|
Tác giả Lưu Thị Phụng |
GIẤC MƠ XUÂN
Truyện ngắn
Lưu Thị Phụng
Mưa suốt đêm qua. Buổi sáng trở dậy, Hoan lẩm bẩm: Tạnh mưa là phun thuốc được
rồi. Năm ngoái cả vườn mất hết. Người ta hồ hởi, nhễ nhại mồ hôi chở vải đi
bán, rồi hối hả về tranh thủ thồ chuyến nữa..., còn cô ngồi nhà, ủ ê, lo bữa ăn
đứt đoạn... Đời người sống bằng nghề làm vườn có nhiều nỗi trớ trêu thật khó
diễn tả. Hai năm trước, thiên hạ mất mùa, cả xóm chỉ mỗi vườn cô được. Quả sai
chíu chít, cô phun thuốc sâu, tưới tắm... một mình quần quật. Cô đổi công cấy
để nhờ người cày bừa, làm bốn sào ruộng, chăm tám sào vườn vải thiều... nhiều
lúc mệt tưởng đứt hơi mà chết. Nhưng cô không chết mà ốm quặt quẹo mất hơn một
tháng, đúng vào vụ thu hoạch vải. Thế là thuê toàn bộ, cả bẻ quả lẫn bán. Trừ
tất tật, có lẽ chỉ hơn người bị mất mùa tí tị. Làm vườn thì năm được năm mất.
Được thì rớt giá, bán trầy trật. Mất mùa được giá, bán như vỗ tay, bán xong lại
tiếc vì bị hớ. Có năm mất mùa là mất trắng. Cho nên, làm vườn cứ như cá nằm
trên thớt. Nhưng cái quan trọng là nhà phải có người, có vốn, có sức khỏe. Đằng
này, ăn đong theo vụ, trăm thứ cũng chỉ mình cô...
Đã sang xuân nhưng trời vẫn còn lành lạnh. Thời tiết bây giờ thất thường, lúc
nắng như đổ lửa, lúc mưa dầm dề, hôm nay thì rét. Cô nhắc hai con mặc thêm áo
đi học, quay vào nấu ăn sáng cho bà nội lũ trẻ rồi bưng bát mỳ cho chồng. Người
đàn ông ấy đã có một thời rất vui vẻ, hoạt bát. Nhưng giờ thì những cơn đau
luôn hành hạ anh đến khổ sở. Anh là thương binh chống Mỹ, cụt chân trái, vẫn
còn mảnh đạn nằm trong đầu, và một vết thương ở bả vai, cứ giở giời là đến khổ
cả bà mẹ già bảy mươi tám tuổi lưng đã còng rạp, hai đứa con một đứa lớp bẩy,
một đứa lớp năm, và cô.
Một mình tất bật lo ăn cho từng ấy con người, chuyện học hành của bọn trẻ, ốm
đau, có ít tiền đâu. Khéo xoay lắm mới có năm không nợ. Còn thường là nợ cứ gối
từ năm nọ sang năm kia, sau vụ vải trả hết nợ cũ lại vay sang nợ mới. Có mấy
khi cô được thảnh thơi, mặc bộ quần áo tươm tươm một tí, đi đôi dép cao cao cho
có dáng người như hồi chưa lấy chồng? Nhiều lúc thấy mệt mỏi quá, chỉ muốn đi một
nơi thật xa, hét lên, khóc thật to rồi nằm lăn ra ngủ một giấc cho quên hết
nhọc nhằn. Nhưng cô yêu anh, yêu hai đứa con, thương bà mẹ chồng. Tình yêu như
là định mệnh, tình yêu ràng buộc cả một thời tuổi trẻ để cô cống hiến, tình yêu
đã buộc đời cô vào một bến đậu, cái nơi mà có một thời cô nghĩ nó toàn màu
hồng, nay luôn căng lên như sợi dây đàn, nhưng nếu cô chỉ dừng lại một quãng là
dây đàn sẽ đứt tung, cô như hăng lên, khao khát được dâng hiến cho cái tổ ấm bé
nhỏ của mình, cô chẳng nề hà miễn là gia đình thân yêu của cô không đói...
Cô mặc bộ quần áo mưa, đi ủng, xách bình phun thuốc sâu, xách cái máy bơm, lọ
thuốc sâu ra ngoài vườn. Sau khi đeo khẩu trang, kính bảo hộ, cô bơm nước hòa
thuốc sâu vào bình rồi đeo lên vai. Khi những tia nước phun lên rồi rơi xuống
tán cây, một mùi hăng hăng xông lên thật khó chịu. Làm vườn mà không có thuốc
sâu coi như vất đi. Sâu bệnh bây giờ quá nhiều. Trồng và thu hoạch được quả
thật gian nan, không ít người còn bị nhiễm độc mang bệnh tật hay bỏ mạng. Thời
tiết lúc nắng lúc mưa khiến sâu phát triển, không phun thuốc đúng kỳ thì chỉ
làm chỗ trú ngụ cho sâu bệnh. Phú thương vợ, không cho cô phun thuốc mà bảo
thuê người. Nhưng vào vụ, nhà ai cũng cần, chờ được người làm thì sâu nhà hàng
xóm sang hết nhà mình. Cô xót ruột nên vẫn làm. Hơn nữa, tiền thuê bây giờ đắt.
Tính là thu được nhiều vải, nhưng cộng tiền phân gio, thuốc sâu, thuê người bẻ
vải, tỉa cành thì còn lại chả được là bao. Mất ba ngày ròng rã, cô mới phun
xong tám sào vườn. Mệt bã người, gáy cứng lại, gai gai, ngây ngấy sốt. Cô vội
về nhà, tắm rửa qua loa rồi lên giường, lịm đi...
Ngày trước, cả anh và cô đều tham gia công tác Đoàn thanh niên ở xã. Họ là một
đôi trai tài gái sắc, giỏi giang và đảm đang. Tình yêu của họ thật đẹp. Tiễn
Phú đi bộ đội, Hoan ở nhà chăm lo cho gia đình và vẫn tích cực tham gia công
tác địa phương. Cô là linh hồn quy tụ những trái tim yêu luôn hướng về tiền tuyến.
Có những nỗi đau mất mát, những niềm hạnh phúc đẫm đìa thời ấy đều chung nhau
san sẻ. Chỉ có cô là không còn gì để kể lể cả. Phú đã bặt tin sau gần hai năm
ra chiến trường. Hoan lặng lẽ và hy vọng. Cô vẫn kiên cường, động viên an ủi
mọi người, giấu đi những lo lắng. Nhưng sau khi đã thu vén xong công việc, khi
đối diện với bóng đêm, cô âm thầm khóc trong nỗi nhớ nhung, đau đớn và hy vọng
Phú sẽ trở về...
Vào một buổi chiều, có người đàn ông chống nạng, đeo ba lô trên vai rẽ vào Ủy
ban xã hỏi thăm... Hôm ấy Hoan trực, cô đứng dậy định trả lời nhưng lại lảo đảo
ngồi phịch xuống khi tận mặt anh. Phú trở về sau mười năm kể từ ngày đi bộ
đội... Anh đã là người tàn phế. Anh im lặng, không muốn Hoan phải khó xử hay
thiệt thòi về mình nên đến giờ mới về thăm gia đình. Anh nghĩ cô đã đuề huề con
đàn cháu đống ấm êm rồi. Đi qua khu văn phòng xã, anh thấy khác quá nên định rẽ
vào hỏi thăm. Nào ngờ chạm mặt Hoan ở đây. Vẻ mặn mòi của Hoan vẫn như xưa tuy
cô có già đi chút ít... Anh lạnh nhạt mà trong lòng đau đớn như có trăm ngàn
mũi kim châm chích, còn cô cứ xoắn xoặn, hân hoan tràn trề hạnh phúc. Rồi anh
cũng phải đầu hàng trước sự tha thiết của cô. Mười mấy năm, cô từ chối bao lời
tỏ tình, cô vẫn đi lại chăm sóc mẹ anh dù anh vẫn còn một người anh trai đã có
tuổi nuôi dưỡng mẹ. Trước ngày cưới, anh đã ôm cô và nhìn thật sâu vào mắt cô
rất lâu, nước mắt ứa ra. Anh thấy mình hạnh phúc, thấy thương Hoan, cảm phục sự
kiên cường và biết ơn Hoan. Anh thầm nghĩ sẽ yêu thương Hoan, suốt đời không
bao giờ làm Hoan buồn... Vậy mà những lúc thời tiết thay đổi, anh lại như một
người điên bởi những mảnh đạn mang từ chiến trường về đã gây nên những cơn đau
đầu nghiệt ngã, làm khổ cô, khổ cả gia đình...
Cô mơ màng khi có tiếng gọi. Đầu ong ong, nhức như búa bổ, muốn mở mắt mà không
được. Dậy ăn tí cháo cho lại sức đi em, rồi uống thuốc cho hạ sốt, tiếng Phú
nhẹ nhàng, bàn tay ấm áp của anh cứ miết miết vết chai sần trong những ngón tay
thô giáp của cô. Đấy là người con trai mình đã yêu suốt mấy mươi năm nhỉ? Hai mươi nhăm năm rồi, từ lúc mình mới mười
bảy tuổi... cô vừa mơ màng, thấy mình được anh dìu đi, hai người đều mặc bộ
quần áo bằng lụa trắng tinh khiết, trông lộng lẫy như công chúa và hoàng tử.
Chàng đưa nàng đến một nơi rất xa, rất nhiều những bông ngũ sắc sặc sỡ và thơm
ngát, nàng hít hà hương hoa và tựa vào bờ vai vững chãi của chàng trong một
giấc ngủ mê say...
Cô mở mắt, Phú nằm kề bên, khuôn mặt hốc hác. Em ngủ một ngày một đêm rồi đấy.
Nhưng may quá em không còn sốt nữa. Bác sĩ bảo em chỉ bị kiệt sức thôi. Phú ôm
ghì vợ vào lòng, anh sẽ sàng cà cà hàm râu lởm chởm mấy hôm chưa cạo vào mang
tai vợ. Hoan cũng vòng tay ôm ghì lấy anh, nhớ về giấc mơ có niềm hạnh phúc vừa
qua...
Bên ngoài, tiếng chim hót
líu lo đang gọi mùa xuân về.
L.T.P
Lưu Thị Phụng, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang,
<luuphung1955@gmail.com>