Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 12, 2010

NGUYỄN NGỌC HƯNG -Một lần ru ngoại


MỘT LẦN RU NGOẠI

Thơ : Nguyễn Ngọc Hưng
Lời bình: Võ Thị Như Mai

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi được nghỉ giữa kỳ. Kỳ nghỉ hai tuần này tôi sẽ chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, ra sau vườn cho cá ăn, tưới nước, dọn dẹp nhà cửa, tìm vài công thức nấu ăn và thực hiện vài món ngon cho gia đình, dẫn con đi chơi và đọc sách, hẹn chồng đi ăn trưa và nhất định cả nhà sẽ cùng đi xem bộ phim Toy Story 3 vào một buổi chiều mưa gió nào đó (trời mưa và lạnh mà ngồi trong rạp chiếu phim màn ảnh rộng cũng là một cái thú).

Sáng nay lướt net, bất chợt đọc được một bài thơ lục bát rất nhẹ nhàng và đầy những hình ảnh thân thương của tâm hồn con người và quê hương Việt Nam , “Một lần ru ngoại” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Tình cờ đây cũng là bài thơ đạt giải tư trong cuộc thi sáng tác thơ lục bát “Ngàn Năm Thương Nhớ” vừa được trao giải cách đây mấy ngày.

“Một lần ru ngoại” là một bài thơ khá dài với 28 câu liền mạch từ đầu đến cuối không phân khổ, có nhịp điệu 2/2 êm đềm và trữ tình. Toàn bài có một dấu lặng (…), không có dấu chấm, dấu phẩy nhưng mỗi dòng là một câu với ý tứ sâu sắc và hoàn chỉnh tạo nên nhịp tâm tưởng liền mạch rất đặc trưng. Ngày xưa tôi thường ít thích đọc thơ lục bát cũng như ít thích nghe những bài tango vì có lẽ do nhịp điệu đều đặn chăng? Hay do thời điểm tôi lớn lên, các thi nhân hiện đại đã bắt đầu viết nhiều thể thơ tự do, phóng khoáng, tân kỳ về cả nội dung, hình thức và kỹ thuật? Tôi cũng không biết nữa. Sau này khi bắt đầu sống xa nhà, tôi yêu lục bát hơn và kể từ khi xa quê, mỗi khi đọc những câu thơ lục bát giản dị, nền nã, tôi lại càng thấm thía nỗi lòng của một người xa xứ được thì thầm ngâm nga câu thơ của những tác giả sống trong lòng quê hương, chuyên chở tâm tình và tư tưởng của mình qua các bài thơ lục bát.

Bài thơ của tác giả tạo cho tôi một ấn tượng khá mạnh do từng từ, từng ý thơ dường như nói hộ lòng tôi vậy. Kỷ niệm đua nhau kéo về. Hàng cau ngoại trồng thân dài thẳng tắp trong một khu vườn đầy hoa trái, niềm vui lao động cần mẫn quanh năm bươn chải cũng đồng hành với thời gian làm hao gầy đi sức lực con người, đồng hành với các nếp nhăn, với “lưng còng”, và với nụ cười móm mém đầy trìu mến. Nhớ lắm ngoại tôi hiền từ nhưng thẳng tính và minh mẫn, nhớ lắm ngoại tôi cơ cực dặm trường suốt một đời, vất vả một mình nuôi các con. Tôi không có cái may mắn được gần ngoại như những người em họ của mình, nhưng mỗi lần gặp ngoại tôi đều cảm thấy ngoại rất gần gũi, dễ chịu và thân thương để rồi sau những cuộc gặp ngắn ngủi, trở về nhà lòng quay quắt nhớ.

“Lâu lâu nhớ ngoại con về
Ba bên gió thổi bốn bề nắng vương
Mắt nhìn me dốp ổi ương
Nhìn cau mọc thẳng mà thương lưng còng”

Hình ảnh ngoại của tôi cũng y như “ngoại” trong bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng. Theo như lời kể của mẹ, thì ngoại tôi đã lận đận từ thuở nảo thuở nao, cũng “lắng trong gạn ngoài”, “chạy từng hạt muối củ khoai”, cũng tất tả hết ra Trung rồi lại vào Nam tìm kế sinh nhai, hết lo cho từng người con rồi đến xoay vần bên đàn cháu. Ông ngoại bị bệnh mất sớm, ngoại tần tảo nuôi mẹ và dì, rồi ông ngoại hai xuất hiện trong đời ngoại chẳng được bao lâu, ngoại chưa kịp vui với niềm vui của một người vợ, có thêm ba cậu con trai năm một nối tiếp nhau ra đời, thì ông ngoại hai qua đời. Rồi mẹ và dì được một người bà con nhận nuôi, ngoại trở vào nam lập nghiệp cùng ba cậu con trai những năm dài sau đó.

“Từ ông như nước xuôi dòng
Một mình ngoại phải lắng trong gạn ngoài
Chạy từng hạt muối củ khoai
Xuống đông ngăn bão lên đoài cản giông
Hết lo con gái ế chồng
Lại đàn cháu dại lông bông suốt ngày
Mỏi mòn như chiếc cối xay
Ngoại quay theo những vòng quay cuộc đời”

Các cậu lần lượt lớn lên, lấy vợ, sinh con. cậu Cả giỏi nhất nhà, một tay gây dựng sản nghiệp, cuộc sống bắt đầu dễ chịu hơn cho đến một chiều mẹ nhận điện thoại của ngoại, tiếng được tiếng mất, rằng cậu lớn đã qua đời do bị lật xe bò. Cậu Út thì hơi lãng đãng, lâu lâu ngoại và vợ con của cậu phải đăng báo hoặc lặn lội đến một xứ xa ngái nào đó để tìm cậu về, để rồi trong một lần kiếm tìm như thế, nước mắt những người đàn bà lại xối xả tuôn khi họ tìm thấy xác cậu Út bên đường do tai nạn giao thông. Ngoại lặng lẽ hơn bên hai nàng dâu hiền và bầy cháu, vẫn trồng trọt, chăn nuôi, vẫn hiền từ, vất vả và lưng không còn thẳng, những bước đi vì thế mà kém phần nhanh nhẹn. Cậu Ba ở cạnh mẹ tôi, thỉnh thoảng gia đình tôi và gia đình cậu Ba rủ nhau về thăm ngoại, các mợ và các em.

“Rộng dài tấm áo thương yêu
Dù khi tơi tả giữ điều thơm tho
Quẩn quanh đồng vạc bãi cò
Mà “xương thịt” ngoại gởi cho trăm miền
Vì yêu tổ quốc mẹ hiền
Tuổi xanh các cậu hồn nhiên góp bồi”

Nhớ lần đầu tiên gặp ngoại, tôi sà vào lòng bà với cảm giác như đang ở bên một người mẹ thứ hai. Mẹ tôi giống bà lắm, từ nụ cười hiền lành đến đôi mắt ấm áp, từ giọng nói miền Trung ngọt ngào đến vóc dáng thâm thấp, tròn tròn. Những năm dạy ở Châu Đức, thỉnh thoảng tôi rủ vài đồng nghiệp chạy xe qua thăm ngoại, lần nào trước khi về lại trường, ngoại cũng cột vào xe tôi không bịch tôm khô thì cũng quả mướp, không bịch mận thì cũng quả mít.

“Còn không sợi tóc câu chuồn
Quả na cấp củm ngoại luồn tay con
Chùm mận chín trái xoài non
Để dành ai nữa héo hon sớm chiều”

Ngoại tôi có cả thảy bảy chị em, lúc tôi còn học cấp hai, chỉ anh và chị đầu ngoại đã qua đời ở tuổi trên tám mươi, năm người còn lại thỉnh thoảng được con cháu tạo điều kiện để rồi tứ phương quay về một nơi. Chị em ai cũng gần tám mươi nắm tay nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, cười vang cả nhà mà nước mắt của niềm vui cứ chảy giọt giọt trên má.

Ngoại rất tự hào về người em Út của mình. Mà cũng phải, ông là một Phật Tử chuẩn mực, điềm đạm, huynh trưởng cấp Dũng kiêm nhiệm trưởng ban hướng dẫn trung ương GĐPT VN từ nhiều năm trước đến nay. Còn người em kế của ngoại, mụ Thảo, cũng được ngoại nhắc đến luôn, ngoại luôn xuýt xoa về mối tình thiên niên kỷ giữa mụ Thảo và người đàn ông của mình. Từ thuở mới kết hôn cho đến giờ phút này, sáng sáng họ luôn nắm tay đi dạo bờ sông, lúc nào cũng đầu gối tay ấp, luôn nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, xưng “anh anh em em” ngọt xớt, và luôn bên nhau như hình với bóng. Còn mụ Dung quả thật tôi không còn nhớ, hình như cũng đã mất cách đây vài năm.

Ngày tôi mới kết hôn, trên đường từ Sài Gòn về Đà Lạt, ông Châu và vợ chồng tôi quyết định ghé sang thăm ngoại. Ngoại vui vì gặp em trai Út, vui vì gặp tôi và cháu rể tóc nâu đang ngồi yên ắng một góc khuất và quan sát. Ngoại ghé vào tai tôi thì thầm: “Răng hắn ít ỏi rứa con hè, tau tưởng hắn ít ra cũng xì lô xì la dăm câu ba sợi để tau nghe tiếng Tây hắn ra răng”. Tôi cười ôm ngoại vào lòng, cảm nhận trong vòng tay tôi, ngoại gầy đi nhiều, nhịp tim ngoại hoà vào nhịp tim tôi, đập rộn ràng. Tự dưng tôi thấy buồn, giá mà có thể được một mình ở bên ngoại lâu hơn. Những ngày cuối cùng ngoại lên ở với cậu Ba ở Đà Lạt, gần nhà tôi, như thể muốn bù đắp nỗi đau chia xa từ bấy lâu nay. Để rồi sau này tôi nhận ra, lần cuối cùng tôi được gặp ngoại đó là chuyến ghé thăm ngắn ngủi kia, cái lần ngoại dúi vào tay ông xã tôi bịch chả ram dòn tan vừa mới chiên xong còn nóng hổi.

“Con về nhặt lá trầu rơi
Vàng lên nỗi nhớ bao lời hát ru
Rưng rưng từ phía xa mù
Như thầm vọng lại tiếng tu hú buồn”

Quay trở lại với toàn bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, không biết những độc giả khác thì sao chứ với tôi, có cảm giác như tác giả lấy tâm tư của tôi mà dệt nên vần điệu của bài thơ vậy. Phải chăng ngoại trong thơ anh là đại diện cho hình ảnh chung của những người phụ nữ Việt Nam thân thương đậm tính cách, tâm linh, phẩm chất trong sáng và cao đẹp vô cùng. Ta tìm thấy trong bài thơ của anh vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và lam lũ của con người gắn bó tình nghĩa với làng quê, làm nên giá trị đặc sắc và giàu truyền thống văn hoá qua những vần thơ lục bát nhẹ nhàng mà mênh mông, thuần túy mà bình dị. Bài thơ là sự kết hợp khá tài hoa giữa nét duyên dáng của vần lục bát truyền thống với vẻ trữ tình của ý và lời thơ, là sự giao hoà giữa nghệ thuật văn hoá làng thôn với tiết tấu âm nhạc toát ra từ cảnh vật, đời sống dân dã của một tâm hồn có cảm xúc trong sáng và giác quan tinh tế.

Xin được cảm ơn tác giả về một bài thơ hay và xúc động. Xin cho con được mượn lời thơ dịu dàng này như một dấu lặng để được ru ngoại vào giấc ngủ ngàn thu, và, bỗng dưng con nhớ ngoại lắm. Rồi con sẽ dạy cho con trai mình tình yêu thương nguồn cội, con sẽ trở về thăm mẹ con nhiều hơn ngoại ạ, để con trai con còn được nhiều lần sà vào lòng bà ngoại của nó, để được hít hà hơi ấm đầy yêu thương của bà ngoại và thốt lên rằng “cháu thương bà lắm cơ”.

“Ạ ời… ngoại ngủ đi thôi
Vườn cau nở trắng hoa rồi gió ru!”

VTNM 6/7/2010



MỘT LẦN RU NGOẠI
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hưng

Lâu lâu nhớ ngoại con về
Ba bên gió thổi bốn bề nắng vương
Mắt nhìn me dốp ổi ương
Nhìn cau mọc thẳng mà thương lưng còng
Từ ông như nước xuôi dòng
Một mình ngoại phải lắng trong gạn ngoài
Chạy từng hạt muối củ khoai
Xuống đông ngăn bão lên đoài cản giông
Hết lo con gái ế chồng
Lại đàn cháu dại lông bông suốt ngày
Mỏi mòn như chiếc cối xay
Ngoại quay theo những vòng quay cuộc đời
Con về nhặt lá trầu rơi
Vàng lên nỗi nhớ bao lời hát ru
Rưng rưng từ phía xa mù
Như thầm vọng lại tiếng tu hú buồn
Còn không sợi tóc câu chuồn
Quả na cấp củm ngoại luồn tay con
Chùm mận chín trái xoài non
Để dành ai nữa héo hon sớm chiều
Rộng dài tấm áo thương yêu
Dù khi tơi tả giữ điều thơm tho
Quẩn quanh đồng vạc bãi cò
Mà “xương thịt” ngoại gởi cho trăm miền
Vì yêu tổ quốc mẹ hiền
Tuổi xanh các cậu hồn nhiên góp bồi
Ạ ời… ngoại ngủ đi thôi
Vườn cau nở trắng hoa rồi gió ru!
.
READ MORE - NGUYỄN NGỌC HƯNG -Một lần ru ngoại