Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 17, 2015

PHONG TỤC TẾT CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ XƯA - Kha Tiệm Ly


Tiemly Kha
                    Tác giả Kha Tiệm Ly



PHONG TỤC TẾT CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ XƯA


Nguyên Đán là ngày Tết truyền thống thiêng liêng và trọng đại của dân tộc; vì thế để đón chào một năm mới, người dân khắp nơi đều chuẩn bị chu đáo. Ở mỗi miền đều có tập quán riêng, tuy nhiên xét về tổng thể thì không khác nhau mấy. Trong bài nầy chúng tôi chỉ  nói về phong tục “ăn Tết” của người dân Nam Bộ ngày xưa.

Từ đầu tháng chạp, cũng là lúc gặt hái xong, nhà nhà đều nao nức chuẩn bị đón mừng năm mới, mà tiếng quết bánh phồng rộn rã là âm thanh báo hiệu đầu tiên; tiếp theo đó là chuối sứ ép phơi khô. Trước kia ở nông thôn bánh mứt từ tỉnh thành về rất hiếm hoi, vả lại người dân thời ấy cũng rất rảnh rang sau vụ lúa (mỗi năm chỉ có một mùa lúa 6 tháng) nên dư thì giờ chuẩn bị đãi khách bằng cây nhà lá vườn, môt mặt là tiết kiêm, một mặt là để các chị khoe tài gia chánh của mình: Bánh phồng nướng và mứt chuối là hai “đặc sản” không thể thiếu của mọi nhà thời ấy. Phần các anh thì nhà cửa cũng bắt đầu dọn dẹp ngăn nắp, sơn phết từ từ; nếu có cây mai trước cửa thì phải lặt sạch lá, và canh làm sao cho đến mồng một thì hoa phải nở rộ. Đến sáng ngày hăm ba đến hăm lăm âm lịch thì tất cả phải tươm tất, nhất là bàn thờ tổ tiên phải coi rôm rả, đẹp mắt với bộ lư đồng được chùi sáng loáng, mâm ngũ quả phải đầy ắp, lọ hoa tươi rói và không thể thiếu một nhành mai.

Cũng từ hai mươi đến hăm lăm tháng chạp (ít khi trễ hơn), mọi người đi tảo mộ ông bà. Những gia đình có đất rộng thì ông bà được nằm  ở một nơi nào đó ngay trong mảnh vườn hay thửa ruộng của mình; còn những người ít đất thì ông bà được nằm ở chòm mả chung (không gọi là nghĩa địa). Cũng nên nói thêm, trước khi quét mộ, mọi người đều phải đem nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, trà hay chút rượu thịt đặt trước mộ mà khấn vái để xin phép, vì vô duyên vô cớ mà “động mồ động mả” là điều tối kỵ. Quét mộ xong, người ta phải dằn trên mộ một ít giấy tiền vàng bạc; đây là dấu hiệu để báo với tốp người “chạp mả” biết là mộ nầy đã được quét rồi, (Thực tế mả chưa quét và quét rồi rất dễ dàng phân biệt, nhưng việc làm nầy là do thói quen). “Chạp mả” theo nghĩa được giải thích của bà con là “quét mả từ thiện vào tháng chạp”. Trong những ngày nầy, vì nhiều lý do mà có những mấm mộ không được người nhà chăm sóc (có mả bị bỏ hoang từ năm nầy qua năm khác), thì những thanh niên trong làng, sẵn cuốc xẻng đó, họ … “chạp mả” luôn! Dù là nghĩa cử từ thiện, nhưng trước khi “chạp mả”, họ cũng không quên thắp vài nén hương cung kính khấn vái người quá cố. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng và vẫn còn cho tới ngày nay.

Ngày hăm ba là ngày đưa ông Táo và chư thiên về trời, cũng là ngày đánh dấu Tết đã cận kề. Lễ vật không thể thiếu để đưa ông Táo là chè, tốt nhất là chè trôi nước (sau nầy là thèo lèo, bánh in) Theo bà con giải thích thì ông Táo thích ăn ngọt, hơn nữa là để lúc tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông luôn nhớ mà nói tốt cho chủ nhà vì vị ngọt còn thừa lại ở lưỡi môi nhắc nhở; có người còn cẩn thận trét chút nước đường ở miệng ông Táo trong bộ hình nhân “ cò bay ngựa chạy” (!). Chè trôi nước cũng không ngoài mục đích mong muốn mọi việc ông Táo tâu rỗi đều trôi chảy như dòng nước (!). Sau ngày đưa ông Táo, bàn thờ ông Táo và “ông Thiên” không được thắp nhang, vì không muốn cho quý ngài bận bịu nhớ về hạ giới trong lúc ở thiên đình!

Chiều hăm chin Tết là mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất để sáng hôm sau làm lễ rước ông bà. Nhìn bàn thờ tổ tiên, người ta có thể đánh giá được thành bại của gia chủ trong năm qua. Nhưng dù thế nào, trên bàn thờ cũng phải có dĩa trái cây ngũ quả; hồi trước ngũ quả là cam, quýt, bưởi, dừa, xoài với ý nghĩa tượng trưng sự sung mãn tròn đầy theo hình dáng chúng. Sau nầy vì kiêng cử âm gọi , nên bà con bỏ cam (cam phận nghèo), quýt (húyt háy), bưởi (bưởi bồng) nên có đổi khác hơn; là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, tượng trưng theo tên phát âm Nam Bộ của nó : “cầu vừa đủ xài sung”. Có người thay trái sung bằng trái thơm: thơm tho; trái bắp: đều đặn và … “chắc ăn như bắp”. Một cặp “dưa nhứt”, tức dưa hấu loại to nhứt được dán giấy hồng đơn nằm trang trọng hai bên (bàn thờ) tượng trưng cho sự no đầy và nhành mai ở bình hoa tượng trưng cho sự may mắn, dường như nhà nào cũng có.

Sáng ba mươi là lễ rước ông bà đồng thời rước ông Táo và chư thiên về ăn Tết với gia đình. Mọi nơi thờ phụng như Ông Táo, Long thần Thổ Địa, Thần Tài, Ông Thiên, Phật, thì đơn sơ với bánh tét, hoa quả, khói hương nghi ngút. Riêng hai mâm cơm dành cho cửu huyền thất tổ và đất đai thì thịnh soạn hơn tùy theo khả năng của gia chủ, nhưng không thể thiếu tô cơm, bánh tét tượng trưng cho sự no đủ, mùa màng đắc lợi; dưa hấu tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn; bánh phồng tượng trưng cho sự phát triển dồi dào (“phồng” ra); và chủ yếu vẫn là thịt kho tàu, tượng trưng cho sự vuông tròn (vuông của thịt, tròn của trứng). Mâm cửu huyền được dọn sáu chén, sáu đôi đũa; bàn đất đai thì năm (không hiểu sao). Mọi nhà cũng không quên dành một mâm đặt ở ngoài sân để dành cho những kẻ xiêu mồ lạc mả, vị quốc vong thân, hay những tiền nhân khai sơn phá thạch. Đặc biệt mâm nầy phải có chén muối, chén gạo; cúng xong thì đem rải bốn phương. Cùng lúc, giấy hồng đơn (cắt từng miếng vuông nhỏ đều nhau) được dán ở cột nhà, cửa tủ, cửa ngõ và cây trái quanh vườn để cho mọi việc sang năm đều thuận lợi.

Cuối cùng thì ông bà, cha mẹ dặn dò con cháu những điều cần thiết và những kiêng kỵ vào những ngày đầu xuân như tiền bạc và quần áo phải lấy sẵn ra ngoài, vì mồng một mà mở tủ lấy tiền là điều “không nên” (suốt năm tiền cứ ra mà không vô); con cháu không được gây gỗ (năm mới sẽ gây gỗ hoài); với ly tách, chén đũa, nhất là gương soi mặt, cầm nắm cũng phải cẩn thận, không được vuột tay đổ bể (vì chuyện làm ăn sang năm sẽ bị đổ vỡ), trẻ em không được làm gì phạm lỗi để bị đánh đòn (suốt năm bị đánh đòn liên tục). Dù vậy, nhưng nếu lỡ có em nào quậy phá, thì bậc trưởng thượng cũng xí xóa bỏ qua cho những ngày đầu năm được suôn sẻ.

Chiều ba mươi còn có tục “Tết Giếng”: Gia chủ bày một mâm lễ vật gồm bánh tét, trái cây, trầu cau, hoa quả, nhang đèn ngay bên giếng, van vái tạ ơn … ông bà Giếng đã cho nguồn sống. Sau đó họ múc nước cho đầy vào tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà đến tràn trề, rồi dán vào thành giếng một mảnh giấy hồng đơn; điều nầy mang ý nghĩa là “không được mở nắp giếng trước ngày mùng ba để ông bà Giếng nghỉ ngơi”: Trong ba ngày Tết mà “khai giếng” là điều đại kỵ. Song song vào đó, ở trong nhà lu gạo, hũ đường, hũ muối, hành tỏi, đều phải đầy ăm ắp để cho sang năm cái ăn cái ở luôn được no đầy. Tục nầy nhiều nhà vẫn còn duy trì đến tận giờ.

Cũng trong chiều ngày nầy, cây nêu được dựng lên trước cửa: đó là một cây tre được tiện hết nhánh chỉ chừa  một ít ở trên. Trên đầu cây tre người ta thường treo một khánh đất, một giỏ trầu cau, một bầu rượu, một bó lá dứa hay một nhành đa, một lá bùa bát quái để xua đuổi tà ma; những vật vừa nêu có thể thiếu một vài món, nhưng mảnh vải vàng tượng trưng cho áo cà sa của Phật thì không thể không có (nhiều nơi treo mảnh vải đỏ e không đúng lắm). Dựng (thượng) nêu , theo truyền thuyết là để trừ yêu quái trong mấy ngày Tết, đến mùng năm hay mùng bảy thì hạ nêu. Trong dân gian có câu:“Cu kêu ba tiếng cu kêu / Mong cho đến Tết dựng nêu ăn chè”. Có người thượng nêu vào chiều hai mươi ba, viện lẽ ngày đó ông Táo chầu trời, nên ma quỷ thừa cơ lẻn vào nhà; điều nầy sai với truyền thuyết: Khi yêu quái thua trí Phật, chúng phải chạy về biển đông, và Phật cho phép chúng chỉ được về thăm tổ tiên vào ba ngày Tết mà thôi. Trên thực tế, phần đông đồng bào cũng thượng nêu vào chiều ba mươi.

Tục dựng nêu là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếc thay ngày nay còn tồn tại rất ít ở các vùng quê

Đến mười hai giờ khuya gọi là “giao thừa”, tức thời điểm từ năm cũ chuyển sang năm mới. Đây là thời điểm trọng đại; mỗi nhà đều có sẵn một mâm bánh trái, hoa quả, nhang đèn dọn trước sân để tống cựu nghinh tân gọi là “cúng giao thừa”.

Mùng một Tết dù có thức dậy sớm để chuẩn bị cơm canh cúng ông bà nhưng không ai mở cửa  trước mặt trời mọc vì sợ ma quỷ lẻn vào nhà. Buổi cúng cơm sáng đầu năm xong thì cả gia đình quây quần ăn uống vui vẻ. Xong xuôi, trẻ con mặc đồ mới “mừng tuổi” ông bà, cha mẹ;  em nào cũng vẻ mặt hân hoan khi được trao bao lì xì! Mùng hai, mùng ba ngày ba bữa cũng “dâng cơm” cho tổ tiên y như ngày mồng một vậy. Chiều mùng hai thì mấy chị gói bánh tét để chuẩn bị ngày mùng ba “tiễn (đưa) ông bà”.

Sáng mùng ba nhà nhà đều “cúng gà ra mắt”. Hỏi “ra mắt” ai thì hầu hết bà con đều … cười trừ, nói “ông bà dạy sao thì mình nghe vậy”. Sau nầy có người giải thích là “ra mắt” ngài Việt Vương Hành Khiển, nhưng lại không dựa vào một căn cứ nào! Đặc biệt gà cúng mùng ba là gà giò; nhưng không phải do ngài Việt Vương Hành Khiển nào đó thích gà giò mà vì qua mấy ngày Tết mọi người đều không còn tha thiết với mọi loại thịt nữa!

Chiều mùng ba cũng là ngày đưa ông bà. Lễ vật gồm cơm canh như những ngày trước; đặc biệt là những đòn bánh tét to đùng gói ngày hôm qua (có thành ngữ là “bánh tét mùng ba”), để ông bà mang theo cho được no đủ trong suốt cuộc hành trình vạn dặm nước sông (thời khai hoang ông bà đi bằng ghe xuồng)

Sáng mùng bốn là lễ khai Giếng: Lễ vật y như chiều ba mươi, chủ nhà  khấn vái xin ông bà giếng phù hộ cho cả nhà đủ nước sinh hoạt suốt năm và bình an khỏe mạnh; xong, miếng giấy hồng đơn bên thành giếng được gỡ ra, cho phép mọi người múc nước bình thường.

Tết Nguyên Đán là một phong tục thiêng liêng đầy màu sắc văn hóa của dân tộc. Mấy ai đã từng xa quê mà ngày Tết không về nhà được mới thấy thấm thía nỗi  buồn nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, họ hàng . Ngày nay, tuy những tục lệ trong những ngày Tết có đơn giản đi nhiều, nhưng nhìn chung những nét cơ bản thì vẫn còn tồn tại, và chúng tôi chắc rằng nó mãi mãi tồn tại theo thời gian.  

                                                                                   Kha Tiệm Ly

READ MORE - PHONG TỤC TẾT CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ XƯA - Kha Tiệm Ly

XUÂN VỀ - Nhã My, Nguyễn Ngọc Mỹ



  Ảnh bìa  đĩa CD "Tình Quê" của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ






                  Thơ: Nhã My.
                  Nhạc: Nguyễn Ngọc Mỹ.
                  Ca sĩ: Thu Hà.
                  Video clip: Phú  Đoàn.

READ MORE - XUÂN VỀ - Nhã My, Nguyễn Ngọc Mỹ

MÙA XUÂN MẶC ÁO NỈ - Mang Viên Long



Tác giả Mang Viên Long.
Ảnh: Hoàng Tuấn, 2012.


MÙA XUÂN MẶC ÁO NỈ 
Mang Viên Long


Thuở nhỏ, ngày Tết đối với tôi quả thật là một khoảng thời gian rất khổ tâm. Hình như tôi chưa bao giờ náo nức chờ đợi nó một lần nào. Nó đến thì tôi phải lo. Chỉ có thế.  Nỗi vui mừng thì ít, so với nỗi buồn lo đã dày vò, kéo dài trong tôi cả tháng thì quá nhiều. Hình như, nỗi vui tết của tôi chỉ là sự che giấu cái mặc cảm cô độc, thiếu thốn hơn là được hạnh phúc. Nó gần đồng nghĩa với sự chịu đựng, bất hạnh.

Hình như cả tôi và chị tôi đều không dám nghĩ tới Tết, nói tới Tết. Không ai trong chúng tôi muốn nhắc tới chữ “Tết”, bởi vì, chúng tôi  đã biết được rằng, nếu có nghĩ tới, chúng tôi chỉ nhận lấy sự đau khổ thêm mà thôi. Không được bàn bạc, nói chuyện về những ngày Tết quả là một sự thiếu thốn lớn lao, một bất hạnh đối với tôi lúc bấy giờ. Ít ra, trẻ nhỏ cũng được biết rằng chúng sẽ được có gì, ăn mặc như thế nào, đi chơi những đâu trong mấy ngày đầu năm ấy chứ ? Chúng tôi không có cái không khí rộn ràng như thế, mà phải sống im lặng và chờ đợi. Thậm chí, có nhiều năm, chúng tôi không còn có sự chờ đợi âm thầm đó nữa.

Sau cùng, anh chị tôi (chị dâu) đồng ý cho ai thứ gì, thì nhận thứ ấy. Khi thì chị tôi được đôi dép, hoặc chiếc áo ca rô may sẵn chật bó. Khi thì tôi được đôi sandale, chị tôi được chiếc quần đen… Mấy năm sau, thông thường thì chúng tôi được cho một ít tiền, ai muốn sắm gì, thì tự ý lo lấy. Tết nào cũng vậy, khoảng tiền nhận rất muộn, chỉ đủ vừa may một chiếc áo vải rẻ, hay có thể ra phố mua một đôi giày (tôi có thói quen không đội mũ từ thuở ấy, vì giữa giày và mũ, thì đội mũ thật không cần thiết chút nào!).

Có  một năm, tôi còn nhớ mãi tới bây giờ, tôi được anh tôi gửi cho một ít tiền trước khi nhà trường cho về nghỉ Tết mấy hôm. Tôi suy nghĩ mãi nên sắm thứ gì cho ngày Tết với số tiền quá ít ỏi thế này? Nếu mua một đôi giày để thế đôi giày da đã há mồm thì phải mặc áo quần cũ – mà hầu hết không có cái nào “coi được” để mặc vào ngày Tết cả. Cái thì sờn rách ở cổ, cái thì dính mực ngay ở ngực. May một cái quần thì không đủ tiền (dù tôi đang rất cần). Tôi đi lan man dọc phố, không dám bước chân vào một cửa hiệu nào với số tiền quá khiêm nhường nắm gọn trong tay.

Cuối cùng, tôi làm dạn bước vào một cửa hiệu bán vải của người Chà Và gần cuối đường. Ông ta đon đả mời mọc tôi, cho tôi xem nhiều loại vải –  nói tóm lại, ông không biết tôi là ai, đang có bao nhiêu tiền. Tôi hỏi giá từng mặt hàng, và đã mua xấp vải nĩ in rằn dọc màu xanh một mặt. Còn mặt kia màu trắng. Xấp vải nĩ nội hóa này vừa đúng với số tiền tôi có trong tay, cũng vừa đủ may một chiếc áo sơ mi tay dài. Sau đó tôi phải vất vả lắm mới được người thợ may trong xóm nhận may cho chiếc áo kịp ngày trở về quê ăn Tết …

Thế  là Tết năm ấy, tôi mặc chiếc áo nĩ dày cộm, đi thăm bà con, bạn bè., dù phải xắn tay áo sơ mi lên tới khủy tay vì trời nóng quá…

Cho mãi tới những năm tháng sau này, lớn dần lên, tôi mới hiểu ra rằng loại vải nĩ tôi may áo sơ mi Tết năm ấy, người ta chỉ dùng may áo ấm cho trẻ con hoặc màn che cửa sổ….

Tôi chua xót nhận ra ý nghĩa của những tia nhìn lạ lùng, có khi chế giễu, của những người bà con, của đám bạn bè thuở ấy …

Hình ảnh chiếc áo nĩ mùa xuân của tuổi thơ tôi cứ ám ảnh tôi mãi. Sau này, khi đã trưởng thành, đã có vợ con, những ngày tháng Chạp, nhìn thấy những đứa trẻ hân hoan nắm tay mẹ chạy ra chợ đứng trước các sạp bán áo quần, giày mũ, tôi đều dừng lại lặng người nhìn ngắm. Khi có việc ra phố những ngày giáp Tết, thấy người đàn ông dắt con vào các cửa hiệu lựa chọn đồ Tết, tôi cũng bàng hoàng đứng im… Tuổi thơ thật cần những săn sóc, nâng niu nhỏ nhặt như thế để lớn lên. Còn đời tôi thì không. Tôi đã lớn lên như cây rừng cô tịch.

Không có hình ảnh hạnh phúc nào dành cho các con hay các bậc cha mẹ, gần gũi hơn là được dắt con đi ra phố, chợ trong những ngày giáp tết. Tôi thường tự nhủ: “Hãy dắt chúng đi, để rồi, chúng ta có ngày sẽ không còn dịp dắt chúng đi nữa. Tuổi thơ của chúng sẽ đi qua, và rồi tuổi già của chúng ta sẽ tới…”.

Bây giờ, khi nhìn thấy các con đã lớn, nhìn chúng hăm hở kéo tay mẹ ra chợ, tôi mới thổ lộ: “Các con chỉ chọn một thứ nào đó cho ngày Tết mà thôi. Thế là các con đã có ngững gì mà tuổi thơ của ba má không bao giờ có được rồi đó…”    


                                                                         Mang Viên Long
READ MORE - MÙA XUÂN MẶC ÁO NỈ - Mang Viên Long

PHỐ XUÂN PHAN THIẾT - Thơ Thuý Ngân


thap-nc6b0e1bb9bc-phan-thie1babft-ve1bb81-dem.jpg?w=645


PHỐ XUÂN PHAN THIẾT

Đừng vì một chút heo may
Chần chừ ra phố đêm nay - ngại ngần
Phố phường rộn rã  bước  chân
Em ơi xuống phố tần ngần, chi em!

Nguyễn Huệ* rực rỡ ánh đèn
Chợ đêm nhôn nhịp người chen, những người
Bà Trưng, Bà Triệu* thêm tươi
Hai con phố nhỏ hoa cười thật xinh

Dưới dòng nước chảy chùng chình
Đôi thuyền hoa đợi chúng mình nên duyên
Cà Ty* soi bóng ảo huyền
Dục Thanh* còn đó Người khuyên học hành

Thênh thang đại lộ Tất Thành*
Thùy dương khe khẽ dỗ dành người yêu
Ngủ đi em giấc xuân chiều
Sóng anh vỗ ấm bờ yêu dạt dào

Xuân về lòng những nôn nao
Gửi lời cung chúc ngọt ngào gần, xa
Hạnh phúc đến khắp muôn nhà
Nước non rạng rỡ, quê ta thắm tình…

                                      Thúy Ngân

*  Những tên đường, địa danh nằm trong nội thành Phan Thiết

* Ảnh : Tháp nước Phan Thiết về đêm.

READ MORE - PHỐ XUÂN PHAN THIẾT - Thơ Thuý Ngân

THAY LỜI CHÚC TẾT - Phan Khâm


READ MORE - THAY LỜI CHÚC TẾT - Phan Khâm

VỀ QUẢNG TRỊ ĂN BÁNH ƯỚT BÊN CẦU RÌ RÌ - Lê Hùng



VỀ QUẢNG TRỊ ĂN BÁNH ƯỚT BÊN CẦU RÌ RÌ


Mỗi lần về Quảng Trị, tôi thường ghé quán của anh Tôn Thất Định nằm cạnh cầu Rì Rì để thưởng bánh ướt, thịt heo. Một món ăn dân dã mà bất cứ một người Quảng Trị nào đi xa đều nhớ .

Cũng giống như bánh ướt ở các vùng khác trong cả nước, nguyên liệu chính làm bánh ướt chính là gạo. Gạo sau khi được vo sạch sẽ được ngâm nước trong một đêm. Sáng sớm hôm sau, thợ làm bánh sẽ tiến hành công đoạn xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên hơi nước sôi.
 
Tác giả Lê Hùng đang ăn bánh ướt
Cách tráng bánh rất đơn giản: dùng một miếng vải có độ dày vừa phải, tráng một lớp bột lên trên đó, sau đó để trên nồi hơi đậy nắp vung nồi nước sôi lại. Sau một lúc thì lấy bánh ra. Bánh phải được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Để bánh nguội rồi dùng hoặc có thể sử dụng liền. Khi dùng bánh, người bán sẽ tách từng cái bánh ra cuốn lại và cho lên dĩa.

Tác giả Lê Hùng ở Cầu Rì Rì
Ăn cúng bánh ướt là rau sống và tất nhiên là không thể thiếu đó là thịt heo luộc. Thịt heo luộc xắt lát có nhiều thịt nạc, miếng thịt chắc mà mềm, phần thịt mỡ săn giòn, ăn không ớn. Và cùng với đó là nước chấm. Nước chấm có thể làm ngọt hay mặn thì tùy vào thực khách yêu cầu nhưng trong nước mắn cần phải có ớt mới đúng vị, ớt phải là ớt tươi (ớt trái) được dã ra, nếu thực khách có nhu cầu có thể dung thêm ớt trái được ngâm dấm.

Người ăn bánh tráng thịt heo vừa thưởng thức vị bánh còn đâu đó mùi vị của gao, vừa thưởng thức cái vị béo và thơm của thịt heo và vừa hít hà vì cái vị cay cửa ớt. Từng đó mới đúng vị của bánh ướt.

                                                    Lê Hùng
                                                    (Hội An)

READ MORE - VỀ QUẢNG TRỊ ĂN BÁNH ƯỚT BÊN CẦU RÌ RÌ - Lê Hùng

VỀ THĂM PHI LAI CỔ TỰ - thơ Hạnh Phương




VỀ THĂM PHI LAI CỔ TỰ

Như cổ thụ - rễ cắm sâu lòng đất
Đây Phi Lai, cổ tự quê mình
Dân Hòa Thịnh lòng người chơn chất
Vui sống trong hào quang Phật lung linh.

Mái chùa quê, hệt nhà mình vậy
Bữa cơm chay thanh đạm ngon lành
Già lẫn trẻ lục hòa, thế đấy
Nâng bát cơm ơn Phật độ sanh.

Mái ngói cổ rêu phong xương kính
Gốc sứ già cành trắng trắng bông
Mừng các cụ cao niên thọ mệnh
Môi cười vui sáng ánh dương hồng.

Các em bé Gia Đình Phật Tử
Hát mừng Xuân, chùa cổ trẻ ra.
Trông thấy bóng Sư Ông thường trụ
Vườn chùa vui, thiết mộc trổ hoa.

Về Phi Lai cổ tự viếng thăm
Lòng người vui thấy ánh nguyệt rằm
Chùa ngự giữa lòng dân vằng vặc
Mỗi lòng ai cũng Tết, cũng Xuân .

Chùa ở đó, lòng người ở đó
Đạo Phật ta vạn lý trường thành
Bi trí dũng phương châm rạng tỏ
Việt Nam mình, sử Phật long lanh,

                     HẠNH PHƯƠNG
      Vía Phật Thành Đạo- Phật lịch 2557


READ MORE - VỀ THĂM PHI LAI CỔ TỰ - thơ Hạnh Phương

SANG NGANG / QUÊN - thơ Chu Vương Miện



sang ngang 


ra ao ngắm chú chuồn chuồn
ở không chú đậu chợt buồn chú bay
bay vòng vòng trở lại đây
đậu chơi trên nhánh bèo tây hoa vàng
từ ngày lỡ bước sang ngang
ôi thôi thơ thoét tràn lan cả đầu
chả gì một nhánh sông sâu
mà sao đơị mãi không cầu bắc ngang
chờ hoài một chuyến phà sang
phà chìm ngươì chết, tràng giang không phà


quên

bèo trôi lớp lớp qua cầu
thuyền trôi nước cũng u sầu trôi theo
mần mò tảng đá xanh rêu
gió qua đủ hướng tiêu điều phất phơ
bảo rằng thơ? ừa là thơ
bảo rằng chả phải lá mơ củ giềng
theo em leo thác tụt duyềnh
quên em núp bụi dành dành để quên

                         chuvươngmiện


READ MORE - SANG NGANG / QUÊN - thơ Chu Vương Miện

BUỒN VUI LẪN LỘN - Thương Yến Tử





BUỒN VUI LẪN LỘN

Vừa mở FaceBook ra, thấy "Sắc Tứ Thiện", người bạn đồng hương và cũng là bạn thơ hiện trong ban biên tập Hương Sen đi phát quà xuân Ât Mùi.

Ngày 27/12/Giáp Ngọ đi phát quà xuân cho các hộ miền núi, mỗi hộ gồm có 10 ký gạo, 10 ký đường, 10 gói mỳ, 1 lít dầu chiên, 1 chai nước tương, 2 bộ quần áo để mừng năm mới. Đến 11 giờ lại phát 150 phần quà cho người già neo đơn.

Ôi! Vui sướng biết bao! Còn đó những người con Phật với tâm hạnh từ bi mà đức Từ Phụ đã di ngôn.

Thế là hôm nay sẽ có những nụ cười như cánh mai rừng nở sớm, như chùm ngọc điểm gửi chút hương rừng núi về phố thị xa xôi để cùng xuân ấm áp vời đời.

Sẽ có những bộ quần áo mới sáng mồng một tết mặc vào đón nhận thêm một tuổi đời đầy hy vọng, trong niềm mơ ước đơn sơ như cánh mai rừng nở sớm hạnh phúc, an vui. Có vậy thôi ư !? Có vậy thôi.

Đến hay không niềm mơ ước ấy? Đã bao mùa ước mơ rồi nhỉ!

Với chừng ấy phần quà, to lớn biết bao đối với những người đi vận động quyên góp và một phần quà chừng ấy cũng to lớn biết bao, ân tình biết bao với những người chỉ biết rằng xuân đã đến với âm vang xa vời vợi chưa biết hương xuân bao giờ.

Chừng ấy để mừng xuân, chừng ấy để đón tết, thì chưa bằng một nhánh mai rừng, chưa bằng một giò lan ngọc điểm bán ngoài chợ để mua về chưng tết.Ôi tội nghiệp làm sao!

Trong ngày tết tội nghiệp ấy, chúng ta lại nghe vỏ lon bia quăng xuống nền nhà âm vang như pháo nổ, tiếng zô zô vang dội như bản hùng ca đầy khí thế, vui hay buồn nhỉ?

Nụ cười đơn sơ ấy không phải dễ dàng nở trên môi, nếu không có sự đồng hành, tạo điều kiện của chính quyền địa phương thì sẽ tắt hẳn như ngày xuân cạn nắng, ôi buồn làm sao!

cười lên em
dẫu nụ cười chưa trọn vẹn
cũng thầm nghe xuân đã đến bên rồi
cười lên em
dẫu ngày mai tất bật
phơi lưng trần
đọng nắng hạ chơi vơi
cười lên em
cho lòng xuân ấm lại
đã qua rồi mùa gió lạnh đơn côi
cười lên em
ngày mai nắng ấm
như hôm nay ấm với lòng người

17/2/2015
thương yến tử


READ MORE - BUỒN VUI LẪN LỘN - Thương Yến Tử

BỨC THƯ THỜI ÁO TRẮNG - Truyện ngắn của Phan Trang Hy





Truyện ngắn của Phan Trang Hy
BỨC THƯ THỜI ÁO TRẮNG


      Đang ngồi xem ti vi, điện thoại báo có tin nhắn. Bình nghĩ thầm: Chắc tin khuyến mãi, quảng cáo. Nghĩ thế, nhưng hắn vẫn mở xem. Tin nhắn của thằng Anh, lớp trưởng của hắn hồi còn học trung học đệ nhất cấp. Là thông tin về thời gian, địa điểm họp số bạn ở Đà Nẵng chuẩn bị về tham dự 50 năm ngày thành lập trường. Đọc tin nhắn, hắn nhớ lại tuổi học trò, nhớ lại thời nhỏ trước khi vào học Phan Châu Trinh.
      Rồi, ngày họp mặt cũng đến. Chỉ có 14 đứa, cả gái, cả trai ở Đà Nẵng có dịp gặp nhau. Biết bao kỷ niệm của tuổi học trò, của thời ngây ngô, thơ dại hiện về trong buổi gặp mặt.
      Tiếng nói, tiếng cười rộn lên. Ngồi bên nhau, trước mặt mọi người là những ly cà phê, chanh đá, trà gừng, nhưng chẳng ai muốn đụng đến. Chỉ là cái cớ để mọi người tâm tình, trải bày nỗi lòng bấy lâu xa cách. Bọn hắn, giờ chớm tuổi 60. Thế nhưng, vẫn chất giọng Quảng Nam – Đà Nẵng, vì từng ấy đứa là dân sống ở đây, lấn át cả tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa thùng. Bọn hắn bàn việc thăm trường, bàn việc góp bài cho tập san mừng ngày thành lập trường. Đủ thứ cả. Rồi, bọn hắn nhắc lại những gương mặt ngày xưa. Biết bao gương mặt thân quen, hoặc chỉ loáng thoáng, hiện về. Thằng Thành, bạn hắn, cái thằng hồi học đệ nhất cấp, thường lấy xe Yamaha màu đỏ, chở hắn đi học Anh văn ở Hội Việt Mỹ, ngồi bên cạnh bỗng lên tiếng:
      - Chắc mi đang nhớ “nàng” phải không?
      Hắn không trả lời. Chỉ im lặng. Không chối. Cũng không giả đò thanh minh thanh nga như hồi đi học. Quả thật trong lòng, làm sao hắn quên được cô ấy. Như thiên thần tinh khôi trong chiếc áo đầm trắng, cô ấy như làm ấm lòng bao đứa con trai khi chớm gió bấc về. Chiếc áo ấy như làm dịu mát bãi cát của sân trường trong những ngày chớm hạ.
      Hồi ấy, hắn biết, và tin chắc là biết bao đứa con trai, kể cả hắn, tập tành làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh tặng cho cô ấy. Có thể những tác phẩm ngây ngô ấy không đến với cô ấy. Nhưng hắn tin chắc là cô ấy biết rõ về chính mình, biết bọn con trai để ý. Hắn chỉ mong cô ấy đừng quan tâm đến ai cả. May ra có ngày nào đó hắn có cơ hội để tỏ lòng với cô ấy.
      Và trong lòng hắn, có lẽ mối thương thầm vụng dại đã biến hắn trở thành người nuôi nhiều hy vọng. Hy vọng như hiện trên từng câu chữ hắn viết về cô ấy. Hy vọng trong những bài học, trong kỳ thi Tú tài IBM, trong kỳ thi vào ngành Kinh thương của Đại học Cộng đồng Quảng Đà. Hắn tin là có ngày hắn nói thật lòng mình với cô ấy. Hắn tin là vậy!
      Quả thật muôn ngàn lần trước sau như một, hắn nuôi hy vọng trong niềm tin mãnh liệt là có ngày cô ấy biết được lòng thiệt của hắn. Thiệt như xứ Quảng quê hắn. Thiệt như giọng trầm nhẹ xứ “trầm hương” pha chút vị mặn Quảng Đà của cô ấy.
      Tiếng nhạc vẫn dịu nhẹ. Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay… Hắn nhẩm hát theo. Rôi, hắn ngừng hát, nói với thằng Thành:
      - Mi có tin chi về “nàng” không?
      - Tau có vào facebook của “nàng”. Có gửi lời kết bạn. Facebook toàn là những ảnh chia xẻ về hoa, ẩm thực.
       - Rứa hả!
      Nói xong, hắn thầm nghĩ, là phải lên mạng để tìm cô ấy. Những ngày sau đó, hắn hăng hái lên mạng. Quên cả giờ giấc, thời gian... Hắn vào Google, đánh họ tên cô ấy. Hắn tìm thấy cô ấy thật rồi. Cô ấy tham gia viết bài ở các trang mạng Quyên book, Sáng tạo… Đặc biệt trang Nữ Trung học Đà Nẵng, hắn tìm thấy những hình của cô ấy. Hắn “save” những hình ấy. Tưởng nhìn hình để đỡ nhớ, ai dè, nỗi nhớ ngày xưa như có dịp bùng cháy trong lòng hắn.
      Hắn nhìn kỹ những tấm hình của cô ấy khi về Đà Nẵng chụp với bạn bè, chụp lại một góc của trường xưa – “Nữ Trung học Hồng Đức”. Hắn làm sao quên được tấm hình đen trắng của cô ấy có ghi một số chữ, trong đó hắn đọc được hai chữ ĐÀ - NẴNG. Này là mái tóc dày mượt. Này là đôi mày thanh tú. Đôi mắt hơi suy tư, hiền quá đỗi. Cái miệng xinh xinh, nhân trung hiện rõ. Gương mặt ấy sáng mãi như tư chất sáng dạ, khéo làm của cô ấy.
      Rồi hắn nhớ cái lần hắn viết thư chuẩn bị gửi cho cô ấy. Bức thư của tuổi học trò vụng dại đâu thể nào đến được với cô ấy. Hắn hình dung ngôi nhà xinh xắn của cô ấy ở cư xá Thanh Lịch. Hắn đâu quên được những lần đi ngang qua ngôi nhà ấy, hắn mường tượng ngày xưa có bóng dáng dịu dàng, hiền ngoan ngồi học bài, hoặc hát vu vơ khi làm những chiếc bánh ga-tô thơm lựng.
     Thời gian cứ trôi. Nhưng, tuổi thư sinh như đọng trong lòng hắn…
      Đang ngồi trước lap-top, chỉnh sửa lại tiểu thuyết “Người hay là những cơn mơ mạo danh” để kịp in, hắn nghe điện thoại kêu. Thằng Anh rủ hắn uống cà phê. Chả là chủ nhật, hắn thư thả cho khỏe một chút.
      Hắn ngồi nghe thằng Anh tán chuyện. Thường hắn ít nói. Chỉ có thằng Anh nói. Qua câu chuyện, thằng Anh có kể cho hắn nghe “thiên tình sử” của đôi bạn cùng dạy với nó ở Duy Xuyên. Mối tình nào cũng có cái đẹp của nó. Đẹp như quê hắn. Đẹp như hắn từng nhớ đến cô ấy. Hắn im lặng ngồi nghe thằng Anh kể…
      Tháng Ba vừa rồi, những người bạn của thằng Anh từng dạy ở Duy Xuyên có tổ chức họp mặt. Thằng Anh cũng tham dự. Cũng bình thường như những cuộc họp mặt khác nếu không có chuyện của Tuấn và Phượng. Mà câu chuyện thoạt nghe cũng chỉ có vậy: Ngày trẻ họ học chung, có tình cảm với nhau nhưng đã không đến được với nhau. Kỳ gặp mặt này bạn bè khuyến khích Tuấn nên tỏ lòng với Phượng… Và rồi Tuấn bỗng dưng đã trở thành một cậu bé, như thuở còn đi học: “Tôi chỉ xin nói với Phượng một lần, rồi sao cũng được. Phượng có chịu không? ... Xin Phượng gọi tôi bằng anh. Và… và… xin cho anh được hôn lên má em một lần.”.
      Nghe thằng Anh kể tới đó, hắn cũng muốn thú tội với bạn bè, với cô ấy là hắn cũng muốn được một lần gọi anh, em và được hôn lên má của cô ấy, dù có xót xa nước mắt.
      Và trong hắn hiện lên thằng Bình hồi trẻ đang ngồi viết thư gửi cô ấy. Bức thư thời áo trắng thiệt thà hiện ra trong ký ức.

                                                 Tháng 3 – 2014
                                                 Phan Trang Hy


READ MORE - BỨC THƯ THỜI ÁO TRẮNG - Truyện ngắn của Phan Trang Hy

KỶ NIỆM CHIỀU CUỐI NĂM - thơ Thương Yến Tử



KỶ NIỆM CHIỀU CUỐI NĂM
tặng Yến Vân

chiếc ghế đá
giật mình hớn hỡ
đã bao mùa thầm đợi bóng thân quen
vườn Lạc Hồng
tháng năm sầu lá úa
vội xanh màu theo với nụ mai xuân
hơi gió lạnh tàn đông
dỗi hờn xua rối tóc
anh nâng niu
vuốt từng sợi ngoan mềm
nước sông Tiền
từng nhịp thở trong đêm
cũng như anh
thầm nghe tim rạo rực
và nụ hôn đưa anh về rất thực
như hoa vừa bung cánh mỏng chào xuân
em đã đưa anh về
huyền thoại của tình yêu
từng sóng mắt
soi xanh từng nỗi nhớ
rồi từ đó
anh về thương cúc nở
vì áo em vàng của màu hoa
anh không thể giấu nụ tình trên lá
hay trên cành
khô rúm
gió mưa pha

Mỹ Tho /15/2/2015 /27/12/Giáp Ngọ

thương yến tử
READ MORE - KỶ NIỆM CHIỀU CUỐI NĂM - thơ Thương Yến Tử

NGHIÊNG - Thơ Kha Tiệm Ly







NGHIÊNG


Cờ nghiêng tướng sĩ xôn xao,

Ai nghiêng hôn trộm má đào của em?


Bầu nghiêng, lãng tử say mèm


Đèn nghiêng, mới biết màn đêm não nùng.


Gối nghiêng, quạnh quẽ cô phòng


Tóc nghiêng che khuất môi hồng giai nhân


Áo nghiêng rũ bụi phong trần,


Tuổi nghiêng tiếc một trời xuân năm nào


Ai nghiêng nhìn mắt ai trao


Cây nghiêng, lá đổ trăm màu tương tư


Chén nghiêng đợi rót rượu hờ,


Ta nghiêng một chốc, dại khờ trăm năm


Lá nghiêng hứng trận mưa dầm,


Đò nghiêng ta cứ tay cầm tay nhau.


Đàn nghiêng nức nở tơ sầu,


Nón nghiêng nên để qua cầu gió bay!

Chân nghiêng mỏi bước đường dài,


Tay nghiêng tìm một bờ vai ân tình.



Chiều nghiêng che má em xinh,

Bóng nghiêng tìm dáng băng trinh một thời,

Môi nghiêng tìm một bờ môi,

Sầu nghiêng, tìm được một lời nhớ nhung?

Má nghiêng tìm chút thẹn thùng,

Tình nghiêng, để lắm lạnh lùng cho em!

Anh nghiêng tìm chút hương duyên,

Em nghiêng, rớt chút dịu hiến cho anh


Đời nghiêng nặng kiếp phiêu linh,

Khói nghiêng hư ào bóng hình ngày xưa.

Duyên nghiêng tìm nụ hôn thừa,

Lời nghiêng một chút cho vừa lòng nhau.

Vôi nghiêng tìm một lá trầu,

Trầu nghiêng tìm một miếng cau mặn nồng.

Vợ nghiêng tìm ấm hơi chồng,

Chồng nghiêng tìm vợ tấm lòng thủy chung.

Thơ nghiêng, vần điệu não nùng,

Mây nghiêng che núi, nghìn trùng yêu thương.

Đá nghiêng, mấy tuổi đá buồn?

Lợi nghiêng chi lắm mà danh rẻ hời!

Rượu nghiêng tìm chút tình thôi,

Ta nghiêng lần nữa nên đời bơ vơ!


                               Kha Tiệm Ly

READ MORE - NGHIÊNG - Thơ Kha Tiệm Ly