TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Tuesday, November 9, 2021
VỀ NGÔI TRƯỜNG CŨ ĐỂ NGHE THƠ - Nguyễn Trung Giang
VỀ NGÔI TRƯỜNG CŨ
ĐỂ NGHE THƠ
Nguyễn Trung Giang
Đã năm mươi năm xa Thầy vắng bạn, kể từ
khi giã biệt áo thư sinh, khoác lớp áo đời
lăn vào gió bụi, cho dù mái tóc xanh ngày xưa nay đã chớm màu mây bạc nhưng
hình bóng bạn bè xưa ngôi trường cũ vẫn còn nguyên vẹn trong miền ký ức. Kỷ niệm
thời áo trắng thấm sâu vào đường tim mạch máu, có lúc nó mờ mờ ảo ảo nhưng cũng có lúc nó hiển hiện thật rỏ ràng tưởng như nếu níu được một chút ngày
xưa ở lại thì ta có thể đưa tay chạm vào.
Bạn hãy cùng tôi ngược dòng dĩ vãng để bắt gặp tiếng thơ học trò ngày ấy.
Mặc dù khoảng cách thời gian xa diệu vợi nhưng vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi một vài bài thơ hoặc những đoản
văn trong tập san BÚT TRẺ ngày xưa.
Hương thu vời vợi, ý thu dịu dàng, mùa thu qua lăng kính tuổi học trò thật
đằm thắm bình yên. Ta hãy nghe Hồ Văn Hạo vẽ bức tranh thu với màn sương trắng,
bờ dậu vàng mà dư âm từng chiếc lá rơi
làm lay động bóng chiều quê.
Sương trắng mờ rơi trước dậu vàng
Hoàng hôn tắt lịm bóng thu sang
Mơ buồn anh nhớ mùa thu cũ
Lá rụng bên đường lặng tiếng vang.
Cũng trong không gian trầm mặc ấy
nhưng Đặng Bá Sô nhìn vào thân phận của "Kiếp lá" mang tính triết lý
hơn.
Gió ơi! đừng thổi nữa
Gió thổi để hoa tàn
Người ơi! ơi hỡi người
Kết hợp rồi ly tan.
Và càng ngọt ngào hơn với những câu
văn đầy cảm xúc trong "Lá thư gởi mẹ" mà ai một lần đọc qua thì khó mà quên được. "Sài gòn có nắng xuân không hở mẹ. có
gió xuân không hở mẹ, có nàng xuân dạo khắp phố phường không mẹ. Còn con ở đây
nơi miền Trung cát trắng, mưa nắng hai mùa rõ rệt, ngày tháng hẹn dần theo thời
gian."
"Vọng về quê mẹ" của Lê Thị Viễn
Đông.
Giờ đây tôi đang cầm trên tay "Giai phẩm
mùa hạ" với tâm trạng vui mừng và
xúc động.
Đã hơn sáu mươi năm, ngỡ tất cả đã nằm
yên dưới lòng quên lãng, đã ngủ quên
dưới lớp trầm tích của gió bụi thời gian. Thế nhưng tất cả đã thức dậy trở về với đường nét ban
sơ sinh động. Đọc từng trang thơ như lật từng trang kỷ niêm với những tiếc nuối
ngậm ngùi pha lẫn cảm giác hạnh phúc đến
cháy lòng.
Mời bạn hãy cùng tôi bước vào vườn hoa văn nghệ của những người học
trò tóc đã pha sương mà tâm hồn thì vẫn trong trẻo tinh khôi như những ngày đến
lớp.
Trước hết ta hãy cùng Võ Đinh Hương thặp nén nhang lòng để tưởng nhớ đến thầy cô
và các bạn đồng môn đã ra đi trước chúng ta. Xin nguyện câu cho hương linh các bạn được thảnh thơi nơi cõi vĩnh hằng, được viễn du tiên cảnh.
Cây có cội mới đâm chồi nẩy lộc
Nước có nguồn
mới chảy khắp lạch sông
Tạc vào trong tâm khảm chúng ta là tấm
lòng của các thầy cô. Họ như những người lái đò chở chuyên nhiều thế hệ đến bến
bờ trí thức.Tâm hồn cao quý ấy mãi mãi là những tấm gương sáng ngời mà ở đây được
thể hiên trong "Thư gởi học trò thân yêu" như Thầy Nguyễn Huy Vỹ đã
trút cạn tâm tình bằng những câu văn tha thiết nhất và được cô đọng lai qua lời
thơ trong sáng, mặn mà..
Dù cho biển cạn núi mòn.
Nghĩa thầy tình bạn mãi còn sắt son.
Còn trời còn nước còn non.
Chúng ta nhất đinh sẽ còn gặp nhau.
Sương khói thời gian không thể làm
nhoà đi những tình cảm thân thương ngày nọ. Tình thầy trò, nghĩa đồng môn luôn
nắm gon trong đáy góc tâm hồn mà ở đó tình cảm thiêng liêng đã trào dâng thành
lời réo goi như tiếng lòng của thầy Phan
Lăng đã đan dệt thành thơ.
Tay trong tay lòng nghẹn ngào
Niềm vui lai láng dạt dào trong tôi.
Ngày mai mỗi người một nơi.
Thầy xưa bạn cũ trường ơi nhớ hoài.
Đường đời muộn vạn nẻo nhưng nỗi nhớ
quê hương thì chỉ có một lối về mà Lê Văn
Hảo đã viết vào thơ để nói lên nỗi niềm khắc khoải ấy.
Bốn mùa xuân hạ thu đông.
Ân tình giữ mãi theo dòng thời gian.
Ăn sâu vào tận tâm can
Anh em ta nhớ Hải Lăng trọn đời.
Dù cho hình bóng trường xưa lớp cũ đã nằm yên dưới dòng dĩ
vãng nhưng ký ức thời gian vẫn mồn một trong trí nhớ của Hoàng Anh Hiền.
Nhớ ngày nhập học năm sáu chín.
Bây giờ kỷ niệm năm mươi năm.
Khi đoc bài 'Thương nhớ tiếng chim gọi
đàn" của Trương Ngọc Bỉnh, lòng tôi lại thương tiếc người bạn đồng môn đã
ra đi về bên kia phương trời miên viễn. Nguyễn Thỏn đã đi xa nhưng những vần thơ
thì mãi còn ở lai.
Viên ngọc xám đã rời xa ta mãi
Nét hương xưa lưu luyến để mà chi
Xưa vẫn thế kỷ niệm nào trở lại
Vấn vương buồn ngồi vẽ dáng em đi.
Sợi dây nhợ ngày xưa của Khê Giang thả tung
cánh diều bay lên trên cành đồng Trường Sanh thủa nọ, qua dòng năm tháng kỷ
niêm ấy vẫn xanh rờn và vấn vương cho đến tận bây giờ.
Ngày nào dối mẹ ra đê
Nối dây nhợ bé hom tre dán diều
Mấp mô chạy ngược gió chiều
Cỏ may đan cả lối... nhiều nhớ
nhung.
Mùa hạ là mùa của biệt ly trong tiếng ve sầu não nuột và từng cánh phượng cháy rực
màu nhớ nhung cũng đã làm cho Bùi Như Thuỷ ray rứt khôn nguôi.
Phượng hồng thắm đỏ hè sang.
Đong đưa chiếc lá bằng lăng cuối đường.
Và cũng với xác phượng hồng điểm tô
màu ly biệt ấy như với Nguyễn Sỏ thì nỗi buồn lại thấm thía hơn.
Phượng rơi đốm lửa tình hoa
Đường chung áo trắng vậy mà lạc nhau.
Và có hai con người chưa hề lạc nhau
bao giờ. Đó là Trương Ngọc Bỉnh và Nguyễn Khắc Phước. Họ gắn kết tình cảm với
nhau như đôi tình nhân vậy mà còn dùng cả thơ để tuyên thệ mới là trên cả tuyệt
vời.
Bạn thân từ thủa ấu thơ
Năm mươi năm lẻ bây giờ vẫn thân.
Tiếng thơ tiếng lòng lăng trong dòng
tâm sự của Võ Văn Hoa vừa trầm mặc xa
xôi vừa bao dung khoáng đạt để dưới trời chiều hoa nắng vẫn trổ bông.
Tôi cũng gặp cô em bé nhỏ
Hai năm hoài bướm trắng cũng thành xanh
"Mây" buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi
Gió còn thương nên vấn vít cây cành.
Hình ảnh ngôi trường xưa chỉ còn là ý
niệm, có còn lại chăng là những tiếc nuối buâng khuâng đì về trong niềm thương
nỗi nhớ mà thôi.
Đứng trước trường nhớ về thủa xưa.
Xao xuyến cháy lòng xót xa nghiệt ngã.
"Bạn cũ trường xưa" của Trương Thắng.
Không biết vạt nắng ngày xua có ửng hồng không nhỉ, mà qua thơ Võ Văn
Luyến, một chút lưng lửng nắng cũng đủ mềm mại nhớ nhung.
Này em có nhớ đường về
Ngày thiêm thiếp nắng giấc quê ngõ chờ
Mây chùng thả bóng ngẩn ngơ
Nắng lưng lửng nắng môi ngờ ngợ môi.
Sương khói quê nhà quyện vào tóc
sương của mẹ bảng lảng bên quán nhỏ chiều hôm. Hình ảnh ấy cũng đủ để Trần Xuân
An cất lên tiếng thơ nghe tha thiết đến cháy lòng.
Bỗng dưng không biết từ đâu
Bay ngang trời đất một màu tóc sương.
Con úp mặt nhớ quê hương
Thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.
Một thoáng mưa bay, một vạt nắng
vàng. Ngần ấy thôi cũng dậy lên trong lòng thi nhân những nỗi buồn
không tên gọi như tâm sự của Phong Nguyễn gặp lại người xua mà lòng vẫn đăm đắm
cô bé cột tóc đuôi gà ngày nọ.
Rồi chiều nay tình cờ qua giữa phố
Nhận ra em trong tím sắc hoa cà
Vẫn mắt ấy đượm buồn nét phôi pha
Chỉ cười nhẹ... dạ lâu rồi không gặp.
Thế mới biết là khung trời tuổi nhỏ
nó đẹp đến ngần nào. Như bạn như tôi và cũng như LT Đông Phương khi đừng bên bờ thời gian, thả những bước
chân trở về chốn cũ, lòng thấm thía đã một thời tuổi mộng đẹp như mơ.
Trót lạc nhau ôi quá dài một thủa
Trong tay anh sao quá đỗi bình yên
Hoa yêu thương nở trắng xoá khắp miền
Để nhận biết một tình yêu đích thực.
Và cũng ở trong niềm hoài niệm ấy,
Nguyễn Thành Thăng lại nhớ da diết những
giờ học đầu tiên.
Những giờ học đầu tiên nhớ mãi không quên.
Rừng kiến thức mênh mông như biển nước.
Những đứa con tha hương đi giữa mưa
nguồn chớp bể nhưng lòng vẫn đau đáu vọng về quê cũ Diên Sanh nên
tiếng thơ của Phạm Bá Nhơn mãi là tiếng lòng của đất mẹ dấu yêu.
Hải lăng ơi! Lòng tôi quay quắt
Trong tôi ruột thắt trăm chiều
Giữa cuộc đời thành bại có bao nhiêu.
Thuyền viễn xứ muốn tìm về bến đổ.
Và nơi bến đổ bình yên đó ngay xưa có
một ngôi trường mà Phạm Thị Liên vẫn đăm đắm vọng về.
Ngày tháng tươi vui thủa bấy giờ
Thấy lại trường xưa thoả ước mơ.
Cũng ở trên mảnh đất thương mến nầy Hoàng Văn Sanh đã âm thầm nhỏ lệ khóc thương
chị Na yêu dấu của mình.
Đồng môn mãi thương nhớ chị tôi
Cô hoa khôi Hải Lăng một thời
Áo dài tha thướt cười duyên dáng
Ai ngờ mệnh bạc tuổi bốn mươi.
Niềm vui hội ngộ là hạnh phúc lớn lao khi tuổi
đã về chiều nên tiếng thơ của Lê Thế Thanh thấp thoáng niềm vui và tràn trề niềm
thương mến.
Hải Lăng ơi! Hôm nay ta lại gặp
Bạn bè xưa rất đỗi thân thương.
Ba sáu năm và khắp mọi nẻo đương .
Giờ hội ngộ nghe tràn bao xúc động.
Các bạn vừa cùng tôi tản mạn về ngôi
trường cũ để nghe lại những vần thơ của một thời áo trắng. Tôi cảm thấy vô cùng
hạnh phúc khi được làm một gạch nối dù rất
nhỏ vào vườn hoa văn nghệ nầy. Mãi mãi tri ân thầy cô đã trao cho chúng ta con
chữ để làm hành trang đi giữa cuộc đời nầy. Xin còn mãi trong nhau những tình cảm chân thành, những
hình bóng tinh khôi trắng trong màu áo học trò.
Và để kết thúc bài viết nầy tôi xin
được góp tiếng lòng của mình qua
vần điệu thi ca.
Đẹp vô cùng tuổi mộng, Hải Lăng ơi!
Tha thiết quá khung trời ăm ắp nắng.
Và.
Nếp thời gian trắng tóc chiều neo bến.
Mãi chặt lòng xao xuyến gọi tên nhau.
" .
Tân Hiệp, mùa thu 2021.
Nguyễn Trung Giang
...
LY CÀ PHÊ CUỐI NĂM - Chùm thơ Thơ Nguyễn Trung Giang
Nhà thơ Nguyễn Trung Giang |
Ly cà phê cuối năm
Thơ Nguyễn Trung Giang
Ngậm tàn giọt đắng cuối năm
Nghe đông từ tạ âm thầm nẻo xưa
Heo may bấc lạnh se mùa
Lang thang khói nhớ nắng thưa hoa
vàng
Lòng như tiếng pháo âm vang
Nghe xuân rạo rực muôn vàn ý thơ
Mênh mang giọt đắng mơ hồ
Xuân ơi vọng cố hương mờ mịt xa
Chiều ba mươi nối nhớ nhà
Quê xưa khuất nẻo quan hà khói mây
Mai cầm tuổi mới trên tay
Nhớ thương tròn trịa lên đầy ý xuân
N.T.G.
Mùa yêu
Mùa yêu giờ đã qua chưa
Mà con sóng nhớ gợn
đùa tóc mây
Mắt môi loáng thoáng
hao gầy
Miền xưa trăng lạnh
sương vây bến lòng
Tình yêu nhập cốt lên
đồng
Lung linh ngôn ngữ lạ
lùng chiêm bao
Cởi lòng tắm giữa
trăng sao
Bức tranh loã thể ngọt
ngào xiêm y
Đam mê căng độ xuân
thì
Chập chùng hơi thở cuồng
si nghẹn lời
Hoà vào nhau giữa
chơi vơi
Nắng mưa chao động
mây trời ngẩn ngơ
Khói sương thao thức
làm thơ
Thì tôi em cũng chuyển
mùa yêu nhau .
N.T.G.