TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Saturday, August 4, 2018
QUÊ CŨ - Thơ Huy Uyên
Tác giả Huy Uyên
QUÊ CŨ
Em quay về với biển xanh cát trắng
tà áo người bay theo bóng trời chiều
đã qua thời mưa trên đồi không kịp nắng
tóc em dài che khuất một miền yêu.
Qua Bến-hải bạc lòng với Hiền-lương
về Đông-hà, Điếu-ngao cay tình bánh ướt
lên Dakrong mấy nhịp cầu treo lối đường mòn
trao tim cho người mà quặn đau từng bước.
Khe-sanh chiến-trường
bao người ngã xuống
đạn bom Dốc-miếu, Cồn-thiên
về Cửa Tùng chiều muộn
phi lao sóng vỗ
cát thầm thì ngủ sương.
Mùa hè phố pha màu bụi đỏ
những cột đèn Gio-linh vàng mờ
đã lâu quay về quê cũ
xa rồi Trung-lương ngày tháng năm xưa.
Bỏ tình lại cho ai đường 9
qua rồi ngày cũ hẹn hò
hỏa châu rơi soi đường ra mặt trận
bước chân đi quên hẹn cả lối về.
Người một thời chung đò qua sông
về quê cũ lòng đau muối xát
máu hờn căm theo cuộc chiến điêu tàn
nơi chiến trường xưa điêu linh còn mất.
Gởi lại người bao đoạn sầu buổi trước
đứng bên sông nước mắt chảy cùng sông
qua rồi bao tháng ngày xuôi ngược
quê ơi xa xót mãi trong lòng.
Huy Uyên
(1995)
DỊCH GIẢ ĐOÀN MẠNH THẾ: DAO SẮC KHÔNG GỌT ĐƯỢC CHUÔI - Đặng Xuân Xuyến
Dịch giả Đoàn Mạnh Thế
DỊCH
GIẢ ĐOÀN MẠNH THẾ:
DAO
SẮC KHÔNG GỌT ĐƯỢC CHUÔI
Năm 1998, lần đầu gặp, thấy anh phong độ, trẻ trung,
nghĩ anh chắc chỉ ngoài bốn mươi tí ti nên gọi anh xưng em ngọt sớt. Mãi sau
này biết tuổi, ngại quá, xin chuyển sang xưng cháu gọi chú cho phải đạo thì anh
gạt: - “Đừng gọi tớ là chú, già lắm. Tớ hơn cậu chưa đến 30 tuổi, đang quen anh
anh em em, chuyển sang xưng hô chú cháu nghe buồn cười...” . Ừ. Tặc lưỡi, cũng
như dịch giả Trần Đình Hiến đi! Bố cũng anh xưng em. Con (con vợ lớn của dịch
giả Trần Đình Hiến) cũng anh xưng em. Năm thỉnh mười thoảng mới gặp, gọi anh
xưng em cũng chẳng chết hàng tôm hàng cá nào, cốt vui vẻ khi gặp mặt, công việc
được như ý, là ổn. Từ đấy, lại anh anh em em, nhiều lúc rượu vào còn hứng lên cốc
đầu “ông anh” như gõ đầu trẻ, rồi tưng tửng phán: - “Số anh sau này cũng thê
lương lắm. Vợ bỏ! Con chê! Về già sống cảnh đói nghèo, đơn độc!”. Anh cười khì
khì: - “Chú biết cái đếch gì mà phán! Lại nghe thằng Hà (con thứ 2 của anh) nói
khi rượu vào chứ gì? Ừ. Số anh nó nhọ như thế nên cố tích đức để cải số đây. Mà
số chú sau này cũng nhọ lắm, sướng hơn anh về vật chất nhưng tinh thần cũng sẽ
mệt mỏi đấy.”.
“Phán” là thế nhưng bụng bảo dạ, anh ấy sẽ sướng chứ
chẳng khổ như “sách nói” đâu. Nhà cửa có mấy cái, ở Hà Nội, ở cả Hải Phòng.
Lương hưu kha khá, lại dịch sách đều đều, cờ bạc thì không, gái gú chỉ giỏi võ
mồm. Đến cả rượu cũng chỉ thi thoảng làm một, hai chén cho “có phong
trào”, để “giữ quan hệ”... Người như thế, cuối đời sao khổ được! Ấy vậy
mà đùng cái năm anh 65 tuổi, chị lôi anh ra tòa, nhất quyết “đường ai nấy đi”.
Con cháu, họ hàng tham gia thế nào, chị vẫn cứ khăng khăng: - “Không yêu nhau nữa
thì giải phóng cho nhau. Già rồi nên càng cần được sống cho riêng mình, càng cần
được sống thanh thản. Sống được bao năm nữa mà cứ phải gượng ép cho khổ!”. Điên
tiết, anh cũng “hâm hâm” lên, họa luôn: - “Bà không còn yêu tôi nữa, thì thôi,
ra tòa.”. Thế là anh chị ly hôn! Thế là anh khăn gói lên Hà Nội sống kiếp độc
thân... Chẳng bao lâu, ngôi nhà “đắc địa” ở phố “Hàng...” cũng lại phải bàn
giao cho “người khác”. Anh thành kẻ trắng tay. Là kẻ coi nhẹ đồng tiền, anh tặc
lưỡi: - “Người còn chẳng tiếc, tiếc đếch gì tài sản!”, rồi lầm lụi về ngôi nhà
cũ nát của bố mẹ ở Hồng Mai để tá túc...
Sáng nay đến thăm anh, sững người khi tận mắt được “mục
sở thị” ngôi nhà anh ở. Ngồi đến tiếng đồng hồ mà vẫn không biết có nên gọi nơi
anh đang tá túc là nhà không nữa? Tuổi đã cao, sức đã yếu, mỗi bận mưa gió thì
thế nào...?
Tiễn khách ra cửa, anh cứ mãi phân trần: - “Số anh nó
khổ vậy, đành chịu. Trách ai hả chú? Mấy thằng em chú (con của anh), cũng có nỗi
khổ của chúng nên anh không làm phiền chúng. Trời cho anh sống vượt tuổi thất
thập cổ lai hy mà vẫn khỏe mạnh thế này là anh sướng lắm rồi...”
Cả ngày nay, cứ bần thần nghĩ về anh: Giỏi như anh, tử
tế như anh và am tường lý số như anh, vậy mà vẫn phải chấp nhận sự an bài của
thiên định đặt vào thế hãm địa...!
Tối nay. Cho cu cháu đón anh đến nhà chơi, cũng chỉ biết
nhắc anh cố giữ gìn sức khỏe, đề phòng 2 pháp lệnh ngày càng nổi rõ, chạy sâu
vào khóe miệng...
Anh ừ mà nghe ầng ậc tiếng nước mắt! .
*.
Hà
Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
MỘT KHÚC TRẦM CA / TƯỞNG NHƯ / ƠI ĐẠ M'RÔNG, VỀ ĐI EM - Thơ - Lê Thanh Hùng
Tác giả Lê Thanh Hùng |
Một khúc trầm ca
Mùa đi xây chừng, em đã quên
Hoang linh ngày cũ mờ quen nết
Chí lớn giăng giăng, chiều xô lệch
Mây trắng miền tây, trôi bồng bềnh
*
Khắc khoải, buông lơi tiếng đàn kìm
Chệch choạch đâm ngang câu vọng cổ
Ráng đưa đẩy, điều gì hé lộ
Chờn vờn trong thắc thỏm tị hiềm
*
Chầm chậm chiều bưng nắng cuối ngày
Lơ ngơ cuốn gói giang hồ vặt
Lưỡng lự bến sông mờ trơ mắt
Cuồn cuộn dòng trôi, sóng đổ đầy
*
Chợt nhớ tầm này con nước ròng
Trên bãi bùn non chiều quánh đặc
Lất lay, dáng nhỏ cười trong mắt
Lạc điệu chìm trôi cuối bến sông
*
Cuộc nhậu buồn hiu, dừng nữa chừng
Thương con nước xuôi dòng cạn kiệt
Cánh lục bình xoay tròn mê miết
Khúc trầm ca, chợt thấy bỗng dưng ...
Lê Thanh Hùng
Tưởng như
Sao giọt nước
Mắt đong
Đưa
Nghệch phố
Thong
Thả rơi lem
Luốc tiếng cười
Không
Giấu được
Vết
Màu loang
Lổ
Bao nhiêu năm
Từ buổi
Xa người?
Lê Thanh Hùng
Ơi Đạ M’Rông, về đi em
Về chưa em, nơi ấy ngày xưa
Gần lắm rồi “Lễ Mừng lúa trổ bông” tháng bảy
Sao thấy đó, mà xa xôi đến vậy
Tiếng Cing me (1) vừa đổ nhịp, nhặt thưa
*
Rơi líu quíu, vội vàng Tơn kỡn gơ boh (2)
Về đi em, nghe Đơs crih (3) quê anh xứ biển
... “Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn” ...(*)
*
Ơi con sông Da M’Nông dặm bồi lưỡng lự, xuôi về Ea krông Nô
Trôi suốt những bến sông, đẫm mộng thời con gái
Để cho tiếng Pơn yơng kon (4), quặn lòng níu lại
Mặc sóng đời, rối nhịp đẩy xô ...
*
Về đi em, bát prên ktao rbu (5) nồng ấm một chiều mưa
Bên bếp lữa nghèo, ngạt ngào hương pai lăch (6)
Sao trống vắng cánh rừng xưa, dưới trời xanh ngắt
Chỉ có ánh trăng suông vờ vĩnh, phỉnh lừa
*
Những già làng gật gù bên ché tơrnơm (7)
Kể chuyện hồi đó, quân khu cực nam Trung bộ
Một thời hồn nhiên, một thời gian khổ
Tiếng chiêng đơn côi, rơi thắc thỏm chập chờn
*
Về đi em, gom vệt nắng lạc loài đổ xuống vạt rừng xa
Bừng sáng núi đồi, trong ngày mưa gối nắng
Cho tam pơt (8) chinh chao, trên dòng sông phẳng lặng
Lững thững bung biêng áo váy nuột nà
*
Đường anh về, sương mù giăng giăng mờ đèo Phú Sơn
Mà sao Đèo chuối vẫn xanh trong, tươi non nỗi nhớ
Ơi Đạ M’Rông đăm chiêu những điều gợi mở
Biết nhớ đến bao giờ mới đủ hở Đạ Tông?
VII/17
Lê Thanh Hùng
Bắc Bình, Bình Thuận
_____________________
(1) Bộ chiêng 6 của người K’ho, Cing me: Chiêng thứ nhất, chiêng cái
(2) (8) Hát giao duyên, hay bài ca tình cảm
(3) Đơs là nói, kể, crih là chuyện lạ. Đơs crih là những bài hát mang nội dung lạ.
(4) Hát ru con
(5) prên ktao rbu: Cà dại đắng nấu ớt xanh và da trâu
(6), pai lăch: Cháo chua; Bột bắp chua nấu với cá, lươn ...
(7) tơrnơm: rượu cần
LỜI THƯƠNG GỞI BẠN ĐỜI, BÂY GIỜ... - Thơ Tịnh Đàm
Tịnh Đàm
LỜI THƯƠNG GỞI BẠN ĐỜI
Chuyện mình, đâu nói lời yêu
Mà đôi ta vẫn sớm chiều có
nhau.
Ân tình nào hẹn trước, sau
Nụ cười, ánh mắt thắm màu
thiết tha.
Chuyện mình, đâu kể gần, xa
Bởi tin trong trái tim ta có
mình.
Tháng năm, lòng vẫn đinh ninh
Nợ duyên ta đó... đẹp xinh
cuộc đời.
Người ơ...
Xin hiểu tình người ,
Đâu cần phải nói : Yêu thời
mới yêu.
BÂY GIỜ...
Bây giờ,
Tôi lại hay quên
Người qua cứ tưởng...
Gọi tên ngỡ ngàng !
Trái tim,
Một thuở đa mang
Cũng thôi trăn trở
Chẳng màng được, không !
Trả em xưa,
Ước mơ hồng
Những đêm mộng mị
Còn nồng hương yêu.
Bây giờ,
Chân bước liêu xiêu
Tôi về chiếc bóng
Sớm, chiều quạnh hiu !
Tháng năm,
Giữa chốn dập dìu
Xin cho tôi...
Chút tin yêu gởi người .
TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP.HCM)
NỢ EM - Thơ Nhật Quang
Nhà thơ Nhật Quang
NỢ EM
Phải chăng
Tiền
kiếp nhân sinh?
Lỡ
vay em
Đóa
nụ tình - hồng nhan
Nên
giờ, em nhé!
Tôi
van
Cho
tôi nợ chút
muộn màng… tương tư
Tim em
Dẫu
hóa ngục tù
Vẫn
như áng mộng, tôi ru…giấc đời
Chiêm
bao…
Ân
ái… xa vời
Trở
đêm
Nghe
giấc bồi hồi… nghiêng say
Để
tôi
Chuốc
cạn men cay
Em
đừng ray rứt…
Chia
hai nỗi sầu
Lạy
Trời! cứ đổ mưa ngâu
Cho
Ngưu mãi kiếp bạc đầu nhớ nhung.
Nhật
Quang
(Sài Gòn)
HƯƠNG SỮA BAY XA - Thủy Điền
HƯƠNG SỮA BAY XA
Bước vào cổng, hắn không đi thẳng vào nhà, đứng lại. Nhìn cây Vú sữa chăm chăm.
Mẹ hắn hỏi?
-Mầy sao thế Quang.
Hắn chẳng thèm để ý đến câu hỏi của bà và bảo :
-Mẹ ơi ! Cây Vú sữa nhà mình dạo nầy to lớn và nhiều quả quá hả mẹ.
Mẹ hắn xụ xuống.
-Cha anh ! Mười năm anh đi xa, vào Sài gòn. Lẽ ra, ngày về điều trước tiên là anh phải hỏi mẹ anh trước chứ. Sao lại hỏi cây Vú sữa. Tôi giận anh rồi đó.
-Xin lỗi mẹ, con sơ ý quá.
Cây Vú sữa là hiện thân là chứng nhân cuộc tình của hắn và Ánh Nga trong nhiều năm. Bởi thế dù đi đâu hay làm gì hắn thường hay nghĩ ngợi đến nó. Nó, như là một kỷ niệm luôn khắng khít bên cuộc đời hắn.
Năm ấy hai người vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm. Nga đi dạy còn hắn bị động viên. Học Thủ Đức xong và ra đi lính luôn. Sau ba năm phục vụ trong quân đội, hắn xin thuyên chuyển sang nghề giáo và đi dạy ở Sài gòn. Rồi từ đó lập gia đình, sanh con , đẻ cái và ở miết nơi quê người.
Ngày tòng quân, là ngày hắn tạm chia tay Nga. Cuộc chia tay cũng đậm đầy nước mắt. Hắn hẹn một ngày không xa sẽ trở về xứ Thần kinh nối lại tình xưa và có thể........Nga yên tâm, tin tưởng ở điều nầy và vui vẻ chờ đợi người mình yêu sẽ quây về trong một sớm, một chiều nơi đất Huế.
Trước khi đi hắn dặn dò nàng đủ điều. Hãy nhớ! Đừng bao giờ quên lãng người mẹ già của hắn và Cây Vú sữa trước sân. Bởi đó là những hình ảnh cao quí và kỹ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của hắn. Vì thương chàng Nga nơi quê nhà, ngày ngày vẫn đi dạy, luôn tranh thủ những giây phút rảnh rổi thường hay ghé thăm bà và quét dọn, chăm sóc sạch sẽ dưới chân cây Vú sữa trước sân nhà. Như chăm sóc hắn trong những ngày còn đi học.
Ngỡ thời gian sẽ không lâu, cuộc hội ngộ gần kề. Nhưng sự chờ đợi bao năm dài đã làm cho người con gái không còn nghị lực và can đảm nữa- thất vọng tràn trề, nỗi bi quan cứ dâng cao vời vợi. Khi nửa đời mình đã vô tình hay cố ý lãng quên thì thử hỏi có còn gì mà chờ đợi. Tất cả chỉ bằng không.
Một ngày đẹp nắng, Nga đi lấy chồng, cũng một anh thầy giáo, nghèo, nhưng giàu lòng, một dạ thủy chung. Từ ngày ấy những buổi sáng nơi sân nhà hắn dần dần vắng bóng người con gái tóc dài tay quét, tay nâng trà cho mẹ.
Nơi phương xa nàng vẫn nhớ những lời dặn dò ấy. Nhưng định mệnh đã sắp bài và nàng phải đành chấp nhận.
Bao năm phiêu bạt quê người, bao năm nơi thị thành hối hả. Hắn cũng là người chớ đâu phải cỏ cây dù cuộc sống đang tràn đầy hạnh phúc, nhưng hắn cũng luôn tưởng về nơi quê nhà. Nơi có người mẹ già, nơi có người yêu đang đợi, nơi có cây Vú sữa sắp trổ hoa vào tháng chín. Hắn muốn quây trở lại dù chỉ một lần. Nhưng cũng chẳng biết sao, thời gian- thời gian đã làm cho hắn quên lãng mà mãi đến mười năm sau hắn mới thực hiện được những mơ ước của mình.
Tiếng chó sủa vang rền ngoài cổng. Mẹ hắn chạy ra.
À ra! Thằng Quang đã về.
Nhìn người mẹ già, nhìn cây Vú sửa cằn cõi theo thời gian. Hắn trầm mặt, ngậm ngùi và nói: Cảnh cũ còn đây, nhưng hương sữa đã bay xa từ dạo ấy.
Thủy Điền
04-08-2018
BUÔNG - Thơ Đặng Xuân Xuyến
BUÔNG
(Với N.T.N)
Chai rượu mừng
tôi rót
Chén rượu buồn
em bưng
Nào thì ta cùng cụng
Chuyện đời,
thôi nhé,
buông.
*.
Hà Nội, chiều 03 tháng 08.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
TUỔI NÀO CHO EM - Thơ Đàm Ngọc Năm
Tác giả Đàm Ngọc Năm
TUỔI NÀO CHO EM
Mẹ sinh em ra chỉ có một ngày
Có tháng, có năm - Họ hàng ai cũng biết .
Em giỏi quá chăng nghĩ mọi người không biết
Sinh trước, sinh sau chỉ mình hiểu mình thôi (!)
Dù thời nay vần vũ, lắm sao dời
Nhưng em ơi “gốc” mình đâu dễ đổi !
Tôi hỏi em, và rồi em hỏi lại :
“Chuyện năm sinh... anh thấy có tuyệt không ?” (!)
Tháng 8 năm 2018
ĐÀM NGỌC NĂM
Subscribe to:
Posts (Atom)