Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 31, 2021

TÌNH – Thơ Tịnh Bình

 
 
          Nhà thơ Tịnh Bình


TÌNH
 
Bận chi lời gió gieo neo
Thương nhau chín núi mười đèo cũng qua
Sầu chi vời vợi trăng xa
Còn trong nhung nhớ riêng ta với mình...
 
                                         TỊNH BÌNH
                                           (Tây Ninh)

READ MORE - TÌNH – Thơ Tịnh Bình

Sunday, May 30, 2021

CHÙM THƠ “ĐOẢN KHÚC...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


 


ĐOẢN KHÚC
 
Xin trải hết lòng thơm lên cỏ biếc
Cho em về ngà ngọc gót chân vui
Xin chảy với dòng suối nguồn tinh tuyết
Em về đây xỏa tóc gội mây trời.
 
Tình ươm màu nắng lụa
Thuở trăng vừa mười lăm
Tình thơm lừng mật sữa
Từ độ trăng nguyên rằm.
 
Em từ buổi trăng chưa rằm bóng nguyệt
Tóc trầm hương chải mộng suối trăng hồng
Ta từ buổi hồn thanh niên tuyệt bích
Bỗng sững sờ một đóa dạ quỳnh hương.
 
Tôi đang mơ giấc luân hồi
Mai kia gối mộng tay người trăm năm.
                            
 
ĐOẢN KHÚC ĐÊM
 
1*
Đêm sâu quá!
Hay lòng tôi?
Đêm quạnh vắng!
Hay tình người hoang vu?
Tiếng chim buồn vọng xa mù
Nghe như tiếng rụng màu thu úa vàng
 
2*
Bóng người!
Hay sương vừa tan?
Áo hoa!
Hay cánh quỳnh lan bay vờn
Lòng tôi?
Hay đêm vô cùng!
Giấc mơ còn giọt lệ nồng môi ai.
                  
 
ĐOẢN KHÚC XUÂN
 
1.
Muôn ngàn hạt nắng lung linh
Nở vàng như vạn nụ tình đang hương
Nhớ bàn tay hái hoa xuân
Chạm vào thơ nhuộm thắm hồn thi ca.
 
2.
Gió hoàng mai trải vàng ươm
Trên tà áo mỏng tình xuân lụa là
Người về từ mộng - mai - hoa
Tay cầm lệ ngọc mở tòa thiên hương.
 
3.
Người về ôm nắng vào xuân
Tay mai hoa nở nụ vàng tỏa hương
Người về nhẹ gót tình nương
Hồn như sương lụa chập chờn áo mây
Người về môi thắm men say
Ngậm lời thơ đã ướp đầy rượu thơm
Tình vừa chín ngực thanh tân
Người về rót cả mùa xuân vào hồn.
 
                                Lê Văn Trung
 
READ MORE - CHÙM THƠ “ĐOẢN KHÚC...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

Saturday, May 29, 2021

TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG – Phạm Đức Nhì

 
Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Vào trang Facebook của Vân Anh, một bạn thơ quen thuộc, tôi tình cờ đọc được bài thơ Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Cái tâm sự buồn não nuột của một cô giáo gặp cảnh tình ngang trái đã chạm vào “chỗ hiểm” nào đó trong trái tim đa cảm nên tôi đã dừng lại khá lâu. Thêm vào đó, phần thi pháp của bài thơ cũng có vài điểm đáng nói, đáng bàn nên tôi đã “xăn tay áo” viết mấy lời bình phẩm.
 
LÒNG THẬT BÌNH YÊN 
                           MÀ SAO BUỒN THẾ
 
Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung
Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện
Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến
Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn
 
Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn
Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt
Giá ngày xưa người đi mang theo hết
Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu
 
Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao
Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt
Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhoà rồi, lạc mất cả âm vần....
 
                                      Vân Anh
 
P/S: Chiều chủ nhật đầu tiên 2021
 
Tứ Thơ
 
Không có ẩn dụ toàn bài nên Tứ cũng là Ý: Tác giả nhớ lại cuộc tình tan vỡ mà tê tái lòng.
 
Đau lòng, xé ruột vì tình tan vỡ là “chuyện thường ngày ở huyện”, xưa như trái đất. Có thể nói tứ thơ (What: Viết cái gì) không có gì đặc biệt, mới lạ. Cái nổi trội của bài thơ là ở (How: Viết thế nào) - ngôn ngữ, hình tượng, cách gieo vần, thế trận và cảm xúc.
 
Dàn Trải Tứ Thơ
 
Bài thơ có 12 câu, chia làm 3 đoạn:
 
1/
 
Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung
Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện
Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến
Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn
 
Qua đoạn thơ đầu tiên thi sĩ kể lại những tháng ngày tình còn mặn nồng. Không giống những nhà thơ khác, chị cẩn thận “kê dọn, xếp lại những nhớ nhung”, những kỷ niệm của cuộc tình.
 
Hình tượng của hai nhóm chữ “Ngăn bên này”, “Kệ bên kia” rất rõ nét, dễ “bắt”, dễ cảm. Chúng còn làm nổi bật sự sâu đậm của mối tình mà chị trân trọng đến mức – dù đã chia xa - vẫn bỏ thời gian, công sức, chi li, tỉ mỉ sắp xếp thành ngăn, thành kệ những nhớ nhung, vui buồn lưu luyến trong tâm hồn mình.
 
2/
 
Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn
Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt
Giá ngày xưa người đi mang theo hết
Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu
 
Đây là đoạn thơ than trách.
 
Trước hết thi sĩ trách “trời” “đổ mưa tuôn” mà “Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt”. Kế đến, trách “người” ra đi mà không “mang theo hết” kỷ niệm của cuộc tình.
 
Thật ra, chị đã trách oan “trời” và “người ra đi”. Đúng ra chị phải trách chính mình không quên được những dấu yêu xưa.
 
Những lời than trách này cho thấy “nỗi đau buồn vì tình lỡ” đã thấm rất sâu vào tâm hồn, đã khiến thể xác cũng “mỏi mệt” đến mức gần như bệnh hoạn.
 
Rốt cuộc, nói như nhà thơ Nguyễn Bính, tất cả chỉ là:
“Thế nghĩa là yêu quá mất rồi” (1)
 
Mà trong quy luật tình yêu:
“Tình càng sâu đậm càng nhiều đau thương”
 
3/
 
Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao
Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt
Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần....
 
Đọc đoạn thơ này mới thấy thi sĩ của chúng ta rất mềm mỏng và hòa nhã. Nhân vật “đầu dây mối nhợ” của cuộc tình tan vỡ không bị gán cho những cái tên không đẹp như “kẻ bạc tình”, “tên phản bội” mà đời vẫn thường gọi. Thay vào đó, ở đoạn 2 chị gọi chàng là “người” và vẫn xưng “em” rất lễ phép, ngọt ngào; ở đoạn 3 thì chị bay bướm hơn, gọi chàng là “Nắng” và “Ngôi sao cuối trời xa”.
 
Chính sự mềm mỏng và hòa nhã đó đã nâng nét đẹp văn chương của bài thơ thêm một bậc.
 
“Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao
Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt”
 
Không biết người xưa bây giờ ngập tràn hạnh phúc hay cũng đang nghẹn ngào khổ đau. Ngay cái lúc nghĩ đến “người” rồi nhìn lại hoàn cảnh của mình, nhìn lại tâm trạng của mình, cảm xúc dâng trào, chị tủi thân bật khóc.
 
Nước mắt hoen mi nên thấy “Ngôi sao cuối trời xa” (không phải ngoài trời mà trong tâm tưởng) đang “chầm chậm tắt” và nhìn lên màn hình điện thoại (hoặc máy tính) thấy “Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần”. Vừa lô-gic, vừa thấm đẫm chất tình.
 
Thể Thơ
 
Thơ Mới 8 chữ đều đặn, giờ đã không còn mới nữa.
 
Vần
 
Vần liên tiếp, 12 câu thơ, 5 cặp vần cứ đến hẹn lại lên; trong 5 cặp vần chỉ có một cặp là thông vận (sầu nao), 4 cặp còn lại (nguyện luyến, buồn tuôn, mệt hết, mắt tắt) là chính vận; ngoài ra còn thêm 5 cặp vần lưng (nhung cùng, luyến hiện, tuôn giùm, nao ngào, tắt mất).
 
Nhìn qua về số lượng thì vần quá nhiều.
Quá nhiều vần, vị ngọt đậm, nhưng nhờ bài thơ ngắn (12 câu), tâm tình chân thật, nhiều hình tượng đẹp, dễ bắt, dễ cảm, nhiều cảm xúc nên vị ngọt đậm mà chưa đến mức ngán. Khuyết điểm bỗng trở thành ưu điểm – các câu thơ gắn kết chặt chẽ hơn, các ý nhỏ, các mảnh tâm trạng liền lạc hơn.
 
Dòng Chảy Của Tứ Thơ
 
Nhờ vần liên tiếp, vị ngọt đậm nên - về mặt thanh âm, nhạc điệu - dòng chảy của tứ thơ, tuy không xiết, nhưng rõ nét hơn.
 
Đoạn Kết Hay
 
“Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần”
 
Nghĩa thì như đã giải thích ở trên - vừa lô-gic, vừa thấm đẫm chất tình. Ở đây tôi chỉ ghi thêm một điểm nhỏ. Nhỏ nhưng nếu không nhắc đến sẽ là một thiếu sót lớn.
 
Theo tôi, bài thơ kết ở chữ “vần” thật “siêu”. Trở về thanh huyền (vần bằng dấu huyền) làm câu thơ chùng xuống, nỗi buồn càng sâu lắng hơn.
 
Như vậy, hai câu thơ vừa sâu sắc về mặt ý nghĩa vừa “siêu” về mặt âm vận, tạo thành đoạn kết tuyệt vời.
 
Thế Trận
 
Tâm trạng được bộc lộ từ từ, chậm rãi. Đoạn đầu còn kể lể chuyện ngày xưa. Đến đoạn thứ hai, ngày xưa đã chuyển sang hiện tại. Và ở đoạn cuối thì những nhóm chữ chỉ hiện tại “Đang giữa đông”, “hôm nay” - hàm chứa một khoảng thời gian đáng kể - đã chuyển sang “bây giờ” - chỉ là một giây, một cái chớp mắt ngắn ngủi.
 
Nỗi đau buồn không còn trải dài theo thời gian mà thời gian bỗng hình như dừng lại để ở ngay giây phút dừng lại ấy tất cả nỗi buồn đau đổ ập xuống tâm hồn thi sĩ. Giây phút ấy chính là giây phút mà:
 
“Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần”
 
Bài thơ kết thúc ở cao trào với thế trận hợp lý.
 
Cảm Xúc
 
1/ Cảm Xúc Tầng 1: Ngôn ngữ đẹp, hình tượng độc đáo, câu thơ dễ bắt nên cảm xúc tầng 1 mạnh
 
2/ Cảm Xúc tầng 2: Thế trận liền lạc, gọn gàng, đoạn kết hay nên cảm xúc tầng 2 cũng mạnh.
 
3/ Cảm Xúc Tầng 3: Bắt đầu từ đoạn hai cảm xúc tầng 3 đã nhẹ nhàng xuất hiện. Người đọc như tôi đã cảm thấy một luồng hơi ấm đang len lỏi trong người. Nhưng do dòng chảy của tứ thơ chưa đủ xiết, dù bài thơ kết thúc ở cao trào, luồng hơi ấm đó chưa đủ nóng, đủ mạnh để tạo hồn thơ.
 
Khuyết Điểm
 
Số Chữ Trong Câu: Tác giả tôn trọng luật thơ cứng ngắc quá. Câu nào cũng đúng 8 chữ. Bài thơ âm điệu du dương nhưng nhịp điệu tẻ nhạt. (2)
 
Tựa Đề Có Phải Là Khuyết Điểm?
 
Tựa đề của bài thơ là Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Mới đọc qua tôi đã đưa vào phần khuyết điểm với nhận xét như sau:
 
Tựa Đề: Cái tựa của bài thơ hơi tréo ngoe. Nỗi buồn đau sâu sắc đến thế mà viết là “Lòng Thật Bình Yên” thì quả là hơi bị liều.
 
Chê như vậy thoạt nhìn không thấy sai. Nhưng ngẫm lại thì có cái gì đó không ổn.
Vân Anh đặt cái tựa Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế tưởng là tréo ngoe nhưng nghĩ kỹ thì cũng có lý.
 
Tâm hồn chị lúc đó đang ngập tràn nỗi đau tình tan vỡ, không còn chỗ để chứa những thứ khác. “Bình Yên” ở đây được hiểu là không còn bị khuấy động bởi những vướng bận tạp nhạp của cuộc sống thường ngày. Thi sĩ cứ lặng lẽ, thoải mái, từ từ tận hưởng “thú đau thương”.
 
Chính vì thế tôi đã loại nó khỏi mục khuyết điểm, nhưng không xem là ưu điểm, vì cảm giác tréo ngoe vẫn còn lởn vởn.
 
Tóm Tắt Giá Trị Của Bài Thơ
 
Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế của Vân Anh là một bài thơ hay mặc dù tứ thơ bình thường, không đặc biệt hoặc mới lạ. Cái hay của bài thơ nằm ở ngôn ngữ, hình tượng, cách nói bóng gió, “Show, Don’t Tell”, cấu tứ (bố cục, thế trận của bài thơ) và đặc biệt là cảm xúc. Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đều mạnh. Cảm xúc tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ, đã xuất hiện nhưng rất tiếc, chưa đủ mạnh để có hồn thơ.
Khuyết điểm của bài thơ là nhịp điệu tẻ nhạt.
 
KẾT LUẬN
 
Chỉ với hình hài như vậy, Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế đã có “chỗ đứng” khá trang trọng trong Vườn Thơ. Nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Tác giả sở hữu một số kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, cảm xúc trong lúc cao hứng dâng trào. Chỉ cần số chữ trong câu uyển chuyển thay đổi, tránh được cảm giác tẻ nhạt và bài thơ dài thêm vài đoạn nữa để dòng chảy của tứ thơ có sóng sau dồn sóng trước, cảm xúc tầng 3 sẽ đủ mạnh để tạo hồn thơ. Bài thơ sẽ ung dung bước vào Bến Bờ Thơ Ca.
 
Nhưng Vân Anh vẫn còn rất trẻ. Những người yêu thơ, trong đó có tôi, sẽ kiên nhẫn đón chờ bài thơ để đời của chị.
 
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com
 

CHÚ THÍCH:
 
1/ Ghen, Nguyễn Bính, thinien.net
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-B%C3%ADnh/Ghen/poem-LRFnC3C9FSUau9X5dvShgw 
 
2/ Trong bài thơ NHÂN TÌNH CỦA NHỮNG ÁNG VĂN XANH Vân Anh đã có mấy đoạn có số chữ trong câu thay đổi một cách thoải mái, phóng khoáng:
 
Anh trải rộng
những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang

…………………………….
 
Câu chữ vấn vương
âm vần lưu luyến
và từ giờ em nguyện
làm nhân tình của những áng văn xanh.
 
Cách viết này, nếu vần liên tiếp, tứ thơ vẫn có dòng chảy - và dù bài thơ hơi dài một chút -  cũng vẫn tránh được 2 khuyết điểm:
 a/ hội chứng nhàm chán vần và b/ nhịp điệu tẻ nhạt (monotone)
Không hiểu sao khi viết Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế chị lại quên không sử dụng “chiêu thức” này.
 
READ MORE - TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG – Phạm Đức Nhì

MÙA HÈ TUỔI THƠ – Nhật Quang


 


MÙA HÈ TUỔI THƠ
 
Hè về hí hửng tuổi thơ
Năm… mười, trốn chạy bên bờ ao quê
Lưng chiều túm tít triền đê
Lăng xăng bịt mắt bắt dê trốn tìm
 
Hè về bắt bướm, đuổi chim
Thập thò bờ sậy rình bìm bịp kêu
Lưng trần, tóc úa nắng chiều
Đua nhau chạy níu cánh diều bay cao
 
Hè về rón rén bờ rào
Chuồn chuồn vụt cánh bay vào dậu thưa
Trèo cây bẻ ổi, hái dưa
Hồn nhiên một thuở tắm mưa cởi truồng
 
Hè về nghe khúc ve buồn
Tuổi thơ trong trắng, tâm hồn tươi vui
Khép trang sách vở, trao dồi…
Đón năm học mới ươm ngời tương lai
 
Tuổi thơ thế hệ ngày mai…
 
                                          Nhật Quang
READ MORE - MÙA HÈ TUỔI THƠ – Nhật Quang

MÙA TRÁI DẦU RƠI - Tùy bút Lê Hứa Huyển Trân

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân

 


MÙA TRÁI DẦU RƠI

Tùy bút

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Những ngày chớm hè tôi dạo bước trên con đường rợp nắng mà bỗng thấy lòng mát rượi ngẩn ngơ. Con đường mà tôi đã đi qua quen thuộc rất nhiều lần ở những khoảng thời gian khác nhau luôn khoác lên mình một màu rất khác. Cảm giác của thứ vốn đã quen bỗng chốc hóa thành lạ mang đầy mùi khám phá khiến tôi yêu con đường này mỗi lúc một nhiều hơn. Khi nắng bắt đầu chảy tràn trên vai tôi và cái rát thuở ban đầu của nàng hè bắt đầu tinh nghịch trên mái đầu thì cánh “chong chóng trái dầu” đầu tiên bắt đầu rơi xuống. Và cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa dầu bắt đầu buông cành rợp kín mặt đường. Tôi chợt hiểu mùa rơi của những trái dầu đã về.

Ngày trước cứ giữa hè là đến mùa trái dầu bay nhưng nay thì đã bắt đầu sớm hơn khi vừa chớm hè đã thấy chúng chuyển màu từ những lá non ửng đỏ sang độ vàng và nâu và bắt đầu thả mình theo gió. Ngày còn bé, lũ trẻ chúng tôi gọi chúng là hoa bông vụ, vì chúng tựa hao hao với trái dầu có hai cánh lá cứ như bông vụ xoay tròn, một tạo hình đầy ngộ nghĩnh. Khi còn đi học, trông chúng như những cái cầu mà chúng tôi đá trong giờ thể dục nên chúng tôi hay nhặt và vờ đá, nhưng chúng không đủ sức nặng để bay cố định, chỉ là lấy chơi vài lần rồi buông bỏ. Lũ trẻ chúng tôi cứ hay lấy chúng bỏ vào tay, kẹp rồi xoay một lực thật mạnh rồi buông rơi chúng, khi ấy những cánh dầu sẽ xoay tít tròn trong không trung nom đẹp mắt vô cùng. Có những lúc lũ trẻ con chơi trò cô dâu- chú rể, những “phù dâu” bé xíu trèo lên cây thả những cánh dầu xuống “lễ đường”, chúng xoay tít tạo ra khung cảnh nhìn vừa ảo vừa thực. Vì chúng không thả mình tự nhiên như những cánh hoa rơi mà xoay tròn nên khung cảnh động có phần kì ảo hơn.

Hoa dầu đi theo tôi cùng năm tháng, lại đổi tên trong mỗi mắt nhìn. Khi tôi bắt đầu yêu, cách nhìn của tôi về những trái dầu rơi có phần lãng mạn hơn, tôi bắt đầu gọi chúng là “hoa gió” hay “hoa chong chóng”. Con đường mà tôi và em đã đi qua, hai bên là những cây dầu cao to với những tán lá cao vút tỏa mát cả một quãng đường dài. Mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi qua những trái dầu bắt đầu rơi xuống theo đợt kín cả một góc trời, nắng khi ấy bỗng trở nên dịu dàng hơn trong mắt của những người đang yêu. Vỉa hè và cả lòng đường khi ấy như bị nhuộm vàng bởi những trái dầu rơi. Thanh âm đẹp nhất của tôi khi ấy là cảnh em nhặt cả một vòng tay những trái dầu rơi rồi tung xòe trong nắng. Hoa dầu đẹp trong gió, còn em đẹp trong tôi.

“Cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày”… tôi nghe lời bài hát của nhạc sĩ Giap Văn Thạch đâu đây khi quay về con đường xưa cũ mà thiếu đi một bóng hình. Cũng chỉ có những cánh dầu rơi đầy trên vai áo tôi như an ủi, như để mong chờ một khởi đầu mới. Tôi vẫn hay nhìn chúng rụng và cho rằng đó là đẹp nhưng với chúng, đó là đã kết thúc một chuỗi đời. Cũng là khúc ly tan. Chúng gieo mình để nảy lên một điệu nhạc buồn cũng là một kết thúc đẹp nhất. Đột nhiên một tia nắng vàng vọt rơi xuống tay tôi, bất giác ngẩn ngơ không nhận ra tay đã nắm chặt một trái dầu tự lúc nào, qua những kí ức vẫn đang rơi kia, tôi thấy không chỉ những trái dầu rơi, mà cả tôi, như được chúng ủi an, cũng bắt đầu chờ đợi một khởi đầu.


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định


READ MORE - MÙA TRÁI DẦU RƠI - Tùy bút Lê Hứa Huyển Trân

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 26 - 30 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

 
 
                      Nhà thơ Khaly Chàm

 
trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
26.
trợn trừng nhẵn ngón yêu ma
cầm tay phiên bản tụng ca ái tình
điên mê gõ nhịp rập rình
mùi thân phận dại ru hình chưa em?
 
27.
úp ly nhốt mặt trời đêm
vòng tay khát lửa nhũn mềm hân hoan
bao năm nhảy múa nhập tràng
câu thề ta… đẫm máu tràn ngực khuya
 
28.
xòe tay nghiệm nắng phân chia
khói hồn vờn bóng xác lìa thức tâm
hé môi hút mộng thú cầm
thổi vồng ngũ sắc lạnh căm mặt người
 
29.
trôi vào nguyệt tận ba mươi
chìm trong mắt gió ma cười nhạo ta
lời em bao giọt thánh ca
màu sa thạch rụng vỡ ra biển tình
 
30.
nghe lau lách gọi tên mình
dư vang hóa bướm bình minh chập chờn
gầm gào chi nữa căm hờn
hai chân mắc bẫy chết đơn độc rồi
 
khaly chàm

READ MORE - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 26 - 30 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

KHÓC... - Thơ Trần Mai Ngân

 



KHÓC...


Em ngã vào hoàng hôn 
Liêu xiêu, liêu xiêu gọi anh
Chỉ có nắng quái chiều nay rọi vào đôi mắt - giọt nước đầy rơi...rơi....
Em tự mình lau khô
Đưa bàn tay vuốt ve lan can chiếc cầu đã tróc hết nước sơn...
Chỗ đứng cũ...
Liêu xiêu, liêu xiêu...
Em ngã vào lòng hoàng hôn - khóc! 

Trần Mai Ngân
READ MORE - KHÓC... - Thơ Trần Mai Ngân

RĂNG CHƯA VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ: Andy Nguyễn - Nhạc: Trần Kiềm - Giọng ca: Bảo Yến - Video: Đinh Thanh Hải

READ MORE - RĂNG CHƯA VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ: Andy Nguyễn - Nhạc: Trần Kiềm - Giọng ca: Bảo Yến - Video: Đinh Thanh Hải

HOA DAYLYLY - Chu Vương Miện

 






READ MORE - HOA DAYLYLY - Chu Vương Miện

NGƯỜI SÁT ÂM LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO - Đặng Xuân Xuyến


 

*

Theo tín ngưỡng dân gian thì người Sát Âm là người có thể nhìn thấy người âm, thậm chí nghe được người âm nói chuyện nhưng không giao tiếp (trò chuyện) được với người âm. Điểm đặc biệt ở người Sát Âm là dễ bị các âm linh mượn xác để nhập vong. Còn những người hoặc "có cốt tiên" (là những “tiên cô tiên cậu”, những "nguyên thần"... ở cõi Trời vì lý do nào đó mà đầu thai chuyển kiếp xuống cõi Trần), hoặc là "người của Tứ Phủ", có số "Mở Phủ Trình đồng" thì có thể giao tiếp với người âm, thậm chí còn tương tác tình cảm (ái, ố, hỉ, nộ) với người âm như hai người ở cùng một cõi.

Ngoại trừ những người có khả năng giao tiếp ngôn ngữ nói với người âm - là nhóm người rất ít trong xã hội, có thể chuyện trò, tương tác với người âm như 2 người đang sống mà không lo sợ sẽ bị người âm "bắt hồn" về cõi Âm ti - Địa phủ, ví như giấc mơ trong câu chuyện sau:

"Hoảng hốt thấy tủ sách cạnh cầu thang không còn. Nhìn vào thì phòng trống trơn. Định lên tầng thì một nhóc trai trong xó nhà vọt chạy. Đuổi theo nhưng không kịp, quay về lại thấy bố con anh Quý cùng 1 thanh niên đang dọn phòng.

Định đi ngủ thì 5 thanh niên vào chào tạm biệt.

Hỏi: - Các cậu là ai?

Áo đen trả lời: - Quấy quả anh đủ rồi.

Áo vàng cười nhạt: - Anh tò mò thế.

Giật mình hỏi: - Là mấy vong vẫn trêu tôi?

Áo trắng toét miệng: - Biết làm gì?

Sợ quá, tỉnh giấc. Ngó đồng hồ: 3 giờ 45.

Người mệt nên mơ vậy?

Ghi lại để kiểm chứng."

- thì những người khác (số đông trong xã hội) như: người Sát Âm, người không thuộc người Sát Âm, cũng không thuộc người "cốt tiên", không thuộc "người Tứ phủ" sẽ không thể trò chuyện với người âm. Trong giấc mơ gặp người âm, những người thuộc nhóm này không chuyện trò, tương tác được với người âm mà chỉ có thể hoặc người âm nói còn người dương nghe, hoặc người dương nói còn người âm nghe, hoặc có những tương tác về hành động nhưng tuyệt không có trao đổi về ngôn ngữ nói giữa 2 người, ví như giấc mơ trong câu chuyện dưới đây:

"Đêm qua, khi lơ mơ ngủ thấy lởn vởn bóng người ngồi xuống giường, cười lẳng lơ, tình tứ lắm. Tự dưng lại có ý thích kỳ quặc: muốn hôn người âm xem cảm giác thế nào, liền nháy mắt, mời gọi. Khuôn mặt xinh xinh cúi xuống, phả làn hơi lạnh ẩm ướt vào mặt, liền giật mình hoảng hốt: nếu bị hút hết dương khí thì sao? liền đẩy khuôn mặt đó ra nhưng không được. Bực, chửi: - "Mẹ mày! Muốn đọa xuống chín tầng địa ngục à!". Khuôn mặt đó liền nhòa đi rồi biến mất.

Tỉnh giấc, không biết là mơ hay đã gặp người âm thật.

Từ sáng đến giờ, thi thoảng nghĩ đến giấc mơ vẫn thấy lạnh người."

nên nếu ai đó trong nhóm người này "đột nhiên" có cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ nói với người âm thì người đó đã "bị âm linh bắt hồn", sự sống chỉ còn được tính theo ngày, theo tháng.

Cũng lưu ý rằng, môn Tử Vi Trung Quốc có sao Âm Sát, là sao của linh giới thuộc nguyệt hệ, chỉ đóng ở các cung: Dần, Tí, Tuất, Thân, Ngọ, Thìn, được an theo tháng, thứ tự an như sau: 1 (7): Dần, 2 (8): Tí, 3 (9): Tuất, 4 (10): Thân, 5 (11): Ngọ, 6 (12): Thìn. Sao Âm Sát không thuận cho cuộc sống của người phàm tục nên Âm Sát đóng ở đâu sẽ đem đến những cản trở, những phiền toái, thậm chí là bất hạnh cho nơi Âm Sát cư trú. Ví dụ: Âm Sát đóng tại Điền Trạch thì nhà cửa thường có ma quỷ. Âm Sát đóng tại Quan Lộc thì hay dính vào mê muội mà phá nát sự nghiệp, gia đình. Âm Sát đóng tại Phu Thê thì hôn nhân dễ gặp cảnh âm dương cách biệt. Âm Sát đóng tại Thiên Di thì thường là người cô độc, ngại giao tiếp, mê muội với những chuyện hư ảo...

Tử Vi Việt Nam không có sao Âm Sát nhưng trong tín ngưỡng của người Việt thì có người Sát Âm, đó là những người thường không may mắn trong cuộc sống, hay gặp những chuyện nằm ngoài khả năng chế ngự của con người.

Người Sát Âm có thể là người “yếu bóng vía” nhưng không hẳn tất cả những người Sát Âm đều là người “yếu bóng vía”.

*.

Hà Nội, ngày 26 tháng 05-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

READ MORE - NGƯỜI SÁT ÂM LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO - Đặng Xuân Xuyến

Friday, May 28, 2021

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng

 

C:\Users\BS TUNG\Desktop\mui_thumb.jpg


CÔ MÙI CÒN KHÔNG

Nguyễn Đức Tùng


Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:

Mùi hỏi:

- Quả trứng gì?

- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?

- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.

Siêu cười nói: 

- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế. 

Những đoạn đối thoại như thế hơi giống nhau mà vẫn cứ riêng biệt cho mỗi trường hợp, đọc hoài không chán. Vì chúng dí dỏm, mỗi lúc bày một khía cạnh. Đối thoại trong Xóm Cầu Mới không phải chỉ là những trang trí, bản thân chúng là các chi tiết, là mạch chuyện, khi chảy chậm, khi chảy xiết.  Siêu và Mùi gặp nhau ở hiên nhà, một không gian vừa mở  vừa kín đáo. Cái hiên nhà là sáng tạo độc đáo của Nhất Linh, ở xứ nhiệt đới, mái hiên là nơi diễn ra những cuộc trò chuyện, nơi đọc sách, nơi tình tứ. Không gian của mối tình, của những chia tay, của hoa lài trắng và nước mắt. Cái hiên nhà chứng kiến những đổi thay thời tiết. 

Ngày trước các nhà văn ít nói về thời tiết, mãi cho đến thế kỷ thứ mười chín, hai mươi, như trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Trong ba mươi năm chiến tranh Việt Nam, 1945- 1975, người ta ít nói về nó, con người đâm ra nổi bật hơn thiên nhiên. Thế mà ai cũng biết rằng thời tiết liên quan đến tâm trạng. Nhân vật hạnh phúc thì cảnh vui vẻ, nhân vật đau khổ thì cảnh tiêu điều. Cảnh vật của Nhất Linh không đứng ngoài nhân vật, chúng tham gia, trở thành một phần của câu chuyện. Trong đoạn văn sau đây khi Mùi đến bên hiên đánh thức Siêu, buổi sáng hòa vào tâm hồn một cô gái nhỏ tuổi, lớn lên ở thôn quê, ít học nhưng thông minh, thực tế nhưng giàu cảm xúc.

" Mùi đứng dừng lại ở dưới hiên; ánh trăng hạ tuần chiếu sáng cả chỗ giường Siêu nằm và bóng lá cây in trên vải chăn trắng vì trời yên gió nên trông như là những chiếc lá thêu. Mùi cất tiếng gọi để đánh thức Siêu dậy nhưng gọi rất khẽ vì sợ Siêu thức giấc. Không thấy Siêu trả lời, nàng lại gọi khẽ một tiếng nữa và gọi khẽ hơn. Vẫn thấy Siêu nằm yên, Mùi bước lên hiên rồi ngồi rất nhẹ xuống cạnh Siêu. Nhưng nàng cứ ngồi như thế một lúc rất lâu, yên lặng".

Cái gì cũng nhẹ nhàng, cái gì cũng lửng lơ, cái gì cũng thâm trọng. Tình yêu mới chớm đi tìm ngôn ngữ của nó, cách đi đứng của nó, sự yên lặng của nó. Tôi cũng tìm ra cuốn Xóm Cầu Mới trong một hiệu sách ở Sài Gòn nhỏ, California, mừng rỡ như gặp bạn cũ. Sách do nhà xuất bản Văn Mới in năm 2002, có lẽ dựa theo bản của Phượng Giang với các lời bạt của Nguyễn Thị Vinh và Võ Phiến. Ngày trước, tôi đọc truyện đăng từng kỳ trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh.

" Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn XÓM CẦU MỚI này mới ra đời.

Hương cảng, trên núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949"

Đó là lời đề tặng của tác giả trên đầu sách. Ít người biết rằng cuốn Xóm Cầu Mới đã được ông khởi viết từ những năm 1949 ở Hương Cảng, thời ký bão táp chiến tranh, cách mạng, giết chóc, nồi da xáo thịt. Đọc thế thì biết có một người phụ nữ đã khuyên tác giả từ bỏ con đường chính trị mà về với văn chương. Nhất Linh gọi đó là "cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của các nhân vật". Năm 1958, trong Văn hóa ngày nay tập I, Nhất Linh có tâm sự thêm với độc giả: số truyện rất có thể còn tăng thêm nữa hoặc nhiều hoặc ít tùy khả năng làm việc của tôi và tùy sự tìm kiếm được đề tài. Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.

Thật đáng yêu. Tiếc ông đã không sống lâu để viết nhiều hơn cho chúng ta đọc. Nhất Linh là nhà tiểu thuyết lớn bậc nhất của thế kỷ hai mươi, bóng của ông bao trùm toàn bộ đời sống văn hóa. Nhưng con đường ông đi thật lạ, qua nhiều ngã rẽ, khúc quanh, từ những truyện ngắn đầu tiên có tính cách mở đường, đến Đoạn tuyệt nổi tiếng, một tiểu thuyết luận đề, nói về sự xung đột giữa cái mới và cái cũ, tấn công vào thành trì của  phong tục gia đình và hôn nhân lỗi thời, kêu gọi giải phóng phụ nữ. Nhưng một cuốn tiểu thuyết có tính xã hội như thế vẫn có những đoạn đẹp, như đoạn tả cảnh bốn người ngồi bên lò sưởi trong căn phòng ấm áp của cô giáo Thảo, mà ngoài trời thì mưa bay mờ mờ. Chính cái cảnh ấy làm tôi cảm thương cho số phận của cô Loan sau này. Ngòi bút của Nhất Linh ngày càng sắc nét, trở nên thơ mộng trong Đôi bạn, sâu sắc trong Bướm trắng, bùi ngùi trong Dòng sông Thanh thủy. Bướm trắng là một đỉnh cao nghệ thuật của Nhất Linh, với những đoạn phân tích tâm lý mà vào thời ấy văn học Việt Nam ít biết tới. Cuốn Xóm Cầu Mới được ông xuất bản vào cuối đời, khi đã ở miền Nam, ngay trước cái chết, vì vậy sự phổ biến còn hạn chế, nhiều người không biết đến tác phẩm này. Thật tiếc. Theo tôi đó là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn học Việt Nam, với bút pháp giàu suy tưởng, thơ mộng, nhiều câu văn đẹp tuyệt, xứng đáng là kết quả của tâm huyết của nhà tiểu thuyết. 

Siêu ngắm nghía cái tai của Mùi, cái tai lộ ra giữa hai làn tóc đen, chàng lấy làm lạ ở với Mùi bao lâu mà chàng chưa từng ngắm đến cái tia này bao giờ. Chàng thấy cái tai ấy có những đường vòng êm êm, thịt tai trắng dịu, trông mát lắm và có vẻ thơm; trong cái tai trong làn tóc đen phảng phất giống một bông hoa nhài mới nở trong đêm. Siêu nghĩ thầm: - Hết yêu cái gáy bây giờ lại đến yêu cái tai. 

Như thế là cái tai biến thành một hình ảnh lạ. Tác giả dùng nó để nói về mối quan hệ giữa hai người, thân mật, lửng lơ, bồi hồi.  Nhất Linh viết về tình yêu và tình dục một cách kín đáo. Hình ảnh của cái tai trở thành thứ trong thi pháp gọi là ẩn dụ. Nhất Linh xen kẽ những đoạn tả người tả cảnh với những nhận xét của tác giả. Những nhận xét ấy hòa vào mạch truyện theo cái lối mà ngày xưa Nguyễn Du viết Kiều, làm cho giọng điệu của câu chuyện cũng là giọng của tác giả. Không gian trong Xóm Cầu Mới có đủ cả mưa nắng, lụt lội, nhưng nhiều nhất là một không gian mưa bụi êm đềm, dịu nhẹ, trong lành. Không gian ấy làm cho cuộc nói chuyện trai gái bề ngoài không đâu vào đâu mà bên trong đầy ý tứ, gợi lại những kỷ niệm, cách sống. Những thế kỷ mười tám và mười chín, các tiểu thuyết gia Tây phương thường hay tả cảnh vật, khác với tiểu thuyết đương đại. Sỡ dĩ như vậy vì thời trước, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, con người từ bỏ thành thị tìm về nông thôn, sống giữa thiên nhiên. Khung cảnh ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, mối quan hệ của các nhân vật. Chính mối quan hệ quyến luyến của Siêu và Mùi phát sinh một thứ không gian bao quanh họ, ấm áp, mơn trớn. Vì mối quan hệ ấy vừa bóng gió, vừa pha cái mùi mẫn của xác thịt, sự đụng chạm thân mật nên không khí ấy cũng thế, đó phải là buổi chiều mưa, bên hiên mờ tối, bên ngọn lửa nấu cháo khuya, ấm áp, mơ hồ, dưới trời mưa rả rích. Tất cả không gian và thời tiết ấy không những tạo ra cái nền cho câu chuyện kể mà còn được sinh ra từ câu chuyện ấy. 

Mùi nói luôn miệng, nhưng Siêu không để ý nghe nàng nói gì. Chàng thong thả nói:

- Ở đời có những cái vui con con thích hơn những cái vui lớn nhiều. 

Sau một trong những câu nói vu vơ như thế, tác giả lại cho Mùi nói một câu khác nữa, nhưng là nói thầm: Em đang vui sướng đây, anh có thấy không? Cái tâm sự thiếu nữ ấy cần phải được vang lên trong lòng Mùi vì cô không thể nhịn được: một người đang yêu không thể im lặng mãi được. 

Nàng nói thế nhưng lại khẽ đưa hai bàn chân ra như đợi. Siêu thấy rờn rợn khắp người nửa vì thú nửa vì sợ.

- Có nên không?

Tôi ngờ rằng Nhất Linh chính là Siêu mới sống hết được cái giây phút này, mới nhìn thấy cái hình ảnh nửa là ẩn dụ nửa không phải ẩn dụ: chàng nhìn hai bàn chân nhỏ nhắn của Mùi đương bắt chéo cùng với dòng nước từ gáo chảy xuống. Ai đã từng ở bên giếng nước ngày xưa như tôi đều nhớ lại cái động tác này: bắt chéo chân để xối nước. Nước trong cái gáo thì ít lắm. Bắt chéo chân như thế để chùi chân vào nhau và để tiết kiệm. Cử động ấy khôn ngoan, ý tứ, làm lộ ra cái duyên dáng của người phụ nữ. Hình ảnh bắt chéo hai bàn chân mới đẹp làm sao. 

Cách giới thiệu các nhân vật cũng thú vị. Cuốn sách có hai mươi lăm chương. Chương một, nhan đề Một buổi sáng, giới thiệu nhân vật Mùi, là một trong những chương hay nhất. Tác giả kể mối quan hệ bà con xa của hai người. Nhờ có mối quan hện này mà Siêu và Mùi gặp gỡ nhau một cách tự nhiên, những va chạm tình cảm hợp lý mà thanh niên thời ấy không thể có được. Phản ứng của Mùi trước thái độ thờ ơ của Siêu, khi chàng bực mình về một chuyện không đâu, hoàn toàn không để ý đến Mùi: cô gái đập mạnh tay vào cánh găng đầy gai sắc đến chảy máu, một tính cách mạnh mẽ, một tình yêu đầu đời, xót đau. Nhưng đó chỉ là sự giới thiệu, nói về chuyện quá khứ mấy năm trước. Trong Xóm Cầu Mới thỉnh thoảng có những đoạn nhắc lại quá khứ như thế, back story. Không những đối với hai nhân vật chính, Nhất Linh mô tả kỹ tâm lý của họ, mà đối với những nhân vật phụ như Mạch, Hải, Hiên, Nhỡ, Tí, Nữa, tác giả cũng dành cho họ những câu văn xứng đáng, sự quan sát tỉ mỉ, âu yếm. Tôi chú ý nhiều đến nhân vật Hải, hình như là một đại diện trí thức lỡ thời duy nhất trong cuốn sách, sự phóng đãng và cái duyên thầm kín của anh chàng, mối đi lại với Hiên. Đoạn hai người gặp nhau bên bàn đèn, hay đoạn Hải hôn vợ mình chạm vào cánh mũi dính dầu mỡ có nhiều quan sát thi vị. Có những đoạn Nhất Linh tả, nhiều người khác cũng tả, mới thoạt nhìn không có gì khác, cho đến khi tác giả đưa ra những nhận xét của riêng mình, buông lời thoại đúng lúc, đúng tình cảnh, đúng tâm lý. 

Tôi lấy làm ngạc nhiên: Nhất Linh trải qua biết bao chặng đường, những ngày gian khổ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mất những người thân yêu nhất, Khái Hưng, Hoàng Đạo, bỏ vào Nam, lên núi chơi lan rồi vài năm sau uống thuốc độc tự vẫn, một người như thế mà vẫn giữ được lòng nhiệt thành khi làm báo Văn hóa Ngày nay, nhưng cái đó vẫn còn hiểu được. Cuốn Xóm cầu mới ông viết rải rác trong nhiều năm, khoảng 1949- 1957, toàn là những năm sóng gió, đầy những hình ảnh thơ mộng, một ngôn ngữ duyên dáng, dí dỏm, có cái trẻ trung hồn nhiên mà những người ở tuổi ông khó có được, cái giọng văn tự nhiên, mạch lạc, ra vẻ chất phác ấy thật ra bay bướm, là viên kim cương sáng ngời ở một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời, thương cuộc sống. Tôi thoạt nghĩ chữ thương cuộc sống, nghĩ lại quả nhiên đúng lắm. Bạn hãy ngẫm nghĩ xem hình ảnh của Siêu, hình ảnh của Mùi, của những nhân vật khác đi lại nói năng như những niềm vui sướng đột ngột, chữ của Nhất Linh như một mùa xuân tới sớm, như cái dịu dàng e ấp của hoa sói, hoa mộc. Tôi đọc Xóm cầu mới mà yêu tác giả biết bao. Thương cái hồn nhiên tươi trẻ của ông, thương cái tình của ông đối với cuộc sống. Tôi đọc lại lần nữa, một cốt truyện như không có gì mà hấp dẫn, tả những nhân vật bình thường trong cuộc đời nhưng không hề tầm thường. Tôi cảm thấy hồi hộp theo những hồi hộp của Siêu khi lau chân cho Mùi. Đôi khi tôi cũng nghĩ như Siêu:

- Có nên không?

Tôi không biết. Vì vậy mà anh chàng Siêu thông minh nhưng lười biếng ấy, làm biếng cả trong tình cảm, vẫn cứ đeo đẳng tôi hoài. Nhưng đeo đẳng tôi hơn cả là Mùi, người con gái nhỏ tuổi có duyên lạ kỳ, những cảm xúc của thời mới lớn, ướp trong mùi hương của nước chè tàu và hoa mộc. Hoa mộc thì tôi biết lắm, nó thơm lừng trong vườn cũ của bà ngoại tôi, thoảng trên mặt nước của bể cá xây bằng gạch, có bầy cá nhỏ ngủ dưới cánh bèo non tím. Trong một tùy bút, nhà văn Võ Phiến có nhắc đến câu thơ sau đây của Bình Nguyên Lộc: 

Ghe ơi vài bữa ghe về

Hỏi người dưới ruộng cô Quỳ còn không?

Những kẻ đi xa như tôi, đôi khi ngồi nhớ nước cũ, cũng muốn bắt chước Võ Phiến mà hỏi:

- Cô Mùi còn không?

Thì còn đó, chứ sao không. Có đi đâu mà mất. 

Cô Mùi giỏi buôn bán, làm ăn, có cái khôn ngoan của cô hàng xén, cái chững chạc của bà chủ nhỏ, cái tử tế của người nông dân ngày trước. Cô chất phác mà lém lỉnh, cô hiền lành nhưng dí dỏm, cô tiết kiệm nhưng bao dung. Đó là người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, nết na, thùy mị, một người thực tế nhưng đôi khi vẫn cho phép sự lãng mạn chiếm lấy tâm hồn mình, đôi khi để cho vẻ đẹp hồn nhiên của mình chiếu sáng ra ngoài, làm cho cái không khí mà họ đi qua cũng biến đổi rực rỡ, làm cho cái xã hội nhỏ bé chung quanh họ cũng tử tế hơn lên như thơm mùi hương lạ.

- Em thì không trồng hoa. Em cần có một cái vườn rộng để trồng rau và một cái ao nuôi cá để rán cho thầy em ăn và nấu canh bún cho anh ăn. Thế có được không? Em lại làm một cái chuồng rộng như ở nhà cụ Hường và nuôi một đôi công.

Sao bỗng nhiên lại ra một đôi công thì tôi không biết. Henry Fielding từng nhận xét rằng: "Chắc chắn người ta có thể kể lại sự thật với một gương mặt hài hước". Tôi cũng tin Nhất Linh đang kể lại sự thật bằng nụ cười rất nghịch ngợm của ông. Người ta vẫn thường tin rằng những bi kịch sâu sắc hơn hài kịch, hiện thực hơn, tinh tế hơn những câu chuyện vui tươi. Không hẳn thế. Siêu và Mùi là một chuyện tình vui vẻ, mà cũng không hẳn hoàn toàn vui vẻ. Tôi chưa hề thấy một tình yêu nào mà người ta suốt ngày chỉ tươi cười hơn hớn. Thế nào cũng có lúc giận nhau. Hiểu lầm, tự ái, tổn thương. Thế nào cũng có người khóc. Nhưng nếu không phải thế thì sao gọi là cảm xúc thực. Mùi và Siêu lại không phải một cặp tình nhân theo nghĩa thông thường. Mùi chưa bao giờ được dịp bày tỏ lộ liễu tình yêu của mình, Siêu thì lừng khừng, tiến không tiến, lùi không lùi, thật là một anh chàng quá dễ ghét. Nhưng chính cái lừng khừng ấy làm nên không khí trí thức, vì trí thức nào mà chẳng lừng khừng? Chính cái không khí mơ hồ giữa hai người làm lên mùa thu của họ. Văn học Việt Nam trong một trăm năm qua đã sinh ra nhiều nhân tài, nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng xét về cuộc đời, có lẽ Nhất Linh có một cuộc đời kỳ lạ hơn cả, bi thương hơn cả, gắn với lịch sử dân tộc hơn cả, đẹp hơn cả. Lừng khừng hơn cả. Vì vậy, ông là gương mặt của trí thức, chân chính và tự do. Khác với những tiểu thuyết ngày trước được gọi là tiểu thuyết luận đề như Đoạn Tuyệt, Nhất Linh còn có Xóm cầu mới là cuốn sách lạ lùng nhất, được viết với một văn phong khác những cuốn khác, diễn tả tài tình các chi tiết, những cảm xúc, nhưng lại không đưa ra những chủ đề rõ ràng. Chủ đề của Xóm Cầu Mới là gì? Chúng ta không thể gọi tên một cách rõ rệt. Cái phân vân, vương vấn ấy đâu phải chỉ là của Siêu và Mùi, là của thời đại, phản ánh tâm trạng của tác giả những ngày lưu lạc sang Tàu, những ngày tan tác, quyết định vào sống ở miền Nam tự do, rồi muốn thay đổi chế độ ấy cho tốt đẹp hơn, nhưng thất bại một lần nữa. Một người liên tiếp mất những người bạn thân thiết, những người cộng sự, từ Thạch Lam, đến Khái Hưng, từ Khái Hưng đến Hoàng Đạo, biết bao nhiêu người nữa. Nhất Linh nhìn thấy trước sự thay đổi của đất nước, sự chia đôi, thất bại, sự suy tàn của lý tưởng tự do, không khỏi rơi vào tình trạng yếm thế. Nhưng trong Xóm cầu mới tôi không thấy tính chất yếm thế ấy, chỉ thấy lòng yêu đời, sự vui sướng, nhẹ nhõm, cái hài hước dịu dàng. Quý thay, cái điềm đạm, tự chủ của tác giả. Quả nhiên, Nhất Linh không phải là một nhà chính trị, ông chỉ là một nhà cách mạng. Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đều là những nhà cách mạng, xem việc hoạt động xã hội cũng như công việc văn chương, dù tài năng lớn, có thể đảm đương nhiều trọng trách, họ vẫn buông bỏ dễ dàng. Người làm cách mạng thực ra là những nghệ sĩ. Nhất Linh là một nghệ sĩ.

Người đọc dễ nhận ra khung cảnh trong Xóm cầu mới, vườn cây, hàng hiên, cảnh chợ búa phần nào mô phỏng từ trang trại Cẩm Giàng của gia đình Nguyễn Tường ngày trước. Vậy thì khung cảnh là một cái xóm nửa tỉnh nửa quê ở miền Bắc, tiêu biểu cho đời sống người dân Việt ngày ấy. Nhất Linh có thời kỳ, cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, chơi hoa phong lan trên rừng, mê say đến nỗi coi như là một trong những việc quan trọng của đời mình. Xóm cầu mới có lẽ là hình ảnh của hai thứ: phố huyện Cẩm Giàng nơi ông lớn lên và giấc mơ bên tiếng suối reo những ngày Đà Lạt dưới bóng lan. Bên trong khóc mà bên ngoài cười, nhưng cái cười ấy không phải sự che đậy giả vờ mà là một lối sống. Đọc văn thì biết Nhất Linh hạnh phúc khi viết, những đoạn ông tả cảnh tả tình đều lộ vẻ vui thú, cái vui thú tinh nghịch của một người can trường, thông minh, nhân hậu, mặc cho cuộc đời sóng gió ngoài kia, một tấm lòng quyết không thay đổi. Đọc, tôi càng thấy tấm lòng của Nhất Linh lớn quá. Mà lớn không phải vì ông nói chuyện to tát gì, trong ấy toàn chuyện nhỏ thôi, chuyện của hai người thanh niên mới lớn, chẳng phải quốc gia đại sự gì, thế mà nhìn cái chăm chút của tác giả đối với từng chi tiết, cái hồi hộp của cô Mùi, cái đặt tay của Siêu lên bàn chân xinh xắn kia, thì đủ tỏ tấm lòng của ông đối với cuộc đời, sự sống, đối với cả bọn hậu sinh chúng ta.  

Ít lâu nữa Mùi sẽ đi lấy chồng, có con và chàng cũng đi lấy vợ, ai người nấy hai cuộc đời riêng biệt hẳn, Siêu cảm thấy trước cái buồn của lòng chàng một hôm nào, độ mười năm sau chàng lại sẽ đến cái chợ này một mình, để có lại được cái tâm hồn chàng hiện nay và để buồn rầu một cách êm ái nhớ lại một hôm đã xa xôi ở đúng chỗ này lòng chàng đã rung động vì yêu Mùi. Siêu mỉm cười vì nghĩ đến có lẽ hôm đó chàng cũng không thể nào không nhớ đến cái cảnh Mùi chúi mũi nhìn vào cái bị giơ tay đo đo và cái tính đố ấy lúc đó chàng cũng chưa nghĩ ra. 

Một lần đến Hà Nội, đi tìm nhà của nhà thơ Dương Tường ở sâu trong một cái ngõ nhỏ, hình như ngõ Phan Huy Chú, tôi đi lạc và dừng lại hỏi đường ở một cô hàng xén, vì vậy khi thăm xong ra về, tôi ghé hàng cô mua mấy cân trà Thái Nguyên để đem về Canada làm quà, giá hai trăm ngàn, nếu tôi nhớ không nhầm. Thời ấy mới đổi tiền, loại đồng tiền năm trăm ngàn có giá trị lớn. Tôi không quen dùng tiền mặt mà tiền loại mới dính chặt vào nhau vì vậy khi trả tiền tôi đưa cho cô hàng xén tờ giấy bạc năm trăm, cô thối lại ba trăm ngàn. Khi tôi đã đi xa rồi, tới đầu ngõ, cô bán hàng kia tất tả chạy theo, đem trả tờ giấy năm trăm thứ hai dính chặt vào mặt sau của tờ kia. Tôi lấy làm ngạc nhiên, tôi nghe mọi người nói rằng thời bây giờ người ta khác nhiều, buôn bán xảo trá, không còn chất phác thật thà như ngày trước, nhưng cô hàng xén trong cái ngõ nhà Dương Tường hôm ấy đã làm tôi thay đổi. Hay chính cô bé có đôi mắt đen láy, với cái tai lộ ra giữa mái tóc như một bông hoa lài mới nở kia chính là cô Mùi của Nhất Linh ngày trước, không biết cô vẫn ngồi bán hàng ở đó xưa nay, hay cô mới trở lại từ một thế giới xa xăm nào khác.

Nguyễn Đức Tùng



READ MORE - CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng