Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 1, 2013

THƠ TRÚC THANH TÂM

Nhà thơ Trúc Thanh Tâm (bìa trái) với các văn nghệ sĩ ở Nha Trang.
Ảnh từ Tạp chí Tiếng Quê Hương



 GIÓ THU XƯA  
      
 Gió mùa thu thoáng qua
 Mùi tóc em rớt lại
 Màu mắt nào chứa chan
 Trong tình yêu chín tới
 Hồn em tràn nắng thu
 Cho lòng ta thêm ấm  !

 Vẫn gió mùa thu xưa
 Mùi tóc cũ tìm hoài
 Màu mắt nào đã phai
 Kỷ niệm nào trong tay
 Tình em giờ đắng cay
 Mưa chiều nay đã cũ  !

 Ta về trên lối mưa
 Những muộn phiền quên hết
 Người con gái thuở xưa
 Kéo hồn ta biền biệt
 Gió mùa thu vẫn ru
 Nhưng tình em đã chết  !

 Cứ gọi là cố nhân
 Cho tình vơi nỗi nhớ
 Cứ được là ăn năn
 Vơi nỗi khổ bên đời
 Ta gọi mãi tên em
 Tiếc thương tình ban đầu  !




CHIỀU PHAI VƯỜN NHAN SẮC

Tựa cửa chiều phai vườn nhan sắc
Chút rêu mộng mị bám cây đời
Mưa xuống hồn thơ ta nhỏ giọt
Ngàn sau đắm đuối dấu son môi !

Qua sông để nhớ con đò nhỏ
Qua em để nhớ một làn hương
Nước mắt chưa nguôi niềm dâu bể
Thơ ta đâu cấm được đời buồn !

Sẽ nói lời gì cho em hiểu
Khi ta còn nặng nợ giang hồ
Áo cơm đâu lấp lòng hiu quạnh
Tản mạn bên rừng điệu lá khua !

Ta đợi chờ em, đêm thổn thức
Phương nam gió bấc lạnh hồn quê
Gởi em dù chút tình yêu muộn
Để cuối đời ta một lối về !



 HƯƠNG XƯA

 Như chút sầu len lén gọi
 Em đi hoa lá hững hờ
 Thương anh con bươm bướm đợi
 Hoa lòng dấu hẹn mắt trưa !

 Còn đâu màu trăng tơ nõn
 Anh nghe hương bủa đất trời
 Dáng em đèn hiu hắt bóng
 Mỏi mòn ngày tháng rong chơi !

 Em qua đời anh một dạo
 Để giờ đường lạ bước chân
 Tiếng kêu loài chim hoang thổ
 Chết trong nỗi nhớ âm thầm !

 Ngồi nghe thời gian gõ nhịp
 Trên miền dấu tích tàn phai
 Mới hay vầng trăng trở lại
 Bao la chỉ một đêm dài !

 Anh gom nỗi buồn thế kỷ
 Trái tim hâm nóng bao giờ
 Mới hay hoa ngàn năm nở
 Chờ người yêu mãi hương xưa !


 TRÚC THANH TÂM
   
_____________

TRÚC THANH TÂM
287 đường Louis Pasteur, khóm Vĩnh Phú, 
phường Châu Phú, Châu Đốc, An Giang.

Điện thoại: 0903 643 751

Email: tructhanhtaam@yahoo.com
READ MORE - THƠ TRÚC THANH TÂM

LUẬN GIẢI SÁNG TÁC ÂM NHẠC CỦA EMILE DURAND - Thu An Trần Hữu Thuần dịch



Tài liệu LUẬN GIẢI SÁNG TÁC ÂM NHẠC của EMLIE DURAND do THU AN Trần Hữu Thuần dịch và gởi đến VNQT dưới dạng PDF và WORD, nhưng khi copy và dán lên trang VNQT, chỉ xuất hiện phần chữ mà không có phần nhạc. Chúng tôi đã thử nhiều cách khác nhưng cuối cùng chọn cách chuyển từ PDF sang dạng hình JPEG vì nó đầy đủ hơn hết. Để xem được to và rõ, các bạn hãy bấm chuột phải vào hình, chọn Open in new window, khi thấy trên hình mới có dấu +, bạn bấm thêm lần nữa, hình sẽ to bằng bản gốc. Mỗi lần đọc một hình, đọc xong, bấm dấu Back <- để quay lại trang chính . VNQT cám ơn dịch giả Thu An Trần Hữu Thuần đã dịch và gởi đăng tài liệu âm nhạc quý giá này. Cuối bài, chúng tôi có liên kết trang web đăng bản PDF, các bạn có thể vào và tải xuống máy để đọc. 








































Nếu các bạn muốn tải bản PDF về máy để đọc, xin hãy bấm vào liên kết sau để vào trang CATRUONG.COM

LUẬN GIẢI SÁNG TÁC ÂM NHẠC PHẦN 1, BẢN PDF
READ MORE - LUẬN GIẢI SÁNG TÁC ÂM NHẠC CỦA EMILE DURAND - Thu An Trần Hữu Thuần dịch

CHÁO TRẮNG - Tạp bút của Võ văn Luyến


 chao
           

Trong đời, được ăn bát cháo, người ta thường mơ tưởng đến cháo gà, cháo vịt, cháo lươn… mấy ai nghĩ đến cháo trắng (cháo hoa). Ấy thế mà ở quê tôi nói đến một thứ cháo đặc biệt: đó là cháo trắng. Từ trẻ nhỏ đến người già ai đã từng ăn sẽ không khỏi thòm thèm.

Có lẽ ở cái xứ sở “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng” từng chới với chơi vơi trong phấp phỏng đói nghèo thời trước đã “sáng chế” nên món cháo dân dã không kém độc chiêu này chăng? Cháo trắng ở đây không phải là món “cháo thánh” (chữ dùng người bình dân chỉ cháo gạo nấu loãng dùng để cúng ông bà), cũng không như thứ cháo người Minh Hương điểm tâm bữa sáng nhằm “ôn khổ tri cam” mà là cháo đặc. Muốn có một nồi cháo ngon lành, nguyên liệu phải là gạo lúa chiêm (giống lúa bản địa sậm màu như bột gạo lứt) mới ngon và phải chọn đúng thời điểm. Đấy là dịp mùa lúa trổ, đã ngậm đòng đông sữa, chờ cho chẽn lúa ngoắc cần câu mới bứt vài lọn về, tuốt lấy thóc tươi và thêm một ít trấu bỏ vào cối giã nhẹ tay để hạt gạo ít gẫy nát. Qua khâu sàng sảy thì đem nấu được. Nhưng một phụ gia cực quan trọng tạo hương vị hấp dẫn nồi cháo phải chuẩn bị từ trước là cây cỏ đắng đã phơi khô, đốt lấy tro và cho vào nước sôi vừa đủ độ ấm, chờ lắng lại và lọc lấy nước đó đem nấu cùng với gạo chiêm kia ta sẽ có một nồi cháo như ý. Đoạn chót, múc cháo ra chén, đợi đông nguội. Khi dùng, rắc muối om trộn tiêu bột vào ăn ngậm mà nghe; bởi có hương vị rất đặc trưng, vừa có chất béo của hạt gạo lúa chiêm non, vừa thoang thoảng mùi hương trứng gà của cỏ đắng cùng vị mặn của muối, cay của tiêu cộng hưởng rất khó tả.
          
Cũng như “sử thi”, món cháo trắng này là hiện tượng “một đi không trở lại” (bởi lúa chiêm không đáp ứng năng suất, sản lượng) nhưng cho thấy từ trong nghèo khó người dân quê tôi đã đưa món cháo bình thường này tiệm cận với nghệ thuật ẩm thực. Bữa lỡ của người làm vườn có được bát cháo như thế thật không còn gì bằng, nói như Ôn Như Nguyễn Gia Thiều: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm/Mùi hoắc lê* thanh đạm mà ngon” là vì thế.
                               
                                                              Võ Văn Luyến
*Hoắc lê: một loại rau dền.
READ MORE - CHÁO TRẮNG - Tạp bút của Võ văn Luyến

Châu Thạch đọc BÔNG HOA ĐỎ, thơ Võ Văn Hoa


 BÔNG HOA ĐỎ

Tặng cô Trần Thị Hoài, 
Trường cấp II Hải Xuân 

Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn 
Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm. 
Anh đâu ngờ trong bàn tay xinh xắn 
Có điều đáng quý: một lương tâm. 
  
Giờ học hôm nay, học sinh ngoan hơn 
Đã lớn lên từ lời em giảng, 
Môn Sinh vật tưởng chừng khô lắm
Qua lòng em  nghe hạt lên mầm.

Về thăm em, anh lại mừng thầm
Cô giáo mới ra trường, tuổi nhỏ
Giữa căn phòng một bông hồng đỏ
Và  đồ dùng dạy học vây quanh

Có phải nơi đây một góc trời xanh
Với em, không gian thành tiếng hát
Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt
Từ mầm non em đã vun trồng?
1977
VÕ VĂN HOA


 Lời Bình: Châu Thạch

 
Nhà thơ Võ văn Hoa
Nhà thơ Võ Văn Hoa là người có bề dày về sáng tác và cũng là người có bề dày về những tác phẩm đạt được giải thưởng. Tôi chỉ được biết thơ anh qua các trang mạng, và cũng được biết tác phong yêu thơ, yêu người của anh qua lời kể của một vài thi hữu. Đọc hàng trăm bài thơ của anh tôi cảm nhận được cái vẽ đẹp của một nhà thơ mô phạm điềm đạm và thanh bai. Tôi lại cũng cảm nhận được tâm hồn rung động như ngọn cỏ trong sương mai của mẫu người thi sĩ trong anh. Trong hàng trăm bài thơ hay của anh, bài thơ đập vào lòng tôi đầu tiên làm cho tôi rung động đến nổi không thể không viết vài cảm nghĩ về nó, đó là bài thơ tác giả viết khi còn rất trẻ ở tuổi 23, vào năm 1977: Đó là bài “ Bông hoa Đỏ”.


Đừng tìm ở “ Bông hoa Đỏ” một từ hoa mỹ, cũng đừng tìm ở “ Bông hoa Đỏ” một tứ cầu kỳ. Bài thơ nhẹ nhàng với những nhận định bình thường nhưng đã gói trọn cái vẽ đẹp thanh cao của cô giáo trẻ và cả vẽ đẹp của không gian cô sống, của thời gian cô phục vụ, của tương lai huy hoàng thuộc vùng đất, thuộc con người mà cô giáo sẽ đem đến cho nơi đây.

Với bốn câu thơ mở đầu, tác giả đã làm cho những vật dụng bình thường bày biện trên bàn, những thứ mà có thể rất nhiều người không thèm để ý, nhưng tác giả lại để ý và lấy đó làm bằng chứng một linh hồn trẻ đẹp, một lương tâm cao thượng :

          Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn
          Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm.
          Anh đâu ngờ trong bàn tay xinh xắn
          Có điều đáng quý: một lương tâm.

  Tác giả đã biến cái bàn với những giáo cụ lủng củng trở nên sáng láng, rạng ngời như một cái bàn chứa đầy hoa đẹp. Trên cái bàn ấy có gì? Trước hết là những giáo cụ dùng cho giảng dạy. Tiếp theo còn gì? Đó là những giáo cụ kia ấp ủ hạnh phúc một đời người . Hạnh phúc đến từ đâu? Đến từ bàn tay xinh xắn của em tự sắp xếp cho mình.
Tác giả CHÂU THẠCH

Và điều đáng quý hơn cả là em đã sắp xếp cuộc đời mình như em đã sắp xếp những giáo cụ đặt ngay ngắn trên bàn, nghĩa là em đã sắp xếp cho chính mình và cho tha nhân với tất cả một lương tâm. Cái bàn tầm thường bổng nhiên vừa đẹp xinh vừa đáng quý vì tác giả phát hiện trong cái tầm thường cái cao thượng của cuộc đời đặt lên trên đó.

Qua vế thứ hai, bài thơ có cái nhìn dự phóng về một buổi học :
                      
            Giờ học hôm nay, học sinh ngoan hơn
            Đã lớn lên từ lời em giảng,
            Môn Sinh vật tưởng chừng khô lắm
            Qua lòng em nghe hạt lên mầm.

Đây là một buổi học trong lớp nhưng lời thơ làm cho buổi học không gò bó trong căn phòng bình thường, cũng không sôi động ồn ào, mà trở nên thiêng liêng như một vườn cây trong quá trình nẩy mầm lớn lên và ra hoa kết trái. Tất nhiên qua một buổi học thân thể các em không thể lớn lên thấy rõ nhưng trí khôn thì có thể lớn lên trong chốc lát, vì có thể các em hiểu được bầu trời, thấy được đại dương hay nhận ra đạo lý làm người trong một giờ lên lớp. Bốn câu thơ được chia thành hai ý rõ rệt. Một nói về lời cô giáo giảng bài, một nói về sự sinh hạt nẩy mầm, từ đó dễ làm ta liên tưởng đến chiếc vòi sen tưới nước của người làm vườn khiến cho từng hạt nẩy mầm. từng cây vươn lên, từng búp hoa hé nụ diễn ra trước mắt. Sự sinh động của bốn câu thơ chẳng phải do ý thơ mới lạ , mà do ngòi bút phổ xuống trong thơ một ngôn ngữ hài hòa , khiến cho người đọc hiểu thơ bằng một giác quan khác, đó là giác quan của thơ.
    
Đến vế thứ ba của bài thơ tác giả mới giới thiệu một bông hoa đỏ đặt trên bàn, để đưa ra một biểu tượng bất ngờ dễ thương và đầy ý nghĩa:

          Về thăm em, anh lại mừng thầm
          Cô giáo mới ra trường, tuổi nhỏ
          Giữa căn phòng một bông hồng đỏ
          Và  đồ dùng dạy học vây quanh

Một bông hoa đỏ và giáo cụ để trên bàn đặt ngay giữa phòng, đó là một bức tranh tĩnh vật nhiều màu sắc. Tất nhiên bông hoa đỏ là màu chủ đạo của bức tranh nầy. Màu đỏ là màu đấu tranh, màu hy vọng và bông hoa đỏ mang toàn bộ ý nghĩa sức mạnh tinh thần của cô giáo trẻ. Bông hoa biểu tương của sức mạnh được đặt chung với những đồ dùng dạy học là hình ảnh của tri thức, nâng cao ý nghĩa, tạo linh hồn cho những vật vô tri bày biện trên bàn.

Bốn câu thơ không có một từ ngữ tôn vinh nào, chỉ vẽ ra một bức tranh đơn sơ, nhưng tự nó tỏa ra vầng ánh sáng làm căn phòng trở nên thanh nhã và nhìn đồ vật trên bàn cảm thấy thân yêu và đáng quý.

Vế chót của bài thơ là một khổ thơ rộn ràng vui vẽ với không gian êm ái và thời gian chứa đầy hạnh phúc:

        Có phải nơi đây một góc trời xanh
        Với em, không gian thành tiếng hát
        Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt
        Từ mầm non em đã vun trồng?

-“ Có phải nơi đây một góc trời xanh”: Tác gỉả hỏi mà không đánh dấu hỏi là một sự khẳng định.
- “ Với em, không gian thành tiếng hát” : Không gian là bầu trời con người đang sống. Bầu trời ở đây trở thành tiếng hát chứ không phải có tiếng hát nghĩa là nguồn hạnh phúc hình thành ngay giữa thiên nhiên. Tất nhiên, thiên nhiên thì trung tính nhưng nguồn hạnh phúc từ trong tâm hồn cô giáo đã làm cho cô thấy như muôn vật bên ngoài cũng hạnh phúc như cô.
- “ Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt” : Thời gian của tạo hóa thì có bốn mùa, nhưng ở đây thời gian của cô giáo chỉ có một mùa duy nhất: Mùa trĩu cành sây hạt. Đúng thế,  trồng cây thì cần thời vụ bông trái mới sinh ra nhưng trồng người  thì kiến thức đến ngay và thời gian học càng dài thì trí tuệ càng cao, như cây vừa lớn lên vừa trĩu cành sây hạt.
- “ Từ mầm non em đã vun trồng” : Cô giáo đạt được thành quả tức thì trong trí khôn của học trò mà cô giảng dạy, vì thế thời gian của cô gíáo luôn luôn là mùa thu hoạch thành quả từ hạt giống cô gieo và mầm non cô đã vun trồng.

 Tôi tự nghĩ tại sao người ta không đưa bài thơ nầy vào sách giáo khoa. Đây không phải là bài thơ có từ ngữ mỹ miều tôn vinh nhà giáo với bảng đen, phấn trắng, bục giảng và hy sinh cuộc đời trong sự hẩm hiu . Đây là một bài thơ viết ra ngoài khuôn mẫu, dùng những hình ảnh mới, sáng hơn, tươi hơn  và trẻ tung hơn, có thể cải tạo cho học sinh tránh cái lối mòn muôn đời mà cha ông để lại trong cách học văn và cách viết văn ./.
                                                         Châu Thạch
READ MORE - Châu Thạch đọc BÔNG HOA ĐỎ, thơ Võ Văn Hoa