Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 25, 2013

Bình Địa Mộc - KHÁCH THƠ

Hồng Hạnh và Bình Địa Mộc


có người chẳng biết làm thơ
nhưng len lén đọc rồi xơ xót tình
mỗi mai lên bấu cửa nhìn
nắng từng sợi trải muôn nghìn phương anh

lẫn vào mây vẹt xa xanh
ý thăm thẳm những lời lành lặng trao
nghe câu lục láy vận vào
trong câu bát nỗi niềm trào dâng trưa

người kiêu bạc bước chân vừa
chạm đò ngang bến sông đưa tiễn chiều
giọt hoàng hôn rắc mịn đều
màu thơ nhuộm thẩm quạch rêu tháp buồn

đêm về giấu mảnh trăng suông
giữa lời yêu ướt mềm vuông khăn hồng
sợ cầm tay chữ bềnh bồng
bay về hết phía đàn ông vô hình

có người chẳng biết thơ mình
làm đau đáu ngọn nến linh lang kìa
thả hồn chỗ dấu phẩy chia
cách hai từ nhớ thương khuya khoét tròn ...


Sài Gòn, cuối tuần thứ 3 tháng 3.2013
Bình Địa Mộc
READ MORE - Bình Địa Mộc - KHÁCH THƠ

Sĩ Chương - THÀNH PHỐ TÔI YÊU


Sĩ Chương

     
      Tôi sinh ra từ vùng quê đất Quảng
     Nơi Sông Hàn sóng vổ suốt ngày đêm
     Sông Hàn ơi!  Sông Hàn ơi!
     Còi tàu địch đã hai lần rút khỏi
     Nơi cửa sông đất thép nước Nam mình
     Chiến tích ấy lẫy lừng vang bốn biển
     Lời hẹn thề dân ta quyết tiến lên
     Đời ta khổ để đời sau sung sướng
     Đời ta nghèo để con cháu sống vui
     Hạnh phúc đó nhân đôi ngày chiến thắng
     Đà Nẵng quê mình phố xá thênh thang
     Gọi nắng lên ... Gọi nắng lên
     Cho bình mình thắp sáng 
     Những chuyến hàng tấp nập cảng Tiên Sa
     Anh về bôn ba - chị đi hối hả
     Cho kịp giờ lên kíp đổi ca
     Nổ máy lên - nổ máy lên
     Đẩy tàu ra biển cả
     Chở hàng về đầy ắp cá tôm
     Nổ máy lên - nổ máy lên
     đẩy tàu ra biển cả
     Chở hàng về đầy ắp nhớ mong.

Sĩ Chương
READ MORE - Sĩ Chương - THÀNH PHỐ TÔI YÊU

Ngọc Tình - CHỜ NHAU

Ngọc Tình


Thả bước đầu xuân đến lễ chùa
Bỗng nhìn quen lắm dáng già nua
Sông xanh cuộn sóng thương dòng chảy
Tóc bạc nhìn em xót nắng lùa
Ngọn gió đưa về con ngõ vắng
Bên hiên ngóng đợi bóng người xưa
Chiếc khăn ngày trước còn hương thoảng
Một kiếp chờ nhau được mấy mùa?...

TN 24-3-2013
Ngọc Tình
READ MORE - Ngọc Tình - CHỜ NHAU

Lê Hoàng - CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN



      Tôi có được nhân duyên nghe vị thiền sư THÍCH THANH TỪ  giảng về "Chánh tín và mê tín”. Từ đó, tôi ngộ ra rằng: "Mình còn mắc nhiều lỗi lầm và làm những công việc thường tình trong đời một cách thất tín mà chưa biết rõ đâu đúng, đâu sai.

     Vì lẽ đó, tôi viết lại những điều được học qua sự giảng dạy của thầy.

     Đạo Phật chủ trương giác ngộ mang ánh sáng trí tuệ soi rọi cho thế gian. Mọi lẽ thật đều biện bày dưới ánh sáng GIÁC NGỘ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng TIN, đó là "CHÁNH TÍN". Ngược lại, bày những điều mê hoặc làm mù quáng người đời, lừa bịp thế gian, ấy là "MÊ TÍN".

     Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: "Tin là nguồn của Đạo, là mẹ của mọi công đức", vì thế, người học đạo phải có lòng tin.

     MÊ TÍN: Mê tín là lối tin mù quáng, khiến con người mất hết trí thông minh. Những kẻ chủ trương mê tín là những người làm việc hoặc loạn thế gian, đưa dân tộc lùi lại bán khai. Một tôn giáo chân chính, một dân tộc thông minh, không cho phép mê tín len lỏi trong tín đồ cũa mình, trong dân tộc mình. Thế mà, đồng bào chúng ta hiện quá nhiều tệ đoan mê tín.

     1/ ĐỒNG CỐT:  Đó là một hiện tượng mê hoặc khủng khiếp. Những kẻ làm ông đồng, bà cốt, đều  là những người sống trong trạng thái bất bình thường. Bản thân họ đã mất hết tự chủ. Họ bị sai khiến từ một ma lực huyền bị, hoặc họ tự biện ra một thủ thuật không thực để lừa đảo thế gian. Khi ma lực đó dựa vào họ, lạm dụng các danh xưng để lừa bịp người đời mà thôi. Thường thường Bồ Tát hay La Hán muốn hoá độ chúng sanh không khi nào các vị phải gá vào thân kẻ phàm tục để xưng danh để giáo hoá chúng sanh.Vì các vị đó đầy đủ thần thông biến hoá vô ngại. Như thế, những ma lực dựa vào kẻ phàm tục là những quỷ thần bạo lực, chúng tự xưng danh mạo nhận những vị Bồ Tát để gây uy thế mà thôi.

      Nếu là Phật tử chân chính hãy tránh xa, tuyệt đối không được phụ họa theo.

      2/ LỊCH SỐ, SAO HẠN: Thời gian không thật do khái niệm con người đặt ra, huống là trên thời gian người ta lại đặt ra ngày TỐT, ngày XẤU, năm  LÀNH, năm DỮ ...

      Nhật cầu, nguyệt cầu và địa cầu chẵng qua cũng chỉ là vật vô tri, chúng quay gần nhau theo cái trục cố định ở trong Thái Dương hệ nên ảnh hưởng ánh sáng, tối, sáng, trồi trụt với nhau ..., thế rồi con nguời sống trên địa cầu, trông vào sự sáng tối đó, tùy khái niệm đặt thành ngày đêm, giờ phút theo sự phản chiếu để đăt ra ngày rằm, mồng một ba muơi.v.v. để có tháng, năm thế thôi. Thực chất, nó vẫn là không thật.

      Cho nên coi ngày Tốt, xấu là tự mình trói buộc mình vào cái điều không thực. Người nông dân miền Nam có câu :
         “Cọp vật mấy ông thầy Địạ,
           yêu nhai mấy chú coi ngày
          Trớ trêu họ khéo đặt bày.
          Hai đưá mình thương thiệt,
          ông trời nào bảo thương ?"

      3/ COI TAY, XEM TƯỚNG:  Coi tay xem tướng cũng chẵng qua là một thủ thuật có khi trúng khi trật tùy theo may rủi mà thôi. Cho nên ông "thầy" tướng luôn luôn có câu thòng "Những điều xấu của qúy vị nếu có phúc, ăn lành ở hiền thì tai nạn qua khỏi ...." để ngụy biện cho trường hợp "thấy" coi có nạn xấu mà đến ngày tháng đó… chẳng thấy có gì xẩy ra...

      Chúng ta nhìn rỏ hai mặt Tốt và xấu đều có thể xẩy ra cho mình. Vậy thì đi coi bói, coi tướng làm gì cho mất tiền thêm lo.

      Có bài kệ rằng:
                  Hữu tâm vô tướng,
                  Tướng tự tâm sanh
                  Hữu tướng vô tâm
                  Tướng tùng tâm diệt.
      Dịch :  
                  Có tâm tốt, không tướng tốt
                  Tướng tốt theo tâm tốt sanh
                  Có tướng tốt khôngtâm tốt
                  Tướng tốt theo tâm mà xấu.  

      Thế nên, chúng ta cần phát tâm tốt, làm việc tốt, điều tốt sẽ đến; chúng ta chưá chấp những tâm niệm xấu thì mọi điều dữ sẽ đến. Điều căn bản là chúng ta làm tốt hay làm xấu, quả tốt xấu sẽ đến với chúng ta, nó không quan trọng ở bàn tay hay số mạng cũa chúng ta.

     Kể cả vấn đề XIN XĂM, BÓI QUẺ cũng thế. Mọi điều đều do NHÂN QUẢ mà có.

     Cho nên: Tay cầm tiền bạc bo bo,
                     Đem cho "thầy bói" mang lo vào mình.

     Làm việc không lợi ích, lại tốn hao tiền bạc, mang lo sợ vào lòng. Ấy, không phải mê tín là gì?

     Ngoài ra còn tật cúng sao, xem hướng, đốt giấy tiền vàng mã... tất cả cũng là những điều lạc hậu, lỗi thời. Sao là những hành tinh cách xa ta hàng vạn dặm. Vậy nó là gì để chúng ta phải cúng? phải dương? không thể hiểu đươc! Hiện nay, thỉnh thoảng có một vài chùa chiền đến Tết, mùa Xuân vẫn còn tổ chức lễ dương sao, cúng hạn... để gây quỹ cho chùa? Việc làm này thực sự không đúng.

     Đạo lý nhân quả Phật dạy rất rõ ràng trong kinh mà người ta bất chấp hay quên đi để làm những điều mê tín.
     Đổi, dời vị trí bếp hay thay đổi hướng nhà, hướng giường nằm cũng đều là mê tín. Nó chỉ có giá trị khoa học để cho phù hợp không gian và môi trường mà thôi.

TAI HẠI CỦA MÊ TÍN:

       Người mê tín là người không có lý luận, tin bướng, tin càn, trở thành con người khờ khạo. Đó là hình ảnh những người tin vào ông đồng, bà cốt. Người mê tín tin vào sự lố bịch. Họ bị cột trói vào mê tín, họ không dám quyết định một điều gì cho bản thân mà chỉ trông vào điều tốt xấu, ngày giờ ... nên có khi họ để mất cơ hội tốt đến với mình, thậm chí họ trở thành kẻ khiếp nhược, mất tự tin.

SỰ CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?

     Mỗi khi đi chùa tụng kinh, mọi Phật sự đều có CẦU NGUYỆN. Vậy sự cầu nguyện này Chánh tín hay Mê tín? Câu trả lời này có hai vế:

      - MÊ TÍN: Nếu chúng ta khẵng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện. Bởi lẽ, thế gian lắm kẻ tạo nghiệp, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả, nghiệp báo.  Nếu mọi việc xẩy ra do nhân quả, thì việc cầu nguyện trở thành vô ích. Kẻ tạo nghiệp dữ thì nghiệp báo sẽ đến, cho dù có cầu nguyện cũng vô ích, nên không thể nói cầu nguyện là hoàn toàn như ý. Chấp cố định là sai lầm, không hợp lý.  
  
     - CHÁNH TÍN: Tin nhân quả. Đứng về chiều thời gian, vạn vật hiện có trong vũ trụ này không có một vật nào thoát ngoài nhân quả mà được hình thành. Trên tiến trình SINH, DIỆT quyết hẳn vạn vật từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân. Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Đó là hiện tượng sinh hoá trên cõi dân gian này, nghiệm xét thấu đáo, chúng ta không thấy có một vật gì không nhân mà có, ngẫu nhiên mà thành. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học, vừa là sức mạnh chuyển tiến của con người tiến bộ.

     Cho nên nhân quả và nhân duyên trong vũ trụ hợp thành, là tác dụng của trí tuệ. Thâm đạt lý nhân quả, nhân duyên người đó sẽ nhận lấy trách nhiệm NÊN, HƯ, HAY, DỞ ,TỐT, XẤU  đều do mình.

     Biết rõ như thế, con người sẻ có tự tin ở mình và tùy nhân quả, nhân duyên để phát huy điều chánh tín cho bản thân trong mai sau.

      Mê tín và chánh tín là hai con đường ngược chiều. Nếu đi bên tối sẽ không có  ánh sáng và ngược lại. Cũng có thể do người truyền đạo không thông về lý đạo, nên ghép những tập tục của thế gian vào trong đạo, khiến người ta hiểu lầm ĐẠO PHẬT là MÊ TÍN.

     Đây là OAN TÌNH của đạo Phật. Tất cả những kinh Phật không có nói những việc mê tín ấy.

                                                                        Lê  Hoàng
lehoang775@gmail.com
READ MORE - Lê Hoàng - CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN

NỐI NỤ TIN YÊU - Tản văn của Phan Trang Hy


       
       Những ngày cuối tháng Ba, giòng sông Hàn khẩn trương những giai điệu rộn ràng của trời xuân Đà Nẵng. Những bụi mù, những khói dầu, những tiếng động, những giọt mồ hôi, những bữa cơm ăn vội… cũng không làm mệt những người thợ đang làm nốt những việc để hoàn thiện những chiếc cầu nối hai bờ giòng sông giữa lòng thành phố.
       Xưa phố  bên sông. Giờ sông giữa phố. Và, giờ sông đẹp thêm nhờ những chiếc cầu.
       Đã qua những ngày vui khi Cầu Sông Hàn nối lòng người Đà Nẵng lại với nhau. Nối lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng lại với nhau. Mừng Cầu Sông Hàn những người con Đất Quảng từ Tiên Phước, Hiên, Giằng đến Duy Xuyên, Đại Lộc, từ Chu Lai, Thăng Bình đến Cửa Đại, Điện Bàn, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Sài Gòn, Đất Mũi… cũng về chung vui. Những người con Quảng Nam, Đà Nẵng nối tình anh em ruột thịt của Vu Gia, Thu Bồn, của Bà Nà, Non Nước… bên giòng sông quê Mẹ.
       Rồi những chiếc cầu mới nối tiếp, những chiếc cầu nối đôi bờ giòng sông Hàn chảy ra Biển Đông. Chợt trong tôi vang lên lời ca của một ai đó: Cầu này cầu ái, cầu ân…Có phải những chiếc cầu trên sông Hàn là cầu ái, cầu ân? Tôi không nghĩ chữ ái ân của chuyện vợ chồng, của những người bạn tình khác giới. Tôi đang nghĩ đến chữ ái, chữ ân trong lời ca ái tử, trong nỗi lòng ái quốc, trong ân tình, ân nghĩa thủy chung.
       Và trong tôi vang lên lời ca Nhịp cầu nối những bờ vui. Lời bài hát ngày nào vẫn như vang trong từng con phố, như thấm trên từng cây lá hai bờ sông Hàn, như lung linh, nhảy múa trên những đèn trang trí, như rộn ràng khúc nhạc biến tấu của giai điệu đường phố trên đường Bạch Đằng, như cánh diều trên bãi biển Mỹ Khê, như những nụ cười rạng rỡ dưới những màn pháo hoa kỳ thú…
       Nhịp cầu nối những bờ vui và những chiếc cầu nối những những bờ vui. Nối cả niềm tin yêu, nối cả gương mặt của tiền nhân với con cháu, nối cả đất liền với biển đảo, nối truyền thống Diên Hồng, Chi Lăng, Đống Đa với Phú Lâm, Gạc Ma. Trong tôi hiện lên điều ước. Ước gì có ngày nào đó, chiếc Cầu Rồng hướng ra Biển Đông có phép thần vươn mình ra tới tận Hoàng Sa, nối bán đảo Sơn Trà với quần đảo Cát Vàng, để Hoàng Sa mãi là của Việt Nam như trong sử sách.
       Cách Cầu Rồng về phía Nam không xa là chiếc cầu mang hình dáng chiếc thuyền với cánh buồm duyên dáng. Tôi ước cánh buồm đó nối những chuyến tàu từ Đà Nẵng tới mọi miền của Tổ quốc. Nối Đà Nẵng với Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Hạ Long, Cồn Cỏ… Nối Đà Nẵng với biết bao cảng trên khắp hành tinh này.
       Tôi tin Rồng và cánh buồm nối khí thiêng dân tộc đến với con cháu Quảng Nam - Đà Nẵng hôm nay, nối anh linh tiền nhân đến với thế hệ mai sau bằng niềm tin và nghị lực, bằng sự yêu thương, hóa giải của mọi con dân nước Việt.
       Trong tôi, những chiếc cầu trên sông Hàn như nối đêm với ngày, như nối tình yêu, ân nghĩa, nối khát vọng lớn lao, nối lòng bao dung, đạo làm người, nối bao điều tốt đẹp đến với cuộc sống hôm nay. Tôi tin chắc một điều là lòng người Quảng Nam - Đà Nẵng nối kết thành một khối vì thành phố của mình. Lòng người Đất Quảng cũng mong kết nối với đồng bào mình đang làm ăn, sinh sống khắp năm châu, cùng với bạn bè chân tình trên thế giới.
       Trong tôi rộn lên lời bài hát: Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta…
       Tôi đứng ở hữu ngạn sông Hàn nhìn những chiếc cầu như nối nụ tin yêu ngày mới.

     Đà Nẵng, tháng Ba - 2013
    Phan Trang Hy
READ MORE - NỐI NỤ TIN YÊU - Tản văn của Phan Trang Hy

TẠI MÌNH - Thơ xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng


Thơ mời họa:
TẠI MÌNH

Ngồi nghĩ đời sao lắm chuyện buồn
Đôi người vì của tệ tình tuôn
Thiên phương gian dối không từ bỏ
Bách kế gạt lừa chẳng chịu buông
Phú quý Thạch Sùng dù bạc vạn
Giàu sang Vương Khải dẫu vàng muôn
Ngày sau lá sẽ rơi về cội
Nước chảy trăm sông đổ lại nguồn

TRẦN NGỘ
(LÂM ĐỒNG)
tranngobl@yahoo.com.vn


Họa:
NHẮC CHI CHUYỆN ẤY

Nhắc chi chuyện ấy lại thêm buồn
Ký ức theo về lệ muốn tuôn
Gối chiếc từng đêm niềm nhớ quặn
Phòng đơn mấy độ nỗi sầu buông
Đời đâu ước liệu mùi khanh tướng
Của chẳng mong cầu đống vạn muôn
Rơm rạ hồn quê tình xứ sở
Khắc tăm uống nước chớ quên nguồn

Trương Đình Đăng
ĐÀ NẴNG 
READ MORE - TẠI MÌNH - Thơ xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng