Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 12, 2013

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: NHỚ CỐ NHÂN - Lê Đăng Mành và thi hữu



NHỚ CỐ NHÂN
(Thỉnh Họa )

Mở ngõ vườn xưa đón khách văn
Lùa sương giăng thoáng gót phong trần
Nguyễn Hoàng một thuở tình vương vấn
Đồng Khánh muôn đời nghĩa chứa chan
Nỗi nhớ gắp chờ vui hội ngộ
Niềm đau gánh mãi sợ “đàn quan”
Ao đời mong mỏi thuyền quay lại
Bến cũ soi chiều vọng cố nhân ./.

Lê Đăng Mành




BÀI HOA:
VUI GẶP MẶT

Vườn nhà luôn đón khách làng văn
Xướng họa tiêu dao rũ bụi trần
Tức cảnh tứ hay tràn với ngập
Sinh tình ý đẹp chứa cùng chan
Thân gần lui tới đây nhà bạn
Cách biệt tránh xa đó cửa quan
Tri kỷ tri âm vui gặp mặt
Trọng tâm đức sáng, trọng lòng nhân

Lê Trường Hưởng
Thanh Hóa



VỌNG CỐ TRI

Muốn thăm lều cũ của nhà văn
Một dịp hai ta gột nợ trần
Nhớ bạn đồng môn tình gắn chặt
Thương người đồng điệu nghĩa đầy chan
Tao nhân khôn hẹn ngày tương ngộ
Viễn khách khó qua vạn dặm  ngàn
Cố quận cảm hoài thời quá khứ
Tha phương đáp tạ gởi hiền nhân

Hồ Trọng Trí (Bà Rịa)



NHỚ BẠN  

Mai về thăm lại bạn thơ văn
Trải mấy thu qua lấm bụi trần
Cuốc tủi than niềm cô lẻ phận
Ve sầu khóc nỗi điệu hòa chan
Tình xưa nhắc đến lòng thêm xót
Nghĩa cũ  nhớ hoài dạ lạc quan
Muôn dặm sông hồ luôn nhớ đến
Dẫu rằng thuyền đậu bến tha nhân

Trần Ngộ (Lâm Đồng)





NHÂN VĂN

Đốt lò hương cũ khóc người Văn
Chiêu niệm hồn thiêng nhập cõi trần
Ôn thuở thân khô không nước uống
Nhớ thời cơm nhạt chẳng canh chan
Vần thơ khẳng khái bày tâm huyết
Nét bút hiên ngang vẽ mặt quan
Khí tiết ngàn sau còn rạng rỡ
Chói ngời giai phẩm của làng Nhân....

San Jose, Ca, USA
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt



NHỚ CỐ NHÂN

Tả nỗi quê nghèo mấy áng văn
Gió mưa đen xạm cả duyên trần
Anh về dưới xóm bờ tre ngập
Em ở cuối làng bóng nắng chan
Thương chợ Đông Hà sau nước lũ
Nhớ làng Cao Xá lút đường quan
Hai ta cách trở nhau từ ấy
Bảy mấy tuổi trời bước lãng nhân

Linh Đàn



DÀI BƯỚC PHONG SƯƠNG

Từ ngày cách trở xóm Tân Văn
Nhuốm cả lòng mơ giữa bụi trần
Quảng Trị ngầm thương trên phố nát
Di Linh thấm lạnh dưới mưa chan
Mênh mang chẳng thấy niềm mơ tưởng
Mãi miết đi tìm chút lạc quan
Sự thể một đời đâu phải dễ
Nghĩ hoài chẳng hiểu nỗi nguyên nhân


Lê Viên Ngọc


Lê Đăng Mành biên tập và gởi đăng


READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: NHỚ CỐ NHÂN - Lê Đăng Mành và thi hữu

KHÚC SANG MÙA - Thơ mời họa của Trương Đình Đăng



Thơ mời họa:
KHÚC SANG MÙA


Đất đón tình hoa buổi hạ tàn
Ve sầu lột áo ngủ bình an
Vườn cau vẫn giữ hàng quân kỷ
Ngõ trúc đang ru bóng nguyệt hàn
Khách đến chung trà say thế sự
Bạn về trang viết trải tâm can
Nửa thân đã sớm nương thềm lạc
Mộng khúc Tương Như réo điệu đàn.

  

LỜI QUÊ CẢM TẠ TÌNH THƠ
(Trao về: T. Ngộ, L.Đ. Mành, Nhã My, L .V. Hạt, H.K. Liên, T.V. Lũy, Q.L. Đức, P. Trần, T. Hương, T. Vân, V.T. Tùng…)

Tạ tình huynh đệ họa thơ tui
San sẻ chua cay, sớt ngọt bùi
Có bạn tri âm thèm sôống thọ
Quên miềng tuổi tác chộ đời bui
Văn hoa đã ngát mùi hương xạ
Mộc mạc còn thơm vị mía lùi
Đường tới Bồng Lai dài ngắn mặc
Chẳng kham kèo cột cứ mèn rui

                    Phương Ngữ - Trương Đình Đăng
                    ĐC: 30 Nguyễn Văn Thoại, Đà Nẵng
                              ĐT: 01239744707
                              Email : hoanggiang792000@yahoo.com
READ MORE - KHÚC SANG MÙA - Thơ mời họa của Trương Đình Đăng

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Hoàng Anh Vi, Motthoi



NHỚ AI?

Nhớ ai? ai nhớ mãi trong lòng
Mưa bão ngập trời mỏi mắt trông?
Lướt thướt sương giăng sầu khuất nẻo
Co ro chăn gối lạnh cô phòng
Chập chờn giấc ngủ mơ tiềm thức
Lỡ giấc chiêm bao thấm má hồng
Cảnh cũ còn đây người vắng bóng
Thu tàn khắc khoải chớm sang đông

                                     Hoàng Anh Vi


TRÔNG CHỜ
(Nương vận)

Nhìn lá vàng rơi, bỗng chạnh lòng
Người đi có biết nỗi chờ trông
Chiều về lạc lỏng nhòa mi mắt
Đêm đến trơ vơ phủ cửa phòng
Đã hết cùng nhau bên phượng đỏ
Còn đâu chung lối dưới mưa hồng!
Đường đời ngăn cách, mờ sương khói
Hy vọng lụn tàn trước gió đông.

Aug. 12th. 2013

Motthoi

READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Hoàng Anh Vi, Motthoi

Mùa Vu Lan: NGUYỆN CẦU - Thế Lộc



Bốn lăm năm mẹ nằm đây
Nhà xưa chếch bóng trăng gầy quạnh hiu
Mẹ nằm đây, khói lam chiều
Nghe con chim vịt kêu nhiều bi thương
Bốn lăm năm giữa vô thường
Mẹ đi để lại tình thương ngập tràn
Nguyện cầu Đại lễ Vu Lan
Thảnh thơi trên cõi Thiên đàng Mẹ tôi .
READ MORE - Mùa Vu Lan: NGUYỆN CẦU - Thế Lộc

Mùa Vu Lan: THẢO THƠM RẰM THÁNG BẢY - Tuỳ bút của Phan Trang Hy

               


      
       Lâu rồi  ý niệm của câu tục ngữ Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không vẫn cứ in sâu trong lòng tôi. Tôi vẫn còn nhớ lúc cuộc sống khốn khó, tôi đã từng nghĩ, ừ thì mình có thì mình có mâm lễ, còn không thì năm ba cây hương cũng được. Rồi cũng qua chuyện cúng kiến, lễ bái.
      Thế nhưng, trong tôi mãi vọng lên điệu kinh cầu về Rằm tháng Bảy. Đây là mùa báo hiếu của các Phật tử, của những người con đối với mẹ cha. Mục Kiền Liên là hiện thân của người con hiếu thảo. Trước tội lỗi của mẹ, Ngài có oán trách đâu. Chỉ có lòng nguyện cầu xin lượng hải hà vô biên của Bồ tát, cứu vớt linh hồn mẹ. Trong tôi cầu mong đạo hiếu của Mục Kiền Liên soi rọi tâm hồn mình để ứng xử với cha mẹ, tiên tổ, với những tiền nhân sao cho phải.
      Tôi cũng được biết thêm cách hiểu khác như là tâm niệm của nhân gian về  Rằm tháng Bảy. Đó là dịp xá tội vong nhân. Không cần biết người đã mất là ai, là kẻ thế  nào, chỉ biết đó là hồn oan của những người đã mất, những hồn tìm sự an bình trong sự cầu an của người trần thế. Tôi cũng từng nghe bà nội tôi kể chuyện cúng cô hồn Rằm tháng Bảy là cúng các hồn không nơi nương tựa, cúng hồn đói cái ăn - cái ăn bởi kinh bởi kệ. Người đã chết, dù có tội, ít ra đến Rằm tháng Bảy cũng được xá tội, mong được bình an nơi cõi phúc. Trước mắt tôi là những hồn ma vất vưởng xếp thành hàng. Họ đi, đi âm thầm, mong được xá tội. Trong tôi hiện lên những hình ảnh của những hồn trong “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du. Có thể họ là những kẻ đâm thuê chém mướn, cũng có thể họ là kẻ cướp vợ đoạt chồng kẻ khác, có khi họ dối dưới lừa trên, cũng có khi họ là kẻ có chức có quyền cướp đất cướp ruộng của dân. Cũng có khi, họ là kẻ tranh chức đoạt quyền, cũng có khi là kẻ buôn thần bán thánh... Nói chung, các hồn ma đều mong được ân xá. Trong tiếng cầu nguyện của người đang sống, trong trầm hương của Rằm tháng Bảy, tôi thấy các hồn ma như được hồi tâm. Họ thực sự ăn năn hối lỗi. Tôi như thấy các hồn đang nguyện xin được xá tội. Duy không thấy được hồn của những kẻ bán nước cầu vinh. Tôi chẳng thấy hồn của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ở đâu. Nghe đâu bọn chúng đang chịu hình phạt ở hoả ngục, phải “khóc lóc nghiến răng đời đời”(Kinh Thánh). Thảm thay ! Tội nghiệp thay !
     Bất chợt trong tôi cũng hiện lên hình ảnh những con người thực ở cõi đời, họ cũng thiếu ăn, thiếu gạo, thiếu muối trong những ngày giáp hạt, trong những lúc bão lũ, thiên tai...Này đây là hình ảnh còm xương của bao trẻ, bao dân lành miền núi thèm hơi muối, chút cơm. Này đây là những bàn tay giơ ra đón nhận gói mì tôm, chai nước. Này đây là cái chết oan khiên khi qua con suối, bờ nương...Họ làm gì nên tội mà phải đói khổ ở cõi trần ? Họ làm gì nên tội mà phải chịu thay cho tôi, cho bạn ?
      Cũng về  Rằm tháng Bảy, tôi quên làm sao được những lời của thầy tôi nói về thời cuộc, khi tôi học lớp 8 năm học 1969 - 1970 ở trường Đông Giang, rằng Rằm tháng Bảy là lễ giỗ những người chết trận. Lúc đó tôi lơ mơ hiểu rằng đã là người chết trận là phải được người đời sau làm lễ tưởng nhớ ghi ơn sự hy sinh của họ. Tôi nhớ lại lời kể của thầy, rằng, nước ta có thời bị chia cắt làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Nhưng binh lính tử trận của cả hai bên đều được đời sau hương khói. Tôi nghe lời thầy, rằng như thế mới hợp đạo làm người. Rằng tiền nhân có lúc bất đồng ý kiến, có lúc gây gổ, đánh nhau vì quyền lợi nào đó, nhưng suy cho cùng, để dân phụng thờ tưởng nhớ, phải là người có công với dân tộc. Ai vì dân tộc đều được phụng thờ. Quân Trịnh, quân Nguyễn vì ai mà một thời đổ máu ? Vì ai mà hy sinh ? Vì ai mà chút xương tàn không tìm thấy ? Hồn của các chiến sĩ hai bên có khác gì nhau trong và sau trận chiến ? Hồn của họ có khác gì nhau trong ý niệm của thời gian, trong sự phán xét của người cùng thời, của hậu thế ?
      Tôi bâng khuâng, như thấy trước mắt mình hồn của những chiến sĩ hai bên thuở nào cùng lặng im nghe lời khấn niệm của người đang sống, của kẻ cầm quyền, của người theo đạo này, tôn giáo nọ đang mong linh hồn của họ được siêu thoát. Các hồn như đang trò chuyện cùng nhau. Không có oán thù, không có tị hiềm, khích bác. Chỉ có sự hoà hợp của những hồn chiến sĩ năm nào. Chỉ có sự nguyện cầu cho đất nước an lạc.
      Bao nén hương lòng thắp trong Rằm tháng Bảy. Khói hương vẽ đường đi cho những hồn về nơi cực lạc. Khói hương mang lòng thành đến người đã khuất. Khói hương Rằm tháng Bảy thảo thơm hồn con dân Việt như là tấm lòng nguyện cầu an lạc đến cả thế gian.

                             Tháng 7, năm Canh Dần (tháng 8-2010)

                             Phan Trang Hy
READ MORE - Mùa Vu Lan: THẢO THƠM RẰM THÁNG BẢY - Tuỳ bút của Phan Trang Hy

VÒNG TAY SAO THẤY RỘNG - thơ Trương Nguyễn




Cứ mỗi ngày…
Hình như em nhỏ lại
Mà nỗi buồn cứ lớn dần ra
Mai phiên chợ…
Có hoắm sâu như biển?
Bước chân trơn trượt ngã giữa đời không?


Ta ngồi đây
Bạn cùng giun dế
Vuốt tóc em nhìn sâu trong bóng tối
Mong giọt sương-đọng ngọn cỏ sớm mai
Một chút lung linh
Làm tươi mới cho ngày
Nỗi cơ cực vây quanh nhiều số phận


Đem mệt mỏi
Tạm quên bao lận đận
Chuyện áo cơm len giữa cơn mơ
Có tiếng nấc khẽ khàng
Tiếng rên thật nhẹ
Thành âm giai của giọng thơ buồn


Hy vọng mong manh
Lạnh lùng xiết lại
Để thời gian lỗi với tháng năm
Ta ôm chặt lấy em
Vòng tay sao thấy rộng?
Vì mỗi ngày…
Hình như em nhỏ lại
Mà nỗi buồn thì mãi lớn dần ra.

Trương Nguyễn
READ MORE - VÒNG TAY SAO THẤY RỘNG - thơ Trương Nguyễn

VU LAN BUỒN - Châu Thạch

 ( Viết thay một người) 

                     
 
Đêm Vu Lan một mình bên cửa Phật
Mái hiên ngoài chênh chếch bóng trăng mơ
Buồn vu vơ mộng gối cánh tay hờ
Lòng sắc sắc không không luôn biến đổi.
 
Hồi tương lại cõi lòng anh chợt tối
Tình đôi ta là hết thảy vô thường
Bánh luân hồi quay lại nghiệp tang thương
Yêu gắn bó rồi trở thành ly biệt.
 
Em từ gỉa mối tình ta thắm thiết
Chọn bên kia biên giới làm thiên đường
Anh bên nầy cắt đứt sợi dây oan
Vào cửa Phật tìm trầm hương sưởi ấm.
 
Trầm vẫn lạnh và hương thêm cô quạnh
Đêm ngồi thiền nghe tóc mọc trên đầu
Tóc còn ra thì còn mãi thương đau
Lưỡi dao cạo phạm thêm nhiều vết cắt.
 
Tay gõ mõ lòng không theo kinh Phật
Thương nhớ trong xâu chuổi hạt quay vòng
Anh cúi đầu trước bệ Phật cầu mong
Em trở lại bên hiên chùa đứng đợi.
 
Chắc anh sẽ trầm luân ngàn kiếp tơi
Cởi cà-sa lặn lội đi tìm em
Sẽ nguyện làm tiếng quốc gọi trong đêm
Cho máu chảy trong trăng thành vệt đỏ ./.
                                                   CT
 
 
 
READ MORE - VU LAN BUỒN - Châu Thạch

NHẤT EM - thơ Bình Địa Mộc



nhất là em mỗi bận xưa
qua nhà tôi gót giẫm vừa vừa trăng
ngoài xa lắc gió lăn tăn
thế mà cũng cuốn cuồn phăng cánh đồng

bây giờ ngồi nhớ mênh mông
nhất là em mỗi bận không nói gì
mẹ rằng con gái lầm lì
coi chừng bỏ quách chồng đi theo người

thế là là thế mười mươi
em đi bỏ lại nụ cười vô duyên
giật mình nghe tiếng đỗ quyên
mé sông tôi bước hụt nghiêng nghiêng chiều ...

Sài Gòn, 8.2013

Bình Địa Mộc

READ MORE - NHẤT EM - thơ Bình Địa Mộc

Phạm Ngọc Thái với "Chùm thơ hay về tình yêu & đàn bà" - Trần Tứ Đức

                
Phạm Ngọc Thái,
ký họa từ thi phẩm Hồ Xuân Hương tái lai

                                                             
           
     Cái tên gọi "tình yêu & đàn bà" không phải do tôi đặt ra, mà là nhan đề một chùm thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Thái đã đăng nhiều trên các trang mạng. Trong bài của một văn nghệ sỹ ở Việt-Nam-thư-quán "Về một huyền thoại thi ca", khi bình phẩm thơ ông - có đoạn viết:

-   Phạm Ngọc Thái là một nhà thơ của tự do. Thơ ông thẳm sâu như bể cả mà rung rinh tựa lá hoa ngàn. Ông viết về nỗi đời dân gian, về tình yêu và đàn bà... Đọc thơ ông như đi vào trong động tích, càng vào sâu càng huyền thẳm vô biên.
    Hiện ông đang sống cùng gia đình trong một ngôi nhà gác nhỏ. Phía trước trông ra khu quảng trường thành phố, mặt sau soi bóng xuống hồ Tây quanh năm sóng vỗ. Cõi trần ai ông đã nếm đủ mùi khổ hạnh, đắng cay... cũng từng có những tháng năm phiêu du qua hải ngoại, rồi trở về vui thú trong cảnh sống phong trần của một thi nhân - Viết để lại cho đời một Bộ-thi-ca-thời-đại tầm vóc với bao nhiêu áng thơ tình huyền diệu, sẽ còn sống mãi với sơn hà...

     Thơ tình hay ở các cung bậc khác nhau của Phạm Ngọc Thái thì nhiều, tôi chỉ chọn ra đây ba bài theo ý riêng mình và chưa có ai bình. Gọi là để đàm đạo ở tao đàn cùng vui trong chốn văn chương:
        1.  "Người đàn bà trắng" -  Một đỉnh cao trong thi ca.
        2.  "Cây thầm tiếc bóng"
        3.  "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ".
             Xin đi thứ tự từng bài một:    

                      A.        NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG 

                                           Người đàn bà đi trong mưa rơi
                                           Chứa một trời thầm như hoa vậy...

                     Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
                     Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
                     Đôi mắt em đong những áng mây
                     Người đàn bà trắng!

                     Em đi, về... chao những hàng cây
                     Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
                     Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
                     Xoã ngang vai mái hất tơi bời.

                     Nỗi niềm thao thức
                     Những đêm trăng nước...
                     Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?

                     Đường xưa đó về đây em ơi!
                     Những con đường đã đầy xác lá rơi
                     Xác ve, xác gió và xác của mưa.

                     Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
                     Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                         suốt đời chèo sông vắng
                     Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
                     Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.

                     Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
                     Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                     Khúc thơ tình anh lại viết về em!
                     Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...

                                                 Thơ - Phạm Ngọc Thái

Lời bình:  Theo như bình luận ở giới văn chương, báo chí: "Người đàn bà trắng" là bài thơ tình hay nhất của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Trên con đường vô định của tình yêu, những đêm hoang vắng và sâu thẳm trong không gian mênh mông, lòng nhà thơ vẫn âm thầm khắc khoải nhớ về mối tình đã qua:
                     Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
                     Khúc thơ tình anh lại viết về em!
                     Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...

    Những ngôi sao trên vòm trời xa xôi kia, ngọn gió đêm vô tình... nó cũng hiu hắt như nỗi vắng vẻ, trống lạnh của lòng chàng. Tác giả gọi em là "Người đàn bà trắng", thực ra khi ấy em vẫn còn là một thiếu nữ. Từ chiếc mũ vải trắng mềm một thuở nào người yêu thường đội lệch trên đầu, lẫn vào trong khóm mây. Khóm mây đó lại vờn bay trên mái tóc nàng - Tất cả đã trở thành ấn tượng để nhà thơ mô tả về hình ảnh người đẹp:
                     Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
                     Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc   
                     Đôi mắt em đong những áng mây
                     Người đàn bà trắng!

     Đó là đôi mắt của mùa thu huyền diệu và xa thẳm. Bích Khê cũng từng mô tả về đôi mắt đẹp của người mỹ nữ trong bài thơ "Tranh loã thể" nổi tiếng của ông, rằng:
                     Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường...
     Nó chìm ngập một thế giới, chiếu rọi vào ngõ nghách tâm hồn của thi nhân sáng bừng lên. Hay như Xuân Diệu tả về đôi mắt người yêu cũng thật kỳ ảo:
                    Mắt em thăm thẳm như màu gió
                    Thơ cũng vàng trong như nắng hanh
    Ta trở lại với bài Người Đàn Bà Trắng: Đôi mắt em đong những áng mây /- Như thể đã bao lần nhà thơ từng phiêu du trong đôi mắt ấy. Nó bộc lộ một sự hiền hoà, nhân ái. Tác giả lấy hình ảnh của vũ trụ qua cảm xúc mà mô tả, quyện với mái tóc nàng trong mây bay, gió cuốn... hiển hiện dưới bầu trời cao vời vợi. Bầu trời ấy vừa để nói về tình yêu của người đàn bà ở cõi nhân sinh, vừa là bầu trời của quê hương đất nước ta vậy.

     Sang khổ thơ thứ hai - Hình bóng người thiếu nữ hiện lên trong một khung cảnh thiên nhiên rực rỡ:
                     Em đi, về... chao những hàng cây
                     Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
                     Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
     Cả thềm nắng hắt lên mình em như tơ lụa đất trời, có gió thổi, cây đưa... Vẫn chiếc mũ vải trắng mềm xưa mà em thường đội lệch, che lên khuôn mặt đẹp như một vầng trăng. Cái bờ hồ gió thổi ấy chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm, những tháng năm anh đã sống êm đềm trong hạnh phúc tình yêu. Giờ đi lại trên con đường đã qua, anh như nghe thấy cả khúc tình ca đang sống lại. Mái tóc người con gái xưa vẫn xoã bay trên đôi vai trần trắng của nàng:
                     Xoã ngang vai mái hất tơi bời
    Bồi hồi trong kí ức, hồn nhà thơ tựa con đò mộng lạc vào nơi bến vắng. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió táp, mưa sa... cùng những chiếc lá vàng rơi phủ xuống trong trời đất:
                     Đường xưa đó về đây em ơi!
                     Những con đường đã đầy xác lá rơi
                     Xác ve, xác gió và xác của mưa.
     Tiếng lòng nhà thơ cất lên để gọi vọng tình em. Con đường giờ đây hoang dã trong qui luật bụi cát của thời gian. Con đường mà người con gái đã đến với cuộc đời anh. Năm tháng cứ trôi nhưng hình bóng em không phai nhoà. Hình ảnh đoạn thơ nghe như trong giấc mộng: xác gió, xác mưa, đã đầy xác lá, xác ve... trôi. Tưởng như cái bờ hồ gió thổi đó ngàn năm sau vẫn còn quyến luyến bóng hình người yêu ở đấy, mãi mãi trong trái tim thương nhớ của nhà thơ.

     Xin trở lại để phân tích sâu thêm về khổ thơ thứ ba:
                     Nỗi niềm thao thức
                     Những đêm trăng nước...
                     Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?
     Hình ảnh đã được cách điệu hoá: Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai! /- Biểu tượng thơ mô tả tuy mang màu sắc trừu tượng nhưng vẫn rất gợi cảm.
     "Chùm trinh em hát...": Nó đã mang cái của nàng bay lên! Suy cho cùng vũ trụ và thế giới đều tồn tại, sinh ra ở đó. Nó vừa vĩ đại và man dại. Nếu không có cái chỗ thiên thai ấy của người đàn bà thì không có cả linh hồn lẫn sự sống, cũng không có ý nghĩa gì về lịch sử của thế giới này. Còn câu thơ:
                     Người đàn bà ai mà định nghĩa?
     Đại văn hào Lép-Tônxtôi -  Ông là một thiên tài xây dựng hàng trăm tính cách về đàn bà có những mẫu mực khác nhau. Người từng nói những câu đại ý rằng: Không thể đưa ra những nguyên lý có tính khuôn mẫu nhất định đối với người đàn bà, chỉ có những sự tìm tòi, tìm tòi và tìm tòi mãi...

     Nàng không thể nào định nghĩa được trong sự tồn tại của đời ta? Câu thơ treo trên đầu ta như một câu hỏi vĩnh cửu, lại như thể một định mệnh.
    Tôi bình khổ thơ thứ năm:
                     Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
                     Anh cũng không làm chàng Trương Chi
                                                         suốt đời chèo sông vắng
                     Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
                     Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.
     Là một mảng thơ đời, đã triết lý về những mâu thuẫn giữa tình yêu và cuộc sống của nhà thơ với người-đàn-bà-trắng. Đó cũng là một nghịch lý cuộc đời: Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu /- Còn anh cũng không đầy mình để làm mãi cái anh chàng Trương Chi suốt đời chèo thuyền trên con sông quạnh vắng, cô đơn, rồi tương tư nàng Mỵ Nương mà chết. Hay, cái con-đường-lông-ngỗng-trắng mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho chàng Trọng Thuỷ theo,  thần tượng thì rất đẹp, nhưng để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá!

     Cái hay của khúc triết lý trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng là nó đã được viết như đời. Dẫu mối tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ đã không kết thúc bằng sự bi thảm. Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tại, dù là theo chiều gió cuốn cuộc đời. Phải chăng đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió" như bao bi kịch tình-đời trên bờ bến nhân gian? Cả đoạn thơ thấm đẫm máu tim, được bật ra trong đời sống đầy mất mát và đau đớn của tình yêu.
     Đây là một trong hai mảng thơ xương cốt nhất - Mảng thơ thứ nhất như trên đã nói, chính là khổ thơ thứ ba:
                      Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!...
     Cùng với khổ thơ thứ năm này - Làm thành nền tảng, như tim óc, tuỷ sống cho cả tình thi. Nhà thơ vẫn thiết tha khao khát gặp lại người thiếu nữ:
                      Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
     Ngọn lửa tình đã từng sưởi ấm trái tim anh. Để rồi bài thơ được kết thúc bằng một câu thơ đẹp nhất về nàng:
                      Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
     Đây là một câu thơ siêu thực chứa đầy trầm tích đã được thăng hoa. Một thiên tạo vĩ đại đang nép trong tấm thân người đàn bà trẻ hay chính nàng là một vầng trăng? Cái vầng trăng ấy của nàng nó cứ nguyên thuỷ như hang động thời tiền sử, lại huyền bí như thánh linh. Nhưng chao ôi! Dù gì thì nàng cũng "ngậm" cả cái vầng trăng của nàng rời bỏ nhà thơ để đi rồi! Những tháng năm buồn nhớ người yêu, anh đã viết ra thiên tình ca Người Đàn Bà Trắng bất hủ này để lại cho thế gian.

     "Người đàn bà trắng" là một bài thơ tình hay thuộc vào hàng đỉnh cao trong thi ca, với sự viên mãn và hoàn bích của nó. Tình thi sẽ còn sống mãi với thời gian cũng như nền văn học nước nhà.

(Còn tiếp)


         Trần Tứ Đức
         Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian
         trantuduc.hn12@gmail.com

READ MORE - Phạm Ngọc Thái với "Chùm thơ hay về tình yêu & đàn bà" - Trần Tứ Đức