Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 30, 2015

ĐỌC “SẦU RIÊNG” THƠ T.T.QUỲNH HOA - Châu Thạch


Châu Thạch

ĐỌC “SẦU RIÊNG” THƠ T.T.QUỲNH HOA


Nhà thơ Trần Thị Quynh Hoa




SẦU RIÊNG
 
Chiều về trông ra hướng núi
Mây mù khuất đỉnh quê hương
Hơi sương thấm lòng ly khách
Sầu riêng trĩu bước tha hương

Sóng đời xô con xa mẹ
Vai gầy nặng áng phù vân
Lá thời gian úa rụng bao lần
Đêm thoi thóp đường về xa ngái

Nợ áo cơm lưng đời chưa cạn
Đoá phù dung rả cánh xuân thì
Gió chiều hoài trỗi khúc ly quê
Chân lữ thứ đã mòn nơi phố lạ

Trong thâm sâu ước một lần được khóc
Được cúi đầu tạ lỗi khoảng trời xưa
Được kể mẹ nghe những phút dại khờ
Vì con hiểu lòng người biển cả

Con muốn về bên mẹ, mẹ ơi !
Chiều nay khi tóc quyện mây trời
Con nghe tê cứng hồn hoang lạnh
Bỗng thấy mình đơn côi…

                            T.T.Quỳnh Hoa


Lời bình:   Châu Thạch

Đầu đề của bài thơ là “Sầu Riêng” nhưng bài thơ lại nói lên nỗi sầu chung của bao lớp người trãi qua bao thế hệ. Mấy ai mà không biết hai câu ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, hay quê tôi là Quảng Nam thì có câu ca dao “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” nói lên biết bao sự trăn trở thắm thiết của tấm lòng con, nhất là những người phải ly cách mẹ cha. Tuy thế tác giả dùng chữ “Sầu Riêng” không sai đâu, vì nỗi sầu nầy không ai giống ai bởi quê hương khác nhau, hoàn cảnh ly biệt khác nhau, và sự nhớ thương đau đáu trong lòng của mỗi người khó mà chia sẻ cùng ai. Bài thơ “Sầu Riêng” của T.T. Quỳnh Hoa hình như chứa đựng hết sự thắm thiết trong hai câu ca dao trên. Đọc câu thơ đầu tiên đề cập đến núi, tự nhiên tôi nghĩ đến Hòn kẽm Đá Dừng của quê hương tôi. Đây là một thắng cảnh ở thượng nguồn con sông Thu Bồn. Tại khu vực nầy sông trôi hiền hoà giữa hai dãy núi có vách đá sừng sững mà ai nhìn cái vẻ đẹp vừa trầm lặng vừa hùng vĩ ở đây lòng đều tự nhiên nhớ đến mẹ cha.
 Không như cái nhìn trực tiếp thấy Hòn Kẽm Đá Dừng, T. T. Quỳnh Hoa vào đề ở vế thơ đầu với dãy núi rất xa có mây mù che khuất với hơi sương từ dãy núi đó lại thấm vào lòng của người ly khách đứng từ xa xôi ngóng lại quê mình:  

Chiều về trông ra hướng núi
Mây mù khuất đỉnh quê hương
Hơi sương thấm lòng ly khách
Sầu riêng trĩu bước tha hương

Vế thơ cho ta thấy sự vắng vẻ, hiu quạnh và lạnh lẽo trùm khắp bầu trời. Người ly khách đứng trước cảnh vật cao rộng thấy lòng mình cũng cao rộng, nhưng đó là sự cao rộng của nỗi buồn trùm không gian, khiến cho sự thê thiết của nỗi sầu riêng càng trĩu nặng.
Qua vế thơ thứ hai tác giả dùng sóng, dùng mây, dùng lá hình dung cho thăng trầm của đời mình khiến cho ta thấy được hết sự lao lung và sự phôi pha của một kiếp người:

Sóng đời xô con xa mẹ
Vai gầy nặng áng phù vân
Lá thời gian úa rụng bao lần
Đêm thoi thóp đường về xa ngái

“Phù vân” chỉ đám mây hợp tan trong thoáng chốc, thay đổi không ngừng. Đám mây đó ở trên trời cao nhưng ở đây tác giả lại cho nó nằm ngay trên chiếc vai gầy của mình. Đám mây đó phiêu bồng nên rất nhẹ nhưng tác giả lại cho nó nặng trên vai mình. Câu thơ dùng hình ảnh sống động mà diễn tả tâm tư là cái vô hình dáng, lột tả tận cùng những biến đổi liên tục và sự biến đổi ấy công phá vào điểm mong manh trong cuộc sống. Trong vế thơ nầy tác giả còn dùng “lá thời  gian úa rụng” là một cách chơi chữ tuyệt vời, biến từng phiến thời gian như từng chiếc lá vàng rơi rụng, diễn tả trọn vẹn được hình ảnh thơi gian chết vừa buồn thảm mà cũng vừa rất nên thơ.
Qua vế thứ ba tác giả đưa vào thơ sự mệt mõi của cuộc đời, ta thán nợ áo cơm, chân lữ thứ để làm sâu đậm nỗi sầu riêng vì ngày ngày “Gió chiều hoài trổi khúc ly quê:

Nợ áo cơm lưng đời chưa cạn
Đoá phù dung rả cánh xuân thì
Gió chiều hoài trỗi khúc ly quê
Chân lữ thứ đã mòn nơi phố lạ

Hoa Phù Dung là loài hoa sớm nở tối tàn. Sáng hoa có màu trắng tinh khiết, trưa hoa đổi màu hồng và tối thì hoa có màu đỏ thẫm rồi nhạt lần, nhạt lần, tàn rụi trong đêm. Tác giả dùng câu thơ “Đoá phù dung rả cánh xuân thì” sau câu thơ “Nợ áo cơm lưng đời chưa cạn” cho thấy cái nợ áo cơm nó tàn phá đời ta đến là thế nào! Câu thơ cũng cho ta thấy ngoài nợ áo cơm, cuộc đời con biết bao nhiêu nợ khác, khiến nhiều người phải xa quê hương, phải thương cha nhớ mẹ mà chẳng có dịp quay về. Vế thơ như đưa nhiều nỗi khắc khỏi vào trong cơn gió chiều thổn thức, trong bước chân lữ thứ cô dơn, lạc loài nơi phố lạ. Tác giả dùng chữ “phố lạ” chứ không dùng chữ “Xứ lạ” vì chữ “phố lạ’ có gợi lên một chút niềm vui ở chổ đông người, nhưng ở chổ đông người mà không có thân quen thì sự lạc lõng ta cảm thấy tăng lên càng rỏ rệt. Vế thơ còn cho ta thấy có một chút ý vị trong bước chân người xa xứ, vì có lẽ bước chân ấy là bước chân của người thơ nên ngoài sự gian truân thì còn chiêm nghiệm thêm chút ý nghĩa trong cuộc đời lang bạc. Từ đó “sầu riêng” còn chứa đựng nét “sầu thơ”.
Hai vế chót của bài thơ là toàn bộ những lời thỏ thẻ tác giả nói một mình. Đây là sự biểu hiện tâm lý của con người, thổ lộ ra hết để vơi đi những chất chứa trong lòng:

Trong thâm sâu ước một lần được khóc
Được cúi đầu tạ lỗi khoảng trời xưa
Được kể mẹ nghe những phút dại khờ
Vì con hiểu lòng người biển cả

Con muốn về bên mẹ, mẹ ơi !
Chiều nay khi tóc quyện mây trời
Con nghe tê cứng hồn hoang lạnh
Bỗng thấy mình đơn côi…

Hai vế thơ gói trọn ước mơ của hàng vạn người xa mẹ. Ước mơ thật chính đáng và càng ước mơ càng bày tỏ thêm những điều chưa hề đạt được.

Đọc “Sầu Riêng” ta thấy nhưng hình ảnh nổi lên thật rõ nét. Quê hương thì như mây mù phủ đỉnh non xa. Đời thì như con sóng, như áng phù vân. Thời gian như những chiếc lá vàng rơi và nợ áo cơm làm cho ta như đoá phù dung rả cánh. Tất cả nhưng suy nghiệm đó do đâu mà đến? Do nỗi nhớ mẹ mà ra. Hình ảnh mẹ trong “Sầu Riêng” không rỏ nét, nhưng chính sự không rỏ nét đó làm cho thơ hình dung được mẹ của bao người, 
                “Sầu Riêng” ơi “Sầu Riêng”
                  Bao giờ cho hết “sầu riêng” nhỉ?
                  Lúc đó Mẹ gần khắp thế gian
                  Lúc đó “Sầu Riêng” thôi nước mắt
                  Và ta không khóc bởi thơ Quỳnh.

                                                      Châu Thạch
                 



No comments: