Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 3, 2017

ĐÃ KHÁC... - Thơ Trần Mai Ngân






ĐÃ KHÁC...

Lòng đã khác ta về mùa Thu trước
Cởi áo tà huy xin đắp mộng lành
Mảnh trăng xanh chênh chếch... chẳng song hành
Ta lại nhớ hương nồng đêm năm cũ !

Lòng đã khác - ta lặng im ghi khắc
Tạ ơn người năm tháng đã cùng ta
Dòng sông xưa - mưa xoá dấu nhạt nhoà
Cầu không nhịp sao chân sầu bước vội

Lòng đã khác - ta nói rằng thôi vậy ! 
Cứ đan xen những gặp gỡ trong mơ
Để Thu này ta chôn hết vào thơ 
Lòng đã khác - trăng cùng sao hấp hối !

                                   Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐÃ KHÁC... - Thơ Trần Mai Ngân

BÂNG KHUÂNG ĐÀ LẠT - Thơ Nhật Quang





BÂNG KHUÂNG ĐÀ LẠT

Em còn nhớ! Đà Lạt chiều mộng mơ...
Bồng bềnh gió níu vạt tóc ngây thơ
Bên đồi hoa - Dã quỳ vàng ngát lối
Đưa nhau về dốc xa hút chập chùng

Đồi thông reo vi vu ngàn nỗi nhớ!
Chạm hương yêu, môi thắm nụ hôn đầu
Thác Cam Ly, nước chảy mãi về đâu?
Xuân Hương ơi! còn đây bao kỷ niệm

Phăng-sê tím anh cài lên tóc em
Suối mượt mà, mơn man chiều gió lộng
Em nói thầm, hoa tím sắc thủy chung
Câu ước hẹn... đêm trăng thề vương vấn

Đà Lạt ơi! Chiều nay sương phủ trắng
Phăng-sê buồn, tím vời vợi xa xăm
Mi-mô-sa hắt hiu buồn nức nở
Níu ngàn trùng, hồ Than thở bâng khuâng

Em về đâu? Để hoàng hôn chiều khóc
Xa nhau rồi, lặng lẽ cánh hoa rơi
Phố mù sương mênh mang bao hoài niệm...
Đêm buông sầu, in dấu bước đơn côi.

                                        Nhật Quang
                                          (Sài Gòn)
READ MORE - BÂNG KHUÂNG ĐÀ LẠT - Thơ Nhật Quang

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 9) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ



                   Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 9)

QUÁCH CHẤN
Quách Chấn 郭震 (656-713), tự Nguyên Chấn 元振, người Quý Hương, Nguỵ Châu (nay thuộc Danh Bắc, Hà Bắc, Trung Quốc), tướng đời Đường. Năm Trường An thứ nhất (701) nhậm đô đốc Lương Châu. Năm Cảnh Linh thứ hai (711) nhậm sử bộ thượng thư, sau làm binh bộ thượng thư. Sau hai năm có công bình nội loạn hoàng thất, được phong đại quốc công. Dưới đời Huyền Tông giữ binh 20 vạn, Quách Nguyên Chấn bỗng hạ lệnh "Chiếu đến thì việc đã xong", khiến Huyền Tông nổi giận, hạ lệnh xử trảm, sau được xin nhưng lưu phóng đến Tân Châu (nay thuộc Tân Hưng, Quảng Đông), làm Nhiêu Châu tư mã, bệnh mất trên đường.

塞下曲 – 郭震

塞外虜塵飛, 
頻年出武威。 
死生隨玉劍, 
辛苦向金微。 
久戍人將老, 
長征馬不肥。 
仍聞酒泉郡, 
已合數重圍。

 Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC – QUÁCH CHẤN (SƠ ĐƯỜNG)
Tái ngoại Lỗ trần phi, 
Tần niên xuất Vũ Uy. 
Tử sinh tuỳ ngọc kiếm, 
Tân khổ hướng Kim Vi. 
Cửu thú nhân tương lão, 
Trường chinh mã bất phì. 
Nhưng văn Tửu Tuyền quận, 
Dĩ hợp sổ trùng vi.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN TÁI
Ngoài ải bay bụi Lỗ 
Nhiều năm khỏi Vũ Uy 
Sống chết nhờ kiếm báu 
Gian khổ tiến Kim Vi. 
Lính thú lâu già lão 
Cả ngựa không béo phì. 
Nghe Tửu Tuyền còn đó 
dù bao lớp trùng vây.

Dịch thơ:
BÀI CA NGOÀI BIÊN TÁI
 Bụi Lỗ bay ngoài ải
Nhiều năm xuất Vũ Uy 
Sống chết nhờ ngọc kiếm 
Gian khổ hướng Kim Vi. 
Lính thú lâu lên  lão 
Ngựa chiến không béo phì. 
Nhưng nghe Tửu Tuyền quận 
Bao lớp trùng vây kia.

TƯỞNG CÁT  蔣吉,
 Một thi nhân đời Đường.

出塞 –   蔣吉
瘦馬羸童行背秦, 
暮鴉撩亂入殘雲。 
北風吹起寒營角, 
直到榆關人盡聞。

Phiên âm:
XUẤT TÁI - TƯỞNG CÁT
Sấu mã nuy đồng hành bối Tần, 
Mộ nha liêu loạn nhập tàn vân. 
Bắc phong xuy khởi hàn doanh giác, 
Trực đáo Du quan nhân tận văn.

Dịch nghĩa:
RA CỬA ẢI 
Trên lưng ngựa gầy với tiểu đồng ốm yếu, ra đi để đất Tần sau lưng, 
Quạ bay lung tung vào mây chiều. 
Gió bắc thổi vào một góc doanh trại, 
Người mới tới cửa ải Du đã cảm thấy hơi lạnh.

Dịch thơ:
RA CỬA ẢI
 Ngựa gầy tiểu ốm biệt đất Tần
Loạn xạ quạ bay buổi chiều tàn
Gió bấc thổi lạnh nơi góc trại
Người hơi ớn lạnh tới Du quan


LỆNH HỒ SỞ
Lệnh Hồ Sở 令狐楚 (766-837) tự Xác Sĩ 殼士, người Hoa Nguyên, Nghi Châu, là hậu duệ của danh thần Lệnh Hồ Đức Phân 令狐德棻 thời Sơ Đường, tổ tiên vốn định cư ở Đôn Hoàng. Ông là một văn học gia, chính trị gia, và thi nhân đời Đường, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), giữ chức Hữu thập di, sau lãnh Hàn lâm học sĩ, Trung thư xá nhân, Bình chương sự, Hộ bộ thượng thư, Sử bộ thượng thư, Kiểm hiệu thượng thư hữu bộc xạ,... tước phong Bành Dương quận công, Sơn Nam tây đạo tiết độ sứ, cuối đời trí sĩ được ít lâu thì qua đời. 
Con trưởng của ông là Lệnh Hồ Tự 令狐緒 làm Hà Ham thiếu doãn, con thứ là Lệnh Hồ Đào 令狐綯 làm tể tướng đời Đường Tuyên Tông. 
Ông thường cùng Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích xướng hoạ. Tác phẩm của ông có "Đường ngự sử thi".

塞下曲其一 - 令狐楚  
雪滿衣裳冰滿須, 
曉隨飛將伐單于。 
平生意氣今何在, 
把得家書淚似珠。

Phiên âm:
TÁI HẠ KHÚC KÌ 1- LỆNH HỒ SỞ
Tuyết mãn y thường băng mãn tu, 
Hiểu tùy Phi Tướng phạt Thiền Vu. 
Bình sinh ý khí kim hà tại, 
Bả đắc gia thư lệ tự chu.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ 1) – LỆNH HỒ SỞ 
Tuyết rơi đầy áo băng phủ đầy râu 
Sáng theo Phi Tướng đánh đuổi Thiền Vu (tướng Hung Nô) 
Ý khí thường ngày bây giờ không biết ở đâu 
Khi đọc thư nhà, lệ nhỏ như ngọc châu.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ 1) – LỆNH HỒ SỞ 
Tuyết rơi đầy áo băng đầy râu
Sáng đuổi Hung Nô bọn cầm đầu
Ý  chí thường ngày nay đâu nhỉ?
Thư nhà cầm đọc lệ như châu.


塞下曲其二 -  令狐楚
邊草蕭條塞雁飛, 
征人南望淚沾衣。 
黃塵滿面長須戰, 
白髮生頭未得歸。

TÁI HẠ KHÚC KÌ 2 – LỆNH HỒ SỞ
Biên thảo tiêu điều tái nhạn phi, 
Chinh nhân nam vọng lệ triêm y. 
Hoàng trần mãn diện trường tu chiến, 
Bạch phát sinh đầu vị đắc quy.

Dịch nghĩa:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ 2) – LỆNH HỒ SỞ 
Cỏ cây biên ải tiêu điều, nhạn bay đi 
Chinh nhân ngóng về phía nam (hướng nhạn bay) lệ rơi ướt áo 
Bụi vàng bám đầy mặt mà còn chinh chiến mãi 
Tóc đã trắng trên đầu nhưng chưa được về.

Dịch thơ:
KHÚC CA NGOÀI BIÊN ẢI (KÌ 2) – LỆNH HỒ SỞ 
 Cây cỏ xơ xác  nhạn  bay  đi
Lính ngóng về Nam lệ đầm đìa
Bụi vàng đầy mặt còn chinh chiến
Tóc trắng đầu mà chửa được về.


CAO THÍCH
Cao Thích 高適 (702-765) tự Đạt Phu 達夫, người Thương Châu (nay là tỉnh Hà Bắc). Năm Khai Nguyên thứ 22 (đời Đường Huyền Tông), ông theo giúp Tín An Vương lên biên tái đánh giặc Khiết Đan, sau đó lại đi du ngoạn ở vùng Hà Nam. Cho đến năm 40 tuổi, Cao Thích còn lận đận, sống đời áo vải lang thang đây đó. Sau đó được người cất nhắc, thi đỗ hữu đạo quan và được lên làm quan ở Trường An. Ông được giữ chức huyện uý. Tâm tính ông không hợp với chức này, thường làm thơ than thở. Sau đó thăng Tiết độ sứ ở Hà Tây. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, ông tắt đường đến với Huyền Tông ở Hà Trì, dâng thư nói về nguyên nhân thất bại ở cửa ải Đồng Quan được làm Gián nghị đại phu. Sau có công đánh dẹp Vĩnh Vương Lý Lân, được Đường Túc Tông thăng tước hầu ở Bột Hải. 
Ông đi nhiều, thông cảm với nỗi khổ của dân chúng …

塞上聽吹笛  -  高適
雪淨胡天牧馬還, 
月明羌笛戍樓間。 
借問梅花何處落, 
風吹一夜滿關山。

 Phiên âm:
TÁI THƯỢNG THÍNH XUY  ĐỊCH – CAO THÍCH
Tuyết tịnh hồ thiên mục mã hoàn, 
Nguyệt minh Khương địch thú lâu gian. 
Tá vấn mai hoa hà xứ lạc? 
Phong xuy nhất dạ mãn quan san.

Dịch thơ:
NGHE THỔI SÁO NGOÀI BIÊN ẢI – CAO THÍCH
 Tuyết sạch trời Hồ ngựa về đàn
Sáo Khương trăng sáng ở Lâu Lan
Hoa mai thử hỏi nơi nào rụng?
Gió lộng một đêm khắp ải quan.

Bài này có dị bản như dưới đây với tiêu đề "Hoạ Vương Thất Ngọc Môn quan thính xuy địch" 和王七玉門關聽吹笛 (Hoạ thơ "Ngọc Môn quan nghe thổi sáo" của Vương Thất):

和王七玉門關聽吹笛
胡人吹笛戍樓間, 
樓上蕭條海月閑。 
借問落梅凡幾曲, 
從風一夜滿關山。

Phiên âm: 
HỌA VƯƠNG THẤT NGỌC MÔN QUAN NGHE THỔI SÁO
Hồ nhân xuy địch thú Lâu gian, 
Lâu thượng tiêu điều hải nguyệt nhàn. 
Tá vấn "Lạc mai" phàm kỷ khúc, 
Tòng phong nhất dạ mãn quan san. 

Dịch nghĩa:
HỌA THƠ NGỌC MÔN QUAN NGHE THỔI SÁO
 CỦA VƯƠNG THẤT
Tiếng sáo người Hồ thổi ở Lâu Lan, 
Trên lầu tiêu điều trăng trên biển tĩnh lặng. 
Thử hỏi "Lạc mai" có mấy khúc, 
Theo gió một đêm trải khắp quan ải.

Bản dịch thơ của Nguyễn Ngọc Kiên:
HỌA THƠ NGỌC MÔN QUAN NGHE THỔI SÁO
CỦA VƯƠNG THẤT
Người Hồ thổi sáo ở Lâu  Lan
Biển lặng lầu xơ xác ánh trăng
Thử hỏi “Lạc mai” gồm mấy khúc
Theo gió một đêm khắp ải quan.

                                                          Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 9) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH





CÀ PHÊ ĐAM B'RI

Cà phê cũng chỉ một mình
Giọt thương,giọt nhớ,giọt tình đầy vơi
Cố nhân ngàn dặm mù khơi
Còn ta góc núi cuối đời buồn hiu
Đã nghe sương trắng mây chiều
Trăm năm rồi cũng quạnh hiu nẻo về
Một mình lặng lẽ cà phê
Một mình xuôi ngược sơn khê,một mình
Câu thơ dệt mãi chữ tình
Gởi ai,ai biết chỉ mình... với ta.


CHẠNH LÒNG KHÚC TÌNH CA                 
                                         
Hát nữa em khúc tình ca
Bao năm phiêu bạt bôn ba xứ người
Em nghiêng khóe mắt môi cười
Đoạn tình xưa lại rối bời yêu thương
Bên đời tóc úa màu sương
Tình ca em hát sao vương vấn lòng
Cảm ơn em hát tình nồng...

                         Hoàng Yên Lynh
                                                  
READ MORE - CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH

KIẾP TRAI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





KIẾP TRAI
(Tặng Trần Anh Quân)

Tưởng em là cô gái
Sao lại là chàng trai?
Ngỡ em là chàng trai
Sao lại là cô gái?

Cuộc đời nhiều ngang trái
Lặng thầm qua đời trai
Ôm kiếp đời tự ải
Thổn thức tình bi ai

Bao dè bỉu mỉa mai
Bao ánh nhìn thương hại
Em vẫn cứ trượt dài
Những ngu ngơ luyến ái

Cuộc đời nhiều oan trái
Lặng thầm qua đời trai
Câu thơ buồn tê tái
Nhức nhói suốt đêm dài...

Hà Nội, ngày 26.12.2012
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - KIẾP TRAI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

NỖI ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm


                   Tác giả Tịnh Đàm


NỖI ĐỜI
(Thân tặng bác G.T.Điệp)

Đời đau
Cùng nỗi nhân gian.
Trang thơ ứa lệ
Chưá chan mạch sầu!
Gặp đây,nào hẹn dài lâu
Mà nghe lời nghẹn trong câu tạ từ.
Môi cười
Giấu nét trầm tư.
Niềm riêng tư ấy
Xem như hão huyền!
Phận mình,
Sao lắm truân chuyên
Liệu mai sau có còn duyên với người ?
Bây giờ,
Lặng tiếng im hơi
Nhớ, quên...
Rồi cũng cả đời mang theo !

                   TỊNH ĐÀM
                    (TPHCM)

READ MORE - NỖI ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm

CẬY TIẾNG - Truyện ngắn của Hoàng Đằng



           Tác giả Hoàng Đằng


               CẬY TIẾNG
                           Truyện ngắn của Hoàng Đằng

Lão vào bệnh viện thăm người em rể đang điều trị tim mạch đã mấy ngày.
Phòng bệnh chỉ có 4 giường; bệnh nhân mới có hai người chiếm hai giường - em rể lão và một đàn ông khoảng 50 tuổi; hai giường còn lại đang trống. Phòng bệnh trông lý tưởng – toát lên vẻ rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
Lão đến bên giường người em rể, hỏi tình trạng sức khoẻ hiện giờ thế nào, việc điều trị có kết quả tốt không. Xong, lão quay mặt, chào xã giao bệnh nhân nằm giường bên.
Trông dáng vẻ bề ngoài của ông bệnh nhân, lão hơi ngạc nhiên - không ngạc nhiên sao được khi trước mắt lão là một người đàn ông trung niên vạm vỡ, không có dấu hiệu gì về bệnh tật cả. Ông không mặc đồng phục dành cho bệnh nhân, có lẽ do thời tiết quá oi bức của mùa hè. Trên người ông, cái áo maillot xanh, cái quần short trắng để lộ bắp tay, bắp chân rắn chắc, màu đồng thau láng do rám nắng. Lão chào xã giao và bắt chuyện làm quen:
- Chào chú nghen, chú đau chi mà phải vào điều trị đây ri?
Ông bệnh nhân vội vàng ngồi dậy, mỉm cười, nói:
- Dạ, không đau chi hết, cụ  nờ!
Lão thắc mắc:
- Không đau, răng vô bệnh viện nằm chi cho vừa mất thời gian vừa mất tiền?
Ông bệnh nhân, mặt đổi dáng buồn, giải thích:
- Kể ra tui cũng có đau – đau ít thôi, nói đúng hơn là mỏi mệt, nhưng phải nhập viện để tĩnh dưỡng và tránh những tiếng nói vô, nói ra đau đầu nhức óc của làng xóm.
Rồi hình như tìm thấy lão là người có thể kết làm tri âm tri kỷ, ông dốc bầu tâm sự bị dồn nén cả thời gian nay:
- Tui ở dưới vùng quê sát biển; sau năm 1975, vùng tui có nhiều người vượt biên ra định cư ở nước ngoài –  bây giờ họ được gọi là Việt kiều đó. Không biết ở bên ấy, họ làm việc gì mà kiếm được nhiều tiền lắm! Khi nhà nước Việt Nam có chính sách mở cửa, sự liên lạc giữa hai bên kết nối lại; ở bên này, kinh tế khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói, Việt kiều gởi đô-la về giúp; trong giai đoạn đầu, Việt kiều chỉ gởi cho bà con thân của họ; tình hình xã hội Việt Nam khởi sắc nhanh, người ta tiêu xài trong mua sắm đồ gia dụng, người ta cúng tế kỵ giỗ lớn mời nhiều người tham dự, người ta xây nhà xây cửa khang trang đón chờ Việt kiều về nghỉ lại, người ta xây lăng đắp mộ tổ tiên hoành tráng để đền đáp công ơn sinh thành, chu toàn đạo hiếu ... Rồi đến giai đoạn gần đây, Việt kiều nghĩ xa hơn, lo xa hơn, họ muốn giúp tu sửa hoặc nâng cấp hoặc xây mới các công trình thờ phượng cộng đồng của họ, làng ... Làng tui được Việt kiều tài trợ xây lại đình làng; vì việc này mà tui mệt đó, cụ nờ!
Lão thắc mắc:
- Việt kiều giúp thì dân làng cứ nhận mà làm để bộ mặt nông thôn tươi đẹp lên, chứ răng mà chú mệt? Ờ nông thôn mình ngày nay, các cơ sở công ích: điện, đường, trường, trạm đã có nhà nước lo; chừ các ông các bà Việt kiều muốn lo các cơ sở tâm linh thì tốt quá nì!
Ông bệnh nhân thở ra một hơi dài rồi phân giải:
- Có phải đơn giản như cụ nghĩ mô! Tiền từ bên ấy gởi về bên này qua tay bà con, thì không phải bà con nào bên này cũng sốt sắng giao ngay lại đầy đủ cho làng mô! Một số có bụng tham: hoặc giả bộ quên đưa, hoặc tự đổi từ đô-la ra tiền Việt rồi ăn chận số lẻ chỉ giao số chẵn ... Nào ngờ! Thời đại này, việc thông tin liên lạc dễ dàng và nhanh chóng, những chiêu trò ấy của bên này Việt kiều ở bên ấy rõ hết; thành thử họ không gởi qua bà con thân của họ nữa mà gởi thẳng cho ban điều hành xây dựng đình ở địa phương; từ đó, sinh chuyện ra, cụ nờ!
Lão thật thà hỏi:
- Răng mà sinh chuyện? Việt kiều gởi cho ban điều hành xây dựng thì ban điều hành xây dựng ký nhận, gởi lời cảm ơn; tiền chi tiêu xong, gởi cho họ bản quyết toán; đơn giản rứa mà mần không được hay là, xin lỗi, các ông điều hành cũng lem nhem!
Ông bệnh nhân lắc đầu, ngao ngán nói:
- Tui là trưởng ban điều hành; làng bầu tui vì họ biết tui có học hành đàng hoàng và có tính sòng phẳng. Khổ nỗi là mấy người bà con của Việt kiều mất quyền lợi bất chính, đâm ra ghét cay ghét đắng tui; họ tụ năm tụ ba bịa đặt chuyện nói xấu tui, có người đi ngang nhà tui chủi đỏng, thậm chí có người vô nhà tui đứng giữa sân mắng nhiếc; vợ con tui rầy la, bảo tui: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tui thấy chuyện nan giải quá! Không lẽ tui chửi bậy với họ, không lẽ tui đâm đơn kiện –  ai đứng ra xử mấy chuyện đó! Không biết cụ có nhận ra điều này không? Trật tự nông thôn ngày nay không còn nữa; luân lý, đạo đức, tôn ti, thượng hạ ... mất rồi; dân đa số không còn biết phân biệt phải trái, mạnh ai cứ làm càn, cứ nói càn. Tui cảm thấy quá mệt, huyết áp lên cao; tui đành tạm nghỉ, lên đây nhập viện để vừa tránh mặt mấy người nhiều chuyện ấy, vừa nghỉ ngơi cho vơi bớt bực nhọc.
Với kinh nghiệm bản thân dày dặn hơn, lão phân tích chuyện đời, góp ý cho ông bệnh nhân:
- Chuyện mấy người bà con Việt kiều bên này kiếm một chút lợi trong số tiền gởi về cho cộng đồng qua trung gian của họ, như chú nói, là chuyện nhỏ; đó là “miếng”, mất “miếng” chưa đến nổi làm dữ rứa mô! Chuyện lớn là ở chỗ mất “tiếng”; chú biết chứ? Làng mô cũng có nhiều họ; tâm lý người nông thôn là hễ  họ mình có người cúng tiền vào xây dựng đình làng nhiều chừng nào thì sự tự hào hãnh diện của con dân họ đó lớn bấy nhiêu.  Theo cách nghĩ của người dân bình thường, Việt kiều gởi tiền về xây dựng đình làng phải qua tay ông trưởng họ; ông trưởng họ lập đoàn đại biểu họ, sắm lễ trầu rượu, khăn đóng áo the, ra trịnh trọng trình thưa giữa một buổi họp đầy đủ thành phần dân làng: “Thưa cụ hội chủ, thưa các vị tộc trưởng, thưa toàn thể dân làng, con dân bổn tộc đang định cư ở nước ngoài, nhưng “ly hương bất ly tổ”, nghe tin làng xây dựng đình, có gởi về .... đô-la, góp tấm lòng vào công việc “trên đầu trên cổ””. Cả hội trường vỗ tay; ông hội chủ nói lời cảm ơn; chức sắc làng rót rượu, cụng ly, dân làng chia nhau cau trầu, nhai bỏm bẻm; thủ quỹ làng mở phong bì, nắn từng tờ đô-la, giơ cao, đọc số cho thư ký làng ghi (1). Chỉ mấy giờ sau, cả làng, nhà nhà đều biết thông tin ông A, bà B thuộc họ này họ kia ở Mỹ có cúng làng tiền xây dựng đình. Dân gian có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, tui muốn nhại, nói rộng ra: “Một người giàu sang cả họ được nhờ”; từ “nhờ” có thể mang nghĩa vật chất mà cũng có thể mang nghĩa tinh thần; được “tiếng” lây  cũng là “nhờ”...
Từ nãy đến giờ, ông bệnh nhân im lặng, chăm chú nghe lão nói. Lão dừng lời, ông đưa hai bàn tay vuốt mặt, xoa lên xoa xuống – ý chắc là muốn làm cho người tỉnh hẳn – rồi nói như thử đã ngộ ra chân lý:
- Hèn chi, tui thấy mấy người Việt kiều về làng, nghe tin ai đau ốm, tới thăm, tặng chút quà mọn, luôn có người thân ở địa phương đi theo.

Kim đồng hồ đã chỉ 12 giờ trưa. Lão chào tạm biệt em rể lão và ông bệnh nhân, ra khỏi phòng bệnh, kiếm xe về nhà.
Trên đường về, lão suy nghĩ miên man; chuyện rắc rối mà ông bệnh nhân mắc phải, đúng rồi, bắt nguồn từ sự ràng buộc nặng nề gia đình, dòng tộc mà người Việt Nam, từ thế hệ này qua thế khác, đã bị trói chặt. Sự ràng buộc ấy, dù có cái hay là gắn bó tình cảm thân ái, tinh thần trách nhiệm giữa những người cùng huyết thống, cùng cội nguồn, vẫn có cái dở là tạo ra sự đối xử thân sơ, dẫn đến tình trạng bất công trong xã hội; ngoài ra, nhiều công việc chung bị phức tạp hoá, cản đà tiến của cộng đồng, thậm chí của quốc gia./.
  
                                                             Hoàng Đằng
                                                 02/7/2017 (09/6/Đinh Dậu)

(1) Động tác này để tránh thủ quỹ sau này có thể thay đô-la thật bằng đô-la giả.

READ MORE - CẬY TIẾNG - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

LÀNG XƯA - thơ ĐÌNH THU



Làng xưa yên ả trong lành
Ôm bờ vai mẹ bao quanh khoảng trời
Sớm mai trong trẻo giọt đời
Chiều chắt chiu nắng hong lời ca dao
Đêm trăng hát khúc đồng giao
Tuổi thơ trong vắt trôi vào giấc mơ
Hồn quê mộc mạc đơn sơ
Quyện mùi rơm rạ ngây thơ nồng nàn
Mái đình cong níu hồn làng
Mây trôi bàng bạc khói lam nhuộm trời
Ngàn năm mẹ hát ru hời …
“Gió đưa cây cải về trời” làm chi.
Nhớ quê từ thuở ra đi
Ôm trong giấc ngủ vinh qui trở về
Nằm nghiêng thấy mảnh hồn quê
Cây đa giữ trọn lời thề ngày xưa
Ầu... ơ …trong tiếng ru vừa
Tao nôi bụôc chặt đung đưa dịu dàng
Nằm nghe tiếng thở thời gian
Choàng lên đời mẹ gian nan một thời
Tháng ngày rụng giữa chơi vơi
Tiếng con chim lạc cuối trời heo may
Khuya vùi giấc ngủ nồng say
Chiêm bao ngồi khóc cuối ngày phù dung  

Đình Thu 
(Bến Tre)
Điện thoại: 0918 407 222

Email: dinhthubank@yahoo.com.vn
READ MORE - LÀNG XƯA - thơ ĐÌNH THU

GÓC CHỢ NGÀY XƯA - Thơ Phan Minh Châu



GÓC CHỢ NGÀY XƯA

Tôi nhớ ngày xưa góc chợ xưa
Nhà tôi cha mướn thuở Hàn cơ!
Từ nơi đất Quảng xa xôi tít
Bỏ ruộng nhà hoang đến ở nhờ
Nhà thuê cũng nhỏ sân vườn nhỏ
Chỉ chợ là to đất kín dày
Lác đác sớm chiều đôi kẻ viếng
Dẫu buồn một chút thế mà hay...
Mẹ buôn mẹ bán đôi quang củi
Một ít than Dương đốn kẻ rừng
Mỗi buổi học về tôi lại trốn
Trong từng thớ củi để tìm vui...
Chợ bán ôi dào sao đủ thứ
Gà heo vịt ngỗng với chim trời
Trước mặt nhà tôi bày lác đác
Mấy gian chè đậu thấy mà thương
Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi
Lớn lên tôi học ở xa xôi
Lâu lâu về viếng tôi thăm lại
Chợ vẫn bao người quen đấy thôi
Ròng rã cũng hơn năm mươi năm
Thuở tôi cậu nhỏ học trường Nam
Đến nay lốm đốm hàm râu bạc
Tóc trắng như màu khăn áo tang
Nhìn lại hình xưa bỗng nhớ người
Cha già mẹ kiệt lã mồ hôi
Đem bao công sức lo nuôi nấng
Mong đám con ngoan chóng tuổi NGƯỜI.
Cha mẹ đã ra người thiên cổ
Còn đây di ảnh một thời thôi
Mẹ cha khuất tất lòng kiêu hãnh
Bởi chúng con đang của một thời.... 

        Phan Minh Châu

        Nha Trang
READ MORE - GÓC CHỢ NGÀY XƯA - Thơ Phan Minh Châu

HOA VƯỜN NHÀ - Ảnh của Chu Vường Miện





READ MORE - HOA VƯỜN NHÀ - Ảnh của Chu Vường Miện