Kính tặng thầy Trịnh Huy Trường
Học trò đã theo học với thầy cô mà quên thầy cô thì thật đáng trách phải không các bạn. Thế mà tôi đã rơi vào tình cảnh đó mới thật có lỗi.
Với bốn năm học đệ nhất cấp, kể từ khi
bước chân vào đệ thất, hình như ai cũng phải đối phó với môi trường mới, cách
học mới, lớp học thì nam có nữ có, mỗi môn học với một thầy hoặc cô khác nhau… Những đứa xa nhà đi ở trọ như tôi còn phải tập sống trong một
ngôi nhà lạ nữa, xa cha mẹ, tự lo cho mình mọi thứ và phải biết đối nhân xử thế
với mọi người mọi nơi … Nên ôi! Thật quá sức với một đứa bé 11 tuổi mới rời cha
mẹ…. Có lẽ vì thế nên bốn năm học đệ nhất cấp hình ảnh một số thầy cô còn lại thật
mơ hồ. Có chăng, tôi chỉ còn nhớ những thầy cô tạo trong tôi những ấn tượng khó quên.
Ở lớp đệ thất Pháp Văn thì có thầy Hoàng
Gioang, thầy cao cao hay mang cái cặp-táp đầy sách và vấn thuốc là rất sành
điệu, những bài thầy dạy vẫn còn in trong trí tôi, đó là đóng khung “verbe”,
gạch chân những từ Complement direct rồi indirect bằng bút màu…. Nhờ vậy hầu
hết chúng tôi rất thành thạo “Analyse” một
câu văn hay một bài tiếng Pháp hơn cả tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ tôi giỏi “analyse”đến
nỗi khi lên đệ nhị cấp học sinh ngữ 2 Anh Văn tôi phân tích để tìm túc từ trực
tiếp, túc từ gián tiếp còn nhanh hơn mấy ông học sinh ngữ 1 nữa (vì hình như
mãi đến năm đệ tam sinh ngữ 1 Anh Văn mới bắt đầu học Analyse thì phải).
Nhớ cô Hoắc Hương dạy Việt
Văn những bài đầu đời vào trung học như bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh làm tôi nhớ nhà
muốn khóc. Bàn tay cô trắng muốt thon
nhỏ tôi thường say đắm nhìn mỗi lần gần
cô. Đáng nhớ nhất là hình ảnh cô vừa đi vừa
hát từ biệt chúng tôi khi cô nhận sự vụ lệnh vào dạy Huế. Cô đã khóc, hai ngấn
lệ trên mắt cô làm cả lớp tôi rưng rưng khóc
theo. Con gái chúng tôi mến cô và theo cô đến nhà cô trọ, hình như nhà Ngại ở
chợ Quảng Trị, để nhận những tấm hình cô đề tặng. Tấm hình cô tặng tôi là hình
cô mang chiếc áo dài màu hồng nhạt chấm trắng đang cầm nhành mai ngày giáp Tết mà thầy Khoa đã chụp trong dịp cô đưa nữ sinh
các lớp đi tham quan lăng tẩm ở Huế. Sau tấm hình là nét chữ thật dễ thương với những dòng mà tôi vẫn còn
nhớ mặc dầu tấm ảnh đã mất vào năm chạy giặc Mậu Thân “ Tặng Mai, cô học trò nhỏ học giỏi của cô”.
Thầy Lê Nghiêm Kính điển trai,
dôi mắt nghiêm trang sau hai cặp kính cận. Thầy là người đã xin cho tôi vào
cổng vì lỡ đi trễ vài phút khi cổng vừa đóng. Tôi đang năn nỉ mấy cậu trực nhật
mặc áo quần trắng thì thầy đi tới sau lưng. Giọng thầy oang oang “ Cho nó vào.
Nó học giỏi lắm”. Hình như thầy đã phá luật của trường khi đang bênh cho cô học
trò học giỏi của thầy….và tôi được vào với thầy. Năm đệ ngũ thì tôi học Toán với thầy Duyên.
Thầy có đặc điểm là ngồi dưới bàn học trò, kêu từng đứa lên bảng làm toán, đứa
nào làm không ra là thầy cầm tút viên phấn đôi lên bảng kêu cái bóc rồi phán “
Dốt. Xuống”. Không biết bây giờ thầy còn nhớ không .
Thầy Ích Xuân dạy Pháp Văn
rồi dạy Sử Địa. Môn nào thầy dạy cũng rõ ràng và dễ hiểu, nhưng học trò sợ lắm
khi thầy dạy Địa. Thầy giảng xong là kêu lên trả bài ngay tại chỗ. Đứa nào lơ
đãng không nghe thầy giảng thì coi chừng bị thầy cho “Zêrô”. Thầy đen và to,
dáng thầy hình như luôn in đậm trong trí chúng tôi. Nhà thầy xây cạnh nhà thầy
Hiệu trưởng, sau này thầy đổi đi nơi khác thì cho các thầy cô ở Huế ra dạy thuê.
Thầy Xuân Mai, người Bắc, dạy Văn năm đệ ngũ. Thầy giảng truyện Kiều hay
tuyệt. Tôi còn nhớ thầy diễn tả cái ghen của Họan Thư, cái mặt trái soan đẹp
rực rỡ của Thúy Kiều, cái mặt tròn xinh xắn thùy mị của Thúy Vân, cái vẻ lảng
tử hào hoa của Kim Trọng làm cho cái đầu óc hay tưởng tượng của tôi vẽ ra những
thước phim thật đẹp mà sau này có
xem phim Truyện Kiều thì các nhân vật cũng
không diễn tả được cái tôi vẽ ra cả. Giờ
với tôi, hình tượng hai nàng Kiều và Kim
Trọng vẫn còn nằm trong trí tuyệt vời như ngày đó vậy. Cô Đoàn Yến , cô Sa-Đa
với những buổi học nữ công, những ngày đi cắm trại ở Tích Tường còn in mãi
trong tôi. Những chiếc quần tây ôm sát trông các cô trẻ trung làm sao. Thầy Tạ
Quang Phúc, nỗi ám ảnh của học trò giờ Vạn Vật, nhưng với tôi thì thầy phải cho
điểm trên 20 vì thầy nợ tôi nhiều lần cộng thêm quá. Mỗi lần thầy dò bài là dò
từ bài đầu tiên đến bài đang học, đứa nào trí nhớ kém thì sợ thầy gọi lên trả
bài đến phải bỏ giờ thầy nhưng tôi làm được và thầy chịu thua. Thầy đã tuyên bố
em nào luôn trả bài kiểu đó được thì thầy cộng thêm vào điểm thi cuối kỳ nên
điểm cho tôi trên 20 là thế ..Rồi thầy Lộc, thầy Khoa, thầy Thảo, thầy Di, thầy
Ấn, thầy Chỉnh tôi vẫn còn nhớ mặt nhớ
tên nhớ đặc điểm của mỗi thầy cũng như câu chuyện tình của các thầy nữa….
Ngày đến Mỹ gặp lại thầy Thảo, thầy ôm lấy tôi vui mừng. Trông thầy vẫn trẻ măng mặc
dầu thầy đã 80.Thầy Ấn thì mang xe đến tận nhà đưa vợ chồng tôi đi khắp Houston mặc dầu thầy mới
qua cuộc giải phẩu… Thầy Mai cũng vậy. Các thầy đối với tôi chứa chan tình cảm
học trò….
Nhưng thưa các thầy, tự bản thân em cảm thấy có lỗi vì
có một số thầy em đã quên mất dáng người, gương mặt và đôi khi cả tên tuổi.
Không phải vì tuổi già để tự tha thứ cho mình mà không hiểu sao em không nhớ..
nhất là đối với các thầy ở đệ nhất cấp và lớp đệ tam. Còn các thầy dạy em ở đệ
nhị cấp, thì do em lúc đó lớn tuổi rồi nên em còn nhớ rõ. Và hôm nay em viết
bài xin lỗi là vì ….
Ngày 31 tháng 3, ngày Ái Hữu
Nguyễn Hoàng Sài Gòn họp mặt, luôn tiện có Quỳnh Hoa về thăm quê hương, chúng
tôi những đứa bạn thân QH cùng một số anh chị em đến Hoa Kỳ được QH chào đón
niềm nở cùng đóng góp kết hợp với Ban Liên Lạc tổ chức một buổi họp mặt khá vui
tại Nhà hàng Thanh Đa. Tôi đã gặp thầy. Thầy cũng từ Mỹ về nhưng nhiều học trò
thầy không biết trong đó có tôi. Thầy ôm lấy tôi trách sao hồi qua Mỹ không
đến thăm thầy, thầy ở San Jose
với Nguyễn Văn Hùng và Trần Văn Loan mà em. Tôi phải xin lỗi thầy, xin lỗi thật
nhiều vì thật sự tôi không nhớ về thầy nhiều lắm. Sao Loan không nhắc nhở tôi
nhỉ….Tôi đã xem lại học bạ và thấy tên thầy: Trịnh Huy Trường, giáo sư sinh ngữ
2 Anh Văn, với những lời khen tôi nức nở
vì điểm cuối kỳ tôi luôn về nhất. Thầy đã nhắc lại những kỷ niệm thầy nhớ về
tôi như chỗ tôi ngồi phía nào bàn nào trong lớp, như thầy thử sức tôi giỏi thế
nào bằng cách ra bài tập dài gấp đôi nhưng bất cứ thế nào tôi cũng về nhất.
Thầy ơi! Em có lỗi với thầy mất rồi. Thế mà em không nhớ gì cả… Năm đệ tam mà
tôi còn ngờ nghệch vậy sao. Thú thực năm đó tôi chỉ nhớ có thầy Lợi dạy Toán, chỉ
vì có một lần, không biết thầy giảng gì về Vectơ mà nhiều bạn lên bảng chất vấn
thầy. Thầy yên lặng không trả lời đến khi tôi đặt câu hỏi thì thầy nói “ Nảy
giờ các em hỏi thật nhiều nhưng chỉ có câu hỏi của em này thầy thấy phải trả
lời mà thôi”. Thú thật toán đệ tam không hấp dẫn tôi nên tôi không chú tâm học
mấy nên không nhớ nhiều … Và cũng như
vậy đối với nhiều môn khác. Có lẽ đó là lý do làm tôi ít nhớ đến thầy . Ngày
xưa, quan niệm của học trò lứa chúng tôi, ai cũng bảo rằng năm đệ tam ăn chơi
để bù vào sự cực khổ cũa năm đệ tứ do phải lấy bằng Đíp – lôm và dưỡng sức để
lên năm đệ nhị chiến đấu thi tú tài.
Gần 50 năm gặp lại thầy chúng
em xúc động làm sao. Thầy vẫn trẻ khỏe và rất cảm kích khi thấy chúng em được
như ngày hôm nay. Ngày thầy trở lại Mỹ quá gấp nên chúng em chưa kịp đưa thầy
đi chơi đâu hết. Thầy có biết khi Nhàn nói, trước khi lên máy bay, thầy gọi
chào chúng em mà không tìm ra số điện thoại. Lại một lần nữa chúng em đã không
đến kịp phi trường đưa thầy. Thầy kính, cho em xin lỗi thầy lần nữa. Kính chúc
thầy cô thượng lộ bình an và mong được gặp lại thầy nhiều lần trong những năm
tới.
Sài gòn, 3 tháng 4 năm 2012
Tuyết
Mai