Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 20, 2012

NHỚ BẠN - Lê Ngọc Phái


LÊ NGỌC PHÁI
Quê quán La Duy, QUẢNG TRỊ
Nguyên Giảng viên ĐHNL HUẾ
Chánh Văn phòng Chi Hội Unesco Thơ Đường Tp.HCM
Hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM








NHỚ BẠN

Gởi hương hồn nhà thơ Triệu Phong Đặng Sỹ Tịnh, CHS Nguyễn Hoàng Quảng Trị nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.


Bạn như sương trắng về trời
Tầm xuân thương nhớ* ngậm ngùi nắng mưa
Đời người vừa đấy đã xưa
Khúc ru sợi khói ảo mờ nhân gian.

Một mình lội suối băng ngàn
Quê hương bom thảm, pháo dàn bạn qua
Lòng thơ chở nặng phù sa
Vượt bao ghềnh thác phong ba cõi trần.

Dặm trường đã nghỉ bước chân
Bạn vào giấc ngủ nửa vầng trăng thanh
Cánh đồng thơ nhạc ngát xanh
Anh linh hồn bạn hóa thành hoa thơm.

Hương lòng đốt cháy hoàng hôn
Cánh hoa rụng xuống nhụy còn mai sau.

                                Lê Ngọc Phái
phaimai@yahoo.com

*Những chữ in nghiêng là tên tác phẩm của nhà thơ Triệu Phong
READ MORE - NHỚ BẠN - Lê Ngọc Phái

CHUYỆN GIÁO DỤC VÀ Y TẾ "ĐỜI XƯA" Ở HƯNG NHƠN - Nguyễn Thanh Xuân


Một trường làng thời Pháp thuộc

    Nói là chuyện đời xưa về đời sống của làng ta, nhưng rất gần đây thôi, nghĩa là trước 1945 chút ít mà tôi, đã thấy đã tham gia và đã sống. Bây giờ nhớ lại tôi hình dung như là chuyện cổ tích.
    
   Đời sống thì nhiều chuyện, ở đây tôi nói về sự học và chữa bệnh.

    1. Sự học

     Nhờ Mặt Trận Bình Dân ở Chính quốc (Pháp) mà năm 1936, bốn làng ta gồm Văn Quĩ, Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh mới có một trường gọi là Trường Tổng. Trường đặt tại làng Văn Quĩ, diện tích khoảng 60m2 làm hai phòng dạy cho học sinh 3 lớp (lớp năm, lớp tư, lớp ba). Lớp năm là lớp một, lớp tư là lớp hai và lớp ba là lớp ba bây giờ.

    Tên trường được viết chữ Tây: Ecole Elementaire Văn Quĩ nghĩa là Trường Sơ học (Lớp Ba) Văn Quĩ.

     Học trò niên khoá 1936-1937 khoảng 45-50 em, nói chung con gái chưa được đi học. Đặc biệt ở trường này may có ba gái: một là con thầy và hai con gái nhà giàu, có thế lực và nhà ở gần trường. Thầy dạy chỉ có một thầy Trợ Phức. Đến hai năm sau học sinh lên khoảng 55-60, cũng chỉ 3 gái. Thầy thêm một là thầy giáo Hồng.

   Trước đó chưa có trường nên con em bị thất học, do đó mà trong một lớp tuổi chênh lệch nhau. May mắn, 7 tuổi tôi được học lớp 1 (đúng tuổi quy định) còn nhiều bạn khác tuổi 8 hay 9, hay 10…có bạn như chú Lùng người An thơ 15 tuổi cùng học với tôi.

    Những năm 1937, 1938, 1939, học trò làng ta cả 3 lớp đếm đầu ngón tay: xóm Thượng: Thuỳ, Ấm; xóm Trung: Chiêu, Hối, Phu, Cung, Xá, Khuê;  xóm Hạ : Dương, Đệ, Cự, Ngạc, Xuân, Triều, Dũ, Chấn, Phấn…(còn sót), một số nhiều sinh sau năm 1932 học tiếp tôi không ghi vào đây. Một sổ trên lớn tuổi hơn như Dương (anh Triều), Phố (anh Xá), Toản (em trợ Phiên), Bảy (con Ông Phó Diệu); một số lớn hơn nữa sinh trước 1920 như anh Lãm tôi, chú Quế (Lang) thầy trợ Phiên, trợ Phước, tuổi trước 1910 có lẽ chỉ ông Trần Văn Lý…tất cả trước học đâu tôi không rõ.

    Học sinh Trường Tổng :

                             Văn Quĩ khoảng 20-25 học sinh
                             Hưng Nhơn khoảng 17-23
                             An Thơ khoảng  8 – 12hs
                             Phú kinh khoảng 1 – 3hs

   Học ngày hai buổi, nghỉ thứ năm và chủ nhật /tuần. Học xong chương trình 3 năm được đi thi lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp Sơ học Yếu lược. Dân làng thường gọi là “bằng Yếu lược”. Các gia đình có con đậu Yếu lược lấy làm hãnh diện lắm.

   Thi Yếu lược phải ra tại phủ lỵ Hải Lăng đóng ở Diên Sanh. Gia đình chuẩn bị vất vã lắm. Phải đi thuyền từ ngày hôm trước, đêm nghỉ lại Càng, sáng hôm sau chèo ra Diên Sanh sớm để kịp vào trường thi. Không những thế, mỗi học trò đi thi trong nhà phải có hai ba người đi theo để giữ cho khỏi lạc đường…vì còn quá nhỏ.

   Đậu Yếu lược xong, ai có điều kiện sang thi tại Trường Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sự học được mở rộng hơn trước.

   2.  Chữa bệnh 

      Học còn có trường Tổng, chữa bệnh không có Trạm Y tế. Ai có bệnh tự chữa. Nhà nào giàu có, bệnh thật nặng mới dám mời thầy lang (thầy bốc thuốc Bắc).

    Tôi kể một chuyện, có lẽ từ đó hiểu ra mọi vấn đề:
Ví dụ: Ai đó không may bị xước ở bắp chân, lấy tay quệt máu rửa qua loa nước lạnh, hôm sau tấy lên, rịt vài cái lá vớ vẩn, nó tấy đỏ lên nữa rồi loét, giữa có mủ vàng, chung quanh dày lên một vòng màu tím đỏ. Mụt đó có tên rất đáng sợ là: Mụt Ghẻ Hờm.  Người ta cho con Đỉa cắn vào chung quanh nơi có màu tím đỏ, bởi cho đó là máu độc. Khi ghẻ hờm đang tấy lên vùng quanh đó rất nóng. Đưa con đỉa vào đó nó trườn ra không chịu cắn. Con người khôn ngoan bèn cho con đỉa vào ống thu đủ, dí ống vào chổ cần cho cắn, đỉa lựa mãi rồi đành phải cắn chỗ chỉ định nút lượng máu trong mụt ghẻ hờm ra. Tuỳ ghẻ hờm to nhỏ mà cho mấy con đỉa to nhỏ bu cắn hút máu. Nhìn dễ sợ! Những con đỉa no tròn máu, chúng tôi chơi trò nghịch mới là đem chúng ra sân, xếp nằm thẳng hàng ngay đơ, rắc muối lên lưng, đỉa phun máu ra tia dài trông rất vui, sau đó vất đỉa đã xẹp vào đống tro cho chết.

    Người nông dân dù đang bị ghẻ hờm đau nhức cũng phải ra đồng cày, nước bùn ngâm cả ngày, miệng ghẻ toe toét nhợt nhạt trông rất đau rất tội. Chẳng có thuốc gì, có mụt kéo dài một hai năm rồi để lại vết sẹo nhăn nhúm đen sẹm dài ngoằng.

    Cũng có người đau đầu người nóng, khó chịu, xâm xẩy mặt mày, thường dùng kim chích, nặn ra bớt máu, cũng có người nhờ mấy con đỉa đậu trên trán nút máu độc. Ôi khiếp quá!

   Đời sống nghèo túng, ăn đói mặc rách, nắng đổ lửa, rét cắt da…làm nặng nhọc, sức người có hạn vì vậy bệnh tật gây chết người hàng loạt ngày càng nhiều như thương hàn, kiết lị …Chêt hàng loạt như vậy người ta cho là “chết trùng” chứ không phải do không thuốc men chữa trị.

   Bây giờ sẵn thuốc, sẵn Y, bác sĩ  và ta biết cách phòng bệnh, cảnh tượng trên sẽ đi vào cổ tích.

READ MORE - CHUYỆN GIÁO DỤC VÀ Y TẾ "ĐỜI XƯA" Ở HƯNG NHƠN - Nguyễn Thanh Xuân