Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 29, 2013

VĂN CHƯƠNG THÔI "GÂY CHIẾN" ĐỂ "ĐỐI THOẠI" - Mi Ly giới thiệu "ĐỐI THỌAI VĂN CHƯƠNG" của Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng

Bìa cuốn Đối thoại văn chương do NXB Tri thức ấn hành.


Văn chương thôi “gây chiến” để "đối thoại" 

“Lâu nay, những gì chúng ta viết trên blog và báo chí hầu hết là hạ bệ nhau chứ chưa phải đối thoại văn chương đúng nghĩa” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi ra mắt cuốn Đối thoại văn chương của hai tác giả Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng tại Hà Nội.

Cả hai người: Trần Nhuận Minh, một nhà thơ Việt Nam nổi danh (cũng là anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa) và Nguyễn Đức Tùng, một bác sĩ gốc Việt ở Canada, đều có chung những trăn trở về văn chương. Cuốn sách Đối thoại văn chương là một cuộc đối thoại đúng nghĩa, trải dài suốt 9 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9/2011. Nguyễn Đức Tùng hỏi và Trần Nhuận Minh trả lời, chủ đề: văn chương Việt Nam.

Viết một cuốn để ghi lại những gì mình nghĩ, 2 tác giả đã chọn làm chung công việc này và chọn một hình thức không phải là độc nhất vô nhị nhưng vẫn mới hơn so với nhiều cuốn sách bình văn thơ chủ yếu độc thoại trong nước lâu nay.

 
Hai tác giả Trần Nhuận Minh (trái) và Nguyễn Đức Tùng.

Tiếp bước Chân dung và đối thoại của "cậu em" Trần Đăng Khoa

Cách đây 15 năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng viết cuốn phê bình Chân dung và đối thoại (1998). Trong đó, các vấn đề văn chương được phát biểu qua các cuộc đối thoại thật và tưởng tượng, cũng mang lại không khí mới mẻ cho văn chương, thậm chí trở thành một hiện tượng vì những nhận định khác người gây bất ngờ của tác giả. Dư luận sôi nổi đến mức có cả sách phê bình cuốn phê bình này, chẳng hạn cuốn Cảm nhận & phê bình văn học: bàn về “Chân dung và đối thoại” của nhà giáo Lê Xuân Lít.

Trở lại với cuốn Đối thoại chân dung vừa ra mắt. Nguyễn Đức Tùng cũng không xa lạ với đối thoại, cuốn Thơ đến từ đâu (2009) của tác giả này cũng gồm các bài viết kiểu trò chuyện, phỏng vấn. Còn với Trần Nhuận Minh thì đâylà cuốn đối thoại đầu tiên của ông và trong sách, ông là nhân vật trung tâm, người phát ngôn chính.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Nói về kinh nghiệm làm thơ thì Trần Nhuận Minh chỉ thua mỗi Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa giỏi tự giễu nhưng thỉnh thoảng hơi đi quá trớn, còn cách nói Trần Nhuận Minh thì chừng mực, khiến người ta mỉm cười”.

  
Trao đổi văn chương không phải để “hạ độc” nhau

9 tháng trao đổi cả trực tiếp lẫn qua thư từ và 265 cặp câu hỏi – trả lời đã được 2 tác giả chọn lọc đưa vào cuốn sách. Tuy nhiên, 9 mục chính trong sách không phân chia theo vấn đề hay nhân vật mà theo trình tự thời gian, chẳng hạn chương 1 – Đối thoại tháng Giêng, chương 2 – Đối thoại tháng Hai… Điều này phần nào thử thách khả năng tập trung của người đọc.

Thêm vào đó, sách dày 836 trang. Mà, theo lời nhà thơ Trần Nhuận Minh trong một bài phỏng vấn, dự định ban đầu của 2 tác giả chỉ là 200 trang.

Từng đó thông tin để thấy Đối thoại chân dung không phải một cuốn sách có thể đọc nhanh, cũng không thể đọc một lần hết ngay, nhưng những ai đã đọc thì đều đọc rất kỹ. Trong buổi ra mắt, các nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Châu Hồng Thủy… đều có những nhận xét tỉ mỉ.

Bàn về 2 chữ “đối thoại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam liên hệ với thực tiễn văn học: “Trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay, chưa bao giờ người ta bàn về thơ khủng khiếp như bây giờ, nhưng không phải là đối thoại. Tôi có cảm giác những gì được bàn trên blog, facebook hay thậm chí báo chí chính thống là để “hạ độc” nhau, tạo nên những cuộc chiến tranh lạnh, chứ không tìm cách để đối thoại với nhau”.

“Nếu so sánh thì cuộc đối thoại của Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng mang bản chất khác” -Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.

Khác với Trần Đăng Khoa vẫn thường xuyên xuất hiện, viết báo, viết blog để bày tỏ quan điểm, người anh Trần Nhuận Minh lặng lẽ hơn. Ông không thường nói về thơ, cả thơ người lẫn thơ mình. Lần này ra sách, ông nói: “Người làm thơ không cần phải ngồi đây để nói chuyện, cũng không cần phải diễn giải. Tất cả những gì tạo nên giá trị của nhà thơ đều nằm trong thơ”.

Theo đó, để hiểu những suy nghĩ của ông, nên đọc cuốn sách mà qua đó ông thể hiện nhiều trăn trở, chính là Đối thoại văn chương. Trong cuốn sách, nhà thơ cũng điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình, chẳng hạn khi ông từ bỏ toàn bộ sáng tác trong 25 năm bao cấp (1960 –1985), gồm 166 bài thơ và 2 trường ca, để “tự khai sinh lần thứ hai cùng với công cuộc đổi mới đất nước”.


Hai nửa của một cuộc đối thoại

Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 ở Hải Dương, là anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hiện ông sống và viết ở Hạ Long trong khi người em trai ở Hà Nội. Trần Nhuận Minh đã xuất bản 17 tập thơ, 3 tập văn xuôi và mới nhất là cuốn Đối thoại văn chương. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Tác giả Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, theo học ngành y. Hiện ông sống ở Canada, làm việc trong ngành cấp cứu, là bác sĩ chấm thi của hội đồng Y khoa Canada, thường trú Đại học British Columbia (UBC). Ngoài ra ông sáng tác, dịch thuật và viết phê bình. Tác phẩm khác: Thơ đến từ đâu? (2009) viết về thơ Việt trong và ngoài nước.

Mi Ly


Bài đã đăng trên Tạp chí Thể Thao &Văn Hóa (thethaovanhoa.vn)

READ MORE - VĂN CHƯƠNG THÔI "GÂY CHIẾN" ĐỂ "ĐỐI THOẠI" - Mi Ly giới thiệu "ĐỐI THỌAI VĂN CHƯƠNG" của Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng