Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 7, 2017

NHÀ THƠ PHẠM NGỌC THÁI NHƯỢNG TÊN TÁC GIẢ KỊCH BẢN SÂN KHẤU - Nguyễn Thị Hoàng


    A*  Vài lời giới thiệu kịch:
     Trong nghiệp bá văn chương, anh đã sáng tác thành công 5 kịch bản sân khấu, đó là những vở kịch nói:
          1.   Số phận những hòn đá tảng, kịch dài.
          2.   Bản án dưới mồ, kịch dài.
          3.   Cánh cửa quốc tế, kịch ngắn.
          4.   Chuyện ở quán gốc đa, kịch ngắn.
          5.   Mối tình hoa hồng bạch, kịch ngắn.
    Những vở kịch nói này, đều có khả năng công diễn trên sân khấu với những đoàn kịch lớn tầm vóc quốc gia.

 -  Thí dụ như "Số phận những hòn đá tảng" là một vở kịch dài,  diễn khoảng gần 3 tiếng trong một tối. Một kịch bản mà tác giả Phạm Ngọc Thái đã viết rất công phu trong nhiều năm. Nội dung:
      Đề cập đến sự tha hóa và thấp kém của những kẻ lãnh đạo trong một cơ quan kinh tế quốc gia, dẫn đến sự sụp đổ cả kinh tế lẫn guồng máy. Đó là cái mâu thuẫn thế hệ, sự cũ rích, bảo thủ. Họ như những hòn đá tảng phải bảy đi ! Trong đó tình yêu và cuộc sống, mới và cũ được phơi bày đầy kịch tính ở xã hội đương thời, v.v... với những nhân vật đại diện sừng sỏ, điển hình.
     Trong đợt sáng tác sân khấu toàn quốc ít năm trước, đã được cố NSND Trọng Khôi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ VN lúc đó, tặng thưởng kịch bản sâu sắc.

     Thời gian qua anh cũng đã gửi kịch bản này tới các đoàn kịch lớn quốc gia ở Thủ đô, như Đoàn kịch nói Trung Ương; Đoàn kịch Tuổi Trẻ; Nhà hát kịch Hà Nội và Đoàn kịch Tổng Cục Chính Trị  - Theo các đoàn kịch cũng như NSND Lê Hùng, nguyên giám đốc Đoàn kịch Trung Ương... thuộc trong những bậc đạo diễn sân khấu tài danh nhất hiện nay, cho biết: "Số phận những hòn đá tảng" là một vở kịch hoành tráng, nhưng dàn dựng tương đối tốn phí...
    Nếu được tài trợ kinh phí dàn dựng, thì các đoàn kịch lớn sẵn sàng dựng để công diễn trong toàn quốc.

-    Hoặc như 3 vở kịch ngắn: "Cánh cửa quốc tế * Chuyện ở quán gốc đa * Mối tình hoa hồng bạch) - Tác giả đã từng trao đổi với Nhà hát tuổi trẻ ở Hà Nội, là đoàn thường diễn 2-3 vở kịch ngắn trong một tối. Nhà hát cũng có gợi ý: Nếu được tài trợ kinh phí, đoàn kịch sẽ dàn dựng để công diễn...

         B*  Nhà văn Phạm Ngọc Thái ngỏ ý như sau:
1.   Nếu đại gia nào chịu chi ra một khoản kinh phí cho tác giả, theo thỏa thuận - Trước hết, Nhà văn sẽ cho xuất bản thành sách cả 5 vở kịch đó... "đồng tên tác giả" kịch bản, để cùng lưu danh đại gia đó!... không chỉ hiện tại, mà vĩnh viễn lâu dài trong nền sân khấu nước nhà.
     Thí dụ, như tác phẩm " Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941" của Hoài Thanh chẳng hạn? Đến nay qua hơn nửa thế kỷ, mỗi khi xuất bản người ta vẫn lưu giữ, không chỉ riêng Hoài Thành... mà tên của cả hai tác giả trên sách, là "Hoài Thanh & Hoài Chân"!

2. Còn công diễn, chỉ cần tài trợ kinh phí cho Đoàn kịch dàn dựng - cũng sẽ đồng tên tác giả sáng tác kịch bản: cả Nhà văn và Đại gia đó !... để công bố với quảng đại công chúng trong cả nước.

3.  Có thể một công ty hay cơ sở nào... muốn mua bản quyền 5 kịch bản như đã nêu trên, xin trao đổi trực tiếp với Nhà văn Phạm Ngọc Thái.
     Về phía Tòa soạn: chúng tôi cũng có nhận được 5 kịch bản của tác giả gửi đến,  qua hộp thư điện tử - Nếu cá nhân hay công ty, cơ sở nào muốn giao dịch ? xin liên hệ, tòa soạn sẽ cung cấp kịch bản để quí vị thưởng lãm.
  Hoặc quí vị có thể trao đổi trực tiếp với chính tác giả Phạm Ngọc Thái, theo địa chỉ dưới đây:
                           ĐT:      0168 302 4194
                       Email:     ngocthai1948@gmail.com 
     Nhà văn sẽ cung cấp cho quí vị kịch bản để đọc.

   T/M Hội thi ca Thăng Long
     NGUYỄN THỊ HOÀNG

 Giảng viên Trường ĐH Sư phạm
READ MORE - NHÀ THƠ PHẠM NGỌC THÁI NHƯỢNG TÊN TÁC GIẢ KỊCH BẢN SÂN KHẤU - Nguyễn Thị Hoàng

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



              Nhà thơ Chu Vương Miện


NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT

Nước chảy lá môn
Cơm đường cháo chợ
Nước chảy đá mòn
Một khối tình lớn
Dăm khối tình con
Hết vuông lại tròn
Hết tròn lại méo
Tinh như kẹo kéo
Càng kéo càng dài
Càng nhai càng ngọt
Con chim đang hót
Con bướm đang bay
Ta lạc chốn này
Trăm hoa đua nở
Muôn hồng ngàn tía 

  
NON NƯỚC ĐẠI NAM

tiểu tòng đại
nhược tòng cường
lý thê giã , thiên giã 
(Khổng Tử Gia Ngữ) *
lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng **
nhưng theo ta thì kẻ mạnh cũng thua 
sử biên niên truyền lại tới giờ
lọc phần chính bỏ đi phần ba xạo
khi dư giả ăn cơm toàn gạo
khi cùng đường nhếch miệng cười trừ
dân tộc nào ? mà chả nên hư
khi hưng thịnh khi thì mạt vận 
từ Đông Châu, Đại Đường, Đại Tống
cũng cứ thua dài dài mất nước như không
từ Liêu, Kim, Tiên Ty đến Khiết Đan
dầy xéo rách bươm giang san nhà Đại Hán
nước Việt ta trên ngàn năm quốc nạn
một cái vèo đuổi tuốt bọn xâm lược xâm lăng
vào thời nhà Lý
Lý Thường Kiệt xua quân chiếm Châu Ung
làm  mưa gió trên đất đai Lưỡng Quảng
thời nhà Trần
ba lần đánh tan quân Thành Cát Tư Hãn
cọc Bạch Đằng cắm sừng sững còn đây ?
kể làm cái gì ?
chuyện đánh Tàu, đánh Nhật, đánh Tây
bao bành trướng trên đất này
trước hoặc sau thua hết trọi
rồi tháo lui bất thần không kịp nói
rời âm thầm lặng lẽ chuồn đi ?
ôi bao thời mang tiếng man di
mà sức mạnh như thần
đánh đâu thắng đó
vũ trụ cứ quay
tuần hoàn muôn thủa
đảo Trường Sa, Hoàng Sa, thác Bản Dốc
cũng chỉ là chuyện nhỏ
chả có con đường nào
cách núi ngăn sông là khó
mà chẳng qua đất nước chúng ta
đang sửa soạn trở mình

* nhỏ phục lớn
yếu phục mạnh
cai lí là vậy , cái thế là vậy
ý trời cũng vậy

** E'dop


 NGHÈO NGHÈO

Sáng dậy sớm đi cày
Chờ mưa đi bừa
Một năm 12 tháng
Có thiếu có thừa
Có ngày no ngày đói
Có muà đuọc mùa thua
Hai con trâu đi trước
Theo sau là cái cày
Theo sau chót
Là hai vợ chồng con lừa
đồng cạn đồng sâu
bát gạo bát mồ hôi
chán mớ đời ?
từ xưa từ ngàn xưa
đến bây giờ
vẫn vác cày vác bừa
vẫn cặp bò cặp trâu
hết mưa cùng nắng 
dãi dầu
giàu sang thì không màng tới
nghèo sát đất
nghèo rớt mồng tơi
bao nhiêu chế độ đã đi qua
người vẫn ngang với vật

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH, NHÀ THƠ CAO BIỀN - Nguyễn Ngọc Kiên


         Nguyễn Ngọc Kiên



THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH, NHÀ THƠ CAO BIỀN

Cao Biền 高駢 (821-887) tự Thiên Lý 千里, tướng đời Hậu Đường, cháu của Nam Bình đô vương Cao Sùng Văn (tướng cấm quân dưới triều vua Đường Hiến Tông Lý Thuần). 

Đầu đời vua Ý Tông, Cao Biền trấn giữ biên cương chống sự xâm lược của giặc Thổ Phồn 吐蕃. Năm Cảm Thông thứ 7 (866), Cao Biền trấn giữ An Nam, làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ. Năm Càn Phù thứ 2 (875) đời Hy Tông, chuyển sang trấn giữ Tây Xuyên.
 
寫懷其一 - 高駢
漁竿消日酒消愁, 
一醉忘情萬事休。 
卻恨韓彭興漢室, 
功成不向五湖遊。

Phiên âm:
Tả hoài kỳ 1 – Cao Biền
Ngư can tiêu nhật tửu tiêu sầu, 
Nhất tuý vong tình vạn sự hưu. 
Khước hận Hàn, Bành hưng Hán thất, 
Công thành bất hướng Ngũ Hồ du.

Dịch nghĩa:
Tỏ nỗi nhớ kỳ 1– Cao Biền
Câu cá giúp qua ngày, rượu say quên buồn bực, 
Một khi đã say, quên hết nhân tình thế thái, mọi sự kể như đã qua. 
Chỉ tiếc cho Hàn Tín và Bành Việt ra sức dựng nên nhà Hán, 
Công thành lại không về vùng Ngũ Hồ mà ngao du.

Dịch thơ:
Tỏ nỗi nhớ kỳ 1 – Cao Biền
Câu cá vui, rượu tiêu sầu
Khi say muôn sự còn đâu nữa mà
Hàn, Bành giúp Hán cơ đồ
Công thành chẳng đến Ngũ Hồ rong chơi. 

寫懷其二 - 高駢

花滿西園月滿池, 
笙歌搖曳畫船移。 
如今暗與心相約, 
不動征旗動酒旗。

Phiên âm:
Tả hoài kỳ 2 – Cao Biền
Hoa mãn tây viên nguyệt mãn trì, 
Sênh ca dao duệ hoạ thuyền di. 
Như kim ám dữ tâm tương ước, 
Bất động chinh kỳ động tửu kỳ.

Dịch nghĩa:
Tỏ nỗi nhớ kỳ 1 – Cao Biền
Đầy vườn tây hoa nở, đầy ao trăng sáng 
Tiếng sênh ca khua động, thuyền rẽ sóng băng đi 
Nay ngầm ước với lòng mình 
Không phất cờ trận mà phất cờ rượu

Dịch thơ:
Tỏ nỗi nhớ kỳ 2 – Cao Biền
Vườn Tây đầy hoa, ao đầy trăng
Sênh ca khua động thuyền rẽ băng
Lòng mình cho đến nay thầm ước
Cờ trận thay cờ quán rượu ngang.

 南征敘懷 - 高駢
萬里驅兵過海門, 
此生今日報君恩。 
回期直待烽煙靜, 
不遣征衣有淚痕。

Nam chinh tự hoài – Cao Biền
Vạn lý khu binh quá Hải Môn, 
Thử sinh kim nhật báo quân ân. 
Hồi kỳ trực đãi phong yên tĩnh, 
Bất khiển chinh y hữu lệ ngân.

Đất Giao Châu (nước ta thời Bắc thuộc) ở cực nam Trung Quốc đời Đường, bị người Nam Chiếu (nhóm người Thái ở giáp Giao Châu) quấy nhiễu. Tác giả Cao Biền được lệnh đem quân đi bình định. Sau cùng thì tác giả dẹp yên được giặc Nam Chiếu, lâp công lớn, nhưng ban đầu, ông bị xàm tấu là không chịu tiến quân, nên bị triều đình gọi về hạch tội. Bài này tác giả tả tâm tư mình (dù bị tấu oan cũng quyết không rơi lệ) trên đường về kinh đô. Hải Môn là cửa ải ra vào Giao Châu.

Dịch thơ:
Đi đánh phương nam, tự tỏ lòng  – Cao Biền
Vạn dặm xua quân vượt Hải Môn
Trong đời nay được báo quân ân
Về triều xin đợi khi tan giặc
Đừng để chiến y lệ ướt dần.

贈歌者其一 - 高駢
酒滿金船花滿枝, 
佳人立唱慘愁眉。 
一聲直入青雲去, 
多少悲歡起此時。

Tặng ca giả kỳ 1 – Cao Biền
Tửu mãn kim thuyền hoa mãn chi, 
Giai nhân lập xướng thảm sầu my. 
Nhất thanh trực nhập thanh vân khứ, 
Đa thiểu bi hoan khởi thử thì.

Dịch nghĩa:
Tặng con hát kỳ 1 – Cao Biền
Rượu đầy thuyền vàng, hoa đầy cành, 
Người đẹp đứng hát, hàng my sầu thảm. 
Một tiếng nhập thẳng vào mây xanh bay đi mất, 
Bao nhiêu vui buồn nổi dậy trong lúc này.

Dịch thơ:
Tặng con hát kỳ 1 – Cao Biền

Bản dịch 1:
Thuyền vàng đầy rượu cành đầy hoa 
Mi sầu người đẹp đứng hát ca 
Thanh âm nhập mây xanh bay mất 
Bao nỗi buồn vui dậy lòng ta

Bản dịch 2:
Thuyền  đầy rượu, cành đầy hoa 
Người đẹp đang đứng hát ca, mi sầu 
Thanh nhập mây xanh bay đâu 
Bao buồn vui đó hết rầu lòng ta.

贈歌者其二 
公子邀歡月滿樓, 
雙成揭調唱伊州。 
便從席上風沙起, 
直到陽關水盡頭。

Dịch nghĩa: 
Tặng ca giả kỳ 2 – Cao Biền
Công tử yêu hoan nguyệt mãn lâu, 
Giai nhân yết điệu xướng Y châu. 
Tiện tòng tịch thượng thu phong khởi, 
Trực đáo Tiêu Quan thuỷ tận đầu.

Dịch thơ:
Tặng ca giả kỳ 2 – Cao Biền
Công tử vui chơi trăng đầy lầu 
Giai nhân cất điệu hát Y châu 
Gió thu bỗng nổi trên bàn tiệc 
Thẳng tới Tiêu Quan  nước tận đầu.

赴西川途經虢縣作 
亞夫重過柳營門, 
路指岷峨隔暮雲。 
紅額少年遮道拜, 
殷勤認得舊將軍。

Phiên âm:
Phó Tây Xuyên, đồ kinh Quắc huyện tác 
Á Phu trùng quá Liễu doanh môn, 
Lộ chỉ Dân, Nga cách mộ vân. 
Hồng ngạch thiếu niên già đạo bái, 
Ân cần nhận đắc cựu tướng quân.

Dịch thơ:
Đến Tây Xuyên, khi đi qua huyện Quắc
Á Phu vượt quá Liễu doanh Môn
Dân, Nga thẳng chỉ cách hoàng hôn
Thiếu niên khăn đỏ đầy đường đón
Ân cần nhận rõ cựu tướng quân.


邊方春興 
草色青青柳色濃, 
玉壺傾酒滿金鐘。 
笙歌嘹亮隨風去, 
知盡關山第幾重。

Phiên âm: 
Biên phương xuân hứng 
Thảo sắc thanh thanh liễu sắc nùng, 
Ngọc hồ khuynh tửu mãn kim chung. 
Sinh ca liệu lượng tuỳ phong khứ, 
Tri tận quan sơn đệ kỷ trùng.

Dịch thơ: 
Hứng xuân nơi biên ải
Cỏ non xanh biếc, liễu sắc nồng 
Bầu ngọc rót nghiêng đầy chén vàng 
Nhịp phách lời ca theo gió thổi 
Biết tận quan san mấy lớp cùng 

安南送曹別敕歸朝 
雲水蒼茫日欲收, 
野煙深處鷓鴣愁。 
知君萬里朝天去, 
為說征南已五秋。

Phiên âm:
An Nam tống Tào Biệt Sắc quy triều 
Vân thuỷ thương mang nhật dục thu, 
Dã yên thâm xứ giá cô sầu. 
Tri quân vạn lý triều thiên khứ, 
Vị thuyết chinh nam dĩ ngũ thu.

Tào Biệt Sắc: chưa rõ thân thế.

Dịch thơ:
Tiễn Tào Biệt Sắc từ An Nam trở về triều
Mây nước mênh mang, ngày sắp tàn
Khói đồng mờ mịt gà gô than
Biết người muôn dặm chầu thiên tử
Rằng: tôi Nam chinh đã năm năm 

風箏 
夜靜弦聲響碧空, 
宮商信任往來風。 
依稀似曲才堪聽, 
又被移將別調中。

Phiên âm:
Phong tranh 
Dạ tĩnh huyền thanh hưởng bích không, 
Cung thương tín nhiệm vãng lai phong. 
Y hy tự khúc tài kham thính, 
Hựu bị di tương biệt điệu trung.

Dịch nghĩa:
Cánh diều
Đêm tĩnh, tiếng đàn vang lên trong không trung xanh thẳm, 
Âm điệu do gió thổi vào mà tạo thành. 
Mơ hồ như một bản nhạc có thể nghe được, 
Trong đó hàm ý sắp có đổi thay.

Tiêu đề bày này có bản chép là "Đề phong tranh ký ý" 題風箏寄意. Một đêm, ông nghe gió thổi vào cánh diều mà đoán được vận mệnh sắp thay đổi. Quả nhiên ít lâu sau, nhận được chiếu chỉ của vua giao nhiệm vụ khác.

Dịch thơ:
Cánh diều

Bản dịch1:
Tiếng diều đêm vắng vọng thinh không
Điệu âm  theo gió vẳng theo cùng
Mơ hồ nghe y như bản nhạc
 Điềm báo thay đổi ở bên trong.

Bản dịch 2:
Tiếng diều đêm vọng không trung
Âm điệu theo gió thổi cùng trời mây
Mơ hồ như bản nhạc hay
Báo điềm thay  đổi ở ngay trong mình!

山亭夏日 
綠樹陰濃夏日長, 
樓臺倒影入池塘。 
水精簾動微風起, 
滿架薔薇一院香。

Sơn Đình hạ nhật 
Lục thụ nùng âm hạ nhật trường, 
Lâu đài đảo ảnh nhập trì đường. 
Thuỷ tinh liêm động vi phong khởi, 
Nhất giá tường vi mãn viện hương.

Dịch nghĩa:
Ngày hè ở Sơn Đình
Cây xanh biếc, bóng rậm, ngày hè dài 
Bóng lâu đài in trên mặt ao 
rèm thuỷ tinh lay động bởi cơn gió nhẹ 
Một dàn hoa tường vi, đầy nhà mùi hương ngát

Dịch thơ:
Ngày hè ở Sơn Đình

Bản dịch 1:
Bóng rậm, cây xanh, ngày hè dài
Mặt ao in đậm bóng lâu đài
Thủy tinh rèm động cơn gió thoảng
Hương ngát  dàn tường vi nhà ai.

Bản dịch 2:
Cây xanh biếc, ngày hè dài
Bóng rậm soi bóng lâu đài mặt ao
Rèm động bởi ngọn gió nào
Dàn tường vi ngát hương vào nhà ai.

過天威徑 
豺狼坑盡卻朝天, 
戰馬休嘶瘴嶺煙。 
歸路嶮巇今坦蕩, 
一條千里直如弦。

Phiên âm: 
Quá Thiên Uy kính 
Sài lang khanh tận khước triều thiên, 
Chiến mã hưu tê chướng lĩnh yên. 
Quy lộ hiểm hy kim thản đãng, 
Nhất điều thiên lý trực như huyền.

Thiên Uy kính: Theo "Việt sử thông giám cương mục", năm Hàm Thông thứ 7 (866) nhà Đường, Cao Biền đi tuần đến châu Ung và châu Quảng, thấy đường biển nhiều đá ngầm, không tiện cho việc vận tải, liền sai Trưởng sử đem binh lính đi khai đào. Đến quãng giữa đường biển, gặp nơi có những tảng đá to nằm dài đến vài ba trượng, rìu búa không sao phá được, chợt một hôm có mấy trăm tiếng sét lớn đánh tan những tảng đá ấy, do đấy đường biển không bị ngăn trở, vì thế mới đặt tên là Thiên Uy kính.

 Dịch thơ:
Qua đường Thiên Uy 
Sói lang chôn sạch mới chầu triều, 
Khói mịt mờ ngựa chiến thôi kêu. 
Đường hiểm gập ghềnh nay phẳng rộng, 
Lối về muôn dặm thẳng một lèo.

                                                       Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH, NHÀ THƠ CAO BIỀN - Nguyễn Ngọc Kiên

QUÊ NGHÈO – XÓT XA NHỮNG TIẾNG LÒNG - Bùi Đồng



                  Bùi Đồng


QUÊ NGHÈO – XÓT XA NHỮNG TIẾNG LÒNG

Ngoài kia Ngâu đang rả rích. Trong này, tôi cũng đang lặn lội “về” với Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến! Mà cũng lạ, cái quê này ở đâu vậy nhỉ? Cố tìm một địa danh mà chẳng thấy. Thì ra ai đọc Quê Nghèo cũng liên tưởng đến quê mình... củ khoai hạt lúa, chân chất mộc mạc, xa thương gần lại càng thương. 
Tác giả đã nói hộ mọi người:

Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu ...

Đọc hai câu thơ này giống như vế đối, lặp từ ĐỜI càng làm nặng thêm cái vất vả của bậc sinh thành. Tác giả có thể thay: cha suốt ngày lam lũ ... để tránh lặp từ nhưng may quá tác giả đã không làm như vậy! Đọc đến đây làm chúng con thấy chua xót mà cũng lăn tăn về trách nhiệm của mình nhưng có ngờ đâu đó là định mệnh mà xã hội làm chưa trọn!

Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ ...

Trời ạ, khi đói chả ai ngủ được, họ nằm trằn trọc, ước ao có được củ khoai, miếng sắn để quên đi bụng réo cồn cào... một lối tư duy rất thơ mà rất thực, cái đói cứ len vào giấc ngủ mà không làm gì được vì biết chắc chắn nhà mình chẳng còn gì cả, càng cố quên đi nó càng luồn lách, len lỏi vào tận... dạ dày! Chả còn gì để mà tự an ủi nữa, đến: Cánh cò (còn phải) bấu bíu lời ru!
Câu thơ đến đây làm nghẹn lòng người đọc, thương cho cánh cò rồi lại thương cái quê nghèo, cái thân phận của mình.
Có người nói: muốn biết vùng ấy thế nào thì nhìn vào chợ. Thì đây: phiên chợ èo uột,

Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi

Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua.

Ế bán
Chán mua

Lại một lần nữa cách diễn tả như vế đối, cô đọng hết cỡ, ngữ điệu dân gian... làm ta nghe phảng phất nhớ cụ Nguyễn Khuyến - Tú Xương. Thành công của bài thơ nằm ở đây. Tài thật, tôi biết đây là ngẫu hứng, tưởng tượng thôi nhưng thật tuyệt vì tác giả đã hòa hồn vào Quê Nghèo mới tinh chiết ra được như vậy.

Thương con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình.

Người nông dân thua trận ngay trên quê mình, mỏi cổ chồn chân ... miết rồi vẫn vậy. Đặng Xuân Xuyến ơi: 

"Ngoài sân một chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”
                             (Trần Đăng Khoa)

Đặng Xuân Xuyến đã làm tôi liên tưởng so sánh về sự hòa hồn với quê hương tới mức đồng thể! 
Ngạc nhiên thật. Thơ không giấu được về con người làm ra nó, có thế nào nó rải ra hết một cách vô tư và công bằng.
Bẵng đi... đến thời nay (mặc dù tạm quên đi chị Dậu, Giáo Thứ):

Chiếc cổng làng dựng nên thật đẹp
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai...
Để:
Giam hãm đời người 
Tù túng giấc mơ!

Quê tôi nghèo
Nghèo (đến) cả giấc mơ!

Đúng là hình ảnh làng văn hoá, đổi mới hiện nay rồi nhưng sao ta vẫn nếm được vị chua chát, bất mãn làm vậy. Rất may đây là cách chỉ ra gián tiếp nguyên do làm cho quê nghèo mãi nghèo! Ta đã thấy manh nhà một tư tưởng mới, cách sống không cam chịu và chẳng thèm thích nghi nữa.

Con cò: bấu víu lời ru
Con người: nghèo cả giấc mơ!

Mơ chả mất tiền, không ai đánh thuế, bắt vạ... ấy mà cũng chả dám mơ ước đổi đời…

Ngoài kia giọt mưa thu đã ngừng rơi 
Còn trong lòng mưa vẫn rơi sùi sụt!

Thương cho những quê nghèo với những xót xa tiếng lòng như trong Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến!

                                         Thành Nam, 07 tháng 09.2017
                                                     BÙI ĐỒNG
                    Địa chỉ: 3/176 Phan Đình Phùng, t/p Nam Định.
                    Email: hatbuinhangian.db@gmail.com
                    Điện thoại: 090.219.18.04





QUÊ NGHÈO

Quê tôi nghèo lắm
Vẫn lác đác nhà tranh
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru. 

Quê tôi nghèo lắm
Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Í ới mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.


Quê tôi nghèo lắm
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
Thương con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình.

Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai
Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.

Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...

Hưng Yên, chiều 29 tháng 12 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - QUÊ NGHÈO – XÓT XA NHỮNG TIẾNG LÒNG - Bùi Đồng