Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 23, 2024

KHOẢNG CÁCH EM VÀ TÔI LÀ GIÓ - Truyện ngắn - Nguyễn Nguyên An

 

Nhà văn Nguyễn Nguyên  An và anh Đoàn Đức

 

 

KHOẢNG CÁCH EM VÀ TÔI LÀ GIÓ

Nguyễn Nguyên An 



MỘT

- Xin loi, co co the cho toi biet ten & hoc truong nao ?  

Suốt mấy hôm, Khanh gặp một cô gái nhỏ bé, rụt rè lang thang trong hiệu sách. Lần này, cô mua cuốn “Thi pháp truyện ngắn”. Khanh hỏi :

- Cô viết truyện ngắn ?

- Em học… Cao học Văn.

Ở xã hội xô bồ này, nhiều phụ nữ bận bịu chuyện chồng con, tất bật công sở, ít chị ngày nào cũng đến hiệu sách. Đây, cô đã ngoài tuổi ba mươi chín chắn, còn say mê nghiên cứu, chắc không tầm thường. Khanh buột miệng:

- Cô trọ ở đâu ?

- Hai hai Trần Thái Tông.

Có tiếng gọi khẽ, cô gái lách người ra và chào Khanh một nụ cười hứa hẹn…


  Một tuần hiệu sách vắng bóng cô gái. Khanh nhớ! Khanh tìm số máy của cô đã ghi, gửi tin nhắn trên. Không hồi âm. Khanh gửi lại. Vẫn bặt tin ? Một bữa… điện thoại Khanh reo:

- Em sap thi khong ve duoc. Hai ba con dung buon nhe.

Trong đầu Khanh hiện ra một mái gia đình ấm cúng. Anh bấm :

- Co co mot mai am hanh phuc. Toi mung !

- Xin loi ong ! Toi nhan tin cho chong nham sang so may cua ong. Toi vo duyen qua ! Mot lan nua xin loi ong ! Con ong thi sao ?

- Vo toi du hoc. Toi muon duoc quen co. Xin co cho biet ten. Hoac cho phep toi den 22 TTT ?

- Dat dia vi toi la vo ong, ong co muon vo minh quen mot nguoi dan ong khac khong ?

- Toi nghi chi la ban. Toi co the giup co mot chut vui khi vang chong. Giup nguoi khac vui cung la hanh phuc. Doi la cuoc choi ma.

- Co le kieu nguoi như toi khong hop gu ong. De toi gioi thieu cho ong mot co chua chong, chiu choi duoc khong ? Ong hien dai qua, con toi chua bao gio cho rang doi la cuoc choi. Toi luon tran trong nhung gi da & dang co. Toi dang tu hoi. Toi – mot ngươi dan ba binh thuong. Vay cai gi o toi lam ong quan tam ?

- Co hien & thong minh. O hieu sach trong co lac long lam sao.

- Co le ong khong vua long ve gia thiet cua toi. Thoi duoc, toi dong y. Co mot nguoi ban theo dung nghia, cung tot.

- Rat cam on ! Neu duoc, toi moi co & ban co den quan ca phe Nam Nung, 26 Le Loi. Toi se cho o do luc 20h,  cung ngay.

- Hen ong dip khac.


  Cuộc đàm thoại bằng tin nhắn đi vào im lặng. Khanh không biết làm thế nào để được gặp cô gái. Khanh nhờ một ông bạn chở đến nhà trọ co ở. Nấp ngoài hàng rào, Khanh thấy ông bạn dò hỏi các cô sinh viên và lấy máy di động gọi xem phòng nào đỗ chuông. Chiều, điều Khanh lo sợ đã đến :

- Co chuyen gi ma ong goi dien the ? Toi & ong quan niem rat khac nhau. Ong co ong ban hinh su, lam moi nguoi nhon nhao len !

Khanh gui tin nhắn xin lỗi. Không hồi âm. Đành gửi viết thư, gửi qua bưu điện  :

…Gặp cô và qua những mẩu thoại trong tin nhắn, tôi mến cô là một phụ nữ thông minh. Cô nói : “Nếu những điều ông vừa nói tôi không có thì sao”. Xin thưa, những gì ánh lên từ cô, tôi tin vào nhận biết của mình. Và, thấy cô tìm mua cuốn “Thi pháp truyện ngắn”, tôi nghĩ cô sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ về thi pháp truyện ngắn mở rộng. Vì thế, tôi rất muốn là một người bạn vong niên của cô.

Tôi là một người yếu đuối, uỷ mị, trước một đoạn phim hay, thường khóc. Nhưng tôi sẵn sàng chịu đựng một cách bản lĩnh trước giông bão cuộc đời, trước sự phủ phàng ngang trái và khổ ải. Tôi đang tập làm người, ngày lủi thủi trong tháp ngà tượng tưởng của mình, như con ốc sên thua thiệt và nhẫn nại bò quanh lãnh địa khánh kiệt màu mỡ của nó không lời ca thán. Tôi không hiện đại, không bon chen vì nghĩ đời người là cái chớp mắt,  ta nên có một lựa chọn tốt nhất để làm người…

Khanh nhận tin:

- Cam on ong ve loi khen. Toi khong thong minh, tham chi ngoc nghech. Ban toi tung goi toi : “Donkihote” nhan vat cua Nha van XECVANTEX. Co mot luc nao do toi da tham trach me da sinh toi ra trong cuoc doi…Toi dang rat buon neu co the ong diuông caphe nghe nhac Trinh voi toi cho do buon duoc ko ?

Nhiều gần gặp Khanh, cô gái tâm sự : “Em chủ động làm quen ông để nhờ ông một việc. Em chọn ông là người cha tốt, không rượu chè, có tài năng, từng trải cho chị bạn của em. Năm bảy hai, chị ấy bị bom Napan bỏng vùng ngực, bụng và… Đến nỗi, trong đêm tân hôn, anh chồng không động phòng mà đòi ly hôn. Từ đó, chị bạn em không yêu ai nữa. Nhưng nay chị khao khát một đứa con. Ông giúp bọn em nhé. Nếu ông đồng ý, em đề nghị ông cam kết không dò hỏi gốc gác, tên tuổi để bảo vệ danh dự và hạnh phúc chúng ta”. Khanh thấy bị xúc phạm ! Nhưng trước ánh mắt tha thiết và chân thành của cô gái. Anh không thể không bằng lòng ! Sau đó, Khanh bất ngờ sung sướng biết người xin con là cô gái. Cô là Thạc sĩ văn chương đang giảng dạy một nơi Khanh không quyền biết đến. Cô muốn xin con ở quê nhưng chưa gặp và nếu vừa ý cô ngại khi có con, người đàn ông ấy sẽ tìm đến dây dưa. Sau đêm gần gũi, Khanh ngạc nhiên :

- Em còn…

- Vẹn nguyên!

- Làm người tình của anh!

- Không!

Nửa tháng sau, cô gái biến mất. Khanh không tài nào tìm được nơi ở của cô. Chủ nhà cô ở trọ cũng nín lặng !? Anh nhắn tin :

- Em la ke cap luong thien. Du sao, cung cam on em da cho anh noi buon ruc ro.

- Em la manh dat kho khat, nay nhan hạt giong cua ong, em se cham lo hạt giong ay lon len tron lanh. Em yeu ong ! Nhung vi hanh phuc cua ong, em vinh biet ong ! I am sorry !

 

HAI

Mở hộp thư Vĩnh lấy ra một cánh thiệp Tết. Trong thiệp vỏn vẹn: "Xin chúc ông năm mới nhiều "Niềm vui rực rỡ"/ Người hâm mộ/  09176182…". Vĩnh bấm máy, gọi:

- Xin chào… tôi là Vĩnh tác giả Nỗi buồn rực rỡ đây.

Một giọng nữ ngập ngừng: "Thưa ông… em… "

- Xin lỗi, cô tên gì nhỉ?

- Tên Vân

- Vân cho tôi địa chỉ...

- Chi... dzậy?

Vĩnh lúng túng:

- Để... gửi thiệp...

- Th…ôô…thôi, số điện thoại được mà…

Vĩnh gửi tin:

- Cho phép xưng chú nhé?

- Vân không còn quá trẻ để phải xưng "chú" đâu. Tác giả Nỗi Buồn Rực Rỡ là An hay Vĩnh nhỉ?

- An tên  hiệu. Vĩnh tên thật. Vân cho An địa chỉ đi!

- Thuỳ Vân, số nhà… Cho Vân xưng tên, gọi An nha.

- OK!

Vĩnh bỗng có cô bạn gái xa 1009km.

 


 

Giao thừa tin nhắn Vân:

- Năm mới chúc người tôi quý mến sẽ thấy thành công khi qua thất bại, thấy hạnh phúc khi đã nếm trải khổ đau. Happy new year!

- Chúc Vân vạn điều như ý. Những phút thiêng liêng năm mới, Vân cho An biết một chút về Vân đi?

- Chẳng biết kể gì với An! An kể trước cho Vân nghe đi. Điều An thích và điều khiến An ghét nhất.

- Một nơi yên tĩnh để trồng trọt và viết. An thích chân thành, sợ ngoài tay với!

- Rất đáng yêu! Chúc An sớm toại nguyện nha. Sao lại ngoài tay với? Đừng đề cao Vân quá, kẻo thất vọng. Hiểu không?

- Sao Vân biết số hộp thư của An?

- Đơn giản vậy mà cũng hỏi! Đọc truyện của An làm Vân cảm động. Vân viết một đoạn cảm nhận gửi toà soan và xin địa chỉ của tác giả để trao đổi. Vân cần người chia sẻ!

- Nhưng An lớn tuổi lại kèm hệ luỵ. Sợ An và cả Vân sẽ không yên ổn...

- Sự xuất hiện của Vân làm xáo trộn cuộc sống An rồi ư?

 - Có Vân cuộc sống An bỗng bận rộn, thích thú.

Và mỗi đêm, vào lúc không giờ, Vĩnh và cô gái lại trò chuyện bằng tin nhắn:

- Vân cảm nhận được sự hoài nghi của An. Sợ rằng Vân quá trẻ và không như An mong đợi phải không? Nếu cha Vân còn sống ông đã 72 tuổi. An đoán xem con gái của ông bao nhiêu?

- Trên dưới bốn mươi?

- Theo lẽ thường, An đoán như vậy là chính xác. Đáng tiếc Vân chưa đến bốn mươi đâu. Tuổi tác có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ chúng ta không?

- Không! Nếu Vân nhỏ tuổi, An hơi lo. Tin nhắn An có phiền Vân không?

-  Nếu mỗi tin nhắn của An không làm Vân vui thì chắc là nói dối. An tự nhận là không bình thường? Vậy xin thưa rằng Vân muốn kết bạn với người không bình thường như thế đó. Có được không? Nếu ghét bị xáo trộn thì để Vân biến mất. Chịu không?

- Không! Đêm qua sao Vân không gửi tin nhắn cho An. Hình như Vân có gì phật ý thì phải?

- Sẽ không bao giờ giận một người bạn như An cả. Thật đó! Nhưng, tin nhắn của An thân mật quá!

- An xin lỗi nhé. Kể từ đêm nay, mỗi đêm An sẽ đền Vân một bài thơ nhỏ.

- Một: Khoảng cách em và tôi là gió/ Là đem dài lỗi nhịp trăm năm/ Gió đi qua cây rũ mình rất tôi/ Gọi thiên thu không được một chút rằm.

- Hai: Chín bậc tình anh dang tay với/ Một nụ buồn xa ngái mưa xuân. Em là bão phương xa ập tới/ Gieo cho anh cay đắng thật gần.

- Ba: ...

- An dần tạo cho Vân thói quen chờ đợi để được đọc những bài thơ nhỏ do An gửi tới mỗi đêm. An biết cách làm người ta cảm động quá nhỉ? An thường đau đầu do suy nghĩ, đúng không? Vậy đừng làm thơ nữa! Không đọc thơ của An nữa đâu! Nỗi buồn trên đời này mênh mông, sao An cứ muốn gom hết vào mình? Vân không nhắn tin cho An vào đêm khuya nữa đâu. Rất lo lắng cho sức khoẻ của An!.Vân đã gửi thư tay đến An. An sẽ nhận ngay thôi. Chờ thư hồi âm của An đấy!

 


  BA

Biên Hoà…

   An thân quý!

  Tối nay, Vân đọc lại truyện ngắn "Nỗi Buồn Rực Rỡ". Vân vẫn có cảm giác như những lần trước. Sao mà xót xa, cảm thông và được an ủi. Cô gái trong truyện có những suy nghĩ và sở thích giống Vân làm sao! Hình như An đang viết trước tương lai Vân! An có biết gì về người phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch không? Lang bạt! Biết mọi thứ và chẳng biết gì, quen biết thật nhiều nhưng lại rất cô đơn. Đáng sợ! Vân chỉ muốn bỏ nghề thôi! Chỉ muốn là một phụ nữ bình thường với những ước mơ giản dị và mái ấm cũng giản dị! Nhưng Vân không thể. Bao nhiêu năm Vân tìm kiếm một tình yêu chân thành, nhưng Vân chẳng phải sinh ra để tận hưởng điều đó! Vân là một cô gái không gìa & cũng không còn  trẻ nữa. Chua có gia đình, ngốc nghếch và cả tin ;  hơi lập dị, yêu thơ Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Sáng tác thường dang dở và không dũng cảm cho ai đọc. Có thể Vân chẳng hiểu nỗi mình. Nhưng một nhà văn, trái tim sẽ nhạy cảm hơn, biết rằng An sẽ cảm nhận được cảm xúc của Vân. An bảo hãy kể về Vân ư? Chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nói về chính mình hình như chẳng dễ dàng gì, thôi thì An tự cảm nhận lấy nhé.

Vân rất vui vì đã quen được An, vui thật lòng! Để tìm một người hiểu mình một chút thôi cũng đã là khó. Linh cảm nói với Vân rằng Vân đang cần một người bạn giống An. Không thể phủ nhận rằng Vân có rất nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ, thế nhưng, chưa bao giờ Vân có được một người hiểu mình theo đúng nghĩa của nó. Dù muốn gặp An, nhưng Vân hoàn toàn thiếu tự tin và lo sợ. Năm mươi lăm tuổi!? Ừ, đúng là An lớn hơn Vân rất nhiều. Chính vì thế, người lo lắng lại là cô gái ngốc nghếch này đây. Vân sợ rằng khi gặp nhau, An sẽ khó mà chấp nhận một người bạn chênh lệch về tuổi đời. Dù cho Vân hãy còn trẻ, nhưng không hiểu tại sao Vân luôn cảm thấy mình như đã già hằng trăm tuổi. Thế nên Vân cứ lạc lỏng, bơ vơ giữa thế giới ồn ào và sống động này. Cho nên Vân cần một người bạn như An.

An bảo tiếng nói giọng cười của Vân nghe vui tươi lắm phải không? Ai cũng cần có vỏ bọc để che đậy sự trần trụi bên trong cả, đúng vậy không? Khi Vân bảo với An rằng đã dứt bỏ điều mình yêu thương bấy lâu, khi đó hình như Vân chẳng thấy buồn. Lúc này cũng vậy! Vẫn cứ là nói cười ca hát, vẫn ăn ngon, vẫn ngủ tốt. Cứ như thể điều Vân dứt bỏ kia là một gánh nặng chứ không phải là thứ mình yêu  lâu nay.

Đừng đề cao Vân quá. Vân chỉ là một hạt cát nhỏ, rất nhỏ và vô cùng tầm thường nhưng có thể làm cay mắt ai đó.

An sẽ là một phần riêng tư lặng lẽ trong tâm hồn đầy xáo trộn  bão giông của Vân. Vân yêu An theo cách riêng và không yêu ai giống như thế. Sợ An đang hiểu nhầm! Tình yêu Vân dành cho An không giống như An nghĩ đâu. Đó không phải là tình yêu của một người phụ nữ với một người đàn ông, nó giống như tình yêu với một người tri âm vậy. Điều này không làm An buồn chứ?

Không ai tin được ẩn chứa trong Vân là những suy nghĩ già cỗi! An muốn biết về Vân ư? Vân là con gái lớn của một người phụ nữ không may, là con riêng của một người đàn ông đa tình và đào hoa. Có một cô em ruột và vô số anh chị em cùng cha khác mẹ. Cha mất ở tuổi mười lăm, bắt đầu những tháng ngày tự lập và cô đơn. Cha Vân đi bộ đội vào Nam, ra quân và cũng là một nhà thơ không nổi tiếng. Mẹ là biên tập viên vì tình yêu đánh rơi sự nghiệp. Vân không may mắn có được một người đàn ông nào cho mình, ngay cả cha cũng phải trả lại cho người khác.

So với An, Vân còn trẻ lắm, chỉ mới bước vào tuổi hai tư. Bất ngờ không? Nhưng Vân cảm thấy trái tim mình già nua và mệt mỏi. Thể xác không lớn kịp với suy nghĩ nữa rồi... Yêu ghét rạch ròi, tình cảm rất dữ dội nhưng lý trí cũng vô cùng sáng suốt. Khao khát tình yêu nhưng lại chạy trốn nó như một con ngốc!…"

Vân cần một người hiểu mình,  cần một người để chỉ dạy Vân nên làm gì và hơn hết là cần một người để được sống thật là mình. An sẽ giúp Vân chứ? Ngoài khía cạnh tâm hồn, Vân không muốn phải ràng buộc An bởi bất cứ điều gì, bất kỳ mối quan hệ nào!

Vân rất chân thành! Chúng ta là bạn nhé!


    Vân thương quý!

Thật xúc động khi biết Vân còn quá trẻ mà đã chịu bao phong ba, bão tố. "Vân không may mắn có được một người đàn ông nào cho mình, ngay cả cha cũng phải trả lại cho người khác", làm An quay quắt!

Vân nên là một cô gái tốt. Sống chung với những cơn đau một cách bản lĩnh. Không trốn chạy nó, hãy đối diện với nó, đứng dậy mà đi, đứng lên mà chọc thủng màn đêm số phận bằng mũi nhọn nghị lực chính mình. Không ai yêu người xấu đâu Vân. Dù kiếp nầy chưa hưởng quả ngọt thiện tâm mình, thì con mình, cháu mình và nếu không, cái kiếp sau bí ẩn của Vân sẽ nhận, Vân nhé!

Thế là gần hai tháng chúng ta tìm đến nhau. Ngần ấy thời gian đã bao sóng gió! An đúng một gã khờ không biết sẻ chia, lại mãi ghen tuông, ích kỷ đã hành hạ Vân: "Lấy hết nước mắt Vân còn gì!", "Đêm nay, khi tôi phải gồng mình chịu bao đau đớn, thì tin nhắn của An là giọt nước làm tràn ly. An giết chết lòng tin cuối cùng trong tôi. Thôi đi!… ". Tin nhắn của Vân cấu xé tim An.

Vân có biết, gã đàn ông lớn tuổi, bông bênh cơm áo giữa đời như An, tất phải hoài nghi mảnh tình rực rỡ của một cô gái còn thơ bé như Vân. Cho nên An hoài nghi và không dám tin mình diễm phúc nhận lấy tình em tinh khôi, trong sáng. An thật bất ngờ khi Vân viết: "An không thể bảo bọc Vân? Đúng!. An không xứng đáng về tuổi tác? Đúng!. Nhưng Vân có cần điều đó, có đòi hỏi điều đó không? Một chút cũng không! Vân rất chân thành, và cũng đủ bình tỉnh để chuẩn bị cho mình trước những lừa dối có thể". Vân ơi! An biết tội An rồi!

Vân viết: "nước mắt là một thứ xa xỷ đối với Vân, nhất là nước mắt cho đàn ông! Ngoài cha Vân, An là người thứ hai làm Vân khóc. Tại sao?", "An đa tình và ích kỷ. Cái tôi của An mạnh quá, dù ngấm ngầm và cố đè nén, nhưng Vân thấy nó phảng phất trong từng câu chữ. An giống cha Vân đến độ làm Vân sợ! Sợ một ngày nào đó không giữ nổi mình, không giữ nổi những nguyên tắc bản thân…". "Vân kiêu ngạo lắm, nhất là với đàn ông. Vân giữ mình lắm, chẳng phải vì nhút nhát, chỉ vì thấy chưa ai xứng đáng! Một con sâu đo cũng có cái rướng mình kiêu hãnh…". "An muốn làm cha Vân ư? Không bao giờ! An muốn làm ông tơ bà Nguyệt cho Vân? Quên đi nhé! Hãy là người tình của Vân!". "Vân biết những khổ đau của mình chẳng là gì so với bất hạnh của An. Và khoảng thời gian "chín năm" trong Đất Sau Mưa của An, vẫn làm Vân day dứt, thầm cầu mong đó chỉ là hư cấu chứ không bao giờ là thực!". "Về mặt thể xác, Vân là một cô gái trong sáng, nguyên vẹn đến cái nắm tay. Nhưng về mặt tâm hồn, Vân thấy mình như một kỹ nữ đã qua trăm bận gió mưa"… Vân ơi, em là một cô gái tài hoa đa cảm. An biết mai đây An không thể giữ lấy, không giành lại mãi cho mình! Vân sẽ bay qua ngang trời như một cánh hải âu ngẩng đầu kiêu hãnh.

Vân ơi,

 "An có cái mà những gã đàn ông bao vây Vân không có. Chiều sâu tâm hồn. Chưa ai nhận xét Vân giống An. An ngốc nghếch, hoài nghi và đa cảm. An sẽ là một phần riêng tư lặng lẽ trong tâm hồn đầy xáo trộn và giông bão của Vân. Vân yêu An theo cách riêng và sẽ không yêu ai như thế" . Còn An chấp nhận cháy tro than cùng Vân.Vân dám không?

 


 

BỐN

Một buổi chiều điện thoại di động Vĩnh reo:

- Vân đã đến Huế.

Vĩnh sững sờ... ấp úng:

- Đang....đang... ở...  đâu?

- Nhật Hồng. Phòng 102

- An đến ngay. Chờ!

.Vĩnh không dám nghĩ Vân sẽ ghé Huế. Vĩnh tắt máy vi tính, lật đật lên xe chạy vù đến khách sạn.Từ ngoài đường, Vĩnh thấy một cô gái trẻ ngồi nhìn ra cửa với vẻ thấp thỏm... linh tính đó là Vân. Vĩnh có tặng Vân một cuốn truyện, bìa bốn in hình Vĩnh. Nhưng Vân không nhận ra khi Vĩnh cố tình đi xen lẫn tốp người. Vĩnh đứng sau lưng Vân. Lòng Vĩnh ấm áp, trái tim khô héo lại rung lên một dòng tình thương dạt dào... Vĩnh đến bên Vân. Vân đứng lên bối rối... và nỡ nụ cười rực rỡ. Vĩnh buột miệng:

- Nhỏ chút.. hà!

- An... ?

- Giống ảnh không?

- Giống hệt!

- Vân đi với đoàn?

- Một mình.

- Đi chơi loanh quanh môt chút nhé!

- Đi đâu cũng được. Miễn...

Vĩnh và cô gái được một tuần quấn quýt bên nhau. Dù chưa trọn bảy ngày, nhưng có đủ yêu thương, giận hờn và bão tố... Sáng tiễn Vân đi, Vĩnh loanh quanh phố suốt ngày, đi đâu cũng chạm vào kỷ niệm của hai người. Thi thoảng tin nhắn Vân lại đến:

- Vân nhớ An quá!

- Vân thật sự mệt mỏi và khổ sở vì những dằn vặt và nghi ngờ An đem lại!

- Vân đã về tới nhà rồi. Đừng có bỏ mặc Vân nha. Từ lúc lên tàu tới giờ lúc nào Vân cũng thấy nhớ An cả. Thật đó

- Đêm qua mọi thứ chờ An. Sao An không gửi tin nhắn!? Muốn xua đuổi Vân không dễ đâu! Đừng khủng bố Vân bằng sự im lặng! Đừng làm cho Vân khóc nữa. Vân yêu An là phải khóc như thế này đây hay sao?

- An bảo Vân ác ư! Cái ác của đứa con gái ngốc nghếch này làm sao bì được sự tàn nhẫn của người đàn ông từng trải như An. An định vĩnh biệt người bạn này ư? An đã lấy hết nước mắt của Vân còn gì!

- Thư đã gửi lúc sáng. Ghét An nhất là tính đa nghi và hay suy diễn. Thương An vì tình yêu của An dành cho Vân chân thành và nồng nàn quá. Nói câu gì đó ngọt ngào với Vân đi

- Vừa viết cho An một lá thư dài. An đọc sẽ hiểu hết. Đừng buồn Vân nhé! Bây giờ Vân nhớ An rất nhiều. Giá mà được nằm trong vòng tay An lúc này. Đừng trả lời tin nhắn của Vân!

- Có thật An cảm thấy bình yên khi không còn nhận tin nhắn và thư của Vân nữa phải không? Có thật là vậy không?

  "Biên Hoà 10/4/07

  An thương yêu!

  Cám ơn tình cảm và lòng nhân từ của An suốt thời gian qua! rất nhiều!

An nói đúng nhiều thứ! An bảo Vân sẽ hối tiếc, đúng vậy, ngay từ lúc bước lên tàu Vân đã hối tiếc vì chưa yêu An đúng như lòng, tiếc vì đã bỏ phí nhiều thời gian cho những giận hờn. Thế nhưng có bao giờ An nghĩ cho Vân không?

Từ lúc đặt chân xuống ga Huế Vân đã tự dằn vặt mình là kẻ có tội. Đối với Vân câu nói "nguyên vẹn từ cái nắm tay" hoàn toàn là sự thật nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Thế mà An đâu có tin, lại còn đem ra cười nhạo! Đau lòng lắm! Vân không phải là người con gái sống thiên về xác thịt. Những điều đó mang một ý nghĩa thiêng liêng! An là người đàn ông đầu tiên chạm vào người Vân và có những cử chỉ thân mật, An đâu có biết nó có ý nghĩa như thế nào với Vân. Giá mà An đừng... Vân sẽ cho An nhiều hơn thế! An làm Vân thấy mình trần tục và thấp kém làm sao!

An cứ bão Vân gieo giông bão vào An thế nhưng An đâu biết rằng chính An đã khuấy động tâm hồn Vân? Nói thế thôi chứ Vân đâu dám trách móc chi An? Chỉ mong An hiểu rằng Vân chẳng lừa dối gì An cả, thương yêu hay ghét bỏ Vân đều thành thật. An rất dễ yêu thương và say mê ai đó, còn Vân chỉ yêu mến mà khó có thể yêu thương. Vân cũng không ngờ sau khi chia tay An, Vân lại thấy mình buồn và nhớ nhiều đến thế. Thấy thèm sự chăm sóc của An, cả vòng tay và hơi ấm từ An nữa. Nói thế chứ Vân cũng hiểu nó đâu phải chỉ dành cho Vân. Đúng thế! Cả cuộc đời này Vân chỉ có thể tìm kiếm những mảnh vụn yêu thương mà thôi. An là của người khác... dù An có say mê Vân đến mấy cũng thế thôi.

Nhận ra sự nghẹn ngào của An bên kia đầu dây, Vân thấy mình chỉ nên chết đi cho rồi.

Bây giờ chợt nhận ra biết yêu thương An nhiều hơn những gì đã nghĩ, cái gì đến với Vân cũng muộn màng và không trọn vẹn!

  An yêu thương!

  Mỗi ngày trôi qua, Vân thấy mình hình như nhớ An nhiều hơn và bắt đầu lệ thuộc cảm xúc vào An hơn. Vân sợ An rồi đấy, sợ sự hoài nghi và đay nghiến cay độc của An, dù rằng Vân đường hoàng không mắc lỗi chi hết. An khá lắm!

Thư này viết cho An khi tâm trạng khá thoải mái nên chắc An đọc sẽ không buồn đâu. Vân chỉ ăn nói sắc sảo và cay nghiệt khi đang buồn chán thôi. Biết không, hồi còn đi học bạn bè đặt cho Vân biệt danh là "Hai móc câu" đó, vì nói gì Vân cũng xỏ ngọt hết. Bọn con trai sợ Vân chạy dài luôn, chúng nói Vân không biết yêu. Chúng đâu biết Vân đã yêu thì yêu dữ dội đến chừng nào.

An ơi! Bây giờ Vân thèm được nằm gối đầu lên chân An mà ngủ giống dạo ở khách sạn ấy! Vân điên rồi!

  An thương!

  Trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, Vân phải lăn lộn vất vả và túng thiếu. tuy nhiên về mặt vật chất Vân vẫn coi khinh, Vân chưa bao giờ đòi hỏi hay hy vọng ở An điều đó. Thế thì An tiếc nuối gì một chút thương yêu chia sẻ dành cho Vân trong cái gia tài giàu có về tâm hồn kia! An ghen với VH là điều khiến Vân vừa buồn cười vừa tức giận. Không thể phủ nhận rằng đối với Vân, VH đã dành nhiều tình cảm, đã không ngại bày tỏ những tình cảm đó. Vân là bạn của An, An là bạn của VH - thế thì Vân phải cư xử sao đây cho xứng đáng là niềm tự hào của An?. Vân nghĩ cách từ chối của mình là đủ để làm VH tái tê và vẫn giữ được cho An và VH một tình bạn tốt. Dăm ba tin nhắn xã giao qua lại có sức ảnh hưởng íên quan hệ của chúng ta? An có thấy dằn vặt Vân thế là thiếu công bằng không? Từ giờ đến suốt đời, Vân không bao giờ đòi hỏi hạch sách An, cũng không bao giờ ràng buộc An bởi bất cứ lý do gì, bởi Vân biết mình chẳng có quyền.  Chỉ xin chút niềm an ủi, một liều thuốc nhỏ cho tâm hồn đang dần sứt mẻ và rơi rụng này, lẽ nào tìm một chỗ dựa tâm hồn cũng khó vậy sao An?

Cám ơn An đã yêu Vân rất nhiều và rất dữ dội. Và vì trái tim An rộng lớn quá, tâm hồn An đa cảm quá, và An lại đa tình nữa! Cho nên khi An yêu thương một cô gái tầm thường như Vân, An cũng có thể sẽ yêu một cô gái khác nồng nàn không kém. Còn chưa biết nỗi đau của ai chua chát hơn mà!

An thương yêu! từ lúc rời xa An. Vân đã thấy mình biết mất mát lần nữa. Trên tàu không lúc nào Vân thôi nghĩ về những ngày ở Huế. Tự hỏi đó là hạnh phúc hay lại là thử thách mà thượng đế gieo xuống! Vân chỉ nhận ra mình thực sự yêu An khi đã rời xa An. Bây giờ khi nghĩ tới đã từng yêu thương trước đó, Vân thấy mình ngu ngốc và quá phung phí tình cảm. Người đó đâu có xứng đáng để được hưởng tình yêu của Vân, bởi so với tình yêu mênh mông của An thì yêu thương mà người đó dành ho Vân nhỏ nhoi làm sao! Ngay lúc này, Vân biết rõ trái tim mình thuộc về ai!

Từ buổi nhắn tin hôm đó đến nay Vân buồn nhiều. Nhưng vẫn cố thật vui, thật đẹp - vì trót lỡ khoe với mọi người Vân đang hạnh phúc và vui vẻ vì đang yêu và được yêu. Vân biết tận lúc này An vẫn không tin rằng Vân yêu An thật lòng. Thế mà thật đấy! An chẳng có gì Vân yêu cả vì An chẳng thông minh lắm, nghèo này, vướng bận này, và lại còn ích kỷ và hay ghen tuông nữa! Thế mà Vân lại trót lỡ yêu An mất rồi!

An bảo Vân còn vô tư, chưa biết chăm sóc người khác. Không phải thế đâu, Vân đã phải chăm sóc mình và mọi người từ bé cơ. Thế mà với An, Vân cứ muốn mình thật ngốc, thật vô tư và nhõng nhẽo nữa, chỉ được thấy An ân cần, chăm sóc mà thôi. Giờ chẳng kịp rồi!

An thân yêu!

Bây giờ, ngay lúc này Vân nhớ An đến bủn rủn tay chân, không lẻ cứ đem ảnh An ra mà ngắm, mà cười như một con ngố? An lại làm Vân khóc nữa rồi! An là người làm Vân khóc nhiều nhất đó!

Trong này ai cũng biết Vân yêu một người đàn ông lớn tuổi, chẳng ai dám trách vì biết tính Vân. Ngoài đó người ta biết An say mê Vân, người ta không chịu ngăn cản. Vậy mà chúng ta có được nhau đâu. Mỗi đêm Vân trông chờ tin nhắn của An. Bạn Vân bảo Vân sống bằng An, có lẽ nó nói đúng! Khi quyết định không nhắn tin cho An nữa, là Vân đang tự sát đấy! Không kịp rồi! ước gì không đọc truyện ngắn đó để không bao giờ  biết tới An. Vân phải làm gì bây giờ? Cái tổ ấm yêu thương của An, những đứa trẻ vô tư hồn nhiên, người phụ nữ đã  hy sinh quá nhiều! Vân phải làm gì đây ngoài việc xa An, trả lại An đúng nơi An hiên diện, Vân không thể đánh cắp hạnh phúc của người khác! Chúng ta chia tay thôi! Hãy đem tình yêu dành cho Vân về lại gia đình! Vân sẽ không nạp tiền vào tài khoản để không thể nhắn tin cho An, nếu bây giờ không cương quyết, Vân nghĩ mình không đủ can đảm dứt ra nữa đâu.

Giá mà được gặp lại An, để Vân có thể nhìn vào mắt An mà nói lời yêu thương, và hôn An chỉ một lần thôi. Muộn quá rồi!

 Nếu yêu Vân thật, hãy đem tình yêu đó vào những trang viết  nhé! Vân muốn An thật can đảm đứng lên và sáng tác! Yêu thương dừng lại ở đây nhé! Đừng buồn nhiều! Và nhất là không được khóc, Vân sẽ nát tim nếu biết An khóc đấy! 

 

NĂM

  Tin nhắn cuối cùng Vân gửi Vĩnh:

 -  An ơi em chẳng còn cách nào tốt hơn. Ngàn lần xin lỗi ANH!



 

NGUYỄN NGUYÊN AN

17/02/2024

READ MORE - KHOẢNG CÁCH EM VÀ TÔI LÀ GIÓ - Truyện ngắn - Nguyễn Nguyên An

ĐẦU NĂM CUNG CHIÊM CỬU ĐỈNH Ở THẾ MIẾU TRONG KINH THÀNH HUẾ - Lê Quang Thái

 

 


Đầu năm cung chiêm Cửu đỉnh 

ở Thế Miếu trong kinh thành Huế

Lê Quang Thái

 

Thế Miếu tọa lạc ở một vị trí tôn nghiêm bên phải Hoàng thành Huế. Các tôn miếu như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên… gắn liền với Xã Tắc tạo thành thuật ngữ gồm 4 từ Sơn Hà Xã Tắc biểu trưng cho hồn thiêng của Đất Nước.

Theo dòng lịch sử, may mắn thay cơ ngơi của các tôn miếu nay vẫn còn tồn tại. Tế Giao, tế Xã Tắc, tế Tôn Miếu, kể cả lễ kỵ Miếu và Điện ở các lăng tẩm là để tỏ lòng tri ân và cầu nguyện Quốc Thái Dân An.

 

Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái

Vào đầu tháng ba năm Tân Tỵ, 1821; vua Minh Mạng phái Chưởng Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên và Hữu Tham tri Bộ Binh Nguyễn Khoa Minh trong coi việc xây dựng miếu Thế Tổ. Tháng giêng năm sau Thế Miếu làm xong. Miếu này có cơ ngơi uy nghi và bề thế, bao gồm nhiều hạng mục cao trọng.

 

Thế Miếu thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế và Cao Hoàng Hậu sau ngày mãn tang. Hằng năm vào tiết Đoan Dương (từ ngày 1 đến 15 tháng 5 âm) và hai kỳ tế về mùa hạ, mùa đông thì đích thân vua Minh Mạng đến tế.

 

Cạnh Thế Miếu là điện Phụng Tiên, tiền thân có tên gọi điện Hoàng Nhân được dựng thành từ năm 1814, là ngôi điện thờ phụng tổ tiên nhà Nguyễn. Vào tháng giêng năm Đinh Dậu, 1837, nhà vua mới cho dời về phía sau Thế Miếu, đổi kiến trúc từ 3 gian thành 9 gian. Miếu ở đằng trước, điện ở đằng sau là rất thuận lẽ. Tháng 6 cùng năm ấy, điện mới Phụng Tiên làm xong. Vua Minh Mạng ban lời dụ: hằng năm từ ngày 1 tháng 2 đến cuối tháng 9 không phải phô bày cổ vật, từ ngày 1 tháng 10 đến cuối tháng giêng mới kính cẩn đem ra trưng bày báu vật ở điện này.

 

Nói đến quốc báu thời nhà Nguyễn, học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996) có bài viết “Cung Điện Huế Đô năm 1908” theo lối tạp bút nhưng nghiêng nặng về biên khảo, dịch thuật và đưa ra nhiều nhận định sáng giá. Nhà khảo cổ họ Vương đã nhắc đến 9 cái đỉnh bằng đồng trước sân Thế Miếu và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, chức năng khác của điện Phụng Tiên là trưng bày cổ vật quí giá với số lượng và thể loại có tầm vóc của một bảo tàng cung đình. Bài viết của cụ Sển được in chung với những cảo bản khác cùng một tác giả thành cuốn sách quí Tạp bút năm Nhâm Thân, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, 2003.

 

Cụ Sển, nhà chơi đồ cổ kỳ lão, người Nam Bộ chỉ ra Cố đô Huế tham quan và dạy ở trường Đại học Văn khoa Huế 2 lần vào năm 1958 và 1966. Chúng tôi có dịp may được Cụ cho tháp tùng đi thăm Thế Miếu và điện Phụng Tiên vào lần thứ hai trong dịp Cụ lưu lại Cố đô Huế nhiều ngày. Cuối đời, lúc đã ở vào tuổi 92, Cụ vẫn khiêm tốn viết vắn tắt về 9 cái đỉnh đồng trong sân Thế Miếu:

 

“Cửu đỉnh nơi Đại Nội. Biết gì mà nói. Chín đỉnh nầy là lịch sử, địa dư cà cuống, đuông chà la, géographie của Việt Nam ta đó”.

 

Muốn viết một tiểu phẩm ngắn hơi, để thuyết minh về Cửu đỉnh cho du khách tham quan Thế Miếu đã là chuyện khó, huống chi nuôi tâm dưỡng trí mà dựng thành cuốn sách.

 

Tháng 10 năm Ất Mùi, 1835, bắt đầu đúc chín đỉnh để ở sân nhà tôn miếu. Tên chữ “Cửu đỉnh” góp phần làm rạng rỡ uy danh ngôi báu của vương triều trị nước dài lâu và vững bền như ý nghĩa lời chúc hổ mà văn thần Phạm Gia Huệ đã viết trong lời kết của bài“Thái hòa cảnh tượng chí” dưới thời vua Tự Đức:

 

                      “Nước yên chín vạc,

                        Tộ dõi muôn đời”.

 

Bao thuở thái bình, phỏng lấy câu vũ trụ thái hòa làm câu kính chúc.

 

Dụng ý thâm hậu của việc đúc Cửu đỉnh từ buổi dựng nước, hẳn đúng như lời Dụ của vua Minh Mạng với triều thần ở Nội các; trước khi khởi công:

 

“Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quí ở trong nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cúng, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau”

 

Đỉnh là vạc theo ngôn ngữ thông thường như văn chương quốc âm đã dựa vào “chức năng” để phiên âm dịch nghĩa. Chứ trong thực tế, không mấy ai nhất quyết gọi “vạc” là “đỉnh” bao giờ. Đời chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) đúc nhiều “vạc đồng”. Hai chiếc vạc đồng lớn được kê đặt hai bên tả hữu sân điện Cần Chánh trong Đại Nội là một minh chứng tỏ rõ hình tượng của “vạc” có nét khác biệt với “đỉnh”.

 

Cửu đỉnh là 9 cái đỉnh đồng kỳ vỹ, đồ sộ đứng sừng sững trước sân Thế Miếu theo trục chính nhìn từ tiền đường Thế Miếu thẳng lối ra Hiển Lâm Các ba tầng. Cảnh trí nơi đây thật phong quang và thanh tú. Thế Miếu uy nghiêm và cao trọng. Sáng mai Cửu đỉnh phơi sương sớm, trưa chiều nắng vàng tắm gội. Chốn cung môn có chuông, có trống, có Cửu đỉnh. Ngày xưa, kẻ sĩ trong nước từng ước mong tu thân, lập đức tranh tài để được hưởng ơn mưa móc từ Cửu trùng ban xuống cân đai, áo mão:

 

                “Nhởn nhơ trong cõi hồng trần,

                Gặp ngày chung đỉnh đai cân cũng vừa”

                                                         (Nguyễn Công Trứ, Nợ phong trần)

 

Đọc quốc sử rồi, nếu có dịp tham quan Thế Miếu để nhìn tường tận 9 cái đỉnh lớn cho thỏa con mắt và đồng thời kiểm chứng được một số nhầm lẫn hoặc sai sót của người dịch sử sách khiến cho người viết những bài chuyên khảo sau về Cửu đỉnh ngắn hoặc dài ít có dịp đi điền dã vướng phải gai góc nên đã nhầm lẫn tiếp theo. Quả thực, trăm nghe không bằng một thấy, thậm chí có thể dùng tay để gỏ hoặc sờ bằng tay lên thân từng đỉnh để nghe “tiếng đồng xưa” muốn nói điều gì cùng ta được biết rõ hơn. Những điều khúc mắc mà lý thú ấy đã được tác giả “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” mất nhiều công sức tra cứu, thực địa để biên khảo, đính chính giải tỏa những sai sót trước đây.

 

Ngoài tên gọi 9 đỉnh, ở mỗi đỉnh được khắc họa 17 tên gọi về tinh tú, sông núi, cửa ải, chim muông, thảo mộc, binh khí, quân dụng. Cái trật tự ấy không nhất thiết phải duy trì đúng vị trí trước sau trên hình khắc họa để đúc vào từng đỉnh một. Nghệ nhân đúc đồng tuân thủ ý chỉ được quyền uyển chuyển trong khi bày trí vào mặt cầu theo hình tròn của từng đỉnh. Những người thợ giỏi có thiên tư, hoa tay thể hiện từng hình tượng nghệ thuật tinh vi, chữ Hán viết theo lối chữ chân pha kiểu chữ lệ và biến thể linh hoạt xếp đặt ở vị trí thích hợp, hài hòa với từng cảnh sắc.

 

Tổng cộng 162 họa tiết khắc nổi trên 9 đỉnh. Dụng ý lưu tâm đến con số 9 hoặc bội số của nó mang ý nghĩa diệu kỳ biểu trưng ngôi vị của nhà vua đặt ở chốn Cửu trùng, được văn học chuyển ngữ chín tầng mây hoặc chín tầng trời.

 

Vua đang tại vị sống ở cung vua, làm việc ở cung điện và vi hành ngoài chốn dân gian. Lúc vua băng hà, theo triều điển vua kế vị dâng “thụy”; khi hết tang được thăng hưởng ở Thế Miếu. Cửu đỉnh khơi gợi hồn thiêng đất nước, tinh anh của muôn loài, muôn vật hình thành nên non sông gấm vóc; địa linh sinh nhân kiệt làm cho nòi giống rạng rỡ. Lời chúc hổ còn truyền tụng: Hoàng đồ củng cố thì Đế đạo hòa xương; nghĩa là cơ đồ sự nghiệp nhà vua vững bền thì đạo vua tôi hòa thuận làm cho đất nước thịnh vượng.

 

Bức tranh toàn cảnh của Thế Miếu là cái nền, là bộ mặt của quốc gia được nhìn nhận theo lối biểu trưng và ẩn dụ. Cửu đỉnh là sản phẩm trí tuệ linh diệu của dân tộc, là cái hình trỗi vượt lên, thăng hoa thành hồn nước. Người thông tuệ kinh điển như cụ Nguyễn Công Trứ, lúc ngồi ghế Phủ Doãn Thừa Thiên, cụ đã sáng tác bài hát nói có tựa đề “Ngao du cho thỏa chí” dẫn lời cổ nhân để lý giải về nhân luân, về tam cương ngũ thường:

 

              “Đạo thông ra ngoài các vật hình của trời đất,

              Ý chen vào trong sự biến chuyển theo gió mây”.

 

Ẩn ngữ là thế, nhưng lắm người lại hỏi: Cửu đỉnh có phải là vật vô tri không? Xin được nói ngay: Không, nhất thiết là không. Nếu bạn gỏ nhẹ tay hoặc sờ lên hình tượng, họa tiết trên một đỉnh của 9 đỉnh sẽ nghe tiếng đồng cổ rung nhẹ thành âm ba từ quá khứ của 173 năm về trước và trước nữa từ thuở xa xăm, xa xưa vọng về:

 

                             “Cảnh thanh tú bầu trời vượng thái,

                              Đất thiêng liêng thụy khí nhân luân”.

 

Chuyện chung vạc tức chuyện liên quan đến “cái đỉnh, cái chuông”, nói gọn lại là “chung đỉnh”, không những là việc đối xử, ứng xử của người đời, cho người sống mà còn cho người đã khuất, đã hy sinh vì đại nghĩa. Văn tế chiến sĩ trận vong ở trấn Bắc Thành do Vũ Lượng biên soạn có hai câu đáng nhớ:

 

        “Dưới trướng nức vùi chung vạc, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh,

         Trong nhà rỡ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu hong trước gió”.

 

Tương truyền khi đọc văn tế này, khách mày râu theo nghiệp đao binh không cầm được nước mắt; lại nữa khi đốt văn tế thả xuống dòng sông Nhị Hà thì mặt nước bỗng nhiên cá vờn lên gây thành sóng làm chao thuyền.

 

Một chữ “đỉnh”(鼎) gồm 13 nét, cấu trúc của từ linh diệu này gồm chữ “mục”(目) nghĩa là “mắt, nhìn” thịt con vật để tế lễ, chia nhiều phần nhỏ, còn gọi là con “sinh”, nằm hai bên cân phân đối xứng có dạng hình chân đứng và quai của chiếc đỉnh. Chiếc đỉnh xông trầm hương dùng trong tế tự ở nước, ở làng, ở đền, ở miếu, ở chùa đều lấy dạng thức của hình tượng chữ “đỉnh” thu hẹp lại. Có khác chăng ở chỗ độc lư hoặc đỉnh xông trầm có nắp đậy, còn đỉnh lớn hoặc vạc thì không có nắp.

 

Tế lễ xong, chủ tế và thần dân được hưởng phần và quà theo lối “thừa thần chi huệ’. Vật gì cũng có “thể” và “dụng” của vật ấy. Đạo trời, thiên đạo cũng vậy. Đạo của Phu Tử chỉ có “trung” (忠) và “thứ’ (恕). Trung là hết lòng với người, thứ là suy mình đến người khác. Trung là “thể’ của thứ, thứ là “dụng” của trung. Trung thứ (忠恕) là thể dụng của “nhân” (仁).

 

Con người muốn đạt quả vị của “chữ nhân” thì phải bắt đầu bằng “trung thứ”. Nhân, lễ, nghĩa, trí là “tứ đoan” (bốn núi), hợp với “tín’ trở thành “ngũ thường”. Tam cương ngũ thường là “thường kinh của đất trời”, là “thông nghị của kim cổ”. Nhân tâm kết hợp với thiên lý làm một, đó là “nhân”. Tam cương ngũ thường là đạo lý làm người từ thời xa xưa, tinh anh ấy do loài người tư duy mà hình thành như quy luật đạo lý làm kim chỉ nam cho hành trạng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Từ buổi ban đầu nguyên thủy, không ai cho rằng các dường mối luân lý ấy là phát hiện, là minh triết của một dân tộc nào; mà là trí tuệ của nhân loại.

 

Sách Tả Truyện cho biết nước Tấn đúc vạc để chép hình luật. Nghe biết điều ấy, Đức Phu Tử liền nhận định, bằng lời tiên đoán: “Nước Tấn sẽ mất thôi”. Lạm dụng hình phạt thì làm sao mà tôn kẻ quý. Kẻ quý người hèn không có thứ bậc thì trị nước sao được?

 

Họa tiết được khắc họa trên vạc hoặc đỉnh phải có dụng ý sâu xa nhằm tính chuyện giáo hóa quốc dân, giữ vững đất nước bền lâu và hưng vượng.

 

Ngày lành tháng 10 năm Ất Mùi, 1835, trước khi tiến hành đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng căn dặn Bộ Công: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”.

 

Việc dịch ra quốc ngữ về tên gọi các hình tượng trên từng đỉnh có nhiều tên chữ không được chuẩn mực hoặc nhầm lẫn làm biến tướng biến nghĩa. Tổng cộng có 27 tên gọi bị biến tướng: ở Cao đỉnh có 4 tên; Nhân đỉnh có 3 tên; Chương đỉnh có 4 tên; Anh đỉnh có 2 tên; Nghị đỉnh có 2 tên; Thuần đỉnh có 2 tên; Tuyên đỉnh có 2 tên; Dụ đỉnh có 4 và Huyền đỉnh cũng có 4 tên hình tượng sai nhầm cần phải được đính chính. Chẳng hạn như hình trường thương là giáo dài thì lại dịch là súng trường…

 

Cửu đỉnh là báu vật bằng đồ đồng. Kỹ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật đúc những chữ viết, hình tượng trên mặt hình cầu của từng đỉnh lớn một rất tinh vi. Sân Thế Miếu, nơi đặt 9 cái đỉnh uy nghi, hoành tráng và phong quang. Nay dịch các thuật ngữ khắc nổi trên thân từng đỉnh mà không lưu tâm ít nhiều đến “Tiếng Huế” còn lưu truyền để dịch cho chuẩn, cho rõ và lại dễ hiểu thì tiếc lắm thay. Hình tượng Phổ Lợi Hà (sông Phổ Lợi), không thể nào dịch là Phả Lợi (ở Nhân đỉnh); Ly Ngưu là con bò tót, ít ai nói con bò lang theo lối nửa Nôm nửa Hán (ở Thuần đỉnh); Biển đậu là (cây) đậu ván, không ai gọi là cây biển đậu; Sơn mã (山馬) là con hươu, chứ không phải con ngựa (ở Huyền đỉnh), lẽ nào cứ để cho nó “trùng phùng” với hình tượng con ngựa (mã (馬) được khắc ở Anh đỉnh)…không thể nói hết, chỉ nêu lên một vài “tình tiết” tiêu biểu. Nhờ đọc chậm, và đối chiếu giữa sử liệu, bản dịch của những bậc trí giả đáng kính trước đây mà chúng tôi tìm ra những nét khấp khểnh, so le như thế giữa sử liệu chính thống với thực tế khắc trên di sản Cửu đỉnh.

 

Hình tượng, chữ viết trên từng đỉnh đồng có giá trị như lời văn và họa tiết trên bia đá, rạch ròi từng đỉnh một. Tuyệt đối không có chuyện nhầm lẫn đáng tiếc theo lối “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trong quá trình biên soạn “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế”, ông Dương Phước Thu đã phát hiện nhiều lỗi sai về chuyện hình tượng và chữ viết minh họa của đỉnh này sang đỉnh khác do những người viết biên khảo về Cửu đỉnh đi trước vấp phải. Chuyện “tréo hèo” này, không phải ở một đỉnh mà đến 4 đỉnh! Xin dẫn chứng:

 

- Hoàng oanh (黃鶯) tức chim vàng anh: Đại Nam nhất thống chí, Sài Gòn (1962), Hà Nội (1969) chép hình tượng chim này khắc ở Tuyên đỉnh; thực tế chim vàng anh được khắc ở Thuần đỉnh.

 

- Tần cát liễu (秦吉了) tức chim nhồng, cũng theo hai bản dịch trên, ghi chép hình tượng chim này ở Dụ đỉnh, kỳ thật là ở Tuyên đỉnh.

 

- Anh vũ (鸚鵡) tức con vẹt, theo sách đã dẫn và một số sách biên khảo khác để hướng dẫn khách du lịch gần đây, ghi hình tượng chim vẹt ở Tuyên đỉnh. Kỳ thật họa tiết này được khắc ở Dụ đỉnh.

 

- Xa (車) tức cái xe hoặc chiếc xe, gọi tắt một tiếng là “xe”. Sách “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” lại chép họa tiết này khắc ở Anh đỉnh. Thực tế hình tượng chiếc xe khắc ở Huyền đỉnh…

 

Ngoài ra, có một số nhầm lẫn đáng tiếc nữa do người dịch sách Đại Nam Thực lục chính biên, xuất bản 1968, tái bản 2004, như đã chuyển ngữ từ bản gốc chữ Hán ra chữ quốc ngữ 2 từ Thốc thu dùng để chỉ tên “chim ông lão” thành “núi Thúc Thu”. Thế rồi, dựa vào bản dịch Thực lục ấy, một số sách biên khảo sau lại ghi “chim ông lão” thành “núi Thúc Thu”?.

 

Cửu đỉnh là quốc báu, di sản quí giá, không đơn thuần chỉ là đồ đồng có pha chút kẽm, thiếc, chì mà kỹ thuật đúc cho phép. Hình tượng của đỉnh, họa tiết, chữ viết trên mặt cầu của từng đỉnh, ánh sáng của kim loại đã ngã sang màu đen huyền như là những trang sách quí, lung linh nghĩa lý thanh thoát. Cửu đỉnh là pho sách lớn để giáo hóa quốc dân ghi nhớ nằm lòng những ý nghĩa thâm hậu của đạo làm người và trị nước như “lời vàng” mở đầu của sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, rằng:“Đức lớn của trời đất là sinh, duy ở trước sau không ngừng, báu lớn của thánh nhân là vị, truyền trao được đúng là quí”.

 

Thuận với lẽ trời đất tức thiên lý, hợp với nhân luân tức giềng mối chuẩn định tôn thống để trao ngôi báu đúng người kế vị theo cái trật tự của từng đỉnh ứng với danh xưng các án thờ tại Thế Miếu, rõ nét nhất qua 4 đời vua Gia Long (Cao Hoàng Đế), Minh Mạng (Nhân Hoàng Đế), Thiệu Trị (Chương Hoàng Đế), Tự Đức (Anh Hoàng Đế). Thời thế chao đảo, vận nước chông chênh từ sau ngày vua Tự Đức băng hà khiến cho quốc sử phải vận dụng lối viết chấp kinh tùng quyền theo bước ngoặc lịch sử để thiết lập 3 án thờ vua Kiến Phúc (Nghị Hoàng Đế), Đồng Khánh (Thuần Hoàng Đế) và Khải Định (Tuyên Hoàng Đế). Còn khuyết hai án ứng với hai đỉnh là Dụ và Huyền, chưa có án thờ theo qui định của vua Minh Mạng thì vai trò vương triều của nhà Nguyễn kết thúc năm 1945.

 

Bằng giải pháp “tình thế” vào năm 1958, tại Thế Miếu, con cháu hoàng tộc nhà Nguyễn đã thiết thêm án thờ ba vua yêu nước là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân; trong ba án thờ có hai án ứng với hai đỉnh còn lại (nhưng vẫn không có tên thụy). Như vậy có một án sẽ không ứng với đỉnh nào cả? Cung chiêm Cửu đỉnh, nhìn trước nhìn sau cũng chạnh lòng. Hỏi trời! Trời ở trên cao. Lục xem điển cố thấy rõ “lễ do nghĩa mà đặt ra”!

 

Ngẫm lại cái uẩn khúc kỳ diệu của Cửu đỉnh – di sản thể hiện minh triết Việt ẩn hiện trên chất liệu bằng đồng quí giá, vô cùng quí báu trở thành đề tài “gai góc” khiến cho nhiều người né tránh, không dám “đâm bút sâu” vì ngại chợt sơn, “chảy máu” một cách vô tình!

 

Luận giải, đương nhiên phải khởi sự bằng thủ pháp miêu tả, rồi mới suy tư đưa ra cảm nhận và theo lối trình bày với độc giả một cách dễ hiểu, có tình, có lý, có nghĩa. Thì ra, “đạp phải gai góc” thấy đau ở chân mới nghĩ đến sự thế buổi đầu xa xưa cũng thật thú vị; đúng là cái thú của dân thích cổ ngoạn.

 

Đọc và viết xong lời bạt cho sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế”, tôi thật sự vui mừng vì lẽ thấu hiểu và say mê thêm về một giai đoạn lịch sử văn hóa của dân tộc. Dẫu có say nhưng lòng vẫn niệm tĩnh, để khơi gợi lại chuyện xưa vừa hoành tráng vừa uy phong nhưng cũng thấm ướt một lớp bụi hồng trần bi dũng.

 

Vào Thế Miếu, gỏ nhẹ lên thân Cửu đỉnh ta sẽ nghe được tiếng đồng vọng ngàn xưa của tổ tiên truyền lại.

 

L.Q.T

Nguồn: lieuquanhue.vn, 24/01/2012

READ MORE - ĐẦU NĂM CUNG CHIÊM CỬU ĐỈNH Ở THẾ MIẾU TRONG KINH THÀNH HUẾ - Lê Quang Thái