Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 23, 2017

HUYỀN THOẠI TẮM TIÊN TÂY BẮC - Bút ký của Trần Vân Hạc

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần vân Hạc sinh 1952 là hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, hội viên hội văn nghệ dân gian Việt Nam, đã qua đời vào hồi 17h ngày 20/3/ 2017 tại trại viết thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hài cốt sẽ đưa về Nhà tang lễ Thanh Nhàn - Hà Nội. Lễ Viếng sẽ được tổ chức vào hồi 7-9h sáng thứ năm ngày 23/3. Sau đó hài cốt được đưa về quê xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. VNQT xin thành kính phân ưu cùng tang quyến, cầu nguyện hương linh nhà thơ sớm siêu thoát!
Xin trân trọng giới thiệu một bài viết về văn hóa dân gian của anh!


          

                            Nhà thơ Trần Vân Hạc


        HUYỀN THOẠI TẮM TIÊN TÂY BẮC

Người ta vẫn kháo nhau, lên Tây Bắc mà xem con gái Thái tắm tiên. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, hiền thục...
Mới nghe có vẻ như thô và phàm tục, nhưng với những người đã từng ở Tây Bắc, hoặc am hiểu văn hóa Thái thì cảnh con gái Thái tắm tiên là một phần không thể tách rời trong văn hóa Thái và nếu thiếu cảnh trữ tình, nên thơ ấy, suối ngàn Tây Bắc sẽ kém đi vẻ lung linh huyền ảo. Tây Bắc sẽ phần nào kém đi vẻ đẹp dung dị nhưng vô cùng lãng mạn, nên thơ.
Người ta đi ngắm các cô gái hòa mình với thiên nhiên đậm chất hoang sơ và huyền thoại như ngắm ánh bình minh trong sương sớm, ngắm hoa ban khoe sắc mùa xuân, hay thả hồn trong một tiếng chim lảnh lót đầu non, chẳng khác nào được nồng say trong vũ điệu xòe, hay lâng lâng trong men rượu cần ngọt lịm, một điệu khắp trữ tình... để rồi tự lúc nào thấy mình trong sáng hơn, biết trân trọng nâng niu những gì mà tạo hóa đã ban cho con người, giúp con người hướng thiện hơn, có thêm nghị lực, niềm tin, vươn lên trong cuộc sống.
Các cô gái Thái ngay từ lúc còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cho cách thắt khăn nơi thắt lưng - xài yêu để có được thân hình tuyệt đẹp theo tiêu chí: Eo kíu manh po - nghĩa là thắt đáy lưng con tò vò, giống như thắt đáy lưng ong của các cô gái miền xuôi. Còn mái tóc luôn được chăm chút gội bằng các loại lá thơm như hương nhu, sả, bồ kết... và chải chuốt bằng nước vo gạo nếp. Lại được tắm mình trong không khí trong lành của thiên nhiên hùng vĩ, bởi vậy cô gái Thái nào cũng cao ráo, trắng hồng, mái tóc đen
Không những thế, các cô còn rất giỏi trong những công việc nội trợ như làm ruộng, quay xa, thêu thùa, dệt vải, múa xòe... mà những câu dân ca Thái đã miêu tả được phần nào: Nướng quả ớt thơm mùi đĩa chéo/ Đụng vào khung cửi vải thành hoa/ Tung nắm tấm thành ra đàn gà..., Úp bàn tay trái đã thành hoa đào/ Ngửa bàn tay phải đã thành hoa tươi đất Mường Hỏ/ Ngồi xổm thêu được thành hình chim phượng hoàng/ Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa so se (dân ca Thái). Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa...
 Bởi vậy, khi ngắm các cô gái Thái dịu dàng trong trang phục truyền thống: váy đen bó sát người, xửa cỏm - áo ngắn lung linh đôi hàng mák pém - cúc bạc hình bướm, khăn piêu bồng bềnh trên đầu như áng mây xuân sớm tôn sắc hồng má đào thiếu nữ, một dải khăn xanh là điểm nhấn nơi thắt lưng và dây xà tích bạc buông lơi bên hông, mỗi người đều như thấy ngân rung trong lòng một cảm giác thanh cao trước một vẻ đẹp hoàn mỹ đến mức thật khó đặt tên, cứ dư ba trong lòng người và chợt thổn thức dâng dâng trong ký ức mỗi khi xa nhớ về Tây Bắc...
Sau mỗi buổi lao động về, các cô gái nghỉ chân bên suối, làn nước mát lành làm sạch sẽ bụi bặm, trả lại nước da trắng ngần của mẹ, của cha và tinh hoa của núi ngàn chung đúc hàng ngàn năm mới có được. Bao nỗi mệt nhọc trôi theo dòng nước, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.
Nếu các chàng trai thường chọn nơi vực sâu, nước xiết để vẫy vùng thỏa sức trai thì các cô gái lại tìm nơi dòng chảy nông hơn, kín đáo. Các cô quay mặt vào bờ, ý tứ cởi cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực thanh tân, lội xuống nước tới đâu váy được nâng dần lên đến đó. Cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình, các cô gái khéo léo quấn chặt váy trên đầu như một bông hoa, dù bơi lội, đùa nghịch, chiếc váy vẫn không thể rơi được.
Thân hình tuyệt mỹ của các cô gái ẩn hiện dưới dòng nước biếc, thực đấy mà ảo đấy. Các cô hồn nhiên té nước, trong ánh chiều Tây Bắc, từ những bàn tay như bông hoa ban huyền thoại tung lên muôn ánh cầu vồng. Dòng suối như lòng mẹ ôm ấp vuốt ve tấm thân tuyệt mỹ, sỏi đá nơi lòng suối thêm rạng ngời ngần trắng, chim rừng ngưng hót, gió như ngừng thổi, chỉ còn xanh ngắt đến thẫn thờ ngàn con mắt lá của đại ngàn. Tất cả như lặng đi trước kiệt tác của núi ngàn Tây Bắc...
Những dòng suối của khắp vùng Tây Bắc thường có những cái tên vô cùng thơ mộng, chở đầy khát vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc, về tình yêu trắng trong chung thủy: Suối Tiên, Suối Mơ, Suối Xuân...
Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng biếc, những dòng suối già nua trầm mặc chợt nhận ra mình có một trái tim và tâm hồn trẻ trung, để rồi cứ mộng mơ, khao khát một cuộc sống bình dị, yên vui - ước mơ cháy bỏng của bao đời? Để rồi những ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc trong một chiều các cô gái Thái tắm tiên, chợt thấy mình trong sáng hơn, thanh cao hơn, như được hòa mình cùng đất và người của Tây Bắc huyền thoại...
                                                                Trần Vân Hạc 
                                                           20 tháng 7 năm 2009

READ MORE - HUYỀN THOẠI TẮM TIÊN TÂY BẮC - Bút ký của Trần Vân Hạc

TẠ LỖI - Thơ Trần Mai Ngân



                    Trần Mai Ngân


TẠ LỖI

Khi ngắm ảnh em cười anh bỗng khóc
Giờ còn đâu chỉ là khói là sương
Dẫu biết yêu là một cuộc vô thường
Anh vẫn tiếc, vẫn lòng đau khôn tả...

Đôi mắt em mãi dịu hiền như thuở
Một thoáng buồn xa vắng ở nơi đâu
Chịu đựng anh, em đã cố nén sầu
Em vẫn bước thản nhiên trong định mệnh

Anh vô tư đôi khi như hời hợt
Mặc lo toan em đôn đáo ngược xuôi
Anh buông mình chìm trong những cuộc vui
Em không trách mà lặng im chịu đựng

Bao năm tháng dửng dưng cùng số mệnh
Tình bạc đầu anh quay lại cùng em
Vẫn ngôi nhà và hoa cỏ thật êm
Em vẫn thế nụ cười cho độ lượng

Để đến lúc em nhẹ nhàng thanh thản
Bước khỏi đời anh vĩnh viễn không còn
Thương ngày xưa em gánh hết mỏi mòn
Anh nông nổi... cả đời anh nông nổi

Và bài thơ như một lời tạ lỗi
Cả đời này anh tạ lỗi cùng em...

               Trần Mai Ngân


READ MORE - TẠ LỖI - Thơ Trần Mai Ngân

NỘI BÀI TIỄN EM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên



          Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


NỘI BÀI TIỄN EM
     (Tặng C. T.)
                             
Dặn dò chẳng kịp đôi câu
Ngượng ngùng như chửa biết nhau bao giờ.
Tiễn em như thể tình cờ
Mà tôi ngơ ngác, thẫn thờ vì đâu?
Kiếp xưa có nợ gì nhau
Mà ai gieo thảm rắc sầu cho ai?
Tôi bơ vơ giữa Nội Bài
Chuyến bay như thể ra ngoài hành tinh!

                                 Hà Nội, 9/2013
                            Nguyễn Ngọc Kiên


READ MORE - NỘI BÀI TIỄN EM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

NGƯỜI ĐÓNG THẾ - Truyện ngắn của Lê Mai


 
            Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



NGƯỜI ĐÓNG THẾ

Nắng gắt. Tôi ngồi trong phòng điều hòa nhiệt độ hút thuốc và mơ màng nghĩ tới bữa cơm chiều. Cửa phòng mở, Hoàng uể oải bước vào, nói thờ ơ:

- Có lệnh, anh sang ngay phòng Tổng biên tập.

Sang thì sang, tôi sang. Tổng biên tập tắt máy, ngừng chơi quay sang nói với tôi:

- Đã lâu rồi, ông toàn viết những bài có cũng được, không có cũng được. Nay nhân đợt thành phố tổng tiến công chống mại dâm - ma túy, ông nên đi thực tế để viết một bài, chấm dứt chuỗi trăm bài viết dựa vào báo cáo đi.

- Vâng, nhưng xin anh hỗ trợ cho ít kinh phí.

- Chuyện vặt, miễn là ông phải có bài viết thực sự sinh động chấm dứt chuỗi bài… Tình là tình như không mà có… là tình… có cũng như không.

Bảy ngày sau, tôi viết xong bài, phải nói là… có thực tế có khác. Tổng biên tập đọc duyệt bài. Tôi lặng ngồi và lén quan sát sắc mặt của ông. Mươi phút căng thẳng trôi qua… Tổng biên tập nói với không trung:

- Hay! Bài hay lắm! Có thế chứ. Đúng là: Thực tế là tiêu chuẩn của chân lý. Sư bố cái anh báo cáo, nó làm phóng viên mình viết cứ như dở hơi, nhạt nhẽo, viết cũng như không.

Ông nói với không trung mà từng khúc ruột tôi cứ nở ra, nở ra mát lòng rượi dạ.

Bỗng ông nhiu nhíu mày… rồi quay sang nói với tôi:

- Bài này ông viết hay lắm, sinh động lắm. Nhưng có lẽ cái tay khách làng chơi mà ông tả thế này là không ổn rồi. Ông có biết vì sao không? Đầu như quả dưa hấu, nốt ruồi thề lề bên mép trái, lại còn từ đó rủ xuống một chùm lông bàng bạc… thế thì đúng là ông Nguyễn Bình phó chủ tịch tỉnh mình rồi còn gì, trệu làm sao được. Ông định đóng cửa tòa soạn đấy à ?

Nghe tổng biên tập nói, tôi toát mồ hôi hột. Mồm lắp bắp định thanh minh thì… tổng biên tập vẫn nhẹ nhàng nói: 

- Không sao, ông chỉ cần sửa lại chỗ đó là được. Sửa xong ông đưa ngay cho tôi, đăng ngay, đang thời điểm cao trào.

Ra khỏi phòng tổng biên tập lòng tôi nhẹ bẫng. Thật hú vía! May mà ông ấy nhạy cảm chứ để in ra rồi, giấy trắng mực đen rồi thì… Tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và vù một cái, chữa xong ngay. Nhưng để tránh tiếng nhanh nhẩu đoảng, hời hợt tôi đợi đến cuối ngày mới đem bài nộp lại.

Lưng chừng ngày sau, khi tôi đang lơ mơ trong phòng lạnh, nhẩm tính: Sau cú bài đinh này, tôi có thể ung dung dựa vào báo cáo mà ăn dần vài tháng thì… Có lệnh mời lên gặp Tổng biên tập. Lại có việc gì đây? Tổng biên tập chỉ yêu cầu sửa mỗi một chỗ thì đã sửa rồi. Hay có việc gì mới. Cửa mở, tổng biên tập vẫn nói với không trung:

- Anh ngồi xuống, đọc lại bài đi.

Tôi nói ngay:

- Tôi đọc kỹ rồi. Chỗ anh góp ý tôi đã sửa rồi.

- Có thấy gì không?

- Không có gì lạ cả.

- Đúng là gà công nghiệp. Ông đọc to lại chỗ sửa đi.

Tôi đọc to, vừa đọc vừa giải thích: Mắt him híp tôi đã sửa thành mắt lồi; Mụn ruồi có rủ lông tôi đã thay bằng hai lỗ mũi sợi đen, sợi bạc đâm ra tua tủa như chổi quét sơn cùn rồi còn gì; hơn nữa tôi còn thêm cái bụng tròn tròn ủng ủng như bụng đàn bà chửa tám tháng…

- Thôi, đọc thế là được rồi, ông có thấy gì không?

- Tôi chẳng thấy gì cả.

- Ngu! Ngu lâu khó đào tạo. Giờ ông nhắm mắt lại, tưởng tượng xem cái thằng có mắt lồi, có lông mũi đâm ra tua tủa, có bụng to như bụng đàn bà chửa… nó là thằng nào?

Tôi nhắm mắt hướng sự tưởng tượng theo gợi ý của tổng biên tập rồi chợt giật nẩy mình, lắp bắp:

- Xin lỗi anh… xin… lỗi… anh… Tôi đâu có ý định xỏ xiên gì anh, ôi, ngu quá! Ngu quá! - Tôi vỗ tay bôm bốp vào đầu.

Tổng biên tập điềm nhiên:

- Ông thấy chưa, làm báo là phải cực kỳ thận trọng, bút sa là gà chết. Tôi chủ quan không xem lại để báo in ra thì… ông giết tôi còn gì. Mắt lồi, lông mũi đâm ra tua tủa, bụng tròn tròn như bụng bà chửa… ông bảo, vợ tôi, cô ấy đọc bài viết của ông, cô ấy sẽ nghĩ cái thằng ấy là ai… Có mà thanh minh giời.

- Xin lỗi anh! Xin lỗi anh! Tưởng đơn giản nào ngờ…

- Thôi, ông mang bài về nhà, tối làm cho cẩn thận. Sáng mai nộp vậy.

- Vâng! – Tôi cúi đầu lo lắng, lê bước về phòng làm việc.

Tối. Bài học nóng hổi buối sáng nhắc tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và thận trọng suy nghĩ. Những khuôn mặt. Những hình dáng. Những cử chỉ… lần lượt hiện rõ trong đầu tôi. Răng miệng lởm khởm, cái còn cái mất rủ như thạch nhũ trong hang, cử chỉ xun xoe… thì không được rồi – ông Khảm, phó tổng biên tập lại kêu. Đầu trán láng bóng, ruồi đậu trượt chân, ngón tay ngón chân thu lu múp míp… không ổn rồi – ông Cấn mà tự ái mình có mà ăn cám. Mũi củ tỏi thò lò, dáng oai phong bệ vệ… cũng không được – lão Kháng lão ấy cho mình chết sặc gạch ngay… 

Càng nghĩ càng rối, càng bí, chỗ nào cũng động cũng chạm. Làm phóng viên đã nhiều năm giờ mới biết: viết là công việc chẳng dễ chút nào, tôi vò đầu, bứt tai bất lực. Bỗng… một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu. Có thế chứ! Cái chết của anh viết văn làm báo là cứ tự phức tạp hóa vấn đề, việc chẳng có gì mà cứ hoắng cả lên. Việc thật đơn giản, quá đơn giản, cứ mình mà tả, chẳng động chạm tới ai. Tôi hăm hở viết: tóc tai bơ phờ, mồm tóp má teo… Nhưng cậu phóng viên phòng mình cũng vậy! Thế thì ta viết thêm cái bớt ở thái dương trái – chỉ mình mới có. Lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi… Nhưng… cậu Biên, cậu Tập cũng thế… à, thì ta thêm cái bàn tay trái 6 ngón – dị tật chỉ có ở mình thì lẫn vào ai được… Cứ thế, loáng cái tôi đã viết xong. Bỗng… từ góc giường vẳng lên tiếng vợ, giọng còn ngai ngái:

- Tắt đèn, ngủ đi anh. Hôm nay viết gì mà kinh thế?

- Viết cái bài chống mại dâm ấy mà. Mai nộp bài.

- Ôi dào, loại bài ấy năm nào anh chả có vài bài. Mai đến cơ quan lôi mấy bài cũ ra mà sửa, mà nộp. Có ma nào đọc nó đâu mà thức khuya dậy sớm cho uổng sức.

- Không! Bài này khác, đọc thích lắm. Có thực tế có hơn chứ.

- Cái gì! Cái gì! Có thực tế là thế nào?

Chẳng còn ngái ngủ, vừa nói vợ tôi vừa lao ra khỏi giường, chộp lấy bản thảo đọc ngấu nghiến. Chẳng hiểu đọc được đến đoạn nào, bỗng thấy vợ ôm mặt nấc lên:

- Khốn nạn! Khốn nạn! Không biết xấu hổ còn viết ra khoe cho cả thiên hạ biết. Giời ơi, sao số tôi lại khốn khổ nhục nhã thế này. Chồng ơi là chồng!!!

- Ơ hay, năm nào anh chẳng có mấy bài thế này đưa in.

- Trước khác, nay khác. Thảo nào viết hăng thế, say thế. Có thực tế có hơn mà… hờ… hờ… hờ…

- Vớ vẩn. Cái gì cũng vơ vào mình rồi gào, rồi thét. Tôi viết thực tế xã hội chứ viết gì về mình mà gào, mà thét!

- Vơ vào à? Vơ vào à? Thế đứa nào tóc tai bơ phờ, mặt mày hốc hác, có cái bớt ở thái dương trái? Đứa nào lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi, bàn tay trái có 6 ngón ? Đứa nào? Đứa nào? Rõ như ban ngày còn nói là vơ vào. Đứa nào? Đứa nào ? Hờ… hờ… hờ…

Nghe vợ hờ hờ gào thét, tôi chợt cay đắng nhận ra một điều đơn giản: mình không thể thế chân vào những việc như vậy được. Còn vợ, còn con, còn bên nội, bên ngoại, còn bạn còn bè… còn… Tôi giật tập bản thảo từ tay vợ rồi quả quyết châm lửa đốt. Lửa từ tập bản thảo phần phật réo, phừng phừng soi tỏ ánh lửa từ mắt vợ đang hừng hực lóa.

                                                                                 Lê Mai 

READ MORE - NGƯỜI ĐÓNG THẾ - Truyện ngắn của Lê Mai

HAI BÀI THƠ VỀ QUÊ VỢ XƯA VÀ NAY - Thơ Nguyễn Khôi




Lời thưa: Quê vợ Nguyễn Khôi ở làng Hạ Lũng (Phường Đằng Hải, Quận Hải An, Tp Hải Phòng) hơn 100 năm qua như Làng hoa Ngọc Hà  (Hà Nội), tồn tại và định danh trên đất Cảng bởi sắc hoa tươi, cành cứng cáp và giữ được độ bền chắc như những người con gái Hạ Lũng xinh đẹp đảm đang...

1- HẠ LŨNG - MỘT LÀNG HOA SẮP MẤT 
    (Tặng Tiểu Hè)

Ngày mới về "chạm ngõ"
Xuống Bà ngoại xem hoa
- cây Hoàng Lan lộng gió
mùi Thiên Lý thơm đưa...
Rồi ta đi Tây Bắc
yêu hoa Ban - Sơn La
mỗi hè về nghỉ phép
lại xuống thăm vườn nhà...
Đồng Hạ Lũng ngợp hoa
Mẹ tưới chăm tần tảo
- Em gái, sớm tinh mơ
đã gánh hoa lên phố...
Này Thược Dược rạng rỡ
Này "Đồng Tiền" long lanh
Này hoa "giơn" (lay ơn) tươi mới
đám cưới thêm đượm tình...
Thấm thoắt năm chục năm
Làng tưng bừng lên phố
Đồng thành khu Cao tầng
Vườn xây đầy Biệt thự...
Những mảnh vườn thu nhỏ
Em gái đã lên Bà
mở quán "hoa Đà Lạt"
thương mảnh vườn ngày xưa ?

     Quê Hạ Lũng 15/3/2017
              Nguyễn Khôi               

Lời thưa: Tiểu Hè (1947), Bố đi Bộ đội Việt Minh 19/8/1945- chiến sĩ Điện Biên Phủ... mẹ ở hậu địch đi lấy chồng khác, bỏ lại cho ông bà ngoại nuôi, 1959 Bố về đón lên Sơn La ở theo Đơn vị Bộ đội, được cho đi học = "Người con gái viên Đại Úy"... rồi yêu chàng Kỹ sư Nông Nghiệp Nguyễn Khôi, nghỉ hè năm ấy (1964) đưa nhau về quê thăm ông bà ngoại :

2-MẢNH VƯỜN QUÊ NGOẠI
            (Viết cho Tiểu Hè)

Mảnh vườn xưa ôm ấp tuổi thơ em
Vẫn thắm đượm hương hoa, sắc lá
Bé thơ : ông bà ngoại nuôi em
Hôm nay thăm lòng anh bồn chồn lạ...
Đâu là lối ngày xưa em đùa nghịch ?
Ẩn trong hoa chơi "dấu" với bạn làng
Đâu là chỗ tủi thân em ngồi khóc
Có ai hay nước mắt cảnh lìa tan ?
Ông có hay đến dỗ em ngoan nín
Thương Bố, thương em...ông nước mắt lưng tròng
Có phải ao kia đã từng soi bóng em ẩn hiện
trên cành cây em tựa, em rung...
Đâu là đường Bố về đón em lên Tây Bắc ?
cho em lớn lên đi học, hiểu làm người
cho em gặp anh yêu nhau tha thiết
cho ngày về thăm quê ngoại vui tươi...
Cho em đưa anh dạo chơi vườn cũ
Nhìn lá hoa mới lại ngỡ ngàng
Hoa lá tốt tươi như tình ta rạng rỡ
Xưa lìa tan, nay chỉ có họp xum.
Mảnh vườn xưa thân thiết tuổi thơ em
Nay anh dạo cùng em thân thiết
Ngậm ngùi chuyện xưa Bố lỡ làng đáng tiếc
Nhưng lại mừng chuyện ta nay tươi sáng đẹp bền...
Ông bà ngoại đã già tóc bạc
Nhưng tình yêu thương vẫn đằm thắm sâu nồng
Cho đôi ta như cây xanh tươi tốt
Đời đời lắm quả trĩu sai bông.

    Hạ Lũng sáng 26/6/1964
         NGUYỄN KHÔI

READ MORE - HAI BÀI THƠ VỀ QUÊ VỢ XƯA VÀ NAY - Thơ Nguyễn Khôi

TRỞ VỀ CHỐN XƯA - Đặng Xuân Xuyến


             

            Như giấc liêu trai:
                     TRỞ VỀ CHỐN XƯA

Đêm kia, (22/10/2012) khi đang mơ mơ màng màng, thấy có tiếng người thầm thì, hối thúc: - Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản),... Sau đó, tôi thấy mình lạc vào một ngôi làng lạ lắm, cảnh vật như quen, như lạ, có nét dân dã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng có nét hoang dại của miền sơn cước. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt nửa hân hoan, chào đón, nửa cự nự, dò xét. Mặc họ, tôi cứ thủng thẳng đi. Đến một khu đất trống, giống như sân kho hợp tác xã ngày xưa, có một đám thanh niên đang tụ tập hát hò, hình như là họ đang tập văn nghệ. Tôi bước vào, hắng giọng rồi diễn giải một vài tuồng cổ cho đám trai làng. Đám thanh niên giương mắt nhìn tôi rồi bàn tán điều gì đó, vẻ như không thích sự có mặt của tôi. Buồn, tôi lững thững bước ra đường. Một phụ nữ, chừng 30 tuổi, phảng phất nét đẹp của một sơn nữ, nói gì đó với đám trai làng, đám thanh niên nháo nhác gọi tôi, vẻ như ân hận vì đã xúc phạm tới bậc tiền bối.
Tôi cứ đi, đi đến một đám đông khác - hình như là phiến đất ở giữa làng - đang bàn tán, phổ biến cho nhau kinh nghiệm gì đó. Mọi người ở đây ăn mặc thật lạ: Áo gụ, quần nâu, tóc xõa vai, đi chân đất,.... cứ như là đang sống ở đầu thế kỷ XX vậy. Cách nói chuyện, cư xử cũng thế, rất lạ. Cứ dè dặt, lo lắng, cứ như đang sợ sệt điều gì đó sắp ập xuống, sắp giáng họa xuống cho dân làng.
Thấy tôi, mọi người phấn chấn hẳn, nói chuyện hình như có chủ ý để tôi nghe được, thấy được....
Có vẻ, tôi rất được dân làng tôn trọng.
Có vẻ như mọi người đang chờ đợi chủ kiến của tôi.
Dửng dưng nhìn mọi người tranh cãi, bàn luận, tôi lơ đễnh bước ra đường.
Đến cạnh dặm cúc tần, tôi lưỡng lự, nửa muốn đi tiếp, nửa muốn quay lại với mọi người...
Một thanh niên dong dỏng cao, có khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, chạy ra đứng cạnh, đượm buồn hỏi:
- Đã về rồi sao không ở lại còn đi?
Tôi lảng tránh ánh nhìn của người thanh niên, không nói gì nhưng tâm trạng thật lạ: Có chút day dứt, xốn xang, có chút xót xa, hờn tủi...
Nắm chặt bàn tay thanh niên nọ, tôi cúi mặt, trốn chạy ánh mắt của người phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu, bảo là mẹ của tôi, đau đáu nhìn tôi, xót xa, trách giận...
Hình như tôi đau lắm nên thổn thức thành lời, khiến Tuấn Hưng tỉnh giấc, hỏi:
- Bố nằm mơ gặp bà nội à?
..........................................
*. - P/s: Giấc mơ thật lạ.
Lạ vì cảm giác trong mơ như thật, rất thật.
Lạ nữa là sao cứ Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), mà không phải ai khác, trong khi tôi đâu biết Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), là ai?
*.
Hà Nội, ngày 24 tháng 10.2012
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - TRỞ VỀ CHỐN XƯA - Đặng Xuân Xuyến

CỔNG ĐỜI VÀO ĐÃ KHÓ, RA CŨNG KHÔNG DỄ - Truyện ngắn của Thủy Điền

               
                       Tác giả Thủy Điền




        CỔNG ĐỜI VÀO ĐÃ KHÓ, RA CŨNG KHÔNG DỄ

Sau tám tuần nằm Viện về, chiều nào hắn cũng ngồi trước hiên nhà, tay phải thoa thoa phần tay trái còn lại và thầm bảo: Mẹ ! Đời cái gì cũng có giá của nó cả.
     Năm hắn vừa tốt nghiệp trường trung cấp Vật giá tức trường trung cấp Kinh tế. Lẽ ra, hắn phải lên đường về các tỉnh để nhận công tác như các bạn cùng khóa của hắn do nhà trường phân công. Ngược lại hắn không chấp hành và bỏ cuộc. Ý hắn là muốn tự kinh doanh chứ không muốn làm cho cơ quan nhà nước. Bố mẹ hắn rất bất bình điều nầy, nhưng không ngăn cãn được. Và, cuối cùng cũng phải bỏ ra một số tiền khá lớn để cho hắn kinh doanh. Phải nói hắn có đầu óc kinh doanh thật. Thời gian còn đi học, lúc sáu tháng đi thực tập để làm Đồ án tốt nghiệp hắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà Kinh doanh như: Nuôi cá, chế biến thực phẩm, trồng cây rau sạch v.v…
     Khi tốt nghiệp xong, hắn bỏ ra gần hai tháng đi rong các nơi, hắn tìm hiểu đủ thứ và điểm dừng là miền tây để thực hiện phương án nuôi cá Basa. Bước đầu hắn mướn hai mẩu đất gần cuối nhánh sông Sở Hạ tại Đồng tháp và mướn Xáng đào mô hình theo ý hắn. Năm đầu tiên thực hiện hắn thâu được kết quả rất đáng kể (Xem như thành công) Thừa cơ hội hắn vai thêm tiền của ngân hàng phát triển Nông nghiệp tỉnh rồi mướn thêm năm mẩu đất khác cạnh gần đó và cũng làm y như mô hình ban đầu. Cuộc hành trình của hắn như Diều gặp gió. Chỉ trong vòng ba năm thực hiện hắn đã trở thành một Đại gia khi tuổi đời mới vừa hai mươi bảy.
     Nhưng không may, đến năm thứ tư không biết nhà Chế biến thực phẩm cá gặp khó khăn gì mà không trả tiền cá cho hắn. Đợi chờ- đợi chờ mãi gần một năm trời chẳng thấy đồng nào Công ty chăn nuôi của hắn cũng bắt đầu gặp khó khăn về mọi chi trả như: Công nhân, tiền thuê đất, tiền thức ăn, tiền vốn , lãi ngân hàng. Buộc hắn phải bán tất cả tài sản cố định mà chẳng đâu vào đâu. Ngân hàng càng lúc càng hối thúc và cuối cùng hắn phải vai tiền tư nhân tiền lãi rất cao để trang trải. Hầu hy vọng, chờ đợi nay mai nhà Chế biến sẽ thanh toán. Nhưng cuối cùng nhà Chế biến đã biến mất và hắn xem như là kẻ trắng tay.
     Số tiền nợ công nhân, ngân hàng, tiền mướn đất, thức ăn đã được giải quyết một ít nên không sao, nhưng tiền vốn và lãi tư nhân là điều quan trọng vì những số tiền nầy đều nằm trong tổ chức xã hội đen. Bởi thế hắn bị lọt vào thế đường củng.
    Sau những tuần lễ thương lượng với chúng, hắn có ba cách lựa chọn “Trả, chết và làm việc cho chúng, thì số nợ lớn ấy sẽ được xóa “ Kết cuộc hắn đành chọn phương án thứ ba. Phương án nầy là phải xem cái chết và tù tội như không và phải có máu mặt với hai mươi Đệ tử. Nói là phải làm, một một- hai hai không nói lời thứ ba. Khi hai bên đã thống nhất, hắn được giao nhiệm vụ tại tỉnh nhà của hắn. Nhiệm vụ của hắn là phải lo khâu thâu tiền lãi, thuế đen các tiệm, quán hằng ngày và giải quyết những toa hàng mà khách đã đặt sẵn như đánh ghen, thù hận v.v…
     Qua hai năm làm việc với nhập thu rất lớn, hắn được đàn anh cho xóa nợ và sau ngày ấy hắn được chính thức ăn lương và muốn cái gì cũng đều được cả. Cũng may cho hắn, là nhờ có chút kiến thức học vấn nên hắn chỉ nằm nhà tính toán và điều động đàn em làm việc mà không gặp khó khăn chỉ xãy ra vài vụ với băng nhóm khác không đáng kể.
     Từ một nhà Kinh doanh rồi trở thành trưởng Băng nhóm xã hội đen hắn luôn nghĩ đây đâu phải là cái nghề của mình. Đó chẳng qua là hoàn cảnh, khi nợ xong mình sẽ nghỉ và không làm nữa. Một hôm các chúa của các tỉnh về họp rút kinh nghiệm, hắn nói với đàn anh hắn xin thôi, không tiếp tục. Đàn anh cười cười mà chẳng trả lời. Khi trở về hắn tự động giao lại cho người kế vị rồi giải nghệ không tham gia vào giới giang hồ nữa.
     Đúng một tháng sau khi tự nghỉ, hắn trở lại bình thường và chẳng thấy ai nói động gì đến mình, hắn ngỡ là đã yên ổn mọi việc và nay mai có thể làm một công việc khác. Tuy ít tiền, nhưng lương thiện hơn.
     Nhưng không ngờ ! Đêm ấy vừa đi uống Cà phê ngoài ngõ về, một nhát Dao chém lén từ phía sau bay tới đã cắt đứt nửa cánh tay trái của hắn rơi xuống đất máu chảy……và máu chảy lênh láng.
Thủy Điền
19-03-2017

READ MORE - CỔNG ĐỜI VÀO ĐÃ KHÓ, RA CŨNG KHÔNG DỄ - Truyện ngắn của Thủy Điền

LẠNH VỚI SÔNG HÀN - Thơ Sĩ Chương





LẠNH VỚI SÔNG HÀN
Rồi anh về với Sông Hàn
Tìm em cùng chiếc phà sang năm nào
Sóng chiều cứ mãi lao xao 
Phà xưa mất dấu lối nào em qua
Thương em gái nhỏ đường xa
Mênh mông xử lạ biết là về đâu
Sông xưa giờ nổi sáu cầu
Em về đang đứng nơi đâu anh chờ
Duyên chưa kịp nổi hai bờ
Để anh lỡ hẹn lời thơ Sông Hàn
Phà ngang ơi , chuyển phà ngang
Mình anh lạnh với Sông Hàn chiều nay 
                                        Sĩ Chương

READ MORE - LẠNH VỚI SÔNG HÀN - Thơ Sĩ Chương

BÀI THƠ QUÁN RƯỢU - Thơ Hoàng Yên Lynh




READ MORE - BÀI THƠ QUÁN RƯỢU - Thơ Hoàng Yên Lynh

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ LÝ BẠCH



             Nhà thơ Chu Vương Miện




MÒ TRĂNG

mấy trự thi hào thời Giữa Đường
ở không nhậu trên thuyền
gió hiu hiu thổi bến Tầm Dương
nhậu sương sương từ chiều hôm tới tối
khoảng vào giờ Hợi thì mặt trăng nhô lên
thi hào nói ngang với rượu Nữ Nhi Hồng nói
bạn thi chương trộn lẫn rượu Hoàng Hoa
nào Mạnh Thường Quân đến tốp đào ca
tiếng cổ cầm tiếng tỳ bà tiếng sênh tiếng phách
uống quất cần câu thi bá Lý Thái Bạch
ra sau thuyền xổ bầu tâm sự mênh mông
sóng chao thuyền xỉn quá ngã xuống sông
nước chậm rãi cuốn trôi đi mất
cũng rất may là thi hữu tửu cùng thuyền phu
sớm hôm sau tìm thấy xác
cũng rất là hồ hởi phấn khởi 
kính chúc sao Thái Bạch về ngôi
đào kép chủ thuyền kẻ khóc người cười
thương tiếc kẻ tài hoa nhậu say 
lăn kềnh xuống sông chết lãng
sợ thiên hạ bá tánh biết được cười pể bụng
bạn nhậu thi ca đặt thêm ra chuyện
đại thi hào nhẩy xuống nước đùa trăng
xác Lý Thi Nhân nổi trên nước bồng bềnh
mà trăng thì đã theo thời gian lặn mất
ôi thố cơm, miếng thịt quay 
sông nước bến Tầm Dương là sự thật

                               chu vương miện


TƯƠNG TIẾN TỬU

có biết chăng? sông Hoàng Hà 
khởi thủy tại lưng chừng trời
tuôn ra bể khơi 
không bao giờ trở lại
có biết thêm
soi gương nhìn tóc bạc
sáng thì như tơ
tối tựa như sương
cũng vừa gà gáy cuối canh năm
mà giờ đã hoàng hôn
trăng mới đầu non giờ chìm đi mất
ngồi dưới gốc hòe gió lùa man mác
không tri âm tri kỷ độc ẩm một mình
một hũ rượu xưa Nữ Nhi Hồng
ngồi lai rai không người thưởng thức
một đĩa tôm khô một phà nhì lạc
một thố cơm một bát chiết yêu canh
vũ trụ thênh thang bốn biển thái bình
uống cho đã cái thân nam tử
đời chỉ là hư vô ? làm chi bất tử
sống bao năm mà thọ tựa nam sơn
vui bao lâu lại chuốc cơn buồn
vòng nhân thế cứ tuần hoàn như vậy ?
uống xong hũ dẹp chai nằm ngay đấy !

                                chu vương miện

NGOÀI LỀ (LÝ BẠCH)

chả có ai làm thơ
mà được phong làm đại quan
mà mèng lắm cũng cử nhân
cao hơn là tiến sĩ
nhưng đôi khi ngoại lệ
vì các người có học vị làm không xong
thành ra phải mời thi sĩ ở không
vào trợ việc triều đình
vừa đọc tấu chương vừa nhậu rượu
say xỉn ngủ luôn trên long sàng
dương dương tự đắc
trên thì là trời
dưới là Lý Thái Bạch
thiên địa phong trần
giữa trời là sao Ngưu sao Đẩu
dưới sông là Kình Ngư
dưới đất có ông uống rượu
hơn hũ chìm và mần thơ
danh nổi như cồn
đồn đãi từ thời Trung Đường
tới tận chừ 

                   chu vương miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ LÝ BẠCH

NỢ EM - Thơ Vũ Trầm Tư

Vũ Trầm Tư
Nợ Em


Nợ em màu mắt thu buồn
Thơ ngây còn giữ nét duyên học trò
Nụ cười một nửa vu vơ
Bên trong mắt ấy thẫn thờ bóng tôi


Nợ em bờ tóc buông lơi
Mây mùa thu ngủ trên đôi vai gầy
Hình như cơn gió heo may
Tôi nghe hương tóc thoảng đầy gối đêm


Nợ em tình nhỏ chưa quên
Tuổi trăng mười sáu bồng bềnh giấc mê
Hình như thoáng nét chân quê
Ru tôi tiếng sóng vỗ về liêu trai


Nợ em chưa trọn vòng tay
Bao năm làm cánh chim bay phố người
Đợi chờ héo nụ hồng tươi
Bước phiêu du đã nửa đời rong rêu


Vẫn còn nồng ấm hương yêu
Ngỡ quên lại nhớ trăm chiều ngổn ngang
Tình em sợi khói lang thang
Tình tôi như vạt nắng hoàng hôn rơi


Vũ Trầm Tư

READ MORE - NỢ EM - Thơ Vũ Trầm Tư