Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 24, 2017

VĂN VẬT XỨ KẺ DIÊN - Phạm Xuân Dũng


 Bên dòng Ô Lâu. Ảnh Phạm Đình Quát


 Văn vật xứ Kẻ Diên
                    Phạm Xuân Dũng

Nằm dọc theo con đường thiên lý Bắc - Nam và cạnh các con sông Ô Lâu, Vĩnh Định, mảnh đất Hải Lăng từ lâu đã được biết đến là vùng quê địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh những danh sĩ, lương thần phò vua giúp nước, những con người tài hoa, mẫn tiệp làm rạng rỡ quê hương xứ sở. Tất cả luôn ẩn hiện trong trầm tích lịch sử văn hóa sâu dày xứ Kẻ Diên.
Kẻ Diên tức Diên Sanh ngày xưa nay đã trao lại tên mình cho thị trấn Diên Sanh, huyện lỵ huyện Hải Lăng ngày nay vẫn được gọi tên là miền gió cát. Nhưng dù vậy, đây là vùng quê với nhiều cảnh vật hữu tình và mến khách đã từ lâu mời gọi bao người gần xa đến tiểu trường sa Quảng Trị. Thị trấn xinh xắn này cùng với các làng quê lân cận còn mang tên xứ Kẻ Diên, còn nhiều dấu tích xưa kia chính là căn cước văn minh hay là những vân tay văn hóa vùng miền.
Ở phía cực Nam tỉnh Quảng Trị, Diên Sanh hay nói rộng hơn là vùng đất Kẻ Diên - Hải Lăng bây giờ có một vị thế đặc biệt trong hành trình Nam tiến của cha ông. Kẻ Diên tiếp giáp với xứ Thừa Thiên, nơi có kinh thành Huế sau này, gắn liền với sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến nhà Nguyễn từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị trấn nhậm năm 1558. Đất Diên Sanh, tên cũ gọi là Kẻ Diên kéo dài từ xã Hải Thọ lên thị trấn Diên Sanh bây giờ cũng có vai trò hạt nhân quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Đình Diên Sanh, chợ cũ Diên Sanh là các công trình văn hóa vật thể còn ghi lại dấu tích trên mảnh đất được gọi là vùng lúa của Quảng Trị vốn là xứ quanh năm lam lũ theo cái ăn cái mặc từ buổi đầu lập nghiệp. Nhưng phải nói đặc sản văn hóa số một trong văn học dân gian xứ này là bài ca con gà Kẻ Diên, một tác phẩm văn chương truyền miệng có mặt trong nhiều công trình danh giá của các nhà nghiên cứu. Bài ca cũng nói về mùa xuân. Tháng giêng, tháng hai… vì quá khó khăn phải đi vay mà mua con gà mái ở chợ Kẻ Diên để mong sinh lợi. Nhưng rồi gặp vận hạn nên mất sạch đàn gà con. Ấy thế nhưng bài ca kết thúc bằng hai câu bất hủ: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Nhà thơ lớn Chế Lan Viên khi sang châu Âu dự hội thảo quốc tế các nhà văn trong những năm khói lửa trước 1975 đã chiêu tuyết bài ca Kẻ Diên. Ông cho rằng đó chính là phẩm giá tuyệt vời của Quảng Trị - Việt Nam chứa đựng một tinh thần lạc quan ngay trong những thử thách ngặt nghèo nhất. Ông còn ví con gà Kẻ Diên như con phượng hoàng lửa phổ biến trong huyền thoại của nhiều nước phương Tây, dù chết, dù bị thiêu trụi vẫn tái sinh, phục sinh, vẫn bất diệt như niềm tin đất Việt, vẫn đâm chồi nảy lộc, tạo dựng màu xanh và mùa xuân từ chính tấm lòng mình, từ khát vọng nồng cháy, từ niềm tin sắt đá về khả năng cải hóa cuộc đời này.
Xứ Kẻ Diên còn được xem là vựa lúa Quảng Trị với những cánh đồng phóng khoáng, với những sản vật nông nghiệp quen thuộc của văn minh lúa nước. Đi trên vùng quê Hải Lăng hôm nay bằng cách xuyên qua những cánh đồng làng được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười” Quảng Trị nhất là vào mùa lũ sẽ thấy làng quê đẹp như một bức tranh yên bình khi mùa xuân đang đến. Bốn bề xung quanh là chân ruộng nối tiếp chân trời thoáng đạt, những đàn vịt nhởn nhơ vô sự, ung dung bơi lội thỏa thuê, bỏ qua những buộc ràng vướng víu bàn chân. Hình như bên cạnh sự khắc nghiệt của gió cát thì vẫn nhận được nhiều ân tứ của đất trời. Tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này đủ núi, rừng, sông, biển và những cánh đồng rộng lớn, trải dài theo cả bốn hướng, xen lẫn với làng mạc quá đỗi nên thơ, gợi nên nhiều cảm xúc. Đó không chỉ là cảm giác của những người lần đầu trải nghiệm với vùng quê này mà cả với những người gốc gác Hải Lăng. Tất cả tạo nên một cảm hứng hân hoan khó tả đối với những người làm phim và cả những nhân vật trải nghiệm quê quán xứ Kẻ Diên. Cảnh vật nơi đây từ cây đa, đồng ruộng, xóm làng cứ như thể đã trở thành những neo đậu để hồn người có nơi nương tựa.
Nhưng Hải Lăng còn có sông Ô Lâu. Đây là con sông đắp bồi phù sa cho những cánh đồng nuôi sống con người, tạo lập nên những xóm làng thân thương như máu thịt trong mỗi đời người. Đoạn sông này tên gọi Ô Giang, một nhánh sông Ô Lâu đầy ắp huyền thoại nên có nhà thơ gọi đó là dòng sông tình sử. Dòng sông này đã chảy không biết qua bao nhiêu năm tháng, chứng kiến rất nhiều cuộc đời chìm nổi và cả những mối tình đã đi vào câu ca nổi tiếng gắn liền với cây đa, bến cũ hay dân gian còn gọi là cây da, bến cộ. “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/ Cây da bến cộ, còn đò khác đưa…” kể lại chuyện tình của chàng nho sinh xứ Nghệ vào kinh ứng thí, tình cờ gặp cô lái đò. Họ thương nhau, hò hẹn rồi câu chuyện không thành để lại câu ca da diết, mênh mang trên dòng sông tình sử. Chuyện cũ đã đi vào huyền thoại, ca dao nhưng cảnh vật, tên đất, tên làng vẫn còn như một minh chứng cho những tấm lòng sắt son thề non hẹn biển. Địa danh cây da bên dòng Ô Lâu mãi là một địa chỉ tình yêu ở xứ Kẻ Diên làm xao xuyến bao thế hệ người Quảng Trị đã nặng lòng với quê hương bản quán. Sông nước Ô Lâu không chỉ thuần túy là dòng chảy tự nhiên ở phương diện địa lý mà còn là ngọn nguồn văn hóa bồi đắp phù sa cho xứ sở Hải Lăng. Chỉ riêng với văn nghệ truyền khẩu, mảnh đất này đã kết tinh nên nhiều viên ngọc quý như chúng ta đã biết. Có thể nói văn hóa dân gian Hải Lăng có một nội lực thâm hậu, sâu dày và minh triết, chứa đựng nhiều điều mà đời sau vẫn phải cần tìm tòi thấu đáo. Nhân chuyện này, một người đồng hành là NGƯT, nhà thơ Võ Văn Hoa còn muốn chiêu tuyết cho câu tục ngữ nói về “trai Cổ Lũy, đĩ Trung Đơn”. Theo anh, cần phải hiểu chữ “đĩ” là làm dáng, làm đẹp, nghĩa là một mỹ tục của làng Trung Đơn chứ không phải là tệ nạn xã hội như có người lầm tưởng. Càng thấy trong rất nhiều trường hợp, hiểu cho đúng dân gian thật không hề đơn giản.
Ngay giữa trưa vào lúc chính ngọ khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang mải miết làm ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa đông xuân sắp tới. Họ chính là những chủ nhân bình dị từ bao đời nay làm nên cốt cách văn vật Hải Lăng. Những người dân đã vun đắp cho bức tranh quê, tạo nên dáng vẻ và hồn vía đất đai sâu nặng mà chúng ta quen gọi là bản sắc văn hóa vùng miền.
Rồi chúng tôi đến với Hội Kỳ, một làng cổ thuộc xã Hải Chánh nằm cạnh con sông Ô Lâu huyền thoại. Chúng tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh cất rớ bên sông, một công việc quen thuộc từ bao đời nay nhưng bây giờ không phải dễ tìm. Đây cũng là một nét riêng ấn tượng tạo thành một điểm nhấn thú vị của bức tranh làng cổ Hội Kỳ. Đôi khi chúng ta tự hỏi, hồn vía quê nhà nhiều khi đâu phải là điều gì cao xa, chỉ là hình ảnh cất rớ ven sông mà cũng khiến lòng dạ nao nao.
Nếu bên kia sông Ô Lâu thuộc đất Thừa Thiên - Huế có làng cổ Phước Tích nổi tiếng thì bên này sông thuộc tỉnh Quảng Trị có làng Hội Kỳ cũng được nhiều người biết đến, chủ yếu với kiến trúc nhà rường độc đáo. Làng quê Hội Kỳ nên thơ với những ngôi nhà mái thấp, với kiến trúc nhà gỗ lợp ngói được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Tham quan nhà cổ, ta sẽ biết rõ hơn kiến trúc và nội thất của tổ ấm mà cha ông đã nghiền ngẫm sáng tạo nên, hiểu thêm thế nào là rường cột, kết cấu ràng buộc nhau trong một ngôi nhà gỗ, cảm phục bàn tay tài hoa, khéo léo và cả tâm hồn của người xưa gởi gắm vào kiến trúc của một ngôi nhà. Những ngôi nhà cổ Hội Kỳ mang vẻ cổ kính, gợi lên những giá trị vững bền được đắp bồi từ quá khứ. Hiểu được tâm nguyện của cha ông, con cháu đời sau đã giữ gìn, tu bổ những di sản kiến trúc quý giá của tổ tiên, làm nên giá trị văn hóa vật thể trong thời buổi bây giờ, một công việc đòi hỏi tâm huyết, tiền bạc và công sức. Đặc biệt, những người già vẫn cứ nặng lòng với những gì tiền nhân để lại, cho dù hôm nay, cuộc sống văn minh đã có rất nhiều thay đổi làm biến đổi nhiều khuôn mặt làng quê. Ông Nguyễn Văn Mạnh một bậc cao niên làng Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh dù tuổi đã gần đất xa trời vẫn cứ thao thức với việc bảo tồn nhà cổ làng quê. Theo ông đó chính là hồn vía của ngôi làng.
Nói đến văn vật Hải Lăng không thể không nhắc đến hệ thống đình chùa miếu vũ ở đây. Các công trình này vừa nhiều vừa tập trung với mật độ khá dày đặc ở làng quê Hải Lăng. Có thể nhắc đến chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước ở xã Hải Thọ như một dẫn chứng. Chùa Diên Thọ có một lịch sử hàng mấy trăm năm, là một trong những di tích tiêu biểu cho tín ngưỡng Phật giáo ở vùng đất Kẻ Diên. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi khi ngày trước ở đây cây cối um tùm, đường sá khó đi. Qua bao phen chiến tranh ly tán, chùa Diên Thọ đã được xây dựng lại và có được diện mạo như hôm nay. Chùa Diên Thọ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Theo giới chuyên môn thì chùa được xây dựng trên một đồi cát, với trước là trằm nước nổi nối với Bàu Chùa làng Câu Hoan. Chùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765) và được hoàn thành vào năm 1759. Chùa được tu bổ nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản xưa kia. Chính điện là một ngôi nhà ba gian hai chái nhưng nhờ nghệ thuật sử dụng chái kép nên không gian mặt bằng được nâng lên theo chiều dọc. Kết cấu theo kiểu cột chống, cột mốc. Chính điện thờ bộ tượng tam thế, kế tiếp là tượng Thích Ca tọa thiền, thấp hơn nữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Gian bên tả thờ tượng Quan Thế Âm, phía sau thờ vọng thủy tổ 12 dòng họ vô tự. Hai bên tả hữu cạnh khảm thờ các vị thủy tổ còn có bàn thờ thờ chư vị phật tử ký tự. Hậu liêu thờ Bồ Đề Đạt Ma.
Cách đó một đoạn đường ngắn là chùa Diên Bình, một ngôi chùa được ra đời sau này do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con nơi đây. Chùa tọa lạc bên cạnh con đường lớn, thuận tiện cho bà con Phật tử đi lễ hoặc vãn cảnh chùa. Người dân đến với chùa như đến ngôi nhà tinh thần thứ hai của mình, đặng tu tâm dưỡng tính, hướng thiện và hướng thượng. Sinh hoạt Phật giáo đã trở nên một nét riêng biệt, an hòa trong đời sống của người dân quê sau những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
Miệt này có chùa Diên Phước hay còn có tên gọi là chùa Chính Phước. Đây cũng là một ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng thế kỷ, xuất xứ từ một niệm phật đường xưa kia. Vị trí này vốn dĩ là vùng đất trũng nằm giữa vùng ruộng nước, sau được đắp bồi dần, được xây cất và tu bổ ngày càng tử tế và thành hình như hôm nay. Ngôi chùa sau rất nhiều biến động thế sự vẫn bằng an, thanh tịnh trong đời sống tâm linh, trong câu chuyện của những người quan tâm đến đời sống tín ngưỡng của bà con ở xứ Kẻ Diên. Thượng tọa Thích Tín Thuận, Trưởng ban nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị trò chuyện với chúng tôi cũng cho biết nhiều chi tiết thú vị. Ngay trước sân chùa là một cái giếng cổ còn lại, xưa là giếng làng. Nhìn xuống còn thấy thành giếng bằng gỗ lim hàng mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Cách đó mấy bước chân là miếu thờ một vị tướng có công đánh giặc ngoại xâm, sau thác đi được dân làng thờ phụng. Tên tuổi của ngài phủ một làn khói sương huyền thoại, duy lòng thành của người dân với bậc có công thì vẫn còn mãi, lưu truyền với thời gian của một vùng quê phía Nam Quảng Trị.
Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa khác, gần gũi với chúng sinh, tạo một mối giao hòa giữa đời và đạo, được nhiều người tìm đến để chia sẻ tâm tình. Người ta đến với nhau bằng tình người, bằng những sẻ chia chuyện đời, chuyện đạo để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, thái hòa, xua đi những bận bịu đời thường. Âu đó cũng là nét đẹp cần được duy trì trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay. Cũng như mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, kinh kệ thì tâm hồn lắng lại, để cảm nhận sâu hơn cuộc sống con người, để có thể bình tâm tránh những cám dỗ tham, sân, si - những tinh hoa của tinh thần Phật giáo cho lòng thêm được đôi phần nhân ái, từ tâm.
Lại về với Câu Nhi kẻ sĩ, một ngôi làng nổi danh của đất học Hải Lăng, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh thành và đào luyện nhiều nhân tài đất Việt. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân cũng nằm cạnh con sông Ô Lâu tình tứ. Trải bao vật đổi sao dời mà vẫn còn đây một doi đất duyên dáng được nhiều người mượn theo phong thủy ví như mũi bút chấm mực vào dòng Ô Lâu mà hun đúc nên khí chất đất này, sinh ra nhiều người con học hành thành đạt, có nghĩa với làng, có công với nước. Những hình ảnh làng quê an bình quen thuộc bên cạnh bến sông khiến ai đó dẫu chỉ một lần đến đây cũng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Rồi cho đến lúc chia tay lòng vẫn cứ dùng dằng, xao xuyến.
Thùng thình như đình Câu Nhi, câu thành ngữ đã quen thuộc trong lời ăn tiếng nói dân gian, diễn tả sự bề thế và vai vế của đình làng này từ ngàn xưa truyền lại. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân chính là tâm điểm xứ Kẻ Diên địa linh nhân kiệt, nơi sinh hạ nên những bậc danh sĩ nổi tiếng cả nước như tiến sĩ khai khoa Xứ Đàng Trong Bùi Dục Tài ngày xưa hay nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Trần Hoàn ngày nay. Năm 1502, cách đây hơn năm trăm năm, làng quê này đã đóng một mốc son chói lọi trên con đường học vấn nửa nước phía Nam từ Quảng Trị trở vào với sự kiện chấn động giới quan lại, nho sĩ: ông Bùi Dục Tài đã đỗ Tiến sĩ đầu tiên Xứ Đàng Trong. Tên tuổi của ông đã được khắc vào bảng vàng bia đá ở kinh thành Thăng Long, được người sau noi gương, được hậu thế lưu truyền. Ông Bùi Văn Nhị, trưởng họ Bùi làng Câu Nhi tuổi ngoại bát tuần vẫn minh mẫn nhắc lại truyền thống học hành, khoa cử của tổ tiên. Tâm nguyện của cháu con vẫn tha thiết nối nghiệp cha ông làm vẻ vang họ tộc, xóm làng.
Làng quê Câu Nhi đã nổi tiếng với nhiều danh sĩ, với nhiều quan đại thần đầu triều xưa kia cũng như nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư tiến sĩ thực tài ngày nay. Đây là nguyên khí, là vốn quý của văn vật đất này có mạch nguồn từ ngày xưa chảy vào hiện tại. Cho đến hôm nay, trong một ngày mùa xuân đến sớm, hậu thế Câu Nhi vẫn cung kính tri ân tiền nhân. Những trí thức thời nay, dẫu bận bịu nhiều việc riêng, chung khi có dịp vẫn hướng về cội nguồn nghiên bút để biết ơn những người khai sáng. Đi cùng với chúng tôi, nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung cảm khái nói rằng đất Câu Nhi từ xưa đã vang danh trong sử sách, bao trung thần, lương tướng từ chốn này mà ra, đóng góp nhân tài vật lực cho quê hương đất nước.
Mùa xuân lại về với xứ Kẻ Diên theo quy luật vĩnh hằng của tạo hóa. Vẫn đất ấy, người ấy, có điều gì khác xưa khi cuộc sống không ngừng biến chuyển. Quả thật có rất nhiều điều đã khác xưa. Nhưng có những điều dường như không hề thay đổi. Những cánh cò phân vân trên đồng ruộng chiều tà mà dấu chân lấm bùn đã đi vào ca dao của những người nhà nông một nắng hai sương; những chân ruộng tưởng như thảnh thơi kỳ thực đang nóng lòng, hối hả đợi vụ mùa sắp tới; những làng quê với bến nước sân đình đang ẩn chứa thẳm sâu những gì tinh túy nhất của đất trời và con người từ bao đời nay vẫn thế. Bình lặng và hiền hòa nhưng mảnh đất này đã kết tinh nên nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nuôi dưỡng nhiều con người đã trở thành nhân vật lịch sử văn hóa của quê hương đất nước. Cứ thế, vùng quê văn vật hiền hòa này vẫn cứ lắng sâu thi vị rút ruột mình mà dâng hiến cho đời, để tạo thành gương mặt mùa xuân.
P.X.D


READ MORE - VĂN VẬT XỨ KẺ DIÊN - Phạm Xuân Dũng

CHỢ VĂN CHƯƠNG - Thơ vui của Nguyễn Khôi



Lời thưa: Thơ vui viết nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam (8/2010) đến nay đã ngót 7 năm, thấy vẫn còn nguyên tính thời sự... Nguyễn Khôi xin đăng lại để chia sẻ cùng các bạn thơ :


CHỢ VĂN CHƯƠNG
"Gánh văn đi bán chợ Trời"
                           Tản Đà  

"Cơ chế thị trường" văn chương ra chợ
Siêu thị - vỉa hè mọc như nấm "bán/ mua"
Dân thương lái : lũ con "phe", đầu nậu
Cánh Văn nhân - Thi sĩ há miệng chờ..
                       
"Văn thơ cổ" mua bổ sung Thư viện
Ai nhớ cội nguồn tìm đọc ngâm nga,
"Thời bao cấp" tìm đọc "Ngõ lỗ thủng"
Cánh ăn lương hồi tưởng xót xa...
                       
"Văn cách mạng" vào Bảo Tàng bày đẹp
In sách giáo khoa dạy trẻ thơ ngây,
"Hồi ký cụ Mạnh", "Trư cuồng"...giấu vào Internet
"Nỗi buồn chiến tranh" tuyển dịch bán cho Tây...
                       
Ai hồi tố đọc "Nhân văn- Giai phẩm"
Thích Sex ư ? săn thơ Vi Thùy Linh
Mê "lề trái": "Đèn Cù" tìm đọc trộm
Giỏi "đạo văn" mấy bác "Viện" biến hình...
                       
Văn "Mậu dịch" đang chờ trên "định hướng"
Ngọng líu lô, câu cú chẳng cần hàng
Toàn dân Việt xem chừng sai "mẹo tiếng"
để các Nhà Cải Cách mãi bàn ngang...?
                        
Văn chương chợ đang gặp thời bùng phát
Thơ "hồn rơm" sản xuất vượt hàng Tàu,
Truyện "ngôn tình" lũ ranh con say đọc
Thơ cho không... in là để tặng nhau...
                         
Văn chương chợ - Nhà văn vui "HỘI" chợ
để "bốc thơm" tặng giải để chửi nhau
Ghế "Hội Trưởng" bao đứa "mơ" tưởng bở
"Cơ cấu" rồi, cứ "lão ấy" mà bầu...
                          
Văn chương chợ theo cung / cầu bức thiết
Giỏi cạnh tranh ra "thương hiệu" để Đời
Sẽ ăn khách như Mạc Ngôn , Markez
Nhà văn ta sắm Biệt thự, xe hơi...
                          
Buổi khởi đầu cứ viết - sống cầm hơi...
                      
                            Hà Nội 1-8-2010
                           NGUYỄN KHÔI

READ MORE - CHỢ VĂN CHƯƠNG - Thơ vui của Nguyễn Khôi

GIÁ CỦA SỰ THÁI QUÁ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến


        

GIÁ CỦA SỰ THÁI QUÁ
                  Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến

Chị vỗ đét cái vào mông anh rồi trề môi, cong cớn:
- Eo ơi, già rồi mà còn trẻ con lắm! Gần năm chục tuổi đầu rồi mà nhí nhảnh con cá cảnh lắm cơ.... Đời thủa nhà ai, tóc đã bạc trắng mái đầu rồi mà bày đặt níc nêm là em còn bé lắm... Ơ, mà chồng xưng em với ai thế... Chẳng lẽ chồng xưng em với vợ?
Anh đỏ mặt, ấp úng:
- Thì đặt thế cho nó lạ,... chứ em với ai đâu?
Chị sầm mặt:
- Thế là không được! Thế là chồng không trung thực, chồng gian dối với vợ! Chẳng ai đặt níc nêm lại không có nghĩa cả? Thôi chết! Hay chồng phải lòng mụ bán xôi đầu ngõ mới xưng em ngọt ngào như thế? Chả trách, chồng toàn khen xôi nhà mụ ý vừa ngon vừa rẻ. Tháng trước, vợ đánh dấu 5 lần chồng ăn xôi nhà mụ ý đấy.
Anh gãi gãi đầu, giọng có chiều “nể vợ”:
- Thì xôi nhà bác ấy ngon và rẻ thật nên chồng mới ăn. Mà... năm ngoái vợ chả khen xôi nhà bác ấy nấu ngon, sạch lại bán rẻ còn gì? Vợ chả nhắc đi nhắc lại chồng phải thường xuyên ăn xôi ủng hộ nhà bác ấy đấy thôi...
Chị tròn mắt nhìn anh rất lâu, rồi thẽ thọt:
- Thật không? Có đúng là vợ nhắc chồng như thế không? Mà... Vợ chả tin đâu! Vợ chả dại xúi chồng như thế đâu! Nhìn mụ ý cứ hơn hớn hơn hớn như thế, nỡ mụ ý có ý gì với chồng thì chết à? Chồng có nhớ cái vụ năm kia không? Nhớ không?... Ối dào... Chắc chồng lại cãi đấy là tai nạn chứ gì? Vợ biết tỏng chồng mà... Thế nào chồng cũng nói là tai nạn... Thôi, chồng đừng có định cãi vợ nữa... Như thế là không trung thực, là gian dối. Mà chồng biết đấy, vợ rất ghét ai có tính không trung thực, rất ghét ai có tính gian dối. Chồng nhìn chồng bác Nga mà học, cả đời chẳng biết cãi vợ câu nào… Ngoan ơi là ngoan. Đâu giống chồng, vợ chưa nói xong câu mà chồng đã cãi năm cãi bảy. Vợ nói rồi, vốn kiệm lời nên vợ đâu thích nói nhiều... Mà... vợ đang nhắc chồng chuyện gì nhỉ?
Anh lụng bụng:
- Chuyện xôi nhà bác đầu ngõ.
Chị quệt tay vào mép rồi lấy khăn lau tay, lau đi lau lại, kỹ càng lắm. Chán chê, chị lại dài môi, thẽ thọt:
- Có đúng là vợ nói chuyện xôi nhà bác đầu ngõ không? Ồ đúng rồi, xôi nhà bác ấy ngon, sạch sẽ mà rẻ lắm cơ... nhưng mà vợ không ưng cái thái độ nhà mụ ấy, vợ chúa ghét cái thái độ của mụ ấy... Đàn bà có chồng có con rồi, lại cứ đon đon đả đả với đàn ông là làm sao! Vợ thấy như thế là vô duyên, là lố bịch…. Vợ thấy chướng mắt! Vợ không ưng!
- Nhưng bác ấy bán hàng, phải thế.
Chị dài giọng, trề môi:
- Bác ấy bán hàng, phải thế... Biết ngay mà. Vợ biết tỏng chồng sẽ bênh mụ ấy như thế mà.... Sao không để chồng mụ ấy ra đon đả với chồng mà lại là mụ ấy. Eo ơi. Rõ là có tình ý với nhau nên bênh nhau cứ chằm chặp, chằm chặp ý... Đàn ông ra đon đả với đàn ông, sao lại để đàn bà?
Anh ái ngại nhìn mọi người, rồi khẽ khàng với chị: 
- Bác ấy vừa ngồi bán hàng vừa mời chào khách chứ có đon đả kiểu như vợ nghĩ đâu...
Chi lại trề môi, chừng muốn dỗi:
- Đấy! Lại cãi! Sao chồng toàn bênh mụ ấy thế? Chồng sợ miệng mọc da non sao mà cứ nhem nhẻm nhem nhẻm cãi vợ? Như thế là không trung thực! Như thế là giả dối! Mà chồng biết rồi đấy, vợ rất ghét ai không trung thực, vợ rất ghét ai sống giả dối... Mà... Mà có chuyện gì không trung thực ở đây nhỉ? (Chị vỗ vỗ đầu một lát rồi hí hửng)... Đúng rồi! Là chuyện tình cảm giữa chồng với mụ bán xôi đầu ngõ... Như thế là chồng không trung thực. Như thế là chồng giả dối. Mà chồng biết rồi đấy…
Anh gắt:
- Là đủ rồi! Người ta bán hàng phải tươi cười mời chào khách lại bảo người ta lố bịch? Hàng xóm láng giềng, một tháng mua ủng hộ có 5 bữa sáng mà kêu nhiều là sao? Lại nữa! Người ta là người đàng hoàng sao cứ một điều mụ ấy, hai điều mụ ấy là thế nào? Hở?
Chị co chân lên ghế, nghiêng người, lấy khủy tay che che mặt, ấm ức:
- Eo ơi... Sao chồng lại quát tháo vợ như thế? Chồng không nhớ là vợ bị yếu tim à? Hay chồng không coi vợ ra thể thống gì nên mới thế? Vợ biết tỏng chồng mà... Giờ vợ già rồi, vợ xấu rồi nên chồng không chiều chuộng, không nâng niu vợ nữa... Thế này thì vợ chết quách đi cho rồi! Vợ chán sống rồi! Vợ... Vợ… Vợ sẽ đi chết đây!
Chị nhìn anh. Nhìn mọi người. Rồi lại nhìn anh.
Thấy mọi người ngoảnh mặt đi, không nhìn chị, còn anh vẫn “đằng đằng sát khí”, chị sụt sùi:
- Vợ biết mà. Chồng không còn yêu vợ nữa nên chồng kiếm cớ để chê vợ, bỏ vợ. Số vợ khổ, khổ lắm nên mới lấy phải chồng... Chồng quên rồi à? Ngày chồng còn đang cưa cẩm vợ ấy, chồng hứa những gì? Chồng thề thốt những gì mà bây giờ chồng phũ phàng với vợ như thế... Ối giời cao đất dày ơi... Ới hàng xóm láng giềng ơi… Ới bạn ới bè ơi… Mà này, chồng đi đâu đấy?
Anh không trả lời, khoác áo, bước nhanh ra cửa. Chị chạy theo, níu áo, gặng:
- Chồng đi đâu đấy?
Anh hất hàm:
- Muốn biết thật à? Đi ra quán xôi làm chầu “tình cảm”. Ở nhà với vợ mệt đầu lắm.
Chị luống cuống:
- Chồng ra đấy thật à? Thế chồng định đi ra đấy một mình à? Không! Vợ sẽ đi cùng chồng. Vợ cũng đang muốn chầu “tình cảm” với xôi đây...
Mồm nói, chân bước, chị khoác tay anh rất chặt.
Bước chân vào quán, chị cố khoác tay anh thật tình tứ. Rồi vênh mặt lên như để cho mọi người biết anh và chị yêu nhau lắm, lắm.
Ái ngại với mọi người, anh khẽ nhắc chị:
- Vợ đừng khoác tay chồng nữa, mọi người nhìn vào, ngại chết.
Chị phá lên cười, rồi bẹo má anh, nũng nịu:
- Eo ơi... Chồng lại bày đặt làm bộ e thẹn, ngượng ngùng nữa chứ? Yêu chồng lắm cơ!
Chị kéo ghế ngồi xuống. Một tay vuốt tóc, một tay gắp miếng xôi, nghiêng nghiêng đầu nhìn anh, rồi chậc chậc lưỡi, giống kiểu ở nhà chị vẫn nựng cu tí ăn bột:
- Nào... Chồng há mồm ra,... há to tí nữa nào... Ừm… Ừm… Thế... Thế... Eo ơi nhìn chồng ừm yêu lắm cơ... Gớm, sao nước miếng của chồng tứa ra nhiều thế? Há to tí nữa nào... Thế… Thế... Chồng ừm cái nữa để vợ xem nào! Hoan hô chồng! Chồng ừm giỏi lắm!...
Anh gạt tay chị, vẻ khó chịu, làu bàu:
- Vợ đừng làm thế. Mọi người cười cho đấy.
Chị trề môi rõ dài, rồi nguýt: 
- Gớm! Mọi người cười cho đấy... Mọi người nào ở đây? Chồng ngại chị chủ quán chứ gì? Vợ biết tỏng trong đầu chồng nghĩ gì rồi... Hôm nay, nhất định ... Vợ... Vợ... vợ phải làm cho ra ngô ra khoai mới được...
Chị giậm chân. Chị chắp tay vào hông. Chị tiến lại chỗ chị chủ quán, chưa kịp la lối thế này thế kia thì anh giang tay tát bốp một cái, rõ đau, rồi lôi chị xềnh xệch về nhà. Vừa đi anh vừa gằn giọng:
- Bà làm tôi xấu hổ với mọi người. Tôi sẽ khâu mồm bà lại để bà hết thói lắm điều! Tôi... Tôi xấu hổ vì bà.
Chị tái mặt.
Chị lắp bắp mãi không thành câu.
Hình như chị chưa lường được tình huống này thì phải!
*.
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - GIÁ CỦA SỰ THÁI QUÁ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến

ĐẦU NĂM ĐỌC SÓNG TÌNH CỦA TÁC GIẢ TƯỜNG VY - Hồng Tâm





ĐẦU NĂM ĐỌC SÓNG TÌNH CỦA TÁC GIẢ TƯỜNG VY

Thú thật, trong lòng tôi rất vui khi nhận món quà tinh thần để đọc trong những ngày rỗi, là lúc tôi không có ý gì để cầm bút sáng tác. Khi đọc những cuốn sách của bạn bè trao tặng tôi chiêm nghiệm, học hỏi cách làm thơ, viết văn là tôi muốn tay viết mình thêm cứng cỏi. 
Kết bạn với chị gần một năm, gặp chị có một lần, nói chuyện vài câu vì tôi bận có con nhỏ nên tranh thủ theo xe về Tây Ninh cho kịp giờ vì lúc đó đêm khuya. 
Trên tay tôi là tập thơ Sóng tình, dù biết rằng chị có rất nhiều tác phẩm in chung và hai tập thơ in riêng. Bấy nhiêu đó thôi tôi nể phục chị có bút lực, viết khỏe.
Tác giả Tường Vy tên thật là Đặng Thị Lụa, một cây bút trẻ sinh năm 1976, ngụ tại Sài gòn. Những tác phẩm in trên báo là Hương Thiền, duyên dáng Việt Nam. Thơ chị có tính thiền, học Phật . Đa số là thơ song thất lục bát, lục bát biến thể,lục bát truyền thống là sở trường của chị.
Là phụ nữ với nhau, tôi hiểu phận gái đa đoan khổ  vì một lần đỗ vỡ hôn nhân, chị có đứa con trai, lo cho con chu toàn, chị tìm đến cửa Phật để nương náu tâm hồn. Là phụ nữ với nhau, tôi đồng cảm vì đọc những bài thơ chị viết bằng trái tim:
" Vô ngôn đâu phải là câm
Mà là giây phút tím bầm ruột gan 
Bao lần tâm thức gọi khan
Từ, bi, hỉ, xả mơ màng đẩy xô" 
(Trích chiều tím sân ga - trang 19)
và chị định nghĩa hai tiếng đàn bà theo ý của chị :
" Đàn bà 
Hai tiếng đàn bà 
Suy đi nghĩ lại 
Em là gì đây?
Em là cỏ?
Em là cây?
Hay là: sỏi đá
Dựng xây nấm mồ 
Mắt buồn 
Dõi chốn hư vô 
Mình ơi!
Hãy đến điểm tô cuộc đời "
(Trích bài Đàn bà - trang 32,33)
Chị muốn mình mãi bình an, không bon chen, trút bỏ sân si, cái tâm của chị toát ra bằng bài thơ song tứ lục bát :
" Không sân là thiện
Không thiện là sân
Lằn ranh thiện ác thật gần
Chẳng may lỡ bước nên cần tĩnh tâm 
Biết lầm là tỉnh
Biết tỉnh thoát mê
Tìm nơi bờ giác quay về 
Trú an trong chốn hội bề lo toan "
( trích bài Tìm an - trang 40)
Chị biết khi đời vướng bụi, chị âm thầm soi bóng từ bi để lòng tĩnh. Đời mà, không tham,sân, hỉ, nộ, ái, ố ai mà chẳng có? Đã vướng thì lúc mình tỉnh ngộ, lòng ân hận chị giãi bày :
" Hiểu đời sắc sắc không không
Một cơn gió lạ là xong kiếp này
Rong chơi tháng tháng ngày ngày 
Tham sân còn trú nghiệp dày còn vương
Muốn đời nhẹ gánh phong sương
Xóa tan lớp bụi tấm gương hồng trần
Biết là không phải thánh thần 
Nhưng lòng gắng niệm thấu tầng thiên cung"
(Trích em về soi bóng từ bi - trang 59)

Rất nhiều, rất nhiều bài thơ của chị mang tính thiền, triết lý phật giáo. Nhìn chung trong tập thơ chị mang nhiều sắc thái vui tươi, có chút hoài niệm quá khứ, đôi lúc trăn trở và một tâm hồn hướng phật, bấy nhiêu đó thấy chị đang lột xác tìm cái mới mẻ hơn trong nghiệp cầm bút. 
Tập thơ sóng tình do nhà xuất bản hội nhà văn tháng 11- 2016, dày 149 trang, thơ chị được nhạc sĩ Giao Tiên, Viết Hùng đem phổ nhạc. 
Những gì tôi biết và tôi đã viết chắc chắn có rất nhiều thiếu sót mong chị thứ lỗi. Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc chị hạnh phúc khi chị có bến đỗ mới, qua Tết chị theo chồng định cư tại Paris 

                                                        Mùng 1 Tết Đinh Dậu (2017)
                                                                     Hồng Tâm

READ MORE - ĐẦU NĂM ĐỌC SÓNG TÌNH CỦA TÁC GIẢ TƯỜNG VY - Hồng Tâm

TIẾNG NGUYỆT CẦM TRÊN SÓNG - Thơ Nguyễn An Bình





TIẾNG NGUYỆT CẦM TRÊN SÓNG

Bến sông lạnh vi vu ngàn lau trắng
Người lên yên không hẹn buổi tương phùng
Thương tráng sĩ gởi hồn qua sông Dịch
Búp sen non vương vấn kẻ sang Tần.

Áo khinh cừu mịt mù nơi đất trích
Tiếng ngựa Hồ hí vọng mãi mù tăm
Đàn chim Việt thiên di qua biển rộng
Vẫn mơ ngày về lại đậu cành Nam.

Kẻ mài kiếm dưới trăng vàng thuở ấy
Đêm chưa tàn tóc điểm trắng màu sương
Đôi giầy cỏ đâu đường về Từ Thức
Sóng Thần Phù mơ hình bóng Giáng Hương.

Ta nào phải người Tiêu Sơn thuở ấy
Sao tình sầu còn đọng mắt Quỳnh Như
Đường sạn đạo lửa tràn bao kinh sử
Cung A Phòng nghi ngút khói phần thư. 

Mơ tiếng trống Quang Trung mùa xuân trước
Gò Đống Đa còn vẳng tiếng ngựa phi
Đất kinh kỳ áo bào vương khói trận
Hoa đào bay trên ngọn gió truyền kỳ.

Móng rùa vàng lẽ nào rơi tay giặc
Nước biển Đông có rửa sạch phù hoa
Đêm nghe tiếng nguyệt cầm rơi trên sóng
Ngỡ ai còn hát khúc Hậu đình hoa.*

                         Nguyễn An Bình

*Hậu Đình Hoa:  Khúc hát cung đình dưới triều Trần Hậu Chủ bên Trung Quốc(583-587), suốt ngày chỉ đắm say tửu sắc đến nổi nước mất, nên Hậu Đình Hoa còn gọi là khúc ca vong quốc.

READ MORE - TIẾNG NGUYỆT CẦM TRÊN SÓNG - Thơ Nguyễn An Bình