Đọc
"Rừng Xưa Xưa" của Chu Vương Miện
- Châu Thạch
Nhà thơ Chu Vương Miện |
rồi có bữa ghé về nơi rừng lá
mường máng mờ lã chã giọt mưa rơi
dăm vệt khói nháng lên từ vết đá
gió bao chiều mà rừng rách tả tơi
rồi có lúc nửa khuya tìm hỏi lại
người có còn chiêm nghiệm mối tình
si
bao bụi phủ miên man hàng dứa dại
đâu có ngờ gang tấc đã phân ly
rồi có lúc ngoài vòng cương tỏa
còn có ai? sửng sốt buổi ta về
cầu gió lộng còn nhớ chăng lời hứa
nước lầm lầm rờn rợn một đam mê
rồi có lúc thâm sâu chờ tiếng gọi
mấy chục năm phụng vẫn đợi hoàng
tấc lòng cũ còn lập lòe nhang khói
chả lẽ mình quấn mãi giải khăn
tang
rồi có lúc còn đăm chiêu đứng ngó
người bây giờ có chắc cố nhân xưa?
lòng đã úa khuôn mặt càng váng vất
và bỗng đâu văng vẳng pháo giao
thừa
chuvươngmiện
Lời Bình của Châu
Thạch
Tôi yêu thơ Chu Vương Miện từ khi tôi còn rất trẻ. Thật ra
nhà thơ chỉ hơn tôi vài ba tuổi nhưng khi mầm văn tôi còn nằm yên dưới đất thì
Chu Vương Miện đã là một cây cao che bóng rợp trên diễn đàn văn học miền nam
Việt Nam rồi.
Trên 40 năm sau tôi mới có cơ hội nghiền ngẫm lại thơ tác
giả đăng trên các trang mạng. Tôi nhiều lần muốn viết cảm nghĩ về thơ tác giả
nhưng tôi suy gẫm khối thơ đồ sộ mà ông đã sáng tác rồi bỏ bút chào thua không
viết được gì. Tôi tự hỏi mình đã viết rất nhiều lời bình thơ mà sao bó tay với
thơ Chu Vương Miện? Vì sao? Và tôi không trả lời được cho đến khi tôi đọc được
mấy lời của nhà thơ Luân Hoán nhận xét về thơ ông là khật khưởng, ngông nghênh,
day dứt, thoải mái, phóng khoáng, đậm đà, sâu sắc thì tôi mới hiểu được cái lý
do mà tôi không viết được. Đó là thơ ông ôm trọn những rắc rối của cuộc đời mà
cái nhìn của tôi thì còn đơn sơ hay nói đúng ra bức thành kia cao quá tôi loay
hoay hoài mà chưa có cách để trèo lên. Tuy thế tôi chỉ thất bại khi muốn đãi
cát tìm vàng nhưng khi đứng nhìn bằng mắt thì tôi thấy được vàng long lanh
trong vườn văn chương mà nhà thơ sáng tạo. Hôm nay tôi bạo gan đến cạnh mép khu
vườn ấy để bốc một nắm đất và thử lượm một ít vàng trong đó xem chơi. Tất nhiên
chỉ lượm thôi thì còn bỏ sót rất nhiều, nhưng thôi đừng nên ham hố quá vì tôi
chỉ là kẻ vui chơi, đâu phải là người đi đãi vàng chuyên nghiệp.
Hãy đến với “Rừng Xưa Xưa” thơ Chu vương Miện.
rồi có bữa ghé về nơi rừng lá
mường máng mờ lã chã giọt mưa rơi
dăm vệt khói nháng lên từ vết đá
gió bao chiều mà rừng rách tả tơi
Đọc thơ một người nào đó ta có thể hiểu là tác giả tìm
về “mường máng” là một nơi mà anh ta hằng sống với nhiều kỷ niệm, nhưng dọc thơ
Chu Vương Miện ta có thể hiểu ‘mường mán”, nơi đã trở nên tiêu điều khi người
quay lại không chỉ là một bức tranh của miền đất quá khứ mà bức tranh ấy còn
thể hiện chốn nương náu thuộc về tinh thần của tư tưởng, của hành động thời quá
khứ, của ước mơ thời trai trẻ. Bức tranh mường mán của ngày xưa chắc chắn là
hình ảnh thể hiện nơi trú ngụ bình an của những dự phóng cho cuộc đời. Nơi đó
ngày nay ẩm ướt vì lã chả mưa rơi, hiu hắt vì dăm vệt khói nháng lên và tiêu
điều vì rừng đã rách tả tơi khi nhà thơ quay lại hay đúng hơn nhà thơ ngồi ôn lại
cuộc đời mình. Mưa hay khói hay gió, hay hết thảy những gì mà nhà thơ thấy còn
lại trong chốn nương thân xưa, ấy là hình ảnh của tinh thần chính mình trong
ngày hôm nay vậy.
Quả thật như thế vì qua vế thứ hai của bài thơ, Chu Vương
Miện không còn nhớ gì cái phong cảnh mà ông vừa tả. Thơ từ tả cảnh đột ngột
bước qua vùng tinh thần thật sự;
rồi có lúc nửa khuya tìm hỏi lại
người có còn chiêm nghiệm mối tình si
bao bụi phủ miên man hàng dứa dại
đâu có ngờ gang tấc đã phân ly
“Bụi phủ trên hàng dứa dại”? Tôi đoan chắc không có nhà thơ
nào dám viết như thế. Đây là hình ảnh độc đáo riêng của nhà thơ Chu Vương Miện
mà thôi. “Hàng dứa dại” không phải là hình ảnh đẹp ở bất cứ đâu, có chăng nó
chỉ đẹp ở nơi vùng sa mạc. Vậy vì sao mối tình si lại được ví như hàng dứa dại
để bây giờ “Bụi phủ miên man”? Đây cũng là một hàng dứa trong tâm tư tác giả,
không phải là hàng dứa thật ngoài đời. Nhà thơ muốn nhắc đến một mối tình vô
cùng mộc mạc, đơn sơ và chơn chất. Nó tuy không có có trăng nước, hoa bướm vì
nó nẩy sinh từ cuộc sông khô khan như hàng dứa mọc trên mảnh đất khô cằn. Tuy
thế hàng dứa đó trường tồn trong thời tiết khắt nghiệt, sống mãi dưới lớp bụi
thời gian.
Vế thơ cho ta thấy một mối tình si tựa như mối tình thời
nguyên thuỷ, khác với mọi mối tình của đời nầy thường vẽ vời cho lãng mạn nhưng
tính chất cũng dễ dàng tan ra như trăng. như nước. như hoa.
Qua vế thứ ba của bài thơ, giấc mơ trong tâm tưởng người thơ
vẫn còn tiếp diễn;
rồi có lúc ngoài vòng cương tỏa
còn có ai? sửng sốt buổi ta về
cầu gió lộng còn nhớ chăng lời hứa
nước lầm lầm rờn rợn một đam mê
“Cương” là dây cột ngựa, “toả” là cái khoá. “Vòng cương toả”
chỉ sự trói buộc của đời người. Nhà thơ tưởng tưởng và tự hỏi khi đã phủi
tay mọi vướng bận trên đời, quay về chốn xưa thì có còn ai “sửng sốt đón ta
về” hay không. Ai đây chắc chắn là người của mối tình si thuở trước. Cảnh bây
giờ không phải là rừng lá tả tơi nữa mà cảnh bây giờ là “cầu gió lộng” và “nước
rờn rợn một đam mê”. Cầu và nước thường thường để diễn tả người đợi và kẻ đi
nhưng ở đây cầu và nước đều là hình ảnh của con người còn nơi chốn cũ. Nhà thơ
tưởng tượng người ở lại có biết bao nhiêu là u uất trong lòng nên cầu thì gió
lộng mà nước thì rờn rợn đam mê. Đam mê mà rờn rợn có nghĩa là đam mê mà oán
thù hay nhẹ hơn là oán trách. Bốn chữ nầy nói hết tâm trạng yêu và giận của
người phải chờ đợi bao năm. Vế thơ cho ta thấy cảnh quay về thê thiết biết bao,
nó không phải là sự đoàn tụ đầm ấm vì lòng người đi còn lắm nỗi lo âu, bởi sự
quay về còn nằm trong tương lai mờ mịt.
Qua vế thứ tư nhà thơ đã biến tâm hồn mình thành một chiếc
bàn thờ nhan khói, thắp cho một mối tình si biết còn đó mà như đã chết lâu rồi:
rồi có lúc thâm sâu chờ tiếng gọi
mấy chục năm phụng vẫn đợi hoàng
tấc lòng cũ còn lập lòe nhang khói
chả lẽ mình quấn mãi giải khăn tang
Theo thần thoại thì Phượng Hoàng là loài chim bất tử, mang
hình ảnh của một ngọn lửa. Phượng Hoàng được tái sinh từ đống tro tàn hay nói
khác đi nó là biểu tượng của sự tái sinh.
Tác giả dùng câu “phụng vẫn đợi hoàng” có ý nghĩa hai con
người cao thượng như chim quý kia vẫn đợi chờ nhau, vẫn ước nguyện một ngày tái
sinh tình cũ. Tuy nhiên có lẽ tính chất con người khác với chim nên con người
chờ đợi mà “lòng cũ lập loè nhan khói” có nghĩa là bi luỵ biết bao. Vế thơ đưa
đến cho ta thấy lòng chung thuỷ kiêu hảnh của mối tình si nhưng cũng làm ta bi
thiết đến sa nước mắt trước chiếc bàn thờ, trước mảnh khăn tang hiện hửu trong
tháng năm dài chờ đợi.
Ở vế thơ cuối của bài thơ tác giả để cho mộng mình gặp lại
người xưa nhưng với biết bao nhiêu sự ngỡ ngàng gần như là oan trái;
rồi có lúc còn đăm chiêu đứng ngó
người bây giờ có chắc cố nhân xưa?
lòng đã úa khuôn mặt càng váng vất
và bỗng đâu văng vẳng pháo giao thừa
Trong lúc hai người xưa ngở ngàng chưa nhận được nhau thì
tiếng pháo giao thừa từ xa văng vẳng đến. Tiếng pháo giao thừa báo hiệu một sự
sang trang, thời khắc sang mùa và niềm vui mới tới. Tiếng pháo giao thừa trong
thơ chỉ nghe văng vẳng từ xa vọng lai. Phải chăng đó là tiếng của niềm ước vọng
mong manh. Nếu không, thì nó cũng là tiếng báo hiệu mùa xuân yếu ớt vì nó nổ
không đồng loạt, không ồn ào và ở tận đâu đâu, nơi một chốn xa vời nào đó. Vế
thơ làm ta buồn vì cảnh gặp nhau như hai người xa la. Vế thơ còn làm ta buồn
thêm vì tiếng pháo giao thừa như tiếng vổ tay từ ngàn dặm, gỏ vào “lòng
đã úa” càng úa thêm bởi không nhận ra người vì “người bây giờ đã chắc cố nhân
xưa?”.
Toàn bộ bài thơ nằm ở trong viễn ảnh. Rồi có bửa, rồi có lúc
nối tiếp nhau qua từng vế thơ là sự liên tưởng triền miên những khung cảnh
buồn. Người ta nói ước mơ thì không ai ước mơ điều buồn cho chính minh nhưng
qua “Rừng Xưa Xưa” Chu Vương Miện đã ước mơ những điều não nuột.
Tiếng thơ của “Rừng Xưa Xưa"’ là một tiếng đàn trầm,
chùng xuống từng nốt nhạc, từng thanh âm lan toả trong không gian thơ màu xám
và trong thời gian thơ biền biệt xa vời. Những “vệt khói nháng lên từ vết đá”,
“bụi phủ miên man hàng dứa dại”, rồi “nước lầm lầm rờn rợn một đam mê” rồi “lập
loè nhan khói”, “quấn mãi giãi khăn tang” là những hình ảnh dìm hồn người lặng
xuống cõi trầm tư để cuôi cùng “văng vẳng pháo giao thừa” đẩy hồn người lên
lững lờ dưới mặt nước của niềm hy vọng mong manh.
Tôi nói “Rừng Xưa Xưa” thơ Chu Vương Miện như một bức thành
tượng trưng cho quá khứ nhìn ngây ngất vì có biết bao nhiều rêu xanh bao phủ.
Những ngọn đèn đặt trên bức thành tượng trưng cho niềm hy vọng cũng buồn làm
sao vi nó cháy leo lắt suốt đêm.
Tôi muốn trời không bao giờ sáng vì “Rừng Xưa Xưa” có mặt
trời lên thì hết đẹp ./.
Châu Thạch