VỀ HUẾ
THƠ PHẠM BÁ NHƠN
NHẠC VÕ CÔNG DIÊN
TIẾNG HÁT BẢO YẾN
beta.nhaccuatui.com
Tôi nhận được bản thảo tập thơ “Nguồn Cội” của Phạm Bá Nhơn vào những ngày cơn bão số 9 đã càn quét qua một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Lũ đang rút, bão đã tan, nhưng áp thấp nhiệt đới thì vẫn còn khiến thời tiết thành phố nơi tôi ở lúc nào cũng ẩm ướt với màu trời xám xịt và bất chợt có những cơn mưa vắt ngang qua những hàng cây u buồn trút lá xuống mặt đường xao xác gió.
Trong thời tiết ngậm ngùi ấy tôi đã ngồi đọc suốt tập thơ dày hơn 200 trang trên khổ giấy A4 của Phạm Bá Nhơn trong tâm trạng của một người nhìn những thảm lá bay về cội và chợt thương những đời lá cứ chờ đến lúc mưa dông gió giật để lìa cành. Và thật bất ngờ làm sao trong tập thơ khá đầy đặn của Phạm Bá Nhơn lần này, tôi cũng nhặt ra được những bài thơ nói về những chiếc lá rơi về nguồn cội trong những ngày cuối thu, trong hồi ức về cha, về mẹ, về quê hương thơ ấu và trong cả kỷ niệm tình yêu với những mối tình đã đi qua trong đời anh, để hình thành những thảm lá vàng đầy ám ảnh, tuyệt vời trong mỗi hoài niệm, vô cùng lãng mạn và hạnh phúc. Trong đó tất nhiên có những đời lá không theo chu kỳ, thời tiết, quy luật để rơi về cội mà đã bị gió cuốn tơi bời, bay tan tác trong bão lũ nơi quê anh.
So với tập thơ trước, tập thơ “Nguồn Cội” lần này của Phạm Bá Nhơn có cái nhìn trầm tĩnh, sâu lắng hơn ở mọi góc cạnh mà anh đề cập. Nhiều bài thơ đầy tâm trạng của một người luôn khắc khoải về quê hương, nguồn cội, về một thời thơ ấu cơ cực, cái tuổi thơ đối với những người khác thì rất lãng mạn, đẹp một cách bềnh bồng nhưng sao đối với Phạm Bá Nhơn luôn mang nặng và ám ảnh của một thời gian khó, cay nghiệt. Nhưng Phạm Bá Nhơn không oán trách, mà chỉ nhắc nhở như một kỷ niệm khó quên để rồi cũng chính trong những vần thơ ấy cho thấy một con người đã đứng lên, vượt qua số phận và đĩnh đạc bước vào đời để trưởng thành.
Xuyên suốt trong tập thơ, cái ý tưởng “về với nguồn cội” vẫn đậm nét qua những bài thơ khi Phạm Bá Nhơn nói về hình ảnh người cha, người mẹ và một thời gian khó rất đời thường như bao người cha, người mẹ khác của chúng ta, trên quê hương đất nước trải qua chiến tranh, bom đạn đầy tai ương, gian khổ nhưng vẫn hiên ngang đứng lên, không chỉ có thế mà còn nuôi dưỡng, dạy dỗ những người con thành đạt và không quên cội nguồn. Hình ảnh người cha, người mẹ ấy vừa rất riêng biệt của Phạm Bá Nhơn, nhưng đồng thời cũng rất chung, giống như hình ảnh người cha, người mẹ của chúng ta luôn bắt gặp ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải chăng Phạm Bá Nhơn đã nhận rõ đó là bóng mát và đó cũng chính là “nguồn cội” của mình?
Tôi xin hẹn một mai về Quảng Trị
Thăm dòng sông bãi cát với làng quê
Thương mảnh đất một thời nuôi tôi lớn
Thủa ấu thơ hôm sớm vẫn đi về
Quảng Trị ơi quê hương và nguồn cội
Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn vơi
Làm sao quên những chiều nơi xóm nhỏ
Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời…
(Hẹn về Quảng Trị)
Trong cuộc sống của chúng ta và hình như đó là quy luật- có không ít người sinh ra rồi gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn” suốt đời mà cũng có người vì mưu sinh, vì công việc đã bỏ quê ra đi biền biệt, chân vướng vào bụi trần cho đến khi một ngày nhìn lại thì hình ảnh quê hương đổ ập về, xôn xao theo những chiếc lá và chắc chắn Phạm Bá Nhơn đã từng đi nhặt những chiếc lá rơi về cội ấy để đỡ nhớ quê hương.
Chuông đổ trên chùa vang ngõ vắng
Vọng về lay động tấm lòng tôi
Khuya nay phố cũ say trong mộng
Tiễn bóng trăng đêm lặn cuối đồi
Ai trên những chuyến xe qua vội
Có chở theo về những sớm mơ
Thương người nhặt lá bên hè vắng
Khuất dưới làn sương bóng mập mờ…
(Đêm thu thị trấn)
Phạm Bá Nhơn cũng có những lúc rất lãng mạn và hào sảng khi mượn hình ảnh những người uống rượu bên hồ để nói lên tâm trạng của mình. Đó là tâm trạng của người “xa xứ” trong một lúc nào đó bỗng bàng hoàng nhớ lại hình bóng quê nhà rất xa mà cũng rất gần gũi trong tâm trạng và hình ảnh của người “say” men rượu bên hồ và “say” cả một bóng hình lồng lộng của quê hương khi phảng phất cơn gió heo may.
Cũng có kẻ đang ngồi bên chum rượu
Giữa trời quê phảng phất gió heo may
Phút tĩnh lặng lòng, gửi người xa xứ
Sợi tơ trời tháng tám lửng lơ bay
Để ta nhớ và mảnh hồn bốc cháy
Theo hơi men rớt xuống ở bên hồ
Trưa dưới quán cạn dần chum rượu cũ
Ngất ngây say thương nhớ cánh đồng khô…
(Gởi người uống rượu bên hồ)
Với quê hương là như thế, còn với tình yêu? Phạm Bá Nhơn cũng không thể thoát khỏi cái lưới tình đã chụp xuống đời anh và để lại một dấu ấn sâu đậm giống như vết dao khắc trên những thân cây. Theo thời gian mọi thứ có thể thay đổi, cây có thể rụng hết lá rồi chết đi, trơ cành nhưng trên thân gỗ mục vẫn con in đậm vết khắc ấy và anh đã có một chút triết lý về thời gian và khoảng cách, tất nhiên ở giữa là một mối tình nào đó đã mất mà còn rất sâu nặng trong từng câu chữ mênh mang.
Em có biết thời gian và khoảng cách
Đã làm ta xơ xác héo hon gầy
Thời gian ơi sao không là một thoáng?
Khoảng cách đời đo đủ những gang tay
Em đã đến ru hồn ta ngây ngất
Cho ta say thiếp lặng với bao ngày
Hãy quay lại lay tấm lòng động đậy
Dù một lần rồi vội vã đi ngay…
(Thời gian và khoảng cách)
Qua tập thơ “Khung trời mây trắng” lần trước và “Nguồn Cội” lần này tôi bắt gặp lại một Phạm Bá Nhơn vẫn sâu nặng trong cõi lòng mình hình bóng người mẹ, người cha. Hình như trong sâu thẳm đáy lòng anh luôn có hình bóng của bóng mát một quê hương yêu dấu, có một tình yêu lãng đãng hoài niệm đằm thắm và rõ nhất là hình bóng người mẹ, người cha đi theo anh từ những bước chân từ thuở thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Dù đường đời luôn gập ghềnh, khúc khuỷu, chông gai và đến khi đã thành đạt, hình ảnh ấy vẫn luôn hiện diện, như là chỗ dựa tinh thần để anh vươn lên. Còn khi đã trưởng thành, được sự nghiệp thì là nơi để anh nhớ về, đó là “nguồn cội”. Phạm Bá Nhơn làm thơ không phải chỉ để làm thơ, hay chỉ là một nhà thơ, mà anh còn là một người con có hiếu, anh mượn thơ và qua thơ để nói về mẹ, về cha bằng những hình ảnh thật phong phú trong thơ và đáng trân trọng.
Đôi bàn tay của mẹ
Nâng nhẹ cả đời con
Mười ngón tròn xinh xắn
Theo năm tháng héo mòn
…
Ôi bàn tay mầu nhiệm
Thương bao nét dịu hiền
Giữa lòng con hiển hiện
Những ngón vẫn còn nguyên.
(Đôi bàn tay mẹ)
Hoặc
Người về biền biệt nơi đâu
Đường kim múi chỉ từ lâu bạc màu
Khăn xưa cha đội trên đầu
Thương bàn tay mẹ ngồi khâu bên chồng
Đã qua một thuở mặn nồng
Nay khăn đóng cũ vẫn cùng với ta…
(Chiếc khăn đóng của cha)
Trên bước đường doanh nghiệp của anh, qua những trang thơ “Nguồn Cội”, Phạm Bá Nhơn như đang trút hết những nỗi niềm sâu thẳm và được toát ra từ trái tim mình. Thỉnh thoảng người đọc cũng vẫn bắt gặp những ý tứ trùng lắp hay những ngôn từ mộc mạc đơn sơ, có lẽ đã xuất phát từ những mạch nguồn tích tụ đến độ tuôn trào.
TỪ KẾ TƯỜNG