Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 18, 2016

ÔNG CỬ LÀNG PHONG THỬ - Lê Thí

Khu lưu niệm Phan Châu Trinh ở Sài Gòn nằm trên đường Phan Thúc Duyện. Ai cũng biết Phan Châu Trinh nhưng ít người biết một đồng chí thân tín của ông. Bài viết tặng một học trò cũ đã có lần hỏi tôi: "Thầy ơi, Phan Thúc Duyện là ai?" Bài đăng trên QNCT ngày 16/12 vừa rồi.



Phan Thúc Duyện (1873-1944).
Ảnh từ baoquangnam.vn


ÔNG CỬ LÀNG PHONG THỬ

Phan Thúc Duyện* là nhân vật quan trọng hàng đầu của Phong trào Duy tân. Ông“đứng mũi chịu sào” ở lãnh vực kinh tế-thương mãi, lãnh vực khó khăn nhất của phong trào. Điều đáng buồn là ông rất“nổi bật” trong cái nhìn của đồng nhân, đồng chí và cả của kẻ thù nhưng lại “mờ nhạt” trong mắt các nhà nghiên cứu.

Vị cử nhân của khoa thi đặc biệt

       Cử Diện hay cử Phong Thử là tên dân gian gọi Cử nhân Phan Thúc Duyện. Gọi là cử Phong Thử vì ông quê làng Phong Thử, nay là xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Còn cử Diện là do giọng Quảng thường đọc vần uyên thành vần iên. Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục lại ghi tên ông là Phan Sung (theo nhiều nhà nghiên cứu thì do chữ Duyện và chữ Sung có tự dạng giống nhau).

       Phan Thúc Duyện hiệu Phong Thử, tự My Sanh, sinh năm 1873 , trong một gia đình nông dân, đông anh em. Ông là học trò xuất sắc của trường Đốc Quảng Nam cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến…Ông đỗ vị trí thứ 6 trong khoa thi Hương năm 1900, một khoa thi đặc biệt đối với sĩ tử Quảng Nam. Khoa này Quảng Nam có 14 người đỗ trong số 42 người của cả trường thi, lại chiếm luôn 4 vị thứ đầu bảng. Đây là khoa thi đóng góp các danh hiệu cao quý như “tứ tuyệt”, “tứ hổ”, “tứ hùng” cho Quảng Nam.

       Nhưng đặc biệt hơn, rất nhiều người đỗ khoa này sau đó được Quốc triều Hương khoa lục ghi thêm chữ “can tội” phía sau tên vì đã “cả gan” chống lại chế độ thực dân phong kiến thối nát (đối với dân tộc, ngày ấy tội càng nặng, thì công càng lớn) như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Lê Lượng…

       Thi đỗ xong, ông không chịu ra làm quan mà ở nhà cùng các đồng hương thực hiện công cuộc duy tân với mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Không những là người sáng lập, tham gia ngay từ đầu Phan Thúc Duyện còn là một lãnh tụ quan trọng của phong trào, đảm nhận lãnh vực thương mại, lãnh vực khó khăn và mới mẽ, nhất là đối với các nhà nho.

       Năm 1908, nhân vụ kháng thuế, Phan Thúc Duyện bị kêu cùng mức án và cùng bị đày Côn Đảo một lượt với Huỳnh Thúc Kháng “…Nhưng xét Phan Châu Trinh đã vâng án nghị xử tử, phát đi Côn Lôn; Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Diện, xin cùng Phan Châu Trinh đồng định tội xử tử, phát án Côn Lôn “ ( Nguyễn Thế Anh- Phong trào kháng thuế ở Miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, Nxb Văn Học, 2008, tr 57). Đến năm 1919, nhờ con trai vốn là người có quốc tịch Pháp khiếu nại, ông mới được trả tự do nhưng bị chỉ định cư trú ở Quảng Bình để dễ kiểm soát. Tai đây ông đã xây dựng một trang trại theo mô hình ‘vườn,ao, chuồng” như một thử nghiệm cho sản xuất nông nghiệp kiểu mới. Trang trại của Phan Thúc Duyện sau này được người dân Quảng Bình gọi là “vùng đất Quảng Nam”. Năm 1930, ông về quê sau đó (1932) vào Phan Thiết xây dựng “nhàn điền” nhưng có lẽ để liên lạc với Công ty Liên Thành, một tổ chức Duy tân ở phía Nam. Năm 1935, ông về lại Quảng Nam cộng tác với một số nhà thầu để làm đường sắt, xây ga Phước Cang (Thăng Bình). Năm 1937, ông về lại Phong Thử tham gia xây dựng, qui hoạch lại quê hương theo tinh thần xây dựng nông thôn mới của phong trào Duy tân. Ông vận động xây dựng sân vận động, chợ, nhà hát, đường sá, qui hoạch lại nhà cửa, lập hương ước…góp phần biến quê hương ông trở thành một vùng quê trù phú, văn minh hàng đầu trong tỉnh như tinh thần mà các đồng chí của ông đã mơ ước từ những ngày trứng nước của phong trào Duy tân.

       Ông mất ngày 3/10/1944, thọ 72 tuổi. Mộ ông hiện nay được qui hoạch về nghĩa trang thị xã Điện Bàn.

       Nhà Duy tân thực hành

       Phan Thúc Duyện được xem là người có khả năng đa diện nhất của phong trào Duy tân, cân bằng giữa lí thuyết và hành động, có tính thực tiễn rất cao. Ông lãnh đạo phong trào trên cả ba mặt trận: Nông hội, thương hội và giáo dục.

       Phan Thúc Duyện là đồng tác giả của các Nông hội trong tỉnh như Cờ Vĩ, Yến Nê, Bửu Sơn , Mĩ Sơn … với mục đích đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, gắn liền với các thương hội.

       Phan Thúc Duyện là người thành lập và điều hành Hợp thương Diên Phong ở Phong Thử vào thời kì 1906-1907. Đây là tổ chức kinh doanh lớn nhất, hiệu quả nhất và có tiếng tăm nhất thể hiện tư tưởng, tinh thần của phong trào Duy tân. “… Hợp thương Phong Thử biến thành đầu não cho các thương cuộc trong tỉnh….. Có thể nói đây là thương cuộc có qui củ bậc nhất của nước ta thời ấy...” (Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Nxb Lá Bối, 1970, trang 188). Năm 1906, khi xây dựng Hợp thương Hội An, các lãnh tụ phong trào cũng cử Phan Thúc Duyện điều hành cơ sở này.

Bên cạnh Hội thương và Nông Hội, Phan Thúc Duyện cũng là một thành viên quan trọng trong lãnh vực giáo dục của phong trào Duy tân. Ông là người sáng lập, quản lí và giảng dạy ở trường Diên Phong, một trong hai trường lớn nhất của phong trào (ở Phong Thử cạnh Hợp thương Diên Phong). Trường Diên Phong “gây một tiếng vang rộng lớn hơn cả vì trước hết nó không phải là của chính quyền mà là của tư nhân. Nhà trường tự định liệu các sách học, các môn hát và thể dục… Diên Phong gồm hai trường, một ngôi ở ngay Hội thương… ngôi thứ hai ở chùa (gần chợ Phong Thử). Tổng số học sinh cả 2 ban cũng lên tới hơn 200 người… Ngoài việc giảng dạy trường thường tổ chức các cuộc diễn thuyết có hội thảo để các bậc khoa cử tới dự”.(Nguyễn Văn Xuân, Sđd, tr 214)

Sự đánh giá thiếu công bằng

Người Pháp đã qui cho Phan Thúc Duyện rất nhiều tội nào là mặc âu phục vào “quậy” ở Văn thánh Điện Bàn, lập thương hội, tham gia diễn thuyết, viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng với lời lẽ “cường quyền diện tự”, liên lạc với Trần Quý Cáp và hoan hô cuộc biểu tình chống thuế… nên kết án “trảm giam hậu” ngang mức án với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

       Lúc sinh thời nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân hay than phiền việc các nhà nghiên cứu xếp Phan Thúc Duyện sau bộ ba Duy tân Quảng Nam (Phan-Trần-Huỳnh). Ông cho đó là không công bằng, thua cả người Pháp. Lý giải việc này, ông đưa ra mấy lý do: “Giữa xã hội trọng hư danh, Phan Thúc Duyện không có bằng đại khoa là một thiệt thòi rồi. Ông tuy làm thơ hay song không phải là thi sĩ lớn, lại là một thiệt thòi thứ hai đối với sĩ phu thích ngâm nga. Ông lại đăng ký vào lĩnh vực mà trí thức thời ấy hoặc không tôn trọng là:kinh tế, thương mãi…” Và cao hơn là do: “Các tác giả Việt Nam thường ít chịu tra cứu hoặc có tra cứu cũng chỉ bám chặt vào mấy đại danh hay hư danh mà không đi vào thực chất của vấn đề”.(Phan Thúc Duyện trong phong trào Duy tân Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1997, tr 184).

       Nguyễn Văn Xuân viết: “Bệnh học khoa cử in sâu vào tâm não của sĩ phu và cả quần chúng cho nên dầu công lao của Phan Thúc Duyện cực kỳ lớn lao, đứng vào hàng tiền đạo của phong trào, nếu ở nước khác thì đã tượng đồng bia đá, không khác gì Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, thì ông trở nên mờ nhạt. Ông chỉ nổi bật trong hàng ngủ đồng nhân đồng chí và với cả kẻ thù:đế quốc Pháp và Nam triều” (sđd, trang 185).

       Có lẽ đã đến lúc có sự đánh giá công bằng và hợp lý đối với ông!
                                                             LÊ THÍ



READ MORE - ÔNG CỬ LÀNG PHONG THỬ - Lê Thí

HOÀNG ANH 79 - Tác Phẩm &Tác Giả * M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện

Nhà thơ Hoàng Anh 79


HOÀNG ANH 79
Tác Phẩm &Tác Giả
*
M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện
thực hiện
*
Bút danh Hoàng Anh 79.
Tên thật Hồ Mạnh Phi Hùng.
Năm sinh 14.09.1973.
Địa chỉ mail: homanhphihung.mt@gmail.com.
Điện thoại: 0918239523
Blog: hoanganh79.blogspot.com.
Một số bài thơ được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Châu Đốc và in chung trong các tuyển tập thơ.  Cộng tác vói nhiều trang web, blog Văn Học Nghệ Thuật.
-
Em bỏ cả trời mơ ước xưa
có hay nắng tắt chuyển sang muà
tóc thề em thả qua sông rộng
còn nhớ đường về trong gió mưa
ta đã xa thời yêu dấu yêu
hàng cây trút lá đổ muôn chiều
đèn treo phố nhỏ vàng thương nhớ
trăng ngủ bên đồi cỏ quạnh hiu
(Như cánh chim buồn, trang 138)

Thế thôi, chả khác gì nhà thơ Tạ Hữu Thiện:
Ai lớn lên không từng yêu đương
Ai biết yêu không từng hò hẹn
Việc ấy lẽ thường.

Tôi đã từng yêu, từng chán nản
Không bao giờ thấy nguội con tim
Không bao giờ thoả mãn
Khát khao Em, tôi vẫn gắng công tìm. 
Rồi lại theo chân nhà thơ Chế Vũ "Hồ Xuân Tịnh":
- Anh biết tìm em ở đâu?
Chẳng lẽ tìm em trên hết địa cầu
Trở lại với thơ Hoàng Anh:
Em có về Cẩm Giang chốn cũ
nghe sóng ru điệu nhớ bao ngày
cầu Quan đó những lần hò hẹn
ngọn tóc thề thả gió chiều bay
anh đã lỡ làm thân cố tứ
như cánh chim chưa hẹn quay về
ai biết được thời gian bóng ngả
vẫn chưa tàn một giấc ngủ mê
(Nắng Tây Ninh, trang 139)

Từ Gò Dầu đến Dên Dên "Thạnh Đức", nơi đồn điền cao su xanh bạt ngàn, đi khoảng chừng 30 cây số là tới Cẩm Giang, xứ của tre trúc, tầm vông kế cận ngã ba Giang Tân, một lối đi thẳng là thị xã Tây Ninh, còn rẽ bên phải là tới Long Hải, đi thêm là chợ Hòa Thành, "Tòa thánh Tây Ninh". Mưa Cẩm Giang là những cơn mưa phùn lai rai rất nên thơ, mà mưa cả ngày.
Hoàng Anh là người làm thơ sau này đương đại, nhưng thơ của anh lại thoang thoảng thơ tiền chiến trước năm 1945 và thơ giai đoạn 1954-1975. Noí rằng cổ điển thì không mà nói là thơ tân cổ điển cũng không nốt, tuy trong những dòng thơ bẩy chữ, cũng có nhiều cái lạ, cái tình tứ, cái âm vận và gia từ cũng nhẹ nhàng phong phú. Còn về ý thì từ xưa cho tới bây giờ thơ Tình thì có nhiều người làm, không thơ Tình thì thơ Quê Hương, thơ Nhân Loại, thi sĩ vốn là cái Nòi Tình, tình là đứng đầu trước tiền - tù - tội [bốn t], thi sĩ ưu tiên cái đầu tiên, còn ba cái sau thì không bao giờ màng tới, ai muốn dành thì dành, chuyện làm thơ và chuyện đọc thơ. Không phải ai làm thơ cũng hay, mà người đọc thơ không phải ai cũng hiểu thơ đồng cảm với thơ, đôi khi trống đánh xuôi kèn thổi ngược tréo cẳng ngỗng, ông nói gà bà nghe vịt. Thơ cũng như Nhạc, toàn là cảm tính, mỗi người có mỗi sở thích khác nhau, không ai giống ai, mỗi người làm thơ  là một cái rốn vũ trụ, vô cùng vĩ đại, vô cùng tự do, muốn nói gì thì nói và muốn viết gì thi viết.   
-
Bầu rượu đế phải đâu nước mắt
sao vẫn cay vẫn đắng và nồng
uống đi anh một lần tới bến
ta già rồi biết gặp lại không
mai tôi đi mang nhiều nhung nhớ
đêm Mỹ Tho sương trắng lạnh rơi
bài thơ gởi theo sầu vạn cổ
chờ nghe anh một cuộc luân hồi
(Sông Tiền Với Bạn Hữu, tặng nhà thơ Kha Tiệm Ly, trang 141)

Hành trình qua thơ Hoàng Anh, thoang thoảng một ít bài, thấy con đường thi ca của nhà thơ còn quá dài, quá rộng, không thể kết luận vội vàng ngay từ bây giờ, nhưng qua ý thơ tứ thơ và chất thơ toát ra cho người đọc hiểu đựợc cái ý chí ngang tàng của một lãng tử giang hồ bất cần đời của một nhà thơ tưổi trẻ tài hoa.
M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện.

CHÙM THƠ HOÀNG ANH 79
ĐỒI GIÓ TRĂNG 



Ru ta chén rượu mềm môi
Ngủ say đi nhé trên đồi gió trăng
Buồn rơi theo lối ăn năn
Bây giờ chỉ khói sương giăng mịt mù



Đâu rồi mắt biếc tiểu thư
Tình trôi xa lắc tàn thu mấy mùa
Còn yêu chi nụ cười xưa
Để mình hiu quạnh giọt mưa rớt lòng
Nhớ chi một chút hương nồng
Đêm nằm rượu chảy lớn ròng tim, đau
Trả đời lại gánh công hầu
Mà ta trót nợ bên cầu chiêm bao
Trả em cái vẫy tay chào
Câu kinh sớm tối nhiệm mầu ta ru
Cuối đường còn mớ phù du
Đưa tay bám víu mà cưu mang mình
Lỡ rồi thôi kiếp phù sinh
Sông hồ rộng lớn mà tình đơn côi
Tàn đêm chén rượu đầy vơi
Em ơi có biết đất trời điêu linh !
Ngày 13/12/2016
HOÀNG ANH 79
 TRĂNG TÀN ĐÊM HỒNG NGỰ
Buồn làm chi để mưa rơi ướt lối
Mưa bay bay bong bóng vỡ trên sông
Con cá lội trắng đồng mùa nước nổi
Cánh hoa rơi trôi dạt phía Tân Hồng
Bao lâu rồi ta không về Cao Lãnh
Chắc đường xưa thăm thẳm dấu hương yêu
Sắp vào đông nên trời hiu hiu lạnh
Nhớ em xa nghe lá rụng muôn chiều
Ta nợ em bài thơ tình chưa trả
Em nợ ta khung trời tím mộng mơ
Ta nợ nhau giữa dòng đời nghiệt ngã
Trả chưa xong và trả đến bao giờ
Cũng cám ơn em cho ta hi vọng
Chút rong rêu cứ ngỡ cả trời xanh
Thì đã quen đời một mình một bóng
Giấc mơ xưa xem như chuyện dỗ dành
Đừng ngậm ngùi trăng tàn đêm Hồng Ngự
Khóc hay cười cũng tiếp tục cuộc chơi
Em nhớ chi gã giang hồ lãng tử
Như chim đêm gãy cánh một phương trời !
NGÀY 11/10/2016
HOÀNG ANH 79

***

CHÙM THƠ HOÀNG ANH 79
TIỄN EM VỀ BUÔN HỒ
Em đi về với Buôn Hồ
Con đường bụi đỏ mịt mờ cao nguyên
Đêm nghe mưa dạt ngoài hiên
Chắc gì em nhớ nắng quen đồng bằng
Em về phố núi sương giăng
Đồi khuya hiu quạnh giọt trăng cuối mùa
Rượu nồng đã nhạt môi xưa
Thôi thì cạn chén ta đưa tiễn người
Tóc thề em thả ra khơi
Ta còn ở lại với trời hư không
Có loài hoa rụng bên sông
Nước theo đường nước chia dòng bể dâu
Còn ta em cứ quên mau
Nhớ chi cái kẻ đa sầu viển vông
Dường như có lệ trong lòng
Khóc cho ai giữa mùa đông lạc loài
Chiều nghiêng cánh nhạn mồ côi
Bay trong mưa gió về nơi xa nào
Ừ tình là giấc chiêm bao
Sao đêm tà tịch ta gào tên em!
Ngày 9/12/2015
Hoàng Anh 79
QUÁN CŨ KHÔNG EM
Quán cũ không em giờ lặng lẽ
Đèn treo phố nhỏ ướt mưa nhoà
Chắc em  đêm với dòng dư lệ
Khóc gã giang hồ biền biệt xa
Ai bảo em yêu thu vàng úa
Tình sầu  như chiếc lá chiều rơi
Trăng mái lầu cao chia hai nửa
Ta nửa đơn côi một góc trời
Ai bảo em yêu đông lạnh giá
Đời ta ướt sũng dưới mưa tuôn
Mai kia mình trở nên xa lạ
Dòng tóc mây bay có sợi buồn?
Ai bảo em yêu  ta khốn khó
Gót chân mòn mỏi khắp sông hồ
Cuộc tình rồi sẽ như sương gió
Rớt lại bên cầu chút hư vô
Ai bảo ta yêu em thiếu phụ
Đêm về thui thủi một mình ta
Quán cũ không em ly rượu nhạt
Chợt nghe tiếng quốc dặm trời xa !
Ngày 22/8/2016
HOÀNG ANH 79


READ MORE - HOÀNG ANH 79 - Tác Phẩm &Tác Giả * M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện

NHÀ THƠ GIẢ ĐẢO (賈島) - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ


        
                Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên




             NHÀ THƠ GIẢ ĐẢO (賈島)

                                          Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

Giả Đảo (chữ Hán: 賈島, 779 - 843), tên chữ: Lãng Tiên, hiệu: Kiệt Thạch Sơn Nhân, là một nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường. Ông cùng với Mạnh Giao, Lý Hạ được các nhà nghiên cứu văn học liệt vào hạng tiêu biểu của phái thơ “khổ ngâm”.
Giả Đảo là người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh), Trung Quốc.
Thời trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ, đi làm tăng tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long.
Ở đấy, ông gặp được Hàn Dũ và nghe lời danh sĩ này hoàn tục. Sách Tân Đường thư chép: “ông thi nhiều lần không đỗ, đời Đường Văn Tông (ở ngôi: 826-840), có người gièm pha, bị giáng chức làm Chủ bạ Trường Giang (nay là huyện Bồng Khê, tỉnh Tứ Xuyên). Lúc đó ông đã năm mươi tuổi. Năm sáu mươi hai, ông được đổi làm Tư thương tham quân ở Phổ Châu (nay là An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên).
Năm 65 tuổi, ông mất ở nơi làm quan, tức Phổ Châu.
Tác phẩm của ông để lại là Trường Giang tập, gồm 10 quyển.
Đa phần thơ Giả Đảo viết theo thể thơ ngũ ngôn luật và ông đã tỏ ra sở trường về thể loại này. Từ điển văn học (bộ mới) viết:
Đặc sắc của thơ Giả Đảo là lạ lùng, trầm tĩnh, ít có niềm vui và nỗi buồn bồng bột. Phong cách cô đơn hiu quạnh đó đã từng được một số nhà thơ cuối Đường rất chuộng. Do vậy họ tôn sùng ông, sớm chiều cúng bái ông như Phật và sau này phái Giang hồ cuối thời Tống cũng suy tôn Giả Đảo là ông Tổ. Thật ra, ngoài một số câu thật hay, thơ ông ít có bài toàn bích. Có lẽ do quá say sưa với việc gọt giũa câu chữ nên ông coi nhẹ sáng tạo nghệ thuật hoàn chỉnh toàn bài. Ở những bài tương đối chỉnh thì tình ý lại khô khan, không mấy xúc động. Lại thêm đấy phần nhiều là thơ thù tạc, ít phản ánh sinh hoạt xã hội, tâm hồn rõ ràng không rộng mở. Ngược lại, Giả Đảo có một số bài thơ ngắn, hình như không cố ý gọt giũa, lại hóa giản dị, tự nhiên như bài Kiếm khách , lời thơ mạnh mẽ, được nhiều người thích, hay như bài Tầm ẩn giả bất ngộ..
(Theo Từ điển mở Vikipedia)

渡桑乾
客捨并州已十霜,
歸心日夜憶咸陽。
無端更渡桑乾水,
卻望并州是故鄉。

Phiên âm:
ĐỘ TANG CÀN
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

Dịch nghĩa:
QUA BẾN TANG CÀN
Làm khách trọ ở Tinh Châu đã mười năm,
Lòng muốn về quê nhà, đêm ngày nhớ đất Hàm Dương.
Bỗng dưng lại qua bến Tang Càn,
Ngoảnh nhìn Tinh Châu, đó như là quê cũ.

Dịch thơ:
QUA BẾN TANG CÀN
Khách trọ Tinh Châu đã chục sương
Đêm ngày lòng dạ nhớ Hàm Dương
Tình cờ qua bến Tang Càn nọ
Ngoảnh lại Tinh Châu tựa cố hương.

尋隱者不遇
松下問童子,
言師採藥去。
只在此山中,
雲深不知處。

Phiên âm:
TẦM ẨN GIẢ BẤT NGỘ
Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.

Dịch nghĩa:
TÌM NGƯỜI Ở ẨN KHÔNG GẶP
Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
Nói rằng thầy đã đi hái thuốc.
Chỉ ở trong núi này thôi,
Nhưng mây dày nên chẳng biết chỗ nào.

Dịch thơ:
TÌM NGƯỜI Ở ẨN KHÔNG GẶP
Dười tùng hỏi chú tiểu đồng
Thưa: Thầy hái thuốc nên không có nhà
Chỉ trong dãy núi không xa
Mây mù nên chẳng biết là nơi đâu.

絕句
破卻千家作一池,
不栽桃李種薔薇。
薔薇花落秋風起,
荊棘滿庭君始知。

Phiên âm:
TUYỆT CÚ
Phá khước thiên gia tác nhất trì
Bất tài đào lý chủng tường vi
Tường vi hoa lạc thu phong khởi
Kinh cức mãn đình quân thuỷ tri.

Dịch nghĩa:
TUYỆT CÚ
Phá mất cả ngàn ngôi nhà để làm ra một cái ao
Chẳng chọn lựa lí đào mà chỉ giồng mỗi tường vi
Khi gió thu bắt đầu thổi, hoa tường vi cũng rụng
Lúc gai góc mọc đầy sân, người mới hay biết.

Dịch thơ:
TUYỆT CÚ
Ngàn nhà phá nát để đào ao
Trồng mỗi tường vi, bỏ mận đào
Thu nổi gió, hoa tường vi rụng
Đầy sân gai góc mới biết sao?

NÓI THÊM VỀ BÀI “TUYỆT CÚ”
Như đã nói, Giả Đảo đã từng đi tu (Pháp danh Vô Bản) sau hoàn tuc, đi thi nhưng mãi không đỗ Tiến sĩ mặc dù thơ văn của ông rất hay. Theo "Toàn Đường thi thoại": ông hỏng thi là bởi Tể Tướng Bùi Độ ghét ông. Nguyên do là lúc ấy Bùi Độ cậy quyền chức đã huy động một lượng nhân tài vật lực rất lớn để xây toà "Lục dã đường" (phá vườn xây nhà thuỷ tạ) hoang phí quá độ.Giả Đảo đi ngang qua thấy chướng mắt đã buột miệng thành thơ 4 câu “Tuyêt cú”
Bình thêm: thời ấy các Tiến Sĩ đỗ đạt thường là nhờ nương dưới bóng của Quan Tể Tướng. Khi đọc bài thơ của Giả Đảo, họ như bị điểm trúng huyệt (bị hạ nhục) cho là Giả Đảo ganh ghét đã bêu rếu xếp họ vào hạng người làm cây cảnh (Tường vi). Họ cùng nhau lên án kết tội Giả Đảo vi phạm đạo đức Người nho gia quân tử, họ xúm đánh "hội đồng" Giả Đảo, đương nhiên là Giả Đảo bị tuyệt đường hoạn lộ. Và con đường làm ấu cũng dang dở.

Giả Đảo có nhiều bài “Tuyệt cú”, nhưng bài “Tuyệt cú” trên thật xứng danh là một bài thơ "thần khẩu hại xác phàm" là vì vậy. 

                                                                     Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHÀ THƠ GIẢ ĐẢO (賈島) - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ