Trước thềm năm mới, vào lúc 17 giờ ngày 12 tháng Chạp Nhâm Thìn (23/01/13) tại Nhà hàng Khách sạn Faifo, Đà Nẵng, giai phẩm QUÊ NHÀ Xuân Quý Tỵ 2013 – Tuyển tập thơ văn do hai anh Lê Diễn và Hồ Sĩ Bình chủ trương - lần thứ tư đã ra mắt bạn đọc.
Đến dự buổi ra mắt có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo đang sinh sống và công tác tại Đà Nẵng như nhà thơ Đông Trình, nhà văn Thái Bá Lợi (giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), nhà văn Vĩnh Quyền, các họa sĩ Phan Ngọc Minh, Hoàng Đặng, Vũ Dương, các nhà báo Phạm Xuân Hùng, Phan Bùi Bảo Thi, các nhạc sĩ Đình Thậm, Diệp Chí Huy, bác sĩ Trần Văn Long (giám đốc BV Hoàn Mỹ), bác sĩ Bùi Ngọc Nam Anh (BV Đà Nẵng, trưởng Ban liên lạc Cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Đà Nẵng), … và rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà kinh doanh khác. Ngoài ra còn có sự hiện diện của anh Trần Thanh Bình và quý anh chị trong Ban chấp hành Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng cùng quý bà con đồng hương Quảng Trị và thân hữu Quảng Nam.
Sau phát biểu khai mạc của chủ biên Lê Diễn, nhà báo Hồ Sĩ Bình đã giới thiệu vài nét về nội dung của giai phẩm QUÊ NHÀ năm nay.
Buổi ra mắt có sự góp vui bằng phần biễu diễn của nhạc sĩ Diệp Chí Huy, giọng ca của nhạc sĩ Đình Thậm (rể của Quảng Trị) và nhiều giọng ca điêu luyện khác làm không khí thêm phần sôi nổi hào hứng.
Buổi ra mắt giai phẩm QUÊ NHÀ 2013 diễn ra trong không khí thân mật và kết thúc thành công tốt đẹp.
VNQT chúc mừng hai anh Lê Diễn và Hồ Sĩ Bình, và trân trọng giới thiệu QUÊ NHÀ 2013 cùng bạn đọc. Đồng thời, xin gởi đến bạn đọc bài giới thiệu nội dung QUÊ NHÀ do anh Hồ Sĩ Bình đọc trong buổi ra mắt nói trên.
QUÊ NHÀ XUÂN QUÝ TỴ 2013
Hồ Sĩ Bình
Quê Nhà - dù là một giai phẩm của anh em đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng nhưng mấy số gần đây lại có sự đóng góp bài vở của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của cả nước, tất cả đã nhiệt tình, dành nhiều tình cảm cho Quê Nhà. Điều này là một hạnh phúc lớn cho những người thực hiện. Vì thế, Quê Nhà năm nay là một tuyển tập thơ văn được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Quê nhà Xuân Quý Tỵ cũng đã quy tụ nhiều tác giả khá tên tuổi: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với Ngày xuân nói chuyện rượu và hoa, một tản văn đầy không khí tươi vui và lãng mạn trong những ngày xuân. Nhà báo lão thành Phan Quang từ Hà Nội với một tản văn đầy xúc động trong cuộc trở về sau mấy chục năm bơ thờ trong gió ngày gặp lại với ngàn lau tuổi thơ. Cũng là giấc mộng hương quan nằng nặng nỗi niềm quy cố hương, đạo diễn Lê Cung Bắc gửi gắm niềm thương cảm quê nhà một cách ray rứt nhức nhối. Nhà nghiên cứu Ngô Thảo, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, với một bài viết súc tích, không dài lắm nhưng đã có một góc nhìn khái quát về con người tài hoa Phan Quang. Trong bài viết, dù không nói ra nhưng vẫn biểu hiện ngầm sự tự hào về người Quảng Trị quê mình. Nhà thơ Ngô Minh, quê mẹ Quảng Trị với bài viết Cây mận Vĩnh Linh, ghi lại cái dấu ấn sâu nặng của nhà thơ Phùng Quán trên đất lửa Vĩnh Linh.
Ở mảng văn xuôi, nhà văn Thái Đào ở Quảng Trị có một truyện ngắn xuất sắc Tiếng đàn bên sông Dịch Thủy, Nguyễn Đặng Mừng với Bài thơ đêm giao thừa bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn với nhà thơ Hoàng Cầm và ký ức thời thơ ấu. Đặc biệt, nhà văn Thái Bá Lợi sau chuyến viễn du châu Âu trở về đã dành cho Quê Nhà một bài viết đầy tính nhân văn một cách sâu sắc. Lời xin lỗi xúc động luôn phải dành cho những ai, những dân tộc nào đã gây ra tội ác, phải biết hối hận, thức tỉnh vì lương tâm nhân loại. Nhà thơ Võ Quê gửi gắm những suy nghĩ của mình về đời văn, đời báo qua một bài viết giới thiệu tập sách Bên triền sông Ô Lâu, rút ra những trải nghiệm, cơ hội của những người làm báo “Để mà đi” viết những trang đời.
Đặc biệt, Quê Nhà xuân Quý Tỵ lại có sự xuất hiện của nhiều khuôn mặt nhà báo người Quảng Trị: Phan Quang, Lê Đức Dục, Minh Tự (báo Tuổi Trẻ), Minh Tứ - Phó tổng biên tập báo Quảng Trị, Nguyễn Hoàn - Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Trị, Phạm Xuân Hùng - Trưởng phòng Khoa giáo VTV3 tại Đà Nẵng, rồi Trần Trình Lãm, Hồ Sĩ Bình, Hoàng Hữu Quyết… Sự xuất hiện của các nhà báo đem đến sự tươi mát, phong phú đề tài, hình ảnh cho Quê Nhà, kéo rộng chiều kích của không gian cuộc sống với nhiều góc nhìn đầy tinh tế, từ những miền quê xa ngái, miền biên ải đến vùng đất Cam Lộ, Gio Linh, dòng sông huyền thoại, tình sử Huyền Trân... Tất cả đã làm cho Quê Nhà thêm phong phú và sinh động, hấp dẫn và ấn tượng.
Về mảng thơ, với nhiều tác giả khá quen thuộc trên thi đàn đã đem đến cho thơ Quê Nhà nhiều sắc màu, âm điệu, ngôn ngữ và nghệ thuật biểu hiện: nhà thơ Nguyễn Duy với một chùm thơ về Ngày xuân uống rượu với vợ đầy nghĩa tình mang phong cách riêng không lẫn. Nguyễn Trọng Tạo lãng mạn say đắm khi qua miền quan họ. Một Đoàn Thạch Hãn với nỗi buồn cố hữu da diết và nhiều tác giả khác: Võ Văn Luyến, Võ Văn Hoa, Lê Diễn, Nguyễn Văn Chức, Huy Uyên, Trần Trình Lãm, Phan Luận, Phan Văn Quang, Ngô Minh, Xuân Lợi, Bùi Ánh Dương, Hoàng Tấn Trung, Lữ Thượng Thọ... Mỗi người mỗi giọng điệu, mỗi thanh âm làm cho bản tấu khúc thơ Quê Nhà Xuân Quý Tỵ thêm đa dạng.
Bên cạnh là những bài viết của Hoàng Hữu Quyết về nhạc sĩ Lam Phương, truyện ngắn Âm nhạc của yên lặng của Eva-Lis Wuorio do Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ; Lê Diễn với Thành phố của những chiếc cầu, Thương nhớ đồng quê của Lê Việt Thường, và những bài điểm sách Dòng sông chở nặng ân tình (Võ Văn Luyến), Tình yêu trong thơ Xuân Lợi (Bùi Ánh Dương), Cái tình của Võ Văn Hoa trong Phù sa tình (Nguyễn Ngọc Luật)... Và đặc biệt là cuộc gặp gỡ cuối năm khá thú vị với nhạc sĩ Diệp Chí Huy - Đêm nằm nghe tiếng quê nhà...
Tất cả đã tạo nên cho Quê Nhà Xuân Quý Tỵ 2013 một diện mạo hấp dẫn, lôi cuốn, sự kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tình cảm với mảnh đất Quảng Trị hòa quyện tình yêu đất nước.
|
Nhà báo Hoàng Hữu Quyết giới thiệu chương trình |
|
Nhà thơ Lê Diễn phát biểu khai mạc
|
|
Nhà báo Hồ Sĩ Bình đọc bài điểm sách.
|
Nhạc sĩ Diệp Chí Huy hát cài Quê Quán Ơi, phổ thơ Hồ Sĩ Bình và một sáng tác mới của anh. |
Ảnh dưới: Nhà văn Thái Bá Lợi kể chuyện chiến trường Quảng Trị
Ảnh dưới: Các anh Ng. Khắc Cảm, Phan Bùi Bảo Thi, Phạm Xuân Hùng, Phan Luận
|