Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 20, 2014

TRĂNG ĐẦY ... KHUYẾT EM - thơ Trần Ngọc Hưởng




Trăng đầy … khuyết em

Đầu đình hỏi khóm trúc xinh,
Còn cưu mang mảnh vỡ tình ta xưa.
Cho ta hỏi nước giếng chùa,
Còn ôm ấp dáng ai mùa thanh tân.

Thuyền xa kéo bến lại gần,
Mà vương vít mãi bàn chân thẫn thờ.
Từ em khép vạt đào tơ,
Nào hay một chuyến bất ngờ sang ngang.

Chân ta vẫn lấm bụi làng,
Lòng ta đâu thể phũ phàng chốn quê.
Bềnh bồng bước mỏi bước mê,
Mù tăm hướng một nẻo về mênh mang

Ai còn dệt bóng thời gian,
Cho ta so lại ngón đàn sắc không.
Đã đi quá mấy dòng sông,
Còn say chi đến tím lòng tha hương.

Tim còn hẹn phút đổ chuông,
Trăm năm nén lại vô thường một giây.
Rượu quê cạn chén ngất ngây,
Lửa nhen ấm mảnh trăng đầy … khuyết em

Trần Ngọc Hưởng
READ MORE - TRĂNG ĐẦY ... KHUYẾT EM - thơ Trần Ngọc Hưởng

"ÁO, MŨ, TẤT" EM ĐAN - Thơ Nguyễn Khôi


Nguyễn Khôi
    Tác giả Nguyễn Khôi

Lời dẫn : Xưa Mạnh Giao (751-814) viết khúc "Du tử ngâm" ca ngợi Người Mẹ may áo cho con với những lời thơ thật cảm động tới nghìn năm:

Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy.
                   
Mẹ từ sợi chỉ trong tay
Trên mình du tử áo may vội vàng
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
Sợ con đi đó, nhỡ nhàng trễ lâu
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho vừa.
               Trần Trọng Kim dịch

Nguyễn Khôi tôi (Khôi Đình Bảng) có người vợ tấm cám, từ những năm tháng chiến tranh gian khổ cho tới hôm nay ở tuổi 70, vẫn thường xuyên đan "áo, mũ, tất" cho chồng... xin có đôi vần cảm tác :

"ÁO, MŨ, TẤT"- EM ĐAN
      (Tặng: Hiền nội tôi)

  Xưa anh đi Tây Bắc
  Nếm cái rét độ không
  Áo em đan anh mặc
  Ấm lòng 21 năm.
  Hồi anh sang Nga học
  Đội mũ len em đan
  Xông pha trời băng tuyết
  Cái đầu vẫn tinh thông.
  Nay đã 75 xuân
  Đêm ngồi lướt Máy tính
  Đi đôi tất em đan
  Dòng Văn tuôn lấp lánh...

                 *
  Xưa là thời thanh nữ
  Con bú, tay vẫn đan.
  Rồi khi làm "Quản lý" (1)
  Trên xe ,  tay chẳng ngừng.
  Nay mắt đã mờ dần
  Cầm que đan run rẩy
  Mà em vẫn cứ đan
  Sợi tơ lòng nồng cháy ? !

          Hà Nội 20-12-2014
               Nguyễn Khôi
    --
(1) Nguyễn Khôi làm Trưởng phòng, rồi cán bộ cấp Vụ ở Bộ...
              

READ MORE - "ÁO, MŨ, TẤT" EM ĐAN - Thơ Nguyễn Khôi

Phạm Xuân Dũng - ĐÔI ĐIỀU VỀ LÝ HÀNG KHƠI


ĐÔI ĐIỀU VỀ LÝ HÀNG KHƠI
                            

   (Nhân đọc truyện dài “LÝ HÀNG KHƠI”  của Đoàn Phương Nam, NXB Trẻ TP.HCM, 2014, giải khuyến khích cuộc vận động: “Sáng tác văn học tuổi 20” lần thứ V (2012-2014).

  Tưởng cũng nên nói thêm cho rõ, tác giả vốn là phóng viên ở đất mũi Cà Mau, hiện là cán bộ Sở Thông tin và truyền thông Quảng Trị.

  Để tiện cho việc năm bắt nội dung cuốn sách, mời bạn đọc hãy nghe NXB Trẻ giới thiệu ngắn về truyện dài này: “Nội dung tác phẩm đề cập đến đời sống dân chài ở vùng biển Tây Nam và mở ra một thiên nhiên phong phú, lạ lẫm của vùng đất này. Tác phẩm miêu tả cuộc sống vất vả của những ngư dân dũng cảm làm nghề hàng khơi. Họ không cho phép phụ nữ được đặt chân lên thuyền nhưng nhân vật chính lại là một cô gái cùng mẹ lưu lạc đến đây. Để che giấu thân phận nên đã giả trai từ nhỏ và trở thành một thanh niên giỏi giang làm nghề hàng khơi cho đến khi bị phát hiện.”

   Miên là tên cô gái, nhân vật chính của tác phẩm. Số phận xô đẩy mẹ con cô đến với vùng quê Rạch Cúi. Theo lời mẹ, cô phải đóng giả trai để làm nghề chài lưới như những ngư dân ở một vùng biển vừa quen lại vừa lạ được hé mở dần qua từng trang sách.”...đêm hôm ấy, mẹ ôm Miên vào lòng thủ thỉ : “Mẹ muốn con là trai để tránh bao cực nhọc của người phụ nữ mà không hề biết rằng con sẽ trưởng thành như bao cô gái khác”. (tr113).


Vùng biển thì thì đã rõ, mới đọc qua đã  đoán biết đó là miền Tây sóng nước. Nhưng nhiều chuyện lạ, từ tên đất cho đến tên người, hoặc giả như chuyện đánh cá được gọi là hàng khơi. Cả một vùng quê Rạch Cúi, chỉ có Miên là có tên riêng bằng chữ, cũng bởi vì nhân vật chính đã có tên như vậy trước khi đến vùng đất lạ. Và con chó tinh khôn Ngọc Ngọc. “Ngọc Ngọc là con chó đực duy nhất của Già 9 và của Rạch Cúi. Nó trở thành duy nhất vì không có con chó nào sống được ở đây quá ba ngày.” (tr 11)

Lại thêm một chuyện lạ, không giống những vùng quê khác. Đó là hai ngoại lệ hiếm hoi ở một địa bàn bốn bề trời nước. Ngay như một bậc cao niên thông thái của xứ này mà Miên và Ngọc Ngọc đi theo trong những lần đánh cá cũng có tên là  Già 9.  Rồi thì tên đất cũng lạ lùng mà nghe rất gợi mang tính ẩn dụ, vừa thực lại vừa mơ hồ như: Băng Băng thôn, doi Thòi Lòi Thức, vịnh Cá Rô Ngủ... nghe có phong vị đồng thoại cổ tích. Những câu chuyện rất thực của đời thường được kể trên một nền nhuốm màu hư ảo dẫn dắt người đọc khám phá như khi đọc một thiên du ký miền đất lạ.

  Miên không chỉ làm hàng khơi mà còn được đi học ở trường thị trấn Mai Lở làm bạn với Thục Quyên dưới sự chỉ dạy của cô giáo dạy tiếng Anh Hoa Hồng Đẹp. Nhờ cố công học hành, Miên đã được du học ở xứ tuyết để nghiên cứu về dấu chân sinh thái Rạch Cúi. Rồi cô đã trở về trong niềm mong mỏi của bạn  bè, bà con Rạch Cúi, về với miền quê khó nhọc đã nuôi dạy Miên khôn lớn trong tâm nguyện thủy chung của một đời người với xóm làng ngư phủ.

  Đọc truyện dài này, ta thêm lần hiểu hơn một vùng quê biển phía cực nam Tổ quốc với những cảnh sống, cuộc mưu sinh và  phong tục dân gian độc đáo. Người đọc cảm tình với văn phong nữ tính và  “lạ hóa” của tác giả, một người con của đất phương Nam. Hy vọng  tác phẩm dài hơi đầu tay của một cây bút trẻ sẽ được nhiều người đón nhận.
                                                     
                                                    Phạm Xuân Dũng

READ MORE - Phạm Xuân Dũng - ĐÔI ĐIỀU VỀ LÝ HÀNG KHƠI

THƯA THẦY! THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG? - Hồ Ngọc Thanh


   
               Thầy Hồ Ngọc Thanh (mặc áo vest)


        THƯA THẦY! THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG?

                                                              Hồ Ngọc Thanh
(Nguyên Tổng giám thị trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị)
      1.
Thầy cô giáo được ví như người lái đò đưa khách sang sông. Bao thế hệ học trò nhớ sự dạy dỗ của thầy cô mà nên người. Chỉ một ít kẻ vô ơn, qua cầu rút ván. Đa số vẫn nhớ ơn thầy cô đã góp phần giúp họ nên người thành đạt trong cuộc đời. Do đó, mỗi lần được tái ngộ, dù ở trong hoàn cảnh nào của cuộc sống, tình nghĩa thầy trò vẫn mặn nồng, vẫn là niềm vui.
Sau hơn 50 năm với nghề thầy, nay ở tuổi “cổ lai hy, chuẩn bị quy”, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp lại những người học trò xưa tại các buổi họp trường, họp lớp của những thế hệ học trò của tôi một thời.
Tại những cuộc hội ngộ có tổ chức trọng thể, thầy cô giáo được giới thiệu và được học trò cũ đến chào hỏi, chuyện trò. Những học trò thành đạt đang ở chung thành phố với thầy cô thì thầy trò đã nhận ra nhau một cách thân mật, đối với người lưu lạc phương xa, nay mới về “họp đàn”, thầy cô đã trở nên già lão, trò tóc cũng đã hoa râm nên thầy cô chẳng nhớ nỗi tên trò. Dễ thương nhất với câu hỏi của trò: “Thưa thầy (cô), thầy (cô) có nhớ em không?”. Cả thầy cô và trò đều vui khi tên trò được nhớ hay đoán đúng. Có trò phải tự giới thiệu thầy cô mới nhận ra, để rồi nhắc lại chuyện lớp cũ, trường xưa thân thương, tình cảm thầy trò có dịp tỏ bày một cách có ý nghĩa.
Cảm xúc trước những bối cảnh ấy, thầy Lê Nghiêm Kính, cựu giáo sư Trung học Nguyễn Hoàng đã cảm tác bài thơ “Thưa thầy, thầy có nhớ em không?” với bút danh Huy Phương. Bài thơ đã được phổ nhạc và được anh Hoàng Đoàn (bào đệ cô Sa Đa) hát tại cuộc họp mặt Nguyễn Hoàng năm 2011 tại Hoa Kỳ.
2.
Sau năm 1975, trong thời bao cấp, đời sống đầy khó khăn vất vả, có những trường hợp thầy trò gặp nhau trong những hoàn cảnh vô cùng xúc động. Tôi xin kể dưới đây vài câu chuyện đáng nhớ, liên hệ câu hỏi “Thưa thầy, thầy còn nhớ em không?”

* Chuyện 1:
Trưa hè nắng gắt, người thanh niên vào quán giải khát bên đường Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng, ngạc nhiên thấy cô chủ quán phục vụ mình là cô giáo cũ, ái ngại hỏi:
- Thưa cô, có phải cô là cô N?
- Vâng, sao ạ ?
- Thưa cô! Cô còn nhớ em không? Em học với cô trước năm 1975 tại trường Trung học Đông Giang.
- Ồ! Thế mà cô không nhớ nỗi. Xin lỗi em. Sao em còn nhớ cô?
- Hồi đó cô trẻ đẹp, thần tượng của bọn em, nhất là các bạn nữ.
- Nay cô xấu xí rồi phải không?
- Không xấu, chỉ già hơn, nhưng vẫn còn đẹp lão.
- Cảm ơn em khen để an ủi cô.
Rồi cô trò chuyện trò chia sẻ nỗi niềm. Trò về quê Quảng Nam, vừa học vừa giúp cha mẹ việc nông trang, nay mới ra Đà Nẵng xin được việc làm ở một xí nghiệp, chẳng có chức danh gì. Cô thì “mất dạy” vì chồng là sĩ quan cảnh sát chế độ cũ đang cải tạo trong trại. Đó là lý do khiến đời cô phải trải qua những ngày tháng vất vả.

* Chuyện 2:
Sau 5 năm ở trại tù về, thầy giáo T.M.T mua 01 chiếc xích lô làm phương tiện kiếm sống qua ngày ở Đà Nẵng. Một hôm, một thanh nữ gọi xe đi từ chợ Cồn về nhà. Trên đường đi, khách nghe giọng nói quen và nhận ra thầy T dạy Văn trước năm 1975. Đến nhà xuống xe, trả tiền xong khách mạnh dạn hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là thầy T.M.T?
- Phải, sao em biết?
- Em là Thoa, học trò của thầy tại trường Đông Giang, hồi lớp 9. Sau năm 1975, gia đình em chuyển qua đây kiếm sống. Lâu nay thầy ở đâu mà em không có dịp gặp?
- Thầy ở trại tù 5 năm, được về nay làm ở “ủy ban quanh quẩn” kiếm sống qua ngày.
- Ồ. Thầy có việc làm ở “ủy ban” tại sao phải đạp xích lô?
T cười: - Việc của thầy cũng như nhiều người khác đi đạp thồ suốt ngày chạy quanh quẩn trong thành phố để kiếm sống ấy mà.
Cô gái hiểu ra và ái ngại thương thầy.
Nghe con gái chuyện trò với người đạp xích lô là thầy giáo cũ, từ trong nhà cha cô gái ra vồn vã và lễ phép mời thầy T vào nhà uống nước và chia sẻ. Bản thân chủ nhà, cũng là người đang sa cơ thất thế vì thế sự đổi thay chưa vượt được số phận, đành nhờ vợ con nuôi. Chủ nhà thán phục thầy T.
Bây giờ thầy T định cư ở Mỹ. Khi có dịp về thăm quê hương, gặp lại đồng nghiệp và học trò cũ kể lại những chuyện trên để vui và cũng để cười cho sự đời trớ trêu.

* Chuyện của người viết bài này:
Sau 1975, bị thất sủng rồi vào “đại học An Điềm” 4 năm. Về được với vợ con là may lắm rồi. Lao động “thợ đụng” tiếng Mỹ gọi là “Jacks of all trades” vinh nhục tùy theo nhân sinh quan mỗi người.
Một buổi tối trong thời bao cấp, tôi đang đạp xe rao hàng đêm, từ sau một thanh niên chạy xe honda đến sát bên hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là thầy H.N.T không?
Xóm đêm không đủ ánh sáng để nhận ra người hỏi, tôi trả lời:
- Phải, anh là ai?
- Dạ em là Trần Thanh Phương, học sinh lớp 10C Anh văn được thầy dạy trước năm 1975 tại trường Trung học Đông Giang.
- Ồ! Tôi nhớ tên em và nhiều bạn cùng lớp 10C của em. Sao em nhận ra thầy trong đêm tối thế này ?
- Dạ! Em nghe giọng thầy và em đoán ra.
- Giỏi quá!
Sau đó, Trần Thanh Phương tìm nhà đến thăm tôi. Thấy tôi đang dạy Anh Văn cho những người có nhu cầu tiếng Anh do thức thời, đi trước thời cuộc hoặc chuẩn bị đi Mỹ. Thầy trò uống trà, chuyện trò thế sự, nhắc lại các thầy cô và tên các học sinh cùng lớp 10C năm ấy. Đa số đang “sa cơ thất thế” phải kiếm sống một cách bất đắc dĩ.
3.
Sau này, khi đã qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai, thầy trò có dịp hội ngộ trong những buổi họp trường lớp, nhớ lại chuyện xưa hoặc được kể lại, có trò cảm kích khen ngợi thầy giáo mình có bản lãnh theo kiểu “ngộ biến tùy thời”. Tôi có dịp nhắc lại nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ “Làm tướng không vinh, làm lính không nhục”. Điều quan trọng là “Tùy duyên nhưng bất biến”. Dù trong hoàn cảnh nào “phượng hoàng vẫn là phượng hoàng”, chứ không phải như “chim cu mà muốn làm phượng hoàng”.
Tôi khôi hài với học trò cũ về chuyện đời của các thầy cô sau năm 1975 như là những thước phim đời mà các thầy cô phải đóng. Các em đã từng được thầy cô dạy văn giảng “Đời là sân khấu, mỗi người là diễn viên”. Vai vua thì mặc áo cẩm bào, đội vương miện ngọc tỷ, vai lính thú thì đầu đội nón dấu, chân mặc quần quấn xà cạp. Điều quan trọng là diễn viên phải có tài diễn để người đời yêu mến.
Tôi đã đôi lần muốn viết lại kịch bản của những thước phim cuộc đời mình và bằng hữu với tựa đề “Khi thầy cô giáo đóng phim”, để vinh danh những thầy cô giáo đã có những vai diễn trái nghề trong giai đoạn “thầy giáo tháo giày, giáo chức dứt cháo”. Hy vọng sẽ là phim hay và cảm động vô cùng.
                Hồ Ngọc Thanh 
                               (Cảm tác theo tựa đề bài thơ của Huy Phương)

READ MORE - THƯA THẦY! THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG? - Hồ Ngọc Thanh