Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 14, 2021

ĐỀN THỜ TỐNG TRÂN - CÚC HOA Ở PHÙ CỪ, HƯNG YÊN - Đặng Xuân Xuyến

 


ĐỀN THỜ TỐNG TRÂN - CÚC HOA Ở PHÙ CỪ, HƯNG YÊN

 

Tục truyền rằng, vào thời nhà tiền Lý (bia Văn Miếu ở Hưng Yên ghi là thời Trần) ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có một người họ Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, lấy vợ người xã Phù Oanh cùng huyện Phù Dung, tên là Đào Thị Cuông. Vợ chồng sống rất nhân từ, hay làm điều thiện... nên nhà Trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Mang thai 11 tháng, bà Đào Thị Cuông mới sinh một cậu bé khôi ngô, tuấn tú vào ngày rằm tháng Tư năm Bính Ngọ.

 

Lên 3 tuổi, Tống Trân đã rất giỏi âm luật, cha mẹ rất yêu thương nên đặt tên là Trân. Lên 5 tuổi, Tống Trân đã có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười, trên từ thiên văn, dưới đến địa lý đều am hiểu tinh tường.

 

Khi Tống Trân cùng mẹ lang thang hành khất, đến Sơn Tây vào một gia đình trưởng giả giàu có ăn xin, được Cúc Hoa (con gái ông trưởng giả) đem lòng yêu mến vì tài đối đáp thông minh của Tống Trân. Ba người đưa nhau trở về quê hương làm ăn.

 

Đến năm Tống Trân 7 tuổi vua Lý Nam Đế mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài và đến ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, ông đỗ Trạng Nguyên. Vua khen rằng: Kẻ sĩ cả nước chỉ có một Tống Trân là tướng tài mà không có người thứ hai.

 

Ngày mồng 10 tháng 4, vua ban cho cờ biển, một nghìn vuông gấm và mười đĩnh vàng cho về vinh quy bái tổ.

 

Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng xã trong một tháng, rồi cưới nàng Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân làm nhà ở làng Phù Oanh, cho vợ trông coi rồi trở lại kinh thành. Được ba tháng, vua cử ngài đi sứ sang Bắc quốc. Vua Trung Quốc dùng đủ mọi cách để thử tài Tống Trân, nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí. Vua Trung Quốc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm "Lưỡng quốc trạng nguyên". Vua Tầu muốn gả con gái cho nhưng Ngài từ chối, vì thế bị giam vào chùa Linh Long trong một trăm ngày, không cho thức ăn, nước uống. Tại đây, ông đã nảy ra sáng kiến bẻ ăn tượng phật (được làm bằng chè lam để thử tài trạng nước Nam) và uống nước lã, nên một lần nữa, vua Tàu phục tài bèn phong làm "Phụ quốc thượng tể Đẩu Nam Tống đại vương".

 

Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đang bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn thủy chung với mình, khen Cúc Hoa đủ tam tòng, tứ đức, thực là nữ trung Nghiêu, Thuấn. Tống Trân đón vợ về, cùng nhau đoàn tụ. Vua biết chuyện, đã phong cho Cúc Hoa làm "Quận phu nhân".

 

Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương, có vời Tống Trân ra làm "Phụ chính đại thần". Được hơn mười năm, Tống Trân ngoài 60 tuổi, mới dâng biểu cao quan về quê dạy học. Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng bệnh đau bụng, ba hôm sau thì mất (ngày 3 tháng 3). Năm năm sau, Tống Trân bị chứng bệnh "mã đao" (hạch ở cổ) và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi.

 

Ngài được phong sắc "Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương" và về sau được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần".

 

Theo quy định hàng năm, lễ hội làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, trong đó ngày 13 và 14/4 là ngày hội chính. Ngày 13/4 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng. Trong ngày chính hội (tức ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi. Và đến ngày 16/4 lại rước kiệu về các đình, đền, chùa để an vị. Ngày 17/4 làm lễ bế hội. Lễ hội đền Tống Trân là một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ.

 

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006). 

Bài nhận được từ email: <baothang_xuanxuyen@yahoo.com.vn> 

 

 

READ MORE - ĐỀN THỜ TỐNG TRÂN - CÚC HOA Ở PHÙ CỪ, HƯNG YÊN - Đặng Xuân Xuyến

GIỌT CẠN - MacDung đọc thơ Titi Dang

 



GIỌT CẠN

MacDung đọc thơ Titi Dang


Men cay như chất xúc tác gợi lên cảm hứng cho thi nhân, có khi chỉ làm nền mô tả cảm giác phẫn uất xung thiên! Nhưng cũng có loại men ẩn tàng trong chất tứ, đọc rồi cứ lâng lâng như vừa nốc cạn tửu hồ… Men say tột cùng hiện hữu, truyền cảm nhận đến người thưởng thức như chính ta đang uống, chia sẻ cùng thơ như hòa làm một.


Không phải thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương đã từng thốt:

“Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?...”

Nhưng có một chất rượu lưu ly không bằng men say, lại được ủ kĩ trong sắc tứ thời gian lịm chết con tim. Tác giả Titi Dang đã làm nên điều này qua thi tác:


KÝ ỨC


Nghiêng ly...

cạn giọt Xuân thì

Đông...

vương ký ức

bờ mi đọng sầu

Hạ...

vàng úa nỗi niềm đau

Rụng từng sợi nhớ...

nhạt nhàu...

Thu trôi...!


22.02.2020

TT-Thanh Trước


Xuân Thì vốn quý báu như ngọc. Ai cũng từng ngồi tiếc nuối một thời Xuân sắc hao gầy qua tháng năm! Thế nhưng dòng rượu sóng sánh như mật ngọt có khi chứa nỗi đau thời đã đánh mất, rồi mọi cái hóa thành chất men cay thấm đẫm buồn trôi qua cổ. Ly nghiêng, tất rượu sẽ sóng sánh màu – Màu của ký ức buồn nhiều hơn vui. Nếu nói vui, ai cũng muốn tìm đến sự chia sẻ thay vì ngồi nốc cạn từng giọt say với thời gian… Nghiêng ly uống, nhưng mắt liếc vào đáy, nhìn từng dòng rượu chảy ngược vào miệng, tận hưởng cả chất lẫn lượng từ từ thực hiện chuyến đi chôn sâu nỗi đau trong quá khứ! Cảm giác tuyệt sầu này, thử hỏi mấy ai từng một lần thực chứng trong cõi cô độc!?


Rượu cạn, giọt sẽ tạo ra trên đáy cốc… Vài hạt từ từ lăn xuống trả lại không gian trống vắng. Cách cạn giọt từ tác giả Titi Dang tạo lên hình ảnh tập trung vào ly rượu nhiều hơn người thưởng thức chất men. Câu đầu của Ký Ức sống động lạ thường bởi sự quan sát từ người uống đối chiếu với hình tượng giọt rượu lăn nhẹ, trôi tuột vào miệng một cách lạnh lùng xa vắng… Nghiêng ly cạn giọt Xuân thì!


Vương mang, luôn luôn rối bời với nỗi buồn thay vì buông bỏ! Lý luận nhà Phật cho rằng biết buông bỏ mới có thể tìm đến An Lạc. Nhưng thật ra Biết chưa đủ!? Buông bỏ Được mới là cảnh giới thấu triệt Vô Thường. Thử hỏi, về lý luận là vậy, nhân sinh mấy ai Buông Bỏ Được? Nếu thật sự đắc ngộ chân lý dễ dàng như thế thì nhà chùa không mọc lên! Cuộc sống không rối bời… Và những vần thơ buốt lòng không còn cơ hội để sinh ra…


“Vương vương” có nghĩa vướng mắc, dính vào, là một động từ kết hợp nghĩa với tính từ “mang mang” bằng mênh mông, mịt mù, cho ra từ ghép Vương Mang. Một khi đã vướng vào ký ức mịt mù trong cô đơn sẽ cho ra cảm giác lạnh lẽo khi xung quanh không lấy ai bầu bạn. “Cái ác” của tác giả Titi Dang đã sắp xếp ngữ cảnh rơi vào mùa Đông trong hoàn cảnh bản thân đang run lên vì lạnh – cảm nhận từ nỗi cô đơn. Thế là buồn và cực lạnh đã khiến cho lệ đọng long lanh mi. “Đọng” ở đây không phải chảy thành dòng mà chỉ ứa ra trong cố kiềm chế nhưng… bất thành! Ngữ cảnh chợt hiện sáng tâm ý cần thể hiện: “Đông... vương ký ức, bờ mi đọng sầu…”


Trong nắng Hạ mưa buồn bất chợt. Tâm trạng con người với bao khắc khoải cũng biến thiên theo thời tiết. Nắng vàng của Hạ óng ánh nhưng chỉ trong chốc lát mây đen phủ mù, cơn mưa có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mùa Hạ mang cả một ký ức đẹp nhất tuổi ấu thơ thời áo trắng, chia tay một niên học. Bao kỷ niệm cũng bắt đầu từ đây với ba tháng hè rong ruổi vui chơi với bè bạn trang lứa…


Mùa Hạ của Titi Dang úa nhàu những ký ức, ẩn sâu bao nỗi buồn – Niềm nhớ chỉ để nhớ, không phương vãn hồi. “Hạ… vàng úa nỗi niềm đau”, như ban cho nét buồn một linh hồn, và niềm đau còn vương sự sống ấy đang thoi thóp từng nhịp trong nắng Hạ cuối cùng…


Ẩn sâu trong nỗi buồn được cân đo đong đếm trên từng sợi tóc bạc màu thời gian. Từng sợi, từng rợi rụng… Từng ngày, từng ngày trôi… Chứng kiến sự thay đổi hiện thực nhưng ký ức còn mãi lưu dấu. Câu cuối Ký Ức như dòng chảy qui luật quá khứ, có dùng dao cắt đoạn như nhà thơ Lý Bạch nói: Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu (Rút dao cắt nước, nước càng chảy)… Nỗi sầu là còn mãi… “Rụng từng sợi nhớ nhạt nhàu Thu trôi…!”


Trong tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, tác giả Titi Dang sử dụng cách đối chiếu phá vỡ trật tự đầy ẩn ý. Thay vì theo trình tự Xuân đối với Hạ, trong bốn câu Ký Ức mùa Xuân đầy sức sống lại bị đẩy vào thế đối đầu với Đông lạnh lẽo. Từ đó đẩy Ký Ức vào nét Bi, thể hiện tâm trạng tác giả, và người đọc bị kéo vào ngữ cảnh thê lương khi thưởng thức toàn bài.


Bốn mùa trong Ký Ức hầu hết thể hiện ở cuối mỗi thời. Trong lý luận ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; khi ứng vào tứ thời gian: Mộc thuộc Xuân, Hỏa thuộc Hạ, Kim thuộc Thu, Thủy thuộc Đông. Vậy còn hành Thổ ở nơi nào? Tiết khí và âm dương cổ lịch quy định cách gọi 3 tháng trong mỗi mùa là: Mạnh = đầu, Trọng = giữa, Quý = cuối. Mỗi mùa có 3 tháng, vậy Quý của mỗi mùa thuộc hành Thổ (tháng cuối). Ứng việc này vào thi tác cho thấy hầu như qua 4 câu thơ, tác giả Titi Dang luôn chọn hành Thổ trong tứ thời để thể hiện. Hành Thổ lại là trung hòa trong ngũ hành, bởi Thổ chứa đựng 4 hành còn lại… Gom tất cả ngũ hành, tác giả Titi Dang đã cho ra một Ký Ức thật buồn, thật khó tả xiết…!


Ký Ức ai cũng có, nhưng… Ký Ức của Titi Dang đang ban phát hào sảng cho nhiều bạn đọc khắp nơi thưởng thức. Tin rằng còn nhiều thi tác sẽ sớm ra mắt phục vụ cho khách yêu thơ, bởi một nữ nhân say thơ nhiều hơn bất cứ thứ gì hiện hữu trên cõi tục trần…


Chúng ta hãy cùng nhau:

“NGHIÊNG LY CẠN GIỌT XUÂN THÌ..."


VL – 12.6.2020

MacDung


READ MORE - GIỌT CẠN - MacDung đọc thơ Titi Dang

LÀM RỂ - Thơ Trần Đức Phổ

 


Làm Rể


Thuở ấy qua còn khờ khạo lắm
Tuổi mới đôi mươi chửa biết gì
Mẹ bảo sang nhà em ở rể
Dùng dằng rồi cũng phải ra đi

Gặp ông bà nhạc, chao ôi! ngượng!
Lúng búng trong mồm những dạ, thưa
Em bưng khay nước ra mời khách
Cúi mặt nhưng mà mắt liếc qua

Trông em nhỏ nhắn như con nít
Tuổi chừng mười sáu hoặc mười lăm?
Tóc hoe màu nắng, hai con rít
Khẽ đong đưa đều theo bước chân

Ngày đầu làm rể đi tát nước
Gàu sòng hai đưa tát ven sông
Bầy chim chiền chiện đua nhau hót
Lúa thì con gái ngút xanh đồng

Nghỉ mệt em mời qua giải khát
Khúc mía to đùng màu tím than
Tinh nghịch nhìn qua cười trong mắt:
“Anh xiết giùm cho, cứng khó ăn!”

Đêm đó lạ nhà không ngủ được
Ra hè đốt thuốc nghĩ vu vơ
Con trai làm rể đủ ba bữa
Được vợ xem ra cũng mệt phờ!


tranducpho
READ MORE - LÀM RỂ - Thơ Trần Đức Phổ

“CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ VỀ CẤU TỨ - Đỗ Anh Tuyến

 



CHẤP CHỚI

          

Có người líu ríu theo chồng

Buông lơi lời hát

Bỏ ngày xuân ngăn ngắt

Thúc nhịp trống dồn...

 

Se sắt buồn

Ơi người “xe chỉ luồn kim”

Ơi người nhớn nhác đi tìm

Đầu ghềnh cuối bãi

Lời xưa có còn mê mải...

 

Tìm ai...

Kìa ai...

Lừng chừng câu hát

Gió gằn ràn rạt

Trời mưa...

Chấp chới cánh diều.

*

Làng Đá, 21 tháng 04.2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


LỜI BÌNH:

 

Phải nói thẳng Chấp Chới chưa phải là một bài thơ hay, mà chỉ là một bài thơ khá, trên mức trung bình. Thế nhưng, tôi lại thích bài thơ này bởi lối viết hiện đại và cái khác lạ về cấu tứ của bài thơ.

Mới làm thơ được vài năm nhưng thơ của Đặng Xuân Xuyến đã tạo được nét riêng, thường ngắn gọn, súc tích, tiết tấu nhanh, tứ thơ mới, khẩu khí mạnh, ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh và dễ cảm, nhất là ở thể thơ tự do. Thế nhưng ở bài thơ này những nét đặc trưng đó hầu như đã biến mất, thay vào đó là sự khác lạ, hư hư ảo ảo, khó hiểu.

Ta thử thưởng thức Chấp Chới như cách vẫn thường cảm thơ.

Khổ thơ thứ nhất:

Có người líu ríu theo chồng

Buông lơi lời hát

Bỏ ngày xuân ngăn ngắt

Thúc nhịp trống dồn...

Mở đầu khổ thơ, tác giả bâng quơ kể: “Có người líu ríu theo chồng”, sang câu 2, câu 3, rồi đến câu 4, vẫn tiếp dòng tự thán, tự kể, rất bâng quơ... tuy vậy, tác giả cũng vẽ nên một bức tranh đẹp, với những hình ảnh gợi cảm và giàu nhạc điệu. Hình ảnh người con gái “líu ríu”, “buông lơi lời hát”, bỏ lại “ngày xuân ngăn ngắt” vội sớm lấy chồng được phác họa với tiết tấu nhanh, thái độ bâng quơ, và sự không rõ ràng về đại từ nhân xưng khiến người đọc tuy “cảm” được thơ nhưng không hiểu được cấu tứ thơ nên chưa thật sự “khoái”, chưa thật sự “thích”.

Sang khổ thứ 2:

Se sắt buồn

Ơi người “xe chỉ luồn kim”

Ơi người nhớn nhác đi tìm

Đầu ghềnh cuối bãi

Lời xưa có còn mê mải...

Vẫn là những lời bâng quơ, tự thán, tự kể về mối tình trai gái, không đẩy cảm xúc thành cao trào, cứ hờ hững, trôi xuôi mà cũng chẳng mấy ăn nhập với tâm trạng ở khổ thơ đầu. Tiết tấu thơ chậm, dàn trải, không rõ đại từ nhân xưng, dẫu khiến tâm trạng người đọc bảng lảng, buồn mang mác đấy nhưng vẫn “không khoái”, “không thích” vì khó “bắt” tứ thơ.

Sang khổ 3, khổ kết của bài:

Tìm ai...

Kìa ai...

Lừng chừng câu hát

Gió gằn ràn rạt

Trời mưa...

Chấp chới cánh diều.

Nhịp thơ trầm, lắng, cảm xúc dâng trào, được đẩy lên với sự thúc giục, thảng thốt, của nghẹn ngào nước mắt, của “chấp chới cánh diều” giữa “trời mưa” nặng hạt, “gió gằn”... nhưng người đọc vẫn khó “nắm” được tứ thơ dù khổ 3 có cái kết như một triết lý sống, như một mệnh đề để kết thúc bài thơ như vẫn thường thấy. Đến đây, dù đã đọc xong bài thơ, vẫn thấy mơ hồ, vẫn chưa thể nhận rõ ra “ai” với “ai” và tác giả “gửi gắm” những gì ở bài thơ này. Vì thế, bài thơ tạo cảm giác hư hư ảo ảo, lâng lâng, khó hiểu.

Mới đọc, dễ có cảm giác Chấp Chới như được ghép thành từ 3 bài thơ, với 3 cách nhìn ở 3 tâm trạng khác nhau, không có sự liên kết hoặc sự liên kết lỏng lẻo vì khó “bắt” được tứ thơ. Người không tinh sẽ bảo bài thơ bị tản vì tứ thơ bảng lảng như sương mù, không (có) rõ, thậm chí nếu khó tính còn hạ bút phê là thơ viết vội, không có tứ, nhưng thực ra bài thơ này viết theo lối mới, hiện đại: dùng tâm trạng và nhạc điệu để vẽ lên tứ thơ (tứ kín) nên tứ tập trung vào từng khổ thơ, tứ chỉ để phục vụ cái tâm trạng của nhà thơ, của người đàn ông đang đau khổ trước sự đổ vỡ của tình yêu đôi lứa. Đây là cách viết táo bạo, hơi liều, bởi nếu viết không khéo sẽ dễ bị “cảm” là viết ẩu, viết không tới. Là cây bút mới (về thơ), không nên dại dột thử sức như thế này, cho dù như anh tâm sự trên trang facebook là “mượn thơ chỉ để giãi bày tâm sự”.

Tóm lại, Chấp Chới là bài thơ có tâm trạng, có hình tượng, có nhạc điệu, chuyển cấu tứ rất nhanh nhưng đọc Chấp Chới phải thật tĩnh tâm, nhắm mắt để thả hồn theo ý thơ, nương theo mạch thơ thì mới cảm được hồn thơ. Nếu đọc Chấp Chới theo lối truyền thống, có vào đề, đến nội dung, rồi kết thúc như xưa nay thì khó “cảm” được bài thơ này.

Vài lời cảm nhận cá nhân khi đọc bài thơ Chấp Chới, có gì bất cập mong được bạn đọc, nhất là các nhà thơ, nhà phê bình văn học chiếu cố, đại xá cho kẻ hậu sinh “múa rìu qua mắt thợ”.

*.

Thanh Nê, chiều 26 tháng 04.2017

ĐỖ ANH TUYẾN

Địa chỉ: Thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

 

READ MORE - “CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ VỀ CẤU TỨ - Đỗ Anh Tuyến

ĐOÁ CÚC KHÔNG ĐỢI MÙA THU – Thơ Trần Mai Ngân


 

ĐÓA CÚC KHÔNG ĐỢI MÙA THU...
 
Mới đầu hạ thôi mà...
Có cánh Thiên Di bay lạc về trời
Bay trong lẻ loi cô độc
 
Trưa nay nắng đốt cháy xém góc trái tim
Những ngôn từ cúi đầu lặng im
Không thốt lên cho nhau được nữa...
 
Một đóa cúc không đợi đến mùa thu
Vội vã dâng sắc hương lần cuối
Những giọt nước mắt như sương đêm tưới tẩm
Từng cánh, từng cánh hoa run lên... không thể nào giữ mãi...
 
Trưa hôm nay nắng cháy
Trời xanh lắm nhưng đám mây tang đứng lại
Trắng cả trời... trắng cả hồn tôi
Thì thôi! Thì thôi...
Hoa Cúc ơi... không đợi mùa Thu... em cứ nở!
 
Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐOÁ CÚC KHÔNG ĐỢI MÙA THU – Thơ Trần Mai Ngân