Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 27, 2024

Chùm thơ Yên Tử Mùa Thu của Lưu Lãng Khách (Kỳ 2/2) - TIẾNG CHIM TRONG RỪNG THIÊNG YÊN TỬ - HỠI TRĂM CUNG NỮ - TRÊN ĐỈNH NON THIÊNG

 


TIẾNG CHIM 

TRONG RỪNG THIÊNG YÊN TỬ

 

Em nắm tay anh lên rừng thiêng

Yên Tử Tùng-Mai-Trúc một miền

Mắt em trong vắt rừng xanh thắm

Lấp lánh bờ mi những bóng chim

Trúc xanh như vạn chàng trai trẻ

Giữa đời tự do hát nghêu ngao

Cội Mai như cụ già ngồi kể

Chuyện cổ ngày xưa trên núi cao

Rừng Tùng như những ông lão đứng

Trầm mặc uy nghi dõi bước trần

Tiếng chim nào thấm mùi kinh sử

Thánh thót dịu hòa nâng bước chân

Du dương trong rừng thiêng Yên Tử

Chở tiếng ai xa mãn cuộc trần

Tiếng hót đẹp như hoa khoe sắc

Thanh như tiếng chuông chùa vọng ngân

Ngọt ngào như gió quanh tượng Phật

Trong veo như tiếng sáo tiên đồng

Mượt như thảm nhung xanh ngút ngát

Mềm như mây trên đầu bềnh bồng

Một ngày đến với rừng Yên Tử

Như lạ trần gian cõi thất tình

Chiều xuống núi lòng tìm trang sử

Nghe tiếng chim hòa nâng tiếng kinh.

                   Lưu Lãng Khách

 

HỠI TRĂM CUNG NỮ

 

Thương cho các nàng hỡi trăm cung nữ

Quyết ngăn vua mà suối nhỏ trầm mình

Bên Giải Oan giữa chiều thu Yên Tử

Ôi vô minh! Ôi lục dục thất tình!

Hỡi các nàng- đáng thương hay đáng trách

Ta là vua có lẽ đã hồi cung

Sao có Phật hoàng lưu danh thiên cổ

Đổi ngai vàng lập Thiền phái Trúc Lâm

Thương các nàng- trăm đóa hoa xinh đẹp

Chẳng hiểu chi là trực chỉ nhân tâm

Chưa kịp biết vua- đạo đời không tách

Và Trúc Lâm Tam Tổ quả phi phàm

Bên Hồ Khê ngược giở trang cổ sử

Trỗi tiếc thương gần chết yểu tâm Thiền

Cúi mặt xuống nhìn những viên đá cuội

Chợt thấy lòng sao quá khó an nhiên

Các nàng hỡi! May kiếp này ta chẳng

Là quân vương  tâm đạo bỏ ngai vàng

Đến Yên Tử cho thỏa hồn lãng tử

Chớ vì ta mà nhảy suối Giải Oan.

               Thu 2024

          Lưu Lãng Khách

 

 

TRÊN ĐỈNH NON THIÊNG

 

Đứng giữa Phù Vân đỉnh cao muôn trượng

Anh nắm tay em nhìn xuống loài người

Tay em trong mây nói lời cứu độ

Tóc lộng tung bay mắt phật em cười

Rừng Trúc rừng Tùng chùa am tháp cổ

Một cõi tâm linh thiêng khí ngút trời

Trúc Lâm Yên Tử từ trong nát đổ

Thiền phái hồi sinh ngả bóng xuống đời

Mùa thu xanh ngút ngát trời Yên Tử

Hoa trái mùa thơm ý kẻ hành hương

Ồ! Có phải tiếng chim trong rừng Trúc

Hót lời chi thánh thót cả thiên đường

Phải ta từng nghĩ Trúc Lâm Yên Tử

Thiền theo vua say giấc ngủ ngàn năm

Đã đến lúc nhìn lại mình đi chứ

Lối phật hoàng đi nào có xa xăm

Ta đi ta ca giữa trời Yên Tử

Trên đỉnh non thiêng lạ những lòng sầu

Phố Uông Bí tỏa nụ cười rạng rỡ

Bạch Đằng Giang như dải lụa khoe màu

Sau ngàn lá những chứng nhân lịch sử

Ngậm điều gì muốn gửi đến muôn sau

Phù Vân kỳ bí non thiêng hiền hòa

Khói mây lớp lớp đan tay lụa là

Từ trong phế tích ngân lời Đạo ca

Tùng- Mai – Trúc- cánh hạc nào bay qua.

 

Yên Tử mùa thu

Lưu Lãng Khách

luulangkhach@gmail.com

 

 

READ MORE - Chùm thơ Yên Tử Mùa Thu của Lưu Lãng Khách (Kỳ 2/2) - TIẾNG CHIM TRONG RỪNG THIÊNG YÊN TỬ - HỠI TRĂM CUNG NỮ - TRÊN ĐỈNH NON THIÊNG

TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 1/5) - Võ Công Diên biên soạn

 TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ

Võ Công Diên 

 

 (Biên soạn lại dựa trên bài viết mà tôi đã thực hiện vào năm 2015 và nay 2018 được anh chị góp ý bổ sung thêm nhiều vốn từ mới.)

Như đã hứa cùng tất cả các anh chị em, tôi đã bổ sung sửa chữa và đăng lại, trong đó có các góp ý của các anh chị.

Chú ý :

1 - Mặc dù cũng phương ngữ Quảng Trị là chung nhưng vẫn có nhiều khác biệt, nhiều xã, nhiều làng dùng từ khác nhau, nói khác nhau và có khi cách hiểu khác nhau, nhưng chỉ chung đến một việc giống nhau hoặc ngược lại. 

Ví dụ:

Ở trần = không bận áo, có bận quần

Ở lỗ = không bạn quần, có bận áo

Ở truồng = không bận áo lẫn quần

Tuy nhiên từ ở lỗ có người hiểu là không bận gì cả...

Tráu = là ít kỷ (mi tráu rứa) mầy ích kỉ thế

Nổi tráu = nổi giận (thằng tê hắn tráu rồi =thằng kia nó giận rồi)

Nỗi cáu = ý nghĩa như nối tráu

Nổi cọc = ý nghĩa cũng gần tương đồng "nỗi tráu" tùy theo làng xã 

và ngữ cảnh cũng như người dùng

2 - Có khi một từ giống nhau nhưng có ý nghĩa khác nhau tùy theo 

ngữ cảnh nó được đặt trong câu văn cụ thể.

Một số ví dụ về một từ viết và phát âm giống nhau nhưng ngữ nghĩa khác nhau, cách hiểu khác nhau:

Rạ = Chỉ cậy rựa

Rạ = Chỉ góc rạ

Rạ rời = rã rời = Chỉ mỏi mệt bủn rủn chân tay

Rạ = cây mạ = cây má (Gieo mạ, rạ) một vài vùng hiểu như thế...

Cấy đôn = Bồ chứa lúa, cấy đôn = Ghế ngồi của nhà khá giả

Eng = anh là vai anh, Eng = chỉ về phái nam

O = cô (O ruột em của Ba), O = chỉ về phái nữ

Ả = Chỉ về phái nữ, Ả = người chị

Cá lòng tong= cá ròng ròng

Út = chỉ vai em, O út chỉ về phái nữ nhỏ tuổi hơn với người xưng hô.....

Thiếm, hay Thím = vợ của chú ruột, hoặc chỉ về người lớn tuổi 

nhưng nhỏ hơntuổi bố mẹ người xưng hô

3 - Có khi các từ khác nhau nhưng ý nghĩa lại giống nhau hoàn toàn...

Ba, Cha, Cậu, Chú, Bọ... chỉ về Cha nhưng cách gọi khác nhau, do 

con khó nuôi...(QT vẫn gọi Bọ như người Quảng Bình.)

Vậy chúng ta chấp nhận có sự khác biệt các làng xã khác nhau dù 

cũng là người Quảng Trị, không nên tranh luận cho làng xã mình là 

chính xác hơn làng xã kia, hoặc thấy làng xã kia sử dụng từ ngữ làng 

mình không có, mà vội kết luận từ đó không phải là của QT mà của 

người Nam, Người Bắc... trừ trường hợp người viết bài hoặc người 

góp ý có những nhầm lẫn hoặc sai sót về ý nghĩa từ, về chính tả...

4 - Các vùng miền từ Huế, Quảng Trị, Đồng Hới , Quảng Bình, và 

Thanh Hóa Nghệ Tĩnh có một số tương đồng đến 70. 80% với 

phương ngữ Quảng Trị.

5 - Có những từ mình nghĩ chỉ có người Quảng Trị mới sử dụng, 

nhưng một số ít nơi khác vẫn dùng, chúng tôi vẫn xếp vào phương 

ngữ Quảng Trị vì nó quá phổ biến ở Quảng trị

Vd :

Đi mần = đi làm, đa số người miền Nam nói là đi làm, nhưng vẫn có 

một số rất ít người miềnTây nam bộ cũng nói "đi mần"

Lần đăng lại này có tập hợp bổ sung và phân loại kĩ càng hơn, tuy 

nhiên không thể tránh khỏi lỗi đánh máy, hoặc sai chính tả, mong 

anh chị em cứ góp ý để bổ sung hiệu chỉnh lại, không việc gì mà phải 

e ngại. Từ điển thực hiện với sự góp sức của của nhiều người. Xin 

cám ơn tất cả các anh chị em.

 

PHẦN TỪ ĐIỂN

Ăn kị = ăn giỗ

Ăn chùng = Ăn vụng

Ả = Chỉ về phái nữ, Ả chỉ về người chị

Ba gai =

Ba gai ba trợn …nhiều nghĩa chờ bổ sung

Ba lơn = Đùa giỡn (Nói ba lơn = nói giỡn chơi cho vui)

Ba trợn = ngỗ ngáo

Ba trợn = Hổn hào

Bàn chi = thứ gì "bàn chi" mi cũng cho vào mỏ hết...

Băn hăn bó hó = Nhăn nhó khó chịu

Bành xành = gần như vô duyên, thiếu tế nhị.

Bấp = vấp

Bấp lộ mô mà bổ va trọ cảy trôốc hung rứa ? = Đụng chỗ nào mà té 

sưng đầu nhiều vậy ?

Béc /pheng = Banh ra

Beéng = Bánh

Bẹp = âm đạo

Bín = bí ngô

Bịn tay = vịn tay vào...

Bính = Bí (Bính ngô = bí ngô)

Bọ = Cha (Bọ mi = Cha mầy, giống với Nghệ Tĩnh, Quảng Bình)

Bổ = Ngã (Bổ trữa cươi = té ngã giữa sân)

Bợ = Vịnh tay vào một vật nào đó

Bờ hớ = Vô duyên (nói chuyện bớ hớ)

Bơ đọa = làm vậy bơ đọa (làm vậy rất mệt)

Bo trôốc = Gội đầu

Bóng = chụp bóng (Chụp hình, chụp ảnh)

Bợ= vịn

Bợc = bờ = trên bờ

Bơng = Bưng (Bơng lên = bưng lên, đỡ lên)

Bơng=bưng lên

Bưa bưa / vừa vừa = Tạm đủ rồi

Bựa chừ = Mấy bữa nay

Bựa ni = Ngày hôm nay

Bựa trưa, bựa chiều, bựa túi = buổi trưa, buổi chiều, buổi tối.

Bui = Vui

Bui hung = Vui lắm

Búi = Búi lắm (rối lắm) hiểu khác búi tóc

Bun = nhiều lắm (đầy bun = đầy lắm)

Bun= đầy, vun lên…

Cá dét = Cá chệch (Loại cá sống dưới bùn độ ẩm cao mà chỉ cần ít nước nước,

giống con lươn, cá chạch, cá kèo nhưng ngắn hơn)

Cá Đô = cá lóc, cá quả

Cá lóc = Cá quả nhỏ

Cá lòng tong = bầy lóc mở đẻ (cá ròng ròng)

Cá tràu = Cá quả lớn

Cá tràu = gọi là cá lóc lớn

Cá trợn = gọi cá lóc nhỏ

Cái bình = bường

 

(Còn tiếp)

 

 

READ MORE - TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 1/5) - Võ Công Diên biên soạn

Chùm ảnh HOA TÍM VƯỜN NGƯỜI - Chu Vương Miện

 










READ MORE - Chùm ảnh HOA TÍM VƯỜN NGƯỜI - Chu Vương Miện