Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 12, 2008

PHAN VĂN QUANG - CHÙM THƠ


"Bạn tôi nói : Dù nghèo đói mấy cũng đừng chê đời. Vợ tôi nói : Dù nghèo đói cũng đừng xa nhau…Vì những lẽ đó tôi đã làm thơ và sẽ mãi làm thơ" PVQ



Sinh năm :1950 Tại Tx Quảng Trị
UV BCH Hội VHNT Quảng Trị
Trưởng Phân hội Văn Học

Tác phẩm
Ta Ôm Một N ửa Đời Luân Lạc, 1993
Mưa Nắng Quanh Đời, 1997(Giải A Hội VHNT Quảng Trị 1997)

Địa chỉ: 87 Nguyễn Du, Đông Hà, Quảng Trị




Tháng Sáu Pleiku


Ở Pleiku trời sương như khói
Áo màu xanh, xanh lá bên đường
Ta cũng thấy má người au đỏ
Còn tóc chừng ngai ngái mùi hương.

Nhà em đầu, nhà anh cuối phố
Mà mấy khi đều đặn tìm nhau
Kìa nhà em bông chi vàng ngõ ?
Ngập ngừng lòng quên bỏ lại sau.

Em yên ổn quanh đời che chở
Khoảng vườn xanh cửa khép im lìm
Một cây thông già lêu nghêu đứng
Chiều nay thêm một bóng lặng thinh.

Ở Pleiku buồn khi đêm xuống
Nghe rất thèm một mái nhà êm
Nghĩ rằng ở đây hoài cũng lạnh
Ta về buồn ấp ủ hơi đêm.

Tháng sáu Pleiku đầy hơi nước
Ta lang thang như kẻ cùng đường
Mới biết ta có thời tạo nghiệp
Ở Pleiku - tình tan như sương



Tĩnh vật sống


Trải chiếu giữa sàn
Mưa chém vào phên nứa
Chai rượu đứng nghiêm chào những người bạn cũ
Đĩa mồi mấy con mực nằm nghiêng

Xưa như trái đất vẫn còn thằng áo rách
Manh chiếu lủng tròn thành chiếc mâm
Lúc nhúc những chiếc ly cụng vào đêm sâu
Vỡ mặt - tháng năm dài
Niềm vui vô tình nấp sau liếp cửa
Sợ chạm phải nỗi đau xưa

Ngoài hiên mưa
Chiếc dép, chiếc giày ngả ngiêng bên vệ cỏ
Ngủ say.



Ngậm ngùi rời Huế



Ở đây Ta buồn và mây thấp
như sân ga lặng lẽ mưa về
Nặng tình, Huế cho người đưa tiển
Nặng ân, ta có hẹn quay về


Ra đi răng nghe lòng nằng nặng
Trong mắt em ủ kín một đời
Còi hụ- Tàu lên đường tháng chạp
Huế thì mưa bát ngát đất trời


Nhìn em qua chiều không rõ mặt
Làm răng ta khỏi nhớ trời mưa
Có em đứng buồn như cây rũ
Nghe trong ta tình đã giao mùa


Huế ơi qua được bao mùa bướm
Bướm bay loáng thoáng những con đường
Vãng đường tan trường nhiều con gái
Vẵng hồn em trong Huế tang thương


Ra đi còn nhớ đò Thừa phủ
Nhớ sông Hương mưa trắng một dòng
Gởi lại em người tình thơ dại
Trọn một đời hoa bướm thong dong



Uống rượu với chân dung Phùng Quán


Vắt cạn kiệt bã cơm
từ hạt gạo tháng mười

Chắt mạch nước đỏ bùn phèn váng vất
Khơi chút lửa
chuốc men nồng lên mắt
Trước ngày xuân ngồi lại tự vấn mình

Rượu đầu môi sẽ là phút lặng im
Thiếu vắng quá tiếng chim đầu núi
Đêm sâu thẳm níu vì sao chợt tắt
Ngã lòng đời chạm mặt những vần thơ

Uống rượu làng với chân dung xưa
Tâm đựng phải nỗi lòng cay cực
Xin cạn chén phơi bày lòng chân thật
Hẹn một ngày
Tưới rượu xuống Hồ Tây



Viên sỏi và ô làng xanh


Vẽ lên sân đình
Những ô làng xưa
Nét củi than
Có vòm trời riêng tuổi nhỏ
Ngày ô chia cho thửa ruộng chín vàng


Lang thang lượm ở bãi sông
Từng viên sỏi nao lòng con sống dạt


Ta chuyền tình yêu vào đất
Viên sỏi qua ô làng xanh
Hai phía trời rộng mở
Dìu nhau qua từng giấc mơ


Giấc mơ cõng viên sỏi trắng vàng
Sân trước nhà em đầy bạn gặt
Thơ ngây chìm trong mắt
Lúa ngô tràn mấy sân phơi...


Đi hết thời chiến tranh
Về bến chiều nhạt nắng
Lần theo bờ ruộng vắng
Tóc xanh đã phai màu


Đếm thời gian xa nhau
Để neo lòng ở lại
Con sông nhiều bến bãi
Ta chờ nhau - em ơi


Viên sỏi - ô làng xanh
Lăn hoài trong nổi nhớ
Em qua mùa chờ đợi
Trong ô làng - ngày xưa.


PHAN VĂN QUANG



ĐỌC THÊM:


Trang Wordpress của Phan Văn Quang

Ngẫu hứng đọc thơ PVQ, Trần Xuân An
READ MORE - PHAN VĂN QUANG - CHÙM THƠ

NGUYỄN KHẮC THỨ - PHÁ KHO BOM TÂN-SƠN-NHẤT

Nguyễn Khắc Thứ vừa là bút danh vừa là tên khai sinh. Ông sinh năm 1921. Nguyên quán: thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mất ngày 6-9-1990 tại Quảng Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Nguyễn Khắc Thứ từng là cán bộ quân đội từ đầu kháng chiến chống Pháp, hoạt động chủ yếu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Sau hòa bình, ông được điều về Tổng cục Chính trị dự trại sáng tác viết về anh hùng quân đội. Sau thời gian sáng tác, ông về làm cán bộ Thư viện Quân đội cho đến lúc nghỉ hưu.

Tác phẩm đã xuất bản: Trận Thanh Hương *(truyện ký, 1955); Đất chuyển (tiểu thuyết, 1958); và 3 truyện: Bản án tử hình, Phá kho bom Tân Sơn Nhất, Hẹn hò (xuất bản 1966).


http://www.binhthuan.gov.vn/KHTT/vanhoc/tacgia/TG2BE.htm




Phá kho bom Tân Sơn Nhất



Kho bom gần hai trăm tấn nổ tung một loạt.

Một tiếng nổ long trời lở đất rung chuyển cả châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn và tất cả các xóm làng chu vi trong ngoài mười lăm cây số phải bật dậy. Núi lửa bay vọt lên không,, trăng sao lịm mờ đi tất cả. Những mảnh đạn, những khối đen thui thủi, bay vù vù khắp mọi hướng về nơi xa tít. Chỉ thấy sấm chớp rần rật, rồi giữa lưng trời từng đụn khói cuồn cuộn ùn lên mãi, lên mãi…

Nhân dân châu thành đang yên giấc ngủ trên giường bị hất tung xuống đất, kinh hồn hoảng vía, thét lên:

- Sét đánh! Sét đánh sau nhà!

Nhưng chỉ lát sau họ biết không phải là sét đánh nữa. Tiếng nổ vẫn ầm ầm, ánh lửa rọi xuống nhà sáng rực, mái ngói cứ tụt dần, cửa kính vỡ loảng xoảng, cốc chén pha lê trong các tủ chè cứ nhảy chồm xô nhau tan tành từng mảnh.

Tiếng còi báo động giữa Sài Gòn rú lên rùng rợn hơn bao giờ hết. Đèn phố tắt, nhưng ánh sáng giữa trời vẫn soi rõ mồn một. Hàng trăm xe thiết giáp nặng nề chuyển dây xích sắt chĩa súng chặn các ngả đường trong thành phố. Chiến hạm dưới sông nổ máy rầm rầm. Xe cam - nhông kéo đại bác chạy đi tuần phòng và hàng ngàn bóng lính chụp vội mũ sắt lên đầu hớt hơ hớt hải chạy ra nằm rạp xuống các công sự, run lẩy bẩy. Súng các đồn bóp nổ liên hồi tằng tặc đến kiệt sức. Trong trường bay, hàng trăm phi cơ quay tít chong chóng đợi lệnh cất cánh lên không.

Khu Sài Gòn, Chợ Lớn hãi hùng run sợ như đang chờ đợi một cuộc huyết chiến.

Và tiếng chuông rung khắp cả các nóc thánh đường. Tiếng kinh cầu nguyện vang lên bị át đi trong tiếng rít của đoàn xe thiết giáp.

Kho bom vẫn nổ… lửa cháy ngút trời. Ánh sáng soi tỏ cả các xóm làng xa xôi. Bà con đổ ra xem đầy đường đầy ngõ. Người sau chồm người trước, các em thiếu nhi đấm lưng nhau thùm thụp. Tiếng vỗ tay lẫn trong tiếng bom gầm:

- Bộ đội mình đốt trường bay rồi! Hoan hô! Hoan hô…



Nơi xuất bản: NXB Hội nhà văn, 2002

Các nhà văn thế kỷ 20
http://maxreading.com/?chapter=8014




* TRẬN THANH HƯƠNG (11 - 12.3.1951):
Trận chiến đấu vận động tiến công chống lại cuộc hành binh của hơn 2.500 quân cơ động ứng chiến Pháp ở giữa 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Phía Pháp sử dụng 2 binh đoàn (gồm 8 tiểu đoàn) tiến hành càn quét vào Thanh Hương - Mỹ Xuyên. Phía Việt Nam có 2 trung đoàn 95 (Quảng Trị) và 101 (Thừa Thiên) đã diệt được một bộ phận quân cơ động Pháp, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa thu hoạch lúa, bảo vệ vùng du kích. Liên tục cơ động chiến đấu, kết hợp chốt chặn với tập kích, truy kích hết sức linh hoạt, bộ đội Trị - Thiên đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.500 quân Pháp, bắt sống 125 (trong đó diệt gọn Tiểu đoàn Lê dương 4 của Binh đoàn Buttin), đánh bại chiến thuật "bao vây cất lưới" của Pháp. TTH đánh dấu bước trưởng thành từ du kích chiến lên vận động chiến của bộ đội Bình - Trị - Thiên. Khi thành lập Đại đoàn 325, ngày 11.3 trở thành ngày truyền thống của Đại đoàn.

Bách Khoa Toàn Thư việt Nam
http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/
READ MORE - NGUYỄN KHẮC THỨ - PHÁ KHO BOM TÂN-SƠN-NHẤT

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - CHÙM THƠ


Hoàng Phủ Ngọc Tường (sinh 9 tháng 9 năm 1937 tại thành phố Huế) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1978), quê gốc ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Năm 1960: tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn khóa I, ban Việt Hán.
Năm 1964: nhận bằng cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế.
Năm 1960 - 1966: Dạy trường Quốc Học Huế.
Từ 1963 tham gia phong trào học sinh, sinh viên và trí thức Huế với tư cách là Tổng thư ký hội Sinh viên Huế.
Năm 1966 – 1975: tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Từ 1975 cho đến khi nghỉ hưu: vừa sáng tác, vừa tham gia công tác quản lý tại các Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Hiện nay ông đang sống ở Huế.

Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông.


Tác phẩm
Thể loại bút ký:

Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn lâu (1972).
Rất nhiều ánh lửa (1979, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980)
Ai đã đặt tên cho dòng sông (1945)
Bản di chúc của cỏ lau ( truyện ký, 1984)
Hoa trái quanh tôi (1995)
Huế, di tích và con người ( 1996)
Ngọn núi ảo ảnh (2000)
Trong mắt tôi (2001)
Rượu hồng đào (truyện ký, 2001)

Thể loại nhàn đàm:

Nhàn Đàm (1997)
Miền gái đẹp (2001)

Thể loại thơ:

Những dấu chân qua thành phố (1976)
Người hái phù dung (1995)
Ngoài ra, vào năm 2002 nhà xuất bản Trẻ đã cho xuất bản Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm 4 tập.

http://vi.wikipedia.org/




Gưỉ Cho Người



Thôi xem em là bông hoa,
Một ngày qua - một ngày qua - một ngày
Thôi xem anh là đám mây
Một đường bay - một đường bay - môt. đời
Tài hoa cũng chuyên. đùa chơi
Làm sao thưa hết một lời yêu thương
Anh đi tìm khắp thiên đuờng
Chỉ còn một đoá vô thường gơỉ em
Gưỉ em một nét sông mềm
Con đò áo trắng đã chìm trong mưa,
Rằng sông buồn tự thuở xưa
Vầng trăng mộng mị bây giờ là anh....


http://www.saigoninfo.com/poem/browse.php?action=s





Bồng bềnh cho tới mai sau



Có con thuyền trong sương trắng
Bồng bềnh như một cánh chim
Có em chèo thuyền áo trắng
Xôn xao như trốn, như tìm
Có vầng mặt trời rực sáng
Bồi hồi như một trái tim
Em chèo thuyền về phía hướng đông
Hứng chút phấn mặt trời trên má
Bụi mặt trời vương đầy gót chân
In những dấu hoa hài trên sóng
Anh mãi nghe từ đáy màu sương mỏng
Bài hát tình yêu dậy một phương hồng

Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
Mà sao mặt trời mỗi ngày vẫn trẻ
Mà sao anh như đã từ vạn kỷ
Bên sông này đứng hát mặt trời lên
Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
Mặt trăng là mảnh gương riêng soi trái đất
Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
Mê man nhớ những tinh cầu

Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
Anh với em, ừ thì cũng lạ
Bềnh bồng cho tới mai sau.



(Nguồn: Văn Nghệ Công An)
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2006/06/3B9AD0B0/





Về chơi với cỏ



Thưa rằng người đã quên tôi

Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may

Một đường hang một dấu giày

Một người ngồi một tháng ngày bóng nghiêng



Cảm ơn người trái đào tiên

Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai

Cỏ gai hoa thắm mặt người

Trinh nữ ơi trinh nữ ơi - tôi buồn



Thôi người ở lại soi gương


Tôi đi về phía con đường cỏ lau

Nợ người một khối u sầu

Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi



Mai kia rồi cũng xa người

Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa

Có nàng xoã tóc tiên nga

Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa.



Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục, 2005
http://maxreading.com/?chapter=7247







Nhớ một người



Có đôi khi tôi ghé thăm vườn cũ
Hỏi người đi dạo ấy có quay về?
Cỏ bảo rằng: - Nàng về thăm một độ
Đốt khói trầm nghi ngút, lại bay đi

Tôi bồi hồi hỏi sang cây cổ thụ:
- Đường xưa còn vàng nắng áo mơ phai?
Nắng bảo rằng: - Nàng nhớ mùa thu cũ
Tận bên trời vẫn ngóng gió heo may.

Có một lần qua sông tôi hỏi gió:
Rằng tháng năm như nước chảy qua cầu
Gió mách rằng: - Nàng chờ người bạn cũ
Dẫu thời gian theo nước chảy về đâu.

Có nhiều ngày tôi nhớ em tha thiết
Nhớ bừng bừng như ngọn lửa trong tim
Đời lãng tử có một lần li biệt
Để buông nhau. Để quay quắt đi tìm

Có nhiều đêm tôi trở về gặp tôi
- Người là ai? Là đóm lửa ven đời
Ôi đóm lửa vẩn từng đêm hiu hắt
Nhớ một người. Và mãi mãi khôn nguôi.





Địa chỉ buồn


Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm

Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa, xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay

Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa

Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Cây sầu đông, cây sầu đau
Thương tôi cây cũng nở màu hoa râm.


http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/2729.html





Dạ Khúc



Có một buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa

Có một buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa

Có buổi chiều nào người bỏ vui
chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi

Có buổi chiều nào mộng mị
vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh

Có buổi chiều nào hình như
chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người

Có buổi chiều nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như là cái bóng
Hoa tàn một mình em không haỵ


http://www.vietnamsingle.com/p_tho.asp?BID=1614





Chuyện Cơm Hến



Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi... không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng. Vườn Bắc cũng trồng mướp đắng, chỉ dùng trái chín đỏ độn thịt làm món hầm, còn trái xanh chỉ dùng... xoa sảy cho trẹ con. Người Huế thích dùng mướp đắng lúc còn xanh; nấu canh phải đuống nồi nước sôi xuống mới thả mướp vào để đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời! Có hôm tàu dừng ở ga Lăng Cô, thấy nấm tràm bán rẻ như cho không, tôi bèn hí hửng mua luôn một rổ làm quà cho chú bạn tôi ở Đà Nẵng, gọi là đặc sản xứ Huế. Cháo nấm tràm nấu ra ngon đến thế, nhưng chỉ có đám dân Huế sì sụp vừa húp vừa khen, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng chịu không nổi. Hóa ra chỉ cách nhau một cái đèo Hải Vân mà thôi mà cách ăn uống của người Huế lạ đời đến thế!

Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình ăn cay đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng "sướng miệng": cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cau điếc óc, và hết cỡ là (xin lỗi mọi người) cay thấu... lỗ đít! Có thể nói rằng người Huế bắt đàu thực đơn hàng ngày bằng một tô bún bò "cay dễ sợ", tiếp theo là một ngày cay "túi mắt túi mũi", để kết thúc với tiếng rao "Ai ăn chè?", một chén ngọt lịm trước khi ngủ.

Tôi xin giới thiệu một ngày " hạnh phúc trời hành" của dân Huế tui, bắt đầu bằng món cơm hến. Những món ăn Huế như bún bò, cháo lòng... bây giờ trở thành phổ biến khắp nước (dù đã mất đi bản chất cay của nó), chỉ món cơm Hến này không nơi nào có, Hà Nội, Sài Gòn cũng có vài ba quán Huế có cả cơm hến, tôi đã thử xem, đều toàn là nghêu xắt nhỏ, đâu phải là hến! Vậy thì, cơm hến là gì?

Trước hết, nói về cơm. Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ một quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng phải bỏ đi, nên bày ra món cá lẹp kẹp rau mưng, và món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến. Sau này ở Huế người ta bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội. Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn nấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong "lập trường ăn uống" của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ la một yếu tố văn hóa hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những "đồ giả"!

Xin tiếp tục chuyện cơm hến. Hến ở Huế, ngon nhất là hến cồn, do đó cái gò nổi chiếm vị trí "Tả Thanh Long" rất mực sang trọng trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh, nó có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn rịp, tiếng trống vang lừng. Người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rỗ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.

Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng.

Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là... dại!

Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là "lý tưởng", như sau: 1.Ớt tương, 2.Ớt màu, ớt dầm nước mắm, 3.Ruốc sống, 4.Bánh tráng nướng bóp vụn, 5.Muối rang, 6.Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô, 7.Mè rang, 8.Da heo rang giòn, 9.Mỡ và tóp mỡ,10.Vị tinh. Tất cả được đựng trong những thẩu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù-u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít như là rây... nước thánh!

Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người "máu" cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu "ngon, ngon!"; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!

Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cữ tháng mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu YÙ ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở Cung Đại Hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát..., đến nỗi tôi thất kinh, nhiều ngày chỉ mang một trái mớ cây về phòng, ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến, tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên, tôi ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong bát cơm nhỏ, công thế mà chỉ bán có năm đồng bạc, tôi thấy làm ái ngại hỏi chị:

Lời lãi bao nhiêu mà chị phải công kỹ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không? Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi rất lạ:

Nói như cậu thì... còn chi mà là Huế!

Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người...



Hoàng Phủ Ngọc Tường
http://tusach.vietnhim.com/showthread.php?t=28
READ MORE - HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - CHÙM THƠ

VÕ VĂN LUYẾN - CHÙM THƠ


Quê Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị.

Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn

Giảng viên chính trường CĐSP Quảng Trị.

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Phân hội Văn học, Hội VHNT Quảng Trị.



Giải thưởng:

Giải A sáng tạo VHNT Tỉnh và giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về tập thơ “Sự trinh bạch của ngọn nến” năm 2007;

Giải B (không có giải A) sáng tạo VHNT tỉnh năm 2003.



TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN

Trầm hương của gió (thơ) - NXB Thuận Hoá, 2003

Sự trinh bạch của ngọn nến (thơ) - NXB Hội Nhà văn, 2007

Sẽ có ngày tôi về (CD thơ phổ nhạc), 2006



SẮP IN

Đối ngọn đèn khuya (khảo luận và phê bình)





Chiều lỡ dở
“chiều chưa đi màn đêm buông xuống”*

chiều chưa xa khói đồng đã rỗng

chiều chưa phai mây tình khuất bóng

chiều chưa chi lỡ dỡ chuốc nồng


chiều đền bồi nắng vội qua sông

chiều chấm than cong làn mi ướt

chiều quay gót quả ngọt thành chua

chiều vắng thưa lại vừa lỡ dỡ


chiều đem buồn bỏ chợ nào xong

chiều đem vui thả sợi tơ lòng

chiều đem dế trỗi đàn ca hát

chiều đem chiều lỡ dỡ chờ mong..


(*) Lời bài hát “”Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương



Đối thoại bão

Áp mặt thời gian, râu ria đẻ nhánh

Sợi thẳng, sợi cong, sợi lòng thòng bạc thếch


Áp nụ cười trái tim rạn khô giọt mắt

Chúm môi thổi đụn khói lấp mình


Áp nồng cay vào thiên hà mặt đất

Mắt mèo hoang lẫn với mắt nai


Áp sông một bờ, áp mây đẩy gió

Chạch vượt vũ môn, cổng trời bỏ ngỏ


Áp thấp áp cao áp đến lưng chừng

Anh áp vào anh đời lại quay vòng.




Ra sông

Ngày ấy con sông như trong hơn

Sóng vỗ mê bờ cỏ

Buổi sáng ấy bình minh như sớm hơn

Có tiếng hát thay lời chim hót


Hoa vẫn nở trời vẫn xanh mây vẫn trắng

Dòng sông đếm tuổi mình mười tám

Mẹ ra sông

Chạnh đám cải ngồng làm dưa

Em ra sông

Hoa lục bình trổ tím vào đôi mắt

Chỉ riêng con chuồn chuồn

Soi bóng mình đáy nước

Những con chữ tình yêu tôi vớt được

Mãi còn trên mặt nước

Sông ơi!





Tâm Thức Sông

Dòng sông tự mình rõ nắng mưa ấm lạnh, mặc rối nhiễu giông gió mây vần, mặc sáng tối vây quanh, mặc suối khe dự cuộc chia phần, mặc ao làng hát ví trời xanh.

Dòng sông đau cuộc thế lô xô con sóng, thuyền trăm mảnh gửi thân vào đáy cạn, đời trăm mảnh đầy vơi bất hạnh, lòng trăm mảnh đục trong .

Dòng sông yêu vầng trăng, yêu mộng mơ trăng sáng bội phần, yêu rong rêu gió dập mưa vùi ngọt đắng chẳng rời nhau, yêu hạt cát trong đớn đau tự sáng.

Dòng sông ơn biển thẳm non cao, ơn chí bền tình sâu đất lặng; ơn tuổi thơ thuyền giấy, ơn con chuồn chuồn tin cậy, ơn tóc xoả mái nhì mái đẩy; ơn đôi bờ bồi lở sinh thành.



17/02/2008




Sự trinh bạch của ngọn nến


Anh chú thích cuộc đời anh vào chỗ cuối cùng
của trang giấy còn lại
bằng những con chữ trinh bạch
sự trinh bạch của ngọn nến tự hủy
không đồng lõa bóng tối
Anh từng bật khóc
và từng nhìn người đời khóc nhiều về nỗi bất hạnh
nhưng vẫn yêu hơn những giọt lệ nến
bởi chúng không như sương khói chóng tàn
chúng biết đóng dấu nỗi đau lên mặt đất
Đấy là thú đau thương
được cấy trên cánh đồng khát vọng.

Anh chú thích cuộc đời anh bằng nỗi đam mê
không hề che giấu
không biết hóa trang
không mặc cả thiệt hơn
Thế mà chả ăn thua gì
trước sự trinh bạch của ngọn nến!




Đối ngọn đèn khuya

Bàn chân buồn vương sương ra đi
nghe thời gian chờ mong như khi
em còn trong ta thương yêu thầm thì

Thôi ta tìm về đêm xuân xa xưa
dòng sông hiền hòa sao rơi lưa thưa
con tim bồng bềnh sao tình bơ vơ

mình ta lang thang qua bao cơn mơ
chân thành mà chưa nên hình câu thơ
vòng đời hư hao ăn năn mơ hồ

ta thương bông hoa lên cành cây cao
nào hay đường trần vuông tròn ra sao
cô đơn thay cho kinh cầu xanh xao

ta không còn em ta quen màu đêm
ta ngồi bên song lòng không bình yên
ta đau hồn mình mưa rơi hồn nhiên




Những câu thơ chợt đến

Những hạt nước mơn trớn thịt da

làm bừng tỉnh giấc ngủ khủng long

con đường đi về vẹt mòn kỷ niệm

cây cậy mình có lá chở che

bỏ quên bên trời cơn bão ẩn nấp

giấc mơ nào xui khiến

nỗi buồn mênh mông
tiếng chim nóc rừng rớt vào quên lãng

thèm một ngày mưa

tự rung chiếc chuông bằng nắm tay

ôi tiếng chuông sâu thẳm

điều nhạy cảm lắm lúc đem phơi phóng xa xỉ

ước được thấm đẫm

trong ân sủng mưa

mà thôi

ta đánh đôi giày ẩm mốc

bước những bước thận trọng

ra khỏi nhà mình.


Võ VăN LUYếN


ĐỌC THÊM:

Sáng tác của Võ Van Luyến, phongdiep.net

Sáng tác của Võ Văn Luyến, voque.org

Trần Xuân An đọc thơ Võ Văn Luyến
READ MORE - VÕ VĂN LUYẾN - CHÙM THƠ

TẠ NGHI LỄ - NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ




Tên thật: Tạ Lễ ( 1951 – 2008)

Nơi sinh: Quảng Trị

Bút danh: Tạ Tấn, Hoàng Nguyên, Mai Lý, Ái nghi

Các tác phẩm:

Yêu một người làm thơ (1990, 1993, 1996)

Nàng Hải Sư và tôi (1992, 1998)

Những mảnh đời khác nhau (1994, 1995)

Một ngày của một nhà văn (1997)

Những khoảng trời trong sáng (1995)

Quê mình (2004)



Người Dưng Khác Họ
Truyện ngắn


Chẳng những là người dưng khác họ, nàng và tôi lại còn khác cả dân tộc: Tôi người Việt, nàng người Hoa. Nhưng có lẽ do cái họ Tạ nặng trăm ký cộng với khuôn mặt trắng trẻo, cặp mắt một mí của tôi nên nhiều người cứ lầm tưởng tôi là người Hoa "chính hiệu".

Ngay như hôm mới vào học, lúc thầy phụ trách lớp điểm danh đến tên họ của tôi, nàng đã nhìn tôi cười ý nhị. Chắc nàng nghĩ tôi là người "đồng văn đồng chủng" với nàng.

Vì thế, giờ ra chơi, lúc "sơ kiến" , nàng "nã" cho tôi một "tràng liên thanh" bằng tiếng Hoa:

- Nị thòng xán hảy pín xùy? (Quê của Tấn, bên Tàu, ở đâu?)

Tôi đớ người ra. Nàng hiểu lầm tôi rồi. Tôi vội trả lời:

- Ngộ không "piết" tiếng Hoa.

Nàng trách:

- Uả! Quên hết tiếng mẹ đẻ rồi hả?

Thấy nàng trách, tôi vội phân trần:

- Không, Ngộ không phải người Hoa.

Nàng cười khúc khích:

- Ngộ quá hén! Vậy mà tôi hiểu lầm nữa chớ! Trông Tấn giống y hệt người Hoa à!

Vâng, tôi chỉ được cái giống y hệt còn nàng mới là người Hoa "con nai vàng" chính hiệu. Ông cố ba đời nhà nàng trôi dạt qua Việt Nam từ hồi phong trào Nghiã Hòa Đoàn nổi lên bị đánh bại, và gia đình nàng đã phải tha phương nhiều nơi, cuối cùng mới đến lập nghiệp tại thị xã, nơi gia đình tôi sinh sống.

Nàng tên Phi Anh, họ Bành. Đó là tên họ trong khai sinh. Còn ở nhà, nàng được gọi là A Muối.

Có lần tôi đuà:

- Phi Anh chắc sẽ sống lâu.

Nàng nhướng cặp mắt một mí nhìn tôi:

- Tấn "coi tướng" được hả?

- Không. Chỉ căn cứ vào họ của Phi Anh thôi. Phi Anh biêt' cụ Bành tổ chứ?

- Biết.

- Cụ Bành tổ sống hơn tám trăm năm (!). Bành Phi Anh, con cháu cụ Bành, sống "xỉu xỉu" cũng hơn trăm năm. "Gien" di truyền mà!

- Ai là con cháu Bành tổ?

- Phi Anh không phải họ Bành đó chi?

- Ai mà biết. Cứ "chọc quê" người ta "goài"!

Chao ơi, nàng phát âm chữ "goài" nghe sao dễ thương lạ, các bạn ạ!

Lần hồi, tôi và nàng càng ngày càng trở nên thân thiết. Vì trong lớp, tôi ngồi sát phiá sau lưng nàng nên tình cảm cũng dễ... phát triễn. Nàng lại kém môn toán nên tôi thường khéo léo gây tình hữu hảo bằng cách lén "viện trợ" cho nàng những bài giải. Nàng nhìn tôi ra vẻ biết ơn. Từ biết ơn đến biết điều, có gì là xa xôi.

Rồi nàng mời tôi về nhà nàng chơi. Nhà nàng thì tôi đã biết từ lâu. Đó là hiệu thuốc "Quảng Sanh Đường" ở ngay trung tâm thị xã, kế cận con đường vào chợ. Tuy đã qua lại đây nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ dám vào. Lần này, lấy hết can đảm tôi tiến đến trước "phụ thân" nàng, cúi đầu chào rồi cất giọng oanh "thỏ thẻ" như con gái nhà lành:

- Thưa bác, cho cháu gặp Phi Anh?

- Gặp A Muối hả? "Tợi" một chút - Ba nàng quay vào phiá trong nhà, nói lớn:

- A Muối à! Có "pạn" "tến" chơi!

Nàng từ phiá sau chạy lên, nhìn tôi cười rạng rỡ. Nàng ân cần giới thiệu tôi với ba nàng rồi dẫn tôi đi qua một hành lang sực nức mùi cam thảo, quế chi, nhân sâm, thục điạ..

Tôi đảo mắt nhìn quanh: Nhà nàng trang trí theo lối Tàu, điểm xuyết vài ba bức tranh Thủy Mạc. Ở chính giữa là bàn thờ Quan công. Góc phòng, dưới sàn nhà, là một trang thờ nhỏ thờ Thần Tài, khói hương nghi ngút. Không khí ở đây có vẻ "Tàu Tàu" làm sao ấy, khiến tôi liên tưởng đến "không khí" trong các truyện Tàu tôi đã từng đọc. Tôi hình dung ra nhu8~ng khuôn mặt của các nhân vật: Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Công, Tào Tháo, v.v...

Tôi đang nghĩ đến đây thì nàng đã pha trà mời tôi uống. Hương vị trà cúc thơm ngon nên tôi làm một hơi hết... ba tách lớn. Tôi khoan khoái nhìn nàng. Rồi tự dưng tôi nảy ra ý định học tiếng... Hoa. Tôi ngỏ ý với nàng. Nàng tươi cười:

- Một tuần hai buổi, "Tạ Tiên Sinh" đến đây nhé! Mình sẽ dạy miễn phí.

Được nàng nhận lời, tôi mừng như... trẻ được quà. Thật là "nhất cử lưỡng tiện". Tôi sẽ được học thêm tiếng Hoa lại vừa được... gần nàng. Ú xu xoa, hảo hảo!

Tôi về sắm vở, viết. Ban đầu nàng dạy cho tôi biết nhận mặt chữ. Được ít bữa, thấy học chữ viết khó quá, tôi năn nỉ:

- Thôi, Phi Anh dạy mình học đàm thoại đi. Chứ học chữ viết sao mà "thiên nan vạn nan".

Nghe tôi đề nghị vậy, nàng cũng dễ dãi chìu tôi. Và nàng bắt đầu dạy tôi theo lối "đàm thoại".

Tôi hỏi:

- Một, hai, ba nói saỏ

- Dách, dị, xám.

- Cho tôi ba cái bánh bao?

- Bỉ ngộ xám cố tài páo.

- Cám ơn cô?

- Tố chề mị

- Cô đẹp lắm?

- Nị hổ leng.

- Tôi yêu cô?

- Ngộ ái nị

Tôi nhìn nàng "tình tứ":

- "Nị hổ leng. Ngộ ái nị".

Nàng đỏ mặt:

- Đừng nói "tầm pậy, tầm pạ". Học đi.

Tôi "cà khiạ":

- Ấy! Ngộ ái nị mà nị không ái ngộ thì ngộ ái ngại!

- Tấn nói cái gì thế? Đứng đắn không thì bảo. Tôi cho nghỉ học à!

Xin "sư mẫu" bớt giận. Vì lúc trưa...

Nàng ngạc nhiên nhìn tôi:

- Vì lúc trưa... sao?

- Vì lúc trưa "đệ tử" ăn nhằm phải môn "ngưá" nên bây giờ mới ngưá miệng... nói "pậy".

Nàng bật cười:

- Chời ơi! Cái "ông này"!

Để diễn tả sự ngạc nhiên hoặc thích thú nàng hay dùng tiếng "chời ơi" nghe dễ thương lắm các bạn ạ!

Và thế là, một tuần hai buổi, tôi đến "thọ giáo" cùng nàng. Có hôm, thay vì học, tôi phải tạm thời "phụ tá" giúp nàng trong công việc bán thuốc vì "phụ thân" nàng đi vắng. Tôi thấy nàng sử dụng "dao cầu, thuyền tán" thật "thần sầu".

Nàng vưà đọc đơn thuốc vưà chọn dược liệu, hai bàn tay thoăn thoắt, xắt ra, tán nhỏmột cách thành thạo. Có lẽ nàng đã thực thụ được truyền "y bất" của Hoa Đà, Biển Thước. Còn lúc nàng tính tiền, tối "lác" mắt luôn. Nàng "gẩy" bàn tính lách cách lẹ làng như làm ảo thuật. Vậy mà không sai một "ly ông cụ" nào.

Ngoài tài sử dụng "dao cầu, thuyền tán", nàng lại còn thành thạo cả môn "bắt mạch", "bốc thuốc".

Tôi nghe nàng bảo với một chị còn trẻ:
... Khí huyết không đều, con người thường sinh ra mỏi mệt... chị hãy dùng một thang "-Diều kinh bổ huyết". Chị về sắc ba chén còn hai, mỗi ngày uống một lần...

Nàng "phán" với một ông cỡ tuổi "ba mươi bốn rưỡi":

- Ông nên dùng thêm "Hải cẩu bổ thận hoàn" để bồi lại sinh lực. Một tuần ông sẽ thấy hiệu nghiệm...

Tôi phục nàng luôn.

Sau khi "thọ giáo" với nàng được ba tháng, tiếng Hoa của tôi đã kha khá. Một hôm tôi bảo nàng:

- Phi Anh dạy mình hát bài Hoa đi. Mình sẽ hát trong dịp liên hoa văn nghệ đấy! Được hôn?

Nàng "pằng lòng" cái một. Và nàng dạy cho tôi bài "Xiện Diện Wang Xì" tức bài "Muà thu lá bay", bản nhạc cùng tên với bộ phim do nữ tài tử Chân Trần đóng với Đặng Quang Vinh. Tôi đã coi phim này nhiều lần. Và lần nào tôi cũng khóc sướt mướt nên khi nghe nàng dạy bài này, tôi khoái hết "biết".

Từ đó, ngày nào, đi đâu tôi cũng nghêu ngao: "... Pù xứ táo way lẹo xâm mộ. Yâu xâu tao way yao sừ wo. Wo mây thiên tao chay xì cao. Quài can châu ai tì xí mồ..."

Tôi quyết tập luyện bài này thật "nhuyễn" để "trổ tài" trong dịp liên hoan văn nghệ cuối năm. Lúc đó các bạn tôi sẽ "lác" mắt. Và nàng cũng sẽ "khâm phục" tài nghệ của tôi. Cứ nghĩ đến đó thôi, tôi đã thấy "khoan khoái" cả người.

Thường khi con người lo lắng thái quá hay dễ bị vấp. Cũng như một thí sinh, trước ngày thi, bài vở dù đã thuộc nằm lòng, như vì quá lo quá nên quên luôn. Ấy, mới có câu "học tài thi phận".

Tôi cũng vậy. Dù đã "nhuyễn nhuyễn" bài "Xiên diện wang xi" nhưng khi lên sân khấu hát đến đoạn "... Yâu Xâu tao way ya xừ wo..." tự dưng tôi quên lửng. Tôi "lạnh" người. Tôi "phăng" bậy: "... Ngộ ái nị mà nị không ái ngộ. Nị không ái ngộ thì ngộ ái ngại..."

Dưới sân khấu, nghe tôi hát đến đây, mấy thằng bạn "trời đánh" của tôi huýt sáo la lớn: "Ê! tào lao". "Tào lao" hát "bậy à!" Tôi chết điếng cả người. Xong bài hát, tôi tụt lẹ xuống sân khấu. Tôi đưa mắt tìm nàng nhưng nàng đã "biệt vô âm tín". Tôi biết nàng đã giận tôi. Nàng cho rằng tôi đã "bôi bác" nàng, vì thế tôi đến nhà nàng trổ tài... trách ngược:

- Hôm nọ, mình hát sai cũng vì Phi Anh đó chớ!

- Sao lỗi tại tôi?

- Thì khi hát, Phi Anh ngó mình chăm chăm làm mình khớp. Cũng như một võ sinh, lúc ra diễn võ, có "sư phụ" đứng "thị phạm" một bên làm sao diễn nổi. Phải chi Phi Anh đừng ngó mình!

- Đừng "xạo" ông ơi!

Tôi biết rằng, nàng nói như thế, nghĩa là nàng đã hết giận tôi.

Muà hè năm đó, tôi và nàng cùng rớt kỳ thi Trung học. Vì nhà nghèo, tôi không có điều kiện để tiếp tục học lại. Tôi xin đi làm công cho một đại lý hãng nước mắm.

Cũng cùng năm đó, gia đình nàng chuyển vào sinh sống ở Chợ Lớn. Trước hôm đi, nàng ngồi bên tôi khóc sướt mướt. Tôi biết rằng nàng đã "yêu" tôi đậm đà, tha thiết. Nhưng vì theo tập tục của người Hoa, họ ít khi gả con gái họ cho con trai người Việt, trừ phi người con trai đó giàu sang hoặc có điạ vị cao trong xã hội, mà tôi lại chỉ là một người làm công nghèo. Vì thế, mối tình của tôi với nàng chỉ là mối tình... "cơn gió thoảng".

Bây giờ, mỗi lần đi nghe ca nhạc ở một tụ điểm nào đó trong thành phố, thỉnh thoảng nghe một ca sĩ hát lại bài hát "Muà thu lá bay", dù bằng bản tiếng Việt, tôi cũng không tránh khỏi bồi hồi xúc động nhớ đến nàng: Tôi khẽ thầm nhắc tên nàng: "Bành ơi, bây giờ em ở đâu?"


Tạ Nghi Lễ

ĐỌC, NGHE THÊM
Yêu một người làm thơ, truyện dài

Ca khúc Nhớ về Quảng Trị, thơ TNL, nhạc Ng. Tất Tùng
READ MORE - TẠ NGHI LỄ - NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ

PHAN BÙI BẢO THI - CHÙM THƠ



Quê cha ở làng Văn Phong, Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị.
Sinh ở quê mẹ làng Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên.
Hiện sinh sống ở Đà Nẵng






Vỗ cánh chiêm bao



Ta ngồi lại với đêm sâu

Còn em thay áo làm dâu với người

Vô tình một phiến tình rơi

Ta đau trọn một kiếp đời như mơ


Chiều chiều tưới rượu lên thơ

Xênh xang hồn lạc cuối bờ tiêu tao

Này chim xưa ở phương nào?

Mà nghe cánh vỗ chiêm bao thật buồn


Hôm nào nắng hắt lên sương

Mưa xuân rắc những nốt buồn xuống tim

Con đường Long não lặng im

Em nay tít tắp cuối miền căm căm


Bao nhiêu tháng bấy nhiêu rằm

Con trăng mấy độ vỡ tan mất rồi

Vú hồng thẹn với môi tươi

Ta nay tít tắp cuối trời dửng dưng


Say lang thang phố lưng chừng

Câu thề trót rụng thôi đừng nhặt lên

Biết từ trong mắt buồn em

Bóng thơm thảo ấy lá ken kín rồi


Đừng ta sẽ khóc mất thôi

Hãy như dương thế còn người khổ đau

Mai kia tháng ấy ngày nào

Ta thành đom đóm gọi nhau quay về.






Đêm trở gió



Đêm trở gió

Quê người quạnh quẽ

Những đám mây xám ngắt quay về

Tôi cuộn tròn tấm thân như con sâu róm đói

Thò đôi mắt ngờ nghệch về phía thẳm đen của đêm


Những hạt mưa như sợi thừng mang trái tim của sói

Trói chặt tôi vào gấc mơ tôi

Những chiếc lá rào bay như câu kinh sám hối

Nuối tiếc buổi chiều say trong đơn côi


Tôi úp mặt vào chiếc gối bông mẹ may mùa đông trước

Tìm chút nắng vàng trong khoảng sân quê

Khát khao tiếng cười lũ cào cào châu chấu

Khao khát làn roi mẹ đánh cuối chiều

Đêm trở gió




Đêm trở gió

Những mặt người bạc thếch

Hú gọi nhau bằngtiếng gọi con người

Tôi cuộn tròn tấm thân như con sâu róm đói

Rũ phiến râu buồn về phía xa khơi


Đêm trở gió

Mưa chém lên hồn tôi trăm nghìn vết chém

Những vết chém có khuôn mặt buồn như ký ức loài dơi

Tôi cuộn tròn tấm thân như con sâu róm đói

Mơ giấc mơ thật dài về những đứa em tôi


Chúng vẫn hồn nhiên chạy dọc triền nắng gió

Hát vang khúc đồng dao mùa xuân

Tìm những túi trứng dế mèn trong từng búi cỏ

Một sáng mang về ánh mắt bâng khuâng


Đêm trở gió

Quê người quạnh quẽ

Ký ức nghìn năm vội vã quay về

Tôi cuộn tròn tấm thân như con sâu róm đói

Gặm nhấm nỗi buồn rũ nợ đam mê.





Mỗi ngày con ra phố bằng chiếc mặt nạ




Những chiếc lá bay như những tín điều

Trong khuôn ngực gầy con nghìn nghìn sợi máu

Dở khóc dở cười chua chát phiêu diêu


Bao nhiêu bụi một ngày đổ lên đầu thành phố?

Con hỏi con rồi tự nhủ an bài

Lêu bêu hài nhi

Đoạn trường gái goá

Lịch sử đứng buồn ngắm cánh thơ bay


Mỗi ngày con ra phố bằng hai cánh tay

Và chiếc lưỡi an nhiên cùng bè bạn

Nhưng cuộc sống nào có giản đơn phép toán

Mỗi ẩn phương trình như mỗi câu thơ


Mẹ ơi!

Thơ là nước mắt

Thơ là nụ cười

Thơ là máu của lặng im cay đắng nhất

Kết dính triệu năm thuỷ tổ con người


Mỗi ngày con ra phố bằng một lớp son môi

Để mụ mị phía tím bầm sự thật

Lúc say nhất là lúc con buồn nhất

Bởi biết mình có tội với Nhân dân.


Sài gòn, 08.1993
PBBT

baothy.vnweblogs.com

READ MORE - PHAN BÙI BẢO THI - CHÙM THƠ