vời của nhân lọai nhưng vẫn không được trao giải
thưởng Nobel Văn Chương.
Và trong
một nhận định có tính cách tương đối thì hầu như các nhà văn, nhà thơ được giải
Nobel Văn Chương trong một thế kỷ qua đều có một giá trị nhất định trong thế
giới văn bút. Từ Prudhomme, nhà thơ đầu tiên được giải văn chương Nobel năm
1901 cho đến J.M. Coetzee năm 2003, những tác giả đoạt giải Nobel có thể khác
nhau về nhiều mặt, nhưng tất cả đều có chung một điểm là bên cạnh bề rộng của
sự nghiệp văn chương rỡ ràng, còn có bề sâu của tác phẩm. Những tác phẩm tiểu
thuyết, thi ca, triết học, biên khảo... của họ là những cái giếng thăm thẳm của
tư tưởng, những ngọn núi sừng sững của suy tư. Sự nông cạn và dễ dãi chỉ có thể
sản xuất ra nhiều mớ bung xung của chữ nghĩa, nhưng sẽ chẳng bao giờ có đất
đứng trong văn chương.
Biển kiến
thức và con đường ý thức nhân loại khởi đi một cách êm đềm từ những đầu óc
“uyên áo” như: Socrate, Platon, Aristote, Kant, Bergson, Spinoza, Schopenhauer,
Augustine... bỗng gặp những ý hướng ly khai và những tâm hồn nổi loạn của Dostoievski,
Camus, Sartre, Faulkner, Gide... đón đường tung hô và đập phá. Dostoievski khắc
khoải và trăn trở trong một bối cảnh quê hương đang chuyển mình đau nhức; Camus
kêu lên cho nỗi đau đớn của kiếp người; Sartre gào la thống thiết cho sự tan
hoang về những giá trị vật chất và tinh thần của một thế giới gần như tuyệt
vọng; Faulkner cuồng nộ trong tiếng gọi khẩn thiết của nhân sinh... và cả một
trào lưu văn nghệ vừa vuốt vừa đập, vừa trân trọng vừa chối bỏ, và bão liệt hơn
cả là trùng trùng dẫm trên những lối mòn quen nằm yên trong sương nắng của thế
kỷ 18, 19 để xua quân vào sâu, rất sâu, tận những chân trời mới lạ và sâu thẳm
của ý thức khai phá trong văn nghệ và triết học thế kỷ 20!
Trong khi
nền văn học Tây Phương đang chuyển mình dữ dội: Từ tĩnh sang động; từ bề mặt
sang bề sâu; từ sự chấp nhận và thỏa hiệp dễ dãi sang thái độ đương đầu, phân
tích và luận lý có khi tới mức độ bất chấp thì ở Việt Nam, văn chương vẫn còn
tiến những bước êm đềm theo khung cảnh của một xã hội nông nghiệp. Trước 1945, học
giả Phạm Quỳnh khi “Khảo Về Tiểu Thuyết” vẫn còn khuyên các nhà văn theo cách
kết cấu cổ điển của Pháp: “Nếu kết cấu không thành truyện thì dẫu văn chương có
hay đến đâu cũng không cảm được người đọc”. Và sau 1945, ông Đặng Thai Mai
trong “Văn Học Khảo Luận” lại lên tiếng:
“Một áng danh văn bao giờ cũng hỗn hợp được hai phần tử bổ ích và làm vui”!
Bởi vậy cả một trào lưu văn học Việt Nam trong khung cảnh thế kỷ 20 vẫn
chưa thoát khỏi tình trạng loay hoay biến những tác phẩm văn chương thành những
tập chuyện kể. Hoặc có tiến xa hơn nữa thì cũng loanh quanh trong giới hạn
“Tiểu thuyết tâm lý xã hội tình cảm” lâm ly ướt át, vô thưởng vô phạt... khá
phổ biến ở miền Nam; hay khuynh hướng “Hiện thực phê phán” sáo mòn và đồng
phục, thiếu sức bật được cấp trên chỉ đạo trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Việt
Nam và kéo dài lê thê sang thế kỷ 21!
Trước thực
trạng “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ săn giòn hơn ta”, chúng ta cần có
những phút lắng lòng chân thành nhìn lại chính mình và gia tài tri thức của đất
nước mình.
Trong lãnh
vực văn chương, Việt Nam ta không
thiếu nhân tài, nhưng thiếu mất một hệ thống triết lý truyền thống làm nền móng
cho nếp suy nghĩ của dân tộc và thiếu hẳn một tinh thần phiêu lưu, khai phá và
phản kháng trong sáng tạo. Nhìn lại nền văn học Lý Trần và Lê Nguyễn cổ
điển, chúng ta chưa thoát ra khỏi hệ tư tưởng của Trung Hoa và Tam Giáo (Nho,
Thích, Lão). Những tài năng ưu tú của dân tộc trong dòng văn học Hán Nôm đã
chứng tỏ khả năng ưu việt trong sức sáng tạo và diễn đạt ngôn từ, nhưng vẫn
chưa thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” nghiệt ngã của văn chương Trung Hoa về hệ
thống tư tưởng và nề nếp suy tư. Một tài
năng phiêu dật và hoa gấm trong ngôn ngữ thi ca như Nguyễn Du vẫn không vượt
thoát được thế giới tư tưởng giới hạn của Thanh Tâm Tài Nhân trong một tác phẩm
tiêu biểu cho niềm tự hào dân tộc như Đoạn Trường Tân Thanh.
Trong nền
văn học cận đại, chúng ta có Tự Lực Văn Đoàn, có những nhà văn và tác phẩm đã
đi vào giáo khoa văn xuôi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân , Nam Cao, Bình Nguyên Lộc... và giáo
khoa thi ca như các thi sĩ tiền chiến: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu
Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương... Nhưng nếu tiếp cận với nền văn chương
Tây Phương của thế kỷ 19 & 20, chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi đâu là
chân trời mới có tính cách “độc sáng” của nền văn chương thuần Việt? Khi mà
những bóng ma và hào quang của Balzac, Hugo, Dumas, Zola, Stendhal, Flaubert,
Maupassant... và những rung động véo von của Lamartine, Verlaine, Baudelaire,
Rimbeaud... trong văn chương Pháp vẫn cứ “trêu ngươi” như những tác gia khổng
lồ chận đường sáng tạo của thế hệ văn thi sĩ đàn anh. Dù thể hiện rõ nét hay
bàng bạc trong những hành trạng của nhân vật, trong hình tượng nghệ thuật,
trong phong thái diễn đạt hay cả trong thủ pháp hư cấu và cường điệu... chúng
ta vẫn thấy cuộc chiến đấu rất “dũng cảm” nhưng cũng đầy hệ lụy của giới văn
bút đàn anh chúng ta để phá vòng vây ảnh hưởng thâm căn cố đế của dòng văn
chương Tàu và Tây vẫn còn “mờ mờ nhân ảnh, bất phân thắng bại”. Hay nếu cần
phải nói một cách thẳng thắn – tuy có thể hơi vô lễ nhưng rất chân thành chăng?
– rằng là, dòng văn chương của chúng ta giỏi bắt chước và khéo mô phỏng nhưng
chưa giỏi sáng tạo; thiếu hẳn một sự khẳng định (để tiến tới một sự định hình
cần thiết) về bản sắc Việt Nam
thuần túy của mình trong văn chương.
Viễn ảnh một giải Nobel Văn Chương cho tác giả
Việt Nam
Có dịp theo
dõi “Những Mùa Thu Nobel Văn Chương”, mỗi chúng ta đều hướng mắt nhìn về khả
năng tương lai của một giải Nobel Văn chương cho tác giả Việt Nam .
Trong số gần
112 nhà văn, nhà thơ trên toàn thế giới được giải thưởng Nobel văn chương mỗi
năm từ năm 1901 đến nay, châu Á chỉ có 5 người: Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1913), Yasunari Kawabata (Nhật Bản,1968),
Kenzaburo Oe (Nhật Bản, 1994), Cao Hành Kiện (Trung Hoa, 2000) và Mo Yan (Trung
Hoa 2012). Đất nước và thời gian có khác, nhưng cả năm chàng “văn chương
nết đất” phương Đông nầy đều có một đặc tính chung là rất đa tài. Tagore là một
thi hào, nhà văn, nhà triết học, và cũng là một nhạc sĩ đã sáng tác trên 3000
bản nhạc. Là nhà văn nhưng Oe cũng là một nhà thơ được yêu chuộng của Nhật. Ngoài
ra Oe còn là một nhà viết phê bình, luận thuyết đầy thuyết phục quần chúng và
thu phục nhân tâm. Kawabata cùng là một danh họa và nhà thơ. Cao Hành Kiện, bên
cạnh sự nghiệp văn chương, là một kịch tác gia có kịch bản được lưu diễn nhiều
nơi trên thế giới. Cao cũng là một họa sĩ đã từng triển lãm tranh ở Paris , London ,
New York ... Nhưng trên tất cả là
tinh thần nhân bản, lòng trân trọng con người và lý tưởng thiết tha với sự tự
do và công bằng xã hội được thể hiện qua đời sống và tác phẩm của bốn nhân vật
nầy. Tagore sống trong giai đọan Ấn Độ còn dưới quyền thuộc địa của Anh;
Kawabata lớn lên trong khung cảnh thoái trào của chế độ quân phiệt Nhật, Oe lớn
lên với cảnh điêu tàn của nước Nhật trong Thế chiến thứ hai; và Cao trưởng thành
sau bức màn tre của thời Mao Trạch Đông. Cả bốn nhà văn lớn đó – những cái
“Nhà” rất đúng nghĩa trong văn chương – đều đã không thỏa hiệp với sự bất công,
đày đọa và tha hoá con người của chế độ chính trị trong thời đại của mình. Ngòi
bút của họ đã tìm đến với con người có tâm hồn, có bản ngã và giàu nhân
tính.
Thực tế nầy
đã giải tỏa định kiến cho rằng, giải Nobel là sản phẩm Tây Phương, nên kỳ thị
sản phẩm văn chương không phát xuất từ Phương Tây, cả trong nguồn gốc xuất thân
của tác giả và ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm. Và cũng chính thực tế nầy cho
thấy rằng, những nhà văn phản kháng thế lực chuyên quyền và áp bức; những nhà
văn lưu cư và bị lưu đày, bị bứng ra khỏi nguồn cội quê hương thường đã mang
cái “chủng tử” của một nhà văn lớn. Nhưng môi trường văn hóa và xã hội nào để
cho “chủng tử nhà văn lớn” được nẩy mầm, đơm hoa kết trái thành cây đại thụ văn
chương?
Khi nói đến
nền văn chương và triết học Tây Phương, người ta có khuynh hướng nhắc đến Âu và
Mỹ. Hai nước đại biểu cho Âu và Mỹ có bối cảnh văn chương, truyền thống văn
hoá, nền móng triết học hoàn toàn khác nhau là Pháp và Hoa Kỳ. Điểm đáng chú ý
là về “tuổi tác” của hai nước: Nước Pháp tính từ thời bộ tộc Celts, đã ngót
3.000 tuổi thọ; trong khi Mỹ lập quốc chỉ mới 300 năm. Pháp là chiếc nôi văn
chương của Châu Âu, trong khi Mỹ là chiếc nôi kỹ nghệ của Phương Tây, nhưng
điều lý thú là tỷ số các thi tài và văn tài đọat giải văn chương Nobel của hai
nước lại dẫn đầu và thứ nhì trong suốt 114 năm qua. Pháp đã chiếm 17 giải văn
chương trong tổng số 62 giải Nobel thuộc nhiều lĩnh vực : Prudhomme (1901), Mistral (1904),Maeterlinck (1911), Rolland (1915),
France (1921), Bergson (1927), Martin du Gard (1937), Gide (1947), Mauriac
(1952), Camus (1957), Perse (1960), Sartre (1964), Bekett (1969), Simon (1985),
Xingjian (2000), Le Clézio (2008), Modiano (2014).1901 Mỹ đứng thứ
nhì với 13 giải văn chương Nobel trong tổng số 353 giải Nobel thuộc nhiều lĩnh
vực: Lewis (1930), O’Neil (1936), Buck (1938), Eliot (1948), Faulkner (1949),
Hemingway (1954), Steinbeck (1962), Bellow (1976), Singer (1978), Milosz
(1980), Brodsky (1987), Walcott (1992), Morrison (1993).
Cũng trong
suốt một thế kỷ văn học với giải Nobel này thì Anh được 7 giải, Đức được 6
giải, Liên Bang Sô Viết được 4 giải và trong số 4 giải này thì riêng Nga chỉ
được một giải của Ivan Bunin năm 1933.
Như vậy,
yếu tố nào đã khiến Mỹ là kẻ “ăn sau chạy dọi” lại tạo được một ưu thế văn
chương như thế? Các nhà nghiên cứu văn học thế giới đưa ra nhiều luận điểm khác
nhau về câu hỏi này. Nhưng tựu trung có những điểm chính sau đây:
- Về văn hóa: Mỹ là
một quốc gia hợp chủng nên văn hóa Mỹ là một văn hóa hợp chủng. Sự “thuần nhất”
của Mỹ lại chính là sư đa dạng và sự dung hợp tất cả mọi khuynh hướng đa dạng
và khác biệt đó thành một sức sống mới mang tính thực tế, nặng lý tính và mày
vẻ cá nhân. Mỹ không có một hệ thống triết lý dân tộc riêng, nhưng lại là một
môi trường thuận lợi để “tập đại thành” và dung hóa những trào lưu triết học và
văn học thế giới để tạo thành một triết lý “Duy Mỹ” (Americanism, chứ không
phải Aestheticism).
- Về văn nghệ: Hoàn
toàn tự do trong sáng tạo. Người nghệ sĩ không bị khống chế bởi bất cứ những
tiêu chí, yêu cầu hay chỉ đạo nào ngoài chính tài năng, tư duy và sự chọn lựa
của riêng mình. Chỉ có người thưởng ngọan nghệ thuật, độc giả và thời gian là
sự thử thách ghê gớm nhất đối với người nghệ sĩ; là thước đo, là sự đánh giá
chuẩn xác nhất giá trị của tác phẩm nghệ thuật.
Từ xa, nhìn
về tổ quốc, bất cứ đứa con Việt Nam
tha hương nào cũng mang nhiều ước vọng cho một tương lai tươi sáng của quê cha
đất tổ mình. Có những hiện thực mà khi còn ở quê nhà mình mặc nhiên chấp nhận,
nhưng khi sống ở xứ người, tiếp cận với những nhóm dân tộc khác, lại trở thành
câu hỏi. Mấy ai đang ở trên quê hương lại tẩn mẩn băn khoăn tự hỏi: “Ta là ai
giữa vùng đất nầy?” hay “Ta là người Việt Nam, có nề nếp suy tư, có phong cách
cuộc sống khác với những người Tàu, Tây, Nhật, Thái, Miên, Lào, Nga, Mỹ...
quanh ta như thế nào?” Văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam đang nhạt
dần trước nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải dấn thân, phải điều chỉnh, có khi phải
đồng hoá hay bị đồng hoá với xã hội mới để sống còn. Duy nhất chỉ còn ngôn ngữ
và văn chương là những thành lũy Việt Nam còn đứng vững được để xác lập,
để định nghĩa Ta-Việt-Nam là ai và Việt-Nam-Ta là gì!
Dòng văn học học hải ngoại, do đó, không chỉ là một hình
thái tiêu khiển, một món ăn tinh thần như khi còn ở quê nhà mà còn là một “căn
cứ địa” cuối cùng của bản sắc Việt Nam cho hôm nay và cho thế hệ tương lai
trong mối tương quan đa chủng tộc và giữa lòng thế giới.
Một cách vô
hình trung, văn chương Việt Nam
có hai dòng văn học: Dòng văn học Quê Nhà và Dòng văn học hải ngoại. Nhận định
tổng quan về yếu tính của hai dòng văn học, ông Hoàng Hải viết trong báo Thế Sự
(09-2013) rằng: “Thực tế và kinh nghiệm
Việt Nam qua cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ nhất trong lịch sử thế giới
cận đại là cả một gia tài tư liệu khổng lồ và cảm hứng chất ngất cho giới văn
bút Việt Nam. Thế nhưng đã 40 năm trôi qua mà vẫn chưa có một tác phẩm văn
chương nào phản ánh hiện thực lịch sử và đất nước, con người Việt Nam xứng đáng
mang tầm cỡ quốc tế. Dòng văn học nội địa có vẻ như thiếu bắp thịt để xiển
dương nội lực cho sự hình thành một tác phẩm văn chương gây được sự hâm mộ của
cộng đồng văn bút quốc tế. Còn dòng văn học hải ngoại thì dường như bị thiếu
máu nên phần lớn những tác phẩm văn thơ ra đời kể lể than van bao sự cố đã
thành cố sự, chưa gây được sự chú ý của giới văn bút Âu, Mỹ... Nếu đem so với
những nhà văn, nhà thơ thế giới đã chiếm được hay được đề bạt giải Nobel thì
giới văn bút Việt Nam ta lại vừa gần vừa xa: Gần vì cũng có tài năng văn chương
như ai; nhưng xa vì phần lớn viết theo kinh nghiệm ‘khôn vặt’ dễ dãi hơn là sự
từng trãi đi xa hiểu rộng kết hợp với nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu khách quan và
có hệ thống giáo khoa cơ bản.”
Theo dõi
sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước và ngoài nước, bên cạnh giới văn nghệ
đàn anh phần đông đã mỏi mệt, hoặc đang sống bằng ảo ảnh một thời vang bóng,
sáng tác cầm chừng theo trung bình chủ nghĩa, thì giới văn bút trẻ thuộc thế hệ
đàn em sau chiến tranh Việt Nam đang vươn lên. “Lực lượng sáng tác” thật sự có
tài năng là điều quan trọng cốt lõi đã đành, nhưng khung cảnh và hoàn cảnh sáng
tác cũng đóng một vai trò thiết yếu để cho những tác phẩm văn chương lớn ra
đời. Trong nước, ai chịu trách nhiệm về khung cảnh và hoàn cảnh sáng tác hiện
tại? Ngoài nước, khung cảnh sáng tác mang tính tự phát nên mỗi con người văn
nghệ chịu trách nhiệm với chính mình trong sáng tạo.
Và đấy cũng
chính là ước vọng cháy bỏng của kẻ di dân thời hậu chiến, vì hoàn cảnh phải
sống tha hương nhưng luôn luôn quay quắt đi tìm lại gốc gác của mình. Họ đã
trộn lẫn chất liệu từ một quê hương xa cũ trên vùng đất của tổ tiên, kết hợp
với tri thức và kinh nghiệm của những gì đang sống để sáng tạo. Những nhà văn,
nhà thơ Việt Nam
hiện đại ở quê nhà và rãi rác trên khắp năm châu đã và đang trải qua nhiều hoàn
cảnh và kinh nghiệm sống thực khác nhau. Nhưng trong sáng tạo, một nghệ sĩ chân
chính dù đang ở trên quê hương hay trở thành công dân nước khác vẫn có sự gắn
kết thiết thân với quê hương nguồn cội của mình như trường hợp Joseph Brodsky
(Nobel 1987) từ Nga qua Mỹ, Elias Canetti (Nobel 1981) từ Bungary qua Anh,
Czeslaw Milosz (Nobel 1980) từ Ba Lan qua Mỹ, Cao Hành Kiện (Nobel 2000) từ Tàu
sang Pháp, V.S Naipaul (Nobel 2001) từ Ấn qua Anh...
Văn chương khác với kinh tế và kỹ thuật vì không có hiện
tượng phồn vinh đột biến. Không thể có
người tháng trước làm thơ con cóc, bỗng tháng sau thi tài phát tiết như Nguyễn
Du trong văn chương. Sáng tạo văn chương là một quá trình tiệm tiến. Những nhà
văn lớn đều lấy thời gian cả cuộc đời mình để vun đắp cho bề dày, bề cao và bề
rộng của sự nghiệp văn chương.
Bởi vậy khi
nói đến một viễn ảnh về giải văn chương Nobel cho giới văn bút Việt Nam khó mà
khẳng định thời điểm và con người. Trong 40 năm qua của thời hậu chiến Việt Nam , chúng ta
chưa có một nhà thơ hay nhà văn nào là đương kim “siêu sao văn chương” cho thế
giới người Việt, nói chi đến viễn ảnh xa xôi của thế giới con người.
Người Việt
vẫn thường tự hào mình là một dân tộc thi ca. Mong rằng, “Viễn Ảnh” tuy mơ hồ,
nhưng là niềm hy vọng chứ không phải là ảo tưởng.
Sacramento, Mùa Thu Nobel 8-10-2015
Trần Kiêm Đoàn