Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 27, 2019

VIỆT NAM ƠI... KHÓC NHỮNG NIỀM ĐAU - Thơ Trần Kiêm Đoàn




VIỆT NAM ƠI... KHÓC NHỮNG NIỀM ĐAU

Sáu mươi năm trước...
Từ cảm xúc của trái tim mới lớn,
Rất hồn nhiên yêu tận đáy lòng:
Yêu quê hương như những sớm mai hồng,
Yêu rất Huế chiều mùa thu chợt tím,
Yêu Quốc Học thương học trò Đồng Khánh,
Yêu... xóm nghèo quê tôi khi nắng lên!

Lòng yêu nước lãng mạn thuở hoa niên...
Như giấc mộng lành không gối đầu thù hận.
Giữa dòng lịch sử phong ba đầy dẫy hận thù...
Tham vọng cỗi cằn yêu nước vẫn ngây thơ,
Sống bằng tận cùng chân thật,
Cho hết nhiệt tình,
Bốn mươi năm qua
Tàn cơn mộng mị:
Thời khẩu hiệu xả đầy sân đạo lý,
Có tâm hồn không chết cũng vong thân!

Cho đến một ngày tôi là Thuyền Nhân:
Vượt đại dương trên chiếc ghe nan đan bằng tre thiếu dầu sơn quết,
Trốn quê Mẹ giữa hai đầu sống chết.
Boat people! Nhân loại thốn tâm...

Bao nhiêu cánh hải âu đã gãy.
Bao thân tàn ma dại vượt biên.
Bao thân xác tiêu diêu trong bụng cá,
Dưới đáy biển sâu,
Sóng ngùi chưa lặn,
Người về đâu,
Xương trắng vẫn còn.

Rồi nửa thế kỷ sau,
Cứ tưởng vạn niềm đau đã khép,
Từ quê người nghe tiếng vọng... lao xao:
“Có bao giờ quê hương ta đẹp như thế này đâu!”
Ai đã nói hãy cúi đầu tự hỏi:
“Nước bốn nghìn năm có thời nào đến nỗi,
Quê Mẹ rốn lìa sinh tử ra đi!”

Có bao giờ quê hương ta nghe lời nhắn Trà My,
(Hăm ba, tháng mười, hai không một chín):
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều,
Con đường đi nước ngoài không thành.
Con đang chết vì không thở được.”

Ba mươi chín mạng người chết trong thùng xe vì không thở được:
Nhân loại rụng rời tiếng nói Việt Nam!
Chết đau thương như số phận mấy cùi hàng,
Không gian rộng thân phận người khép lại,
Việt Nam ơi... hãy khóc những niềm đau:
Quê hương ta có khi nào bi thảm thế này đâu!

Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt...
Boat People hoá thành “Load People”.
Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
Giải oan khiên nầy thức tỉnh tận lương tri,
Chết là hết, hết hận thù sướng khổ,
Nguyện sớm về yên nghỉ cõi an vi.

                                                  Sacto, Cali thu 2019
                                                     Trần Kiêm Đoàn

READ MORE - VIỆT NAM ƠI... KHÓC NHỮNG NIỀM ĐAU - Thơ Trần Kiêm Đoàn

MỘT VÌ SAO LẠC | SỢI BUỒN | THIẾU VẦN THƠ GỬI HUẾ - Chùm thơ Lê Văn Hảo

Tác giả Lê Văn Hảo


Chùm thơ Lê Văn Hảo

MỘT VÌ SAO LẠC
(Viết cùng và tặng Lão HÀN THI )

Đang soi sáng bỗng nhiên bay lạc
Chuyện vô thường đen bạc nào hay
Sinh linh trong cuộc đời này
Sáng còn chiều mất trả vay nợ trần

Ai cũng có đôi lần lâm trận
Dẫu trăng sao cao tận mây trời
Nhưng rồi cũng có lúc rơi
Con người phận số chơi vơi cũng nhiều

Thương tuổi hạc bóng chiều đã ngã
Nợ chưa tròn tơi tả còn đeo
Vương mang trọn kiếp chữ nghèo
Hoàng hôn chưa tắt gieo neo không tàn

Nên mặc kệ cơ hàn mãi nhận
Chẳng còn chi vướng bận thêm đau
Không mang theo những giọt sầu
Một vì sao lạc còn đâu lối về

25-10-19
L.V.H

SỢI BUỒN

Có lắm lúc nghe lòng buồn chi lạ
Rất vô thường khi trong dạ đang vui
Rồi đột nhiên tâm trí hóa ngâm ngùi
Không thể hiếu sao ngọt bùi biến mất

Hình như thấy tình người không được thật
Chỉ đầu môi rất đường mật ngọt mềm
Lời thân thương ưu ái quả dịu êm
Mùi hương phấn lướt qua đêm tan biến

Buồn từng sợi cứ mãi hoài lưu luyến
Chuyển từng cơn như dâng hiến cho ta
Triền miên gieo bao cung oán xót xa
Bao chua chát muôn giọt sa tiềm thức

Sợi buồn ơi mày mãi gieo phiền phức
Bám vào ta không phí sức hay sao
Hãy bay đi bay thật rông thất cao
Để cho những cái ngọt ngào trở lại

22-10-19
L.V.H.


THIẾU VẦN THƠ GỬI HUẾ

Đã thật lâu không vần thơ gửi Huế
Bởi lòng buồn nên như thể lạ xa
Biết Thần Kinh chẳng phải chốn quê cha
Không quê mạ mà chỉ là đất khách

Nhớ một thuở sáng đến trường đèn sách
Ngắn bước chân thơ lay lách chiều buông
Biết bao lần ngang vĩ Dạ chiều sương
Xuôi Đập Đá chợ Mai đường hoang vắng

Thời gian đã chôn vùi vào dĩ vãng
Nợ bút nghiên chỉ một khoảng rất gần
Không anh em chẳng bằng hữu người thân
Trong đơn độc lúc cô bần lưu lạc

Thuở lên mười giờ đây về tuổi hạc
Sáu mươi năm nghe bội bạc ân tình
Có nhớ thương nhưng chưa được một lần
Về chốn cũ thuở gian truân tạm trú

Càng thiếu sót với đôi vần thi phú
Gửi vẻ thăm nói nương náu xa xưa
Thiếu vần thơ trẻ dại thuở nắng mưa
Dẫu cơ hàn vẫn sáng trưa Xuân Hạ

12-10-19

Lê Văn Hảo



READ MORE - MỘT VÌ SAO LẠC | SỢI BUỒN | THIẾU VẦN THƠ GỬI HUẾ - Chùm thơ Lê Văn Hảo

Ù MỌI | KHÚC XANH XƯA | BẾN ĐÁ - Chùm thơ Khê Giang

Nhà thơ Khê Giang

Chùm thơ Khê Giang

Ù MỌI

Nhớ những mùa
lóng lánh trăng
vệt than nguệch ngoạc
chia ngang lối về
mỗi lần dàn trận chia phe
em thường nũng nịu
xin về phía tôi!

Nhớ một lần
ù hụt hơi
em không thoát nỗi lưới Hời bủa giăng
dẫu quân giặc rất hung tàn
tôi liều
quyết giải cứu mang em về.

Nhớ khi chiến trận não nề
quân thù bắt cả hai về giam chung,
nhìn cố quận mắt rưng rưng
xiết tay nhau
quyết phục hưng vương triều.

Nhưng một ngày
gió liêu xiêu
em đi ngược phía dệt nhiều ước mơ,
vườn khuya
trăng bảng lảng chờ
vệt than vẫn vạch
lên khờ khạo tôi.

Kể từ ... em bỏ cuộc chơi
tiếng ù mọi
đã đứt hơi giữa chừng
tôi đau
đau nỗi Hời vương
khi quân, thiếp với giang sơn không còn!

Em đi
vạch kẻ héo hon
mảnh trăng khuya
vỡ từ mon men rằm!
tiếng ù
tắt giữa xa xăm
sao đêm đêm
vẫn cứ văng vẳng về?


25/10/2019


KHÚC XANH XƯA


Ngày nào giấu mẹ ra đê
nối dây nhợ
bẻ hom tre dán diều,
mấp mô chạy ngược gió chiều
cỏ may đan cả lối... nhiều nhớ nhung.

Thả vào
xa thẳm mắt trông
nơi màu thơ dại bềnh bồng ước mơ,
miết vào lòng cuộc ngây thơ
dùng dằng
quên cả chiều quờ quạng trôi.

Những hôm cơn gió ngủ vùi
bó chiều qua gối
buồn rơi rớt buồn,
những khi diều đứt giữa chừng
bần thần chiếc bóng
rưng rưng lối về.

Một chiều
mưa lấm chân đê
người đi ngược phía hẹn thề rất xa,
giọt đau ướt cọng cỏ gà
mối dây nhợ
vẫn vắt qua chổ ngồi.

Ngày em
từ bỏ cuộc chơi
mắt diều ướt đẫm
dẫu trời không mưa!
chiều lưng phía ít ai ngờ
cuộn dây nhợ đứt
đong đưa tháng ngày.

Tôi về
tìm lại thơ ngây
nơi ngày xưa
cánh diều bay không về,
nhớ trang vở
xé tận bìa
vắt cơm nguội dán lấm lê
giữa bài.

Tôi về
đứng níu tàn phai
câu thơ ngày cũ
khó mai một vần,
thương dây nhợ nối bao lần
xót trang vở mỏng
trắng ngần tuổi thơ!

Đâu rồi
đồng bãi xanh xưa,
đâu rồi
đôi ánh mắt thờ thẩn trông?
cánh diều
chở nhớ qua sông
chở tôi về với khúc long đong mùa!

K.G.


BẾN ĐÁ


Anh hứa một ngày về Bến Đá
Sẽ đưa em lên động hái hoa rừng,
Chiều Khe Ải sim tím hồng màu nhớ
Khói lam về vương vấn ngõ Trường Xuân.

Anh hứa đưa em về thôn Mỵ
Qua Bến Hương ghé miệu Bà Lồi,
Nghe trằm cát chảy vào... hoang phế
Thương ngàn năm yên ắng dấu chân Hời!

Em sẽ cùng anh về xóm Quán
Theo đường Quan ra vụng Cánh Diều,
Chiều Ô Giang mây trời bảng lảng
Ghé xóm Đò giữa sóng nước liêu xiêu.

Kể từ đó em mơ về Bến Đá
Ăn măng Eo ét uống chè vằng,
Thèm được nghe tiếng tròng đuổi cá
Thèm trưa hè đi bẻ lá mồng năm.

Nhưng rồi anh không về Bến cũ
Từ độ Biền Quan nước đổi dòng,
Hác Lở mưa dầm sâu mắt nhớ
Xóm Sen buồn thưa vắng khách sang sông.

Chiều nay Bến Đá mưa vần vũ
Ướt lạnh lời ai đã hẹn thề,
Sông trôi trôi mãi không về nữa
Con sào đứng lặng dưới chân đê!

Khê Giang

READ MORE - Ù MỌI | KHÚC XANH XƯA | BẾN ĐÁ - Chùm thơ Khê Giang

CHÙM THƠ TÌNH THÔN NỮ DƯỚI TRĂNG - Phạm Ngọc Thái

 

Chùm thơ tình Trăng trong đêm khuya buồn hay nhất

         NHÌN TRĂNG NHỚ EM

Nhìn mảnh trăng trời lại nhớ em
Trăng trôi miên man khi mờ, khi tỏ
Chúng mình đến với nhau, không còn thơ bé
Nhưng lòng tha thiết yêu thương.

Trăng giữa tháng khuyết dần, tình cứ tràn dâng
Cả tới khi không còn trăng nữa
Thì em vẫn bên... vành vạnh tỏ...
Đưa anh vào giấc mộng ru đêm.

Để cùng nhau say cảnh thần tiên
Cho quên hết biển đời ngang trái
Cuộc sống mưu sinh với bao mệt mỏi
Chân trời sẽ lụi tàn, nếu chẳng có tình em.

Ôi, mảnh trăng nhỏ bé giữa mênh mang
Vẫn soi ngập cõi không gian vô tận
Sâu tận cùng trái tim anh hưng phấn
Đêm nằm thao thức vấn vương.

Trăng không còn... Em vẫn hiện lên...
Dìu anh qua phong ba, bão táp
Trong giấc ngủ chập chờn đêm vĩnh tuyệt !
Anh đã bay về ôm lấy trăng em.

Áp môi hôn lên vầng nguyệt của Cưng
Nghe trái đất dưới thân mình rung chuyển
Lại thấy ảnh ông Tổng thống Hoa Kỳ đang cầu nguyện
Dân chủ - Cộng hòa ? chả Đảng nào sánh được hơn.

Cả nhân thế này chỉ một "mảnh trăng con"...
Sống mãi muôn đời, dù thay bao chủ nghĩa
Thức nhớ em hoài, trăng khuất không biết nữa
Nhìn khắp thiên hà... Càng da diết yêu thêm...

            12.7.2019
 

               EM VÀ CHIẾC VÁY MÀU CỎ ÚA

Mưa bay chiều nay trên Hồ Tây
Bóng em vẫn xa như áng mây
Hỡi cô mặc áo màu cỏ úa
Lòng anh cô đơn. Anh ngồi đây !

Nhớ buổi hẹn hò giữa thiên thai
Chỉ có vòm xanh và cỏ cây
Đặt em nằm xuống trong trăng sáng
Cùng nhau yêu hết cả trời này

Ôi, đáng yêu chưa mắt em cười
Chiếc váy ngắn với đùi thơm trắng nõn
Như gái đôi mươi, em đẹp lắm !
Anh say mà... ngắm mãi không thôi...

Thương tự ngày nào thì chẳng nhớ
Thân vàng ngọc em dâng anh tất cả
Anh đợi tin vui sau buổi ấy đến giờ ?
"cô bé" của em đẹp hơn thơ

Em bảo rồi sinh cho anh hai đứa con
Anh xa tâm trí cứ ngổn ngang
Em đi dậy học đường dài lắm
Nhất là những lúc phải sang sông

Nhớ nhé, em yêu ! Hãy giữ mình
Qua phà mưa gió chớ coi khinh
Tấm thân nhi nữ thường đau yếu
Đợi anh ít nữa sẽ về bên

Chiều nay anh lại ngắm ảnh em
Có cô thôn nữ thật là xinh
Với chiếc váy quê màu cỏ úa
Lòng dạ nôn nao tạc bóng hình

Anh dẫn em vào cõi thương yêu
Mưa bay, em ạ ! Suốt buổi chiều
Chỉ lo Cưng ở miền xa ấy
Lại nhớ nhau hoài... bến cô liêu.VÁY

                21.6.2019
READ MORE - CHÙM THƠ TÌNH THÔN NỮ DƯỚI TRĂNG - Phạm Ngọc Thái

TÌM TRONG KỶ NIỆM - Thơ Phạm Hòa Việt

Nhà thơ Phạm Hòa Việt và phu nhân.


TÌM TRONG KỶ NIỆM
Phạm Hòa Việt

Và đây giấc ngủ chơi vơi
Tìm trong kỷ niệm thiếu thời thần thơ
Những chiều mây đục giăng mưa
Một mình ngỏ vắng đợi chờ dáng quen
Mấy năm biền biệt sách đèn
Em ơi đan nốt đoạn len còn thừa
Ru hồn anh ngủ trong mơ
Hay đưa anh đến bến chờ lặng câm...
Chừ anh vẫn nhớ thương thầm
Vì ai nên đã gieo mầm cỏ non
Tóc em liểu yếu vàng son
Môi em tuổi Ngọc trăng tròn Tây Thi
Hát đi!... em hãy hát đi
Hát ru từng giấc đôi mi đọng sầu
Vừa trông... trông em nơi đâu
Vừa tô điểm mộng mộng sầu gió bay
Cho anh những phút giây nầy
Phút giây hò hẹn khỏa khuây cuộc tình
Tìm thơ... thơ bỗng tan tành
Tìm em... em bỗng quên anh thuở nào
Còn đâu là mộng thanh tao
Còn đâu là mộng đi vào cõi thơ
Còn đâu tay đợi môi chờ
Còn đâu ôm ấp giấc mơ tự tình

Còn đây tia sáng bình minh
Và thời gian đến bên mình thủy chung...!

P.H.V.
READ MORE - TÌM TRONG KỶ NIỆM - Thơ Phạm Hòa Việt

SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG - Bút ký của Khê Giang

Làng Văn Quỹ



SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG
Khê Giang

(Ý định dùng du thuyền để khám phá một vòng vùng sông nước Hải lăng đã được thai nghén từ lâu, thế nhưng do quỹ thời gian luôn eo hẹp trong mỗi lần về thăm quê nên phải đến hôm nay chúng tôi mới có dịp vác ba lô lên đường.       Thủy trình là một vòng tròn khép kín đi ngang qua các vùng Càng và những làng mạc hai bên bờ của bốn con sông quê hương. Khởi hành từ thôn Đông của dòng Ô Giang hướng về Nam qua Ô Lâu đến Vĩnh Định rẽ về sông Mai Lĩnh để sau đó trở lại Ô Giang.)

Nắng đã lên nửa lưng sào trên bến đò ông Thược, con bến nối đôi bờ Trường Sanh - Văn Trị. Như đã hẹn trước nên chỉ dăm phút sau cuộc gọi, con đò ở bờ bên kia đang dập duềnh rẽ bến.
Cùng với thôn Trung và thôn Hậu nơi có dòng Ô Giang đi qua, nhưng thôn Đông là nơi duy nhất của làng Trường Sanh có cụm dân cư quần tụ bên tả ngạn của con sông với hai xóm là xóm Ngoài và xóm Trong. Bến đò ông Thược thuộc xóm Ngoài.
Từ khi hạ lưu sông Ô Khê chuyển đổi dòng chảy, thôn Đông trở thành một bán đảo nên thơ với hơn nửa chu vi giáp vùng sông nước.
Đò xuôi về phía thượng nguồn của Ô Giang, bên kia là làng Văn Trị với những lồng cá bè đan giăng, xóm chài xưa giờ đã mọc lên những ngôi nhà khang trang soi mình xuống dòng sông yên ả. Những con bến của xóm Ngoài lùi dần sau những rặng sóng rẽ hình cánh quạt từ phía đuôi thuyền.
Qua khỏi thôn Đông thuyền xuôi về thôn Trung, địa phận cực nam của làng Trường Sanh nơi tiếp giáp với cánh đồng lúa của làng Hà Lộc. Hà lộc là ngôi làng nhỏ nằm giữa Trường Sanh và Lương Điền, ba làng này nằm trên trục đường Thiên Lý.

Làng Hà Lộc

Bên kia bờ, núp dưới rặng tre già rợp bóng là những ngôi nhà duyên dáng của làng Hà Lỗ. Trên từng con bến, giữa lao xao sóng nước, nhiều cô gái làng đang ngồi giặt áo cũng ngừng tay dõi theo chúng tôi với cái nhìn thân thiện.
Đò ngang qua Câu Nhi, ngôi làng văn vật của xứ Hải Lăng hiện ra sau những hàng cau đang rung rinh trong nắng, một vùng đất có địa lý cư trú khá đặc biệt, ngoài phần lãnh thổ ở làng còn có những vùng đất tách biệt, đó là Câu nhi Hòa ở bờ nam của Ô Lâu, Câu nhi Phường ở tận Tân lập của Hải Chánh.
Đò đến ngã ba sông, bến đò Ba Bến xưa vẫn còn nhưng giờ đã ít người qua lại. Dịch về phía thượng nguồn một đoạn là bế đò Hôm Lạng, một bến đò cổ nơi tôi vẫn thường theo mẹ qua đây trong những lần về thăm quê ngoại, bến đò này nằm trên trục đường Thiên Lý Bắc - Nam, con đường huyết mạch nối Kẻ Lạng (đạo Quảng Trị) bờ Bắc và Mỹ Xuyên (phủ Thừa Thiên) ở bờ Nam.
Đò rẽ trái xuôi về hạ lưu, tiếp nối ngôi làng mộc, chạm khắc Mỹ Xuyên là phần đất của Câu Nhi hoà như đã nói ở phần trên.
Xuôi theo bờ Bắc(Quảng Trị) làng Văn Quỹ, trung tâm của xứ Kẻ Văn xưa hiện ra với dáng vẻ cổ kính, ngôi chùa làng trầm mặc cùng với hàng cau hiền hoà in xuống dòng sông. Bên bờ Nam, náu mình dưới hàng tre rợp bóng của làng Trạch Phổ, những con thuyền san sát nằm dựa lưng nhau, đây là một trong những làng chài có tuổi đời xưa nhất trên dòng Ô Lâu.

Làng Ưu Điềm

Chúng tôi tiếp tục xuôi thuyền về Ưu Điềm, sau bến thuyền đông đúc là ngôi chợ làng cùng tên, đây là một trong bốn ngôi chợ cổ của vùng đất này: chợ Kẻ Diên (Diên Sanh); chợ Quán (Trường Sanh); chợ Hôm Lạng (Lương Điền). Ưu Điềm còn nỗi tiếng với ngôi chùa Bà Lồi - một trong những di tích Chăm hiếm hoi còn sót lại trên vùng châu thổ sông Ô Lâu.

Đò tiếp tục đưa chúng tôi men dọc bờ Bắc của dòng sông, làng Hưng Nhơn hiện ra với nhiều đền đài miếu mạo lẫn khuất sau những hàng tre, nhìn qua không ảnh Hưng Nhơn tựa như dãi lụa xanh vắt từ bờ bắc của sông Ô lâu đến tận bờ nam của kênh Mai Lĩnh, nơi tiếp góc với Cây Da của Diên Trường - Diên Sanh.

Thôn Hậu - Trường Sanh lối về Cây Da

Qua Địa phận Hưng Nhơn đò men theo những con bến của Hoà Viện, tương tự Câu Nhi (Quảng Trị), Hoà Viện (Thừa Thiên) cũng là ngôi làng có địa hình cư trú khá lạ, một nửa phần đất của làng nằm ở bờ Bắc (Quảng Trị), nửa chính còn lại nằm ở bờ Nam của sông Ô Lâu thuộc Thừa Thiên. Có lẽ đây là hệ quả của việc nắn chỉnh dòng chảy từ thời xa xưa?

Làng Trạch Phổ

Bên bờ Nam sau phần đất chính của Hoà Viện, làng Vĩnh An hiền hòa hiện ra sau chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua con sông nhỏ, dòng hợp lưu này bắt nguồn từ những trằm cát từ Phò Trạch ở phía Nam, là ranh giới tự nhiên giữa Hoà Viện và Vĩnh An. Cùng với Trạch Phổ, Vĩnh An là một trong những ngôi làng chài xưa đẹp và thanh bình trên dòng Ô Lâu.

Cây Da - Làng Diên Trường

Chúng tôi rời thuyền đi bộ lên chợ Hải Hòa mua lương thực tiếp tục cho cuộc hành trình, ngôi chợ bên triền sông này hoạt động tương đối sầm uất, bày bán đầy đủ vật dụng, thực phẩm, cây trái..., chợ nằm cuối làng Hưng Nhơn, qua khỏi chợ một đoạn là đến cổng làng An thơ (một địa danh từng là đơn vị hành chánh cấp tổng dưới thời nhà Nguyễn), nghe qua từng lời trao đổi mua bán của người dân trong chợ nếu không phải là dân địa phương ít ai nghĩ nơi này là làng quê của Quảng Trị, vì tất cả mọi người ở đây đều có chất giọng của Huế, thậm chí thổ âm vùng này còn ngọt ngào thanh thoát và tròn vành rõ chữ hơn cả vùng đất kinh kỳ.

Ngã ba sông Ô Lâu- Vĩnh Định

Chúng tôi rời ngôi chợ quê của xứ Hải Kinh xưa lúc mặt trời đã lên cao, bên kia sông cánh đồng Đại Lược - Kế Môn rập rờn sóng lúa, một ngã ba sông hiện ra trước mũi thuyền, đây là hợp lưu của hai con sông Ô Lâu và Vĩnh Định trước khi chui qua cầu Vân Trình để đổ về Cửa Lác. Song hành theo dòng chảy, Quốc lộ 49B cũng xuôi về Nam sau khi gặp Quốc lộ 49C ở Đa Nghi. Con đường này xuất phát từ Mỹ Chánh qua cầu Phước Tích, Mỹ Xuyên đến Ưu Điềm... sau khi qua cầu Vân Trình nó rẽ phải vòng vèo qua vùng đầm phá Tam Giang đến bến đò Ca Cút xuyên qua Phú Vang, Tư Hiền trước khi gặp QL1 tại đường hầm Phước Tượng.
Bỏ lại ngã ba sông, thuyền rẽ trái xuôi về hướng Bắc theo dòng Vĩnh Định, đây là con sông được đào từ thời nhà Nguyễn do quan Thống chế Phan Văn Thuý chỉ huy, công trình được khởi công vào năm 1825 (Minh Mạng thứ 6) sự kiện nầy đã được khắc trên Cửu đỉnh tại kinh thành Huế. Dòng chảy nhân tạo này ngoài mục đích kết nối hệ thống giao thông thủy trong vùng, nó còn mang nhiệm vụ quan trọng là thoát nước cho vùng Càng, vùng đất trũng sâu của huyện Hải Lăng.

Bến đò xóm Ngoài, thôn Đông, làng Trường Sanh.

Do không có làng mạc hai bên bờ nên đoạn sông này rất quạnh vắng, thi thoảng mới có một đôi đàn vịt đổ sắc trắng xuống dòng sông. Xa xa làng An Nhơn, Đông Dương của Hải Dương thấp thoáng hiện ra trong heo hút tầm nhìn.
Bên bờ Tây, vùng ruộng sâu của Yên Thơ, Phú Kinh xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của lúa, những thảm cỏ hoang rồng rắn bò loang ra đến triền sông, đứng chen chúc dọc bờ là hàng đàn lau sậy đang nhấp nhổm ngụp lặn theo từng con sóng. Cảnh đẹp nhưng hoang vắng đến rợn người!
Đến ngã ba hói Dét, thuyền rẽ trái về kênh Mai Lĩnh, đây cũng là con sông đào nối hai dòng Ô Giang và Cựu Vĩnh Định. (Nếu đi thẳng dòng chảy sẽ xuôi về Trung Đơn, Đơn Quế và cặp Quốc lộ 49C đến Phương Lang, Là Duy...)
Bên nầy là vùng lúa sâu của càng Hội Điền và càng Hưng Nhơn, bên kia sông là đồng ruộng Phước Điền, Trung Đơn. Ngoài nét đẹp hoang sơ thanh bình, những xóm làng ở vùng Càng Hải Lăng còn mang một hình thái cư trú đặc biệt đó là những cụm dân cư nhỏ biệt lập giữa đồng không mông quạnh, tương tự như những cù lao giữa bốn bề sông nước của vùng đất phương Nam.
Xa xa nhìn về phía Tây giữa màu xanh mơn man của lúa, màu thiên thanh của nền trời, nhà thờ Cây Da từ từ nhô lên với nóc giáo đường rực rỡ sắc vàng.



Làng Hưng Nhơn

Cùng với nhà thờ Bến Cộ (Mỹ Chánh), Kẻ Văn (Văn Quỹ)... Cây Da là một trong những ngôi giáo đường được hình thành từ triều nhà Nguyễn trên vùng đất Hải Lăng. Chúng tôi cập bến Cây Da lúc bóng nắng đã ôm tròn dưới mỗi bước chân, ngôi nhà thờ trầm mặc cổ kính soi bóng khoe mình xuống dòng sông. Nằm giữa bốn bề là những cánh đồng tít tắp, với kiến trúc cổ gotic, cùng khuôn viên rợp bóng, những lối đi mềm mại, những bậc tam cấp sải những bước chân dài trước khi nhúng chân xuống dòng chảy... sự hoà quện nầy làm cho ngôi nhà thờ như một bức tranh đa sắc: thanh bình nhưng quyến rũ, cổ kính nhưng rực rỡ lung linh...
Cây Da là bến đò cổ của vùng sông nước Hải Lăng, bến đò này là tuyến giao thông thủy xưa từ Triệu Phong vào Hải Lăng, là nơi sinh hoạt giao thương qua lại của các thôn làng của Diên Trường, Trường Sanh, Hưng Nhơn, Phước Điền, Hội Điền...Là địa danh trong câu chuyện huyền sử đẹp giữa chàng nho sinh xứ Nghệ và cô gái đưa đò...với những câu ca quặn lòng: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò
cây đa bến cộ con đò khác đưa...”.

Đây là những chiến binh trong đoàn
(tác giả cầm máy nên không có mặt trong hình)

Sau hơn một tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, ghi hình khung cảnh đẹp mê hồn của bến nước Cây Da, chúng tôi xuống thuyền trở lại thôn Đông để khép kín một vòng hành trình trên sông nước quê hương.
Chuyến du thuyền khám phá một vòng vùng sông nước Hải lăng đã kết thúc như dự định. Trong niềm vui, hạnh phúc khi được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên thanh bình của quê hương, nhưng nhìn qua ánh mắt tôi đọc được có cái gì như thèm thuồng như tiếc nuối. Phải chăng đó là tiếng lòng thẳm sâu của những người con khi tuổi tác đã nằm bên kia sườn dốc lần đầu được trở về với một vùng sông nước quê hương, được trở về với những ngôi làng, những địa danh mà tự ấu thơ chỉ nghe qua lời kể.

KHÊ GIANG

READ MORE - SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG - Bút ký của Khê Giang