Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 22, 2018

CHIỀU QUÊ / THU BUỒN / SÀI GÒN THU - Thơ - Nhật Quang

Tác giả Nhật Quang


Chiều Quê


Lơ lửng lam chiều quyện khói mơ
Vi vu diều sáo gió mong chờ
Cánh cò lơi lả vầng mây trắng
Ru khúc chiều quê đượm ý thơ.


Thu Buồn


Phố buồn lẻ bước bóng đơn côi
Lưu luyến người xa mãi cuối trời
Gió quyện Thu vàng xào xạc lá
Lối về hun hút mãi xa xôi.


Sài Gòn Thu


Sài Gòn man mác gió Thu sang
Phất phới nghiêng bay áo lụa vàng
Sánh bước bên em chiều lá đổ
Phố buồn đếm nhịp bước mênh mang.


                                  Nhật Quang

READ MORE - CHIỀU QUÊ / THU BUỒN / SÀI GÒN THU - Thơ - Nhật Quang

NỖI NHỚ THEO ĐỜI - Nhạc và lời: Nguyễn Tâm Hàn - Giong ca: Quỳnh Lan

Nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn
nguyentamhan@gmail.com


READ MORE - NỖI NHỚ THEO ĐỜI - Nhạc và lời: Nguyễn Tâm Hàn - Giong ca: Quỳnh Lan

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 25) - Nguyễn Ngọc Kiên


                  Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



NHỮNG  THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 25)
                                            Nguyễn Ngọc Kiên

(80) 歧路亡羊[Kỳ lộ vong dương] (lầm đường lạc lối). Thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện cổ về việc tìm kiếm một con cừu đi lạc.
Nhân vật chính của câu chuyện là Dương Tử, một triết gia nổi tiếng và học giả sống ở nước Ngụy trong thời Chiến Quốc (475-221 TCN).
Một ngày nọ, người hàng xóm của Dương Tử bị mất một con cừu và huy động toàn bộ gia đình của ông cũng như nhiều người khác trong thôn bản để giúp tìm kiếm con vật ấy. Ông ấy đã nhờ đến sự giúp đỡ của Dương Tử, và Dương Tử đã cho tất cả các học trò và người hầu của mình đi ra để giúp tìm kiếm con cừu.
Cùng với người thân và bạn bè của người hàng xóm kia, Dương Tử nhận thấy rằng một nhóm rất đông người đã tụ tập để tham gia tìm kiếm.
Tại sao lại cần đến rất nhiều người để tìm một con cừu bị mất?”, Dương Tử hỏi người hàng xóm.
Bởi vì có rất nhiều con đường bị rẽ nhánh”, người hàng xóm trả lời.
Khi màn đêm buông xuống và mọi người trở về, Dương Tử hỏi: “Mọi người đã tìm thấy con cừu chưa?
Một trong những người hầu của Dương Tử trả lời: “Có rất nhiều con đường rẽ nhánh, với mỗi một con đường lại dẫn đến nhiều con đường rẽ nhánh nữa. Bởi vì con không biết đi theo đường nào, con đã từ bỏ”. Những người khác đồng ý rằng đây cũng chính là lý do mà họ quay trở lại.
Một trong những người đàn ông đã đi tìm giúp con cừu bị lạc trở về tay không và nói với ngài Dương Tử rằng có rất nhiều ngã rẽ mà người này không biết đi theo hướng nào. (Hình họa: Jane Ku/Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Dương Tử đã lắng nghe rất chăm chú rồi im lặng trong một thời gian dài, trông thực sự nghiêm trọng. Các học trò thì thực sự bối rối và không hiểu người thầy của mình đang nghĩ về điều gì.
Sau khi suy nghĩ sâu sắc tình hình, ông đã dạy nguyên lý sau đây cho học trò của mình:
Khi có quá nhiều con đường nhỏ phân ra từ tuyến đường chính, các con không thể tìm thấy một con cừu bị mất và bản thân cũng có thể dễ dàng bị lạc trong những con đường nhỏ ấy.
Tương tự như vậy, khi một người học trò có quá nhiều mối bận tâm phân rẽ ra từ mục tiêu chính của mình, người đó có thể dễ dàng phung phí thời gian của mình.
Chỉ có một nguồn gốc thực sự của tất cả các kiến thức, nhưng con đường để đạt được kiến thức này thì rất nhiều. Chỉ bằng cách đi theo con đường đúng đắn trở về với chân lý tối hậu mới có thể giúp cho một người tránh bị lạc lối.
Nếu các con không tìm ra được định hướng đúng đắn, các con sẽ không đạt được gì, giống như những người thất bại trong việc tìm con cừu bị mất kia.”
Câu chuyện này được tìm thấy trong một điển cố Đạo giáo gọi là Liệt Tử (1). Câu chuyện có tên là Kỳ Lộ Vong Dương (歧路亡羊) nghĩa là “con đường rẽ nhánh, cừu bị mất” sau này được sử dụng như một thành ngữ.
 “Nếu các con không tìm ra được định hướng đúng đắn, các con sẽ không đạt được gì, giống như những người thất bại trong việc tìm con cừu bị mất kia”.
Thành ngữ này mô tả việc bị lầm đường lạc lối, hoặc trở nên vô vọng khi lẫn lộn trong một tình huống phức tạp, nơi có quá nhiều con đường hay chọn lựa khả dĩ .
Thành ngữ này được sử dụng để truyền đạt ý tưởng rằng khi đối mặt với nhiều sự lựa chọn và các vấn đề phức tạp, người tìm kiếm sự thật có khả năng trở nên bị lạc lối hay mất phương hướng, trừ khi họ có sự quả quyết và đi theo con đường đúng đắn.
(1) Cuốn sách Liệt Tử (列子, Lie Zi) là một điển tích Đạo giáo chủ đạo bao gồm tám chương, với hầu hết các chương được đặt theo tên của một nhân vật nổi tiếng trong thần thoại hay lịch sử Trung Quốc từ năm 2698 trước Công nguyên đến 350 TCN. 
 Cận nghĩa với thành ngữ này có: 误入歧途  [ngộ nhập kì đồ] (lầm đường lạc lối)

Traí nghĩa với thành ngữ là: 改邪归正 ( cải tà quy chính)


(81)半途而廢 [Bán đồ nhi phế] (Bỏ cuộc nửa chừng).
 Thành ngữ 半途而廢[bán đồ nhi phế] (Bỏ cuộc giữa chừng). Đó là thành ngữ nói về tình huống bỏ dở một cái gì đó khi chưa hoàn thành, bắt nguồn từ “Trung Dung”(1), một trong bốn bộ sách kinh điển của Nho giáo.
Câu chuyện như sau: Trong thời kỳ Chiến Quốc (475-221 TCN), có một người đàn ông tên là Nhạc Dương Tử sống với vợ ở nước Việt.
Một ngày nọ, Nhạc Dương Tử nhìn thấy một miếng vàng trên đường và nhặt nó lên. Anh đem về nhà và đưa cho vợ.
Vợ anh nhìn vào miếng vàng và nói: “Thiếp nghe nói rằng một người có phẩm hạnh sẽ không uống nước của một tên trộm và một người đàn ông liêm chính sẽ từ chối chấp nhận của bố thí. Chàng nghĩ gì về việc nhặt lên một vật bị rơi mất của người khác và sở hữu nó cho riêng mình?
 “Cắt đôi tấm vải” là một câu chuyện để minh họa thành ngữ “Bỏ cuộc nửa chừng” và tầm quan trọng của việc kiên trì làm một cái gì đó từ đầu đến cuối.
Nghe điều này, Nhạc cảm thấy xấu hổ và đem nó trở lại nơi mà anh đã tìm thấy nó. Nhạc sau đó quyết định tìm kiếm các thầy dạy học để làm phong phú thêm kiến thức của mình. Nhận được sự ủng hộ từ vợ, Nhạc bắt đầu cuộc hành trình.
Một năm sau đó, Nhạc đột nhiên trở về nhà. Vợ anh, khi đó đang dệt vải lụa, quỳ xuống để chào đón anh ta và ngạc nhiên hỏi: “Chàng chỉ mới ra đi cầu học có một năm. Tại sao giờ lại trở về rồi?
Nhạc trả lời: “Ta trở về nhà để gặp nàng bởi vì ta nhớ nàng rất nhiều.” 
Không nói thêm một lời nào, người vợ nhặt một cây kéo và đi đến khung cửi nơi cô đang làm công việc.
Chỉ vào tấm thổ cẩm thêu còn đang dang dở, cô nhẹ nhàng nói: “Đây là thổ cẩm được dệt từ tơ tằm tốt nhất. Thiếp đã đan từng sợi nối tiếp nhau để dệt ra nó. Bây giờ nếu thiếp cắt nó, tất cả các công việc nãy giờ của thiếp sẽ trở thành vô ích. Đó cũng tương tự như  sự học hành của chàng. Chàng chỉ có thể tiếp thu kiến thức thông qua sự cần mẫn. Bây giờ, chàng đã dừng lại nửa chừng. Không phải là nó cũng giống như cắt vải trên khung cửi này sao?
Nhạc đã xúc động sâu sắc bởi những gì người vợ nói. Anh rời khỏi nhà một lần nữa; lần này với quyết tâm rằng sẽ không bỏ cuộc giữa chừng trong việc học hành của mình. Vài năm sau đó, Nhạc đã trở thành một người đàn ông rất uyên bác.
Thành ngữ này được dùng để chỉ một hành động mà bỏ dở ở giữa quá trình. Nó nhắc nhở rằng những nỗ lực của một ai đó, tất cả sẽ trở thành vô ích nếu người ta không thể cố gắng theo đuổi làm mọi thứ từ đầu đến cuối.
(1) Người ta cho rằng “Trung Dung” được viết vào khoảng năm 450 trước Công nguyên bởi cháu nội của Khổng Tử. “Trung Dung” (中庸) ban đầu được coi là một thiên trong tác phẩm “Kinh Lễ” của Khổng Tử. Sau đó, nó được coi là một trong bốn bộ sách kinh điển Nho giáo. “Trung Dung” cũng còn được dịch là “Lý thuyết của thế cân bằng”, “Trung Đạo” và “Lý thuyết của sự hài hòa.”
                        (Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Cachs dùng thành ngữ; có thể  làm vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ, bổ ngữ. Kết cấu ngữ pháp: chính phụ
Cận nghĩa với thành ngữ này có các thành ngữ: 功亏一篑 (việc sắp thành lại hỏng)有始无终 [hữu thủy vô chung] (đánh trống bỏ dùi), 浅尝辄止(Không đi sâu nghiên cứu); 因噎废食 (vì chuyện nhỏ bỏ chuyện lớn ); 半途而返 (nửa chừng bỏ dở); 付之东流 (thả trôi dòng / bỏ mặc; 打退堂鼓 (bỏ cuộc/ chạy làng); 前功尽弃  (công lao đổ biển).
Trái nghĩa:坚持不懈 (bền bỉ); 有始有终 (có trước có sau); 滴水穿石 (nước chảy đá mòn).
Dịch sang tiếng Anh: to give up halfway; to drop/fall by the wayside; to stop half way.

(82) 專心致志 [Chuyên tâm tri chí] (chuyên tâm mới đắc đạo).
Ngày xưa, ở Trung Quốc có một bậc thầy về đánh cờ tên là Dịch Thu. Ông nổi tiếng là cao thủ chơi cờ lão luyện nhất thời bấy giờ. Một lần, ông nhận hai người Ah và Bi làm đệ tử và hàng ngày dạy họ đánh cờ.
Một hôm, ông dạy họ một số thuật đánh cờ quan trọng. Ah nghe giảng rất chăm chú và hoàn toàn nhập tâm vào bài. Trong khi đó, Bi vừa nghe giảng vừa để tâm trí ở nơi khác.
Trong giờ học, Bi nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh ta thấy một con thiên nga ở ngoài hồ và liền tưởng tượng ra việc trong tay có một cây cung cùng mũi tên, anh giương cung bắn con thiên nga đó rồi mang về nấu một bữa tối ngon lành.
Ngay sau đó Bi nhận ra đó chỉ là tưởng tượng trong khi anh vẫn ở trong lớp học. Anh cảm thấy thật đáng tiếc khi phải học bài lúc này. Bi quay lại nghe giảng nhưng chỉ được một lúc lại quay ra cửa sổ nhìn một con thiên nga khác. Bi lại nghĩ tới việc bắn con thiên nga kia rồi nấu nó cho bữa tối.
Dù Bi cùng học một bài giảng giống như Ah nhưng anh lại không tập trung vào lời dạy của sư phụ mà lại để đầu óc mình lơ đễnh vào những việc khác. Thậm chí Bi vẫn quẩn quanh trong tưởng tượng của mình khi bài giảng đã kết thúc.
Sư phụ Thu cũng nhận ra việc Bi lơ đãng việc học. Ông yêu cầu hai học trò của mình chơi một ván cờ vào cuối buổi học.
Ah đã áp dụng ngay những kĩ thuật vừa được học và chơi rất tốt. Trong khi đó, Bi phải rất vất vả để chống đỡ nước cờ của Ah và cuối cùng đã thua cuộc.
Sư phụ Thu nói với học trò: “Nếu một người không toàn tâm toàn ý vào việc học, anh ta sẽ không học được điều gì cả.”
Câu truyện trên dựa theo một trích đoạn trong thiên Cáo tử sách Mạnh Tử(1). Sau này, câu nói trong truyện 專心致志 (zhuān xīn zhì zhì), nghĩa là “chuyên tâm mới đắc đạo”, đã trở thành một câu thành ngữ.
Ghi chú: Mạnh Tử sinh năm 372 mất năm 289 trước công nguyên, là một triết gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông là Nho sĩ nổi tiếng chỉ sau Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo. Triết lý của ông chủ yếu tập trung vào bản tính thiện của con người.
 Cận nghĩa với thành ngữ này là:  聚精会神 [tụ tinh hội thần] (tập trung tinh thần) 一心一意 [nhất tâm nhất ý] (một ý một lòng), 专心一意 [chuyên tâm nhất ý] (toàn tâm toàn ý); 全神贯注 [toàn thần quán chú] (hết sức chăm chú)
  Trái nghĩa với thành ngữ là: 心不在焉 [tâm bất taị yên] (bụng dạ để đâu đâu) 心猿意马 [tâm viên ý mã] (bồn chồn hay thay đổi); 漫不经心 [mạn bất kinh tâm] (dửng dưng / không chuyên chú)

                                             Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 25) - Nguyễn Ngọc Kiên

EM VỀ VỚI PHỐ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân

EM VỀ VỚI PHỐ
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN



“Em về với phố. Cứ mỗi lần em về với phố trong nhà bỗng thưa vắng đi những nụ cười, chiếc mâm bốn người bỗng vắng đi một đôi đũa, ba mẹ và cả tôi thèm những bữa cơm đông đủ đến độ tiếc ngẩn ngơ. Nay em đi làm xa xứ, những tiếng cười heo hắt chỉ đọng lại trong mỗi bữa cơm, cuộc sống bôn ba, đủ để tôi nhớ về em, hiện tại chẳng thể nào bắng kí ức. Điều ấy, đôi lúc nghĩ thật đau lòng.”
Chị em tôi lớn lên bên nhau, yêu thương và thiết thân đến độ chẳng khi nào có ngày hai đứa sẽ xa nhau dù sóng gió cuộc đời có đưa đẩy cả hai đến mức nào chăng nữa. Tôi hãy còn nhớ có bận, hai đứa ngồi coi phim, nhìn thấy cảnh hai chị em nhà nọ cãi nhau, nó đương không ngồi khóc tu tu:
-Chị ơi, chị hứa nha, mình đừng bao giờ cãi nhau như vậy hết... Cãi vậy là xấu lắm, xấu lắm.
Tôi vuốt tóc em thơ, miệng thay những nụ cười rất rõ. Chị em tôi quấn nhau mà lớn lên, ba mẹ biền biệt theo những chuyến hàng xa, thứ để lại duy nhất cho con là sự đủ đầy nhưng đong tràn nỗi nhớ. Hai đứa tôi thương nhau mà lớn. Còn nhớ có bận bão chợt về, nhà dột tứ tung, hai đứa quấn mền thành một cục với nhau, thanh âm duy nhất trong đêm là tiếng nước nhỏ trên mái rơi xuống xô nghe toong toong thấy vui tai. Em ngồi cạnh tôi, ánh đèn dầu không cũng làm em thấy sợ. Nhà lúc ấy tường thì ngấm nước tỏa hơi rất lạnh. Hai chị em ngồi nhìn mưa suốt cả đêm. Nhà cạnh bờ ao, nước tràn cả ruộng rau muống trước ngõ. Em hỏi tôi:
-Có khi nào sáng ngày rắn dưới ruộng bò lên bờ không hả chị?
Tôi cốc đầu em cái tội giỏi nhát mình. Ấy thế mà lúc đó, một khúc củi trôi vào làm tôi giật bắn, khóc ngẩn ngơ, em lật khúc củi đang trôi hững hờ cười như nắc nẻ. Lũ trẻ xóm tôi thích những mùa nước nổi hơn là người lớn bận bịu với những bữa mưu sinh. Vì mỗi khi mưa về, nước từ ao tràn lên xóm nhỏ, đủ tới đầu gối, đồng thời cá cũng tràn lên một ít. Chúng tôi thích những hôm sáng trăng, từng đàn cá chốt nhỏ xíu bơi lượn trên đường làng, và chúng tôi thi nhau mang rổ mà úp, mà vục về nấu cháo. Nhưng mấy anh chốt nhà ta cũng tinh ranh đáo để lượn rất nhanh, mà trên người lại có những thứ hơi nhọn như gai chích vào tay sẽ dễ chảy máu. Mưa về, người lớn chẳng buồn xuống nước vì dầm nước cả sáng ngày, chỉ có lũ trẻ, đứa này níu tay đứa kia, lội nước đi vớt cá. Thi thoảng tôi phải hét lên với đám nhỏ:
-Mấy đứa đừng có lại gần chỗ đó, vớt ở chỗ phía trong này này, ra đó là gần mép ao rồi, hụt chân, sâu lắm đấy.
Vậy mà tụi con Út Ngọc, Út Thu cứ mon men theo mấy chú cá lại gần đó, có bận suýt té được mấy đứa giữ lại tự nhiên ôm nhau khóc rình rang. Tưởng bận này sợ nhưng hôm sau vẫn vác rổ đi vớt cá cho kì được. Đám trẻ nhà quê chúng tôi ham chơi thì ít mà thương ba thương mẹ thì nhiều.
-Nghĩ bọn bây không đi nữa. Chưa tởn à?
Con Út Ngọc thỏ thẻ:
          -Không đi sao đặng? Nước ngập lúa bữa giờ, ba má tao chẳng đi làm chi được.  Lúa trắng đồng cũng chỉ tổ béo cho mấy lũ vịt.
Rồi nó cười hì hì, nhanh tay vục. Em tôi chẳng nói tiếng nào, lại gần nhỏ, đổ nguyên cả giỏ cá vào rổ:
           -Mày mang về nấu cháo cho ba má mày đi. Hôm qua mày dầm nước cả ngày rồi khéo bệnh.
Con Út Ngọc rưng rưng, đám trẻ thấy thế chẳng ai bảo ai, cũng chia sớt cho nó một ít, thằng Cả Lạc hay ghẹo nó cũng nhanh nhảu trút vội mớ cua vừa mò, nhưng "chảnh" thế nào lại hất cằm lên chống nạnh bảo:
-Mớ cua ấy mới mò, nhà tao chả ai thèm ăn, tao cho mày tất.
Làm cả lũ phì cười. Nhỏ xách giỏ cua lững thững về, chúng tôi nghe trong gió dội về tiếng nó khoe:" Mấy đứa cho con đó má, mình nấu cháo nồi thiệt bự chia cho tụi nó nữa nha má", tôi bất giác nhìn, những đứa nhỏ xóm tôi vẫn đang hì hục vớt cá nhưng đứa nào cũng nở nụ cười. Em tôi xách giỏ cá còn chút ít lội về kho, trong nhà, nước đã thấp đi chút ít, độ cao hơn mắt cá chân, hai đứa nấu cơm muộn, vả nước ở chân cho khô leo lên tấm phản nhỏ ngồi, cơm nghi ngút khói, miếng cá kho còn thơm mùi mắm.
-Chừng ba má về mình cũng vớt cá, cũng làm kho cho ba má ăn chị ơi.
-Đần, ba má về có còn nước nổi nữa đâu.
-Hay giờ mình kho để đó ba má về ăn chị?
- Càng đần nữa, đợi ba má về cho cá nó thiu hết à?
Nhìn nó tiu nghỉu chẳng hiểu sao lại thấy thương ôm vào lòng:" Cứ ráng học kho cá thiệt ngon đi, đợi ba má về kho cá khác". Chân trời tuổi thơ của tôi là với nó, với những lần đùm bọc nhau những ngày như vậy, rau cháo nuôi nhau. Nó học giỏi, chẳng bù với tôi lúc nào cũng lao vào những trò đùa nghịch. Khi tụi tôi bước vào cấp ba, ba mẹ ngừng những chuyến đi. Gia cảnh bắt đầu bước vào những khó khăn, ba tôi hay trở trời đau nhói bởi vết thương đau chân hành hạ, mẹ lại yếu. Hai đứa tôi vừa làm vừa học, tới bận tôi phát hiện mình bị đau gan, cũng may là chưa biến chứng nhưng thi thoảng lại trở đau không làm gì được, chỉ biết nằm nhà. Em tôi miệt mài theo má gánh lúa ra đồng, chân hong nắng đỏ hỏn, lúc nào cũng thế, học xong trước tôi rồi phụ mẹ, vỗ ngực tự hào: " Chị ngồi học đi cho vững, em phụ má được rồi." Nó thay ba đảm việc nhà, cứ như trụ cột gia đình, từ một cô bé yếu đuối thành một người mạnh mẽ, mái tóc cũng ngắn dần đi. Bàn tay em yếu đuối nhỏ bé ngày nào bắt đầu thấm những vết chai, tôi vào đại học.
Lên đại học bắt đầu học nặng, tôi học trường nhỏ, nhưng kinh phí cũng đè nặng cả gia đình, học được một năm em tôi nhận giấy báo vào trường đại học trên phố, khỏi phải nói gia đình tôi hãnh diện cỡ nào. Ngày trước khi nó xách balo đi hai đứa tôi cùng nằm cạnh nhau không ngủ được. Qua những chấn song bằng gỗ của cái cửa sổ mái tranh không bao giờ khép, ánh trăng vàng vọt hắt vào. Nó hỏi tôi:
-Nếu không học đại học mình cũng đỡ khoản tiền chị nhỉ?
Tôi lắc đầu quầy quậy:
       -Bậy, em mà không đi học người ta sẽ xem như em là kẻ vô học, người ta nói ba má mình không còn gì hết đó.
Em im lặng không nói tiếng nào. Sớm sau thức dậy tôi không thấy nó, nghĩ nó đi mà sợ tôi buồn nên không từ biệt, bẵng tới hôm nó cùng má về sau buổi làm đồng. Tôi ngơ ngác:
-Ơ, con bé này, sao chưa đi?
-Nghĩ lại thì em không nên đi chị ơi. Tiền đã không có, em nghĩ em nên để nhượng lại cho năm sau cũng được, cứ để chị học cho hết đã. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà trong lòng tôi vừa giận dỗi, vừa uất ức mà lại thấy vừa bất lực trong lòng, miệng tôi như thuộc về một kẻ nào đó thật ác độc:
           -Nuôi mày lớn chừng này cho mày học cho nên người chứ không phải để mày thành kẻ ăn bám cha mẹ, học không ra học, chơi không ra chơi.
Em sững lại nhìn tôi không nói gì, cả tối hôm đó hai đứa không nhìn mặt nhau, hôm sau, em đi. Em đi từ khi còn khá sớm, và chúng tôi không còn liên lạc từ đó. Cứ như một sự mất tích, em biến mất. Không thông tin gì về em, ba má khóc hết nước mắt, còn tôi đắng lòng chẳng nói rõ thành lời. Đầu óc tôi chỉ quanh quẩn với những nghĩ suy rằng việc em bỏ nhà ra đi là tại tôi, tại những câu mắng em của tôi ngày hôm đó. Ngày này qua ngày khác, tôi lân la hỏi khắp nơi về em, tóc ba sau những đêm bạc trắng, tiếng mẹ khóc thổn thức mỗi đêm, tôi như một cô bé thu mình lại trong bốn bức tường. Phần vì lo cho em, phần vì dằn vặt. Bẵng đi mấy tháng, em về. Ba mẹ ôm em khóc như mưa, còn tôi chỉ biết đứng sững nhìn em phía trước. Em đã có công việc ổn định trên phố, không học tiếp con đường đại học còn đang dang dở. Em không nói nhiều về cuộc sống em nơi phố thị, chỉ xin lỗi thật nhiều, còn ba mẹ chỉ biết ngồi khóc rưng rức.
-Có phải ngày ấy em đi là vì chị không?
-Không, vì em nhận ra mình không có điều kiện học tiếp. Nếu số phận em đã dang dở em không muốn chị
cũng như thế. May thế nào lại có công việc ổn định trên phố, bởi thế em muốn lo thật chu tất mọi việc rồi mới về. Em muốn có thể lo được cho gia đình mình.
Nghe em nói tôi chỉ biết im lặng trước những nghĩ suy trẻ con của mình.
           -Làm trên phố ổn không em?
          -Ôn mà chị. Em không quan tâm vất vả, quan trọng là nhớ nhà, và cứ mỗi khi nhớ nhà, em lại cố gắng làm thật nhiều, nỗ lực thật nhiều- Rồi đột nhiên, em im lặng- Chị có ghét em không? Khi em bỏ đi đột ngột như thế? QUãng thời gian ấy chắc chị đã suy nghĩ rất nhiều…
         - Nhiều chứ. Nhưng trên hết chị bất lực khi nghĩ rằng tại chị mà em đi. Chị đã không biết những gì em chịu đựng khi bỏ đi ước mơ đại học của mình. Chỉ biết bất lực và trách em mà thôi.
Em ôm tôi lại không nói gì nữa. Hai đứa ngồi ngắm sao đêm, cả một trời tuổi thơ dập dìu phía trước. Có khác chăng giờ hai đứa cả hình hài lẫn tâm hồn không còn vô tư lự như ngày xưa nữa, đều đã thuộc về những miền rất khác, những khoảng trời người lớn mà hai đứa phải đón nhận. Tôi không hỏi nhiều về cuộc sống nơi phố thị của em, bởi nhìn bàn tay gầy guộc, và chai sạn của em dường như tôi đã hiểu cả. Chẳng phải vì tôi không quan tâm em mà tôi hiểu, em tôi, đến một lúc nào đó khi thật sự cần thiết, khi em quá mệt mỏi và chán chường, em sẽ tìm đến tôi, ôm lấy tôi. Vì tôi biết cô em bé bỏng của tôi, có những thứ nó biết, nó cần, nó sẽ tự nói ra, chứ đừng bao giờ quyết định thay nó. Và cứ mỗi bận về thăm nhà ngắn ngày xong em lại đi, bươn chải nơi phố thị, đỡ đần cả nhà qua yêu thương xa xứ…
Em về với phố
Ba mẹ nhớ tiếng cười đến độ khóc ngẩn ngơ
Tôi vuốt tóc em còn thơ
Thèm nghe tiếng em tới mức như phát cơn rồ dại.

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - EM VỀ VỚI PHỐ - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

CÀ PHÊ CHIỀU - Thơ Vĩnh Thuyên




CÀ PHÊ CHIỀU

Chiều ngỡ trời mưa nhưng mưa không đến
Chỉ có ưu phiền quanh quẩn,quẩn quanh
Khoảnh khắc mà quên đường về quá khứ
Thêm nữa chiều này được mấy chiều qua

Chờ đến khi nào hò hẹn cô đơn
Em sẽ thấy ly cà phê
biết nhớ
Những giọt đắng thành cay bỡ ngỡ
Vì hôm qua có gã khóc thất tình

Và hôm nay có ả hát một mình
Bài ca cổ thân phận người goá phụ
Dù ước mơ là những gì không thể
Như đêm buông dần...tiếng
hát à ơi!?

VĨNH THUYÊN
READ MORE - CÀ PHÊ CHIỀU - Thơ Vĩnh Thuyên

TÌNH GIÀ - Thủy Điền





 TÌNH GIÀ

Ước gì khi tuổi tám mươi
Còn ngồi kề vợ nở cười như hoa
Măn mê từng sợi tóc ngà
Chung nhau bên ấm, tách trà sáng mai
Khác chi một khoảng đời trai
Bên nàng tiếu tiếu, hài hài chuyện vui
Choàng hôn đỏ má, em cười
Bên hàng chè đậu lúc trời về đêm

Ước gì sức khỏe vững bền
Cùng người xuôi, ngược khắp miền gần, xa
Lên non, xuống biển, xe, phà
Nhìn mây, nhìn nước, ngắm hoa hữu tình
Như thời trai trẻ thư sinh
Hè về hai đứa đứng nhìn phượng bay
Thu sang tay nắm…. đường dài
Lê chân chậm bước nhặt vài lá thu

Ước gì được tuổi chín u
Để ta kề cạnh ngồi ru tình già
Tiếng em thay thế tiếng “Bà “
Cười tươi em bảo “Ông” à tôi đây.

Thủy Điền
22-05-2018

READ MORE - TÌNH GIÀ - Thủy Điền

HỒN QUÊ - Thơ Phan Dương Thy, nhạc Lê Minh Phước


HỒN QUÊ
Thơ: Phan Dương Thy
Nhạc: Lê Minh Phước
Quê cũ chia xa chiều tháng ba.
Tiễn chân đại bác khói mù xa.
Qua cồn Mã Đỏ hồn phách lạc.
Hối hả hoàng hôn đến Đông Hà.
Cổ Thành lơ ngơ cùng tiếng pháo.
Đến Huế lắt lay kẻ không nhà!
Thạch Hãn đôi bờ chia cắt máu!
Đại lộ kinh hoàng biệt quê cha!
Mùa hè đỏ lửa đi biền biệt!
Gio Linh, trở lại đã về già.
Sáu mươi, đời đã đành phận bạc!
Kỷ niệm xưa nhớ mãi không nhòa.
Đốôc Hưởng nắng vàng hôn cát lạnh.
Vục mình nghe Long mạch thở sâu!
Nhĩ Hạ say lòng trăng cát hẹn!
Hồn làng bay trên sóng cát tình đầu!


READ MORE - HỒN QUÊ - Thơ Phan Dương Thy, nhạc Lê Minh Phước

TÌNH FACEBOOK TRONG BÀI THƠ “CHẢ BIẾT THẾ NÀO” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG - Châu Thạch

   
               Nhà bình thơ Châu Thạch


TÌNH FACEBOOK TRONG BÀI THƠ “CHẢ BIẾT THẾ NÀO” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG

Tôi chơi facebook đã nhiều năm và tôi viết cảm nhận thơ trên fay cũng nhiều. Với tôi trên facebook không có thơ rác, chỉ có thơ hay nhiều hoặc hay ít, thỉnh thoảng có thơ không hay mà thôi. Thế nhưng thật tình, lâu như thế hôm nay tôi mới gặp một bài thơ viết về tình yêu trên facebook mà thâm thúy như bài thơ “Chả Biết Thế nào” của Thị Quỳnh Dung Lê, một bạn trên fay mà tôi chưa biết chút nhân thân nào. Đọc thơ, nhiều người nghĩ rằng tác giả viết về tình yêu đơn phương của mình cho một người nào đó trên trang ảo. Thế nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ tác giả đã hình tượng trang ảo thành một nhân vật để gởi vào nhân vật ấy tình yêu của chính mình, tức là tình yêu với trang ảo facebook.
Ta vào khổ đầu của bài thơ thấy một tình yêu với đầy đủ hương vị của nó:

        Chả biết thế nào mà mình được gặp nhau
        Trong sầu nhớ, biệt ly và thao thức
        Chả biết thế nào mà con tim rạo rực
        Một lời yêu không có, có bài thơ

Có ai yêu mà không biết mình gặp nhau trong tình huống nào? Có ai yêu để sầu nhớ, biệt ly và thao thức mà không có một lời tỏ tình nào của ai đó. Chỉ có một bài thơ viễn vông mà nhung nhớ đến vậy?. Đọc thơ ta thấy ở đây có một tâm hồn vô cùng nhạy cảm. Tình yêu đến rất tự nhiên của tác giả giống như định mệnh từ tiền kiếp. Đọc thơ chắc ai cũng đánh một dấu hỏi trong đầu. Có phải đây là một mối tình cúa tuổi thơ ngây? Có phải đây là một mối tình còn e ấp? Thế nhưng không phải, vì những mối tình như thế ấy thì không đến nỗi “sầu nhớ, biệt ly và thao thức”. Vào đề nhà thơ đã cho ta một cảm nhận lạ lẩm. một gợi ý tò mò, một linh cảm cho ta biết diễn biến của bài thơ sẽ có nhiều tình tiết độc đáo hơn. Và rồi tiếp theo, tác giả bài thơ lại đưa ta đi sâu thêm vào một cung mê với hình ảnh mập mờ của người yêu dấu. Nhà thơ đặt những dấu hỏi to lớn trong đầu mình để kích thích trí tưởng tượng trong tâm hồn người đọc: 
   
         Chả biết thế nào mà mình hóa dật dờ
         Họ lắm thứ đào hoa vàng khắp ngõ
         Chả biết thế nào mình đã buông không bỏ
         Để lâu lâu còi rúc xoáy tâm hồn

Tác giả “chả biết thế nào” nhưng người đọc thơ thì lại biết thế nào. Biết đây là một thứ tình mà nhà thơ đã nghiện. Nghiện cho nên đã bao lần buông mà không bỏ được. Nghiện cho nên dầu biết “Họ lắm thứ đào hoa vàng khắp ngõ” nhưng lòng vẫn không khinh không giận, lại để tâm hồn mình bị réo gọi như tiếng còi thúc dục báo hiệu giờ vào việc.
Khổ thơ cho ta thấy có một sự dùng dằng trong tâm hồn tác giả. Sự dùng dằng ấy thể hiện cho một tình yêu không trọn vẹn mà rất lôi cuốn. Hình bóng của tình yêu lãng đãng trong đời, không đem đến sầu bi mà đem đến nhiều mơ mộng. Người đọc đọc thơ, cảm nhận thứ tình yêu nầy đi vào trong tâm hồn mình như một mùi thơm khác lạ, không đậm đà nhưng thoang thoảng một mùi hương tình nhớ mãi, mà ai trong đời chắc cũng có một lần hạnh ngộ.
Qua khổ thơ thứ ba và thứ tư, tác giả công khái tình yêu ảo của mình. Đó là thứ tình yêu đơn phương trên Facebook. Đó là yêu vì “câu thơ sắc, lời bình hay” của ai đó:

       Chả biết thế nào mà mình lại bồn chồn
       Lời ai đó đẩy đưa trên trang ảo
       Câu thơ sắc, lời bình hay, gây bão
       Khi chẳng rõ ra thân thiết giới hạn nào
       Mây trên đầu che khuất nẻo chiêm bao
       Sông lấp lóa trời xanh trong biêng biếc
       Họ đã biết hay làm ngơ không biết
       Mà réo rắt hoài cho thiên hạ cùng say

Có hai câu thơ hình ảnh hóa cuộc tình khiến cho toàn bộ bài thơ trở nên ảo diệu:”Mây trên đầu che khuất nẻo chiêm bao/Sông lấp lóa trời xanh trong biên biếc”. Nhà thơ diễn tả tất cả sự yêu lửng lờ, yêu ảo ảnh, yêu khờ dại của mình bằng hai câu thơ tuyệt vời, khiến tình yêu đó trở nên cao rộng, màu sắc và lung linh như trong một giấc huyền mơ. Đến đây ai cũng vở òa một niềm vui thanh khiết vì biết được một tình yêu thanh khiết đã diễn ra qua trang mạng. Tình yêu ấy vô hại và đem đến một nguồn hạnh phúc êm đềm cho bất kỳ ai, vì nó cũng chỉ như hồn bướm mơ tiên không vượt qua đạo lý của đời.
Bốn câu thơ của khổ thơ cuối có ba bức tranh tuyệt đẹp  và một lời xác chứng niềm tin vào hy vong:

     Tia nắng chiều cát cứ bốn chiều quay
     Gieo hy vong mình không hề hụt hẫng
     Chả biết thế nào mây vào thu bãng lãng
     Không heo mây sương khói gói hôn hoàng

 “Tia nắng” thể hiện niềm hy vọng,“Cát cứ” là chiếm giữ một vùng, “bốn chiều quay” là tất cả không gian. Câu thơ vẽ một bức tranh trừu tượng về một niềm hy vọng vững chắc chiếm giữ cả linh hồn tác giả. Niềm hy vọng ấy nhà thơ đã gieo ra mà “không hề hụt hẫng”bởi vì tác giả chỉ yêu mà đâu có cần chiếm giữ, chỉ cho mà không hề đòi nhận lại chút nào. Nó như mây mùa thu ở đâu không biết cứ trôi về lãng đãng trên trời. Nó như sương khói buổi hoàng hôn nhưng không có gió heo may nên không lạnh bao giờ. Tình yêu ấy như câu thơ ở khổ thơ đầu có “sầu nhớ, biệt ly và thao thức” nhưng nó lại “ không heo mây” nên không làm cho lạnh lùng ở khổ thơ cuối cùng. Vậy thì đó là một thứ tình tuy xa nhau biền biệt mà không có niềm đau. Thứ tình đó từ tâm tư tác giả truyền qua người đọc những cảm nhận khoan khoái và bao dung, nhẹ nhàng và hương vị, ngọt ngào và lãng mạn như khi ta đứng giữa bầu trời cao rộng, nhìn và yêu “mây mùa thu lãng đãng trong sương khói hoàng hôn”

Chẳng biết có chinh xác hay không nhưng khi đọc bài thơ nầy tôi có cảm nhận tác giả không yêu một anh chàng nào trên facebook cả. Tình yêu đơn phương đầy lảng man của bài thơ hoàn toàn là một sự hư cấu nhưng nó lại không hư cấu hình ảnh, tình cảm và những rung động nhạy bén của nhà thơ. Tôi nghĩ nhân vật được yêu trong thơ là trang Facebook được tác giả nhân cách hóa thành người. Người trong thơ là tổng hợp của những “Câu thơ sắc, lời bình hay, gây bão” đã làm cho nhà thơ yêu trang fay đến độ “con tim rạo rực, “xoáy tâm hồn”. Đó chỉ là ý nghĩ riêng của tôi, nhưng sao ta lại không nghĩ như thế, để bài thơ trở nên đẹp hơn vì nó cao thương hơn, và vì nhân vật trong thơ cũng có một phần của ta trong đó bởi ta là người có chơi faycebook ./.

                                                                   Châu Thạch


                       Nhà thơ Lê Thị Quỳnh Dung

                                         
CHẢ BIẾT THẾ NÀO...

Chả biết thế nào mà mình được gặp nhau
Trong sầu nhớ, biệt ly và thao thức
Chả biết thế nào mà con tim rạo rực
Một lời yêu không có, có bài thơ
Chả biết thế nào mà mình hóa dật dờ
Họ lắm thứ đào hoa vàng khắp ngõ
Chả biết thế nào mình đã buông không bỏ
Để lâu lâu còi rúc xoáy tâm hồn
Chả biết thế nào mà mình lại bồn chồn
Lời ai đó đẩy đưa trên trang ảo
Câu thơ sắc, lời bình hay, gây bão
Khi chẳng rõ ra thân thiết giới hạn nào
Mây trên đầu che khuất nẻo chiêm bao
Sông lấp lóa trời xanh trong biêng biếc
Họ đã biết hay làm ngơ không biết
Mà réo rắt hoài cho thiên hạ cùng say
Tia nắng chiều cát cứ bốn chiều quay
Gieo hy vong mình không hề hụt hẫng
Chả biết thế nào mây vào thu bãng lãng
Không heo mây sương khói gói hôn hoàng

                              Thị Quỳnh Dung Lê

READ MORE - TÌNH FACEBOOK TRONG BÀI THƠ “CHẢ BIẾT THẾ NÀO” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG - Châu Thạch