Tác giả Lê Hứa Huyền Trân NGƯỜI ĐÀN ÔNG ẤY |
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
-Người đàn ông ấy có yêu em không?
-Ông ấy chưa từng yêu em.
-Thế người đàn ông ấy có tốt với em không?
-Ông ta là người đàn ông tốt nhất mà em từng biết.
-Thế em có yêu ông ta không?
-Em không…
Câu chuyện giữa tôi và em bắt đầu bằng những lời nói về một
người đàn ông khác, một người đàn ông đã chiếm trọn thời gian cô em gái bé bỏng của tôi mà thậm
chí ngay giây phút em thừa nhận rằng em không yêu ông ta, tôi đã biết em sẽ
không thể nào dừng lại…Đáng lẽ tôi vui mừng khi em không yêu người đàn ông ấy
thì em có thể dừng lại. Nhưng một con người rõ ràng đã ý thức được tình cảm của
mình mà vẫn muốn tiếp tục thì rõ ràng tất cả lời khuyên đều trở nên vô ích.
Em và tôi
cùng ở trọ trong một khu trọ nhỏ. Ở cái khu trọ này toàn những người dạt nhà
lên phố kiếm kế sinh nhai nên tình như thủ túc, bao nhiêu miếng cơm manh áo, nếu
dư chút ít cũng san sẻ cho nhau. Tôi và em cũng thế, chúng tôi ở chung một
phòng trọ từ khi chúng tôi còn là sinh viên và bây giờ tôi đã tốt nghiệp đi làm
trong một công ty nhỏ, còn em, mới ngày nào là cô sinh viên năm nhất nay cũng
đã chuẩn bị tốt nghiệp. Trong khu trọ này hầu hết là những người đã có gia
đình, chỉ còn hai đứa tôi là độc thân và gần như là trẻ nhất, lại ở chung một
phòng nên hễ có chuyện gì là thế nào tối cũng tỉ tê kể cho nhau nghe. Từ chuyện
tôi bị gã giám đốc cố tình dìm tới mức nào đến chuyện em được anh bạn cùng lớp
tỏ tình, thời gian chúng tôi ở cạnh nhau dường như là vô tận và ngập tràn trong
vô số những câu chuyện kể mà tưởng như đã rất lâu rồi chúng tôi chưa gặp lại.
Tôi xem em
như em gái của mình và em cũng tự tỏ ra bé bỏng trước tôi, mà quả thật trong mắt
tôi khi ấy em vẫn luôn là bé bỏng. Em mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống với dì. Hồi nhỏ
nhà dì còn sung túc, thêm em cũng chỉ là thêm đôi đũa, cái chén, nhưng rồi khi
dượng mất việc làm, dì lại đẻ tù tì liền mấy đứa em, đôi đũa cái chén ngày xưa
bỗng trở thành gánh nặng. Khi đậu đại học một mình em lên phố, dì không giữ chỉ
nuốt nước mắt vào trong, em thương dì cũng không hề trách chi, có thể nói ngày
đó em lên phố chỉ với hai bàn tay trắng.
-Nếu không gặp được chị chắc em thành con bé đói rách ngoài
đưởng rồi.
-Đó là vì chị thấy sau này có thể nhờ được em nên mới tạm thời
tốt với em thế thôi.
Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau về lần đầu tiên gặp nhau như
thế. Sau này, em bắt đầu kiếm việc làm thêm và cả trang trải việc học, cô bé nghị lực đến mức một
người lớn như tôi phải kiêng nể. Chúng tôi bắt đầu san sẻ tiền nhà cho nhau và
cả những giấc mơ hay những câu chuyện. Thế rồi em có người yêu, một người bạn
cùng lớp. Tình đầu của em đẹp lắm ! Tình cảm áo trắng thường tinh khôi. Cậu ta
có vẻ là một chàng trai tốt bụng, mỗi khi đi chơi thường hay rủ cả tôi đi cùng
vì biết tôi chỉ là “một người lớn cô đơn”, nhiều khi “nhiều chuyện” tôi cũng
đi, nhiều khi tôi cũng giữ ý cho đôi trẻ. Thế rồi, đùng một cái em trở nên buồn
hẳn, khi tôi hỏi, em chỉ nói:
Tụi em chia tay rồi.
Tình đầu thường khó thành nên tôi chỉ biết khuyên em rằng
hãy ráng nguôi ngoai… Nào ngờ kể từ đó em bắt đầu thay đổi… Em bắt đầu đi sớm về khuya, ban đầu tôi
chỉ nghĩ hẳn là em lại tìm được một công việc nào làm thêm mới cho mình, và âu
để thời gian làm việc chiếm hết thời gian suy nghĩ của em để em nguôi ngoai bớt
phần nào nỗi đau cũng là việc tốt. Chỉ có thể nấu những bữa cơm thật ngon đợi
em về và vỗ về mỗi khi em mệt mỏi. Cho tới khi tôi bắt đầu thấy em uống rượu,
người em nồng nặc mùi rượu mỗi khi về nhà thì tôi không thể bỏ qua được nữa.
-Hy! Em đau khổ chị biết, nhưng chị không cho em hủy hoại bản
thân bằng bia rượu, em làm việc điên cuồng, chị bỏ qua một thời gian nhưng đến
mức uổng rượu như thế này không thể chấp nhận được.
-Chị cứ mặc em!
Chúng tôi cãi nhau to và tôi tỏ ra không quan tâm gì em nữa.
Dù tôi thực sự rất lo lắng nhưng tự ái trong tôi không chấp nhận một người con gái tôi đã từng khâm
phục lại đổi thay chỉ vì tình. Thế rối trong một lần tan ca trễ, tôi đã bắt gặp
em trong vòng tay của một người đàn ông. Thoạt trông đã biết ông ta là kẻ có tiền,
thế nhưng nhìn sơ qua cũng biết đáng tuổi cha chú em. Thấy tôi, em chỉ đi ngang
như không quen biết, gương mặt cúi gằm, còn ông ta, dường như tự hào về việc có
một cô tình nhân trẻ cứ hếch mặt mà đi chẳng thèm nhìn ai…
-Người đàn ông ấy có yêu em không?
…
Em giấu tiệt chuyện dượng em ở quê mất và dì một nách nuôi mấy
đứa con, gia đình khó khăn bỗng chất chồng thêm những khó khăn. Chuyện gia đình đang khó thì
cũng là lúc em chia tay mối tình đầu, túng quẫn thế nào em lại gặp người đàn
ông ấy ở chỗ em xin việc. Ông ta sẽ cho em một khoản tiền vừa đủ, và em sẽ trở
thành một “thư kí riêng” đi theo ông ta mỗi khi ông ta tiếp khách. Ông ta hứa sẽ
không làm gì em, có thể là vài cái hôn, vài cái khoác tay hay một vòng ôm nào
đó “cho giống thật”. Bù lại, cái giá phải trả cũng không nhiều so với một “tình
nhân thật” nhưng ít ra có thể đỡ phần nào cho cuộc sống em lúc này.
-Đúng là em đau khổ vì tình thật nhưng không vì thế mà em trở
thành người hủy hoại bản thân. Về một mặt nào đó, ông ta tốt với em thật, không
đòi hỏi gì nhiều ở em, chỉ đôi khi…
Câu nói của em trở nên đứt quãng, tôi đã sẵn sàng đưa tay ra
cho em để đón một vòng ôm thật chặt, để chờ em khóc như xưa, nhưng không, em chỉ mỉm cười. Tự dưng
tôi thấy trước mắt tôi cứ như là một người nào đó lạ lắm mà tôi không hề quen
biết. Tôi chẳng biết nói gì chỉ biết lặng im, thậm chí câu khuyên nhủ “ kiếm tiền
như vậy cũng không phải là tốt” chỉ ngậm đắng trong môi không thốt ra thành lời.
Tôi chẳng thể giúp gì được cho em, và nếu ở một mức nào đó ông ta vẫn còn “tôn
trọng em”, tôi chỉ biết để em tiếp tục và thầm cầu mong em sẽ không gặp gì tổn
hại.
Sau lần tâm
sự đó chúng tôi ít gặp nhau hơn, tôi cũng bận rộn với việc công ty, còn em cứ
như đang tránh mặt tôi vậy, rồi em chuyển nhà. Ngày chuyển nhà tôi bận đi công
tác không ở lại tiễn em, và chúng tôi cũng mất liên lạc với nhau từ đó. Thi thoảng,
khi nhớ em tôi cũng hay đến trường em, hỏi thăm về em, thi thoảng tôi cũng bắt
gặp em với những vết thương trên mặt như vết tích của một đòn ghen nào đó. Lại
có thi thoảng, em tạt ngang nhà thăm tôi, những lúc ấy thường là những lúc vết
thương trên người em vừa có, và em tới chỉ để gối đầu lên chân tôi mà ngủ cho
quên ngày quên tháng. Tôi không hỏi em vết thương ấy từ đâu, chỉ lấy thuốc bôi
cho em, và em sẽ cười mà nói như một điều quá thản nhiên:
-Đôi khi bị chị vợ bắt
gặp chị ạ. Có giải thích mà bả hổng có chịu nghe, cứ xấn tới thôi. Thiệt là hết
cả văn minh.
-Cũng tới lúc phải dừng lại thôi em, gia đình nhà người ta, đừng
phá vỡ nó. Rồi cuối cùng ông ấy cũng sẽ quay lại với vợ con, nỗi đau cũng chỉ
mình em chịu.
Em mỉm cười gật đầu rồi lại tía lia kể chuyện:
-Vừa rồi em có gửi tiền về cho dì, nghe dì nói đã mua cái cặp
mới cho thằng út, em thấy vui dễ sợ..
-Con bé tội lắm cứ khóc mãi, ai đánh nó đấy, thương tích đầy người.
Cô chủ nhà đưa cho tôi mảnh giấy cũ, có lẽ đã được gửi từ mấy
năm trước mà cô luôn giữ bên người. “Chị nói đúng, cuộc sống thoải mái không
thể mua được bằng tiền. Dì của em biết chuyện và khóc hết nước mắt cứ bảo em về quê rồi có gì khó khăn cả hai dì cháu
cùng san sẻ. Sau tất cả, ở cạnh gia đình vẫn tốt hơn. Em sẽ về quê và bắt đầu
cuộc sống mới. Em sẽ hạnh phúc thôi, và sẽ không làm điều gì khờ dại nữa. Cảm
ơn chị, đã cho em một gia đình”.
Gấp mảnh giấy
lại, tôi khẽ mỉm cười, dù rằng bây giờ em đang ở nơi đâu, chỉ cần em có thể sống
tốt thì tôi cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Hi vọng một ngày nào đó, chúng tôi
sẽ gặp lại nhau, và tôi có thể ôm lấy em như ngày xưa chỉ để nói” Chị cũng hạnh
phúc vì đã có một người em gái như em”.
Tác giả: Lê Hứa Huyền
Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.