Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 7, 2020

BẾN VẮNG – Thơ Lê Phước Sinh


 


BẾN VẮNG
 
Tình cờ, xuống rửa chân
vướng nhánh rong phiêu dạt 
nghe âm ấm nhồn nhột
như vướng sợi tơ hồng.
 
Ngày xưa, Em nhớ không ...
 
               Lê Phước Sinh

READ MORE - BẾN VẮNG – Thơ Lê Phước Sinh

MÙA TRĂNG KHUYẾT - Thơ Đoàn Vũ

 


ĐOÀN VŨ                                                                     

Mùa trăng khuyết

 

Anh chắt mót từ phía nụ cười của em.
Và cũng không quên những chiều buồn
em khóc. Vườn nhà em ngọc lan hương
vấn vương dáng ngọc...

 

Em
anh biết cả sự mòn mỏi của con tim
em cứ đắn đo như con sâu đo miệt mài
năm tháng...không như những định lý
của toán hình mà đi ngược ở góc chờ - góc đợi
chờ đến bao giờ em ơi!

 

Đêm nay rằm em lại đi giữa mùa trăng
nén hương đêm anh thắp trong lòng
cầu nguyện cuộc chờ tròn trịa như trăng.

 

Mùa trăng này em lại ra đi
em nỡ bỏ cả
góc chờ
góc đợi
nỗi chờ dằn vặt
đêm đêm...

 

Vườn nhà em anh vẫn đến ngày ngày
hương ngọc lan đâu còn thơm nữa
ổ khóa buồn
trố mắt nhìn anh
như nói hộ
cửa nhà này
đã khép!
 

 

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Email: vudoan0102@gmail.com.

READ MORE - MÙA TRĂNG KHUYẾT - Thơ Đoàn Vũ

CHIẾC ÁO LỤA BÀ BA - Thơ Đoàn Vũ

 


ĐOÀN VŨ 

Chiếc áo lụa bà ba 

 

Chiếc áo lụa bà ba
em có nhớ
em gửi tặng tôi
trước buổi theo chồng
màu áo hồng mãi hồng cùng năm tháng
vui bên chồng
em còn nhớ tôi không?

 

Thời gian khác chi con nước
xuôi dòng
thế mà áo cứ ửng hồng
trong giấc mộng
lâu đã lâu
mà hương của em còn
đọng
làn hương xưa
đằm thắm - dịu dàng

 

Em theo chồng hẹn ước
bẽ bàng
ngày em đi ngập hồn tôi
giông bão.

 

Chiếc áo lụa bà ba em có nhớ?
nó còn đây như cái xác ẩn hồn
lắm lúc buồn tôi nhè nhẹ môi hôn
biết nơi đó…em ửng hồng đôi má?

 

Chiếc áo lụa bà ba dáng em
chẳng khác
lâu rất lâu
tôi luôn giữ bên mình.
 

 

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.

Email: vudoan0102@gmail.com.

READ MORE - CHIẾC ÁO LỤA BÀ BA - Thơ Đoàn Vũ

BÓNG CẢ RỪNG XƯA - Thơ Mặc Phương Tử

 

Hình từ trang Tintaynguyen.com

  

BÓNG CẢ RỪNG XƯA

 

Có cánh rừng xưa mùa rợp bóng

Mây ngàn về trắng nẽo trời xa.

Thâm sơn hun hút hồn u tịch,

Tiếng vọng vang cùng khắp cỏ hoa.

 

Muôn cây sừng sửng dưới trời xanh

Và tiếng muông chim rộn khắp cành.

Có những đàn voi thong thả bước,

Bạt màu sương khói, nắng mong manh.

 

Có những êm đềm những sớm trưa

Hồn xuân về tận đỉnh giao mùa.

Trăng lên bóng cả nghiêng đầu núi,

Sáng cả đường trăng hương gió lùa.

 

Thế rồi năm tháng có hay đâu

Theo dấu đường hoang, bóng dãi dầu !

Rêu nhạt mờ sương hồn cổ thụ...

Phai tàn bóng cả nẽo hoang vu !

  

Cây đã trơ cành, ngõ lạnh suông

Chim ngàn bạt cánh, gió mưa tuôn.

Đàn voi năm cũ giờ đâu nhỉ !?

Hay đã tàn theo bao nỗi buồn...!

 

Đã mấy mùa xa, đời viễn xứ

Theo từng bước nhỏ bụi đường xa.

Vẫn nghe bóng cả rừng năm cũ,

Và cả hương rừng, hương cỏ hoa.

 

                                                       South Dakota (USA), 12/2020.

                                                      MẶC PHƯƠNG TỬ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

READ MORE - BÓNG CẢ RỪNG XƯA - Thơ Mặc Phương Tử

PHIÊN KHÚC MÙA ĐÔNG - Thơ Trần Mai Ngân

 


PHIÊN KHÚC MÙA ĐÔNG 


Có mùa đông đi qua đi qua
Có tình yêu bay xa bay xa 
Có con chim thật thà thôi hót
Trời chẳng xanh mây xám một màu vương...

Và em dường như dường như
Không còn tha thiết nữa...không còn...
Chẳng hiểu vì sao tất cả không còn!

Bây giờ, bây giờ và ngày mai
Em mang hư vô thả về trời
Lời xưa, lời xưa không còn thanh âm nữa
Đã im rồi...cung bậc của tình yêu! 

Trần Mai Ngân
tranmaingan.2015@gmail.com
READ MORE - PHIÊN KHÚC MÙA ĐÔNG - Thơ Trần Mai Ngân

LẠI THÊM MỘT GIẢ THUYẾT MỚI TÌM MỘ QUANG TRUNG – Hoàng Hương Trang

 

Tượng vua Quang Trung
 
Từ giữa thế kỷ XX đến giờ đã có nhiều giả thuyết về mộ vua Quang Trung, do những nhà nghiên cứu sử, do những nhà nghiên cứu Huế, do câu hỏi: Mộ vua Quang Trung ở đâu? Tất cả cuộc tìm kiếm hơn nửa thế kỷ qua đều hướng về địa thế Thừa Thiên Huế và cũng chỉ hạn hẹp có chừng ấy thôi. Thật may mắn cho tôi, tuy không phải nhà nghiên cứu sử, cũng không phải nhà Huế học, nhưng tôi tự nhận mình là một người ngưỡng mộ vị Anh hùng dân tộc áo vải cờ đào.
 
Do đấy nhiều năm nay tôi đã âm thầm tìm kiếm tài liệu từ trong sử sách, từ những giai thoại trong dân gian, trong những dòng họ có liên quan đến vua Quang Trung để mong tìm ra chút ánh sáng. Nay tôi đã có tương đối một số tài liệu đáng tin cậy để hình thành bài viết này, qua những tiêu đề tạm có sau đây:

1/ Về đám tang thật và giả: 
Khi vua Quang Trung đau nặng, biết mình sẽ không qua khỏi, và tự biết Quang Toản không xuất sắc, không có tài thao lược, sợ rằng không giữ vững được nhà Tây Sơn. Tình trạng gia đình lại tranh quyền đoạt vị, mất đoàn kết nội bộ giữa Nguyễn Nhạc (Thái Đức Hoàng Đế) Nguyễn Lữ và Quang Trung. Vua đã thấy rõ đó là điều bất lợi. Trong khi đó Ngọc Hân Công Chúa vừa mang thai, chưa biết sẽ sinh trai hay gái. Bên giường bệnh thập tử nhất sinh, vua đã bí mật di ngôn cho Ngọc Hân và một vài cận thần thân tín nhất rằng sau khi vua băng hà, một mặt tổ chức đám tang giả ở Kinh Thành, một mặt bí mật ướp xác, đưa quan tài xuống thuyền, đi đường thủy, vào Phương Nam chứ không chôn cất ở Huế.

Do đấy, dân chúng, triều đình và cả quân Nguyễn Ánh đều lầm tưởng vua Quang Trung an táng ở đất Thừa Thiên Huế đâu đó, để sau này có những cuộc trả thù dã man, như đào mộ, lấy hài cốt nhốt vào cũi (bài Kiến Quang Trung linh quỹ: nhìn thấy cũi nhốt hài cốt vua Quang Trung của cụ Lê Ôn Phủ. Bài đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 10/2013 và đã đăng báo Xưa và Nay năm 2005).
Dù có thêm bài đính chính cho rõ nghĩa bài thơ, của tác giả Đinh Văn Tuấn, thì “Linh quỹ” ấy vẫn chỉ là “Linh quỹ giả” mà vua Gia Long đã nhầm lẫn. Linh cữu thật đã bí mật ướp xác (dòng họ anh em vua Quang Trung ở vùng Tây Sơn, Bình Định biết ướp xác, vợ Nguyễn Nhạc cũng đã từng được ướp xác, một phương pháp ướp xác, giữ thi thể lâu phân hủy, học được của những sắc dân thiểu số vùng rừng núi Tây Sơn cộng với cách ướp xác của người Chiêm Thành Cổ) xuống thuyền ra biển đi về phương Nam, vào sông Cửu Long, ngược sông Tiền Giang, đến tận cùng, nơi chỉ có một cụm núi to lớn hùng vĩ nhô lên giữa đất bằng hoang vu, chưa có dân chúng ở, lại gần sát biên giới Cao Miên, nếu có biến động gì xảy ra có thể dời sang đất Cao Miên cho an toàn. Đoàn thuyền dừng chân, cắm sào, quan tài được chuyển lên an táng trên đỉnh một ngọn núi to nhất, cao nhất, hoang vu nhất chưa có dấu chân người tới đó. Đấy chính là núi Cấm thuộc tỉnh An Giang ngày nay.

Như đã nói ở trên, trước khi vua băng hà, vua đã bí mật di ngôn 2 điều: Một là làm đám ma giả ở Kinh Thành thật long trọng, đúng nghi lễ, còn quan tài thật thì lặng lẽ xuống thuyền vào phương Nam. Hai là nếu công chúa Ngọc Hân sinh con trai (khi đó bà đã có thai chừng vài ba tháng) phải đổi lại họ Hồ là họ gốc (Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, Quang Trung) vì vậy khi an táng mộ vua trên núi Cấm xong, mấy tháng sau bà Ngọc Hân sinh con trai, đặt tên là Hồ Quang Thụy, những tùy tùng trung nghĩa theo vua đều đổi họ Hồ, là cụm cư dân đầu tiên ở vùng núi Cấm, An Giang, họ đều ở xúm xít thành một xóm họ Hồ, cho đến ngày nay vẫn còn dòng tộc họ Hồ ấy ở An Giang.

Kể từ Hồ Quang Thụy, con trai của vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa đến nay (2013) đã truyền được 7, 8 đời, sống rải rác ở Việt Nam và nhiều nước như Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… (Theo phả hệ đồ của dòng Hồ Tộc Kế Thế) vua Quang Trung dặn khi đổi họ Hồ phải thêm chữ “Kế Thế”. Vì vậy từ đó ở vùng núi Cấm, An Giang có dòng họ “Hồ Tộc Kế Thế”.

Cũng theo phả hệ đồ của dòng họ Hồ thì vua Quang Trung băng hà vào giờ Tý, ngày 30 tháng 7 năm Quý Sửu (17/9/1792) Hồ Quang Thụy sinh vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1793, ngày vua băng hà thì bà Ngọc Hân mới có thai khoảng vài ba tháng, tính theo âm lịch thì khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm Giáp Dần 1793. Nếu đúng theo gia phả của Hồ Tộc Kế Thế ở An Giang thì mộ vua Quang Trung được chôn trên ngọn núi Cấm ở An Giang, lúc đó chưa có dấu chân người lui tới, con cháu và cận thần thân tín ở chung quanh đó giữ mộ, không muốn cho người ta biết sợ vua quan triều Nguyễn đánh hơi truy tìm ra, nên họ tìm cách phao tin trên núi có nhiều thú dữ, để không ai lên đó, nên dần dần hình thành tên núi Cấm.

Đặc biệt vua Quang Trung căn dặn khi chôn chỉ khỏa mộ bằng phẳng, không đắp nấm mồ cao lên như bình thường vẫn làm. Mộ vua khỏa bằng phẳng như mặt đất, điều đó sau này con trai của vua Quang Trung là Hồ Quang Thụy chết cũng chôn khỏa bằng mặt đất như vậy.

2/ Về vua Quang Toản: 
Vua Quang Trung băng hà, Quang Toản lên nối ngôi, lấy vợ là công chúa Lê Ngọc Bình con vua Lê Hiển Tông, em cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân. Như vậy công chúa Lê Ngọc Bình vừa là em vợ vừa là con dâu của vua Quang Trung. Nguyễn Ánh đánh thắng Quang Toản lên ngôi vua Gia Long, đã lấy vợ Quang Toản đem vào cung làm phi, phong là Đức Phi, có với Gia Long 4 người con, 2 hoàng tử, 2 công chúa. 

Ngọc Bình sinh ngày 12 tháng 12 năm Giáp Thìn (22/1/1785). Năm Nhâm Tuất 1802 bà vào hầu Gia Long chẳng bao lâu được phong Tả Cung Tần, bà mất ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ (10/10/1810) được vua Gia Long tặng là Đức Phi, Thụy là Cung Thận, an táng ở làng Trúc Lâm (Thừa Thiên Huế), nhà thờ ở làng Kim Long sau dời qua làng Phú Xuân. Hiện nay bà được thờ tại nhà thờ phòng Thường Tín. Bà cùng vua Gia Long sinh được 4 người con, 2 hoàng tử, 2 công chúa, trưởng nam là Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân, thứ nam là Thường Tín Công Nguyễn Phúc Cự, trưởng nữ là An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn, thứ nữ là Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê (theo tài liệu Nguyễn Phúc tộc thế phả, chương đời thứ mười một, Nguyễn Phúc Anh (Ánh) Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, trang 222, bộ thế phả này do Tôn Nhơn Phủ in ấn, sắp xếp từ đời Nguyễn Bặc đến đời Bảo Đại).

Cũng vì việc vua Gia Long lấy vợ vua Quang Toản nên trong dân gian có câu hát” “Sự đâu có sự lạ lùng Con vua lại lấy 2 chồng làm vua” (bà là con gái vua Lê Hiển Tông, lấy chồng trước là vua Quang Toản, chồng sau là vua Gia Long). Ngay cả việc này cũng có nhiều người đời sau sai lầm, tưởng bà Ngọc Hân công chúa bị vua Gia Long ép vào làm vợ, thật sự bà Ngọc Hân đã chết trước năm 1802 là năm Nguyễn Ánh lên ngôi vua Gia Long. Bà chết ở An Giang.
Gia Long trả thù Tây Sơn cũng đã thỏa lòng thù hận với bao nhiêu cách dã man, nào lăng trì, nào tứ mã phanh thây, nào voi dày (với nữ tướng Bùi Thị Xuân) nào đào mộ lấy xương cốt đóng vào cũi đem về Kinh Thành, cho vào cối giã nát, trộn thuốc súng cho vào nòng đại bác bắn ra biển v.v… Cuối đời vua Gia Long tự thấy đã trừ khử hết Tây Sơn, cũng đã thỏa mãn, mới thôi không trả thù nữa, tiếp theo là đời vua Minh Mạng thôi không tiếp tục truy tìm và trả thù Tây Sơn nữa.

Thật ra khi quân lính đào mả Quang Trung giả, lấy xương cốt đóng cũi đem về Kinh, cũng đã có dư luận râm ran là “giả”, nhưng Gia Long không thể tìm đâu ra nữa, vua đành chấp nhận, cứ hạ nhục, trả thù để răn đe dân chúng không còn ai dám vọng Tây Sơn, nhớ Tây Sơn nữa.

3/ Mộ bà Ngọc Hân công chúa: 
Mộ bà Ngọc Hân công chúa được an táng ở xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Bà được dân chúng ngưỡng mộ trọng vọng vì bà là mẹ của Phật Thầy Tây An. Mộ bà được dân chúng gọi là Đền Phật Mẫu (xem ảnh ở cuối bài). Trước đây có dư luận cho là người nhà của bà đã bí mật cải táng đem về chôn bên cạnh mộ bà mẹ ở quê hương Bắc Ninh. Nhưng xét theo sự trả thù khủng khiếp và triệt để của vua Gia Long làm sao còn sót mộ Ngọc Hân để cải táng đem về Bắc Ninh, qua mặt vua quan triều đình Nguyễn dễ dàng thế được. 

4/ Về người con của vua Quang Trung: 
Vua Quang Trung mất, bí mật đưa linh cữu về núi Cấm ở An Giang, sau đó bà Ngọc Hân sinh con trai đặt tên Hồ Quang Thụy. Lớn lên Thụy lấy vợ là Nguyễn Thị Thuyên, sinh con là Hồ Quang Điểu, nối dòng kế thế đến nay là 7, 8 đời con cháu.

Sau đó ông đi tu lấy tên là Phật Thầy Tây An, Tây An được đảo chữ An Tây để tránh sự truy lùng của triều Nguyễn. Khi Gia Long đánh thắng Tây Sơn liền cho xóa tên Tây Sơn để người dân khỏi nhớ đến Tây Sơn, ông đổi tên Tây Sơn thành An Tây, có nghĩa đã an định được nhà Tây Sơn. Do đó Phật Thầy lấy tên là Tây An. Đạo của Phật Thầy Tây An truyền khắp vùng Tây Nam Bộ. Ông đi truyền đạo, giả khùng, chèo thuyền chở khoai, nên dân chúng gọi là Ông Đạo Khùng, Ông Đạo Khoai. Giáo lý của ông cốt yếu thờ Tứ Ân (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào nhân loại) ông cũng làm thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, ông còn tránh né họ gốc là họ Hồ, đặt thêm tên giả là Đoàn Minh Huyên – Ông lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có ẩn ý: Bửu Sơn là Núi Quý nghĩa là Tây Sơn. Kỳ Hương là Hương Lạ nghĩa là Hồ Thơm. Như vậy Bửu Sơn Kỳ Hương là ẩn ngữ của 4 chữ “Tây Sơn Hồ Thơm”

Về sau đạo này kết hợp với đạo Hòa Hảo truyền dạy đạo lý khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ – Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không thờ Phật, Thánh, không thờ hình tượng gì cả, chỉ thờ duy nhất một tấm vải đỏ đó chính là cờ đào của vua Quang Trung. Người dân theo đạo chỉ mặc áo vải thô sơ lam lũ, chứng tỏ thầy làm cho gợi nhớ “Áo vải cờ đào”, chính là đời sống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Thầy chú tâm dạy dân khai hoang làm ruộng, đã lập ra nhiều khu dinh điền ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng An Giang, Châu Đốc, Long Xuyên. Khi chết ông dặn con cháu chôn trên núi Cấm và cũng không cho đắp nấm mồ, chỉ khỏa đất bằng. 

Trên núi Cấm có chùa của Phật Thầy Tây An, có giả thuyết cho rằng chính mộ vua Quang Trung chôn ở dưới nền chính điện, xây chùa lên trên để đánh lạc hướng truy tìm của triều Nguyễn. Trên hành trình đi ra truyền đạo trong dân chúng, ông đã bị chính quyền nghi ngờ “Gian đạo sĩ” làm “chính sự” bị bắt nhốt, sau xét không có chứng cớ phải thả ông ra. Đạo của ông không cần ăn chay, không cạo râu cắt tóc, không gõ mõ tụng kinh, mặc dầu ông cũng thờ Tam Bảo, không thờ tượng, chỉ thờ một tấm vải trần điều màu đỏ, không cúng bái tốn kém, chỉ cúng nước lã và vài bông hoa đơn giản. Do đấy đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thích hợp với đời sống dân nghèo, tên tuổi Phật Thầy Tây An rất được dân chúng miền Tây Nam Bộ tôn sùng. Ông viên tịch ngày 10 tháng 9 năm 1856, thọ 63 tuổi. Ông cũng di ngôn cho con cháu chôn sau chùa Tây An gần mộ vua cha, cũng không đắp nấm mồ cao, chỉ khỏa bằng mặt đất.

Ông để lại nhiều quyển Kinh Kệ và để lại nhiều đệ tử giỏi nối đạo cho tới bây giờ. 

5/ Dòng Hồ Tộc Kế Thế ở An Giang: 
Bốn chữ Hồ Tộc Kế Thế là do di ngôn của vua Quang Trung dặn trước khi băng hà. Đời thứ nhất đổi ra họ Hồ là Hồ Quang Thụy tức Phật Thầy Tây An. Quang Thụy sinh ra Hồ Quang Điểu là đời thứ 2. Hồ Quang Điểu sinh ra 5 trai 1 gái là Hồ Văn Đức, Hồ Văn Ngưu, Hồ Văn Nhu, Hồ Văn Sây, Hồ Văn Chánh và Hồ Thị Suốt đó là đời thứ 3. Đời thứ 3 này tuy con cháu đông nhưng chủ yếu chỉ làm ruộng, chài lưới, chỉ duy nhất phát triển về học hành nhờ nhánh Hồ Văn Sây. Đời thứ 4 từ Hồ Văn Sây sinh ra con đàn cháu đống khá đông đúc trong đó có 2 chi nổi trội hơn cả đó là chi của Học giả, nhà văn Hồ Hữu Tường và chi của kiến trúc sư, kỹ sư, thể tháo gia Hồ Văn Hoài.

Ông Hồ Hữu Tường ở miền Nam trước 1975 rất nổi tiếng, ông tốt nghiệp cử nhân ở Pháp, về Sài Gòn vừa dạy học vừa viết báo, viết sách. Ông đã trước tác một bộ sách gồm 3 cuốn dưới dạng văn trào phúng pha lịch sử đó là: Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc náo Huê Kỳ, Phi Lạc bỡn Nga. Cuốn Phi Lạc sang Tàu đã xuất bản trước 1975 ở Sài Gòn rất nổi tiếng, gây chú ý cho độc giả, 2 cuốn còn lại chưa in, không biết hiện nay con cháu ông còn lưu giữ không? Trước 1975 ông có ứng cử dân biểu hạ viện, vì vậy sau 30 tháng 4 năm 1975 ông đi cải tạo học tập chính trị một thời gian, vì tuổi cao sức yếu, nhà nước cho về nhà, nhưng ông đã chết trên đường về (trên xa lộ Sài Gòn Biên Hòa, nay là xa lộ Hà Nội). Ông có 2 vợ, một ở Sài Gòn, một ở Pháp, cả 2 bà đã sinh ra thêm 3 đời con cháu và chắt.

Ông Hồ Văn Hoài là em ông Hồ Hữu Tường, lúc nhỏ cha chết sớm, ông sống cùng mẹ làm ruộng ở An Giang, sau đó học ở Collège Cần Thơ, rồi lên học ở Sài Gòn, học kiến trúc với một kiến trúc sư người Pháp, ngoài nghề kiến trúc, ông có năng khiếu nghiên cứu nhiều đề tài ngành nghề công nghệ thuở ấy còn ít người biết, ông lại có năng khiếu thể thao, nổi tiếng bộ môn bơi lội, đã đạt nhiều huy chương, đã thi đấu cùng các vận động viên Đông Dương và người Pháp. Ông Hoài ở cùng cha mẹ tại quê nhà, còn ông Tường ở Sài Gòn xa cha mẹ, vì vậy trước khi cha chết đã kể lại cho ông về dòng họ Hồ Tộc Kế Thế, và sau này ông là người viết lại cuốn hồi ký “Thăng trầm giữa dòng đời” đây là một cuốn hồi ký viết về cuộc đời ông và gốc gác dòng họ Hồ ở An Giang, trong đó có nhiều tài liệu về vua Quang Trung, Ngọc Hân công chúa, về núi Cấm ở An Giang, về đám ma giả của vua ở Huế, và ngôi mộ thật trên núi Cấm ở An Giang, về ngôi mộ Ngọc Hân công chúa, về cuộc đời Phật Thầy Tây An Hồ Quang Thụy và về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Kể từ đứa con của vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa sinh tại An Giang đến nay đã nối dõi 7, 8 đời.

Như vậy, nếu đây là một giả thuyết đáng tin cậy, sau này các nhà nghiên cứu Sử sẽ tìm ra mộ vua Quang Trung, thì thật đáng vui mừng, có thể ở đâu đó, dưới nền chùa, xung quanh đỉnh núi… người anh hùng của dân tộc vẫn còn con cháu nối dõi tới bây giờ, chứ không phải đã bị tuyệt diệt dưới sự trả thù tàn bạo của vua Gia Long. Ước mong điều này sẽ thành hiện thực.

Xin được gom góp tài liệu viết thành bài công bố trên báo chí để rộng đường dư luận, nhất là đáp ứng được phần nào những trăn trở lâu nay của những người ngưỡng mộ vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ, đã lừng lẫy chiến công tốc chiến tốc thắng đánh tan 30 vạn quân Thanh ở Hà Nội và đánh tan quân Xiêm La cùng quân Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà ở Rạch Gầm Xoài Mút, người đã xóa được biên giới sông Gianh phân chia Trịnh Nguyễn, cho Đàng Ngoài và Đàng Trong nối liền một dải. Người xưa đã nói: “Anh Hùng Đoản Mệnh” đó là điều đáng tiếc, như “một vì sao sáng không ở lâu trên bầu trời”. (Hiện nay vùng núi Cấm ở An Giang đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, ngoài núi non hùng vĩ có các loại cây gỗ quý, các loại cây thuốc quý, có đất Cao Lanh, đá xây dựng, nhất là gần đây có tượng Phật Di Lặc của điêu khắc gia Thụy Lam được sách kỷ lục VN công nhận cao 33,6m bằng chiều cao của tòa nhà 12 tầng ngự trên đỉnh núi, lại có tượng Phật Bà Quan Âm cao 26,5m cùng nhiều chùa chiền thanh tịnh, đã thu hút khách thập phương đến chiêm bái. Núi Cấm có chiều cao 50 trượng (705m) chu vi hơn 20 dặm (khoảng 28.600m) (Theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí biên soạn vào thế kỷ XIX).

Riêng đời cháu thứ 3 là Hồ Hữu Tường, với giọng văn trào phúng đặc biệt của ông làm ta liên tưởng đến năng khiếu trào lộng của Nguyễn Huệ từ lúc nhỏ đã rất thích đóng vai hề trên sân khấu hát bội Bình Định. Đến lúc đã lên ngôi Hoàng Đế Quang Trung cũng vẫn còn cái năng khiếu bẩm sinh ấy, ông đã diễu cợt tặng cho vua nhà Thanh một con voi cắt cụt vòi khi vua nhà Thanh khâm phục đội chiến tượng của vua Quang Trung và xin ông một con voi. Ông cũng đã cho một Quang Trung giả đi sứ sang nhà Thanh, vậy mà nhà Thanh sợ ông sẽ tiến đánh đòi đất Lưỡng Quảng bèn hứa gả công chúa cho vua Quang Trung để cầu lấy hòa bình. Công chúa nhà Thanh đã dâng tín vật là một con gà mái ấp bằng vàng ròng chạm trổ tinh vi.

Theo tài liệu cuốn “Thăng trầm giữa dòng đời” của Hồ Văn Hoài, tín vật ấy vua Quang Trung giao cho Ngọc Hân giữ, Ngọc Hân lúc cuối đời đã trao lại cho con trai là Hồ Quang Thụy, sau này Quang Thụy trao lại cho con cháu để đi tu, đến đời Hồ Quang Điểu còn thấy tín vật ấy xuất hiện trong gia đình ông, sau đó đến đời con cháu sau đã không còn, không biết đến nay con cháu nào của Hồ Tộc Kế Thế đã giữ tín vật của công chúa nhà Thanh, hay đã lưu lạc phương nào, sau quãng thời gian dài 3 thế kỷ với bao nhiêu biến động và chiến tranh xảy ra trên đất nước ta. Mong một ngày nào đó sẽ được làm sáng tỏ.
 
                                           Hoàng Hương Trang
                                      Sài Gòn tháng 10 năm 2013

Tài liệu tham khảo:

1/ Mạng Bách khoa toàn thư
2/ Phả hệ đồ dòng họ Hồ ở An Giang
3/ Lịch sử và địa lý tỉnh An Giang
4/ Sách “Thăng trầm giữa dòng đời” hồi ký của Hồ Văn Hoài
5/ Cùng những giai thoại dân gian từ Thừa Thiên Huế và An Giang 

READ MORE - LẠI THÊM MỘT GIẢ THUYẾT MỚI TÌM MỘ QUANG TRUNG – Hoàng Hương Trang

CẢM NHẬN NGẮN VỀ BÀI THƠ “NÓI VỚI MẸ, MÙA XUÂN” – Đặng Xuân Xuyến

 

   


NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN
 
Chiều nay về con cùng ngồi với Mẹ
Con nói nhiều mà Mẹ chỉ lặng im
Khói hương bay qua năm tháng nỗi niề
Con không khóc cho Mẹ vui trọn vẹn
 
Trong di ảnh mắt Mẹ nhìn xa lắm
Như mông mênh... con ở lại thế nào
Dẫu đắng cay xin vẫn lấy ngọt ngào
Trên mây trắng Mẹ yên tâm siêu thoát
 
Chiều nắng tắt chẳng muốn rời xa Mẹ
Đôi mắt con, đôi mắt Mẹ vẫn nhìn
Sao dưng không con lại khóc một mình
Năm sắp hết... chín Xuân liền vắng Mẹ!
 
Con về nhà đây - đường buồn quạnh quẽ
Dáng đơn côi con bước nốt cuộc đời
Năm sắp hết nhà mình sẽ đón Tết
Hoa đầy nhà hương tỏa mãi ngày xưa!
 
                                    Trần Mai Ngân
 
 

   


CẢM NHẬN NGẮN 
VỀ BÀI THƠ “NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN”       
                                              Đặng Xuân Xuyến
 
Tôi gặp lại tiếng thơ nỗi lòng của Trần Mai Ngân khi đọc “Nói Với Mẹ - Mùa Xuân”. Vẫn là cách viết đơn giản, không có gì đặc biệt, chỉ là những câu tự sự bình thường, những câu thơ chị thủ thỉ chuyện trò với di ảnh của Mẹ:
 
“Chiều nay về con cùng ngồi với Mẹ
Con nói nhiều mà Mẹ chỉ lặng im”

Vâng, chỉ thủ thỉ vậy thôi mà nghe những xót xa, những chất chứa hờn tủi. Lạ thế. Đọc những câu thơ mộc mạc, chân chất, không hề sử dụng chữ nào diễn tả sự hờn tủi, xót xa mà lòng lại trĩu nặng nỗi buồn, lại thấy xót xa cảnh cút côi vì vắng Mẹ? Đó là sự khéo léo dùng thi ảnh để lấy xúc động nơi người đọc của Trần Mai Ngân hay đấy là tiếng đích thực chân thành của con tim mà câu thơ chị viết mới dễ dàng chạm được vào trái tim người đọc?! Có lẽ thơ của chị được viết bằng những cảm xúc thật nên những câu thơ mộc mạc tự nhiên, không uốn éo làm dáng mới gây được xúc động nơi bạn đọc.
 
Thì đây, vẫn là những câu chị thủ thỉ với di ảnh Mẹ mà sao cứ nhoi nhói tâm can người đọc:
 
“Sao dưng không con lại khóc một mình
Năm sắp hết... chín Xuân liền vắng Mẹ!”
 
Trần Mai Ngân lấy nước mắt bạn đọc ở những câu thơ “nỗi lòng” như thế. Tôi yêu thơ chị có lẽ cũng bởi cái duyên thầm từ những câu thơ như vậy.
 
                           Hà Nội, ngày 03 tháng 12-2020
                                      Đặng Xuân Xuyến

READ MORE - CẢM NHẬN NGẮN VỀ BÀI THƠ “NÓI VỚI MẸ, MÙA XUÂN” – Đặng Xuân Xuyến