Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 16, 2019

TÔI HẠNH PHÚC - Trần Mai Ngân



                                Tác giả Trần Mai Ngân


TÔI HẠNH PHÚC

Những tổn thương rồi sẽ qua đi theo ngày tháng năm. Những tổn thuơng tưởng có thật nhưng đi với thời gian thì lại không còn thật nữa. Nó trôi qua và tan theo.
Tôi đã quên và tôi để cho mình có quyền được hạnh phúc.
Tôi biết mình có hạnh phúc ít nhất là một khoảng ngắn ngủi nào đó trong suốt cả một cuộc đời khá dài lâu...
Hạnh phúc với tôi đơn giản là được cười tươi khi bắt gặp một ánh mắt cũ trong chiều xuân vàng cả hoa Mai... Hạnh phúc của tôi là khi qua đường thoáng nghe một mùi hương quen thuộc để ngỡ như bàn tay được người dắt qua dòng xe cộ chật đông...
Hạnh phúc cũng có khi là ngồi lặng im ngắm biển một mình nghe sóng vỗ như xin lỗi lời hò hẹn đã nhỡ, đã qua đi... dang dở...

Thôi ! Rộng lượng với tôi - với cuộc đời của tôi đi.
Còn bao lâu nữa. Còn bao mùa xuân nữa để tôi nhớ về người.
Rồi cũng phải đến lúc nào đó quên đi, quên tất cả. Không nhìn ra gương mặt dấu yêu vì đã nhạt nhoà theo năm tháng!
Nhưng chắc chắn tôi tin rằng đã có lúc tôi rất hạnh phúc, hạnh phúc cùng dấu yêu là điều có thật !

                                                            Trần Mai Ngân
                                                      Tết Nguyên Tiêu 2019

READ MORE - TÔI HẠNH PHÚC - Trần Mai Ngân

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY, CÁI TÔI TRONG SÁNG TÁC THƠ VĂN - Nguyên Lạc



                              Tác giả Nguyên Lạc


CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY - CÁI TÔI TRONG SÁNG TÁC THƠ VĂN

Theo quan niệm riêng tôi về thơ văn, trong con người có hai cái tôi: Cái tôi lý trí và cái tôi cảm xúc:
1. Cái tôi lý trí do lý trí chi phối, mang tính hơn thiệt, đúng sai, được thua vân vân... Trong cái tôi này có chứa cái tôi "teo chim", có nghĩa là cái tôi sợ hãi. Biết rằng mình không thích, biết rằng dối gian... nhưng vẫn phải làm, phải lèo lách... Đây là cái tôi không thực trong thơ văn.
2. Cái tôi cảm xúc: Đây là cái tôi thực sự, cái tôi nhân bản, cái tôi của thương yêu, cái tôi cảm nhận sự thua thiệt, không cần danh tiếng tiền tài ... vân vân và vân vân. Nhà thơ cần cái tôi này
Một bài thơ hay khi nào cái tôi cảm xúc lên làm chủ, đè cái tôi lý trí xuống. Do đó người ta thường nói: Tình yêu thường "mù quáng", nghĩa là lý trí "đi chỗ khác chơi". Thơ mà chỉ có lý trí, chỉ sắp xếp chữ, không có cảm xúc thì thơ chắc không gây một hiệu ứng nào đối với người đọc và chắc sẽ bị mau quên.

*
Tình cờ tôi đọc được một bài thơ tôi rất thích, một bài thơ đầy cảm xúc. Một bài thơ mà "cái tôi cảm xúc, cái tôi đích thực" lên làm chủ, dành quyền “đạo diễn”, đuổi "cái tôi văn hóa / lý trí" vào bóng tối. Bài thơ "Nghiêng" của La Thụy. Một bài thơ ngắn chỉ ba mươi chữ. Đây là bài thơ:

NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

                                         La Thụy

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ

Trước khi đưa ra cảm nhân của riêng mình, tôi xin trích đoạn ra đây cảm nhận rất "ấn tượng" của nữ sĩ Trần Mai Ngân về bài thơ:

1.   Cảm nhận của Trần Mai Ngân

[... Tháng Chạp con trăng cuối!
Ở trên tầng cao tôi đọc bài thơ NGHIÊNG của nhà thơ LA THUỴ .
Qua khung cửa sổ trước mặt tôi là con trăng trắng toát và rất tròn đầy. Trăng 16 - con trăng cuối của năm.
Tôi nhìn ánh trăng đăm đắm và cảm thấy “chông chênh rơi mất ánh trăng thề” xa xưa... Dường như vậy, một sự trống rỗng và lặng im đến ngạt thở nơi này. Phải vậy không. Không lên tiếng thì chắc là đã quên không còn nhớ nữa!
Không còn nhớ những “chắt lắng...hương mê” nữa. Tất cả đã rơi vào “hoài niệm” rồi sao?
Tôi tiếc nuối xót xa , buồn đang “Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức” giờ đã tan theo “mối tình xưa hẹn ước”...
Con trăng lên cao, xa tôi hơn, ngút nhỏ dần và cô đơn giữa thành phố, nhạt nhoà giữa đèn sáng đêm nay. Chẳng ai nhớ tới trăng ở nơi này...
Đêm thật sâu thật lặng lẽ. Chỉ mình tôi cảm nhận khoảnh khắc cô đơn tuyệt đẹp này.
Đêm thật sâu thật lặng lẽ. Chỉ mình tôi cảm nhận khoảnh khắc cô đơn tuyệt đẹp này....
Đêm NGHIÊNG cùng tôi và ánh trăng buồn tháng Chạp!
[BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THUỴ CÙNG TÔI VÀ ÁNH TRĂNG THÁNG CHẠP - Trần Mai Ngân]

2. Cảm nhận của Nguyên Lạc

2a. Cảm nhận về bài thơ:
Cảm nhận về bài thơ của Trần Mai Ngân rất đạt, tuy nhiên theo tôi hơi còn thiếu. Tại sao?
-- Cái cảm nhận này chỉ là riêng của nữ sĩ Mai Ngan, theo tôi nó không phải là nỗi niềm của tác giả bài thơ.
-- Chắc có lẽ người cảm nhận là nữ nên không biết uống rượu, hoặc chưa từng "xỉn" và chưa bị tình, đời "vùi dập" nên không chú ý nhiều lắm đến: Chao nghiêng, chông chênh.
Chỉ có "xỉn" rượu và do đó "xỉn tình đời" mới nghiêng ngả , chông chênh. Và do đó TRĂNG nghiêng theo, đổ sầu vào lòng tác giả. Phải không?
Đây là "cơn hứng" (phút xuất thần) của tác giả khi "xỉn rượu" đầy tâm tư, nhớ TÌNH, ĐỜI. Rượu giải phá "thành sầu" nhưng được không? Hay là càng sầu thêm.

Chính cái "cơn hứng" này, chính là lúc "cái tôi cảm xúc/ cái tôi thực sự" mà tôi đã liên hệ trên dành quyền "đạo diễn", đẩy "cái tôi lý trí" đi chỗ khác chơi nên bài thơ đầy cảm xúc, chỉ ba mươi chữ mà đánh động lòng người.

Cái "cơn hứng" (phút xuất thần) đưa đến bài thơ "ấn tượng" này làm tôi nhớ đến những "cơn hứng" dạt dào tâm sự của tiền nhân, xin được ghi ra đây:

Thôi, đừng. Thôi hãy nằm yên
Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào
Rót ta với bóng cùng nhau
Ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say

(Đêm cuối năm uống rượu một mình - Thanh Nam )

Và đây, cơn hứng say rượu của cụ Vũ Hoàng Chương:

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết
Ta quá say rồi
Sắc ngã màu trôi...
...
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai!

(Say đi em - Vũ Hoàng Chương)

Và đặc biệt nhất là "cơn hứng" đầy nỗi niềm tâm sự của người thất chí Cao Bá Quát mà tôi thấy bài thơ của La Thủy gần giống.

BẠC VÃN TÚY QUY (3)

Minh đính quy lai bất dụng phù
Nhất giang yên trúc chính mô hồ
Nam nam tự dữ liên hoa thuyết
Khả đắc hồng như tửu diện vô ?

                       (Cao Bá Quát)

Dịch thơ:

CHIỀU HÔM SAY VỀ.

Ta say, chẳng bận ai dzìu,
Một sông, bóng trúc khói chiều tiêu tao.
Này sen, tớ hỏi tầm phào:
Hồng sen, hồng rượu, hồng nào hồng hơn ?

                                        (Đặng Tiến dịch)

Tôi xin phóng dịch, thay chữ sen (liên hoa) ̣ bằng chữ TRĂNG cho hợp với bài thơ của La Thụy

CHIỀU HÔM SAY VỀ.

Xỉn rồi chân bước liêu xiêu
Một trăng sương khói tiêu điều nghiêng chao
Này trăng ta hỏi trăng nao
Hồng trăng, hồng rượu, hồng nào hồng hơn?

                              (Nguyên Lạc phóng dịch)

Chân chông chênh, người chao nghiêng thì trăng nghiêng chao theo, "đổ sầu" vào hồn thi nhân. Ánh trăng thề có mất không? Vẫn còn! Vẫn còn ánh trăng thề nằm sâu trong ký ức. Làm sao quên được tình xưa, lời hẹn ước thuở nào?

Có thể nói thêm ở đây về TRĂNG: Theo tôi nghĩ ánh trăng đây không chỉ hạn hẹp về "tình trai gái", mà nó có thể rộng ra cho những mơ ước của đời người, của tuổi thanh xuân. Khi những mơ ước nầy vô vọng, như trường hợp của cụ Cao Bá Quát thì còn nỗi niềm nào bằng.

2b. Vài hàng thêm về bài thơ:

2b1. Ưu điểm

-- "Cái tôi cảm xúc" làm chủ (90%) đẩy "cái tôi lý trí" đi chổ khác chơi (10%) nên bài thơ đầy cảm xúc, dễ động lòng người.
-- Chữ giản dị, dễ hiểu, cô động, kiệm lời, súc tích ý, truyền cảm, không sáo, không tỏ vẻ "giao hưởng Thủ Thiêm".
-- Thơ ngắn, do đó tránh được "ầu ơ ví dầu": - "Thơ hay không cần phải nói nhiều, nói thêm; đôi khi nửa câu cũng đã đủ ý. Cái phần còn lại để dành cho độc giả tưởng tượng thêm. Cái tưởng tượng bao giờ cũng hay hơn cái có thật, cái chưa có bao giờ cũng hấp dẫn hơn cái đã có".
-- Đây là bài thơ "mở": Bài thơ hay phải là bài thơ mở để có được sự “đồng tham gia” của người đọc mà ta gọi là “đồng tác giả”: Độc giả sẽ hứng khởi, thích thú thấy bài thơ hay hơn vì cảm thấy mình có thể dự phần, đặt tâm sự, kinh nghiệm riêng vào; thấy tác giả viết riêng cho tâm tư mình, thấy có mình trong đó, chứ không phải là kẻ bàng quan.

Chính vì vậy mà Trần Mai Ngân đã đem tâm sự riêng mình dự vào, nghĩ trăng là trăng tháng chạp. Các người khác có thể là nghĩ trăng tháng khác tùy theo tâm tư riêng, hoặc cũng có thể nghĩ đến "trăng của Hàn Mặc Tử" cũng đâu sai. (Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?). Tôi thích nghĩ về "trăng thất chí của Cao Bá Quát" như câu thơ theo ý riêng tôi: Này trăng ta hỏi trăng nao / Hồng trăng, hồng rượu, hồng nào hồng hơn?

2b2. Khuyết điểm

— Một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: Vần, nhạc và họa. Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc điệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này thơ mới dễ đi vào hồn người, thiếu một trong ba thì không thể là thơ hay được.
Đọc (cảm nhận) thơ như làm tình, gặp được GIAI NHÂN (thơ hay) sẽ đạt tới thống khoái. Thơ không có vần, nhạc và họa cũng giống như BỘ XƯƠNG (thịt đã đã mất hết). Ai có thể ôm ấp, làm tình với BỘ XƯƠNG?

Bài thơ của Là Thụy được 2 điểm: Nhạc và hoạ. Bóng người đi nghiêng ngả nhìn ánh trăng chao nghiêng trên trời cao và nghe như tiếng lào xào của sỏi cát trên đường.

-- Tuy nhiên về vần, theo chủ quan tôi (xin nói rõ lại lần nữa là theo chủ quan riêng tôi) cách ngắt dòng của La Thụy chưa hoàn toàn đạt, vì làm độc giả khó bắt vần ở câu 4: "Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức". Theo tôi câu 4 ngắt dòng như thế này thì tuyệt, ̣xin ghi lại bài thơ

1. Ai từng chao nghiêng
2. Chắt lắng hết hương mê
3. Chừ hoài niệm
3'. Len lỏi ngoằn ngoèo
4. Trong ký ức
5. Tình xưa hẹn ước
6. Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

(1) Số chữ đứng trước là số thứ tự câu thơ. Các câu cuối của 2 (Ê) 3 (ÈO) và 6 (Ề) hợp vận, và 4 (ỨC) 5 (ƯỚC) hợp vận.

(2) Ngắt dòng "Trong ký ức" là để làm mạnh ba chữ này. Khi đọc câu 3: Chừ hoài niệm. Len lỏi ngoằn ngoèo… ta kéo dài ra... rồi "Trong ký ức".
Xin nói rõ thêm: Có thể La Thụy ngắt dòng theo chủ ý riêng mình (nhập 1 và 2 thành một câu), còn tôi thì ngắt dòng theo cảm nhận riêng tôi mà tôi nghĩ nó "tức tưởi" hơn. Và như đã nói, bài thơ hay là bài thơ "mở"

Tuy nhiên đây chỉ là khuyết điểm nhỏ, không ảnh hưởng mấy tới cái hay của bài thơ, nó chỉ dành cho độc giả "khó tính".

LỜI KẾT

Qua trên là cảm nhận chủ quan riêng của tôi về bài thơ "Nghiêng" của La Thụy. Hy vọng rằng thi nhân sẽ có thêm nhiều "cơn hứng" (phút xuất thần), nhiều lúc "cái tôi thực sự" xuất hiện để tặng thêm cho đời những bông hoa đẹp.

                                                                 Nguyên Lạc

READ MORE - CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY, CÁI TÔI TRONG SÁNG TÁC THƠ VĂN - Nguyên Lạc