Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 28, 2016

CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH



                Tác giả Hoàng Yên Lynh



TÌNH SÔNG HIẾU  
                                
Dòng sông bên lở bên bồi
Hai ta đã lỡ cả đời trái ngang
Sông Hiếu ơi buồn mênh mang
Tôi về bến cũ đò ngang vắng người
Chờ tôi chỉ nắng vàng rơi
Bâng khuâng tôi với tình tôi ngậm ngùi
Ngày xưa má thắm môi cười
Câu thơ viết mãi bao lời đắm say
Sơn khê bạc áo sờn vai
Rượu nồng chưa cạn mà say tình đời
Về đây sông Hiếu lở bồi
Hỏi người chỉ có đò trôi hững hờ
Tình xưa đọng lại vần thơ...


                    Hoàng Yên  Linh


 MƯA BẢO LỘC
                                   
Bất chợt cơn mưa chiều Bảo Lộc
Hàng hiên ai đứng ngóng mưa bay
Có phải người xưa năm tháng cũ
Bờ vai nghiêng gió tóc mây cài.

Ký ức gọi tình về bến mộng
Những chiều loang nắng lối thu xưa
Đường lên Tịnh Xá vàng gió lộng
Ngân tiếng chuông buồn vương ý thơ..

Tiếng mưa chạnh lòng hương kỷ niệm
Khúc hát ân tình ai nhớ không
Để rồi tan tác trời binh lửa
Bỏ lại mưa buồn bên phố Đông.

Bất chợt ngày xưa về gọi nhớ
Ngỡ ngàng tóc đã úa pha sương
Ai ngóng mưa bay chiều phố nhỏ
Có người hiu quạnh bước tha phương.


                          Hoàng Yên  Linh

                             B'lao 8.2015

READ MORE - CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH

LỜI YÊU CHO EM - Thơ Nhật Quang


           Nhật Quang


LỜI YÊU CHO EM

Còn lời yêu nào nữa cho em ?
Khi một ngày trái tim thành sỏi đá
Cạn lời yêu, khi nhịp thở không còn
Để thiên thu ta mãi gọi tên em
Ta yêu em như muôn vì sao đêm
Trong bầu trời bao la vô tận
Ai đếm được khi chưa từng cất lời yêu
Khi chưa từng biết thương, biết nhớ
Ôi ! Yêu em  trái tim ta rạn vỡ
Ôi ! Tâm can sầu đắng xẻ đôi hàng
Để mi khép từng đêm ta khóc vội
Trong âm thầm,ôm dáng mộng đơn côi
Ta yêu em khoảnh khắc thật chơi vơi
Giữa hai bờ, yêu và xa cách

Em ơi ! Dẫu tình còn bao thử thách
Đến trọn đời, anh nguyện mãi yêu em.

                                   Nhật Quang
                                    (Sài Gòn)
READ MORE - LỜI YÊU CHO EM - Thơ Nhật Quang

THUYỀN TA BƠI LẶNG TRONG DÒNG MẮT EM - Phạm Đức Nhì



         Tác giả Phạm Đức Nhì




 THUYỀN TA BƠI LẶNG TRONG DÒNG MẮT EM

Qua bài viết Tản Mạn Về Vai Trò Của Ý Tứ Trong Thơ tôi nhận được một số phản hồi; khen chê đủ cả. Tôi chú ý đến thư mở của nhà thơ Nguyễn Khôi bàn khá chi tiết về tứ và ý thơ. Có vài điểm tôi đã trả lời ngay.  Riêng ý kiến của ông về 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư thì tôi thấy hay hay nên nẩy ra ý định “để dành” để viết một bài ngăn ngắn “lý sự cùn” với ông với hy vọng nhà thơ mà tôi rất có cảm tình và bạn đọc có thể “mua vui cũng được một vài trống canh”.  Ông NK viết như sau:
Ý là muốn nói đến sự say đắm si mê của chàng với nàng (đó mới là chung chung chưa rõ ràng), chỉ đến khi Thi sĩ thể hiện bằng hình tượng thơ cụ thể :Mắt em là một dòng sôngThuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
(Lưu Trọng Lư)
thì đó đã là một TỨ THƠ độc đáo.

Tôi mày mò tra cứu và xin trình diện bạn đọc cả bài thơ của Lưu Trọng Lư.
Trăng lên
Vừng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

Hai câu đầu cho biết cô gái đang thả hồn vào mộng vào  mơ trong một đêm trăng sáng. Chắc tác giả cũng ở gần đâu đó cho nên mới có 2 câu thơ mà nhà thơ NK đã cho là “sự say đắm si mê của chàng với nàng”
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
và cho đó là một tứ thơ độc đáo.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ lão thành về nhận định đó. Tứ thơ hay thật. Nhưng ý thơ có phải nói về “sự say đắm si mê của chàng với nàng” hay không thì còn phải xem lại. Tác giả đã sử dụng thủ pháp Show, Not Tell – không tiết lộ tâm ý của mình mà chỉ cung cấp tình tiết cần thiết để nếu người đọc dựa vào đó tiếp tục mạch suy luận thì sẽ tự khám phá và cảm nhận được cái tâm ý đó.
Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. Dựa vào cái nhìn say đắm ấy người đọc có thể kết luận mà không sợ sai lầm: tác giả đã nhận biết và đã dùng tài thơ của mình khoe với mọi người “Nàng đã yêu ta đắm say”.  Cũng có thể - để hai người đến được với nhau trong khung cảnh thơ mộng đó - chàng cũng đã có ít nhiều tình cảm với nàng nhưng mạch suy luận của tứ thơ ở đây dường như chỉ dẫn người đọc đi về một hướng: tình yêu tha thiết của nàng với chàng. (1) Như vậy ý của bài thơ không phải là “sự đắm say si mê của chàng với nàng” như nhà thơ Nguyễn Khôi và không ít những người yêu thơ khác lầm tưởng.
Với cách hiểu bài thơ Trăng Lên như vậy tôi biết mình sẽ bị đứng ở phe thiểu số, yếu thế và cô độc. Với phép ẩn dụ thì khi đã bắt được tứ thơ, tùy theo óc tưởng tượng, khả năng liên tưởng và trực giác thơ ca của mình, mỗi người đọc có thể sẽ cảm nhận ngụ ý của bài thơ mỗi cách khác nhau (có khi khác với tác giả). Nhưng với thủ pháp Show, Not Tell tác giả đã phát cây dọn đường; nếu người đọc tiếp tục theo mạch suy luận một cách đúng đắn thì con đường đó chắc chắn sẽ dẫn họ đến với tứ thơ (theo đúng ý của tác giả). Không có con đường nào khác và không thể có điểm đến nào khác.
Tôi chợt nghĩ đến một câu hát “Và ngày gặp em anh xin ngồi tù trong đáy mắt thơ ngây”. (2) Trường hợp này chàng “xin ngồi tù trong đáy mắt” nàng tức là chàng đã yêu nàng và xin được nàng yêu. Còn nàng nếu cho phép chàng ngồi tù trong đáy mắt mình có nghĩa là nàng cũng đã chấp nhận tình yêu của chàng.
Bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư có một khác biệt lớn với câu hát trên. Chàng có yêu nàng hay không? Khi bước vào khung cảnh bài thơ câu hỏi ấy chưa có câu trả lời chắc chắn. Cho nên nếu dựa vào hai câu thơ:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

để kết luận ý của bài thơ là “sự say đắm, si mê của chàng với nàng” thì đó là một kết luận không đúng. Ý của bài thơ chính xác ra phải là “Làng nước ơi! Người con gái ấy đã yêu ta đắm say”.
League City 02/ 2016
Phạm Đức Nhì
Nhidpham @gmail.com
Sẵn sàng đón nhận góp ý, phê bình của độc giả.

Chú Thích:
1/ Cũng có thể thi sĩ Lưu Trọng Lư muốn bày tỏ “sự say đắm, si mê của ông với cô gái” nhưng lầm lẫn “mắt ta” với “mắt em” chăng?
2/ Trả Lời Thư Em (Trầm Tử Thiêng)

Phần Đọc Thêm

Thủ pháp Show, Not Tell có 3 đặc tính sau đây
     1/ Không tiết lộ ý chính của câu thơ (hoặc bài thơ). Dành chỗ cho người đọc theo mạch suy luận tự khám phá và cảm nhận.
Thí dụ:
  • Táo nhà tôi trồng đấy. Ối giời ôi! Ngon kinh khủng. Chị ăn đi thì biết.
  • Táo nhà tôi trồng đấy. Chị ăn thử nhé. (Ngon hay không thì chị sẽ tự biết sau khi ăn).
Trong câu sau người cho táo đã dành chỗ cho người ăn táo tự cảm nhận.
     2/ Không kể lại tóm tắt, dùng những tĩnh từ, trạng từ “nặng ký”. Phải đi vào hoàn cảnh, tình tiết cụ thể, thực tế, sống động để người đọc hiểu được tâm tình của mình qua giác quan, cảm nghĩ, cảm giác, hành động (senses, thoughts, feelings, action)
Thí dụ:
  • Sắp đến giờ đi phỏng vấn để nhận việc làm đầu tiên trên nước Mỹ. Tôi cực kỳ lo lắng.
  • Buổi trưa vợ tôi nấu cháo vịt, món tôi thích nhất. Tô cháo trước mặt tôi nóng hổi thơm lừng, mỡ hành nổi váng vàng được điểm phía trên những cộng hành hoa trông thật bắt mắt. Rồi lại còn đĩa thị luộc thái mỏng, lòng mề và mấy quả trứng non đặt bên cạnh chén mắm gừng. Nhưng tôi chỉ uể oải gắp vài miếng thịt, húp vài muỗng cháo rồi lặng lẽ đứng lên. Vợ tô biết ý đặt ly cà phê đen nhánh thơm ngào ngạt trên bàn nước nhưng tôi chỉ nhấp một ngụm rồi vào phòng thay chiếc áo sơ mi mới mặc đã ướt đẫm mồ hôi và cầm chìa khóa ra xe. Một tiếng đồng hồ nữa là cuộc phỏng vấn nhận việc làm đầu tiên của tôi trên nước Mỹ.
Phần trên là kể lại tóm tắt (Tell). Phần dưới là Show, Not Tell
     3/ Mọi suy luận đều dẫn đến đúng ý của tác giả.

                                                                   Phạm Đức Nhì

READ MORE - THUYỀN TA BƠI LẶNG TRONG DÒNG MẮT EM - Phạm Đức Nhì

TÂM SỰ CÙNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ TỬ VI - Nguyễn Thanh Lâm



                        Nguyễn Thanh Lâm


TÂM SỰ CÙNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ TỬ VI

Cơ duyên trời đất tôi biết Đặng Xuân Xuyến từ năm 1999, năm tôi ra tập thơ “Những Bình Minh Chiều” nhờ Xuyến bán giúp. Rồi đến năm 2001 tôi ra tập thơ “Thơ Tình Phố Cổ” tôi lại nhờ Xuyến bán hộ. Tôi đến nhà sách của anh ở đường Láng khi ấy anh đang xem tử vi của anh và số tử vi của vợ anh. Xuyến không ngờ tôi là người nghiên cứu sâu và ứng dụng tử vi đã lâu năm, tôi nói về đời anh, về tính cách của vợ anh và mối tình của anh với vợ sẽ tan vỡ làm Xuyến giật mình. Nhưng bản chất của Xuyến là người tốt, thương vợ thương con hết mình, anh tin vào tình yêu và lòng tốt của mình nên lúc ấy Xuyến chỉ ngờ ngợ chưa tin. Thời gian trôi đi… những điều tôi nói đã thành sự thật, khi con người gặp cảnh đau lòng mới ngộ ra và tự hỏi mình là ai?
Con người có số phận thật chăng và Xuyến đã miệt mài nghiên cứu tử vi để tự tìm hiểu cuộc đời của mình. Rồi anh viết sách về tử vi, trong cuốn sách anh trích lời bàn của tôi rất công tâm và cuốn sách bán rất chạy. Tôi đã tâm sự cùng Xuyến: Đời tôi cũng nhiều thăng trầm và ngay từ nhỏ đã được những người thân trong gia đình truyền thụ về tử vi, đến năm 1979 đi bộ đội tôi có duyên gặp vị hòa thượng ở chùa Thiên Phúc làng Trà Phương - Đồ Sơn - Hải Phòng chọn tôi là người truyền nhân, hòa thượng đã chỉ cho tôi rất căn bản về tử vi - kinh dịch - bốc phệ, và tôi vốn đã say mê lại đọc thêm nhiều sách, qua năm tháng tử vi đã ngấm dần vào máu của tôi.
Nay Đặng Xuân Xuyến đề nghị tôi viết về tử vi, đăng lên trang mạng cá nhân của anh để bạn đọc cùng tham khảo, chiêm nghiệm. Tôi trân trọng Xuyến là người đã nghiên cứu và viết sách về tử vi mà giãi bày tâm sự như một người bạn cùng đam mê môn khoa học tử vi này.
Tử vi thật mênh mông, các sách viết về tử vi rất nhiều, các tác giả viết về tử vi thường nói về căn cốt của tử vi, nhưng đều có kiến giải khác nhau, mỗi người giỏi về một mặt. Căn cốt và thời vận - số của mỗi tác giả, trời cho mỗi người một tạng, cũng như trong y khoa có bác sỹ chuyên về tim mạch, có vị chuyên về ngoại khoa, nội khoa .v.v… Đọc sách tôi thường tìm ra chìa khóa mở ra sự thâm hậu của mỗi cuốn sách. Rút ở mỗi tác giả sự tinh hoa và nhìn rõ mặt khiếm khuyết của từng tác giả. Bởi thời họ sống, nhân sinh quan và tầm nhìn của họ khác nhau.
Có người chỉ nghiên cứu mang tính lý thuyết, có người bằng vốn đời, bằng thực nghiệm để bình xét về lá số. Cũng như thơ mỗi người một tạng khác nhau và hàng trăm năm mới có một thiên tài như Nguyễn Du, trời đã chọn Nguyễn Du là thiên tài.
Đọc sách để nắm được căn bản của khoa tử vi là chuyện cần, thuộc các hành của các sao trong tử vi, cách cục của tử vi… cũng là việc cần. Nhưng để linh hồn của các ngũ hành, các sao, cách cục thời vận ngấm vào máu mình là cần hơn. Phải đạt tới mức như Liệt Tử tự hỏi mình “Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta” thì mới khó. Đấy là cái đích vươn tới của người nghiên cứu và ứng dụng môn khoa học này.
Quan điểm của tôi là phải ứng dụng. Xem tử vi cho mọi người tôi thường nói: “Xem để tự biết mình là ai, khi thời vận tốt thì cần cố gắng. Khi thời vận kém nên cẩn trọng giữ gìn và vận động theo quy luật của riêng mình”.
Ai chẳng muốn giàu sang, quyền vị, vợ đẹp con khôn, nhà lầu xe hơi. Nhưng số có được hưởng cái khao khát ấy không là chuyện khác. Nếu số không được hưởng thì hãy bình tâm tự tin. Cho là đủ là ổn thì sẽ đủ sẽ ổn, không nên kỳ vọng sang giầu để mua lấy âu lo, thậm chí lại tự đưa mình vào vòng lao lý!
Xem tử vi và ứng dụng tử vi cho con người bằng tầm nhìn của xã hội hôm nay, xưa kia nghề nghiệp con người chỉ là Sỹ - Nông - Công - Thương - Binh. Nhưng ngày nay có nhiều nghề mới mà xưa không có. Thì các sao trong cung quan lộc cũng phải nhìn bằng con mắt mới.
Tình yêu và hôn nhân xưa kia bó hẹp trong truyền thống đạo đức, nhưng ngày nay nam nữ bình đẳng thì các sao trong cung phu thê cũng cần nhìn bằng con mắt thời đại.
Có thể nói: “Ứng dụng tử vi bằng tư duy mới”.
Người xem tử vi cũng cần nghiên cứu kinh dịch. Bởi kinh dịch là cha đẻ ra môn tử vi và nhiều môn học khác, thấu đáo về kinh dịch sẽ quyết đoán hơn khi luận giải lá số.
Xin kể: “Hàng xóm của tôi có ông thầy thuốc, ông đi khám bệnh cho bệnh nhân về tạt vào nhà tôi chơi. Nhìn sắc mặt ông có vẻ buồn, tôi hỏi ông “Hôm nay gặp ca khó chăng?”. Ông bảo: “Có bệnh nhân bị bệnh viện trả về mới gọi đến chữa, tôi đã bắt mạch thấy kém quá, có lẽ bó tay”. Tôi độn một quẻ dịch và bảo ông thầy thuốc: “Dù bệnh nhân bị bệnh viện trả về nhưng chưa thể chết được, ít nhất cũng phải 5 đến 6 năm nữa mới đi. Ông cứ chữa và đặc biệt cho thuốc mát (hành mộc) khí sẽ vượng lên, khí vượng lên thì huyết sẽ lưu thông và bệnh ổn dần.
Ông vốn biết tôi và tin tôi nên ông làm theo tôi và kết quả bệnh nhân 7 năm sau mới hết số. Đấy là ứng dụng bằng kinh dịch”.
Ôi ông bạn Đặng Xuân Xuyến của tôi ơi, bàn về tử vi thì mênh mông lắm, bàn đến bao giờ cho hết cái mênh mông. Sách vở chỉ là ngón tay chỉ trăng, hãy đến tận mặt trăng, hãy xét từng lá số cụ thể và ứng dụng. Nhập tâm từng lá số cụ thể và hãy xuất thần như nhà thơ tìm tứ, tìm ra linh hồn, chìa khóa mở cho từng lá số. Mỗi lá số có một chìa khóa mở riêng, không nên áp dụng lý thuyết máy móc đã định sẵn, cũng như con người không ai giống ai, kể cả sinh cùng năm tháng ngày giờ cũng khác nhau.
Ôi xem tử vi thật khó sao! Cần có bản lĩnh cao, và có tâm mới mong đắc đạo môn khoa học này.


Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2015
NGUYỄN THANH LÂM
Nhà thơ, nhà ứng dụng kinh dịch
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội.
Điện thoại: 0984787426


READ MORE - TÂM SỰ CÙNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ TỬ VI - Nguyễn Thanh Lâm