Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 18, 2011

TRẦN HOÀNG TIẾN - HÒ SÔNG NƯỚC BẮC TRUNG BỘ



Theo hệ thống phân vùng địa lí Việt Nam, Bắc Trung Bộ là khu vực chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Lịch sử cho thấy cư dân nơi đây có nguồn gốc chủ yếu là người Thanh Nghệ thiên di vào Bình Trị Thiên từ thời Lý Trần, do đó có thể nói rằng mối quan hệ của người Việt nơi đây liên quan, gắn bó với các sinh hoạt văn hoá dân gian nói chung.

Lối sống quần tụ dọc theo nguồn nước tạo nên nhiều làng xóm liên hoàn rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. Hệ thống sông ngòi cùng chi lưu chảy theo trục từ phía tây Trường Sơn đổ ra biển Đông tạo nên mạng lưới tưới tiêu, đưa phù sa bồi đắp các tiểu vùng đồng bằng nhỏ, cuốn sách Quảng Bình qua các thời kì lịch sử trích dẫn từ Ô châu cận lục được Dương Văn An viết về Bình Trị Thiên như sau: “... sông hồ đầy nước, đi thuyền tiện lợi hơn đi bộ, đất quê màu mỡ, cấy lúa tốn ít sức người...". Môi trường tự nhiên đó đã tạo điều kiện cho nhiều loại hình dân ca phát triển, một trong số đó là thể hò sông nước.

Hò sông nước Bắc Trung Bộ là sản phẩm tinh thần, biểu hiện sự cố kết của cộng đồng người Việt. Những làn điệu hò lan toả trên một không gian rộng lớn. ở mỗi vùng lại có lối hò riêng biệt. Hò sông Mã xứ Thanh in đậm dấu ấn chèo, chống, vác, lái do năm trai đò điều khiển với năm chặng hò: rời bến, sắng đò ngược, vác thuyền (khi đò bị mắc cạn vào bãi cát giữa sông), xuôi dòng, cập bến, phản ánh chân thực cuộc sống của người dân gắn bó với dòng sông. Hàng trăm câu hò vẫn còn lưu giữ đến ngày nay tiêu biểu cho hình thức lao động chèo thuyền. Hò sông nước xứ Nghệ đầy ân tình, biểu lộ nội tâm như muốn gửi gắm tình cảm cá nhân vào trong lời ca, do đó trên những con thuyền chở khách sông Lam, sông La luôn có nhịp điệu chậm mang tính chất kể lể tạo ra sự hoà nhập cùng đồng cảm giữa người hò và người nghe. Sự hoà nhập, pha trộn các lối hát giữa hò, ví, giặm trong môi trường sông nước cho thấy âm điệu vùng này nhất quán, chịu tác động sâu sắc của hệ thống năm thanh điệu (không có thanh ngã). Quảng Bình nổi trội với tổ hợp sáu mái hò khoan Lệ Thuỷ đầy đủ mọi cung bậc tình cảm, sắc thái khi thể hiện, từ thăm hỏi, tìm hiểu lúc mở đầu cuộc hò đến nhịp điệu sôi nổi, cuốn hút của hò nện, hò lệ hố. Hò sông nước Trị Thiên nghe mượt mà sâu lắng, ý tứ lời ca được trau chuốt tỉ mỉ đến từng chi tiết làm lay động tất cả những ai đã từng nghe một lần. Điển hình nhất là những làn điệu của hò mái đẩy, mái ruỗi của những người làm nghề chở hàng, đánh bắt cá trên đầm phá mênh mông, nhưng nổi bật nhất vẫn là hò mái nhì, làn điệu hò gây xúc cảm sâu sắc, tạo ra diện mạo riêng biệt khó trộn lẫn, đồng thời đi vào ca Huế như một thành phần không thể thiếu.

Để đạt tới lối hát định hình (đường nét âm điệu, nhịp điệu hài hoà), hò sông nước Bắc Trung Bộ tiếp nhận cũng như chịu ảnh hưởng chi phối từ môi trường sản sinh ra nó từ thói quen đi thuyền của người Việt Bắc Trung Bộ. Khi lập xóm làng, các cư dân đã đem theo những làn điệu dân ca trong đó có hò sông nước vào đây. Có thể nhận định hò sông nước hình thành sớm hơn thời điểm Dương Văn An nhắc tới.

Trong quá trình đó, di chuyển trên sông nước là hiện tượng phổ biến, một hình ảnh sinh hoạt quen thuộc ở nhiều nơi. Khi mọi người gặp nhau, từ thuyền này tới thuyền kia tiếng hát hò mau chóng trở thành hình thức giao tiếp hằng ngày bởi đây là môi trường trao đổi, thăm hỏi đầy giao cảm cộng sinh. Những nghệ nhân hò dần nổi bật lên bởi lối ca đặc sắc hình thành một lớp người tài năng nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng âm điệu, nhịp điệu khi hò có một số điểm bị biến đổi bởi dấu âm và giọng, mặt khác trong dân gian không quy định rõ ràng bài bản, chặt chẽ khi thể hiện, người ta chỉ nhớ chuỗi âm đặc trưng nhất của từng làn điệu và tự tuỳ hứng sáng tạo theo thẩm âm cá nhân, điều này đem lại cho hò những biến thể không đồng nhất về cấu trúc. Vậy điều gì tạo ra điệu hò này khác biệt (hoặc có hơi hướng gần giống) điệu hò kia mặc dù khi hát câu đầu mọi người có thể nhớ ngay giai điệu? Điều này phụ thuộc vào âm điệu và nhịp điệu từng điệu hò. Lối hát dân gian Việt Nam nói chung dùng phương thức truyền miệng, do đó tam sao thất bản sai lạc so với nguyên gốc từ một điệu ban đầu rất phổ biến, gây không ít khó khăn khi xác định nơi phát sinh. Hò mái nhì là một ví dụ, nhiều ý kiến cho rằng hò mái nhì là điệu hò thoát thai từ dòng sông Hương dựa trên các yếu tố mà hò thể hiện gắn bó chặt chẽ với môi trường này, nhưng ở Quảng Trị hò mái nhì là điệu hò cạn nổi tiếng được người dân yêu thích do tính chất dàn trải tự sự, trao đổi tâm tình. Lịch sử cho thấy thế kỉ XVI chúa Nguyễn lập dinh thự, thu hút nhân tài phía bắc vào sinh cơ lập nghiệp nơi đây trước và hát hò dân gian của người Việt tất nhiên được mang vào vùng đất này. Hò mái nhì Huế đặc sắc, nổi bật hơn hò mái nhì Quảng Trị. Tất nhiên không khó để nhận thấy hò mái nhì Quảng Trị và Huế là hai làn điệu giống về điệu thức, biến thể của nhau bằng âm điệu, nhịp điệu trong thể hiện. Tôn Thất Bình nhận xét: “... hò mái nhì trên sông nước Trị Thiên tuy chưa rõ nguồn gốc và thời điểm phát sinh, nhưng là tiêu biểu cho vùng đất này...”

Quảng Bình cũng có hò mái nhì nhưng qua tìm hiểu cho thấy đây là điệu hò trong hệ thống hò khoan Lệ Thuỷ có cấu tạo giai điệu khác Trị Thiên, gần như là họ hàng xa về âm điệu do đó chỉ thấy bóng dáng nhịp điệu để lại khi diễn xướng.

Từ điệu hò gốc bằng nhiều cách lan truyền trong không gian sinh hoạt theo vùng cư trú, thậm chí biệt lập với nhau bởi hai nơi không liền kề như hò đò đưa sông Mã chẳng hạn là biến thể làn điệu xe chỉ luồn kim của dân ca quan họ Bắc Ninh, hò làn văn xuất phát từ hát chầu văn. Điều này cho thấy âm nhạc dân gian lưu chuyển không có quy luật nhất định. Có thể đưa ra dẫn chứng về điều này: Đồng bằng sông Hồng, cái nôi sản sinh dân ca Việt Nam, tại đây một số điệu đò đưa theo thời gian mờ dần đi thì nơi khác lại phát triển mạnh mẽ, những điệu hò ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... mất dần môi trường sử dụng, thay vào đó là hát giao duyên, hát thờ, tế lễ, xu hướng phát triển hội hát theo vùng. Ngược lại, ở Bắc Trung Bộ, hò được ưa chuộng và phát triển khắp nơi do môi trường tự nhiên lại đáp ứng yêu cầu làm tăng sự cố kết cộng đồng, gắn bó với nhau trong niềm cộng cảm bền chặt.

Những biến thể hò sông nước mỗi nơi đều tương hợp lối vận âm điệu, nhịp điệu, điệu thức... theo đặc điểm nổi trội tại vùng đó. Lệ Thuỷ, Quảng Bình mau chóng trở thành trung tâm diễn xướng hò thu hút mọi người tới nghe, thưởng thức. Các cuộc thi hò luôn tạo không khí sôi nổi hấp dẫn, từng làn điệu khi diễn xướng đều được nâng cao hơn về âm điệu, nhịp điệu, hoàn thiện lối hát, những biến thể cũ được bổ sung giai điệu, cấu tứ lời ca... và từ đây lan toả khắp mọi nơi, tái tạo lại theo cách hiểu, cảm nhận của mỗi người bằng nhiều hình thức khác nhau và hình thành các biến thể mới. Quá trình đó lặp đi lặp lại, mỗi điệu hò từ lúc ban đầu với âm điệu, nhịp điệu giản đơn hoặc có đường nét giai điệu đẹp dần dần biến đổi, lồng ghép thành nhóm hò đầy đủ cung bậc, giọng điệu, xu hướng nối dài liên làn điệu hò vẫn còn tiếp tục. Hò sông Mã trong quá trình phát triển, tiếp nhận nhiều làn điệu biến đổi dưới dạng tổ khúc hò. Mặt khác cùng với cuộc đi đò tới nhiều miền quê, bãi sông, bến chợ trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Mã nên ta không thấy gì lạ khi thấy mọi người dân xứ Thanh đều hò được.

Như vậy, hò Bắc Trung Bộ là hiện tượng phổ biến qua phương thức truyền miệng dân gian. Sự điều chỉnh các làn điệu hò theo điều kiện sống tự nhiên vẫn đang tiếp tục. Điều này cũng tương tự như hiện tượng dị bản trong ca dao như bài Lí con sáo là một ví dụ, đến nay chúng ta đã sưu tầm được khoảng 11 biến thể làn điệu tại các vùng dân ca, khác nhau về kiểu hát như: lối ngân hơi, các nốt luyến láy, vị trí cao độ, âm vực hoặc điệu chuyển theo hơi bắc, hơi nam... rất điển hình cho âm nhạc dân gian. Lí con sáo Nam Bộ có cách hát cuốn hút, nhớ thương; ở Nam và Trung Trung Bộ lại mang tính chất đung đưa và đằm thắm; con sáo Huế bay bổng, uốn lượn; sáo quan họ trữ tình lưu luyến... Mỗi nơi âm điệu lí lại biến đổi theo điệu thức của vùng miền đó, điều này lí giải tại sao từ một làn điệu con sáo ban đầu đã sinh sôi nảy nở thành nhiều làn điệu đông đúc đủ màu sắc trong dân ca Việt Nam.

Tuy vậy biến thể làn điệu cần phân biệt những dạng khác nhau như dạng gần, dạng xa và thay hình dạng qua cấu trúc. Biến thể dạng gần tạo ra biến đổi đường nét giai điệu tại một số vị trí không phải là trục âm cơ bản, hoặc thêm vào đó tiếng đệm hơi, luyến láy. Hò mái nhì và hò mái đẩy Trị Thiên thuộc dạng gần, khi hát giai điệu hò mái đẩy vang lên âm điệu gốc của hò mái nhì, chỉ biến một chút phần mở đầu, cấu trúc âm nhạc giữ nguyên. Giữa hò mái nhì Huế và Quảng Trị là biến thể dạng xa vì đã thay đổi âm điệu, chỉ giữ trục âm cơ bản chính của điệu thức. Lối diễn xướng cùng môi trường sinh hoạt đã thay đổi hò mái nhì Huế với hò mái nhì Quảng Bình trong hệ thống hò khoan Lệ Thuỷ khác về hình dạng cấu trúc gồm hai biến thể gần như khác hoàn toàn, chỉ có âm hưởng nhịp điệu và tên gọi giống nhau.

Những căn cứ đã nêu ở trên cho thấy âm điệu, nhịp điệu có vai trò xác định biến thể hò sông nước lưu chuyển trong vùng không gian rộng lớn Bắc Trung Bộ. Mối liên hệ sử dụng nghệ thuật hò Nghệ Tĩnh với Bình Trị Thiên cho thấy giữa các vùng gần gũi về lối hát, phương thức diễn xướng... Dòng âm nhạc dân gian và cung đình cho dù làm chủ hơn một thế kỉ nhưng kiểu hát vẫn tạo cho người nghe mối giao cảm gắn bó về một thuở xa xưa. Nhiều thể ca định hình theo chuẩn mực thính phòng vừa tinh tế vừa nhuần nhuyễn (thành bài bản, luyện tập công phu) khác với Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh vẫn còn bảo lưu những âm điệu cổ, ít biến đổi.

Hò sông nước là hình thức sinh hoạt đặc sắc của cư dân Việt Bắc Trung Bộ, khởi đầu từ lao động, tiếng hò vang tạo nên niềm phấn khích, trở thành sợi dây gắn kết tất cả mọi người. Mỗi làn điệu đều có tên gọi đặc trưng cho từng hoạt động nhất định, ví dụ hò rời bến xuất hiện khi đò đón khách tại các bến dọc theo sông Mã, hò mái nhì do người ở vị trí tay chèo thứ hai trên thuyền hát lên, hoặc hò kéo thuyền, hò mái đẩy, mái ruỗi... tất cả đều mang nội dung cũng như âm hưởng riêng. Nhưng sức lan toả của mỗi điệu hò đi khắp nơi giúp hò sông nước bay đi rất xa, tới đâu cũng được người dân ghi nhớ, tái tạo cho phù hợp với hệ thống dân ca từng địa phương. Do đó những biến thể mới từ điệu gốc đã xuất hiện, lưu truyền rộng rãi tuỳ thuộc vào khả năng sáng tạo lúc sử dụng, cứ như vậy hò sông nước được người Việt Bắc Trung Bộ hoàn chỉnh theo thời gian tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ đối với những ai nghe hò và trực tiếp tham gia.

Trần Hoàng Tiến
nguồn:vae.org.vn
READ MORE - TRẦN HOÀNG TIẾN - HÒ SÔNG NƯỚC BẮC TRUNG BỘ

PHAN BÙI BẢO THY - DÒNG SÔNG CỦA NHỮNG CHUYỆN TÌNH


Sông Ô Lâu (còn có tên khác là sông Thu Rơi; sông Mỹ Chánh; sông Thác Ma) được bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên hùng vỹ, rồi uốn lượn quanh co hiền hoà qua bao triền đồi bazan bỏng rát, âm trầm chảy qua các xã Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Hoà... thuộc huyện Hải Lăng nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Trị nơi tiếp giáp với các làng Mỹ Chánh, Mỹ Xuyên, Kế Môn, Đại Lược, Phước Tích... của tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, người đời vẫn quen gọi dòng sông Ô Lâu bốn mùa nước trong văn vắt này là dòng sông của những chuyện tình riêng đau, nên con nước dẫu đã nghìn năm vẫn cứ mãi phân vân xuôi chảy về biển Đông một cách lặng buồn như nước mắt của những người con gái...

Là người Quảng Trị, nên từ những năm tháng còn cắp sách đến học chữ ở trường làng, đôi lần tôi đã được nghe những người lớn tuổi kể về dòng sông Ô Lâu. Dòng sông mà trong ký ức hiểu biết của tôi bao giờ cũng mềm mại đáng yêu như một bức tranh thủy mặc, hiền hòa lưu giữ những vàng son, quê kệch của làng xưa thăm thẳm đến vô cùng...

Thế rồi, cho đến chiều nay, một buổi chiều bình yên, gió xào xạc rung từng đợt buồn lên mặt sóng của dòng Ô Lâu xanh thẳm, tôi mới có dịp về đứng bên dòng sông này trong đoàn những người đi điền dã để khảo sát về những làng nghề xưa nằm dọc theo dòng sông Ô Lâu đẹp như nước mắt...

Đêm. Giữa một ngôi làng nhỏ bé nằm về phía tả ngạn của dòng Ô Lâu, chúng tôi được dịp nghe một vị cao niên của làng kể lại câu chuyện tình buồn thương của một cô gái chèo đò ngang bên dòng Ô Lâu xưa với một anh học trò nghèo xứ Nghệ.

Chuyện kể rằng, một ngày xưa lắm, có anh học trò nghèo ở đâu tận miệt Quỳnh Lưu xa lắc, trên đường vào ứng thí ở Kinh đô. Khi đi qua bến đò ngang trên dòng Ô Lâu thì phải lúc ốm đau, trong tay không còn một đồng chinh lộ phí. Thương cảm trước cảnh ngộ của một đấng nam nhi có chí sách đèn, cô gái chèo đò bên sông Ô Lâu năm ấy đã e ấp giúp chàng trai kia từ bữa cơm dưa cà cho qua đận đói, cho đến mấy đồng lộ phí giắt lưng để tiếp tục hành trình mải miết chờ ngày ứng thí ở chốn Kinh đô.

Đáp lại tấm lòng thơm thảo của cô gái bên sông, anh học trò nghèo xưa cũng bùi ngùi gửi lại biết bao lời thề non hẹn biển. Họ ước nguyện sau khoa thi năm ấy, chàng sẽ quay về bên bến đò xưa để tìm gặp lại người con gái yêu thương đã chiếm giữ trái tim mình. Thế nhưng, sau cái bận đưa khách sang sông ấy, người học trò nghèo xứ Nghệ cũng theo tháng theo năm mà biệt vô âm tín... Bên bến sông quê, với cây đa, bến nước, con đò, người con gái cứ mỏi mòn chống sào chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng đớn đau. Rồi đến một ngày khi sức cùng lực tận, người con gái chèo đò bên bến Ô Lâu đành phải gửi lại nỗi chờ trông cùng cây đa, bến nước... mà xuôi tay về chốn cửu tuyền.

Oái oăm thay, khi trên nấm mồ của người con gái chèo đò bên bến sông kia cỏ chưa kịp xanh thêm, thì người học trò nghèo năm xưa nay công thành danh toại, võng lọng xênh xang tìm đường trở lại. Lặng yên đứng bên nấm mồ của người mình thương nhớ, chàng học trò nghèo năm xưa khóc thương cho đến cạn khô nước mắt. Rồi chàng khắc mấy vần thơ dang dở buồn đau đặt lên nấm mồ cô quạnh bên sông. Cũng từ đó, những câu thơ trên nấm mồ của người con gái bên dòng Ô Lâu được người đời nối tiếp nhau truyền tụng cho đến tận bây giờ:

" Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa, bến cũ con đò khác đưa

Con đò đã thác năm xưa

Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người"

Ở làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tôi còn được nghe kể một cách khá tường tận về câu chuyện tình của bà Nguyễn Thị Bích - vợ thứ hai của Hoàng đế Quang Trung. Bà Bích cũng là một người con gái được sinh ra ở ngôi làng nhỏ nằm ngay bên dòng sông Ô Lâu xanh mát. Một ngôi làng mà trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đã sản sinh ra nhiều người con tài đức để phụng sự cho Tổ quốc như vị tiến sỹ đầu tiên trong làng quan lại phong kiến ở miền Trung - Bùi Dục Tài, Tướng công Nguyễn Chánh, Đô đốc Phúc Long Hầu, Tham tướng Hoàng Bộ, Tống sứ Phạm Duyến, nhị vị Thượng thư Nguyễn Tăng Doãn - Bùi Văn Tú, danh y Trần Mậu... thời hiện đại sau này thì có nhạc sỹ - cựu Bộ trưởng Bộ VHTT - Trần Hoàn, Thượng tướng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - Nguyễn Khánh Toàn... với hơn 400 tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân hiện đang sinh sống và làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

Theo sự chỉ dẫn của một người cao niên thuộc tộc Nguyễn trong làng, chúng tôi được tiếp xúc với hậu duệ của cụ Hồ Tranh - một con người rất am tường cổ sử. Ông Hồ Tranh là con trai của ông Hồ Tiểu Viện, một ông quan huấn đạo dưới triều vua Tự Đức. Ông Tranh từng kể cho con cháu nghe rằng: Cha ông thi đỗ tú tài năm 34 tuổi (1899), đến năm 41 tuổi (1906) thì thi đỗ cử nhân rồi được bổ làm quan huấn đạo tỉnh Bình Thuận. Hồi ông Tranh còn nhỏ, mỗi lần dạy học cho con, ông Viện thường kể cho con trai mình nghe về bà Nguyễn Thị Bích.

Theo hiểu biết của ông Hồ Tranh thì bà Bích là con thứ 16 của ông Nguyễn Cảnh - một ông quan danh tiếng dưới thời các Chúa Nguyễn. Bà Bích là một người con gái hiền thục, tài hoa, được ăn học tử tế. Khi lớn lên, bà theo cha vào làm quan ở Bình Định và cũng ở đó bà đã gặp rồi nên duyên cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Theo ông Tranh thì bà Bích dù là vợ thứ hai của Nguyễn Huệ nhưng lại trước công chúa Lê Ngọc Hân. Những năm tháng chung sống với người anh hùng này, bà Bích đã sinh hạ được một người con trai. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Huệ thường xuyên xông pha nơi trận tiền ác liệt, chứ chẳng mấy khi được an nhàn ngơi nghỉ ở chốn bình yên. Những lúc người anh hùng áo vải mải mê với vó ngựa trường chinh nơi biên thùy lửa khói, bà Bích vẫn một lòng một dạ ôm con chờ chồng nơi biên ải xa xăm. Nhưng, phận số của những người đàn bà nhan sắc thường rất đỗi đa đoan và cuộc đời của bà Bích cũng không là một ngoại lệ. Nguyễn Huệ không bỏ mình nơi chiến trường dưới làn tên mũi đạn của quân thù, mà ông đã chết khi chỉ mới vừa ngồi lên ngôi báu.

Tai họa lại ập xuống đầu bà từ sự truy lùng trả thù vô cùng dã man của triều đại Gia Long. Bà Bích vì thế mà đã phải cải dạng ăn mày, bồng con khăn gói trốn về quê nhà bên bến sông Ô Lâu để lánh nạn. Nhiều lần nghĩ quẩn, bà đã định bụng ôm con trầm mình xuống dòng sông đã tắm mát cho suốt tuổi thơ của bà để quyên sinh. Nhưng để bảo trọng giọt máu của hoàng đế Quang Trung nên nhiều cận thần Tây Sơn đã tìm cách đưa bà cùng con trai của mình trở lại Bình Định. Ở đó, bà đã sống những năm tháng cuối đời mình trong cảnh cơ hàn, ẩn dật cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ở thôn Vĩnh An, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Còn có một câu chuyện tình bi thương khác nữa, cũng của một người con gái được sinh ra và lớn lên bên bến sông này, đó là câu chuyện tình của bà Dương Thị Ngọt. Bà Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, ông Xứng làm quan dưới triều nhà Nguyễn, ông từng được giữ chức viên ngoại lang ở Nha Thương trường. Năm 1885, sau cuộc chính biến ở Kinh đô Huế và tiếp đến là "kinh đô thất thủ". Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở. Thống tướng De Coucey đày Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính sang đảo Haiti, đồng thời sai ông De Champeaux lên Khiêm Lăng yết kiến đức Từ Dũ, xin lập ông Chánh Mông là Kiến Giang Quận Công lên làm vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

Dưới thời Đồng Khánh, ông Xứng được thăng chức Lang Trung. Đến năm 1894, dưới thời vua Thành Thái, ông Xứng giữ chức Thái Bộ Tư khoanh rồi đến giữ chức Bố Chính tỉnh Khánh Hoà. Trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu theo cùng, bà Ngọt càng lớn lên càng đẫy đà xinh đẹp. Vì vậy mà vua Thành Thái đã chọn bà để làm bà phi thứ 9. Sử sách kể lại rằng, bà Ngọt là một bà phi được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái, vì vậy mà những bà phi khác trong cung hết sức ghen ghét với bà. Nhân một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn... vậy là các bà phi trong cung đã bày mưu tính kế để hại bà Ngọt, họ đã đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc, rồi tìm cách báo cho vua hay. Thấy vậy, vua Thành Thái gán cho bà mắc phải trọng tội khi quân nên đã xử chém bà. Thế nhưng, sau khi bà Ngọt chết, vua vẫn cho làm lễ mai táng bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của một bà hoàng phi. Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo đường sông về bên bến Ô Lâu, với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Lăng mộ của bà được xây cất rất cẩn thận, trên bia mộ có khắc dòng chữ: "Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy thục thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại". Sau khi xây cất lăng xong, vua còn cho 4 người từ phu túc trực trông coi lăng bà, cả 4 người này đều được nhà vua cấp phát ruộng đất và miễn tất cả các loại sưu thuế cho đến trọn đời. Tương truyền, sau cái chết oan uổng của bà Ngọt, vua Thành Thái vì thế mà muộn phiền nhiều hơn rồi ông giả điên để mưu đồ kháng Pháp. Nếu điều tương truyền ấy là sự thật, thì chắc bà Ngọt cũng sẽ mãi ngậm cười nơi chín suối vì cái chết của mình cũng hữu ích cho vận mệnh của quốc gia.

Xã Hải Sơn giáp với làng Hội Kỳ của bà Ngọt là quê hương của bà Trần Thị Dương, người đàn bà đã xin phép chồng để đội tang đi lấy đầu của hai nhà chí sỹ yêu nước Thái Phiên - Trần Cao Vân bị Pháp tử hình ở cống chém An Hoà (TP Huế) mang về chôn cất ở một ngọn núi gần chùa Từ Hiếu bây giờ.

Sông Ô Lâu vẫn thế, suốt bốn mùa con nước mãi xanh trong, ai đó bảo nước sông đẹp như nước mắt của những người con gái, phải chăng câu ví von ấy được phát xuất từ những cuộc tình bi thương, khắc khoải của những người con gái đã được sinh ra, được tắm mát và đã lớn lên trên bến sông này. Biết bao nhiêu cuộc đời lụa là gấm vóc rồi cũng trở về với vĩnh hằng cát bụi, chỉ còn lại với đời những câu chuyện tình yêu đớn đau, tiếc nuối khôn nguôi... Rồi con nước Ô Lâu vẫn sẽ cứ nghìn năm mải miết, cứ nghìn năm thì thầm vào ngàn khơi vô tận của tình yêu.

Phan Bùi Bảo Thi (CAND)

.

READ MORE - PHAN BÙI BẢO THY - DÒNG SÔNG CỦA NHỮNG CHUYỆN TÌNH

TRẦN BÌNH TUẤN - MAN MÁC ĐIỆU HÒ XỨ SỞ

Sông Thạch Hãn


BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

CÂU HÒ QUẢNG TRỊ

HÒ SÔNG NƯỚC BẮC TRUNG BỘ - Trần Hoàng Tiến

ĐIỆU HÒ BÊN SÔNG THẠCH HÃN

HÒ ĐỐI ĐÁP NAM NỮ- Tôn Thất Bình

DÂN CA BÌNH TRỊ THIÊN NỬA SAU THẾ KỶ XX - Vĩnh Phúc

ĐIỆU TRỐNG QUÂN CỔ LÀNG ĐIẾU NGAO

TIENG QUANG TRI - Trần Hữu Thuần

TAI TRÍ NGƯỜI QUẢNG TRỊ QUA ĐỐI ĐÁP DÂN CA - Văn Quang



Ðổ dần từ tây sang đông, nơi khởi nguồn của các dòng sông Thạch Hãn, Vĩnh Ðịnh, Hiền Lương... nơi khơi nguồn cảm hứng dân gian những điệu hò sông nước mênh mang, ở đó thể hiện tình cảm thầm kín, chất chứa của con người trong lao động...
Náo nức một thời...!
Từ cái nhìn thẳm sâu, trong không gian văn hóa mênh mông dường như vô tận, thắm đượm tâm hồn, khí phách về đất và người. Quảng Trị ở ngã ba đường thiên lý bắc - nam, đông - tây. Từng là nơi cát cứ của nhà Nguyễn, trong tiến trình tiến về phía nam, với bao thăng trầm, chất chồng trên đôi vai người đi vỡ đất, mở cõi, trong cơn bĩ cực, thuở ban sơ đó như sợi dây vô hình gắn kết họ với cộng đồng bản địa, tạo nên nền văn hóa phong phú đa sắc.
Quá trình sinh sống cùng chung lưng đấu cật, cần mẫn lao động, sáng tạo cũng là chặng đường giao thoa, hòa hợp dòng âm nhạc nơi quê cha đất tổ với nền âm nhạc bản địa; dần dà hòa quyện thành công dòng chảy lớn của thi ca nơi chốn dân giã - dòng âm nhạc dân gian riêng có của người Quảng Trị.
Trong dòng âm nhạc dân gian Quảng Trị có bao khúc hát ru, điệu hò, lý... từ chất liệu cuộc sống viết nên, từ những cảm hứng, tình cảm trong lao động "kẻ hô người ứng" mà thành.
Trong xứ sở của những điệu hò đó, chỉ đơn cử ra viên ngọc tỏa sáng, ẩn chứa sức sống diệu kỳ trong kho tàng âm nhạc truyền thống vô giá, đó là điệu hò Mái nhì, Mái đẩy - mang âm hưởng lắng sâu, tiếng nói chân thực phản ánh sâu sắc khát vọng, tư tưởng của nhân dân lao động.
Nét đặc trưng của điệu hò sông nước xứ sở này thể hiện tình cảm thầm kín, chất chứa của con người trong lao động, nên giai điệu thường trải dài, ẩn khuất trong không gian sông nước mênh mông, thời gian như lắng đọng, văng vẳng, len lỏi trong tâm can của người lữ khách sang sông.
... Hơ... ! Thuyền ai thấp thoáng bên sông đưa (hờ!) câu (hò) mái đẩy
(Hơ...!) mái đẩy chạnh (hờ!) lòng... hơ hơ hơ...!
Chạnh lòng nước non... (Hơ hơ hơ...!)
(Hò mái nhì)
Không mang tính chương trình, nặng về trình diễn; ở đó thể hiện sự tự do, phóng khoáng trong lối hát ca; giai điệu chứa đầy nguồn cảm hứng tươi nguyên, đẹp đẽ, nồng ấm và gần gũi; dễ thường có tính phổ biến cao trong sinh hoạt cộng đồng, hòa sâu và trở thành chất liệu của các điệu hò Nam ai, Nam bình kinh thành đất Huế sau này (*).
Chính điệu hò Mái nhì, Mái đẩy tiêu biểu cho chức năng giao duyên của những điệu hò xứ sở này; ở đó là sự giao cảm đầy chất lãng mạn nam, nữ trong lao động, như thầm mong vơi đi nỗi nhọc nhằn, truân chuyên, tạo nguồn cảm hứng dường như vô tận, thời gian và không gian ở đó dường như dừng lại nhường chỗ cho sự thăng hoa cảm xúc của con người.
Qua con đường giao duyên hòa ca tuyệt vời, con người sẻ chia cùng vượt qua gian khó, "cập bến mơ", thi vị hóa ý chí, khát vọng kết đoàn, tương phùng tương ngộ của con người từ trong không gian mênh mông được xích lại gần nhau hơn, từ trong chân lấm tay bùn yêu thương nhau thêm...!
Theo nghệ sĩ Xuân Lư - nguyên Trưởng đoàn ca kịch Bình - Trị - Thiên: "Thuở ấy những người có tài ứng tác, bẻ làn nổi tiếng như thợ Mai, thợ Hộ, thợ Thiềm... Những đêm trăng thanh ca hát giao duyên ở Triệu Phong, sự góp mặt của thợ Thiềm bao giờ cũng sôi nổi, hấp dẫn...". Ðặc biệt trước đây nhân dân đồng bằng Hải Lăng, Triệu Phong có truyền thống tổ chức những cuộc hò mái nhì rất náo nức trong khi ngồi se tơ, quay sợi...!
Ðể lại ký ức sâu đậm hơn cả bao thế hệ đi qua chiến tranh từng thao thức, chờ đợi được nghe chương trình "Quay súng cùng nhân dân chống Mỹ cứu nước" được phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 22 giờ, được thể hiện giọng hò "thiên phú" lắng sâu, dạt dào xúc cảm của người nghệ sĩ tài danh, một người con của quê hương Quảng Trị - NSND Châu Loan.
Ðiệu hò mái nhì, mái đẩy man mác giàu tính nghệ thuật giao cảm bằng sự thăng hoa tuyệt vời của người nghệ sĩ đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhân dân miền nam lúc bấy giờ sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, với niềm tin mãnh liệt hướng về Ðảng, Bác Hồ kính yêu, thôi thúc vùng lên đấu tranh giải phóng quê hương.
Cũng với giọng hò thiết tha, người nghệ sĩ vang bóng một thời này đã mang điệu hò quê hương vang vọng đến bên kia đại dương, đến cả quốc gia được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" để kêu gọi nhân loại yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, ủng hộ vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
... Xa vắng...?! Bất chợt lênh đênh một hoàng hôn sông nước.
Sau ngày quê hương được hòa bình thống nhất, trong những ngày vui đại thắng điệu hò ấy lại có dịp trở lại trên các sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp ca kịch Bình - Trị - Thiên, in hằn trong ký ức của hàng nghìn khán giả dưới ánh sáng tươi nguyên, mộc mạc của những đêm hội diễn hay biểu diễn nghệ thuật quần chúng ở Triệu Hải, Bến Hải.
Bên ly trà tỏa ngát hương nhài trong căn phòng khách ấm cúng dưới chân Thành cổ, ông Trần Khánh Xiễn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong, với thâm niên ba mươi năm làm văn hóa, người có tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn các điệu hò dân gian Quảng Trị, chậm rãi tâm sự: "Nay lối sinh hoạt truyền thống đó dần dần bị phai phôi; những điệu hò mái nhì, mái đẩy, mái ba man mác ấy, dẫu qua không ít "truân chuyên...!". Dẫu vẫn ẩn mình trong gam mầu tối của vết bụi "vô tình" thời gian... Nếu có dịp xuôi theo dòng Thạch Hãn, ghé qua Sãi về Triệu Phong vào lúc chiều tà, may mắn du khách vẫn còn nghe câu hò mộc mạc, lắng sâu, ẩn chứa triết lý thế thái nhân tình:
Ơ ơ...! Nước dưới sông có khúc sâu khúc cạn
Trên ngọn núi cao có hòn dựng hòn nằm
Thiếp với chàng đạo nghĩa trăm năm
Dẫu có đi xa ngàn dặm cũng gởi lời thăm kẻo buồn...!
(Hò mái đẩy)
Nó đang âm thầm là chất liệu làm phong phú đời sống âm nhạc đương đại, để không phải ngẫu nhiên sau này ca sĩ Quang Linh, Vân Khánh - những người con quê hương Quảng Trị thành công trên con đường ca hát khi cất tiếng ca chất chứa, lắng sâu điệu hò xứ sở!
Nhận thức được vấn đề loại hình nghệ thuật dân gian mang tính nghệ thuật, tư tưởng cao đứng trước nguy cơ bị lãng quên, gần đây ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công khóa đầu tiên dạy ca hát nghệ thuật dân gian, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và tiếp tục chiêu sinh những khóa tiếp theo, như làm khôi phục lối sinh hoạt tinh thần thanh tao, xây dựng một cốt cách, bản sắc của con người và xứ sở.
Những điệu hò mái nhì, mái đẩy... sự nhịp nhàng của tay chèo, tay lưới nơi miền sông nước, từ quá khứ hôm qua vẫn hiện hữu, lắng vào sâu trong tâm thức bao lớp người Quảng Trị, bởi ý niệm "hòa ca khúc hát kết đoàn" bao giờ cũng trở thành ý thức cụ thể, sâu sắc trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào của con người xứ sở này! Hình thành từ trong quá trình vỡ đất, lập cõi, đấu tranh và dựng xây. Ý niệm sâu sắc, khát vọng cháy bỏng ẩn sâu trong những câu hò xứ sở vẫn mãi vang vọng đến mai sau...!?
Trần Bình Tuấn
Theo nhandan.com.vn
READ MORE - TRẦN BÌNH TUẤN - MAN MÁC ĐIỆU HÒ XỨ SỞ

ĐAN HÀ - CÂU HÒ QUẢNG TRỊ




Nếu có dịp đạp xe ngang qua những cánh đồng vào mùa cấy, mùa làm cỏ lúa, mùa gặt... , bạn sẽ nghe văng vẵng những điệu hò mái nhì êm ái. Vào buổi trưa hè, bạn sẽ nghe những điệu hò ru con dịu dàng từ những mái tranh nghèo hòa cùng tiễng võng kẻo kẹt. Nói không ngoa, Quảng trị là xứ sở của những điệu hò, nhờ đó, người Quảng trị quên đi cái mệt nhọc, cái nóng nực, cái khó nghèo để vẫn bám trụ nơi chôn nhau cắt rốn, với mồ mả cha ông. Người Quảng Trị dù bất cứ nơi đâu vẫn không quên những điệu hò quê hương.

"Người đi, mang dân ca tiếng hò miền Trung. Về miền Nam, cho nhau nghe những lời thở than..."

Tiếc thay, chưa có công trình nào sưu tập những điệu hò trên đất Quảng Trị để truyền lại cho thế hệ sau bởi vì tiếng hò dần dần sẽ không còn được nghe trên cánh đồng vào mùa vụ, thay vào đó là tiếng máy cày , máy cấy phành phạch khô khốc.


VNQT xin giới thiệu bài viết của một cây bút trẻ nặng tình với điệu hò quê hương, đồng thời, mời bạn đọc gởi những bài viết cùng đề tài.



Nói đến Quảng Trị, người ta thường hình dung một vùng đầy lam sơn chướng khí, mảnh đất eo hẹp được giới hạn bằng một bên là biển, một bên rừng; khí hậu quanh năm hai mùa với mùa hè nắng cháy, nắng nung người làm héo cỏ khô cây, mùa đông thì mưa dầm ướt đất, mưa không ngớt làm sũng lầy những vùng cao nguyên đất đỏ, làm úa tàn lúa mạ của vùng đồng bằng. Trong những ngày vừa chớm thu, các khu rừng lá cây sắp ngã màu vàng và rụng dần, bắt đầu những cơn mưa ngâu lành lạnh, gió thổi mạnh làm rung đổ những giọt nước mắt của "Chức nữ thương nhớ Ngưu lang", như trong một chuyện cổ tích dân gian xa xưa nào, câu chuyện đầy thơ mộng và lãng mạn mà khi nghe kể lại chắc không ai lại không khỏi bùi ngùi! Tiếp theo là những cơn bão làm trốc gốc đổ cây, rồi tiếp đến là lụt lội ướt át. Không có năm nào lại không xảy ra thiên tai làm hư hại mùa màng, làm hao tổn không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của người dân quê đã đổ xuống trên ruộng vườn nương rẫy, tạo nên cảnh đói rách lầm than. Câu tục ngữ thường truyền tụng nơi đây là: "Làm cho có để mưa gió mà ăn" là vậy, mỗi năm có hai mùa,mùa tháng ba thì cũng nhờ Trời mưa thuận gió hòa nên thu hoạch được đầy đủ, còn vụ mùa tháng tám thường hay bị thất thu, cho nên nông dân phải trồng thêm các loại hoa màu phụ như khoai sắn để phụ lực... (No lòng chớ phụ môn khoai, đến năm Thân Dậu lấy ai bạn cùng!). Họ thường nói đến nạn đói của năm Thân Dậu (là hai năm 1944-1945), như nhắc nhở cho con cháu biết một bài học dắng cay, để mà tiết kiệm để mà tích trữ lương thực, của cải cho những việc bất thường như: quan, hôn, tương, tế...( năm Thân Dậu tại Quảng trị xảy ra nạn đói kinh hồn, gây cảnh chết chóc cho cả hàng trăm ngàn người, vì năm ấy bị xảy ra một cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế rất trầm trọng, trong lúc người Nhật vừa đến tiếp thu lãnh thổ từ tay người Pháp, thì tức tốc áp đặt một thể chế quá khắc nghiệt đối với người dân, như ruộng vườn không được trồng lúa mà phải trồng đay, trồng dâu nuôi tằm để khuếch trương nền kỷ nghệ v/v...). Vì thế mà nẩy sinh ra những phong trào từ trong dân chúng đứng lên chống Pháp, kháng Nhật và như thế là chiến tranh lại tiếp diễn đến triền miên! Cho đến thời cận đại thì các cường Quốc lại sử dụng mảnh đất Quảng trị như là một phương tiện, một nơi chốn để tranh giành ảnh hưởng Quốc tế, "Họ dùng làm vùng phi quân sự" cho các cuộc thí nghiệm võ khí đạn dược, hằng ngày đã đổ xuống hằng ngàn tấn bom cùng với thuốc khai quang đã tàn phá hết nhựa sống của thiên nhiên, hàng rào điện tử với bãi chông mìn, kẽm gai dăng khắp đây đó đã tạo nên cảnh chết chốc và gây thương tật cho dân chúng địa phương. Hiện tượng ấy cho đến bây giờ sau hơn hai mươi năm chấm dứt chiến tranh, nhưng những vũ khí giết người ấy vẫn còn nằm đó, đầy dẫy như dang chờ chực những ai bất hạnh!...
Vì thế cho nên những người khi mới chân ướt chân ráo đến vùng Quảng trị thì họ thường hay than rằng : "Đến nơi đây đất nước lạ lùng, nghe con chim kêu cũng sợ nghe con cá vùng cũng run!".
Cảm giác ấy không phải chỉ đối với những người vừa mới đến, mà người dân địa phương sống lâu năm tại đây cũng cảm thấy không thoải mái, không an nhàn! Vì ngoài khí hậu khắc nghiệt, lam sơn chướng khí, chiến tranh tàn phá còn có thú dữ hoành hành nữa! Như tại địa phương có câu tục ngữ: "Nác khe mèo, beo làng Rọng", (những con suối phát xuất từ vùng Tân lâm, Khe sanh đầu nguồn của con sông Vĩnh định, có con suối mang tên là"Khe mèo" vì nước suối trong vắt, đứng trên bờ có thể nhìn xuyên suốt dưới lòng khe, thấy được sỏi cát nằm dưới đáy, nước trong đến thế cho nên mới gọi là suối trong như mắt mèo, thế nhưng khi múc nước đem đun sôi thì nước ấy lại biến thành màu ti'm nhạt, nước uống rất độc. Cũng có thể giữa vùng thâm u cây cối là môi trường thích hợp cho muỗi mòng và các loại côn trùng có mang vi khuẩn truyền bệnh. Cư dân ở đây phần nhiều đều "mặt bủng da chì" nhất là trẻ em bỡi hậu quả cuả các chứng bệnh sốt rét và sán lãi! Ngành Y tế tại đây thì lại thiếu thốn đủ thứ nên không đáp ứng nhu cầu cho một chương trình phòng ngừa và trị liệụ. Nhớ lại trước đây khi còn làm lính, đi hành quân trên các vùng cao nguyên như Khe sanh, Lao bảo, Ba lòng, A sao, A lướị.. Đơn vị chúng tôi không ai tránh khỏi bệnh sốt rét rừng, mặc dầu ai nấy đều phải mang theo đầy đủ các loại thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét và dầu nóng để trừ muỗi, vắt... Còn tại vùng Cuà là một thung lũng được bao bọc chung quanh bằng rừng núi, có một ngôi làng nằm giữa trũng thấp có nhiều chỗ làm ruộng, cho nên dân làng đặt tên là "làng Rọng", làng nầy nằm gần một khu rừng có rất nhiều thú dữ như cọp, heo rừng thường hay kéo về phá hoại mùa màng cũng như đe dọa tính mạng cuả dân làng, để đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra, họ phải cất nhà sàn để ở hay làm nhà bằng cây rừng thật chắc chắn. Đêm đêm muốn đi đâu thì họ dùng cây đót bó lại thành bó, đốt lên làm đuốc soi đường và trừ thú dữ (tiếng địa phương gọi là cái chền) ngoài ra họ còn làm bẫy để sập thú rừng. Trâu bò cũng phải làm chuồng chắc chắn bằng cây rừng (gọi là cái ràn) chứ không thể buộc khơi khơi ngoài đường như các nơi khác.
Nhưng khi đến sinh sống tại Quảng trị một thời gian rồi thì họ đâm ra ghiền, không phải họ ghiền vì bùa mê thuốc lú, không phải họ ghiền vì nơi chốn ấy đã đem lại cho họ một cuộc sống vững chải về kinh tế, để được an nhàn mà vui sống cảnh điền viên! Bởi vì ngoài thiên tai, còn là nơi đã chịu nhiều oan nghiệt về chiến tranh dai dẳng, khiến cho tâm hồn họ phải chai lì, đời sống thì với những bất trắc chực chờ, đói nghèo và thiếu thốn đủ thứ ... Như vậy điều gì đã khiến cho họ phải gắn bó với cuộc sống nơi đâỷ Có lẽ chỉ còn là tình cảm, chỉ còn những kỷ niệm nào đó đã ghi lại trong tâm hồn họ, khiến cho họ phải luyến lưu phải gắn bó...
Kỷ niệm ấy có thể là hương lòng của Tiên tổ , có thể là nếp sống chất phác mà hiền hoà, đơn sơ mà hồn nhiên cùng với tình keo sơn của bà con làng xóm... Những mối liên hệ ấy là một chất keo gắn liền đời sống với nhau như anh em một nhà. (tình cảm ấy cũng có thể là tình đồng bào, được bắt nguồn từ huyền thoại Mẹ Âu cơ sinh trăm trứng, nở thành trăm con, năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển nhưng núi và biển vẫn nằm trong một Tổ quốc, cho nên con cháu sau nầy đều vẫn là anh em) .
Các cuộc sinh hoạt làng xã, họ thường gặp gỡ nhau ở ngoài đồng ruộng, trong các buổi hội hè, gặp nhau trong những ngày mùa đang gánh lúa về trên con đường làng thơm mùi tóc rạ, họ chia xẻ cùng nhau những niềm vui khi đứng nhìn ra cánh đồng chín vàng trĩu đầy bông lúa và nhất là những điệu hò câu hát của những đêm giã gạo dưới trăng...
Hò ơị..
Đứng bên ni khe ngó qua bên tê khe thấy bụi tre,
bụi trừa bụi đựng
Ngó xuống dưới sông nọ có mấy hòn đá,
hòn dựng hòn nằm
Thiếp với chàng là đạo nghĩa trăm năm
Dẫu mai sau không thành chồng vợ, nhưng sớm
viếng tối thăm cũng tình!
Những hình ảnh như bụi tre, hòn đá chỉ là những biểu tượng để ví von, so sánh mà thôi, chứ nó không liên quan gì đến tình cảm của con người, mà ở đây "đạo nghĩa" mới là quan trọng, nó chính là rường cột của giềng mối, là chất keo để ràng buc và bảo vệ cái tình cảm thiêng liêng đã in sâu trong tâm khảm của mọi ngườị Những người đã sống chung với nhau cùng xóm, cùng làng thì dẩu không phải là bà con họ hàng, không phải là anh em ruột thịt, dẫu không thành tình nghĩa vợ chồng với nhaụ.. Nhưng cùng chia xẻ những niềm vui nỗi buồn, hay thăm viếng và giúp đở lẫn nhau trong lức hoạn nạn, thì đó cũng là những an ủi cần thiết cho chúng ta trong đời sống nầy rồi (Bà con xa không bằng láng giềng gần mà!). Tình cảm ấy cũng không hẳn chỉ dành cho những người đã chung sống với nhau lâu năm, mà còn đối với những người mới cùng hạnh ngộ, cho dù chỉ là một khách vãng lai:
Ai về phố Hi , sông Cầu
Để thương để nhớ, để sầu cho aỉ
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho aỉ để sầu!
Để sầu cho khách vãng lai, hay để sầu cho người ở lạỉ Cũng chỉ là những câu hỏi được lặp đi lặp lại như một nỗi i dùng dằng giữa kẻ ở người đi, như nỗi luyến tiếc một cái gì thật mơ hồ, nhưng biết rồi đây sẽ tàn phai theo ly biệt! Nghe nó thật là ngổn ngang trăm mối, bởi vì câu hỏi trước thì chỉ thuần tuý là một câu hỏi, chỉ cần một câu trả lời là xong thí dụ như: (nếu biết rằng em đã lấy chồng, anh về lấy vợ thế là xong!) , như vậy là đã được giải quyết một cách thoả đáng rồi, không còn gì để mà phân vân nữa cả. Thế nhưng câu hỏi cuối cùng mới chính là vấn đề cần phải suy luận, vì nó vừa là một câu hỏi mà cũng vừa là một lời than! Một câu mà thành ra hai câu, một câu hỏi và một lời than chăng? Cũng có thể lắm chứ, (Để thương để nhớ cho aỉ để sầụ..), mới nghe thì cũng chỉ lặp lại câu hỏi trước, nhưng nhìn kỹ thì đoạn sau lại được (hay bị) đảo ngữ, cho nên không biết đây là câu hỏi hay câu trả lời đâỷ Chữ "để sầu" treo lơ lững ở phía đàng sau như một nỗi than trách ai đó, nó không còn nằm trong phạm vi câu hỏi nưã, mà nó đã rớt lại đằng sau như còn lưu luyến một cái gì, thật thiết tha biết mấỷ Câu hỏi kế tiếp cũng bắt nguồn từ manh nha tình cảm:
Ra về có nhớ em không?
Hay là xuôi buồm thuận gió biệt mong xa chừng!
Ở đời cảnh hợp tan thì làm sao mà tránh khỏỉ Vẫn biết vậy nhưng khi đã dan díu với nhau rồi, thì ai bắt mình phải xa lánh những ước mơ thầm kín? Của một lần đã cùng ai hẹn biển thề non! Đã một lần cùng ai nói câu ước hẹn, cho nên nỗi phân vân cứ đeo đẳng mãi không thôi!
Ra về sao đặng mà về?
Bỏ non bỏ nước, bỏ mấy lời thề cho ai!
Bỏ non, bỏ nước... thì chắc là có thể bỏ được, vì đây không phải là nơi "chôn Nhau cắt Rốn", đây không phải là quê hương xứ sở chi của mình, thì đến hay đi cũng không thành vấn đề chi mấỵ.. Nhưng còn "mấy lời thề" nó mới là rắc rối làm saỏ Bỏ lại cho ai đâỷ ...
Đối với những người mới quen biết thì họ chỉ bóng gió, với lời lẽ tuy chơn chất nhưng thiết tha, tuy quê mùa nhưng gói ghém một tình cảm thiệt thâm thúy đến đường nàọ.. Còn đối với những người (xa xôi chi đó mà lầm, phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm) thì saỏ Họ có đối đãi với nhau như thế chăng? Có lẽ là không đâu, vì họ có cần chi phải "bóng gió" cho thêm mệt, lại phải đi vòng vo tam quốc cho hao xăng tốn nhớt? Cho mệt trí phí sức, cứ đi thẳng một dường mực tàu, để "thâu ngắn đường về", mặc dầu đôi khi vẫn biết rằng: "Thẳng mực tàu thì đau lòng g " đấy! :
Mấy anh chưa vợ quanh năm
Đêm đông lạnh giá anh nằm với aỉ
Thiệt nghe cũng khó trả lời đây có phải không các bạn "tu mi nam tử"? Ai đâu lại đi hỏi cắc cớ như thế nầy, biết mần răng mà trả lời cho xuôi thuyền mát máỉ Biết làm sao mà trả lời cho nghe được cái lỗ taỉ Làm sao mà mở ra một con đường uyên nguyên cho cõi đi về khỏi cô đơn giá lạnh? Bởi vì anh vốn là một kẻ quê mùa dân dã, nghèo khó một đời thì làm sao dám cùng người để "gối phụng chăn loan"? Bởi vì anh chỉ là một gã tiều phu đốn củi thì làm sao dám mơ ước được nằm với aỉ Bởi vì thân phận của anh "Khó nghèo ở chốn sơn lâm, mai than chiều củi, gặp trầm họa may", cái họa may nầy cũng hiếm hoi lắm đó, vì trầm là một loại gỗ quý hiếm, thì làm sao mà bắt được giữa hư không? Cho nên câu hỏi nầy xem ra đã bí lối, không tìm được câu trả lời thì thấy cũng mất mặt cả "đấng nam nhi", mà câu trả lời không được chí lý thì làm sao tránh khỏi miệng đời hay dòm ngó, thị phỉ Cho nên cũng có người phải suy nghĩ nát óc để tìm ra câu trả lời để họa may cứu vãn tình thế! May thay một đấng nho thâm uyên bác đã thay thế chúng ta để "gở rối tơ lòng"!:
Em hỏi chi chuyện ấy cho mất công
Nếu nóng thì anh nằm ngủ thẳng, mà lạnh thì
nằm cong khó gì?
Lành thay, lành thay mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa rồi, vì anh đây đâu phải còn cái diện "ăn chưa no, co chưa ấm" nữa đâu, mà phải đi mắc mưu cái phận "thuyền quyên" đánh cờ còn chưa sạch nước cản? Nếu còn câu nào hóc hiểm nữa thì cứ đem ra, nếu anh trả lời không đặng thì anh nguyện sẽ "làm phận đàn bà như em!".
Anh trèo lên cây sung cũng biết mùi sung sướng
Anh chê tơ anh kén lụa, thì lụa cũng là tằm
Em đố anh một năm mười hai tháng, tháng mô
không rằm rứa anh?
Đối thì phải đáp, hỏi thì dĩ nhiên phải trả lời nhưng câu hỏi nầy cũng hơi có phần gay cấn, vì tháng nào lại tháng không có rằm? "Nó" đã khôn ngoan đi nằm chính giữa để khỏi mất phần mền, dù ai có kéo qua kéo lại thì trên thân nó cũng đủ chăn ấm với nệm êm, bây chừ biết tìm mô ra một thằng "dại" đã được nằm giữa mà lại bỏ mất phần mền đây em? Thôi thì "phóng lao thì phải theo lao", đã lỡ leo lên lưng cọp rồi thì ai dại gì nhào xuống cho bị cọp vồ? Vẫn biết tơ với lụa thì cũng phát xuất tự tằm, mà con tằm thì cũng chỉ là loài sâu chớ quý hồ chi đây mà anh phải chọn? Nhưng một năm mười hai tháng mà tháng mô lại không có rằm thì lại là một câu hỏi "bất thường"! Nhưng dù sao đi nữa thì anh cũng phải vận dụng cái "trí thông minh" để trả lời cái câu lắt léo:
Em trèo lên cây cam cũng biết là cây cam khổ
Em che chài em chọn lái, thì lái cũng là gai
Một năm mười hai tháng, tháng đào hoa kết
trái là tháng không rằm em ơi!
Đối đáp như vậy thì còn bắt bẻ vào đâu vì chài và lái thì cũng lấy từ cây gai để thất để nối, mặc dầu lá gai còn dùng để làm bánh ít, được nhiều công dụng cho dân quê như cũng chỉ là loài cây cỏ dại mọc khắp ven rừng, thì có gì quý báu đâu mà phải chọn lựả
Còn "tháng đào hoa kết trái" thì mới chính là cái tháng hiếm quý nhất trên đời, cho nên tháng ấy không có "ngày rằm" là phải, nếu ai không tin thì hãy cứ trồng hoa đào mà đợi xem!
Bởi vì tháng ấy nó đằm thắm như tình cảm của các thanh niên thiếu nữ ở nơi đồng quê thôn dã tình cảm ấy nó thơm ngát như cỏ nội hoa đồng, chân phương như một màu bát ngát của cánh đồng lúa vàng, đang nằm trải dài phơi mình trong nắng sớm... Tình cảm ấy đã gói ghém một bản chất đôn hậu nhưng chân thành, đã thể hiện qua điệu hò câu hát của miền dân dã. Tâm sự ấy đã gắn liền với nếp sống hàng ngày như hơi thở, đem nguồn vui đến như bao tiếng cười dòn tan của trai gái trong làng, mỗi lần gặp nhau đầu ngõ.
Khi mới mở mắt chào đời chúng ta đã nghe tiếng ru của Mẹ, tiếng hát của anh, câu hò của chị... Hòa cùng bao niềm yêu mến của bà con xóm giềng, là những chất liệu đã nuôi dưỡng cho chúng ta khôn lớn, ấp ủ cho chúng ta có một tâm hồn phong phú về nền văn học dân gian, mà nó vẫn tiềm tàng trong chúng ta, nó vẫn chiếm ngự nguy nga giữa lòng mọi người dù còn ở nơi quê nhà, hay không may phải nghìn trùng xa cách! Vì nền văn học ấy đã chất chứa đầy tính chất của dân tộc Việt, tạo nguồn vui cho gia đình và xã hội .

Nguồn: kientruc-vn.org
READ MORE - ĐAN HÀ - CÂU HÒ QUẢNG TRỊ

TRƯƠNG THỊ HẰNG NGA - ĐÊM ĐÔNG



Đêm đông

Lạnh

Cầm cập run

Ngoài kia gió bấc,

mưa phùn rơi rơi.

Lần tìm hơi ấm

người ơi!

Lòng nghe mặn chát,

tả tơi lệ nhòa.

Tuột rồi.

Choàng mớ chăn hoa

Ủ cùng

đắp đối

cho qua tháng ngày.

Xa rồi.

Đâu hỡi vòng tay?

Xa rồi.

Đâu nữa nồng say

rượu tình!

Bây giờ

cô lẻ một mình

Cầm lòng sao đặng

khi bình minh lên?


T.T.H.N



ĐÊM ĐÔNG - MỘT BÀI THƠ CẢM ĐỘNG

Lời bình: LÊ BÁ DUY


Trong bốn mùa Xuân- Hạ-Thu - Đông, mùa nào cũng là đề tài cho thi sĩ làm thơ giải bày tâm trạng. Nhiều thi sĩ viết về mùa Xuân với nhiều cung bậc tình cảm; nhiều nhà thơ viết về mùa hạ với nỗi nhớ mong cháy lòng và cũng nhiều tác giả viết về mùa Đông với khát vọng yêu thương ấm áp chân thành. Tôi đã đọc không ít thơ viết trong mùa Đông, nhưng khi vào trang "Đất Đứng" đọc đến bài "Đêm đông" của tác giả trẻ Trương Thị Hằng Nga, tôi thật cảm động, và những cảm xúc ấy dâng trào ra mà khó có những ngôn từ diễn tả cho hết được!

Đêm đông

Lạnh

Cầm cập run

Ngoài kia gió bấc,

mưa phùn rơi rơi ...

Hai câu thơ mở đầu với thể lục bát tách ra 5 dòng gợi trường liên tưởng thời tiết se lạnh của thiên nhiên thường gặp vào mùa đông giá buốt! Chủ thể tiếp nhận cái lạnh thiên nhiên thấm vào da thịt, cầm cập, run rẩy đối lập với tự nhiên bên ngoài "gió bấc" thổi và "mưa phùn rơi rơi". Cái hình ảnh này chúng ta bắt gặp trong đời thường của biết bao người, nhưng đi vào trong thơ Hằng Nga tự nhiên như dòng chảy nhẹ nhàng mang cái buốt giá đêm đông. Trong cái lạnh của thiên nhiên, lẽ thường con người ta tự tìm đến cái ấm để chống chọi với cái rét khắc nghiệt của thời tiết. Do vậy câu thứ 3 và 4 ra đời như một lẽ tự nhiên vốn có: "Lần tìm hơi ấm người ơi! Lòng nghe mặn chát, tả tơi lệ nhòa..." Tại sao "mặn chát"? Tại sao "tả tơi lệ nhòa"? Phải chăng cảnh cô đơn đến xót xa của người phụ nữ khát khao hơi ấm không tìm được trong cái lạnh. Ngay cả trong cái chăn ấm người tìm ấp ủ "cho qua tháng ngày" cũng "tuột" ra ngoài. Nhường cho những hoài niệm, những dòng tâm trạng tuôn trào như dòng sông chảy về biển cả tình yêu ngọt- đắng:

Xa rồi.

Đâu hỡi vòng tay?

Xa rồi.

Đâu nữa nồng say - rượu tình!

Tình cảm con người thật kỳ lạ! Những người đang sống bên nhau thì có thể chưa nhận ra hạnh phúc cạnh mình cứ mãi kiếm tìm nơi chân trời góc bể, những người xa nhau mới cảm thấy hết nỗi cách xa thương nhớ, để tình thương yêu dâng lên với khát khao ấm áp! Thèm cụng nhau chén "rượu tình" chếnh choáng men say trong vòng tay say đắm, trao nhau yêu thương nghìn năm vốn có. "Xa rồi. Đâu rồi hỡi vòng tay?" Hai câu trong một câu lục, nói lên hai điều: Trước hết là khẳng định "Xa rồi"- Nghĩa là tình yêu quá khứ đã không còn nữa hoặc có thể "chia xa" - Có lẽ trắc trở trong tình duyên, một sự trắc trở không ít của các cặp vợ chồng trong cuộc sống...Nhưng có thể khẳng định rằng nhân vật trữ tình trong bài thơ thật sự cô độc. Ý thứ hai trong câu này là một câu hỏi tu từ! "Vòng tay" "không còn" không phải hỏi mà khẳng định! Điệp ngữ "xa rồi" vừa nhấn mạnh vừa khẳng định kết quả cuộc chia tay, không phải tiếc nuối mà là xót xa, quặn thắt!

Ý thơ trải dài, lời thơ cô đọng, tình thơ mênh mang pha chút xót xa chua xót! Hai câu kết khiến người đọc không thể không "cầm lòng" cuốn hút theo tâm trạng tưởng chừng lơ lửng của người thơ: " Bây giờ cô lẻ một mình/ Cầm lòng sao đặng khi bình minh lên ?" Lại kết thúc bằng câu hỏi tu từ nhưng lần này khác với tâm trạng trước. Chính câu hỏi kết bài này giúp bài thơ nâng tầm tư tưởng, hướng niềm cô đơn khát khao cháy bỏng trở nên tích cực hơn, ấm áp hơn. "Khi bình minh lên" chính là lúc mặt trời xua đi giá lạnh, mang lại sự ấm áp cho vạn vật, có cả con người. Và hy vọng mặt trời anh cũng mang lại ấm áp cho tình yêu!

Bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, đằm thắm nhưng để lại trong lòng người đọc có nỗi buồn xa xót, có tin yêu về tương lai, có hạnh phúc đợi chờ, có bình minh ấm áp của cuộc sống! Với tôi, đây là một bài thơ hay đáng trân trọng!

10.01.2010

L.B.D

READ MORE - TRƯƠNG THỊ HẰNG NGA - ĐÊM ĐÔNG