Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 29, 2014

Thơ Chu Vương Miện: ĐỂ LẠI, RA SÔNG



để lại

người về để lại một trái
tim ở không ta thử bóc ra
nhìn trân trọng ta bưng lên tận
mặt đây quà thân ái một lần
thăm trái tim na ná giống tim
heo lấm tấm còn vượng hạt máu
đào hai bên tâm nhĩ và tâm
thất nhìn hoài mà chả biết nói
sao trái tim ngăn hộc như thuốc
bắc cất dấu bao năm thịt phủ
mờ toàn chân dung những người kiệt
xuất tìm hoài chả thấy lũ phàm
phu trên cùng là ngôi nhà thờ
cổ Chúa trên thánh giá ngó thương
đau một xâu chuỗi hạt Mân Côi
cũ mân mê trong thế giới vạc
dầu gửi trái tim kiếp sau gặp
lại kiếp này Pắc Hủi ngó Lai
Châu vết son còn dấu vành ly
đó dạt về Ngô hay dạt sang Tiều?





ra sông

ừa thì con cá ra sông thân
yêu một khối trong lòng bơi theo
nhìn xong đổ nát chán phèo chạy
theo thì đã qua Lèo "Vân Nam "
chuyện xưa nhắc lại thêm nhàm trễ
đò trễ cả chợ Nam Đồng Lầm
quán chi mưa nắng vô chừng trai
khôn lấy vợ truyền giòng lứa đôi
chở nồi dùng để hong xôi nên
chi mới có trầu vôi cau già 
ừa thì người đã quên ta bỏ
lơ lai một cội hoa móng rồng
tàng tàng tát cạn biển đông nhìn
theo em đã theo chồng vu qui
tình ghơi có thủ có thì tiếng
la đầu xóm họa mi đầu cành
mình về đôi mắt vòng quanh áo
hoa quần lụa một vòng ngọc đeo
đường làng cũng chả cheo leo cá
ra sông cũng một lèo đi luôn 

chu vương miện



READ MORE - Thơ Chu Vương Miện: ĐỂ LẠI, RA SÔNG

Bút ký: MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ Nguyễn Hồng Trân


MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ
 Nguyễn Hồng Trân


Cũng khá lâu rồi vợ chồng chúng tôi chưa có dịp dạo quanh Tây Hồ. Trước đây chúng tôi đã từng sống ở Hà Nội nhiều năm trong thời kỳ học tập và công tác. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, chúng tôi trở về quê hương Trị- Thiên để phục vụ công tác giáo dục và y tế cho đến ngày nghỉ hưu vẫn thường trú ở tp. Huế. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp ra Hà Nội thăm con cháu, thăm bà con và bạn bè thân quen…



Hiện nay, vợ chồng chúng tôi đã ra lại cư trú tại Hà nội theo đề nghị của con cháu muốn chăm sóc, phụng dưỡng ba mẹ lúc tuổi già ốm yếu…  Giờ đây, chúng tôi có thời gian rộng rãi để đi du ngoạn cảnh Tây Hồ vào một ngày thu yên lành thoải mái. Ngoạn cảnh nơi đây thật là thú vị. Cảnh mây trời, hồ nước mênh mông thoáng mát dễ chịu và đã làm cho chúng tôi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa suốt một thời gian dài đáng nhớ của tuổi trẻ đã học tập và công tác tại Thủ đô Hà Nội.
Hồ Tây theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1)  , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2) (Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là Tây Hồ (4).
Để ngoạn cảnh Tây Hồ,trước tiên, chúng tôi đi dạo dọc con đường Thanh Niên mà ngày xưa gọi là đường Cổ Ngư. Đường này là ngăn cách Hồ Tây và Trúc Bạch. Hồ Trúc bạch ngày xưa cũng thuộc Hồ Tây, sau đó người ta đắp lên một con đê ngăn ra một vùng hồ nhỏ để nuôi cá và xung quanh hồ này trồng nhiều cây trúc để làm mành, làm rèm sáo che nắng, che mưa…Hồ Tây thì rất lớn (hơn 500 hecta và chu vi gần 18 Km), hồ Trúc Bạch thì nhỏ (chỉ vài chục hecta và chu vi chỉ hơn 6 Km). Hai bên con đường này những hàng cây xanh tỏa bóng râm xuống mặt đường thật mát mẻ dễ chịu. Từng đoạn, từng đoạn gần sát mép hồ đều có những chiếc ghế đá hướng ra mặt hồ để cho du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chuyện trò tâm sự… Những chiếc ghế nơi đây cũng đã từng chứng kiến muôn vàn cuộc hẹn hò tình tứ của lứa đôi trai gái ở Hà Nội, trong đó có chúng tôi và những người nơi khác đến du chơi ngoạn cảnh Tây Hồ rồi lưu lại bên hồ trong cảnh chiều tà cho đến tận đêm khuya thanh vắng…
Chúng tôi dạo bộ trên đường này một lúc rồi ghé vào tham quan lại chùa Trấn Quốc mà đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa có dịp ghé thăm. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của Hà Nội đã có từ thời Lý –Trần và cách đây khoảng 1500 năm. Ngôi chùa rất đẹp, nó tọa lạc trên hòn đảo nhỏ phía Đông của hồ, có ngọn tháp cao xinh xắn màu nâu đỏ. Nơi đây du khách hàng ngày ra vào tham quan tấp nập. Các sinh viên các trường thường đến viếng cảnh chùa để cầu nguyện; nhất là sinh viên trường Nghệ thuật đến ngắm cảnh chùa và vẽ tranh hoặc sáng tác lời ca, khúc nhạc…
Đến chùa Trấn Quốc làm tôi nhớ đến một sự kiện ngày xưa từ thời chúng tôi còn là sinh viên đến tham quan chùa này vào dịp hè năm 1959 thì được gặp đoàn đại biểu của Chính phủ Ấn Độ sang thăm nước ta do Tổng thống  Rajendra Prasad dẫn đầu ghé vào thăm chùa cùng đi với Bác Hồ. Lúc đó Tổng thống Ấn Độ có tặng cho nhà chùa một cây bồ đề Ấn Độ rất đẹp. Cây bồ đề ấy giờ đây đã sum xuê to lớn tỏa bóng mát cho cả một vùng rộng của sân chùa.
Chúng tôi đứng ở sân chùa nhìn ra Hồ Tây nước mênh mông xanh biếc và làn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào các thành kè ven hồ nghe rất êm ái thanh bình. Nhìn xa xa giữa mặt hồ có nhiều tàu thuyền qua lại chở du khách dạo chơi đây đó tham quan những di tích, thắng cảnh ven hồ như đền Quán Thánh, cung Từ Hoa, chùa Kim Liên, điện Thụy Chương, phủ Tây Hồ…
Trên dọc đường đi ven bờ Hồ Tây, chúng tôi nghe vang vọng những bài ca, khúc nhạc du dương, trữ tình, trầm bổng trong chiều đông ấm áp. Lúc đó chúng tôi bỗng nhớ đến mấy câu ca dao ngày xưa quen thuộc:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tiếp đó chúng tôi đi ngược lên phía làng Kẻ Bưởi (ngày xưa có tên là Yên Thái), nơi đây là cái nôi làng nghề làm giấy dó nổi tiếng, nhưng dân làng rất vất vả, người dân phải đi lấy cây dó trên rừng về, phải chặt khúc rồi dã nhỏ bằng cối chày cả ngày đêm mới kịp làm giấy. Có loại giấy quý làng này làm ra được dùng cho nhà vua ban Sắc phong cho các làng xã, tộc phái có sự kiện điển tích về lịch sử, văn hóa đáng được tôn vinh, trân trọng.
Sau khi ra khỏi làng này, chúng tôi lên thuyền du lịch đi về Phủ Tây Hồ(5) để viếng thăm, ngắm cảnh một địa danh linh thiêng của Thăng Long Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, ngày xưa nó thuộc một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Chúng tôi đến Phủ Tây Hồ không phải vào dịp lễ hội thường niên vào ngày rằm tháng Giêng nhưng dân chúng đến hành hương và tham quan cũng rất đông. Chúng tôi đi dạo khắp vùng này và thấy người ta đến đốt vàng mả, hương trầm khói lên nghi ngút lan tỏa khắp cả vòm cây, mái ngói. Phủ Tây Hồ còn mang đậm nét cổ xưa ở các điện thờ, đền miếu… Nhất là quang cảnh xung quanh Phủ rất uy nghi, trầm tĩnh. Những cây si, cây sung, cây lộc vừng cổ thụ nghiêng mình sà thân cành gần sát mặt nước Hồ Tây tạo nên một dáng vẻ cổ kính linh thiêng. Đứng trong khung cảnh này, tôi cảm hứng làm mấy câu thơ với tựa đề:
CẢM CẢNH TÂY HỒ
Nước Tây Hồ mênh mông xanh biếc
Thuyền ngày đêm liên tiếp du chơi
Đàn chim bay liệng ngang trời
Như vui với cảnh cùng người tham quan
Đường ven hồ rộn ràng du khách
Tới đền chùa tấp nập hành hương
Người từ khắp cả bốn phương
Về đầy cầu nguyện an đường sinh linh…
Trời về chiều, chúng tôi lên thuyền ra giữa Hồ Tây rồi hướng về phía làng Thụy Khê để ngắm cảnh chiều hôm ở một vùng quê ven hồ. Lúc đó trên bầu trời Tây Hồ những đàn chim đang bay chầm chậm thành hàng như hẹn nhau trở về tổ. Bỗng nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua làm thuyền chở chúng tôi rung rinh, chồng chềnh, cánh buồm nghiêng ngả và thấy đàn chim trên trời cũng hối hả bay nhanh. Thế là tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy lo lo, sợ một cơn lốc đột ngột sẽ lật thuyền như chuyện chìm thuyền của đoàn nghệ thuật Trung Quốc: “Tề tề Cáp nhĩ”  khi chiều tối dạo chơi trên Hồ Tây vào đêm 11-9-1956. Các cụ già hồi đó ở gần Hồ Tây đã kể lại rằng, đoàn thuyền chở đoàn nghệ thuật TQ vừa ra đến giữa Hồ Tây thì đột ngột có một cơn lốc mạnh hất tung cả đoàn xuống hồ. Lúc ấy mọi người hốt hoảng không ngờ việc thiên tai ập đến bất ngờ cho đoàn TQ như thế. Đội cấp cứu đã tích cực cứu nạn được một số người, trong đó có cô Khương Nãi Tuệ là nữ nghệ sĩ múa có tiếng của TQ (đóng vai nữ chúa trong điệu múa Hoa sen) và một tay sáo danh tiếng là Phùng Tử Tồn, còn 9 người TQ mất tích. Mặc dù đã chăng lưới tìm kiếm cả đêm, nhưng vẫn không thấy. Hôm sau mới tìm được thi thể của 9 cô gái chưa chồng trong đoàn múa hoa sen của TQ đã bị chết trong đêm hôm ấy. Thật là một chuyện chưa từng xẩy ra ở Hồ Tây từ xưa đến nay như thế!
Sau cơn gió mạnh thổi qua, chúng tôi đang ngồi trên thuyền mà vẫn không lo, cứ ung dung chuyện trò vui vẻ. Nhìn về phía gần bờ làng Thụy Khê có mấy chiếc thuyền nan có những người trên thuyền và dưới nước để vớt rong, mò ốc, bắt cá… cứ râm ran chuyện làm ăn kinh tế. Đặc biệt ở Hồ Tây người ta nuôi loài tôm càng xanh rất phát triển và đem lại nguồn lợi kinh tế khá cao. Trước đây, hàng năm người nuôi tôm càng xanh thu hoạch đến 40 tấn/ năm.  Qua thực tế ẩm thực, chúng tôi cũng biết về các loài cá, loài ốc và tôm ở Tây Hồ rất ngon. Vì thế một số hàng quán nhậu ở ven bờ với các món cá hấp, cá chiên, bún ốc, bánh tôm, v.v…lúc nào cũng đông khách thưởng thức. Ngoài ra, những người sống ven hồ còn cho biết thêm rằng, có một số tổ chức nuôi trồng sinh vật hồ đang nuôi loài cá hồi và nuôi trai lấy ngọc. Điều đó có nhiều hy vọng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Tây Hồ được ổn định và bền vững, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ môi trường được tốt, không bị ô nhiễm nặng triền miên.
Sau khi rời khỏi thuyền lên bờ, chúng tôi đi bách bộ một đoạn quanh bờ hồ. Quang cảnh ở đây đã khác nhiều so với ngày xưa. Những hàng cây cau Tây, phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa … như thích thú với đất trời, hồ nước xanh trong và cứ thi nhau vươn mình lung lay thân cành trong gió chiều lộng mát.
Đi một lúc ngắm nhìn đó đây thư giãn tâm hồn, chúng tôi dừng chân ngồi lên ghế đá nhìn ra mặt hồ và hít thở không khí trong lành rồi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa vào cái thời trẻ trung của cuộc đời sinh viên đã từng đi dạo quanh Tây Hồ với bao nhiêu tâm tình, ước vọng…
Ôi! Mùa thu ngoạn cảnh Tây Hồ thật là thú vị và vấn vương, thương nhớ bung lung, nhớ cảnh vật, nhớ tình người, nhớ hoài! nhớ mãi!..
        Hà Nội, Quý thu, năm Giáp Ngọ = 2014


Chú thích: (1) Đầm Xá Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây hang con cáo chín đuôi thường phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm (đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa  Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
(5)Phủ Tây Hồ:nơi đây ngày xưa có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá rồi tôn vinh lên thành đức Thánh Mẫu . Hàng năm vào rằm tháng Giêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ cầu mong Thánh Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn; vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ.





READ MORE - Bút ký: MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ Nguyễn Hồng Trân

EM ĐI - thơ Bình Địa Mộc





EM ĐI

em đi thong thả em đi
coi như chưa biết chưa gì với nhau
mai này kẻ trước người sau
biết đâu cũng một chuyến tàu thời gian

nói chi lời nói phủ phàng
giận hờn chi cũng hai hàng lệ rơi
tiễn em tôi bước chân rời
chỗ hôm qua đứng mùng tơi thõng thuồng

đêm về tựa cửa rèm buông
hai bàn tay nhúng nỗi buồn đặc queo
ngoài sân lủng lẵng trăng treo
bóng cây mít sửng sờ neo gốc già

em đi đường chắc còn xa
còn hăm hẳm phía người ta mệt nhoài
câu thơ bờ bợt sông ngoài
biết đâu sóng vẫn còn hoài bờ xanh …

Quảng Nam, 11.2014

Bình Địa Mộc
READ MORE - EM ĐI - thơ Bình Địa Mộc

THÁNG CHẠP - thơ Trúc Thanh Tâm



THÁNG CHẠP

Rất khẽ mùa yêu lên tiếng gọi
Rớt xuống quanh đời hạt nắng trong
Nói thương nào biết yêu có dễ
Áo lụa em về một sớm đông

Ta qua phố cũ nhiều kỷ niệm
Một thời để nhớ một thời xa
Những đáng yêu nào ta bắt gặp
Má em hồng có phải vì ta

Tháng chạp bỗng nhiên tình tứ quá
Mấy ngõ hồn ta lên tiếng reo
Da em trắng mọng trời mơ ước
Mơn trớn lòng ta một nét yêu

Trăm năm mộng gởi vào mơ ước
Đời cứ bồng bềnh mây trắng bay
Thời gian chầm chậm qua lối hẹn
Len lén xuân về em có hay !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - THÁNG CHẠP - thơ Trúc Thanh Tâm

LOẠN BÀN VỀ CHỮ TỬ - Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện


LOẠN BÀN VỀ CHỮ TỬ
Chu Vương Miện

Toàn về nhà gặp Dung đang ngồi lẩm nhẩm đọc cái gì đó mà miệng thì cười toe toét. Tòan hỏi:
-Đọc gì mà vui vậy?
Dung khoe:
-Anh nghe nè, họ nói về những câu có chữ Tử buồn cười lắm nghe nha:
Đang mạnh khoẻ mà chết gọi là Mạnh Tử.
Chết già gọi là Lão Tử.
Người to con mà chết gọi là Khổng Tử.
Chết mà bị dời tới dời lui gọi là Du Tử.
Chết ở sông gọi là Giang Tử.
Bị lạnh chết gọi là Hàn Mạc Tử.
Cung nữ mà chết gọi là Tử Cung.
Chết trong chùa gọi à Tự Tử.
Chết một cách lãng xẹt gọi à Lãng Tử.
Bị chấy rận cắn chết là Chí Tử.
Điện dựt chết là Điện Tử.
Cha chết là Phụ Tử.
Mẹ chết là Mẫu Tử.
Em chết là Đệ Tử.
Vợ chết gọi là Thê Tử.
Thầy giáo chết gọi là Sư Tử.
Học trò chết gọi là Sĩ Tử.
Quâ lính chêt gọi là Quân Tử.
Bị đánh bầm dập mà chết gọi là Nhừ Tử.
Chết mà bị chặt ra từng khúc gọi là Thái Tử.
Chết trong khi đi toilet gọi là Tiểu Tử.
[Trích trong truyện ngắn MƯU KẾ của nhà văn nữ DIỄM CHÂU đăng trong tuần san Người Đưa Tin trang 64 ] ra ngày 24 tháng 1 năm 2014 .]

*
Còn bây giờ là thuộc về phần của tại hạ, nước sông không phạm nước giếng, ai viết phần đó.
1/Loại Triết Gia:
- Mạc Tử là chết trong đen tối và lạnh lẽo.
-Tuân Tử là chết theo khẩu dụ của nhà vua "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung".
- Liệt Tử là bại liệt rồi thác luôn.
-Dương Tử là sung quá rồi phát khùng mà thác.
-Tử Lộ chết lộ thiên không cần chôn cất.
-Tôn Võ Tử là ông Tỏ nghành Võ khi chết nằm trong quan tài bằng gỗ bên ngoài vỏ bọc bằn Tôn.
2 /Loại Văn Thi Gia Ta Tàu.
-Chung Tử Kỳ là ván cờ chết ? bó tay chung tiền cho người ta rồi về.
-Giang Tử là không biết bơi chết đưối dưới sông.
-Hà Liên Tử thi sĩ miền Nam tác giả tập thơ duy nhất Tiếng Bên Trời.
-Hàn Mạc Tử thi sĩ chêt chôn ở Ghềnh Ráng ngay trươc cổng quận Hiếu Nhơn Quy Nhơn.
-Lốc Cốc Tử là anh hành nghề đấm bóp gọi nôm là "đánh tẩm quất".
-Chu Tử là chết trên thuyền bè.
-Lão Đầu Tử là nhân vật hắc đạo trong pho truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ và cũng là biệt danh của vua Càn Long khi du Giang Nam.
-Kỳ Hoa Tử là bút hiệu khác của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
-Tô Dương Tử là nhà văn nhà giáo bạn thâm giao với thi sĩ Song Nhị.
-Trần Tử Ngang chết nằm ngang như cua.
3/ Tên của những vị nổi danh thiên hạ.
- Âu Giả Tử la người nước Ngô có công đúc một lúc ba thanh kiếm Long Tuyền thái a , Mạc Tà và Ngư Trường Trảm Lư.
-A Tử là nhân vật trong Lục Mạch Thần Kiếm em của A Châu chị của A Tuất [ con gái của Đoàn Chính Thuần.
-Ngụy Quân Tử la mỹ danh quần hùng tặng cho Nhạc Bất Quần chưởng môn Kiếm phái Hoa Sơn.
-Tử Hà Thần Công là là tuyệt chiêu của phái Khí Tông do Nhạc bất quần bảo qủan.
-Hồn Du Tử là bản nhạc thời tiền chiến "chiều nay biết về nơi đâu ? dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu".
-Trần Tử Oai vị tướng được đặc trách Diệt Trừ Sốt Rét của nền Đệ nhất Cộng Hòa.
-Sinh vi tướng Tử vi thần là điều tự phong của tướng Đỗ Mậu khi bị ra rìa.
-Nhất dạ lục giao sinh Ngũ Tử là tuyệt chiêu của vua Minh Mạng triều đại nhà Nguyễn.
-Ngũ Tử Tư là bị chết trong trường hơp tứ mã phanh thây.
4/ Những chữ thông dụng.
- Sinh Ký Tử Qui. sống thì lanh lợi như ngựa kỳ ngựa ký
còn chết tì chậm rãi như con rùa.
-Núi Yên Tử là chỗ tu hành của cac vua nhà Trần sau khi về hưu . dướ chân núi có lính canh gác, người chết không bị ai quấy phá .
-Tiền Tử Tuất là tiền chết vì công vụ lãnh chỉ 1 lần còn Tuất thì cứ 1 qúy 3 thánghay 1 năm lãnh 1 lần.
-Tử hỉnh là trước khi chết được chụp hình kỷ niệm với đao phủ thủ .
-Tử thù là chêt rồi còn thù.
-Tử Thi là thi sĩ chết cạnh bài thơ của mình.
-Tử Thương là bị thương rời thác.
-Tử Tước là một trong 5 tước "công hầu bá tử nam"
- Tử tội là tự mình chết.
-Hoa miễn tử là hoa khô.
-Bất tử là sống mãi chưa chết
-Bất đắc kỳ tử là chết bất thình lình không báo trước.
-Tử chiến là chết còn uýnh.
-Tử Trận là hết uýnh.
-Phù dung tiên tử là bạn thân của giới hít tô phe.
-Phu Tử là cu li porter khuân vác nặng quá chiu không thấu lăn quay ra mà chết.
-Tòng Tử là bằng hữu thương tâm quá lăn ra mà chết theo ? cho có bạn.
-Đạn mã tử là đạn chuyên dùng để bắn ngựa.
-Đồng tử là chết ngoài cánh đồng.
-Tự tử là ngôi chùa không có ai vãng lai, ngôi chùa chết.
-Mộc Tử là cây thiếu nước.
-Tử Khí là nằm chết mà còn hơi thở.
-Đột Tử là con khì Đột trong sớ thú chết.
-Tử Vi là hành động của kẻ chết.
Thập tử nhất sinh là 10 chết 1 sống tức là gần đi đoong.
-Sinh Lão bệnh Tử là lý thuyết của Phật Gia.
-Gốc Tử là cây Thị [tiếng cổ]
-Tử địa là nhị tỳ để tróng đất cho các người còn tại thế ?

                                                       Chu Vương Miện
READ MORE - LOẠN BÀN VỀ CHỮ TỬ - Chu Vương Miện

NHƯ CÁNH CHIM BUỒN - Hoàng Anh 79




NHƯ CÁNH CHIM BUỒN

Em bỏ cả trời mơ ước xưa
Có hay nắng tắt chuyển sang mùa
Tóc thề em thả qua sông rộng
Còn nhớ đường về trong gió mưa.

Ta đã xa thời yêu dấu yêu
Hàng cây trút lá đổ muôn chiều
Đèn treo phố nhỏ vàng nhung nhớ
Trăng ngủ bên đồi cỏ quạnh hiu.

Về đây cảnh cũ sầu quanh quẩn
Đêm vắng mình ta mộ khúc buồn
Đường sinh tử gập ghềnh muôn thuở
Rượu cạn bầu say thương nhớ thương.

Mấy nẻo đường mây khói nhạt nhòa
Rồi trời đất cũng lãng quên ta
Tình thơm một thuở là nhau mãi
Để đến bây giờ xa rất xa.

Mưa ở xứ người em có lạnh
Áo xưa còn giữ một mùi hương
Giang hồ ta bước chân phiêu lãng
Như cánh chim buồn lạc giữa sương!

Ngày 27/11/2014
Hoàng Anh 79

Họ và Tên: Hồ Mạnh Phi Hùng
Bút Danh: Hoàng Anh 79.
Năm sinh: 14/09/1973.
Địa chỉ mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Blog : hoanganh79.blogspot.com
Điện Thoại: 0918.974.522

Địa chỉ nhà : 1S5 lầu 1, Lương Văn Can, Chung cư Bình Khánh, P. Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang.
READ MORE - NHƯ CÁNH CHIM BUỒN - Hoàng Anh 79