Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 19, 2013

NGÀY XỬA... NGÀY XƯA - BÁN NGÔNG - thơ xướng Thy Lệ Trang - thơ họa Châu Thạch



NGÀY XỬA... NGÀY XƯA...

Có con hạc trắng lạc trong chiều
Bỡ ngỡ dừng chân bến tịch liêu
Hai dãy sim rừng hương bát ngát
Một đàn Tiên nữ sắc yêu kiều
Tung tăng thưởng ngoạn vùng non nước
Hớn hở đùa vui ngọn thủy triều
Vội vã về trời khi bóng ngả
Xa rời cảnh vật nhuộm đìu hiu


Xa rời cảnh vật nhuộm đìu hiu
Bỏ lại cô em út mỹ miều
Hạc trắng tha về đôi cánh mỏng
Mây ngà thả xuống ánh trăng xiêu
Se duyên Thái Tử vừa thay kiếp
Tác hợp nàng Tiên mới biết yêu
Lấp lánh ngàn sao, trời trỗi nhạc
Muôn hoa gội xóa nét tiêu điều.
  
                       
  

BÁN NGÔNG

Quảy gánh xuống trần rao bán chơi
Ngông nghênh cũng đủ  lãng quên đời
Ai mua vạt nắng ngoài biên ải
Ta tặng vầng mây giữa biển khơi
Giãi lụa Ngân Hà màu ngọc sáng
Làn da tiên nữ sắc hoa ngời 
Tơ hồng Nguyệt Lão muôn ngàn sợi
Cột chặt duyên tình đẹp lứa đôi

*

Cột chặt duyên tình đẹp lứa đôi
Trần gian chưa đủ tiếng reo cười
Lời thơ Hàn Mặc còn chua xót
Tiếng sáoTrương Chi vẫn ngậm ngùi
Bán mảnh linh hồn cành liễu thắm
Cho nguồn hạnh phúc suối đào tươi
Trái tim nhỏ bé ta dành lại
Tha thiết trao riêng chỉ một người.

Thy Lệ Trang
(USA)



Bài họa:

MUA NGÔNG

Nếu em đem bán tôi mua chơi
Về giữ Ngông ai suốt một đời
Thay kiếm chém sầu qua cửa ải
Thế thuyền tải ái vượt trùng khơi
Lấy tim chân thật trao nguồn sáng
Dùng tấm chân tâm tặng ánh ngời
Vạn chỉ tơ hồng xe một sợi
Lên trời xuống đất cũng chung đôi.

*

Lên trời xuống đất cũng chung đôi
Mãi mãi tương thân dẫu khóc cười
Chẳng để gần nhau lòng phải  xót
Không cho xa cách lệ bùi ngùi
Niềm vui thiên quốc nơi trần thắm
Hạnh phúc vườn tiên cõi thế tươi.
Nguyện với ba sinh còn giữ lại
Tình ta dành hết tặng riêng người

Châu Thạch

                       
READ MORE - NGÀY XỬA... NGÀY XƯA - BÁN NGÔNG - thơ xướng Thy Lệ Trang - thơ họa Châu Thạch

MƯA GIÀ - thơ Vĩnh Thuyên


Giọt mưa trên lá
Nửa khuya giật mình
Tiếng quen sao lạ

Mưa xiên lá đổ
Xót người bâng quơ
Mùa sang mấy độ

Mưa xuyên cành lá
Mang đi bụi ngày
Đêm còn...
Mưa mãi...

Mưa đan gió gọi
Mắt sâu mặn nồng
Hanh hao một cõi

Trời đất yêu gì
Tôi yêu quá đỗi
Mưa già... sân si 

VT

READ MORE - MƯA GIÀ - thơ Vĩnh Thuyên

NHỚ NHÀ BÁO TRẦN THANH XUÂN - Hoàng Đình Chiến


              Trong cuốn sách: “GP.10, Bốn mươi năm một danh hiệu, ông Đỗ Phượng, nguyên UVTƯĐ, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN nhớ lại: Thời kỳ chống Mỹ cứu nước ông đảm trách Phó Tổng  VNTTX. Vào cuối năm 1971, ông được ông Lê Văn Lương, Thường trực Ban Bí thư Trung Ương gọi lên giao nhiệm vụ: trong năm 1972, TTX phải gấp rút đào tạo một lớp phóng viên có đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam, phục vụ nhiệm vụ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày càng tới gần. Thực hiện chủ trương sáng suốt này, lãnh đạo VNTTX đã tuyển chọn được 150 học viên từ 1500 hồ sơ của ba trường Đại học danh tiếng ở miền Bắc lúc đó: đại học Tổng hợp, đại học ngoại giao, đại học ngoại ngữ.

             Lớp học được đặt tên: Lớp phóng viên GP.10 (GP là lớp giành riêng cho Thông tấn xã Giải phóng; số 10 là khóa phóng viên thứ 10 của TTX). Sau 6 tháng học nghiệp vụ báo chí cách mạng mà giáo viên là các nhà báo kỳ cựu như Thép Mới, Lưu Quí Kỳ, Xích Điểu, Hoàng Tùng…lớp phóng viên lên đường Nam tiến, phân bổ trải dài khắp các mặt trận từ Trị Thiên, Khu Năm đến Nam Bộ. Nhà báo Trần Thanh Xuân, Phó Tổng VNTTX lúc đó được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng và ngầm hiểu sẽ là người cùng các học trò của mình vào chiến trường “Tham chiến”. Ông Trần Thanh Xuân (Năm Xuân) người quê Gò Công, vốn là một trí thức tên tuổi, từng du học Pháp, từng nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về nước tham gia kháng chiến. Những năm hòa bình tuy ở miền Bắc, nhưng trong ông luôn cháy bỏng nguyện ước được trở về sát cánh cùng đồng bào miền Nam thân thương. Nguyện vọng ấy được lãnh đạo TTX lúc ấy chấp nhận và đề đạt lên Ban Bí thư và Tổng Bí thư Lê Duẩn. Thật bất ngờ, Tổng Bí thư Lê Duẩn không đồng ý: Trung ương không cần anh Năm Xuân có mặt ở chiến trường vào thời điểm này. Anh sẽ giúp Đảng nhiều hơn khi có mặt ở thành phố Sài Gòn giải phóng. Anh cần đủ sức khỏe để tập hợp lớp trí thức vốn quen biết hoặc đã có quan hệ với gia đình anh chị. Trên xe về cơ quan, Nhà báo Trần Thanh Xuân nói với ông Đỗ Phượng: Lãnh đạo cơ quan đã nhất trí cử tôi đi, mọi việc đã chuẩn bị chu đáo. Nếu không đi lúc này, đến giải phóng mới vào thì gặp ai cũng chẳng có bao ý nghĩa. Anh đừng nói lại ý kiến vừa rồi của anh Ba với mọi người, cứ coi như tôi đã chào anh Ba trước khi lên đường. 

                Ông Đỗ Phượng bồi hồi nhớ lại những lời lẽ thiết tha của Nhà báo Trần Thanh Xuân: “ Các anh đều biết tôi rời quê hương sang Pháp rồi về Việt Bắc, sau lại sang Pháp làm nhiệm vụ rồi trở về Hà Nội, chưa một lần trở về quê hương. Mấy năm nay vì đường vào Nam phải đi bộ cả nửa năm trời, tôi tự lượng sức mình không chịu nổi, còn đi đường công khai sợ dễ bị lộ nên không dám đề nghị. Nay, đã có thể đi ô-tô nên đề nghị được trở về tham gia chiến đấu trong những năm cuối đời để giải phóng quê hương. Vì vậy tôi đã xin được làm hiệu trưởng lớp học, để làm quen rồi cùng anh chị em vào chiến trường.” Ông Đỗ Phượng nói về người đồng nghiệp của mình: “Ai cũng tôn trọng và quí mến anh Trần Thanh Xuân cả về năng lực nghiệp vụ lẫn đạo đức nhưng sở dĩ không ai nghĩ đến việc cử anh vào chiến trường vì tuổi tác và sức khỏe của anh. Tuy nhiên không ai nỡ nói lời không đồng tình với ước mơ cháy bỏng và chính đáng của anh. Ý chí và nghị lực của anh Năm Trần Thanh Xuân mãi mãi là biểu tượng đặc trưng cho đội quân TTX lên đường đầu năm 1973. Một ông già đau yếu cùng đoàn quân trai tráng tuổi đôi mươi cùng ra chiến trường không phải là sự tương phản mà lại là hình ảnh đẹp của sự hòa hợp của ý chí chiến đấu, của lòng yêu nước đặc trưng Việt Nam”.

                  Những tháng ngày làm Hiệu trưởng lớp phóng viên GP.10 đối với Nhà báo Trần Thanh Xuân thật dài vì chờ đợi. Bà Mai Thị Trình, người bạn đời của ông ráng trổ hết tài nghệ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông nhằm nâng cao sức khỏe. Bà là người Sài Gòn, từng cùng ông du học. Hiểu được ý nguyện nung nấu của người bạn đời, bà tình nguyện xin trở về Nam cùng ông, để lại hai con chưa đến tuổi trưởng thành trên đất Bắc.

                  Một chiếc com-măng-ca được thiết kế “đặc  chủng ” và một lái xe “thiện chiến”dành riêng cho ông bà. Hôm chia tay ông ôm hôn từng lãnh đạo TTX và hai con thân yêu. Sau gần 8 tháng được “chăm bẫm” và tự rèn luyện, sức khỏe của ông đã khá lên trông thấy nhưng trong ngực ông vẫn chỉ còn một phần lá phổi làm việc. Trong bộ bà ba màu cỏ úa và chiếc khăn rằn bên cổ, không ai ngăn nổi dòng nước mắt chia xa. Ngót sáu mươi tuổi, người trí thức đã từng sinh sống giữa Paris hoa lệ bắt đầu cuộc hành quân trở về, vẫn còn nguyên khát vọng cháy bỏng của thời trai trẻ.

                Trên chiếc xe tuy là “đặc chủng” được gắn ghế có nệm mút êm ái  nhưng vẫn không hề giảm bớt những cú sóc nảy người, toàn thân rung lắc. Đêm ngủ võng giữa đại ngàn, gân cốt tưởng như nhão ra nhưng ông vẫn không một lời kêu la. Vào đến cứ “R” Tây Ninh, ông tham gia ngay Ban lãnh đạo TTXGP và thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông bà cùng tham gia dựng lán mái lá Trung quân, phía dưới là căn hầm nửa chìm nửa nổi. Ông bà ăn cơm cùng mọi người ở bếp ăn tập thể. Thi thoảng bà nấu bồi dưỡng thêm cho ông chén chè đậu. Ông bà chan hòa với mọi người không phân biệt nhân viên, thủ trưởng. Để có thể thêm sức cho ông, điều mà bà tâm niệm như một nhiệm vu được giao phó, bà nuôi một bầy gà, vừa có trứng thường xuyên vừa có thịt khi cần cho bữa cơm khách đột xuất.

                  Cuối năm 1974, hình như ông đọc được “điều gì đó” sắp xảy ra. Sau khi bài binh bố trận khắp các phân xã miền Nam bằng một lực lượng phóng viên trẻ từ lớp GP.10, lớp do ông đào tạo, ông gọi tôi lên giao nhiệm vụ: dẫn đầu một tổ phóng viên tin ảnh, điện báo viên biệt phái sang Bộ Tư lệnh Miền với nhiệm vụ phản ánh nhanh, nhậy tình hình chiến sự toàn miền và trực tiếp tham gia các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực khi các chiến dịch mở màn. Nhờ chuyến biệt phái này, tôi đã có dịp tham gia chiến dịch giải phóng Phước Long và chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn. Nhớ lại lúc giao nhiệm vụ, ông nhẹ nhàng căn dặn những điều hơn lẽ thiệt, cách đối nhân xử thế bằng những việc cụ thể như người cha với con: Cháu phải làm sao xứng đáng là người ra đi từ miền Bắc XHCN.

                Gặp lại ông ngay ngày đầu Sài Gòn giải phóng tại Trụ sở Việt Tấn xã, cơ quan thông tấn của chế độ Sài Gòn, tôi trình ông những bài viết và đọc được niềm vui chan chứa của ông qua cặp kính cận. Tôi hiểu rằng với ông niềm vui này được nhân đôi. Ngoài niềm vui chung của cả dân tộc, ông còn một niềm vui trọn vẹn của một người con xa quê hương sau gần 30 năm xa cách. Những năm đầu giải phóng, nhờ tên tuổi và uy tín của ông, tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi trong công tác phóng viên mảng chính trị-thời sự, nhất là tiếp cận với đội ngũ trí thức nhân sĩ Sài Gòn vốn chưa hiểu nhiều về cách mạng./.


                                               HOÀNG ĐÌNH CHIẾN    
READ MORE - NHỚ NHÀ BÁO TRẦN THANH XUÂN - Hoàng Đình Chiến

SAO EM KHÔNG LÀ…EM CỦA ANH? - thơ Nguyễn An Bình



Sao em không là … hoa ô môi?
Tím phớt tình anh giữa chợ đời
Để mai có rụng theo dòng nước
Vẫn vương vấn hoài cánh thư rơi
Quên mất tuổi thơ thời cút bắt
Quê người hiu hắt ánh trăng trôi.

*

Sao em không là … mây đỉnh cao?
Đưa anh về mãi tận phương nào
Lang thang lạc giữa miền cổ tích
Nghe ngẩn ngơ lòng giọng ca dao
Ngậm ngải tìm người nơi chớp biển
Mưa nguồn rơi trắng mộng chiêm bao.

*

Sao em không là … nụ tầm xuân?
Để được yêu nhau chỉ một lần
Bước xuống vườn cà chưa kịp hái
Một vùng mây nổi đã cách ngăn
Đâu hay trời đất bao la quá
Sông dài biển rộng cá biệt tăm.

*

Sao em không là … cánh phượng hồng?
Trên cành hạ nhớ nắng mênh mông
Ngói đỏ đi qua thời áo trắng
Trường xưa xa ngái có chạnh lòng?
Không dưng lạc bước con đường cũ
Ngỡ vẫn còn ai đứng đợi trông.

*

Sao em không là … vầng trăng xưa?
Dõi bóng tìm nhau dẫu cuối mùa
Người xa khuất nẻo đi không tới
Vẫn lặng lẽ chờ trong tiếng mưa
Tóc ơi có còn bay theo gió
Theo bước ai về, ánh sao thưa.

*

Sao em không là … em của anh?
Trên cành lá vẫn mướt chồi xanh
Hương mật len theo từng gân nhánh
Quấn quít bên nhau dứt chẳng đành
Xe qua dốc núi không dừng trạm
Mất dấu chân nhau giữa bụi trần.


18/06/2013
READ MORE - SAO EM KHÔNG LÀ…EM CỦA ANH? - thơ Nguyễn An Bình

CHIA XA - thơ Nguyễn Thanh Bá

Nguyễn Thanh Bá

Thương yêu chừ biết gởi về đâu ?
Năm tháng trôi xa trĩu gối sầu
Lặng lẽ người dần quên quá khứ
Âm thầm ta mãi nhớ ngàn sau
Vầng trăng chẻ nửa soi chênh hướng
Kỷ niệm chia đôi gợi úa màu
Ký ức thời gian nhòa nhợt bóng
Tình thơ ướm dệt rướm niềm đau

                 Nguyễn Thanh Bá
READ MORE - CHIA XA - thơ Nguyễn Thanh Bá

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÓNG CỬA VÀ BUỒN - KHI TRỞ LẠI CẦN THƠ - thơ Huy Uyên


Người đàn ông 
đóng cửa và buồn 

Nụ hôn dẫn về ngang ngực
dấu đôi chân hồng da thịt sớm mai
cuống quít ôm tình đuối chết
nghiêng xuống bên em thở dài.

Tôi mê thiếp đời ngã đớn đau
tiếng em khóc nhỏ tuồng như cầm giữ
gởi theo bão tố
trôi vạn đường sầu.

Em còn nhớ tình mình xưa cũ
thoáng mê đắm ai khuôn mặt dịu dàng
bóng tối khâm liệm chết trôi thác lũ
để tôi buồn chịu tang.

Em dấu mặt trời tháp lạnh cô đơn
ngoài trời mùa hoa đang nở
pháo cưới chợt bơ vơ từ đó
nước mắt chạy quanh dỗi hờn.

Những bãi đá ngầm dấu mình ẩn dụ
khép lại lòng trên môi dấu son
con tàu bỏ đi quên ngược xuôi dòng
ánh trăng xanh trôi qua vàng võ.

Thôi tim người không còn đập
như cỏ cây, lá mục, bèo trôi
em đứng một mình rồi bước tiếp
đi qua tình đi qua đời tôi.

Em khuất rồi đầu ngõ phố
tình tôi chột thui chết đoạn đành
hoang hoải đau thương đã mở
cớ sao hai người đành đoạn quay lưng.

Người đàn ông đóng cửa và buồn ...




Khi trở lại Cần-thơ

Mênh mông trời nước
về Cần-Thơ với những đoạn rạch buồn
chim bay rồi biển trước
cá lội chiều sau sông.

Tôi tìm em hoài dưới ánh trăng xanh
bên đường quán nghèo cóc mít ổi
ai che nón khi chiều chưa kịp tới
nụ cười quá xinh hai mắt ướt đa tình.

Tôi lang thang một mình qua cầu Cần-Thơ xa ngút
đêm Chúa về hình như em đang đọc kinh
lạy Chúa của hai đứa mình
trôi theo sông mái chèo sớm khuất
đã vây quanh người theo chuông ngân.

Gió qua bến Ninh-Kiều hiu quạnh
mắt ai tím sáng trời đêm
rượu tình người mời chưa uống
bên sông ngơ ngẩn cuộc tình.

Em trăm vạn nẽo đường
để tôi đợi mà lòng bỗng sững
tình ngái xa về Cái-Răng, Mỹ-Thuận
nhớ ai nước mắt rưng rưng.

Xe xa người về Cần-Thơ chở gió
tôi mang mây che kín dặm trời
mưa nhỏ từng giọt lấp tim tôi
sao nỡ em ơi
rót chi sầu vào thơ tôi từ độ ấy
xa người.

Tình của em mấy đoạn chao nghiêng
về Cần-Thơ mà để tình ở lại.

Huy Uyên


READ MORE - NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÓNG CỬA VÀ BUỒN - KHI TRỞ LẠI CẦN THƠ - thơ Huy Uyên

ĐÔI TAY EM GÁI TÔI - GÁNH NẶNG VAI MỀM - thơ Vân Trinh


ĐÔI TAY EM GÁI TÔI
Thân tặng QH

I
Có phải đôi tay em gái tôi
Gieo vần thơ ấm áp tình người?
Dịu dàng làn gió, tan đêm tối
Êm ái giọt trăng, thắm nét cười
Thầm lặng lại nồng hương cuộc sống
Gieo neo mà tỏa ánh gương soi
Mênh mông lòng mẹ làm sao tính?
Từng nhịp tim son hóa nhịp đời




II

Thương biết bao nhiêu, khó đủ lời
Đôi bàn tay ấy, đóa hoa đời
Ngời trên muôn nẻo lan hương đất
Nở khắp vạn lòng rạng sắc trời
Đỡ bước chân xiêu, dâng sức trẻ
Nâng bờ vai mỏi, góp mồ hôi
Quên mình rộng mãi con đường chính
Một nét son hồng luôn thắm tươi.                                

Hè 2013


GÁNH NẶNG VAI MỀM
Thân tặng Q.H

Tháng năm cứ trĩu nặng vai mềm
Một khối tình người, ai hiểu em?
Bao cảnh đau thương trào nước mắt
Lắm cơn vật vã xé con tim
Vị tha cứ mặc đời quên nhớ
Nhân ái màng chi việc đáp đền
Áo trắng như lòng trong trắng vậy
Hãy ngời lên mãi cánh sao đêm. 


VÂN TRINH
READ MORE - ĐÔI TAY EM GÁI TÔI - GÁNH NẶNG VAI MỀM - thơ Vân Trinh