Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 6, 2024

KHI ANH GẶP EM VÀ… – thơ Lê Minh Hiền

 

C:\Users\hien\Pictures\Hơi thở nhẹ BÙI TIẾN TUẤN.jpg


 

KHI ANH GẶP EM VÀ...

Lê Minh Hiền


Khi anh gặp em

chiều đang trở mình già đi nhiều

những ngỡ như con chó già hờ hững tiếng sủa người qua lại

những ngỡ như con mèo già không còn bỏ nhà đi động dục suốt đêm

.

khi anh gặp em

anh nghe rõ nhịp tim mình

(bất động

sau nhiều thập niên trầm tích)

và anh yêu em ngay

và chúng mình yêu nhau ngay

nhỏ ơi!

mặc kệ chiếc lá đang trở mình vàng dần đi

mặc cho dòng đời thị phi

chúng mình cứ vui

chúng mình cứ yêu hoang sơ

như những đứa bé ngu ngơ

không toan tính

không chiêu trò

mắt xanh

mắt đỏ

.

nhỏ ngây thơ

hay nhỏ giả vờ…
nên chúng mình yêu nhau

đến khi mùa hè đầu tiên chưa kịp trở lại

thì đành chia tay

anh không còn nghe rõ nhịp tim mình

anh không còn nghe dòng phún thạch căng cứng

trong anh

mỗi lần nhớ

mỗi lần gặp

em!

giữa hai bờ thời gian ngày và đêm

anh

không còn nghe gì nữa

như con chó già quên sủa

như con mèo hoang già lười biếng cuộn mình ngủ suốt ngày

.

chiều đang thật sự già đi nhiều

như anh

đang già đi nhiều

sau khi chúng mình vừa thật sự

xa nhau

 

Stanton Aug. 21st, 2023 – Aug. 5th, 2024(11:18 khuya) 

L.M.H. 


 



READ MORE - KHI ANH GẶP EM VÀ… – thơ Lê Minh Hiền

SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3) - Yến Thọ

 


 SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3)

Yến Thọ

(Trích từ tập sách KHẢO VỀ QUẢNG TRỊ XƯA, 

tác giả LÊ ĐỨC THỌ)


Sông Thạch Hãn trong nhiều tài liệu về sau này thường được nhắc đến bởi tên là SÔNG QUẢNG TRỊ. Đoạn đi qua thung lũng Ba Lòng, sông mang tên là SÔNG BA LÒNG. Từ thị xã Quảng Trị về xuôi thường gọi là SÔNG THẠCH HÃN.

Tên xưa nhất của sông Thạch Hãn là Kraung Trapauk. Một tài liệu ghi nhận được từ bia ký Chămpa ở ngôi đền tháp Hà Trung có nhắc đến tên một con sông lớn trong vùng là sông Kraung Trapauk. Trụ bia Hà Trung đã được học giả người Pháp là ông Hubert và học giả người Ấn Độ là ông Majumda dịch và xác nhận nội dung đề cập đến việc xây ngôi đền có tên là Indrakantecvara cùng những thông tin đáng chú ý: Ngôi đền thờ thần Siva (thần tàn phá) dưới dạng một linga có mặt người mang tên Indrakantesvara. Đền thờ được khánh thành ngày 21 cai tra năm 838 saka, có nghĩa là năm 918 sau công nguyên, dưới thời trị vì của đức vua Indravacman, con trai của vua Bhadravacman - giai đoạn cuối của vương triều Indrapura. Ngôi đền được xây dựng bởi sự cúng dường của của hoàng hậu Tribhuvanadevi, là goá phụ của Simhavacman. Nội dung tấm bia cũng nói đến một thành phố Chăm có tên là Navap mà trung tâm là làng Hà Trung tồn tại trong các thế kỷ IX - X, cách ngày nay hơn 1000 năm. Có một con sông lớn là Kraung Trapauk mà theo Hubert thì có lẽ đó là sông lớn Quảng Trị. Vào thời đó, đất đai được phân loại là đất mặn, ruộng sâu, có trồng lúa nước và đất khô trồng lúa vãi (5). Điều này không chỉ cho thấy có nhiều cứ liệu để có thể khẳng định trong các thế kỷ trước XI, vùng Quảng Trị là một mandala - tiểu quốc quan trọng trong vùng cực bắc vương quốc Chămpa mà còn có thể thấy rằng con sông có tên Kraung Trapauk chính là sông Thạch Hãn.

 

Con sông trong quan niệm của Ấn Ðộ giáo (tôn giáo chủ yếu của vương quyền Chămpa) là sông thiêng, biểu tượng của nữ thần Ganga. Một ngọn núi cao nào đó gần con sông được coi là biểu tượng của Ðại sơn thần và đây cũng là thần Siva. Theo đó, một tiểu quốc của Chămpa (mandala) thường tồn tại dựa trên mô hình lấy con sông lớn ở khu vực đó làm trục chính: phía thượng nguồn là thánh địa (núi thiêng), nơi được dựng lên các đền tháp thờ thần/phật - trung tâm tôn giáo; vùng hạ lưu là nơi xây dựng thành lũy, là chốn thị thành - trung tâm chính trị, văn hóa (thành phố thiêng); cửa biển là cảng thị - trung tâm kinh tế, nơi giao lưu trao đổi với thế giới bên ngoài.

 

Nhìn lại không gian vùng Quảng Trị theo hệ quy chiếu sông Kraung Trapauk - Thạch Hãn thì thánh địa Trương Xá (cùng với hệ đền tháp Lâm Lang, Định Xá, Đông Hà, Kim Đâu) trên sông Hiếu và thánh địa Dương Lệ (cùng với hệ đền tháp Thạch Hàn, Nhan Biều, Đa Nghi, Trà Liên, Quảng Điền, Phúc Lộc, Dương Lệ, Cao Hy...) trên sông Thạch Hãn là trục quy hoạch chính; trong đó Dương Lệ là trung tâm tôn giáo của toàn vùng châu Ô trở thành một chỉnh thể dàn đều trên trục quy hoạch Hiếu - Thạch Hãn (6). Toàn bộ không gian này, thành Thuận Châu cùng với cảng biển Cửa Việt, cảng sông Mai Xá ở phía bắc, Phó Hội ở phía nam là các trung tâm về chính trị, kinh tế hoàn chỉnh cho một mô hình của một mandala ở Quảng Trị - tiểu quốc hùng mạnh trong khoảng thời gian trước thế kỷ XI, nhất là giai đoạn vương triều Indrapura. 

 

Trước khi có tên chính thức là Thạch Hãn, từ thế kỷ XV - XVI, con 

sông này được gọi là sông Cái với hàm nghĩa để chỉ con sông lớn 

nhất của toàn vùng Quảng Trị. Trong một đoạn mô tả về chợ Thuận, 

sách “Ô Châu Cận Lục chép”: “Chợ Thuận. Ở ranh giới hai huyện 

Hải Lăng và Vũ Xương. Từ sông Cái ở mặt tây nam, một nhánh 

sông con đổ về, trên nhánh sông này có một nhịp cầu dài vắt ngang, 

phía nam cầu là lều quán bày la liệt(7).  Sông Cái ở đây chính là 

sông Thạch Hãn, còn nhánh sông con chính là Hói Thuận.

 

(Còn tiếp)  

 

5. L. Cadière. Bãi biển Cửa Tùng. Bulletin des amis du vieux Hue. Những người bạn cố đô Huế. B.A.V.H tập VIII, năm 1921. Bản dịch của Phan Xương. Nxb Thuận Hoá, Huế. 2001, tr. 326.

 6. Xem thêm: Lê Đức Thọ. Về các loại hình văn hóa Chămpa ở Quảng Trị. T/c Văn hóa nghệ thuật. Viện Nghiên cứu VHNT - Bộ VHTT, số 11.1995.

 7. Dương Văn  An. Ô châu cận lục. Sđd, tr. 91

 

Yến Thọ

leductho1964@gmail.com

 

 


READ MORE - SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3) - Yến Thọ

KHÚC GIAO MÙA THÁNG BẢY, TIẾNG GÀ TRƯA – Thơ Tịnh Bình


  

 
KHÚC GIAO MÙA THÁNG BẢY
 
Trôi ngang phố vài chòm mây nhỏ
Ướt sũng mi nhòa tiếng hạ trong veo
Sau cánh cửa ánh mắt nào ngơ ngác
Tháng Bảy hiên chờ ngày hạ cuối về theo
 
Dường lưu luyến khúc giao mùa bịn rịn
Mặt hồ trong gầy guộc đóa sen phai
Lưng chừng nhớ vạt khói chiều phiêu lãng
Mái ngói rêu trầm mặc phía cuối ngày
 
Trên cành nắng tiếng ve đành rơi rụng
Áo trắng học trò khép lại mùa thi
Ngang lòng phố tiếng rao trưa khắc khoải
Gió ngược chiều hoen mắt tiễn mùa đi
 
Tháng Bảy chờ ai... Lời dường như đã
Nắng phai dần trên phiến gió lao xao
Tạm biệt nhé lời ve cành hạ
Thanh âm cuối cùng
hẹn gặp lại mùa sau...
 
 
TIẾNG GÀ TRƯA
 
Vầng trăng cổ tích
Hương thị rơi đẫm ướt bị bà
Giấc mơ bà Tiên ông Bụt
Phe phẩy quạt mo cau
Tay mẹ
Tay bà
Đưa con vào thế giới nguyên xanh
 
Hạt thóc vàng phơi dưới nắng thu
Mẹ dụm dành cho ngày con khôn lớn
Những ước mơ như cánh diều khát gió
Chân trời xa
Đau đáu vọng tìm...
 
Con trở lại cánh đồng trưa rát bỏng
Dầm mình trong mùi quê rơm rạ
Dấu chân trâu loang lổ miền ký ức
Vẫn dáng mẹ gánh ngày lam lũ
Quạt mo cau thôi kể chuyện thần tiên
 
Treo lên trời cũ vầng trăng
Những cổ tích chẳng bao giờ có thật
Thôi đành cất vần thơ mơ mộng
Lối cũ ta về
Tiếng gà gáy trưa sông...
 
                                         Tịnh Bình
                                          (Tây Ninh)
 
READ MORE - KHÚC GIAO MÙA THÁNG BẢY, TIẾNG GÀ TRƯA – Thơ Tịnh Bình

RUNG – Thơ Lê Phước Sinh





RUNG
 
Mẹ,
Tao Võng à ơi...
Con ngoan con ngủ thật bùi.
 
Đất
trở mình Địa Chấn,
À ơi...
Núi Rừng trôi.
 
Nhà cửa rung như Xiếc,
Bùn đá tựa trộn hồ.
Thuỷ điện tạo Thuỷ hại,
Dân đành "nuôi báo cô" (!)
 
Rung
một lần,
lại tiếp...
như say máu disco.
Chửi cha "thằng diễn trò",
Tiền bạc bây đút túi.
 
Nếp gấp của Địa tầng,
làm sao kéo lại được ?! (*)
 
Việt Nam,
đất nước ơi
chưa bao giờ đâu thế....
 
          Lê Phước Sinh

---
(*) Kon-tum địa chấn liên tục nhiều ngày.
READ MORE - RUNG – Thơ Lê Phước Sinh

“HÀNH GIẢ CHI CA” CỦA ĐẶNG TIẾN (THÁI NGUYÊN) MỘT BÀI THƠ LÀM SẢNG KHOÁI TÂM HỒN - Châu Thạch



Thú thật tôi không rành chữ Hán nên không hiểu hết tựa đề của bài thơ, xin tạm dịch thô thiển “Hành Giả Chi Ca” là “Bài Thơ Của Vị Tăng Đi Khất Thực”. Nếu dịch sai hay thiếu xin lượng thứ.
 
Đây là bài thơ ai đọc cũng biết viết về nhà sư Thích Minh Tuệ, một hiện tượng mới trong xã hội và trong lịch sử đạo Phật Việt Nam.  Trong bài viết nầy tôi chỉ cảm nhận những cái hay của thơ, còn những mặt khác của hiện tượng tôi không dám bàn đến.
 
Đọc khổ đầu của bài thơ ta thấy hình ảnh một con người cô đơn, nhưng con người cô đơn ấy rất tự tại, thong dong và ngạo nghễ:
 
Ta đi! Một mình trên đường lớn!
Không xe máy lạnh chẳng lọng che
Không tụng niệm loa vang dậy đất
Không hoa không cờ. Không có gì...
 
Khổ thơ có nhiều chữ không, nhưng mỗi chữ không cho ta một cảm xúc như nhẹ bớt trong tâm hồn, vơi bớt những vướng bận nặng nề trong tâm tư, trên thể xác. Nhớ một đoạn thơ trong bài Hành của Thâm Tâm: “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”. Chữ  “thà” ở đây cũng chỉ một sự buông bỏ để thành không, nhưng sao buồn quá, còn chữ “không” của Đặng Tiến thì nghe như những tiếng reo vui.
 
Khổ thơ thứ hai cũng cho ta nhiều chữ không. Không chùa, không thiền viện, không rao giảng, khôngt báng bổ và không để ý đến sự khen chê của người đời:
 
Không đệ tử kẻ hầu người hạ,
Không chùa chiền, thiền viện cũng không
Không giao giảng càng không báng bổ
Ai khen ai chê cũng mặc lòng.
 
Đọc khổ thơ nầy ta thấy vị tăng đi khất thực độc đáo, đôc đáo ở chổ giống một con thuyền trôi trên biển, trong lòng thuyền cũng trống rỗng, nó trôi lênh đênh vô định mà trăng thanh gió mát hay bảo táp mưa sa thì cũng thế, con thuyền vẫn trôi êm đềm trên mặt nước.
 
Vào khổ thơ thứ ba và thứ 4 cho ta nhìn thấy một cõi vô vi trong đời sống của nhà sư, cõi vô vi đó thanh thản đến vô biên nhưng lại nằm ngay trong sự xô bồ của trần thế:
 
Trời đất làm nhà, ăn một bữa
Cỏ vuông làm chiếu, nước một chai
Bát khất thực lõi nồi cơm điện
Chắp vải trăm nơi, áo khoác người.
 
Không nhận làm thầy! Ai theo, mặc
Ai bỏ không theo, cũng vậy thôi
Dặm dài, cứ đầu trần chân đất
Cứ đi. Đi mãi. Sẽ đến nơi...
 
Đức Phật ngày xưa cũng tu như thế trong 6 năm trường, nhưng xã hội ngày xưa gần với thiên nhiên, thiếu nhiều phương tiện văn mình. Ngày nay, con người quen có sự sung mãn vật chất, dư dật, dồi dào, vậy mà có một người buông bỏ cho thành không tất cả, lui về sống như thời thiên cổ. Thật khó lắm thay!  Nghị lực người ấy phải kiên trì như thánh như thần mới đươc.
 
Khổ thơ thứ 5 có nhắc đến Hạnh Đầu Đà của Hành Giả. Đây là một phương pháp tu Trung Đạo (không hưởng thụ và không quá ép xác). Người tu Hạnh Đầu Đà là tu theo phương pháp tu của Đức Phật. Ngài trải qua tuổi trẻ trong cung vàng điện ngọc và trải qua 6 năm ép xác đã ngộ ra nhiều hạnh tu trung đạo, trong đó có Hạnh Đầu Đà là cách tu có khổ hạnh nhưng không quá ép xác, từ đó ngài đồng ý cho đại đệ tử của mình là Ca Diếp thực hành:
 
Phật dạy "Hạnh đầu đà" tu tập
Hành giả, một đời nguyện noi theo
Cõi ta bà bao nhiêu phiền lụy
Phát Tâm ta không bước chân vào...
 
Hai khổ thơ kế tiếp thứ 6 và thứ 7 kể về sự mạc pháp của thời nay, và nói về hiện tượng bách tính rời bỏ bến mê quay về nẽo chánh:
 
Giữa thời buổi ma tăng lúc nhúc
Chùa lớn tượng to mọc mọc đầy
Buôn thần bán thánh chùa như chợ
Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây.
 
Bách tính bến mê! Nô nức đến
Lễ lạt tưng bừng! Mút mút mùa
Hương đăng quả thực chay cùng mặn
Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa...
 
Tác giả mở đầu bài thơ bằng chữ “Ta Đi!”, như thế lời trong cả bài thơ là tác giả nói lại lời của Hành Giả. Từ đó, ở khổ thơ thữ 6 ta thấy, Hành Giả chỉ buông là buông được sự hưởng thụ dục vọng đời nầy, còn tâm trí ngài thì chưa buông được. Ngài còn đau xót bởi “Ma Tăng buôn thần bán thánh” đến nỗi “Chùa như Chợ”, đến nỗi “Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây”.
 
Khổ thơ thứ 7 chỉ hành động buông bỏ sự hưởng thụ của Hành Giả dã làm thức tỉnh bách tính, họ rời bỏ bến mê, nô nức đến với ngài. Nhưng than ôi, bao nhiều năm bị bọn ma tăng nhồi sọ, nay họ đã mở mắt ra, nhưng cái tâm và thói quen của họ vẫn còn chưa sáng hẳn. Do đó họ đến với ngài không khác chi họ cung phụng bọn ma tăng lúc trước: “Lễ lạt từng bừng mút mút mùa/ Hương đăng quả thật chay cùng mặn/Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa…”. Chao ôi, biết đến bao giờ bọn ma tăng mới không còn ảnh hưởng nữa, biết đến bao giờ tâm Phật trong lòng bách tính sáng ra, không mê tín dị đoan, không bị bọn áo cà sa tâm “cà chớn” lừa phỉnh nữa. Ngày đó chắc còn xa!
 
Khổ thơ thứ 8 là nỗi đau xót tận cùng của người Hành Giả. Ngài bi quan, tiêu cực, buông trôi, ra đi một mình, để hưởng thụ vô vi, hòa nhập cùng thiên nhiên trời đất, chỉ một mình mình thôi. Người có tâm như Hành Giả tất nhiên không muốn như thế, nhưng hiện nay, đời xô đẩy phải lẻ loi như thế:
 
Thôi đành chấp nhận. Thôi đành vậy
Hành giả một ta! Chỉ một thôi!
Đường ta chọn, ta đi sẽ đến
Thảnh thơi! Gió cuốn cùng mây trôi.
 
Đọc khổ thơ nầy, nước mắt ta rơi, có thể rơi rât nhiều để khóc cho ngài, để khóc cho ta, đề khóc cho bá tành. Tuy thế sự ra đi của Hành Giả có thể cho ta nhiều hy vọng, bởi ngài mới ra đi mà bách tính đã từ bỏ bến mê, nô nức đến với ngài. Nếu một mai ngài đắc đạo, thì bọn ma tăng không còn đất sống. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa cũng chỉ ra đi một mình, nhưng kết quả của ngài cho cả thế gian được hưởng.
 
Hai khổ thơ cuối cùng như tiếng thơ của người tráng sĩ, người anh hùng, người tiên tri, người thánh hiền, nó vang vọng vào lòng ta những âm vang của sự cao cả, của sự vỹ đại, của một niềm vui trong nội tâm hòa cùng trời đất:
 
Đêm nay! Cổng nghĩa trang ngủ tạm
Vạn vạn hồn làm bạn vui chumg
Đêm mai! Một mái hiên nào đó
Cõi tạm. Hề chi phải bận lòng.
 
Hành giả! Hề! Ta ngâm một khúc!
Ta vui! Trời đất cũng ngất ngây
Phật là ta và ta là Phật!
Nhất tâm! Kìa ánh chớp! Sao bay.
 
Đây là hai khổ thơ diễn đạt hết sự sảng khoái trong tâm hồn người Hành Giả màn trời chiếu đất, mặc áo trăm mảnh, ăn mỗi ngày một bửa không được no. Khổ thơ cũng cho chúng ta, những phàm phu, cũng có được hưởng thụ phút giây thăng hoa trong lạc thú thanh cao của người Hành Giả đi sông hồ tu học Phật!
                                                                           
Châu Thạch
 
HÀNH GIẢ CHI CA
[Học theo Liêu Thái bạn ta]
 
Ta đi! Một mình trên đường lớn!
Không xe máy lạnh chẳng lọng che
Không tụng niệm loa vang dậy đất
Không hoa không cờ. Không có gì...
 
Không đệ tử kẻ hầu người hạ,
Không chùa chiền, thiền viện cũng không
Không giao giảng càng không báng bổ
Ai khen ai chê cũng mặc lòng.
 
Trời đất làm nhà, ăn một bữa
Cỏ vuông làm chiếu, nước một chai
Bát khất thực lõi nồi cơm điện
Chắp vải trăm nơi, áo khoác người.
 
Không nhận làm thầy! Ai theo, mặc
Ai bỏ không theo, cũng vậy thôi
Dặm dài, cứ đầu trần chân đất
Cứ đi. Đi mãi. Sẽ đến nơi...
 
Phật dạy "Hạnh đầu đà" tu tập
Hành giả, một đời nguyện noi theo
Cõi ta bà bao nhiêu phiền lụy
Phát Tâm ta không bước chân vào...
 
Giữa thời buổi ma tăng lúc nhúc
Chùa lớn tượng to mọc mọc đầy
Buôn thần bán thánh chùa như chợ
Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây.
 
Bách tính bến mê! Nô nức đến
Lễ lạt tưng bừng! Mút mút mùa
Hương đăng quả thực chay cùng mặn
Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa...
 
Thôi đành chấp nhận. Thôi đành vậy
Hành giả một ta! Chỉ một thôi!
Đường ta chọn, ta đi sẽ đến
Thảnh thơi! Gió cuốn cùng mây trôi.
 
Đêm nay! Cổng nghĩa trang ngủ tạm
Vạn vạn hồn làm bạn vui chumg
Đêm mai! Một mái hiên nào đó
Cõi tạm. Hề chi phải bận lòng.
 
Hành giả! Hề! Ta ngâm một khúc!
Ta vui! Trời đất cũng ngất ngây
Phật là ta và ta là Phật!
Nhất tâm! Kìa ánh chớp! Sao bay.
              
Đặng Tiến (Thái Nguyên)
 
READ MORE - “HÀNH GIẢ CHI CA” CỦA ĐẶNG TIẾN (THÁI NGUYÊN) MỘT BÀI THƠ LÀM SẢNG KHOÁI TÂM HỒN - Châu Thạch