Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Ngôn
ngữ học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Đại học Thủ Dầu Một tổ
chức tại Bình Dương ngày 7 tháng 6 năm 2019. Bản báo cáo: in trong Kỷ yếu Hội thảo và Tạp chí Văn nghệ
Ninh Thuận số 110, tháng 5&6 năm 2019
TIẾNG VIỆT: MỘT SỐ THÓI QUEN VÔ Ý VÀ VÔ LÝ TRONG ĐỜI SỐNG
VÀ TRONG CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
Tiếng Việt vô cùng giàu nghĩa, giàu ý, giàu âm. Những giá
trị đó thể hiện tiếng Việt diễn tả, mô tả được các trạng thái đa dạng, phức tạp
trong cuộc sống, từ hiện thực khách quan đến tâm lý con người. Điều đó trở
thành niềm tự hào ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Tuy nhiên trong tiếng Việt sử dụng hằng ngày (nói và
viết) có xuất hiện những hiện tượng vô ý và vô lý đã trở thành thói quen của nhiều
thế hệ. Nghiên cứu từ trong đời sống và trong các phương tiện thông tin đại
chúng, Báo cáo này nêu ra một số hiện tượng để chúng ta cùng nhau làm trong
sáng hơn, chuẩn xác khoa học hơn nữa tiếng nói và chữ viết của dân tộc.
1. Hiện tượng dư từ số nhiều:
Nhiều người trong chúng ta, trong phương tiện thông tin
đại chúng (báo nói, báo viết), các biên tập viên, MC dẫn chương trình, sự kiện…
thường vấp phải. Ví dụ: Trong các cuộc nói chuyện, tọa đàm, trả lời phỏng vấn,
hầu như các cá nhân thuộc mọi thành phần, mọi nghề nghiệp trong xã hội khi trả
lời đều vấp phải hiện tượng này, trong đó đáng tiếc có cả một số GS-TS, nhà
khoa học, nghiên cứu khoa học tự nhiên, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ. Chúng ta để
ý thấy có vị thường phát biểu trong VTV: “Rất nhiều những các cái tượng gỗ trong
chùa bị hư hỏng…”, “Có nhiều các cái
giải pháp trùng tu cầu Long Biên…”, “Hàng
loạt những dự án nhà chung cư…”…
Trong chương trình bình luận bóng đá, kể cả báo viết, cụm
từ sau được các bình luận viên, phóng viên, các khách mời sử dụng với tần số
cao: “Nhiều các pha phạm lỗi đều bị trọng tài bỏ qua…”, “Rất nhiều những cầu thủ áo đỏ tham gia
tấn công…”, “Rất nhiều những/ các
pha tranh chấp bóng…”, “Quá nhiều những
quả phạt góc…”, “Một loạt những…”, “Rất đông những…”.
Các lĩnh vực thời sự khác, phát thanh viên, dẫn chương
trình truyền hình cũng thường vấp những lỗi tương tự như thế: “Nhân ngày Valentine năm nay, không ít những chàng trai tặng hoa hồng
cho người yêu…”.
Trong mỗi ngôn ngữ của mỗi dân tộc, số ít – số nhiều đều
có những quy tắc riêng, không thể so sánh ai hơn ai, tiếng Việt chúng ta muốn
diễn tả số nhiều là thêm duy nhất một từ trong nhóm từ chỉ số nhiều trước danh
từ đó. Nhóm từ chỉ số nhiều gồm có: các,
những, nhiều… Các ví dụ dẫn ra ở trên là hiện tượng dư từ số nhiều, vừa là
lỗi chính tả vừa làm rối rắm cả từ vựng lẫn ngữ điệu của câu nói cho người nghe.
2. Hiện tượng sử dụng từ không chính xác với hiện tượng
xảy ra dẫn đến hiểu sai bản chất hiện tượng, sự việc:
Hiện tượng này người được phỏng vấn, người chứng kiến kể
lại, các phóng viên, biên tập viên viết và nói thường mắc phải.
2.1. Sử dụng từ sai so với hiện tượng diễn ra trong tự
nhiên, ví dụ: một số tờ báo đưa tin: “Thủy
điện xả lũ kèm mưa lớn trên thượng nguồn đổ về khiến phố cổ Hội An, Quảng Nam đang chìm trong biển nước…”, “Vừa qua,
do hoàn lưu của cơn bão số 8, một đợt mưa lớn kéo dài đã nhấn chìm thành phố Nha Trang trong biển nước”…
Rõ ràng ở đây thành phố Hội An, thành phố Nha Trang vẫn
không bị nhấn chìm nghỉm xuống nước
mà “bị ngập trong nước/ biển nước” mà
thôi.
Gần một năm sau có báo khác cũng viết tiêu đề bài báo tương tự như thế: “Làng biệt thự triệu đô Hà Nội chìm trong biển nước”, nhưng trong
nội dung lại viết đúng: “Hàng loạt khu nhà liền kề và
biệt thự triệu đô nằm ven các tuyến đường đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo
dài… ở khu vực phía Tây và Tây Bắc (Hà Nội) đã bị ngập sâu trong nước
sau cơn mưa kéo dài”.
Đưa tin hỏa hoạn cũng thế: không có chuyện tòa nhà bị nhấm chìm trong biển lửa, chỉ có bị bao trùm trong biển lửa, mặc dù dùng
từ “biển” lửa ở trường hợp này chỉ là biện pháp thay thế so sánh một cách ước
lệ. Sử dụng từ dạng này trong báo chí cũng không thể biện minh là nói ví von
như trong văn chương.
2.2. Sử dụng từ sai so với sự việc diễn ra trong xã hội,
các phương tiện thông tin đại chúng thường vấp phải nhiều nhất, văn nói trong
đời sống ít sử dụng, ví dụ: một số báo đăng đầu
đề một tin, bài báo, các phóng viên đã viết tiêu đề: “Cuộc chiến Syria: Nhói lòng cảnh phụ nữ phải đổi tình lấy thức ăn”, “Gạ cho
thuê nhà đổi tình nữ sinh”, “Những thầy giáo ‘đổi tình lấy điểm’ gây chấn động dư
luận”…
Các phóng viên, dịch giả viết duy nhất một từ “tình” như
thế người đọc có thể hiểu, nhưng về văn bản thì chưa đủ nghĩa dẫn đến có thể
sai hoàn toàn với bản chất sự việc, bởi ở đây từ “tình” trong tiếng Việt có
nghĩa hoàn toàn khác với nội dung vấn đề các bài báo nêu ra. Các bài báo đang
nói lên tệ nạn các nam nhân gạ phụ nữ đổi chác “tình dục” để cho thức ăn, cho
thuê nhà, cho điểm thi… trong khi “tình” còn bao hàm tình cảm, tình yêu, tình
nghĩa… hoàn toàn khác nghĩa, thậm chí trong những trường hợp này là trái nghĩa
với tình dục.
Đương nhiên trong các phương tiện thông tin đại chúng
thỉnh thoảng vẫn thấy có những bài báo, phóng viên viết đúng, dịch chính xác.
Với tiêu đề bài báo: “Nữ điệp viên Nga dùng “tình dục kế”: Lộ
quan hệ với tỷ phú “bí ẩn”, hoặc
tiêu đề bài báo: “Tình cảnh ‘đổi dâm’ lấy chỗ náu thân của phụ nữ vô gia cư Úc”, phóng viên
của báo Dân Việt dùng từ rất chính xác để thể hiện sự việc trong nội dung thông
tin hai bài báo này.
Nói cách khác, hiện tượng dùng từ không chính xác vừa tạo
thói quen dùng không chính xác tiếng Việt trong xã hội, lâu ngày trở thành hội
chứng xã hội. Những trường hợp này nếu phiên dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước
ngoài, phiên dịch người Việt do thói quen nói, quen viết, có thể dịch được, nếu
phiên dịch người nước ngoài sẽ gặp lúng túng, khó khăn khi chưa am tường hết
thói quen dùng từ dạng này.
3. Hiện tượng dùng từ “cái”:
Dùng từ “cái” trong ngữ cảnh cái bụng, cái chữ, cái cán
bộ, cái ngành… đa số người Việt chúng ta bị một lỗi, một cố tật và vừa rất mất
thời gian vừa tạo tâm lý không thoải mái vì lỗi/ cố tật này trong đời thường
hằng ngày; nhất là trong các cuộc hội họp, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn, phiên
dịch trực tiếp từ các diễn giả nước ngoài đang nói chuyện sang tiếng Việt trong
các hội thảo, hội nghị.
Hãy để ý cuộc sống quanh ta, trong giao tiếp hằng ngày,
trong hội họp, tọa đàm, trong báo chí, văn chương, hầu như ai ai cũng đều nghe
quen tai, đọc quen miệng: cái đầu, cái bụng, cái nhà… Trường hợp chỉ vật này là
chính xác trong giao tiếp ngôn ngữ dân tộc, nhưng khi đến trường hợp người Kinh
nói: cái ông cán bộ, cái anh kỹ sư, các
cái nhà khoa học, cái ngành thuế, cái vấn đề, cái quy hoạch điện mặt trời, các
cái dự án thủy lợi, cái chương trình VTV, cái lễ hội, cái virus bệnh… là
bắt đầu có vấn đề về thói quen nói, quen nghe trong giao tiếp, dù biết rằng
hoàn toàn không chính xác và đôi khi cảm thấy thừa thải, vô lý, không có nghĩa.
Ví dụ: “Các cái tác
phẩm sắp đặt ngoài công viên của cái ông điêu khắc gia cần được cộng đồng gìn
giữ”.
Hoặc ví dụ: diễn tả lời ăn tiếng nói một người dân tộc
thiểu số ở miền núi như sau: “Cái đầu của
tui bây giờ đã sáng, kể từ khi cái ông cán bộ, cái anh kỹ sư đem cái dự án thủy
lợi về xây dựng hồ ở núi. Cái làng có nước, có trồng lúa ruộng, no cái bụng, có
cái chương trình tivi làm sáng cái đầu, con cháu được học cái chữ…”. Thực
ra người thiểu số không nói như thế, họ có ngôn ngữ riêng, gọn gàng, để giao
tiếp, không có từ “cái” trong bản ngữ. Ban đầu giao lưu, giao tiếp ngôn ngữ, từ
“cái” là người Kinh truyền qua, sau thời gian thành thói quen ở người dân tộc
thiểu số. Dạng đoạn văn trên không phải dịch từ tiếng dân tộc ra tiếng phổ
thông mà tác giả người Kinh cố tình nghĩ cách viết theo dạng này, gán nhiều từ
“cái” cho họ để được đánh giá là văn có chất dân tộc thiểu số ngây thơ, lạ lẫm
trong tác phẩm văn chương, báo chí của mình. Ban sơ người thiểu số miền núi có
rành tiếng phổ thông đâu, người Kinh sáng tác từ “cái” ra cho họ cả.
Trong hội họp, tổng kết cơ quan, vẫn thường nghe: “Cái ngành chúng ta có 5 cái ưu điểm, 5 cái
hạn chế”, tại sao không nói: “Ngành
chúng ta có 5 ưu điểm, 5 hạn chế”. Đã thế lại khi diễn giải về thông tin ưu
điểm, hạn chế như sau mới hoành tráng: “Trong
5 cái ưu điểm, tôi xin nêu ra, cái ưu điểm thứ nhất…, cái ưu điểm thứ hai…, cái
ưu điểm thứ… Về 5 cái hạn chế, xin nêu ra để khắc phục, cái hạn chế thứ nhất…,
cái hạn chế thứ hai…, cái hạn chế thứ…”.
Hầu hết các quan chức khi trả lời phỏng vấn về một vấn đề,
sự việc nào đó do báo chí phát hiện, chúng ta thường nghe như sau:
“PV hỏi: - Về vụ việc vỡ đê bao là do mưa lớn tích nước hay do thi công đê
bao kém chất lượng như có người phản ánh?
Trả lời: - Cái này chúng tôi phải chờ giám sát, kết luận mới thông tin
được”.
Sao không trả lời rằng: “- Vấn đề này…”, “- Nội dung này…”?
Những hiện tượng này làm cho cách diễn đạt của người Việt
trở nên rối rắm, rườm rà, không thanh thoát, thiếu trong sáng. Tại sao không
sửa bỏ dần dần đi, từ trong trường học, giao tiếp công sở hành chính, báo chí
với tư cách là ngôn ngữ phương diện quốc gia, dần dần lan rộng ra ngoài xã hội?
4. Dùng từ lẫn lộn giữa toàn
thể và bộ phận của đối tượng được biểu đạt, gây khó hiểu và vô lý:
Ví dụ: có báo đưa tin với tiêu đề: “Nigeria điều động quân đội và không quân trấn áp tội phạm”, trong
nội dung tin đó nêu rõ chi tiết: “Trong thông báo ngày 29/7, Tổng thống Nigeria Muhammadu
Buhari khẳng định: "Chính phủ liên bang đã thành lập một lực lượng
quân sự 1.000 quân, trong đó bao gồm cả lục quân, không quân, cảnh sát và dân
phòng nhằm tiến hành các đợt trấn áp các băng nhóm tội phạm, vốn luôn là nguy
cơ đe dọa người dân tại các làng mạc và thị trấn ở bang Zamfara".
Từ tin này, rất tiếc một loạt báo khác cũng đưa tin với
tiêu đề này. Như vậy mặc nhiên xuất hiện độ vênh ngữ nghĩa giữa tiêu đề bài báo
với nội dung chính bài báo đó. Bởi vì trong khi tiêu đề viết: “điều động quân đội và không quân” thì
nội dung viết: “thành lập một lực lượng
quân sự 1.000 quân, trong đó bao gồm
cả lục quân, không quân, cảnh sát và dân phòng nhằm tiến hành các đợt trấn áp
các băng nhóm tội phạm”.
Ở đây nếu đất nước Nigeria, lực lượng Không quân nằm
ngoài Quân đội thì chấp nhận tiêu đề trên, nhưng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia không phải như vậy mà “Quân đội
Nigeria bao gồm lục quân, hải quân và lực lượng không quân”. Như vậy Không quân chỉ là một lực lượng cấu
thành Quân đội đất nước này thì tiêu đề phải bỏ từ “và không quân” hoặc biên tập lại tiêu đề.
Một thông tin được một báo khác đưa ra: “TT Trump dọa thả 800 tay súng IS nếu châu Âu
không nhận tù binh… "Mỹ đang yêu
cầu Anh, Pháp, Đức và các đồng
minh châu Âu nhận lại 800 tay súng IS mà chúng
tôi đã bắt giữ tại Syria, và tổ chức tòa án xét xử những đối tượng này",
Tổng thống Donald Trump viết trên
mạng xã hội Twitter ngày 17/2”. Đọc nội dung tin, chúng ta hiểu Anh, Pháp, Đức cũng là đồng minh của Mỹ ở châu Âu, nguyên văn tiếng
Anh: “…and
other European allies”, sao không dịch: “…và các đồng minh châu Âu khác”.
Tương tự lỗi này, một báo khác viết tiêu đề bài báo: “Nga bắt đầu ‘chiến tranh bấm nút’, Mỹ -
NATO ngồi trên lửa”. Đọc trong nội dung bài báo trên, không
hề có việc nói về chủ thể Chính phủ Mỹ có động thái riêng, chủ thể khối NATO có
động thái riêng trong vấn đề “chiến tranh bấm nút”, ở đây chỉ thấy bài báo sự
phân tích phần lớn các nước trong khối NATO mà thôi, vậy thói quen viết Mỹ -
NATO làm gì?
NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization)
là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước ký kết vào ngày 4 tháng 4 năm
1949 bao gồm một số nước ở 2 bên bờ Bắc Đại Tây Dương, trong đó Mỹ chỉ là
một thành viên của tổ chức này và có đóng góp tài chính, quân sự lớn nhất. Vậy
không thể viết là Mỹ - NATO.
Đương
nhiên có báo viết rất chính xác, tại tin: “Quân Assad hất cẳng kẻ địch khỏi Đông Ghouta, bắt sống
đặc nhiệm Anh”, trong nội dung
có viết về NATO như sau: “Trong bối cảnh phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ chưa từng có,
quân chính phủ Syria vẫn giành chiến thắng quyết định và chính thức thiết lập
quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Đông Ghouta. Đồng thời, quân đội Syria được
cho là bắt sống lực lượng đặc nhiệm Anh đang bí mật hoạt động ở chiến trường
này. Các nguồn tin cho hay, Mỹ và các nước NATO khác cùng với Jordan và Israel có kế hoạch phát
động các cuộc tấn công đồng loạt từ nhiều mặt trận…”. Viết như thế là rất chính xác và khoa
học.
Hiện tượng trên là thói quen vô ý lẫn lộn toàn thể và bộ phận dẫn đến vô lý, khập khiểng, tương tự
cách dùng trong các văn bản nước ta những năm 80, thế kỷ XX khi viết: “Liên Xô và các nước XHCN”. Sau một thời
gian thấy sai, sửa lại: “Liên Xô và các
nước XHCN khác”. Tuy vậy năm
2019 vẫn còn người dùng: VietTimes 16/02/2019: “Chiều ngày 16.3.1979, Chính phủ Trung Quốc
tổ chức họp báo tại Bắc Kinh về cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống
Việt Nam”. Các nhà báo Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa không đến dự, còn các nhà báo phương Tây thì đều có
mặt”.
5. Kiến nghị giải pháp:
Đây là những thói quen vô ý dẫn đến vô lý ở bình diện
ngôn ngữ học, đã là thói quen thì giải pháp khắc phục cũng khó khăn, cũng phải
tế nhị nữa do “di căn”.
Có thể gợi ra mấy cách sau:
- Tạo lập tâm lý và xây dựng môi trường dùng từ chính
xác: tuyên truyền, nêu ra thông tin những thói quen vô ý dẫn đến vô lý trong sử
dụng ngôn ngữ để rộng rãi xã hội nhận biết những “vô ý” này của cộng đồng đang
mắc phải. Sự nhận biết này rất quan trọng, tạo một khởi đầu trong ý thức, tạo
sức “đề kháng mềm” trong từng cá nhân, từng cộng đồng. Một khi đã nhận biết, có
“đề kháng mềm” trong người, nếu gặp trường hợp vấp phải trong giao tiếp hằng
ngày, tự nhiên cá nhân cảm thấy như tự mình bị lỡ lời, vấp phải, dần dần trở
thành sự ý thức thường trực là đề phòng nói sai, nói thừa, nói không chính xác.
- Môi trường gia đình đối với các thành viên nhỏ tuổi.
Nghệ thuật dùng, cách dùng từ người lớn trong gia đình là quá trình chuyển giao
ngôn ngữ ban đầu quan trọng bậc nhất đối với trẻ nhỏ - lứa tuổi đi Nhà trẻ, Mẫu
giáo. Do lứa tuổi thường bắt chước nói, học nói nên trẻ nhỏ dễ tiếp nhận và cũng
dễ uốn nắn những sai sót dùng từ ngữ. Ví dụ: trong nhà có người nói: “Những các cái bức tượng trên chùa…” thì
có thành viên khác nhẹ nhàng chấn chỉnh lại: “Nên nói những bức tượng trên chùa mới đúng”, trẻ nhỏ nghe thế tiếp
thu, nhớ lâu và sử dụng bền chắc nhất cho đến khi trưởng thành. Một môi trường
gia đình như thế sẽ rất tốt cho việc huấn luyện, giao tiếp ngôn ngữ chuẩn xác,
sửa chữa một số khuyết tật dùng từ của các thế hệ trước đó.
- Trường học bậc tiểu học đến phổ thông: giáo viên và học
sinh là hai đối tượng truyền dạy và tiếp thu bất kỳ môn nào, nếu giáo viên khi
giảng bài có cách nói, cách dùng từ chính xác, không bị vướng các tật vô ý, vô
lý, chắc chắn học sinh sẽ “bắt chước”, hấp thụ, tiếp thu một thế giới từ ngữ
chuẩn xác hơn, đồng thời cũng loại trừ dần dần những thói quen nói như nêu ở
trên.
- Các trường Đại học, Học viện: bậc học này cần đề cao sử
dụng tiếng Việt mang tính vừa trong sáng vừa khoa học, vì Đại học, Học viện
được xác định là cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học, không thể dễ dãi trong
việc dùng từ rườm rà, thừa thải. Mặt khác, các khoa Ngôn ngữ, Ngữ văn, khoa Báo
chí, ngoài việc nghiên cứu đề cao những giá trị của tiếng Việt, cần tính đến tỷ
lệ đề tài thích đáng cho sinh viên nghiên cứu những mặt được gọi là “khuyết
tật” trong tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu đề tài dạng này công bố, ứng dụng sẽ
đem lại hiệu quả lớn trong xã hội.
- Ngôn ngữ giao tiếp hành chính: thực tế nhiều công sở,
cơ quan khi cán bộ, nhân viên giao tiếp với người dân về công vụ cũng vấp phải
các hiện tượng sử dụng từ vô ý, không chuẩn xác như trên. Cần nhớ là giao tiếp
hành chính mang tính chất tiếng nói chuẩn của quốc gia, không phải là lời ăn
tiếng nói ngoài xã hội, nên độ chính xác, khoa học, sự trong sáng của cần được
giữ gìn, tôn trọng.
- Phương tiện thông tin đại chúng, báo chí: đây là phương
tiện chuyển tải thông tin bằng tiếng nói, chữ viết chuẩn của phương diện quốc
gia. Thông tin đại chúng có tác dụng lan tỏa cả tích cực lẫn lây lan tiêu cực
về phương diện ngôn ngữ rất mạnh, nhanh, có tính dây chuyền. Ở phương tiện này
cần tránh mọi sai sót, dùng từ thiếu chuẩn xác, rườm rà, dư từ… Mặc dù không có
chức năng truyền dạy ngôn ngữ, song thông tin đại chúng là kênh “người học” và
“bắt chước” ngôn ngữ nhanh chóng nhất, rộng rãi nhất. Bằng chứng là thời gian đầu
khi xuất hiện bệnh gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch, nước ta quen dùng từ
SIDA (viết tắt của tiếng Pháp) để chỉ loại bệnh này, các chiến dịch truyền
thông lớn trong nước đều tuyên truyền mạnh mẽ sự nguy hiểm của bệnh SIDA này…
Sau vì một lý do tế nhị liên quan một tổ chức viện trợ nước ngoài và lý do nên
dùng hệ thống tiếng Anh, chúng ta không dùng từ SIDA trong mọi trường hợp,
chuyển qua dùng từ AIDS (viết tắt của tiếng Anh). Nhiều văn bản hành chính,
nhất là trong ngành Y tế yêu cầu dùng từ AIDS. Lúc bấy giờ do thói quen, đa số
người dân, kể cả ngành Y tế có tâm lý không thoải mái khi dùng từ AIDS, song
khi đồng loạt báo chí, truyền hình, phát thanh sử dụng hằng ngày, sau một thời
gian ngắn quen nghe như thế, ngoài xã hội dùng theo và kết quả bây giờ không ai
dùng từ SIDA nữa. Trường hợp Đông Timor cũng vậy, bao thế hệ lớn tuổi quen dùng
từ nước Đông Timor, sau thời gian ngắn, từ chủ trương và từ báo chí, truyền
hình, phát thanh sử dụng đồng loạt, bây giờ ai cũng quen dùng Timor - Leste.
Như vậy các kiến nghị giải pháp trên có thể có hiệu quả
khi tuyên truyền cho mọi người biết, sau đó vận động toàn xã hội khắc phục
những nhược điểm đã nêu, sau một vài năm, chục năm sẽ có sự cải thiện trong
cách dùng từ của mọi người.
Tại sao khi học một ngoại ngữ, người Việt chúng ta phải
rèn, phải gò từng chữ, từng loại từ, trật tự văn phạm, chia động từ, dùng thì
động từ, phân biệt danh từ số ít, số nhiều, giống đực, giống cái, rồi giống
trung… của ngoại ngữ đó, cố gắng tối ưu, không sai sót dù là một dấu chấm,
trong khi nói và viết tiếng Việt lại không rèn luyện?
Tài sản tiếng nói
và chữ viết Việt Nam vô cùng phong phú, nhiều biểu cảm, chuyên chở, chuyển tải
tâm hồn dân tộc, ở trong đó có nhiều điều thú vị, chúng ta tự hào về điều đó;
song thời giao lưu và hội nhập quốc tế, thời công nghiệp 4.0, đã đến lúc cần
làm trong sáng thêm ngôn ngữ của nước ta bằng cách đề cao tính chuẩn xác, tính
khoa học trong ngôn ngữ, nhất là khởi đầu khắc phục trong giáo dục, trong giao
tiếp hành chính, trên phương tiện thông tin đại chúng, dịch thuật… vì đó là
tiếng nói chuẩn của phương diện quốc gia, rồi dần dần lan rộng ra cộng đồng xã
hội.
Thực ra vẫn còn nhiều điều vô ý và vô lý khác dẫn đến hài
hước như sử dụng phương ngữ, có tờ báo ở trong một tiêu đề tin ngắn đã viết: “Giá heo hơi hôm
nay 10/8: Đứng giá cao, xuất hiện lợn hơi nhập lậu từ Thái Lan”,
(Dân Việt ngày 10/8/2018). Hiện tượng này gợi ý cho một tham luận khác.
Chúng ta thường có
tâm lý trấn an, nói sao mà người nghe hiểu là được, kiểu như: “Hôm nay tôi đi khám bác sĩ”, thông tin
như thế người Việt ai cũng hiểu mình đang có bệnh cần đi đến bác sĩ để chẩn
đoán, tìm bệnh, nghe quen tai, nhưng nếu dịch sát nghĩa/ sát từ loại ra tiếng
nước ngoài, hoặc người nước ngoài học tiếng Việt, sẽ ra sao?
Mọi ý kiến trong bài này cũng chỉ để góp phần giữ gìn sự
trong sáng và chuẩn xác tiếng Việt ta mà thôi. Trân trọng cám ơn.
Đình Hy
Tài liệu tham khảo:
1.
Đại
học Quốc gia Hà Nội – Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Nhiều tác
giả (1998), Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ I – 1998, Chủ đề VII: Ngôn
ngữ và Tiếng Việt, NXB Thế giới.
2.
Viện
Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, Nhiều tác giả (1993), Giáo dục Ngôn ngữ và
sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số phía Nam, NXB KHXH.
3.
Bộ
Văn hóa – Thông tin, Nhiều tác giả (1995), Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc trong đào tạo văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin.
4.
Nhiều
tác giả (1996), Văn hóa và sự phát triển các dân tộc ở Việt Nam, NXB Văn hóa
Dân tộc.
5.
Đình
Hy (2008), Bản sắc một vùng đất, Hội VHNT Ninh Thuận xuất bản.
6.
Nguyễn Như Ý (chủ biên), (2011), Đại Từ
điển tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
7.
Lê Ngọc Trụ (1972), Việt Ngữ - Chánh tả
tự vị, Nhà sách Khai Trí – Sài Gòn.
8.
Triều
Nguyên (2012), Từ điển Tiếng Việt địa phương vùng Huế, NXB Thuận Hóa.
Cũng có một số từ chỉ số nhiều khác như: “chúng”, “tụi” trong một số trường hợp như: chúng bạn, chúng tao, tụi bây...