Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 30, 2017

CẢM NỖI NON TAN TRONG BÀI THƠ “TRÊN ĐỈNH CHON VON” CỦA HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT - Châu Thạch



             Nhà thơ Châu Thạch



CẢM NỖI NON TAN TRONG BÀI THƠ  “TRÊN ĐỈNH CHON VON” CỦA HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT

Tôi đã đọc hàng ngàn bài Đường thi và viết lời bình cũng gần trăm bài, nhưng có lẽ “Trên Đỉnh Chon Von” của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cho tôi có cảm tưởng đây là một bài thơ đột phá cái võ bọc cứng nhắc của thơ Đường. Cái võ bọc ấy khiến cho mỗi bài thơ Đường dường như một đoá hoa không nở hết. Bài thơ cho tôi nhớ đến “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan. Ở đây Hạ Thái Trần Quốc Phiệt cũng mang tâm trạng ấy nhưng ông không đứng ở lưng đèo mà đứng tận trên đỉnh chon von của một ngọn núi nơi miền giá lạnh. Chỉ cái đầu đề “Trên Đỉnh Chon Von” đủ mở ra trước mắt ta một bầu trời bao la và một khung cảnh núi non hùng vĩ. Tự điển giải thích “chon von” là trơ trọi trên cao, không có chỗ dựa chắc chắn. Vậy thì người đứng trên đỉnh chon von chắc chắn sẽ cảm thấy cô đơn, và cô đơn ấy sẽ trở nên cùng tận nếu chỉ đứng một mình với đầy tâm trạng  trong lòng. 
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt ngồi trên đỉnh chon von để làm gì? Hãy đọc hai câu thơ mở đầu sẽ hiểu:

Ngồi trên đỉnh núi ngắm vầng trăng
Đọc những dòng thơ tặng chị Hằng

Hai câu thơ mở đầu cho ta tất cả sự sảng khoái của tâm hồn. Ta sẽ thấy đẹp biết bao hình ảnh người thi sĩ ngồi giữa thiên nhiên hùng vĩ đọc thơ cho trăng nghe. Thi sĩ đời nầy thường đọc thơ bên bàn rượu, trong phòng trà, hay cùng lắm bên vỉa hè nào đó có xe cộ đi qua. Thi sĩ đời nầy mấy ai lên núi cao đọc thơ? Đến các nhà tu hành cũng xuống núi kiếm tiền huống chi là thi sĩ. Nhưng đọc hai câu thơ trên hồn ta quay lại với sự lãng mạn của một thời xa xưa, thời các đạo sĩ, ẩn sĩ còn trên núi cao, hay một thời “lên non tìm động hoa vàng’ của Phạm Thiên Thư ở thế kỷ trước. Đọc hai câu thơ trên ta cũng cảm ơn đời, vì sự xô bồ của đời nay chưa cuốn hút hết kẻ sĩ, vẫn còn nhà thơ lên đỉnh chon von đọc thơ cùng trăng gió, nghĩa là đời nay không hẳn chìm trong cõi tục, còn có kẻ muốn làm tiên.
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt muốn làm tiên, mà cao hơn nữa không phải một thứ tiên biết biến hoá. Nhà thơ chỉ muốn làm một thứ tiên lạ kỳ, một thứ tiên chỉ đào tuyết vạch mây để nhặt thơ. Lạ lùng thay, nhà thơ tìm tài sản trong tuyết và mây, thứ tài sản quý giá mà nơi thấp không có, phải lên đỉnh chon von mới tìm thấy được:

Thử vạch mây xanh tìm ý mộng
Và đào tuyết trắng kiếm mầm văn

Vế luận của bài Đường thi cho ta thấy gì? Thấy nhà thơ lặn lội đi tìm cái đẹp, đi tìm cái niềm vui thư thái cho tâm hồn. Lên cao để nhìn thiên nhiên, tìm thơ trong thiên nhiên là tìm “nguồn trong trẻo vô biên” là tìm “sợi dây quyến luyến” của Hàn Mạc Tử để hoà nhập vào chân lý vô vi của Lão Tử. Trong mây có mộng, trong tuyết có mầm văn, phải vạch ra và đào lên để tìm là một tư duy nẩy mầm thơ đẹp. Tác giả đào cái ý đó , vạch cái tứ đó nằm tiềm tàn trong đầu mình cũng quý hiếm chẳng khác chi mộng trong mây và mầm văn trong tuyết mà nhà thơ đã khám phá tuyệt vời, đưa vào thơ tuyệt hảo.
Rồi thì nhà thơ đi ngược lại phương pháp sáng tác Đường thi mà đời xưa đã dạy cho thi sĩ đến đời nay. Đường thi ở câu luận là phải mở rộng ý thơ, bàn sâu vào cái đầu đề đã đặt ở trên, nghĩa là phải làm cho “Trên Đỉnh Chon Von” đầy thơ và đầy mộng hơn nữa như vế mở, vế trạng của bài thơ vừa đề cập đến. Không! Nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không làm như thế, ông quay ngoắt 180 độ, đưa bài thơ từ sự an tịnh thư thái tâm hồn bước qua vực thẳm, vực thẳm của nỗi đau buồn, khóc than và rên xiết:  

Thấm niềm thác vỡ than nhân thế
Cảm nỗi non tan khóc đất bằng 

Ta thấy rằng bà Huyện Thanh Quan qua Đèo Ngang, nhìn thấy cảnh khô cằn của “cây chen đá/ Lá chen hoa/ Tiều vài chú/ rợ mấy nhà” thì chạnh lòng “ nhớ nước/ Thương nhà” là đúng quy luật Đường thi. Ở đây Hạ Thái đang “Ngắm vầng trăng” đọc thơ “tặng chị Hằng, đang “vạch mây tìm mộng”, “đào tuyết kiếm mầm văn” thì bỗng nhiên bi luy “than nhân thế” và “khóc đất bằng”. Như thế, bài thơ có nghịch lý hay chăng? Không. Bài thơ không nghịch lý mà còn độc đáo vô cùng, mở ra một chân trời mới cho phương pháp Đường thi với những ai cứ khư khư, câu nệ theo cái luật từ thời xa xưa để lại. Đọc tiểu sử bà Huyện Thanh Quan, ta biết bà có cái tâm trạng hoài Lê, nhưng cái tâm trạng của bà chỉ hướng về quá khứ của cha ông mà bà không tường tận mấy. Do đó nổi hoài cảm của bà nhẹ nhàng khơi dậy theo trình tự đối cảnh sinh tình. Hạ Thái Trần Quốc Phiệt không thế, nhà thơ là người trong thời cuộc, vết thương hằn sâu trong tim vỡ ra, rỉ máu bất kỳ lúc nào, kể cả khi đang vui hay lúc mình đang thụ hưởng. Đứng trước trời bao la, núi non hùng vĩ và sự cô đơn trên đỉnh chon von, tầm mắt nhà thơ phóng xa và quê nhà bỗng hiện lên trong tâm tưởng. Cơn đau vụt đến, đất trời hiện hữu không còn nữa, thay vào đó một đất trời xa xưa với thác vỡ, với non tan hiện ra làm quặn thắt tâm hồn. Ai đã từng bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ quê hương đi lưu lạc xứ người có lẽ không lạ gì những phút đau thương như thế. Hạ Thái Trần Quốc Phiệt làm thơ hiện thực, không phải thứ hiện thực phơi bày lộ liểu sự kiện xảy ra, mà là diễn tả thực tế biến chuyển hiện tại trong lòng mình, tài tình làm cho nỗi đau của chính mình, của thế hệ mình hiện hữu giữa đất trời cao rộng, nên cũng cao rộng như đất trời.  
Vế chót bài thơ tác giả cô đọng đất trời vào một điểm. Điểm ấy là điểm đứng của tác giả mà cũng là điểm đau trong lòng mình:

Nơi cõi chon von cao chất ngất 
Trời gần sao vẫn buốt hơn băng.

Phải hiểu rằng tác giả đứng một mình. Một mình nơi cõi chon von cao chất ngất để nghĩ về quê hương, về sơn hà thì cái chon von ấy, cái chất ngất ấy không còn biết tới cảnh vật quanh mình, nó gậm nhấm ở trong lòng mình. Trời gần mà không nóng, mà buốt hơn băng, chứng tỏ băng cũng ở trong lòng mình. Hai câu thơ ném con người lên đỉnh cao, đỉnh cao của cô đơn, đỉnh cao của bi thương, xoá trọn vầng trăng bàng bạc, xoá trọn mây xanh và tuyết trắng quanh mình. Tất cả khung cảnh nên thơ giờ đây đã biến đi đâu mất. Trong hồn tác giả hiện nay chỉ còn có quê hương, quê hương với “non tan” và “thác vỡ”. 
Người trong thơ thì thế nhưng người đọc thơ thì khác. Người đọc thơ sẽ thấy trăng, thấy mây, thấy núi và thấy một bóng người trên đỉnh chon von như người vọng phu hoá đá. Hình tượng trong thơ sầu biết bao mà đẹp biết bao. Hình tượng trong thơ là hình ảnh của triệu con người ra đi bỏ nước, lên cao để vọng về cố quốc, khóc âm thầm cùng gió cùng trăng cùng mây và nước mắt nuốt vào lòng sẽ buốt giá hơn băng.
Đây là một bài Đường thi có chủ đề chính mà người viết xin đặt tên là “Cảm nỗi non tan” (non là quê hương là xứ sở) mà nhà thơ đã mượn cảnh “Trên núi chon von” để bày tỏ lòng mình. Bài thơ ngắn như một miếng vải nhỏ nhưng lại có phép thuật trùm lên vạn vật, nơi có khung cảnh nên thơ hùng vĩ và nơi có quê hương xa xôi với cảnh điêu tàn. Bài thơ chính là nỗi lòng, là niềm đau có thực của tác giả được khéo léo đem khóc ở một khung trời lãng mạn làm cho tiếng thơ bay trong tuyết, bay trong trăng, bay trong bầu trời lồng lộng, làm cho nỗi đau đó long lanh ánh sáng  đẹp vô cùng./.

                                                                        Châu Thạch


              Nhà thơ Hạ Thái


TRÊN ĐỈNH CHON VON

Ngồi trên đỉnh núi ngắm vầng trăng
Đọc những dòng thơ tặng chị Hằng
Thử vạch mây xanh tìm ý mộng
Và đào tuyết trắng kiếm mầm văn
Thấm niềm thác vỡ than nhân thế
Cảm nỗi non tan khóc đất bằng
Nơi cõi chon von cao chất ngất 
Trời gần sao vẫn buốt hơn băng

        Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

READ MORE - CẢM NỖI NON TAN TRONG BÀI THƠ “TRÊN ĐỈNH CHON VON” CỦA HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT - Châu Thạch

CHÙM THƠ HUY UYÊN



                   Nhà thơ Huy Uyên


1-
NỤ HOA LAY TÍM DÁNG CHIỀU

Mới đó mà ngày đã hết
Đêm đen treo ngang cuối trời
Quay lại môi cười vội tắt
Đàn quạ bên sông cánh bay.

Chậm buồn quanh bóng hiên nhà
Trên bàn còn đầy ly rượu
Đợi ai từ buổi đi xa
Sầu vương đuổi từng hơi thở.

Tình em quay về dao cắt
Xẻ chia ngàn vạn cô-đơn
Vườn nhà người hoa thôi nỡ
Khép lại hai mắt nhung buồn.

Em rồi xót cuộc tình chung
Vết bầm dấu hoài khuôn mặt
Em sao quá đổi lạ lùng
Sóng xô đầy hai bờ ngực !

Xao lòng lời ru của gió
Vẳng lại tiếng chuông gọi hồn
Chôn con tim sầu bia mộ
Hát lời nghĩa-trang phố đêm.

Nắng chiều hình như ngả màu
Mây về đậu hoài trong mắt
Thấm đẫm hương xưa phai mau
Em còn vỡ òa hạnh-phúc.

Em trăm lối về xuôi ngược
Nụ hoa lay tím dáng chiều
Nhớ hoài mối tình đi lạc
Bên trời mây bay lảng-phiêu !

2-
TRONG VƯỜN MÙA THU VÀNG LÁ

Chợ quê sáng chiều quạnh-hiu
Bên sông trơ vơ vạt cỏ
Lung linh giọt nắng cuối chiều
Con đường dài thêm thương nhớ.

Những mái nhà tranh rêu phủ
Xám lạnh giăng quanh màu mây
Người đi lâu rồi ngày đó
Lặng lẽ gió lùa ngọn cây.

Trên cao mây bỗng quay về
Hiên nhà ai chùm vạn thọ
Thấp thoáng trên môi giọng cười
Trong vườn mùa thu vàng lá.

Ngỡ ngày thoáng qua quá vội
Rượu say tình mãi chưa đầy
Sao em đi mà không nói
Quê nhà hiu-hắt riêng tôi.

Chợ quê nỗi buồn tháng năm
Liêu xiêu dăm ba hàng quán
Bóng nhỏ đơn côi cuối đường
Tóc thả đuôi gà quang gánh.

Ai chờ em ngoài lộ vắng
Muộn rồi buổi chợ chiều trôi
Người đi, người đi quên hẳn
Ngập ngừng thoáng gió tôi ơi !

Thôi em sợi chỉ mong manh
Ngày về bỏ quên áo mới
Lòng anh tơ sợi đầu cành
Cả đời mai chiều ngóng đợi.

Giáo-đường đầu hôm chuông đổ
Khuất bờ ruộng mía nương dâu
Chừng ai quay qua xóm nhỏ
Khói vương sợi cỏ dàu-dàu. 

                      Huy Uyên                                                                  (7-17)
         
READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 13; 14



   Nhà thơ Chu Vương Miện


CHÙM THƠ CVM 13

chém cha nó kiếp đào hoa
nào là con ghế đàn bà mắt xanh
quay đi thì lại thay quần
quay về thì lại mặc quần ngồi chơi
gẫm đời mà sướng cho đời
hết xe tới ngựa đến voi tà tà
hết đào nương đến đào chùa
hết sen đến nhí cứ là là say ?

vòng vo đọc lại dòng thơ cũ
ao sâu thuyền nhỏ lướt trên bèo
dăm con cá ngạnh chìm trong lá
mắt mờ lơ đễnh mải trông theo
người ở nơi xa mùa tuyết trắng
lửng lơ rơi giữa đất đang đào
thì thôi Huy Cận sầu bao ngả
mấy cành củi  mục dạt nơi nao ?
em như dòng nước khô trên thác
anh giống rừng cây ngủ rạt rào


CHÙM THƠ CVM 14

bây giờ vẫn giống ngàn năm trước
trâu bò đi trước với ngọn roi
hết quan kiểu này quan kiểu khác
mà dân cuốc ruộng vẫn xanh người
nay xâu mai thuế mốt lính thú
thực dân phong kiến dân chủ (một bộ bài)
chia ra thì cái vơ hết trọi
mất quần cùng áo với mồ hôi
quanh đi quẩn lại dăm con chó
bàn độc ngồi chơi đủ mọi thời
gâu gâu ẳng ẳng dăm ba tiếng
nước non còn mất ánh trăng soi 

lên thác xuống ghềnh
ba chìm bảy nổi
chín lênh đênh
từ lúc sinh ra
đến lúc lớn lên
té cái đụi
té lăn kềnh
khổ vì chiến tranh
vì áo cơm ?
đủ mọi miền
cùng chung hoạn nạn
cùng chung một nỗi buồn

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN 13; 14

QUÊ TÔI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





QUÊ TÔI 

Quê hương tôi bên dòng sông sắc đỏ, 
tháng tám lo nước lũ tràn về. 
Tôi thương lắm vùng quê chiêm trũng ấy 
màu áo nâu mưa nắng dãi dầu. 
Thương hạt gạo lặn lội mưa bão, 
tắm mồ hôi kẻ khuya sớm tảo tần.

Giữ biên thùy tôi nhớ không quên 
những đoàn xe hướng nhanh biên giới. 
Các cháu ơi ở nhà ngoan học giỏi. 
Những lời chào nghẹn đắng đầu môi. 
Tuổi mười bốn tôi ngây thơ lắm, 
mãi bần thần nhìn hút bánh xe lăn.

Mẹ nuôi tôi bằng khuya sớm nhọc nhằn, 
bằng câu hát gánh cuộc đời tần tảo. 
Nơi biên giới giữa ấm tình đồng đội, 
tôi ngỡ mình ngon giấc trong nôi.

Dẫu một thời thơ trẻ nhanh trôi, 
với quê mẹ tôi còn nhỏ dại. 
Bạn bè ơi có về qua nơi ấy 
cho gửi lời về ĐỖ HẠ quê tôi.

Viết lại, ngày 09.08.2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - QUÊ TÔI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

SAY THƠ, CHUYỆN MÌNH - Thơ Tịnh Đàm


                   Tác giả Tịnh Đàm



SAY THƠ

Là khi rượu ngấm vào thơ,
Lời say thấm giọng đâu ngờ nghe hay.
Chén đầy tình đẫm trao tay,
Ngả nghiêng mình giữa chốn này bên nhau.


CHUYỆN MÌNH...
(Gửi bác G.T.Điệp)

Vẫn cà-phê ,vẫn chúng mình ,
Cùng niềm thương cảm chân tình cho nhau.
Đời buồn cứ mặc trước,sau
Nỗi đau rồi sẽ như màu nắng phai.!

                               TỊNH ĐÀM
                               (TP. HCM)

READ MORE - SAY THƠ, CHUYỆN MÌNH - Thơ Tịnh Đàm