Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 4, 2020

HUYỀN CẦM - Thơ Hạt Cát Diệu Sinh






HUYỀN CẦM

Huyền cầm đêm
Hồ Tây khuya
mơ màng
Bâng khuâng tơ lòng gieo trăng vàng
Long lanh ngàn sao sương trong
Xanh xanh trời cao mênh mông
Tình yêu đưa em về xưa xa thơ ngây
Niềm thương dâng loang dòng trôi bông mây

Ngày thu say say
Tình thu mê say.
Thuyền thu im lìm sào ai lơi tay
Đường thu hanh heo vương buồn ngàn cây.

Đêm đông heo may
Se se heo may.
Bồn chồn chim xanh bay nơi Bồng lai
Cồn cào hương hoa về nơi Tuyền đài.

Ôm cầm thuyền ai?!
Tơ vương đàn ai?!
Bơ vơ tàn canh vòng tay đơn côi
Mênh mang tình yêu hồng hoang xa xôi.

Huyền cầm đêm
vang ngân
Em.
Khuya Hồ Tây
chơi vơi.

                              Hạt Cát Diệu Sinh

READ MORE - HUYỀN CẦM - Thơ Hạt Cát Diệu Sinh

CÁI CUỘN CHỈ - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước




CÁI CUỘN CHỈ

Truyện ngắn

Nguyễn Khắc Phước


Thượng lưu sông Thác Ma là vùng nổi tiếng với đặc sản chè lá, thơm và mít, cung cấp cho các chợ vùng hạ lưu chuyên trồng lúa và những chợ vùng duyên hải Quảng Trị, Thừa Thiên. Thím Lành là một trong những người chuyên buôn bán những mặt hàng đó.

Thím Lành ở thôn Tân Điền, cách chợ Mỹ Chánh chừng hai giờ đi bộ, thế mà ngày nào thím cũng kĩu kịt gánh hàng xuống chợ. Thiệt tội cho đôi vai của thím và cả cái đòn gánh oằn xuống như sắp gãy. Cứ vài chục bước thím lại đổi vai, chứng tỏ gánh hàng nặng lắm, nặng đến mức tột cùng của sức chịu đựng, tưởng như một cái lá cũng không thêm vào được.

Suốt buổi chiều, thím đến các chủ vườn mua hàng. Khi vừa đủ nặng, thím gánh hàng về nhà. Từ ba giờ sáng, khi trời còn tối mờ tối mịt, thím đã tất tả gánh hàng xuống chợ để kịp bán cho bạn hàng. Có khi thím phải đi đến các thôn vùng núi phía tây như Trầm Sơn, Khe Mương, hoặc bắt đò qua các thôn Vực Kè, Tân Lương bên kia sông, nơi trồng nhiều thơm, mít.

Đấy là vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, khi đất nước còn yên bình. Người ta có thể đi suốt đêm, trong túi không có bất cứ giấy tờ gì mà không sợ bị bắn nhầm hay xét hỏi. Những năm đó, đêm đêm dưới sông Ô Lâu văng vẳng giọng hò mái đẩy nhịp nhàng khoan thai từ những chuyến đò dọc mang hàng hóa từ Đông Ba đi khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, ghé những chợ bên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và đến tận sông Thạch Hãn, sông Hiếu… Nhiều người nghe đến thuộc những câu:

“Đập sông Bồ có khúc sâu khúc cạn

Chàng có thương thiếp, cho thiếp chộ hình chộ dạng để bớt nhớ thôi thương 

Kể từ ngày đào lựu cách trở hai phương 

Trông cho thấy mặt kẻo hai đứa hai đường thảm chưa?”

“Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế

Trăng non Đoài vội xế Bao Vinh

Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình

Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm?”….

Thím Lành quen biết rất nhiều giọng hò trên những chuyến đò dọc ấy bởi những chủ đò là bạn hàng của thím.

Mỗi khi xong phiên chợ, nếu hàng bán không hết, thím thường mang đến gởi nhà bác Thảo, một người bà con thúc bá bên chồng của thím. Bác Thảo làm nghề thợ may và mở tiệm ngay trong chợ Mỹ Chánh. Tiệm của bác khá rộng nên sẵn sàng cho thím gởi hàng. Hầu như bác Thảo không bao giờ phải tốn tiền mua chè lá và lâu lâu được thím tặng một trái thơm, trái mít ăn cho vui.

Thím Lành cũng mê hò Huế, nhất là hò giả gạo và hò đối đáp rất vui nhộn, nên mỗi năm đôi ba lượt, khi có đoàn hò Huế về hát ở sân đình làng Mỹ Chánh hoặc Lương Điền, thím gánh hàng xuống chợ ngay đêm hôm đó, ở lại nhà bác Thảo để đi xem cho được.

Một hôm, bác Thảo tìm không thấy một cuộn chỉ đen trong bao treo trên bàn máy may. Đó là trục chỉ còn nguyên, chưa dùng đến, bác phải bắt xe đò vô tận Huế mới mua được. Chỉ được cuốn quanh một cái lõi gỗ mà sau khi dùng hết chỉ, trẻ con thường dùng để làm xe để chơi. Bác lục trí nhớ xem hôm ấy có ai đến nhà mình không và dứt khoát chỉ có một mình thím Lành ghé lại. Bác chắc chắn thím Lành đã lấy cắp cuộn chỉ của mình chứ không ai khác, bởi vì nhà thím nghèo, rất cần chỉ để vá áo quần. Cả nhà thím, mọi người đều mặc áo vá. Cái áo dài thím mặc đi chợ cũng được vá vai.

Bác Thảo tức bực vô cùng, không lẽ lại phải vô Huế chỉ để mua một cuộn chỉ, mà đi lại đâu phải dễ dàng. Kể từ đó, mỗi lần thím Lành đến bác đều lạnh nhạt, không một tiếng chào, không nhận chè lá của thím biếu nữa.

Thím Lành không hiểu tại sao bác Thảo có thái độ khác thường như vậy, sợ rằng hàng hóa của mình làm chật nhà bác, từ đó thím không gởi hàng ở nhà bác và cũng không đến nhà bác nữa.

Thế rồi cuộc chiến càng ngày càng căng thẳng, không ai dám đi lại ngoài đường ban đêm, tiếng hò mái đẩy trên sông vắng dần rồi im bặt luôn. Con đường sắt trở thành giới tuyến. Phía tây thấp thoáng bóng các anh du kích khi đêm về. Ban đêm thím Lành và gia đình phải xuống hầm ngủ để tránh đạn đại bác và đạn súng đại liên từ đồn Mỹ Chánh cứ bắn xả vào làng.

Lâu lâu thím Lành mới xuống chợ, chỉ đi ban ngày và gánh ít hàng. Khi đò dọc không còn đến, khách hàng từ Huế ra mua bằng xe đò, nhưng chỉ được đôi lần rồi vắng luôn bởi đường sá không an toàn. Nhưng khó chịu nhất là khi vừa ra khỏi chợ, hàng hóa của thím bị lục tung, không biết họ kiếm cái gì.

Khi những chiếc máy bay phun cái chất bột màu trắng xuống làng thì mít là thứ cây đầu tiên bắt đầu chết rụi, kế đến là chè, thơm. Sau này thím mới biết rằng đó là thuốc khai quang và người ta nói cây nào có mủ thì chết trước.

Không còn chè, mít và thơm nên thím hết đường sinh kế, gia đình thím định bỏ làng mà đi. Thế nhưng chưa kịp đi thì một quả đại bác đã rơi vào vườn nhà thím và mảnh của nó đã giết thím.

Bác Thảo nghe tin nhưng không về phúng viếng. Có thể bác sợ nhưng không ai bắt bớ gì một người thợ may già như bác, hơn nữa, mấy anh du kích cũng là bà con thân thuộc với bác. Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, mà bác còn ghét thím lâu vậy sao?

Mấy năm sau, một hôm bác đi ngang nhà hàng xóm khi chị chủ nhà đang ngồi ngoài hiên vá áo quần. Hồi ấy không có điện nên ngồi trong nhà thì không thấy lỗ kim mà xâu chỉ. Tình cờ bác thấy trên bậc thềm một cuộn chỉ đen loại có lõi gỗ y như của cuộn chỉ của bác. Cuộn chỉ còn khá mới, chưa dùng bao nhiêu. Những người không phải thợ may chỉ dùng cuộn chỉ nhỏ bằng ngón tay quấn quanh lõi giấy, hiếm khi người ta dùng loại cuộn chỉ to có lõi gỗ mà ở chợ Mỹ Chánh không ai bán. Bác hỏi chị hàng xóm mua cuộn chỉ này ở đâu, chị trả lời:

- Thằng con tôi đi chơi thấy đâu đó rồi mang về chớ tôi chẳng mua cuộn chỉ to này làm chi cho tốn nhiều tiền.

- Trước đây tôi có mất một cuộn chỉ như thế này và tôi đã nghi ngờ một người bà con lấy cắp. Chị làm ơn hỏi cháu lấy cuộn chỉ này ở đâu, nếu cháu lấy của tôi thì chị cho tôi biết, tôi sẽ bỏ qua không nói với bất cứ ai và chị cứ để đó mà dùng. Tôi biết các cháu rất thích lõi chỉ này để làm xe chơi chớ chẳng tham lam gì. Nếu cháu lấy thì tôi phải đến xin lỗi người bà con của tôi vì bấy lâu nay tôi nghi oan cho họ.

Tối hôm đó, chị sang nhà bác Thảo, một tay chị cầm cuộn chỉ, một tay cầm tay thằng con, biểu nó xin lỗi và trả lại cuộn chỉ cho bác.

Bác cầm cuộn chỉ mà rưng rưng nước mắt vì bác không bao giờ có thể gặp lại thím Lành để xin lỗi nữa, họa chăng là ở suối vàng mà thôi.

N.K.P.

READ MORE - CÁI CUỘN CHỈ - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước

QUÁ KHỨ - thơ Trương Thúc





QUÁ KHỨ
(Nhớ về Quảng Trị của tôi)

Người kể chuyện xưa về Quảng Trị
Mắt chân chim với ánh nhìn buồn:
-Thời thơ ấu mần răng quên được
Những bài thơ dại dột học đường...

1-
Và tháng ngày quê hương ly tán
Trại tản cư dựng tạm ngôi trường
Chiều cát trắng băng qua đại lộ *
Những xác thân vẻ mặt kinh hoàng

2-
Rồi cuộc chiến gói thân trao nghèo đói
Mây vẫn bay trong lang bạt đời người
Ai đi ngược, về xuôi, rồi vượt sóng*
Tìm nơi riêng phía cuối chân trời!

3-
....Những quả đạn đào lên từ quá khứ
Vẫn hung đen với vẻ lầm lì
Còn nuối chút một lần chưa được nỗ
Thịt xương tan và bao cuộc chia ly?

4-
Những vệt đau theo ai từ quá khứ
Được dưỡng nuôi trong dáng vẻ nhu mì
Để có lần tim rung lên như khóc
Viết vào thơ rồi nhờ gió cuốn đi!

                             Trương Thúc



From:  dieukhacgia772@gmail.com


READ MORE - QUÁ KHỨ - thơ Trương Thúc

KHÚC RU XƯA - Thơ Quang Tuyết


                     Nhà thơ Quang Tuyết


KHÚC RU XƯA

Tình thơ vội vã đi qua
Tay chưa níu bắt đã xa một đời
Bây giờ trăng lặn cuối trời
Một mình ta nhớ... thuơng nguời xót xa.
Ngày nào e ấp dáng hoa
Mà nay tóc rối suơng pha bẽ bàng
Dõi tìm theo bóng mây ngàn
Ai đành quên cánh hoa tàn nhụy phai
Hoa không tàn nhuỵ nỏ phai
Chẳng qua là vệt nắng dài thời gian.
Nhìn nhau hai đứa ngỡ ngàng
Gió mùa thu cũ bên đàng vấn vương
Đi qua hết kiếp oan trường
Tình cờ sao vẫn con đuờng ngây thơ.
Ngây thơ xưa hỡi còn lưa
Ngậm ngùi thuơng tiếc lau thưa bến đời
Khúc ru... Thôi đã ngậm ngùi...

                                         Quang Tuyết

READ MORE - KHÚC RU XƯA - Thơ Quang Tuyết

NHÂN LOẠI ANH EM, THÁNG BA HÃY QUA ĐI ! - Thơ Nguyên Lạc



                         Nhà thơ Nguyên Lạc



NHÂN LOẠI ANH EM

Không ai là hoang đảo [1]
chúng ta cần có nhau
trong mùa âm khổ nạn
chúng ta cần có nhau
...
Chúng Ta Là Thế Giới [2]
Chúng Ta Cần Có Nhau
(cần thiết - hoàng xuân sơn)

*
"Không ai là hoang đảo
Chúng ta cần có nhau"
Không "địa ngục nhau" đâu [3]
Mở rộng vòng tay nào!

"Chúng ta là thế giới
Chúng ta cần có nhau"
Tứ hải giai huynh đệ
Nhân loại anh em nhau [4]

Nhân sinh lắm khổ đau [5]
Câu Kinh không nhớ sao?
Từ bi và bác ái
Hãy buông bỏ con dao!

"Không ai là hoang đảo"
Tặng lời thương cho nhau
Niệm Nam mô Amen!
Bonjour Hello nào!

                     Nguyên Lạc

….............

[1]  No Man Is An Island, thi ca – John Donne
[2] We Are The World, ca khúc tương tế viết bởi Micheal Jackson và Lionel Richie - 1985
[3]  L' enfer, c'est les autres - J Sartre
[4] Lời Chúa
[5] Lời Phật


THÁNG BA HÃY QUA ĐI !

Tháng ba hờ hững đi qua
Đánh rơi nỗi nhớ khiến ta thẫn thờ
Bần thần lạc mất vần thơ
Bài thơ vô vọng nỗi mơ tình hoài

Tháng ba ngày ấy xa xôi
Tháng ba thời ấy phai phôi tình nào
Tháng ba một thuở ba đào
Bão cuồng đời lá bay vèo muôn phương

Người rồi nhòa bóng khói sương
Bọt bèo nhân thế tang thương kiếp đời
Tháng ba thôi hãy qua thôi
Để tôi đừng nhớ một thời tháng ba!

Một thời lâu lắm tháng ba
Một thời tình đó …Thôi mà nhắc chi?
Nhắc chi thuở ấy biệt ly?
Nhớ chi? Người đã ra đi nghìn trùng!

                                       Nguyên Lạc

READ MORE - NHÂN LOẠI ANH EM, THÁNG BA HÃY QUA ĐI ! - Thơ Nguyên Lạc

SÀI GÒN NHỮNG NGÀY CÁCH LY - Thơ Nhật Quang




SÀI GÒN NHỮNG NGÀY CÁCH LY
               (Thơ vui gởi bạn bè )

Sài Gòn đại dịch Corona
Phố phường vắng bước chân qua ngỡ ngàng
Lòng người ray rứt ngổn ngang
Nhìn nhau rưng rức, buồn man mác buồn
Cà phê quán đóng cửa luôn
Bạn bè dăm đứa giờ còn mình ta
Hết rồi rượu quán la đà
Cách ly tại chỗ kẻo mà rủi ro…
Ở nhà quanh quẩn buồn xo
Vào ra thơ thẩn, thẩn thơ một mình
Giá giờ mà có người tình
Cũng yêu qua máy* xập xình tí thôi
Nghĩ ra mà thấm sự đời
Nghĩa tình bè bạn, con người với nhau
Cầu mong đại dịch qua mau
Yêu thương nối kết đẹp màu thắm tươi
Chung tay dập dịch ai ơi!
Luôn luôn phải nhớ Cồn thời rửa tay
Đi đâu nhớ phải về ngay
Khẩu trang bịt kín không lây Cô- nà
Chắc ăn thôi cứ ở nhà
Có gì xơi đấy thế là khỏi lo.

                                SG- 4/3/2020
                                  Nhật Quang

* máy (điện thoại)

READ MORE - SÀI GÒN NHỮNG NGÀY CÁCH LY - Thơ Nhật Quang

MÙA KÝ ỨC - MacDung đọc thơ Bùi Kim Thảo

                    
Nhà thơ Bùi Kim Thảo
                                    
MÙA KÝ ỨC
MacDung

Có sớm quá không khi tôi cho đây là một hiện tượng văn học lúc dõi theo một dòng thơ và văn phong giàu hình ảnh từ tác giả Bùi Kim Thảo. Biết thơ cô đã lâu nhưng chưa lần tiếp chuyện… Và mọi cái mở ra bắt đầu từ văn học…
Ở group văn học nào không còn nhớ! Tôi từng chứng kiến dòng thơ giàu hình ảnh ray rứt mùa ký ức xót lòng, để rồi thoáng sớm mai chợt đọng lại chút vấn vương mùa ký ức chính mình… Nỗi buồn pha chút hoài cổ từ thể loại tản, tùy bút, tự thuật… khiến ai trải nghiệm đều địu nét bâng khuâng tuổi hồn nhiên… 
Cảnh vật lưu tình. Thơ không nức nở. Tinh thể lung linh mang nét thơ ngây… Tất cả những điều này làm nên một Bùi Kim Thảo riêng biệt, không nhập nhằng bởi cá tính.
Tôi có thói quen xấu hay nhớ chuyện xưa! Và khi đọc dòng văn, thơ say chất quá khứ như thể chính mình quay về kỷ niệm ngày nào! Một giao thức bất chợt, nhói buồn, bắt nguồn từ sự nhạy cảm không sao giải thích được! 
Cảm thơ phải chung tầng số, cho nên nhiều người đánh giá: Thơ không có hay, dở, chỉ chạm được vào cảm xúc người đọc hay không. 
Tôi có lẽ là lữ khách giàu chất hoài cổ, nên khi bắt gặp ai đấy trải niềm lại sinh nỗi buồn lây…
gót thu về chiếc lá vàng xao động
          cây trở mình nghe ngóng gió heo may
          nơi phố cũ qua mấy mùa hẹn ước
          ai chờ ai làn tóc thả mây cài
                            .....
          dòng thời gian miên man trôi dài mãi
          thoáng dư âm hoài vọng nhớ một thời
          đàn chim di hạ đi thu trở lại
          người xa người lệ thấm mặn bờ môi
                   …..
  hàng phong đỏ hoang mang đi về cội…”
Nằng nặng niềm cảm xúc trong chất thơ, khiến sự cảm thụ chợt ngưng đọng trong từng dòng! Ai đó đang kể cho tôi nghe câu chuyện thời con gái, hừng hực trong tiết thu về, đong tràn kỷ niệm một thời… 
Ôi Tình Yêu! Một loại cảm xúc chóng lây lan khi ai cũng một thời để nhớ, để nguôi ngoai, rồi chợt thức dậy không báo trước, không định được vui, buồn... Thế là cứ trải lòng bằng cung điệu hoặc khắc ghi qua đoản văn vội vàng. Không máy móc, cho ra cảm xúc chân thực. Không cầu toàn, lại đạt tính tự nhiên. Phải chăng đỉnh chinh phục bắt đầu từ đây!?
Ai biết chăng?
Xuân về gieo nhớ một mùa yêu
        Hạ bước mong manh nắng cạn chiều
        Nghe tiếng Thu vàng rên kỷ niệm
        Dệt màu Đông nhớ dấu xanh rêu.”
Sự lãng mạn nơi tôi dành cho những bất chợt, những trải niềm từ sự việc tưởng như đơn giản nhưng đậm chất mộng thường. 
Hãy nghe Bùi Kim Thảo tâm sự qua tự thuật:
Hôm nay, là một ngày nắng đẹp trời trong. Bây giờ đã vào thu mà thời tiết vẫn còn lại hơi ấm của mùa hè oi ã. Tôi sẽ dành trọn ngày hôm nay để lau chùi lại những bức tranh treo trên tường. Cuộc sống nơi này tất bật, nên việc lau quét bụi cho tranh lâu lắm mới có dịp làm.
Tôi rất yêu thích tranh ảnh. Bên trong nhà tôi treo đầy tranh, trên tường không chỗ nào còn trống. Vậy mà vẫn cứ hay ghé vào các tiệm tranh, xem xong là phải mang một bức về. Mỗi lần lau bụi những bức tranh, từ tầng trên đến tầng dưới, tôi phải mất hàng giờ mới xong. Khi tôi lau đến bức tranh Mai Lan Cúc Trúc, tôi ngắm nhìn, rồi bất chợt tôi nhớ đến kỷ niệm một chuyến về thăm quê hương cách nay vài năm. Người hoạ sĩ vẽ tranh đặt tên cho tác phẩm này là Xuân Hạ Thu Đông.
Chuyến về lần đó, vợ chồng chúng tôi có dịp ra ngoài Quảng Nam, nơi đây là quê hương của Cha Mẹ tôi. Tôi thì sinh ra và lớn lên tại Saigon. Tôi chưa có lần nào đến mảnh đất thân yêu này, một nơi mỗi năm phải hứng chịu nắng, mưa ,bão, lụt, nên cả đời luôn cơ cực, vất vả.
Vào một ngày, chúng tôi thuê xe ra thăm phố cổ Hội An. Xe chạy trên đường, tôi nhìn thấy, xa xa một đàn cò trắng đang chao liệng giữa bầu trời xanh thẳm.
        Tôi nghe trong tôi chợt có tiếng thì thầm:
        Cho tôi xin làm chim của viễn khơi
        Tung cánh bay rong chơi khắp phương trời
        Theo áng mây lơ đãng tràn muôn lối
        Ngày qua ngày bốn mùa cứ thế trôi...”
Cho dù thơ hay văn xuôi, ở tác giả Bùi Kim Thảo luôn đậm chất quá khứ chín mùi vị quê hương. Gợi cho người thưởng thức khung cảnh chạnh lòng từ… Mùa Ký Ức…
Tôi hy vọng hình ảnh thơ, văn từ tác giả Bùi Kim Thảo, sẽ còn đọng lại tận lòng người đọc với những năm tháng ấu tròn căng tràn sức sống, ngày nào đó được nhắc đến trong thoáng sắc bâng quơ… sầu rụng…




                                                VL – 29.3.2020
                                                 MacDung





READ MORE - MÙA KÝ ỨC - MacDung đọc thơ Bùi Kim Thảo

CHUÔNG GIÓ - Thơ Lê Phước Sinh



                       Nhà thơ Lê Phước Sinh
   

CHUÔNG GIÓ

Anh biết tình yêu sắp ghé qua
Em sẽ đến
số điện thoại 0946... phía sau dòng Tin nhắn
ngân nga
như gió thoảng vờn nhánh mây trên trời
lang thang chẳng màng định hướng
chiếc Chuông Gió bên cửa sổ chiều nay
lại leng keng
cười cợt buồn vui.

                                     Lê Phước Sinh

READ MORE - CHUÔNG GIÓ - Thơ Lê Phước Sinh

MỘT BỜ NHÂN ẢNH - Kinh điếu Hương Linh LÊ ĐĂNG MÀNH - Thơ Mặc Phương Tử




MỘT BỜ NHÂN ẢNH
                            Kinh điếu Hương Linh LÊ ĐĂNG MÀNH,


Sáng nay vừa điểm một cành sương
Liền vội tan theo khúc đoạn trường.
Đâu thuở trăng nghiêng hồn Lãm Thuý,
Bây giờ gót nhẹ bến Liên Hương.
Thi-Đàn một gánh tình muôn dặm,
Câu-Chữ đôi vần bạn bốn phương.
Muôn thuở vẫn còn sông núi cũ,
Mà sao đôi ngã rẽ âm dương !?

Âm-Dương thoáng đã, biệt xa rồi !
Lối mộng tàn phai ngọn nước xuôi.
Áo bụi trả về thân cát bụi,
Tuồng đời trút cạn giấc mơ đời.
Phiếm cung trót lịm tình mây nước,
Thi tứ thầm gieo hương đất trời.
Sinh ký, ai hay tuồng ảo hoá,
Một bờ nhân ảnh, một dòng trôi !

                      South Dakota (USA), 3/3/2020
                 MẶC PHƯƠNG TỬ











READ MORE - MỘT BỜ NHÂN ẢNH - Kinh điếu Hương Linh LÊ ĐĂNG MÀNH - Thơ Mặc Phương Tử