Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 1, 2013

CHÁO TRẮNG - Tạp bút của Võ văn Luyến


 chao
           

Trong đời, được ăn bát cháo, người ta thường mơ tưởng đến cháo gà, cháo vịt, cháo lươn… mấy ai nghĩ đến cháo trắng (cháo hoa). Ấy thế mà ở quê tôi nói đến một thứ cháo đặc biệt: đó là cháo trắng. Từ trẻ nhỏ đến người già ai đã từng ăn sẽ không khỏi thòm thèm.

Có lẽ ở cái xứ sở “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng” từng chới với chơi vơi trong phấp phỏng đói nghèo thời trước đã “sáng chế” nên món cháo dân dã không kém độc chiêu này chăng? Cháo trắng ở đây không phải là món “cháo thánh” (chữ dùng người bình dân chỉ cháo gạo nấu loãng dùng để cúng ông bà), cũng không như thứ cháo người Minh Hương điểm tâm bữa sáng nhằm “ôn khổ tri cam” mà là cháo đặc. Muốn có một nồi cháo ngon lành, nguyên liệu phải là gạo lúa chiêm (giống lúa bản địa sậm màu như bột gạo lứt) mới ngon và phải chọn đúng thời điểm. Đấy là dịp mùa lúa trổ, đã ngậm đòng đông sữa, chờ cho chẽn lúa ngoắc cần câu mới bứt vài lọn về, tuốt lấy thóc tươi và thêm một ít trấu bỏ vào cối giã nhẹ tay để hạt gạo ít gẫy nát. Qua khâu sàng sảy thì đem nấu được. Nhưng một phụ gia cực quan trọng tạo hương vị hấp dẫn nồi cháo phải chuẩn bị từ trước là cây cỏ đắng đã phơi khô, đốt lấy tro và cho vào nước sôi vừa đủ độ ấm, chờ lắng lại và lọc lấy nước đó đem nấu cùng với gạo chiêm kia ta sẽ có một nồi cháo như ý. Đoạn chót, múc cháo ra chén, đợi đông nguội. Khi dùng, rắc muối om trộn tiêu bột vào ăn ngậm mà nghe; bởi có hương vị rất đặc trưng, vừa có chất béo của hạt gạo lúa chiêm non, vừa thoang thoảng mùi hương trứng gà của cỏ đắng cùng vị mặn của muối, cay của tiêu cộng hưởng rất khó tả.
          
Cũng như “sử thi”, món cháo trắng này là hiện tượng “một đi không trở lại” (bởi lúa chiêm không đáp ứng năng suất, sản lượng) nhưng cho thấy từ trong nghèo khó người dân quê tôi đã đưa món cháo bình thường này tiệm cận với nghệ thuật ẩm thực. Bữa lỡ của người làm vườn có được bát cháo như thế thật không còn gì bằng, nói như Ôn Như Nguyễn Gia Thiều: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm/Mùi hoắc lê* thanh đạm mà ngon” là vì thế.
                               
                                                              Võ Văn Luyến
*Hoắc lê: một loại rau dền.

No comments: