Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 1, 2016

PHÙ DU - Thơ Trần Mai Ngân




                           Tác giả Trần Mai Ngân



PHÙ DU

Tôi đi nhặt lấy phù du
Trần gian một cõi mịt mù chơi vơi
Tôi tìm trong chiếc lá rơi 
Phận người với cả một đời hư hao...

Bến mê ai lạc lối vào 
Lịm trong một giấc ngọt ngào huyền không
Mênh mông chỉ thấy mênh mông
Tình tôi xa vắng vọng vào vách ngân !

Còn đây một chút tri ân
Gửi người với cả ân cần trong tay
Dẫu rằng mai mốt nhạt phai
Hãy cầm cho chặt tháng ngày có nhau.

                                 Trần Mai Ngân


READ MORE - PHÙ DU - Thơ Trần Mai Ngân

THƯƠNG VỀ NÀ COÓNG - Thơ Nguyễn Khôi

 
                        Tác giả Nguyễn Khôi


THƯƠNG VỀ NÀ COÓNG
(Tặng Lê Vy - Nguyễn Bàng)
                     ---
"Vừa mới mưa đã ngập lụt rồi
Phá rừng/ xây phố...Việt Nam ơi !"
                    
Bản Nà Coóng mười lăm năm mình ở
Nghe tin mưa ngập chặn lối vào (1)
Rừng đã phá, mưa to, lũ đổ
Vườn nhà mình thành rốn chuôm ao.
                    
Ôi Sơn La: sông Đà - Thủy điện
Núi trụi trơ, ruộng dưới lòng hồ
Cây Cao Su lên đồi không nhựa
Ngô leo đèo: nắng cháy  lưa  thưa...
                     
Hà Nội sướng: điện hừng, nước sạch
Suối bản mình ô nhiễm vẫn xơi
- Còn ai ngó "trộm xem em tắm" ? (2)
Người chen nhau..."bến tắm" đâu rồi ?
                      
Nhớ Nà Coóng, đêm nằm không ngủ
"Ải Êm" (3) ta cũng đã về trời
Bản lên Phố nghe mừng mà sợ
"Bếp lửa - nhà sàn"
hoài niệm...
mà thôi !

                       NGUYỄN KHÔI
Hà Nội,1-6-2016- ngày nắng nóng 37 độ C
  
---

(1 )Năm 1963 , hồi NK mới lên Sơn La mới có 18 vạn dân, nay là 1, 2 triệu dân...
nạn nhân mãn nhãn tiền : rừng phá làm nương rẫy / thủy điện...Bản Mường lên Thành phố xây dựng lấp chắn hết các lối thoát nước : hễ mưa to là ngập lut, bất khả kháng ? Địa chất Sơn La- Tây bắc là sơn hệ đá vôi (không giữ được nước)
do đó không đào/ khoan được giếng lấy nước, tất cả trông vào các con suối mùa mưa...
(2 ) Ải Êm = cha mẹ.

READ MORE - THƯƠNG VỀ NÀ COÓNG - Thơ Nguyễn Khôi

SÔNG LẤP: MÔT BÀI THƠ TOÀN BÍCH - Phạm Đức Nhì



      
                    Tác giả Phạm Đức Nhì




  SÔNG LẤP: MÔT BÀI THƠ TOÀN BÍCH

          Sau buổi nhậu cuối tuần, mấy thằng bạn ngồi uống trà, cà phê bù khú chuyện văn chương. Được một lúc, câu chuyện lan man đến thơ: làm thơ nên làm thơ dài hay thơ ngắn? Một ông bạn, sau khi nói một câu ba phải để vừa an toàn (khỏi sợ sai) vừa hợp lòng mọi người: “Thơ dài hay ngắn hoàn toàn tùy sở thích của thi sĩ”, rồi có lẽ do thúc đẩy của hơi men, bỗng nổi hứng tuyên bố thẳng thừng:
“Nhưng những bài thơ ngắn quá (4 câu hoặc ít hơn) không đủ để tác giả bày tỏ lòng mình; nó giống như mấy thằng cha mắc chứng sậu tinh, chưa nhập cuộc đã khóc ngoài quan ải, chưa đi đến chợ đã hết tiền, để người bạn tình nằm tô hô, thất vọng trên giường.”

          Vâng! Tôi nhiều khi đọc thơ, cũng có cái cảm giác thất vọng như cô gái “nằm tô hô trên giường.” Một bài thơ ngắn quá, chỉ giống như một màn đá phạt trong bóng đá, một pha phối hợp nhỏ của 2, 3 cầu thủ phe mình để vượt qua một cầu thủ đối phương. Ở đây kỹ thuật cá nhân được tận dụng tối đa; cầu thủ có thể phô diễn tài đi bóng, che bóng, lừa bóng, hoặc sút bóng bay theo đường vòng cung vào lưới. Nhưng người ta không thấy được sự lên xuống nhịp nhàng của cả 11 cầu thủ trên sân, không có cơ hội để thấy được tài của huấn luyện viên trong việc tổ chức, phối hợp đấu pháp toàn đội.

Trong một bài thơ ngắn thi sĩ phải chắt lọc từng chữ, từng câu để tự nó tạo được âm vang, hình ảnh đặc biệt, hầu lưu lại một chút dấu ấn trong lòng người đọc, bởi, với số chữ giới hạn, ông không có chỗ, không đủ thời gian đào con mương, trút cảm xúc trong lòng mình xuống để nó cuồn cuộn chảy thành dòng, sóng sau dồn sóng trước như thác đổ, khuấy động tâm hồn người đọc. Trong một bài thơ quá ngắn người đọc không có dịp để thấy cái bề thế của trận địa chữ nghĩa. Nó chỉ như một cuộc phục kích, đột kích cấp tiểu đội, trong đó người chỉ huy không có dịp để nghe tiếng rít xé trời của phản lực, tiếng gầm của hải pháo và pháo binh diện địa, tiếng ầm ì của thiết giáp, và đặc biệt, không có dịp để thấy từng đoàn quân, từng đoàn quân, hàng hàng lớp lớp tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu.

          Với Sông Lấp của Tú Xương, một bài thơ rất ngắn, chỉ có 4 câu lục bát 28 chữ, người ta phải xem nó là một ngoại lệ rất hiếm hoi.
Trước khi quay lại cái giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 để tìm hiểu bối cảnh văn hóa, xã hội của Việt Nam lúc tác giả viết Sông Lấp rồi phân tích để tìm cái hay của bài thơ, tôi xin kể một kinh nghiệm đã trải qua để làm thí dụ so sánh.

          Có một dạo tôi bị nhốt xà lim ở A20, Xuân Phước. Chế độ ăn uống ở xà lim cực kỳ hà khắc. Mỗi ngày 2 bữa. Mỗi bữa chỉ có 2 muỗng cơm và 2 muỗng nước. Đến ngày thứ 20 trở đi, vì không có chất bổ dưỡng và mất nước, các tế bào nằm chết xếp lớp trên người tôi, tạo thành những lớp da cứ bong ra như vẩy cá. Tôi ngồi bóc hết lớp da này đến lớp da khác và nhìn thân người mình cứ teo tóp đi một cách rõ ràng. Đến ngày thứ 40 thì mông và bắp đùi đã gần như không còn thịt nữa….Đến ngày thứ 50 thì toàn thân chỉ còn một lớp da mỏng bọc xương, ngực thì có thể nhìn thấu từng mảnh xương sườn, đầu thì như một cái sọ dừa khô. Lúc ấy, thỉnh thoảng mê thiếp đi, tôi đã thấy thần chết, tay cầm lưỡi hái, từng bước đến gần bệ nằm của mình mà chân thì bị cùm, cửa xà lim thì đóng kín, khóa chặt, không làm sao chạy thoát được. Cái cảm giác ấy thật đáng sợ đến rùng mình.  

          Với Tú Xương thì lại khác. Nỗi sợ đến độ ám ảnh của tôi là sự suy kiệt thể xác. Với ông, là sự mất mát tinh thần. Ông không có cái vinh dự đỗ đầu cả 3 kỳ thi như Tam Nguyên Yên Đỗ, hoặc khiêm nhường hơn, đỗ Giải Nguyên (đầu thi Hương) như Nguyễn Công Trứ để được bổ quan, đem tài sức của mình phục vụ quê hương, đất nước. Ông chỉ đỗ Tú Tài (Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ), không được vua ban áo mão, vinh quy bái tổ, sau đó được bổ quan cửu phẩm, như những ông Nghè, ông Cống. Nhưng ở làng Vị Xuyên quê ông, ông cũng được tiếp rước long trọng, nở mày, nở mặt với bà con, thôn xóm. Trong những buổi hội họp, tiệc tùng, đình đám, ông lại còn được vinh dự ngồi chiếu tiên chỉ (1). Hơn nữa, với sự tự tin vào văn tài của mình, với một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh của tuổi trung niên, đường thi cử của ông vẫn còn rộng mở. Ông có lý do để hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó đỗ đạt cho bõ công đèn sách, đền đáp công lao của bà vợ đảm đang, đem tài sức phục vụ đất nước.

Nhưng thời thế không đứng về phía ông. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nước Việt Nam đã bị người Pháp hầu như nắm toàn quyền cai trị. Triều đình bù nhìn nhà Nguyễn chỉ có quyền bổ nhiệm một số chức quan “hữu danh vô thực”, còn những chức vụ có thực quyền lèo lái guồng máy hành chánh của đất nước, đại đa số đều do người Pháp chỉ định. Ở miền trung và miền bắc, thi Hương chưa bị chính thức bãi bỏ nhưng số người học chữ Nho đã thưa giảm rất nhiều. Chính Tú Xương đã phải lên tiếng xác nhậ
          Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
          Mười người đi học chín người thôi.
               (Cái Học Nhà Nho)
 Ngay cả việc thi cử cũng không còn cái vẻ nghiêm trang, long trọng như ngày xưa
Lọng cắm rợp trời, quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
   (Vịnh Khoa Thi Hương)
Mà dù có đỗ đạt đi nữa cũng đâu còn cái vinh dự, cái niềm tự hào như thời đất nước còn độc lập, tự chủ
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng !
               (Giễu Người Thi Đỗ)
Thêm vào đó, người Pháp cũng đã mở trường huấn luyện và một số kỳ thi riêng của họ để chọn người làm việc. Và cũng chính Tú Xương đã phải cay đắng than thở:
                   Nào có ra gì cái chữ Nho
                   Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co
                   Chi bằng đi học làm thầy Phán
                   Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
                                                    (Chữ Nho)
Từng ngày, từng tháng trôi đi. Khung cảnh chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng đổi thay trước mắt theo chiều hương xấu. Kho kiến thức sau bao năm đèn sách của ông – như đồng tiền trong một nền kinh tế lạm phát phi mã – ngày càng giảm giá trị. Con người sinh học của Tú Xương vẫn còn lây lất sống, nhưng trong tâm hồn ông, niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai, đang đi dần đến cõi chết, không còn phương cứu vãn. Bài thơ Sông Lấp đã được viết trong hoàn cảnh đó.

SÔNG  LẤP
                   Sông xưa rày đã nên đồng
                   Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
                   Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
                   Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Tứ : Nghe tiếng ếch vọng lại từ khu nhà, vườn tược được xây dựng ngay trên lòng sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp), tác giả giật mình tưởng tiếng gọi đò vọng lại và nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa.
Ý: Tác giả nhớ thương, tiếc nuối cái thời Nho học - mà tác giả là một sĩ tử - còn được coi trọng.

Năm 1832, sau khi triều đình cho đào sông Đào thay thế vai trò của sông Vị Hoàng, nhằm rút ngắn lộ trình đường thuỷ. Sông Vị Hoàng trở nên kém tác dụng và bị phù sa lấp dần. Cuối thế kỷ XIX, do cần đất để xây dựng các công sở, người Pháp đã lấp sông Vị Hoàng, vì thế con sông này không còn nữa. Nhiều người gọi là sông Lấp, ấy là gọi để nhớ thế thôi, chứ sông đã lấp rồi thì sao còn sông nữa (2).

Dựa vào 2 câu cuối của bài thơ tôi có thể suy luận ra mấy điều sau:
  • Khúc sông Vị Hoàng chảy qua khu nhà của Tú Xương thuộc làng Vị Xuyên không có cầu bắc qua sông.
  • Nhà ông Tú không ở sát, nhưng cũng không xa bến đò ngang lắm; ở đấy có thể nghe được tiếng gọi đò vọng lại.
  • Ông rất nặng lòng với khúc sông đầy kỷ niệm, với quãng đời lúc con sông chưa bị lấp, đến nỗi chỉ “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” ông cũng giật mình tưởng tiếng gọi đò từ những năm xưa cũ.

  • Nhưng nếu “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” mà người đọc chỉ tưởng “tiếng ai gọi đò” để từ đó nhớ đến bến đò ngang cạnh nhà ông và rồi đến con sông Vị Hoàng ngày xưa (nay đã bị lấp) thì … bất công với Tú Xương quá. Nếu dòng liên tưởng chỉ dừng ở đấy thì bài thơ đã bị giảm đi ít nhất 90% giá trị nghệ thuật. Nếu chỉ có thế người ta đâu có gọi Sông Lấp là “tiếng thở dài thế sự” của Tú Xương. Dĩ nhiên, ông cũng nhớ đến con sông mà vợ ông đã “quanh năm buôn bán” ở đó để nuôi sống một gia đình đông đúc “năm con với một chồng”. Nhưng con sông chỉ đóng vai chiếc cầu để ông trở về cái thời tạm gọi là vàng son của ông, cái thời còn ngồi chiếu tiên chỉ của làng Vị Xuyên, cái thời mà mọi người gọi ông là Ông Tú với giọng kính trọng một nhà nho có văn tài, cái thời ông còn tràn trề hy vọng khi nghĩ đến kỳ thi sắp tới, và trong lòng ông, niềm tin ở quê hương đất nước vẫn còn rực sáng.
    Còn cái lúc ông viết Sông Lấp, ách cai trị của người Pháp đã lan tỏa, đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân Việt, nền Nho học đang lụi tàn, con đường tương lai của ông đang đi vào ngõ cụt. Ông đành quay lại nhìn, nuối tiếc cái thời xa xưa ấy để rồi buông “tiếng thở dài thế sự”.

    Nhận Định Nghệ Thuật

    Dù bằng con mắt của người đọc thơ khó tính, dù áp dụng cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của thời đại mới, tôi tin rằng người đọc vẫn khó tìm ra khuyết điểm của bài thơ. Nhưng cái hay của bài thơ thì lại khá nhiều và độc đáo.
  1.  Không có hội chứng nhàm chán vần
       Những thể thơ truyền thống, đặc biệt là thơ lục bát, rất dễ mắc phải hội chứng nhàm chán vần. Sông lấp chỉ có 4 câu, quá ngắn, nên thoát khỏi chứng bệnh này.
  2.  Tứ thơ mạch lạc, thủ pháp “show, not tell” áp dụng rất thành công, từ liên tưởng này đến liên tưởng khác theo một trình tự hợp lý, người đọc rất dễ cảm nhận.
  3.  Câu chữ đắc địa, khó thay đổi hoặc thay thế
    Chúng ta thử đọc bài thơ Không Đề, đã được nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khen là “một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính” (3)
              Hôm nao dưới bến xuôi đò
              Thương nhau qua cửa tò vò tìm nhau
              Anh đi đấy, anh về đâu?
              Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
    Câu thứ 4 của bài thơ thật tuyệt vời. Đúng như Nguyễn Hưng Quốc nhận định:

    Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ cắt thành ba nhịp, tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhòa đi trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất (3).

    Câu thứ 4 của bài thơ hay như thế, nhưng còn 3 câu đầu thì sao? Theo tôi, không đắt lắm. Một thi sĩ nào đó có thể khá dễ dàng thay thế 3 câu đầu bằng 3 câu khác để có những hoàn cảnh chia tay khác nhau; mẹ chia tay con, bà chia tay cháu, vợ chia tay chồng, hai người bạn chia tay nhau…  miễn sao chữ cuối của câu 3 có vần au hay âu để vần với “cánh buồm nâu” ở câu cuối.

    Trong Sông Lấp mỗi chữ, mỗi câu, mỗi ý tưởng, mỗi hình ảnh đều được xếp đặt, nối kết như một thế trận. Thật khó có thể thay chữ này bằng chữ kia hoặc câu này bằng câu khác mà không làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ. Riêng chữ “vẳng” và 2 chữ “giật mình” thì phải nói là đắt như kim cương. Không phải là tiếng sấm, tiếng sét, tiếng súng nổ, tiếng cãi nhau to tiếng mà chỉ là “vẳng” nghe tiếng ếch từ xa vọng lại, cũng đủ làm ông Tú “giật mình” nhớ đến một chuỗi những hình ảnh của quá khứ xa xưa. Tâm hồn ông chắc phải thẳng căng như sợi dây đờn nên chỉ một chạm nhẹ cũng rung lên bần bật, tạo nên “tiếng kêu khắc khoải” làm tái tê lòng biết bao nhiêu người đọc thơ ông.

    Hơn nữa, cái hay của Không Đề chỉ ở câu thứ 4, giống như đội bóng có một cầu thủ siêu sao. Cái hay của Sông Lấp là cái hay tổng thể, cái hay  toàn bài; ở đây, đội bóng có một huấn luyện viên tài ba, xếp đặt 11 cầu thủ vào từng vị trí phù hợp với sở trường và lối chơi riêng của họ, tạo được sự phối hợp gắn bó, nhịp nhàng của toàn đội. (Nếu hoán chuyển vị trí của các cầu thủ hoặc thay thế một cầu thủ trong đội bằng một cầu thủ khác thì hiệu quả của đấu pháp toàn đội sẽ giảm sút)
  4.  Có lẽ cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ lên nhiều nhất, là phép ẩn dụ, đúng hơn phải nói là sự kết hợp tài tình giữa thủ pháp “show, not tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt ý của tác giả.

    Cái thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ - tác giả nói về cái này mà ngụ ý cái kia - là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn dụ càng kín thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được, cảm thông được tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú càng gia tăng, bài thơ càng được đánh giá cao.

    Phép ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay cả có người bình bài thơ ấy cũng không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. (4) Có thể nói Sông Lấp không phải là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, nhưng lại có bề thế của một mặt trận, một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được những điệp viên thượng thặng, bí mật nằm giữa bộ chỉ huy của quân địch. Phép ẩn dụ ấy được kết hợp một cách tài tình với thủ pháp “show, not tell”, tạo ra một chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn người đọc đi từ hình tượng này đến hình tượng khác.

    Từ tiếng ếch kêu, trong hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình riêng của mình, nhà thơ “tưởng tiếng ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất riêng tư; nếu ông không bộc bạch, bày tỏ thì người đọc khó có thể đoán ra được. Biết thế nên ông đã đưa tay dắt chúng ta bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2 chiếc cầu liên tưởng kế tiếp thì người đọc đã có thể tự mình qua được; từ tiếng gọi đò nhớ bến đò ngang, từ bến đò ngang nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã bị lấp.

    Khi từ con Sông Lấp đặt chân lên chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về lịch sử, văn học sử, cộng với một chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp nỗi lòng sâu kín của nhà thơ: nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt. Và người đọc sẽ tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá.

    Với Trương Kế, tiếng chuông chùa Hàn San chính là chữ Duyên của đạo Phật, là chiếc phao giúp ông bơi vào bờ bến thi ca, để lại cho đời một bài thơ bất hủ: Phong Kiều Dạ Bạc. Với Trần Tế Xương, tiếng ếch giữa đêm khuya đã khiến ông giật mình thảng thốt nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa, và rồi từ con sông ấy đã quay lại để thương, để nhớ, để tiếc một quãng thời gian đầy kỷ niệm của đời mình. Nhờ tiếng ếch ấy, nhờ nỗi nhớ thương, tiếc nuối ấy, ông đã đóng góp vào kho tàng văn chương của Việt Nam và của thế giới một tuyệt tác thi ca, một bài thơ toàn bích: Sông Lấp.

    Chú thích:
  1. Người đứng đầu hội đồng kỳ dịch trong làng.
       - Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo “thiên tước” thì ai cao tuổi nhất là tiên chỉ.
       - Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo “nhân tước” thì ai đỗ cao nhất hoặc có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ. (Wikipedia Tiếng Việt)
    Tú Xương tuy chỉ đỗ Tú Tài nhưng có lẽ làng Vị Xuyên xét ngôi thứ trong hội đồng theo “nhân tước” và lúc ấy chưa có người đỗ đạt nên ông được trọng vọng mời ngồi chiếu tiên chỉ.
  2. Tứ Thơ, Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc
  3. Về Bài Thơ Sông Lấp Của Trần Tế Xương, Vũ Bình Lục,lethieunhon.com

    PHẦN VIẾT THÊM

    Khoảng cuối năm 2011, một người bạn văn chương ở trong nước gởi
    cho tôi 4 bài thơ kèm theo một câu hỏi như kiểu đánh đố: “Ai hoài cổ hơn ai?” Tôi hiểu ý anh bạn, nhưng theo tôi, cách đặt vấn đề của anh không được chính xác lắm. Với một người thích đọc thơ và thỉnh thoảng cũng làm thơ như tôi, câu hỏi đó phải là: “Trong 4 bài thơ thể hiện tâm tình hoài cổ, bài thơ nào hay hơn? Hoặc tài thơ của tác giả nào cao hơn?” Đến khi tra cứu để bình bài thơ Sông Lấp tôi lại đọc được bài Về Bài Thơ Sông Lấp Của Tú Xương (1) của Vũ Bình Lục, trong đó tác giả cho rằng:“… Tú Xương và Nguyễn Khuyến, căn cốt vẫn là những nhà thơ trữ tình đặc sắc của dân tộc. Phải nói thêm là cả hai cụ, đều trữ tình ngay cả trong trào phúng và ngược lại. Riêng về thơ, về tài thơ thì tôi cũng muốn xếp cụ Tú Xương cao hơn một tí. Cụ Nguyễn Khuyến kinh điển hơn, uyên bác hơn, nhưng đó lại chính là chỗ gây khó cho nhà thơ nổi tiếng này.”
              Với tôi, thi sĩ, ngay cả trong cùng một loại thơ, như thơ trữ tình chẳng hạn, không phải lúc nào cũng sáng tác đều tay như một cỗ máy sản xuất một món hàng công nghệ. Có khi cao hứng, chữ nghĩa, ý tứ từ trên trời rơi xuống, viết được bài thơ rất hay. Nhưng cũng có khi, bài thơ viết ra chỉ muốn vứt vào sọt rác, hoặc giả đem trình làng, thì chỉ như viên sỏi vứt xuống biển, chẳng thấy tăm hơi gì cả.
    Có thi sĩ chỉ viết có vài bài mà nổi danh, nhưng cũng có người in hết tập này đến tập khác mà khi xưng tên thì chả ai biết ngài là ai cả. Bởi vậy, tôi không dám dùng phương cách đem “gia tài thơ” của cả hai thi sĩ đặt lên bàn cân rồi kết luận ai tài hơn ai. Công việc ấy không phải là không làm được, nhưng phải cần một ê-kíp những nhà phê bình văn học có tài, phải ra công tra cứu ngọn ngành, phân tích chi li, kỹ lưỡng, phải có óc tổng hợp, phải cân nhắc đủ chiều, đủ mặt. Mà dù có làm được việc ấy, kết luận đưa ra vẫn còn đầy tính chủ quan, còn gây nhiều tranh cãi.
    Thôi thì “mèo bé bắt chuột con”, thỉnh thoảng tôi chỉ dám đem bài thơ này so sánh với bài thơ kia (nhưng chỉ giới hạn scope của việc so sánh vào một đặc điểm nào đó thôi). Theo tôi, nếu chọn hai bài thơ thuộc loại “những con tương cận”, nghĩa là có chung một đặc điểm nào đó (chung một đề tài, chung một thủ pháp nghệ thuật…) thì việc so sánh sẽ dễ hơn. Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác và Cảm Hoài của Đặng Dung là “những con tương cận” vì có chung một đề tài, một tâm sự; đó là hào khí của một sĩ phu trước cảnh nước nhà nguy biến. Dĩ nhiên, khi so sánh, có người coi trọng cách dùng chữ, có người coi trọng cái thâm trầm, sâu sắc, người khác lại thích cái hào sảng, phóng khoáng, hơi thơ nóng bỏng, dòng chảy cuồn cuộn như thác đổ. Và từ đó họ có sự đánh giá cao thấp khác nhau.
    Trong tinh thần đó tôi thấy việc tìm câu trả lời cho câu hỏi của anh bạn về 4 bài thơ là khả thi, là tương đối dễ dàng. Bốn bài thơ đó là:
  1.  Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh.
  2.  Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
  3.  Ông Đồ của Vũ Đình Liên.
  4.  Sông Lấp của Tú Xương.
    Hoài cổ là nhớ thương, tiếc nuối một thời đã qua. Như vậy, Nhớ Quy Nhơn, đúng ra, là tâm tình hoài hương chứ không hẳn là hoài cổ. Dĩ nhiên, trong hoài hương đã ẩn chứa hoài cổ (Nhớ Quy Nhơn là nhớ cả cái thời gian mình đã sống ở Quy Nhơn); tuy nhiên, ở đây khung trời quê hương mới chính là tâm điểm của bài thơ. Ba bài còn lại thì đúng là hoài cổ; nhớ thương, tiếc nuối đều xoáy vào “một thời đã mất”.

                     NHỚ  QUY  NHƠN (2)
               Không đủ ban ngày để nhớ nhau
               Tối nằm chợp mắt đã chiêm bao
               Nửa đêm trở dậy hương rừng thoảng
               Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi vào.
                             (Vương Linh,1921-1992)
              Không rõ trước khi rời quê hương miền trung, tập kết ra bắc (1954), chàng thanh niên Lê Công Đao (Vương Linh) có được đọc và học thơ Trần Tế Xương không, chứ đọc Nhớ Quy Nhơn của ông tôi thấy rất đậm mùi … Sông Lấp. Tuy không sử dụng phép ẩn dụ, Nhớ Quy Nhơn cũng dùng cách bày tỏ, diễn tả chứ không kể lể, biện giải dài dòng (show, not tell), cũng ngửi cái này, tưởng cái kia. Riêng mức độ tài năng thì cao thấp rất rõ nét. Thôi thì cứ cho hoàn toàn là do tình cờ mà hai bài thơ có hơi hướm giống nhau, chỉ riêng thủ pháp “show, not tell” đã cho người đọc thấy rõ sự “không khéo” của Vương Linh. Trước hết, thay vì dùng hình ảnh khác để người đọc liên tưởng đến Quy Nhơn thì Vương Linh lại bí bách đến độ ôm hai chữ Quy Nhơn, rất vụng về, nhét vào câu thứ tư:
               Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi vào 
    rồi cái tựa Nhớ Quy Nhơn của bài thơ thì lại “lạy ông tôi ở bụi này”, khiến cái phương cách “show, not tell” trở thành “half-show, half- tell”, nửa đời, nửa đoạn.
    Nhớ Quy Nhơn đưọc chọn đăng trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình và được Nguyễn Bùi Vợi khá mạnh miệng ngợi khen. (2)
    Với tôi, giá trị nghệ thuật của Nhớ Quy Nhơn chỉ ở mức trung bình. Không kể cái “tội” na ná vóc dáng của Sông Lấp, mà chỉ riêng cái thủ pháp “half-show, half-tell” nửa đời, nửa đoạn cũng đủ xếp bài thơ ở cuối bảng trong số 4 bài thơ mà tôi được “yêu cầu” bình phẩm.

    Với Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh ở hạng tư, vị trí hạng ba sẽ dành cho Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Lý do: TLTHC là một bài thơ Đường luật hay, ngôn ngữ sang cả, cảm xúc dạt dào nhưng có hai khuyết điểm mang tính thời đại là hình ảnh khuôn sáo và thể thơ gò bó. Còn Ông Đồ và Sông Lấp đều là tuyệt tác, đều có những “tuyệt chiêu” trong thơ ca. Việc chọn lựa vị trí hạng nhì và hạng nhất cũng làm tôi có một chút đắn đo, suy nghĩ. Sau đây là một vài điểm so sánh, cân nhắc:
  • Cả hai đều áp dụng thủ pháp “show, not tell” thành công.
  • Cả hai đều có phép ẩn dụ hoàn hảo, kín kẽ (không sơ hở); tuy nhiên, phép ẩn dụ của Sông Lấp tài tình hơn, sâu kín hơn.
  • Tứ thơ của cả hai bài đều mạch lạc; cảm xúc, hình ảnh tuôn chảy theo một trình tự hợp lý.
  • Trận địa chữ nghĩa của Ông Đồ lớn hơn, bề thế hơn; nhưng câu chữ, âm thanh, hình ảnh, cảm xúc của Sông Lấp được xếp đặt, nối kết như một thế trận chặt chẽ hơn.
  • Ông Đồ có “tuyệt chiêu” thơ hóa thân thành họa; Sông Lấp không có.
  • “Tuyệt chiêu” thơ hóa thân thành họa của Ông Đồ không hoàn hảo; bức tranh thứ năm vẫn cồm cộm chữ nghĩa.
  • Sông Lấp không có hội chứng nhàm chán vần; vị ngọt thơ ca của Ông Đồ hơi đậm.

    Dựa vào những phân tích trên đây, tôi, với cái nhìn chủ quan của mình, chọn Sông Lấp vào vị trí hạng nhất. Như vậy, thứ tự (từ cao xuống thấp) của 4 bài như sau:
  1.  Sông Lấp.
  2.  Ông Đồ
  3.  Thăng Long Thành Hoài Cổ
  4.  Nhớ Quy Nhơn.
    Nếu có ai trong số người đọc có cái nhìn khác, nhận định khác, cách xếp hạng khác xin e-mail cho tôi biết. Tôi sẽ thêm vào phần “ý kiến bạn đọc”.

    Phạm Đức Nhì
    Galveston, đầu năm 2014
    Rất mong nhận được chỉ điểm, bổ khuyết, phê bình của những người yêu thơ. (nhidpham@gmail.com)


    Chú thích
    (2) Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, Nhà xuất bản Giáo Dục 2004, trang 418.
    (3) Xin xem thêm Đọc Thăng Long Thành Hoài Cổ Nghĩ Về Vị Trí Của Thơ Đường Luật
    (4) Xin xem thêm Ông Đồ: Những Bức Tranh Thơ.


    Nói Với Các Bạn Trẻ Yêu Thơ

    Cái hay của Sông Lấp:


  1. Trong Sông Lấp mỗi chữ, mỗi câu, mỗi ý tưởng, mỗi hình ảnh đều được xếp đặt, nối kết như một thế trận. Thật khó có thể thay chữ này bằng chữ kia hoặc câu này bằng câu khác mà không làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ. Riêng chữ “vẳng” và 2 chữ “giật mình” thì phải nói là đắt như kim cương. Không phải là tiếng sấm, tiếng sét, tiếng súng nổ, tiếng cãi nhau to tiếng mà chỉ là “vẳng” nghe tiếng ếch từ xa vọng lại, cũng đủ làm ông Tú “giật mình” nhớ đến một chuỗi những hình ảnh của quá khứ xa xưa. Tâm hồn ông chắc phải thẳng căng như sợi dây đờn nên chỉ một chạm nhẹ cũng rung lên bần bật, tạo nên “tiếng kêu khắc khoải” làm tái tê lòng biết bao nhiêu người đọc thơ ông.

  2. Có lẽ cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ lên nhiều nhất, là phép ẩn dụ, đúng hơn phải nói là sự kết hợp tài tình giữa thủ pháp “show, not tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt ý của tác giả.

    Cái thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ - tác giả nói về cái này mà ngụ ý cái kia - là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn dụ càng kín thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được, cảm thông được tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú càng gia tăng, bài thơ càng được đánh giá cao.

    Mời các bạn đến thăm trang web chuyên bình thơ


READ MORE - SÔNG LẤP: MÔT BÀI THƠ TOÀN BÍCH - Phạm Đức Nhì

ẨN SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG - Chử Văn Long

         
         
             Nhà thơ Chử Văn Long



         ẨN SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Trong đội ngũ những người cầm bút những năm đầu thành lập Hội Văn nghệ Hà Nội , Nguyễn Quốc Thái thi thoảng xuất hiện thơ và bài viết in trên các báo chí, còn thì làm nghề kiếm sống bằng bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc gia truyền.
Bỗng dưng năm 1995 anh cho ra đời cuốn sách “Hán tự giải mã thư”, ở Nhà xuất bản Văn học. Giám đốc xuất bản, lúc ấy là nhà thơ Lữ Huy Nguyên, một người chín chắn và mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm để ủng hộ cái mới, đã góp ý cho tác giả một cách khéo léo, bên cạnh đề từ chữ Hán trên, ghi thêm dòng chữ nhỏ bằng tiếng Việt: ”Một phát hiện hay là trò chơi khiêm nhường”, vậy mà vẫn bùng nổ cuộc tranh luận quyết liệt với nhiều người có địa vị thâm niên trong lĩnh vực Hán học. Người ủng hộ sự táo bạo của anh thì hoan nghênh việc anh dám đưa ra luận cứ, tìm cấu trúc, cấu tạo của chữ Hán… Theo phương pháp này có thể đọc và học chữ Hán tương tự đọc ghép vần của chữ La tinh. Nếu trước đây học theo lối cũ, học giả Trung Hoa biết nhiều chữ nhất cũng không biết quá mười ba nghìn chữ như Quách Mạt Nhược, thì nay, theo phương pháp giải mã, có thể đào tạo ra hàng loạt người biết vài ba vạn chữ.
Giữa cuộc tranh luận, Nguyễn Quốc Thái đã in những dòng quảng cáo trên một tờ báo: “Có một khùng sĩ ngụ tại số nhà… xin mời các bậc cao niên trong nước và ngoài nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… tới đọc thi chữ Hán trong các sách Nho, Y, Lý, Số để dành vị trí “Đệ nhất Hán ngữ…” có sự chứng kiến của nhiều viện chuyên môn và các cơ quan báo chí. Với quy định không được giở từ điển. Ai thắng sẽ được tôn làm huynh, ai thua phải làm đệ và thết rượu”… Cuộc thi được một số tiến sĩ viện Hán Nôm tới thăm, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ gửi lời chúc mừng, một số vị túc nho có ý thừa nhận “Đệ nhất Hán ngữ” ở anh. Những người không ưa, nhân cớ này lấy tên “khùng sĩ” đặt cho anh.
Thời gian sau anh lại vắng mặt trên báo chí, tưởng anh chỉ chịu chơi đến thế. Có người thỉnh thoảng gặp anh tìm đọc các văn bia ở những chùa chiền cổ vùng Tây Hồ.
Bẵng đi mấy năm, bỗng dưng năm 1998 Nguyễn Quốc Thái cho in liền 3 quyển sách dịch chữ Hán: Vạn bệnh hồi xuân - Nxb. Y học (568 trang); Hình tượng Cát Tường - Nxb. Văn hoá Dân tộc (343 trang); Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện - Nxb. Văn hoá Thông tin (950 trang).
Năm 1999 vừa qua anh lại in tiếp ba cuốn: Dạy bấm huyệt bàn chân chữa bệnh - Nxb. Y học (163 trang); Truyện Tô Đông Pha - Nxb. Hội Nhà văn (358 trang); Quỳ trước hoa mai - Nxb. Hội Nhà văn (879 trang); Bách gia chư tử (716 trang)…
Sắp tới anh cho ra mắt độc giả: Đường sử diễn nghĩa (2.000 trang) và Hậu Đường sử (1.000 trang).
Như thế là khoảng cách hơn hai năm anh đã dịch xấp xỉ 8.000 trang sách! Nhưng so với hợp đồng anh đã nhận dịch cho những năm tiếp theo của một nhà xuất bản thì khối lượng anh cho in sẽ gấp mười lần như thế.
Nhìn vào nội dung cuốn sách đã in ta không khỏi giật mình - một người dịch được cả Nho, Y, Lý, Số, ở thời buổi nay thật hiếm. Nó không chỉ đòi hỏi một khối lượng chữ lớn, mà còn đòi hỏi kiến thức hàng đầu về học thuật. Ai đã được đọc những cuốn sách trên chắc sẽ giữ trong lòng một ấn tượng về văn phong trong sáng mà phong phú của anh khi dịch, từ những vấn đề, những triết luận rất phức tạp của những văn bản cổ anh đã tạo được mạch văn cho người đọc lần tìm, nắm bắt được ý tác phẩm. Những chân dung Khổng Tử, Lão Tử hiện diện trong những cuốn sách từ trước tới nay thường gợi nên vóc dáng những bậc thánh cao vời, làm cho người đọc chỉ biết cúi đầu tiếp nhận. Bản dịch “Bách gia chư tử” của anh đem đến những cuộc tiếp xúc với thánh nhân như vậy vẫn xẩy ra trong đời thường, trong cuộc sống, từ đó mà nhận biết được những kiến giải cao siêu, những bối cảnh ra đời của những bộ óc khổng lồ siêu việt. Và vì vậy những thánh nhân hiển thánh sống cùng cuộc đời đã mấy nghìn năm…
Chỉ với riêng Lão Tử, có học giả đã ném cả đời mình vẫn chưa lột tả được hết những gì uyên thâm, ẩn giấu. Với “Bách gia chư tử”, ôm chứa tất cả các triết gia Trung Quốc mà anh đã dám làm và làm được điều ấy chẳng đáng lạ sao?
“Khùng sĩ” Nguyễn Quốc Thái hiện nay sống hoàn toàn bằng nghề văn, bằng tiền dịch sách và viết sách nuôi đủ cả gia đình. Chị Kim Sinh, vợ anh là người nội trợ đảm đang, thu xếp hết mọi việc để anh ngồi bên bàn viết. Định mức của anh là mỗi ngày phải dịch cho xong một chương sách, từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, chỉ nghỉ thời gian ở những bữa cơm ăn, không kể chủ nhật. Cháu gái Hoàng Sa 19 tuổi làm thư kí cho bố và đang quyết tâm học chữ Hán, tình nguyện làm đệ tử chân truyền, nối nghiệp dịch giả của bố.
Nhà anh xưa ở mặt phố Trương Định, không biết có phải vì nghề văn mà anh đã chuyển hẳn vào ngõ sâu làng Khương Hạ? Ngôi nhà anh ở hiện nay nằm kề với đầm nước quanh năm lút cỏ. Anh khoe với bạn bè “Giữa vùng đô thị hoá, ở đây vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Đêm mưa, ếch nhái thi nhau hoà tấu bản nhạc thiên nhiên. Ngày nắng, chú chim cuốc mò vào tận cửa…”.
Có lẽ bầu không khí cổ sơ ấy đã hoà với hồn anh trong những trang sách cổ kia, khi anh thú vị nhắc đi nhắc lại câu thơ Lục Du:
Sơn cùng thuỷ tận như vô lộ
Liễu ám hoa tiên hựu nhất thôn.
(Ở nơi sơn cùng thuỷ tận như hết đường rồi, lại chợt hiện ra một xóm với hoa tươi và liễu biếc).
*
*      *
Gần đây bạn tôi (Nguyễn Quốc Thái) qua một chặng mệt dài, mấy tháng liền, có lúc phải ngừng đọc sách để lấy lại sức khoẻ; chúng tôi thường thăm nhau, ngồi chuyện cho anh vui, tôi mới nhận thấy lòng tự tin của anh vào việc giải mã được chữ Hán. Anh kể, ngài Bí thư Đại sứ quán Trung Quốc Lâm Minh Hoa (tháng 6-2001) sau khi đọc “Hán tự giải mã thư”, đã điện thoại mời đến văn phòng Đại sứ, trò chuyện suốt buổi chiều… Anh càng tin việc mình làm thực sự có ích.
Giờ sức khoẻ anh trở lại phục hồi lại có thể tiếp tục ngồi dịch sách kiếm sống, sau cuốn “Tam thập lục kế” của Tôn Tử ra đời song hành với bộ phim về binh pháp Tôn Tử đang chiếu trên đài truyền hình Hà Nội. Tôi cùng bạn bè rất vui, mới dám ngỏ lòng, đã có lúc tôi nghĩ đến tuổi chúng tôi chẳng biết thế nào. Trời cho sống hàng trăm thì còn dài, nếu cho hàng chục thì đã ngắn. Cái mà anh tìm được, đã nắm trong tay nếu là có thật, có thật giải mã được chữ Hán, có lẽ công việc đó quá lớn lao, như thể ngày xưa khi châu Mỹ được tìm thấy. Vậy mà công trình được anh thông báo, rồi để đấy như thể chuyện riêng của Nguyễn Quốc Thái. Có lẽ vì nó chẳng thiết thực đến ai. Cái thứ chữ của chính người Trung Hoa, chỉ có gốc gác liên quan đến Việt và bây giờ có dùng chữ Hán, ta coi như tiếng ngoại ngữ cần dùng, một thứ ngoại ngữ đã có lâu đời nhất trên đất Việt, nhưng đang ít có giá trị vì dùng nó chưa dễ kiếm tiền bằng thứ ngoại ngữ tiếng Anh…
Đã có lúc tôi hoảng sợ, thấy tiếc… cứ thế này… đến lúc Nguyễn Quốc Thái qua đời (xin lỗi bạn tôi, nói điều đó quá sớm so với tuổi tác, nhưng chúng ta ai mà chẳng đi đến đận ấy) thì liệu giá trị khoa học kia nếu là có thực ai sẽ nhìn ra. Trong khi bạn còn khoẻ đầy nhiệt huyết và sáng suốt thì chẳng được dùng.
Hôm nọ tôi được nghe chuyện “chữ Hán lên ngôi lại”. Chuyện thật vui, có một công ty có uy tín trong ngành Điện tử - Tin học đã đến xin chữ một nhà Hán thư có tiếng ở Hà Nội, xin cụ viết cho hai chữ tên công ty. Hôm đến lấy, vừa trải bức đại tự ra xem khách hàng đã được những nét chữ hoành tráng uốn lượn như hút hồn. Thanh toán một triệu đồng tiền công (tức là năm trăm ngàn đồng một chữ), mà trên đường về thấy lòng vui như bắt được của. Vậy là cái thứ chữ Hán ấy vẫn có giá. Nhưng đây mới chỉ là giá của nét chữ sao chép đẹp. Còn cái giá của sự phát hiện ra cấu trúc của chữ mà Nguyễn Quốc Thái đề cập tới để con người không phải nhớ mặt từng chữ trong khi học, ta có thể đọc ghép vần, có thể nhớ, thuộc vài vạn chữ thay cho sự học khó khăn chỉ nhớ vài nghìn chữ như những người giỏi chữ Hán ở Việt Nam bây giờ thì chưa ai thấy giá.
Ngày mừng anh dịch in xong cuốn sách thứ 15. Bạn thân mấy người đến ngồi cùng nhau, nhìn ngắm chồng sách cao dày, nhiều quyển hàng nghìn trang. Lại nhìn dáng anh gày mảnh khẳng khiu, vừa cảm phục vừa thương mến. Mới hơn ba năm, kể cả những đận ốm vài tháng không dịch, mà anh làm được khối lượng công việc người khác có khi phải bỏ cả đời không làm nổi.
Từ lâu, mỗi bài viết hay quyển sách trước khi cho ra đời, chúng tôi thường gặp nhau. Những buổi chuyện trò thoải mái tâm đắc thường được bổ sung cho nhau những điều thú vị, những ý nghĩ bất ngờ qua đó nảy sinh… khi sách in xong bao giờ cũng dành bản đầu tiên tặng cho nhau đọc trước …Vậy mà hôm nay nhìn chồng sách gộp lại với những dòng tên trên gáy sách đặt cạnh nhau, tôi mới nhìn ra thêm được điều này: thì ra lâu nay giữa nhộn nhạo của đời sống, bạn tôi vẫn có riêng bầu trời thanh cao của những Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… rồi Khổng Minh, Lục Du, Tô Đông Pha… qua những trang dịch chiếm hết cả thời gian nghĩ suy, tâm đắc mới lột tả được những gì uyên thâm cao rộng của người xưa.
Quay lại ngắm anh lúc này đang đứng bên cửa sổ mắt nhìn xa xăm; cái dáng gày mảnh với nét lưng hơi gù bỗng gợi vẻ đẹp hao hao dáng vẻ hiền triết phương Đông một thuở… Tôi bước lại gần anh ngỏ nốt điều mà lâu nay vẫn canh cánh bên lòng: Có lẽ là đến lúc anh trao chiếc “chìa khoá giải mã chữ Hán” cho đời, sau này chắc hẳn sẽ cần đến nó. Anh như bừng tỉnh cầm tay tôi trở lại chiếu ngồi với nụ cười tươi nở:
“Trước đây thì chưa được, bởi giữa không khí xô bồ, tranh luận, giành giật, kẻ gian người ngay… nếu mình trao chìa khoá, biết vào tay ai. Cả đời mình bị ma ám bởi những nét gạch ngang, xổ dọc, vuông, tròn của cái chữ vừa bí ẩn, một chữ có thể cho đến 15 nghĩa chính phụ đi kèm, lại vừa giống như thứ trò chơi của con trẻ xếp chữ giữa hàng đống những mẩu que, thanh gỗ, mình cứ mân mê xếp dựng những hình thù lạ lẫm, rồi lại gỡ ra xếp lại miệt mài… và bất ngờ trong phút như mơ như tỉnh mình đã nhận ra cái quy tắc lắp ghép của thứ chữ kia thật là đơn giản… Chẳng trao lại cho đời thì để làm gì? Mình đã hào hứng tranh luận in sách vở cũng nhằm điều đó. Chỉ buồn, đời sống đất nước mình lo cơm ăn áo mặc đã hết cả đời, chuyện mình khám phá tìm tòi được thành chuyện viển vông… Nên mới bị đời hờ hững làm vậy.
Giọng nói anh thường ngắt đoạn nhát gừng, bởi hơi thở phập phồng của cái lồng ngực lép kẹp, phụ hoạ cho ánh mắt nhìn trân, mà buồn… rồi anh bảo tôi đưa bút giấy, ngồi xích lại gần, anh đặt giấy lên đầu gối viết.
Đọc mấy chữ sau làm ví dụ:
Theo kinh dịch
Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng… trong âm có dương, trong dương có âm chỉ viết một lần.
1-> 2, không viết hai lần.
Cái khó ở chỗ là phần phụ âm và nguyên âm lồng vào nhau rồi, không tách cụ thể như chữ quốc ngữ tách rời ghép lại.
Không nắm vững quy tắc này nó thành rắc rối phức tạp, vì vậy người ta không nhìn được nguồn gốc nó rất đơn giản…
Viết xong những dòng chữ này, Nguyễn Quốc Thái dừng lại trao cho tôi trước mặt bạn bè và nói: “Chìa khoá này giúp người đọc có thể đọc được tất cả mọi chữ Hán hiện có!”.
Tôi bâng khuâng như mình được cầm chiếc chìa khoá thật của kho báu để trao lại mọi người.
*
*             *
Khoảng ba tuần không gặp nhau, 5 giờ chiều ngày 11 tháng 6 năm 2002 tôi nhận được điện: “Anh Nguyễn Quốc Thái đã mất từ hôm qua, thi thể được quàn ở nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, sáng mai liệm, buổi trưa phát tang… chị Thái giờ mới gượng nổi, nhờ người gọi điện cho bạn bè…”. Tôi bàng hoàng nhớ lại bài viết về anh. Trời ơi thì ra “điềm gở” cũng đã báo trước, không thì sao tôi đã viết những câu: “…Nếu trời đất cho sống trăm năm thì còn dài, chỉ là những chục năm thì đã ngắn…lỡ bạn tôi…”.
Sáng sớm hôm sau, tôi đến nhà tang lễ để thấy anh lần chót, khi những người ở đây làm công việc khâm liệm cho anh.
Gương mặt anh thường ngày đăm chiêu là vậy, sao giờ đây nom thanh thản lạ thường! Chả lẽ trước phút giây vĩnh biệt thế gian này anh đã được mang cảm giác nhẹ nhàng của người đã làm xong công việc mà mình tự ý thức được cùng cuộc sống. Gương mặt hao gầy bạn tôi bỗng gợi bao điều. Thật khó tin điều sáng tạo lớn lao kia lại ẩn chứa trong con người gầy mảnh, nhỏ nhắn nhưòng này. Và cuộc đời con người sao mà đơn giản. Bao trở trăn lo lắng sáng tạo đến vắt kiệt nghĩ suy rồi cũng để lại cho cùng hậu thế. Thế mà thật khó tìm ra được mối đồng cảm tiếp nối với nhau, cả những con người muốn hiến dâng hết mình cho cuộc sống này.
Hình ảnh chị Sinh rã rợi khóc chồng làm tôi thấy não lòng. Anh thanh thản ra đi như vậy, còn vợ anh nửa đời dang dở, từ đây sẽ sống ra sao!
Bài viết về anh đây, chưa kịp in thành sách, giờ đem đọc trước vong hồn anh thay cho điếu tang cùng cuộc sống này.
*.
Giữa hè năm Nhâm Ngọ
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.          
Điện thoại: 01658818263

READ MORE - ẨN SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG - Chử Văn Long