Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 23, 2013

TẶNG ANH CÀNH YÊU ĐƯƠNG - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa



Trời đã vào thu rồi đó anh!
Ngoài hiên chiếc lá nhẹ xa cành
Tiếng chim vỗ cánh tìm tổ ấm
Giọt nắng nào vừa rơi mong manh
mong manh

Anh có thương
những chiều không nắng
Vàng thu rơi đón bước chân quen
Quán “Cheo Leo” sáng bừng trong mưa mỏng
Mình nép bên nhau nhìn Thị xã lên đèn

Và anh đi theo dòng đời lốc xoáy
Bụi đường xa có nặng gót tha nhân
Áo phong sương có mờ ánh trăng ngần
Lòng lữ thứ có sầu trong giăng lạnh!

Em muốn hét
vơi  niềm đau bão biển
Sợ trùng khơi chùng bước kẻ đơn hành
Mím môi cười hái đoá thiên thanh
Trang điểm cây đời cho thời gian mãi xanh.

Dành tặng anh
cành yêu đương thơm ngát…

TTQH


READ MORE - TẶNG ANH CÀNH YÊU ĐƯƠNG - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

ĐÁM CƯỚI M’NONG - thơ Huy Uyên



Ước ao tới một ngày đám cưới
em M'nong
chúm chím cười thẹn thùng
quanh vòng đeo tay đeo cổ
lược ngà cài
tóc thả
khăn đội đầu đẹp quá
quanh váy mới xúng xính đi
bên nhau bao lời thề hẹn.

Ước ao một ngày đâm trâu vui mừng
măng chua lên nương mình hái
ché rượu cần say nho nhỏ
cúng Dàng
gắn bó thật lâu đi đến trọn đời
người ơi!

Têm trao nhau miếng trầu nồng
xanh màu thêm mùa cưới
hạnh phúc về quá mới
rộn ràng
ngõ trước nhà sau
chim T'rưng vui hót cùng nhau
mở hội.

Chiêng vang từng hồi
say sưa mừng vui
bao ché rượu đầy
tắm trần truồng
con trai con gái
cho thêm cặp đôi vú mới
tươi hồng.

Tối đêm trăng tròn
nằm chung
cùng chim ca vượn hót
bên đàn nai  ngơ ngác
đứng tác bên con suối đầu nương
trên rẫy rộn rã tiếng hát
của hai người.

Môi dính một lần thôi
thổi bầy chim sáo qua sông
ưng cái bụng, cái lòng
vui quá
là vui ...
hội mùa đám cưới M"nong


Huy Uyên
READ MORE - ĐÁM CƯỚI M’NONG - thơ Huy Uyên

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: VỊNH CON TÔM - Trần Ngộ, Trương Đình Đăng,



VỊNH CON TÔM

Giống nọ mắt lồi miệng lắm râu
Lưng còng bụng xệ  dễ chài câu
Danh ô nào sá đầm trong vắt
Phận lấm quản chi vũng đục ngầu
Sóng dịu búng bơi trên nước cạn
Mưa dồi chen lặn dưới bùn sâu
Coi chừng ẩn hiện cho an ổn
Kẻo lão ngư ông tóm lấy đầu

TRẦN NGỘ
(LÂM ĐỒNG)


Bài họa:
VỊNH CÁ TRÊ

Khoe đôi ngạnh sắc mép hai râu
Khó tránh dân chài kẻ thả câu
Hầu kiện ra tòa nheo híp mắt
Tranh con với cóc vểnh oai ngầu
Trổ tài vận lý lòe quan phán
Thua cuộc nhục đời rúc hố sâu
Gặp lúc nắng hanh trâu xuống tắm
Vô tình dậm phải bẹp ngay đầu

TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG

(ĐÀ NẴNG)
READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: VỊNH CON TÔM - Trần Ngộ, Trương Đình Đăng,

LÃO QUYỀN - truyện ngắn Nguyễn An Bình

Nguyễn An Bình


    -  Dậy! Dậy! Anh ơi! Dậy!

    Vừa gọi vợ tôi lắc lắc tay tôi cho mau tỉnh.Tôi đang mơ màng trong giấc ngủ thì bên tai có tiếng ai gọi, không mở mắt tôi lăn mình qua bên kia miệng càu nhàu:

     -  Gì vậy? Để cho người ta ngủ.

   Vợ tôi nói như thì thầm:

     -  Anh ơi,dậy, có trộm.

   Vừa nghe nói có trộm là tôi giựt mình,tỉnh dậy như sáo.Tối hôm qua mới bị mất trộm sấp ni lông dùng để căng lên trần mái lá để chống dột tôi đang giận lại nghe vợ tôi nói có trộm thì không tỉnh nhanh sao được, tôi kêu lên:

     -  Đâu? Ở đâu?

     -  Ấy! khẻ chứ, ở bên hông nhà kìa.

   Tôi im lặng chăm chú lắng nghe. Ngoài kia, trừ tiếng gió rì rào, nào nghe thấy gì.Tôi hơi bực mình:

     -  Có nghe gì đâu?

     -  Chờ coi, em nghe có tiếng động lạ.

   Tôi căng tai lên chú ý, khuya trời nhiều gió.Tiếng gió đánh vào tàu lá chuối bên hông trường nghe phành phạch nên rất khó phát hiện tiếng động lạ.Tôi khẻ bước xuống giường đi lần về phía cửa, tay cầm một khúc cây để sẳn ở góc nhà, áp tai vào tường lắng nghe. Bỗng có một tiếng soạt khá to như có người đang di chuyển chạm vào lùm cỏ dại tạo nên, tôi la to lên một tiếng ai đó nhằm đánh động cho tên trộm biết hắn đã bị lộ để có thể lẩn mất trước khi tôi xuất hiện vì tôi không muốn có sự va chạm không đáng có, tôi bật sáng đèn, mở nhanh cửa nhìn về phia lùm cỏ cao ngút đầu bên hông trường xem có ai không. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn điện từ bên kia đường hắt sang, một bóng người lách ra khỏi bụi cỏ rậm, vén vòng dây kẻm gai công-xẹt-ti-na ngăn ngang con lộ đi băng qua bên kia đường để vào con hẻm 99. Một người đàn ông, tướng đi xiêu vẹo ngả nghiêng nhưng không có vẻ gì sợ hãi vì sự phát hiện của tôi.Tôi nheo mắt nhìn cho rõ. À, thì ra lão Quyền đây mà, tôi thở phào nhẹ nhỏm, cái tay cầm khúc gỗ buông thỏng xuống nhìn theo lão Quyền đi khuất vào hẻm rồi vào nhà đóng cửa lại.Vợ tôi vẫn chưa hết run hỏi:

         -  Ai vậy anh? Ăn trộm hả?

         -  Ừ, ăn trộm.

  Vợ tôi hoảng hốt:

         - Trời đất, rồi có sao hông? Sao em thấy êm re vậy?

  Tôi phì cười,trấn an:

         -  Có ai đâu, lão Quyền ấy mà.

         -  Làm hết hồn. Lão làm gì ở đó đêm hôm khuya khoắc vậy?

          -  Còn làm gì ngoài chuyện ấy.

    Vợ tôi ngơ ngác:

         -  Chuyện gì?

     Thấy tôi cười cười, vợ tôi chợt nghĩ ra, véo vào cánh tay tôi đau điếng:

          -  Đồ quỷ,vậy mà cũng không nói.

          -  Thôi đi ngủ, mai còn thức sớm đi dạy nữa.

          *

        Gọi là nhà cho có vẻ đàng hoàng một chút nhưng thật ra nó chỉ là một mái lá thấp lè tè, nắng thì nóng mưa thì dột tứ tung, phía trước trổ ra mặt tiền đường, sau lưng dựa vào vách tường của góc cầu thang lên xuống có sẵn của nhà trường, trên mái lá đã được trải thêm một lớp giấy dầu nhưng chỉ sử dụng được một hai mùa thì đâu lại vào đấy vì bọn mèo hoang tối chạy loạn xạ kêu gào tìm bạn thảm thiết thì giấy dầu nào chịu nổi. Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, thời kỳ còn bao cấp cơ quan trường học nào cũng khó khăn về tài chánh nên công đoàn trường nào cũng tìm cách xoay xở cho có đồng ra đồng vào dùng để thăm nom giáo viên khi gia đình có tang gia hiếu hỉ, vì thế, một góc hàng rào của trường cấp 1-2 được mở ra lập xưởng điện cơ, nói là để cho học sinh có chỗ thực hành, nhưng thực chất là cho nhóm thợ ngoài mướn để thu tiền. Ngày tôi từ huyện đổi về ngôi trường nầy thì cơ sở điện cơ có mặt từ lâu nhưng sau đó làm ăn thua lỗ thế nào không biết mà mấy tháng tiền thuê mặt bằng không đóng, nhà trường quyết định thu hồi lại. Sẵn dịp đó tôi đăng ký với nhà trường thuê lại bán văn phòng phẩm cho học sinh. Cái cửa hàng văn phòng phẩm của gia đình tôi vị trí thật đặc biệt: nó nằm cheo leo một góc tách biệt với khu dân cư, đứng một mình một chợ. Xéo phía trước là cái lô cốt to tổ chảng còn sót lại của chế độ cũ. Chẳng là  phía sau trường chúng tôi tiếp giáp với tiểu khu của quân đội trước nên họ xây lô cốt công sự làm chốt gác bảo vệ đơn vị, bên kia lộ là trường cấp 3. Để bảo vệ an toàn cho tiểu khu, bọn lính đã dùng công-xẹt-ti-na (một loại dây kẽm gai của Mỹ rất sắc bén trong chiến tranh dùng làm hàng rào bảo vệ căn cứ quân sự) kéo bít ngang con lộ không cho ai qua lại. Sau ngày giải phóng mấy năm sau tình trạng nầy vẫn không có gì thay đổi, cỏ trong vùng cấm mọc cao ngút đầu, lâu lâu có đợt thanh tra của cấp trên xuống, trường chúng tôi huy động thầy trò làm vệ sinh nhưng rồi đâu lại vào đấy vì con lộ nằm trong sự quản lí của đơn vị bộ đội tiếp quản. Bị bỏ hoang nên từ lâu nơi nầy thường làm chỗ phóng pháo tự do cho dân nhậu xỉn say nhất là dân trong hẻm 99 ban đêm thường mò ra ị bậy như lão Quyền mà tôi bắt gặp đang làm chuyện tự nhiên đó.

     Nói đến lão Quyền ở cái hẻm 99 ngang trường tôi ai mà không biết lão. Lão là dân cố cựu ở đây mà. Trước 1975 trong hẻm 99 nầy là nơi đóng quân của đơn vị truyền tin cả một vùng. Lão là lính truyền tin phụ trách điện đài, gia đình lão cũng như một số lính tráng sĩ quan lúc bấy giờ sống trong trại gia binh. Lúc ấy có một chuyện động trời xảy ra, những cuộc hành quân của các đơn vị chủ lực vào những vùng xôi đậu hay vùng căn cứ cách mạng thường bị phản kích mạnh mẽ, thậm chí bị thất bại nặng nề, tổn thất về nhân mạng và khí tài rất lớn. Tình báo an ninh quân đội điều tra cho rằng có sự rò rĩ tin mật từ đơn vị truyền tin nầy. Một cuộc lùng sục, bố ráp diễn ra, lão và một vài người bị bắt đưa đi.Thế là lão nhận được những trò chơi dã man của bọn an ninh quân đội thời đó nhưng lão nhất quyết không nhận mình là kẻ phản bội, làm lộ thông tin cho phía bên kia. Sau mấy tháng bị giam giữ điều tra, không tìm ra chứng cứ phạm tội của lão, bọn an ninh quân đội phải thả lão ra thì thân xác lão bầm dập, đầu óc nghểnh ngảng lúc nhớ lúc quên, đôi mắt thất thần mông lung. Lão bị sa thải. Người ta yêu cầu gia đình lão phải rời khỏi trại gia binh. Lão chưa kịp đi thì miền Nam giải phóng. Đơn vị truyền tin được bộ đội tiếp quản.Gia đình binh sĩ lần lượt hồi cư ai về quê nấy, gia đình lão Quyền cũng về quê đâu miệt Vị Thanh, Long Mỹ gì đó. Mới có mấy ngày là lão lại có mặt ở hẻm 99 nầy, gia đình hai ba lần cử người lên đưa lão về nhưng rồi lão trở lại,  như là nơi nầy có ma ám lão không đi được. Riết họ cũng chán nản, mặc kệ lão muốn ở đâu thì ở. Dân trong xóm thương tình cất cho lão cái chòi nhỏ dựa vào vách tường của khu gia binh cũ.Thằng Khánh con lão cũng phải lên theo để trông nom lão. Nó chạy bàn cho quán cà phê ngoài đầu hẻm của ông Ba người Phúc Kiến nên người ta gọi là ông Ba Tiều.Thằng Khánh được nuôi cơm nên ăn ở luôn ở đây. Ban ngày, thỉnh thoảng vắng khách, nó chạy vào trong hẻm xem cha nó như thế nào, khi thì gói xôi, trái bắp tiếp tế cho ông già.

           Suốt ngày Lão Quyền lang thang trong xóm ai cho gì ăn nấy nhưng chưa hề ăn cắp hay xin xỏ của ai một món đồ nào, lâu lâu lại ra ngoài đầu đường ngó qua ngó lại như trông ngóng ai, suốt ngày không ai thấy lão nói một tiếng nào giống như một người câm vậy. Dân trong xóm thương tình nên lão cũng không quá vất vả trong cái ăn. Khi không ai cho gì, tới bửa đói bụng lão đứng bên kia hẻm cạnh cột đèn nhìn chăm chăm qua quán cà phê chỗ thằng Khánh chạy bàn một tay cầm cái tô tay kia cầm cái muổng gỏ kêu lốc cốc, lốc cốc, bà ba tiều nhìn sang, biết ý bà nói với thằng Khánh:

      -  Khánh, ba mầy hình như đói bụng rồi đó. Hôm nay chắc không ai cho gì ăn, mầy qua bển lấy cái tô bới cơm và một ít thịt kho trong nồi cho ổng với hai trái chuối xiêm nữa, kêu ổng vô trong nhà mà ăn, ổng ở đây làm vậy ai dám vào uống cà phê nữa.

      Thằng Khánh lấy cơm cho ông già, dắt lão Quyền vào trong xóm mà không quên cằn nhằn ông già đừng làm vậy nữa trông kỳ cục lắm. Lão chỉ nín thinh, vừa đi vừa múc cơm ăn một cách ngon lành. Nói là nói vậy thôi chứ ai có biết lão nghe có hiểu gì không. Cứ mỗi lần lão đói cơm là điệp khúc muổng gỏ tô lại diễn ra. Bà Ba Tiều riết thôi không nói nữa và thằng Khánh biết nó phải làm gì. Vợ tôi thấy thế đôi khi cũng cho cơm lão và một ít bánh trái có sẵn. Có lần ngồi uống cà phê với mấy giáo viên trong trường, tôi hỏi thằng Khánh:

      - Nè Khánh, sao em không đưa ba về quê, ở đây sống vất vưởng như thế sao được?

      Thằng Khánh nhún vai, lắc đầu:

     -  Thầy không biết đó thầy ơi, em đưa ổng mấy lần về quê rồi. Một hai bữa lại trốn lên đây giống như bắt cóc bỏ dĩa vậy.

    -  Ổng lên đây làm gì? Có bà con gì ở đây không?

    -  Có ai ở đây đâu.Từ ngày ổng bị đánh một trận tới bây giờ ổng điên điên khùng khùng như vậy đó. Không biết tại sao ổng không muốn rời khỏi chỗ nầy nữa.

      Mấy đứa học trò cấp 1 trường tôi đúng là bọn ngổ ngáo không ai bằng, mỗi lần đi học về thấy lão từ xa đã réo to lên:

    -  Ê! Lão khùng kìa tụi bây ơi.

      Rồi chúng xoay vòng vòng quanh lão, vừa nhún nhẩy vừa hát:

      Lão khùng mà đi lung tung

      Coi chừng bị bắt đừng mong ngày về.

      Khi chúng thấy lão gầm gừ trong có vẻ tức giận vì bị trêu chọc, cúi xuống nhìn quanh như muốn lượm đá chọi chúng là bọn trẻ lại ré lên hè nhau bỏ chạy tán loạn, miệng còn nghêu ngao chọc phá:

    - Lêu lêu. Mắc cỡ. Xí hụt.

     *

     Có một lần không biết lão Quyền ăn gì mà chiều hôm đó lão đau bụng một trận dữ dội, lão đi tiêu không dứt. Người trong xóm chạy ra quán cà phê ông ba tiều báo tin cho thằng Khánh biết. Nó chạy vội về nhà rồi chạy ra trạm y tế gần đó mua thuốc cho ba nó uống. Suốt đêm lão rên rỉ ư ử không thôi.Trưa hôm sau lão mất, một cái chết không êm ả chút nào. Có lẽ lão ăn phải đồ ăn ôi thiu thì phải. Đám tang của lão thật là buồn tẻ. Cái hàng rẻ tiền của hội từ thiện cho làm gì lọt vào cánh cửa bé tí tẹo của cái chòi mà dân trong xóm dựng cho lão, người ta đành che rạp tạm bợ ngoài đường để có chỗ làm đám ma. Đi theo xe tang ngoài thằng Khánh, le que có vài người thân ở dưới quê hay tin lên kịp, vài người hàng xóm rảnh rỗi mà thôi.Từ lâu chính quyền đã giao khu đất nầy cho công ty du lịch thành phố làm bãi tập kết xe của công ty, còn kẹt cái chòi của lão Quyền chưa biết tính sao, nay lão mất rồi người ta chờ xong cái thất thứ nhất của lão yêu cầu người nhà trả lại mặt bằng cho công ty du lịch thi công.

    Trưa đi dạy về vừa bước vào nhà vợ tôi đã nói:

     - Anh ơi, trong hẻm 99 không biết có chuyện gì mà người ta ùn ùn đến xem, có cả mấy chiếc xe quân sự nữa.

    Không biết chuyện gì tôi liền bỏ chiếc cặp da lên bàn, bước vội qua lộ. Đi ngang đầu hẻm 99, thấy bà Ba Tiều đang trông quán, tôi liền hỏi:

    - Chuyện gì rần rần vậy thím Ba?

    - Không biết nữa, có mấy ông bộ đội tìm nhà lão Quyền, chú ba cũng chạy vô đó rồi, thầy vô xem coi có chuyện gì không? Xem chừng mấy ông bộ đội nầy làm lớn à nghen.

    Tôi không nói gì đi thẳng vào phía trong. Đúng là họ tìm lão Quyền thật. Qua câu chuyện, mọi người mới vỡ lẻ ra người đến tìm lão Quyền là một sĩ quan cấp tá vừa từ chiến trường Kampuchia về.Trong chiến tranh, ông là người chỉ huy cụm tình báo vùng, lão Quyền là một mắc xích trong cụm tình báo của ông. Chính lão Quyền là người đã cung cấp những tin tối mật cho những cuộc hành quân của địch, nhờ đó mà quân giải phóng mới bẻ gảy được nhiều trận càn vào căn cứ cách mạng và chính nhờ sự kiên trì giữ vững khí tiết của người chiến sĩ tình báo nên nhiều cơ sở cách mạng không bị phát hiện. Sau ngày giải phóng miền Nam, công việc còn nhiều bề bộn, ông lại nhận nhiệm vụ mới sang giúp nước bạn, cho tới bây giờ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới có cơ hội tìm gặp lão Quyền thì lão đã mất rồi.

     Giờ thì tôi đã hiểu vì sao lão lại không bỏ con hẻm nầy về quê. Trong đôi mắt thất thần ngây dại của lão như đang chờ đợi trông ngóng điều gì. Mặc dù sau trận đòn thù tra tấn của bọn an ninh quân đội, lão như người mắc bệnh tâm thần, điên dại nhưng trong sâu thẳm tiềm thức như mách bảo đồng đội cũ sẽ tìm được ông, giờ tuy muộn nhưng lão ra đi chắc lòng thanh thản nhiều.

    *

            Chuyện về lão Quyền cứ ám ảnh tôi mãi. Ngày ấy không biết có cánh phóng viên báo chí địa phương nào biết câu chuyện đó không để ít ra viết thành một mẫu tin hay một kí sự gì đấy cho mọi người biết. Tôi cũng định viết thành truyện ngắn gởi cho một tờ báo nào đó đăng, không phải vì món tiền nhuận bút thời đó khá lớn so với đồng lương èo uột của giáo viên lúc bấy giờ, mà muốn trải lòng vì một câu chuyện cần có được ai đó chia sẻ, cảm thông, nhưng cứ chần chừ mãi.

        Ấy thế mà câu chuyện chất chứa trong lòng tôi  qua đi đã ba mươi ba năm. Tôi về hưu được bốn năm rồi. Nhờ tiền dành dụm chắt chiu sau bao năm dạy học, tôi cũng kiếm cho gia đình mình được căn nhà ở tuy không to rộng lắm nhưng cũng đủ để che mưa che nắng.Thằng con lớn ra trường có việc làm ổn định đang sống ở Sài Gòn, còn thằng nhỏ được học bổng sang Mỹ học mấy năm nay. Đôi vợ chồng già trở thành vợ chồng son, ngôi nhà lại trống trải mênh mông. Trường cấp 1-2  nơi tôi từng công tác từ lâu đã đổi thành trường THCS mang tên một danh nhân. Trường cấp 3 bên cạnh cũng thế thành trường THPT, được nhà nước đầu tư, trở thành những ngôi trường đẹp nhất nhì thành phố. Con lộ ngăn giữa hai trường và phần đất của quân đội trước kia bị hàng rào công-cẹt-ti-na phong tỏa, cỏ dại rậm rạp hoang vắng cũng được giải phóng khai thông thành con lộ khang trang, hai bên đường trồng hai hàng sao xanh ngắt mát rượi, mang tên một nữ anh hùng thời chống Pháp. Còn con hẻm 99 cũng được giải tỏa mở rộng thông qua một con đường lớn khác trở thành khu dân cư sầm uất, đông đúc người ở. Quán cà phê đầu hẻm của chú Ba Tiều cũng không không còn nữa, gia đình đã dọn đi từ lâu. Nghe người quen gần đó nói lại thằng Khánh con lão Quyền được ai đó mai mối lấy được một cô vợ sửa quần áo lặt vặt ở góc đường Mậu Thân. Cô nầy cũng siêng năng cần mẫn  nhưng không được đẹp gái cho lắm vì trên mặt có một cục bướu máu bẩm sinh từ nhỏ. Đôi lần tôi thử đem một vài chiếc áo, cái quần đến để sửa và ngồi chờ lấy mong có lúc được gặp mặt thằng Khánh, xem lúc nầy  đời sống nó có dễ chịu không, nhưng chưa lần nào thấy nó xuất hiện. Còn hỏi cô thợ sửa quần áo nầy đành chịu không biết mở lời thế nào. Tôi nghĩ mồ của lão Quyền đã xanh cỏ bao năm, không chừng xương cốt lão đã hòa lẫn vào lòng đất mẹ từ lâu rồi cũng nên. Câu chuyện của lão chẳng mấy người còn nhớ, hơn nữa, ở xóm cũ chẳng mấy nhà còn trụ lại và nhớ con đường rộng lớn nầy cách đây hơn ba mươi năm là con hẻm lầy lội, nắng bụi mưa bùn. Ngay cả trường hợp của tôi đây, thôi cũng dễ thấy, mới nghỉ hưu có bốn năm, mỗi lần nhận được thư của nhà trường mời về họp mặt nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là mỗi lần thấy ít đi thầy cô cũ từng công tác chung.Thậm chí mới đây khi vào trường có việc, tôi bị một anh bảo vệ trẻ nhà trường mới hợp đồng chặn lại hỏi:

      - Bác tìm ai? Đến đây có việc gì?

   Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả.Viết xong câu chuyện nầy, tôi như trút đi gánh nặng. Lão Quyền ơi! lão yên lòng ra đi thanh thản nhé. Đời người cũng chỉ là cát bụi mà thôi, việc gì phải bận lòng kia chứ.

      Tháng 6/2013

      Nguyễn An Bình



READ MORE - LÃO QUYỀN - truyện ngắn Nguyễn An Bình

CHUYỆN ĐỜI NHẠC, THƠ - Trầm Thiên Thu

Trầm Thiên Thu

CHUYỆN ĐỜI NHẠC, THƠ

Cứ loanh quanh giữa cuộc đời
Trở trăn thơ, nhạc – Đứng ngồi không yên
Tháng ngày gầy guộc hom hem
Giằng co số phận hết đêm qua ngày
Gồ ghề yêu vận sè cay
Gập ghềnh cước vận đọa đày câu thơ
Bổng trầm giai điệu ngu ngơ
Lên thăng, xuống giáng, bơ phờ nghĩ suy
Văn hay chữ tốt mà chi
Thà rằng sống giữa ngu si, an bình (*)
Phần tư thế kỷ qua nhanh
Rao bán phận mình với nhạc, với thơ
Chiều buông, chẳng có ai mua
Gom về đốt cháy đam mê cuộc đời
Rồi chợt khóc lại chợt cười
Còn tỉnh táo vẫn như người cuồng điên
Mơ hồ vào cõi-nhớ-quên
Dù điên hay tỉnh vẫn nguyên si mình


(*) Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền (tục ngữ Việt Nam).


CHUYỆN VIẾT LÁCH

Nhà văn, nhà báo, nhà thơ
Nhà nào cũng “khó” – Có nhà nào hơn?
Và “nhà nhạc” lại càng buồn
VIẾT rồi LÁCH – Chuyện đời thường. Vậy thôi!
Nhưng là nỗi khổ cả đời
Nỗi lòng ai tỏ, khúc nhôi ai tường?
Văn hay, chữ tốt – Ai thương?
Nếu không giàu có, người thường coi khinh!
Ngu si được hưởng thái bình
Chẳng thà như vậy cũng đành, còn hơn…!


TRẦM THIÊN THU
tramthienthu@gmail.com
READ MORE - CHUYỆN ĐỜI NHẠC, THƠ - Trầm Thiên Thu

NGỌC - trường thi của Hạnh Phương


LỜI VÀO THƠ

Có một cô bé đến thăm tôi. Cô bé hát rất hay. Như xé tim mình ra thành tiếng hát vậy.

Hôm ấy vào buổi sáng ngày rằm tháng bảy. Tôi nói với cô:  “Bác muốn con hát một bài hát Vu Lan cho một người thường làm thơ Vu Lan, hát qua điện thoại Tôi nhắc điện thoại lên, bấm số, và cô bé hát.

Rồi tôi nói với “người bên kia” “Chú nghe có hay không?  Nếu hay thì sáng tác một bài thơ đáp tạ” 30 phút sau, bài thơ được hoàn thành.

Tôi lại nói: “Chú ơi, hãy làm thêm 98 bài nữa, cho thành một tập. Mà phải làm nội trong một ngày thôi”

Thật là tuyệt vời: đúng sáng hôm sau, “người bên kia” đọc cho tôi nghe 98 bài thơ qua điện thoại.

“Người bên kia” ấy là Hạnh Phương. Tập thơ ấy tên là “Ngọc” – cũng là tên cô bé hát hay, có thực trong chuyện kể này, trong cuộc đời này. Còn tập thơ Ngọc nói gì, nói những gì.

Xin mời đọc, mời nghe thì biết. “Thi trung tự hữu nhan như ngọc”: lời xưa đã nói vậy mà.

Vu Lan Kỷ Sửu,

TRỤ VŨ

***


CẢM ĐỀ

Sáng nay mới rời khỏi các Phật sự. Lòng lắng xuống bèn đọc 100 vần thơ Ngọc của nhà thơ  Hạnh Phương sáng tác chỉ trong một ngày, sau khi nghe một tiếng hát trong thanh vẳng lại từ xa. Có hai ý nghĩ khởi lên trong tâm tôi:

Như từ lâu chờ đợi một người thân đi xa, bặt vô âm tín, bỗng nhiên trở về, tác giả và người thân mừng mừng, tủi tủi, hàn huyên chi xiết… viết ra thành 100 tiếng hát về diệu âm, diệu nghĩa, diệu lý, diệu hữu…

Có bận chúng tôi đã hình dung nhà thơ  Trụ Vũ và nhà thơ Hạnh Phương đang đong đưa võng bên dòng suối thực tại là để thường nghe tiếng hát diệu âm: chiếc võng ấy là sự an tịnh của tâm thức, dòng suối ấy là toàn cõi hiện tượng giới này. Tiếng hát ấy hôm nay đã được ghi lại trong 100 vần thơ Ngọc:

“ Thoáng võng giấc ngủ ngày
Châu ngọc ắp đầy tay
Lần thấy trong lại  áo
Ngờm ngợp cả mình đây.”

“ Ba vạn sáu ngàn ngày
Lá ngọc cành vàng đây
Gia tài em sở hữu
Cung bậc – lá  ngàn bay.”

Thì vẫn xúc cảm về “như như” ấy, tôi định chia sẻ với nhà thơ thêm vài nỗi niềm, nhưng sực thấy lời ghi của nhà thơ Trụ Vũ:

“ Thi trung tự hữu nhan như ngọc”

Bèn dừng lại để cho nguồn cảm xúc tiếp tục tuôn trào, tuôn trào cho đến thời điểm: “Bồ đề tát bà ha”

Tỷ Kheo CHƠN THIỆN
Cảm đề, 22/1/2010




Hạnh Phương


NGỌC
Hạnh Phương

Tướng hảo hằng ngưỡng Phật
Niềm thơ xinh ngân nga
Diệu âm hiến cúng Phật
Trái tim tình nở hoa


Đá kết tinh nên ngọc
Ngọc khéo đúc nên người
Bờ vai dài suối tóc
Mươn mướt dòng thơ khơi.


Giữa khuya rằm Vu Lan
Mới hay trăng ánh ngọc
Giữa cơ man khó nhọc
Nghe tiếng gọi oanh vàng


Bên bếp lửa mùa đông
Toan xe nuộc chỉ hồng 
Châu ngọc lời thơ hát 
Đẫm trăm ngàn suối sông


Những hạt sương như ngọc 
Đậu trên lá cỏ thi 
Chở trời trong như lọc 
Ánh ánh ngời lưu ly 


Tứ đẳng tâm vô lượng
Trong từng hạt bụi bay
Tam quy y vô thượng
Châu ngọc trái tim nầy


Nữa khuya nghe lá thở
Hoa kết nụ ngọc lan
Nữa khuya nghe tim thở
Nhân phẩm ngọc huy hoàng


Quê hương mình diễm lệ
Thần kinh trầm mặc thế
Ơi lá ngọc cành vàng
Mặc bao mùa dâu bể 


Cung bậc bản tình ca
Môi hồng thơm nở hoa
Tình chân như châu ngọc
Cá lặn ồ chim sa     


Thoáng võng giấc ngủ ngày  
Châu ngọc  ắp đầy tay  
Lần thấy trong lai áo
Ngờm ngợp cả  mình đây. 


Phật nói kinh kim cương
Thơ ngân lời châu ngọc
Giữa đoạn trường nước mắt
Em hát lời chân phương 


Ai bảo ngọn lá răm  
Đắng cay lời ở lại 
Ai hay rằng cỏ dại 
Châu ngọc ấy chân tâm


Bảo châu như ý như 
Chở đạo lý bi từ                                            
Tiếng hát trong ngọc thốt 
Chở huyền âm vô dư


Tít tắp ở phương đông 
Lóng lánh mặt trời hồng 
Lung linh bao châu ngọc 
Tình yêu ơi mênh mông 


Trên con đường sớm mai  
Thoáng gót ngọc tiên hài 
Lá mơn man gió hát 
Khứ lai hề khứ lai…


Ngọc trời xanh khéo đúc  
Niềm thơ xinh ngân nga   
Diệu âm hiến cúng Phật   
Trái tim tình nở hoa


Mây đành thua nước tóc
Tuyết thẹn nhường màu da
Chân tâm em châu ngọc
Vui hát khúc tình ca. 


Bước chân an lạc đi
Nạm ngọc bích lưu ly
Trên dặm trường hạnh phúc
Bước từng bước uy nghi.


Tiếng trong veo trong veo
Trên môi hoa người ngọc
Cõi bụi hồng lăn lóc
Thảy thảy trong ngần theo


Ba vạn sáu ngàn ngày
Lá ngọc cành vàng đây
Gia tài em lộng lẫy
Cung bậc – là ngàn bay


Tiếng mẹ tiếng lòng tôi
Ngàn vạn dặm luân hồi
Nghe lòng nhau đắm đuối
Tiếng mẹ hiền ru nôi


Ngọc diệp kim chi vời
Kim chi tìm ngọc diệp
Pháp âm nào trùng điệp
Chở ánh nắng vàng khơi 


Ba vạn sáu ngàn ngày
Lá ngọc cành vàng đây
Gia tài em sở hữu
Cung bậc – lá ngàn bay


Mỗi bước đi bước về
Mỗi thao thức tỉ tê
Mỗi tự thân ốc đảo
Ba cõi là hương quê


Đoạn trường mẹ nhớ con
Ruột bầm con nhớ mẹ
Từng âm giai thỏ thẻ
Đều lộng lẫy vàng son 


Không phải tiếng nơi môi
Không phải là nơi thức
Bài thơ tròn âm vực
Ngần châu ngọc tinh khôi


Không ai đi một mình
Mơ hoa cỏ ngần xinh
Chỉ với cùng nhau bước
Trời đất mới lung linh


Tuổi mười lăm miên viễn
Tuổi trăng tròn như nguyện
Tự như khứ như lai
Giữa đôi bờ dâu biển


Xót chân trời góc bể
Nghe lắng tiếng quê hương
Sắt cầm ngân huyết lệ
Mỹ nhân hề nhất phương


Đi trong gió trong mưa
Ngậm ngùi nhớ mẹ xưa
Dặm khuya vai gánh nặng
Cho con mình bài thơ


Ngọc tinh khôi là ngọc
Mặc ai giũa ai mài
Tròn trĩnh niềm tam học
Như thị là như lai


Trầm hương thơm tóc mẹ
Tiếng hát ngọt môi hồng
Mưa lâm thâm lá hẹ
Châu ngọc thốt ngần trong


Thuở mẹ sinh thành em
Sinh thành cùng tiếng hát
Sinh thành giữa bóng đêm
Ánh trăng vàng ngọc dát


Lắng nghe tiếng chính mình
Ngọc như ý giữa tim
Hồn nhiên như vốn vậy
Như tím biếc hoa sim


Vô ngã trong từng câu
Vô cầu trong từng chữ
Bao âm giai bao tình tự
Bấy châu ngọc nhiệm mầu


Tuổi thơ ấu xa quê
Ai hẹn được ngày về
Lắng tiếng chiều xao xuyến
Khúc nhạc lòng tái tê


Nhắm mắt lại thì nghe
Thiu thiu ngủ thì nghe
Ngọc châu lời thơ hát
Tiếng mẹ ru trưa hè


Em về em lại đi
Từng mỗi bước xuân thì
Mỗi gót hồng trở lại
Mỗi nẻo đường lưu ly


Giữa đêm khuya dìu dặt
Cầm sắt nọ huyền âm
Ơi năng nhân tịch mặc
Vô thân ngọc huyền cầm


Tiếng hát kia vốn đẹp
Mặt đất này thơm hoa
Biển trời đâu nở hẹp
Không cho mình với ta


Tủm tỉm nụ anh cười
Ngọt ngào lời em hát
Cánh đồng mùa vàng hạt
Chạu ngọc rạng đất trời


Mặc dù ai khiếm thị
Thấy em hát… bằng nghe
Thấy nghe đều như thị
Mưa ngọt nắng vàng hoe


Có mẹ thì có cha
Có mắt ắt có ta
Có môi thơm tiếng hát
Hải triều âm ngân nga


Thắng bỉ thế gian âm
Đức Phật ba ban tặng
Diệu âm quán thế âm
Lời mẹ ta căng dặng


Chẳng nhọc tìm đâu xa
Ở ngay trước sân nhà
Cành hoa mai đua nở
Khúc ngâm xuân mượt mà


Ba ngọ bốn bề trời
Ta mình vừa quen biết
Nhớ thương hoài da diết
Giữa cát bụi luân hồi


Đừng tự trầm mình xuống
Tự mình thắp đuốc đi
Đừng vong thân luống cuống
Tự tâm mình lưu ly


Đem đời mình cá cược
Vào túy tửu cuồng ca
Hỏi làm sao hiểu được
Tiếng oanh vàng thiết tha


Đem lòng người mưa gió
Toan hiểu đời gió mưa
Thoáng tan sương đầu ngõ
Cuối trời mây vén chưa


Hệt như được ở nhà
Trong vòng tay mẹ cha
Cứ trong ngần ngọc thốt
Nở vô lượng đàm hoa


Tự mình trau giũa mình
Tự mình tự đẹp xinh
Tự mình cùng cát bụi
Mừng đoàn tụ trùng sinh


Tiếng em hát nuột nà
Dìu bước người đi tới
Tình yêu ơi vời vợi
Cứ như là, như là…


Có nghe thì có hát
Phảng phất ngọn gió lành
Có biển khơi dào dạt
Trời xanh càng thêm xanh


Đâu dám cá cược rằng
Người không ai đủ sức
Lắng nghe tai người hát
Ròng rã suốt đêm trăng


Ngọc không trau không giũa
Ai biết ngọc quang huy
Lá không xanh mướt lụa
Ai biết hồn kim chi


Phật có nói gì đâu
Thơ náo nói gì đâu
Ngọc châu ngân tiếng hát
Trời thơm hương hoa ngâu


Một tiếng rằng thưa
Hai tiếng dạ thưa
Cành váng lá ngọc
Chấp chừ gió mưa


Trang nghiêm ca lăng già
Trang nghiêm lời chim hót
Trang nghiêm mình tuệ giác
Ngọc thốt hằng hà sa…


Tuệ cho mình sức sáng
Tiếng cho đời dịu âm
Tình cho mình lai láng
Phúc tuệ ngọc quang ân


Ai chắc rằng tiếng hát
Châu ngọc  ấy vô hình
Trong ngân ngàn cánh bạc
Giữa vòm trời lung linh


Ngọc đúc chốn lam điền
Lá biếc biếc trúc viên
Thơ về quy cửa Phật
Vị mật ngọt hương thiền


Thuở vào ta thấy ngọc
Thở ra mình thấy châu
Từng chân tơ kẻ tóc
Hằng sa lẽ nhiệm mầu


Chén ngọc đựng lệ ngọc
Tình mỵ nương trương chi
Người ngọc niềm thơ ngọc
Năm tháng hoài phương phi


Đã lâu không về nhà
Thoáng võng điều trở giấc
Châu ngọc thơ một tòa
Đón ta về diệu mật


Lá phải được quyền xanh
Mây được quyền phiêu dạt
En được quyền ca hát
Mặt Trời quyền long lanh


Mỗi mình viên dung mình
Bằng tiếng hát tròn xinh
Mỗi mình trau chuốt một
Niềm châu ngọc trung trinh


Châu ngọc để sẵn cho
Cơm áo để ấm no
Tiếng ca em ươm mật
Lừng giai điệu tự do


Vắt cạn máu tim mình
Châu ngọc ngân lóng lánh
Nguyệt trong, viền thiền ảnh
Muôn thuở rằm tròn xinh


Có một lẽ diệu thường
Bất hoại ngọc – kim cương
Có tiếng lời người hát
Đồng vọng cả mười phương


Mỗi bước em lợi hành
Mỗi bước mình đồng sự
Hát lời kinh vô tự
Châu ngọc mắt ai xanh


Tự thân thơ là ngọc
Người ngọc giữa trang thơ
Bốn mùa ân mưa móc
Chân như đẹp mỗi tờ


Quán hành thâm tự tại
Ngọc châu lời bất hoại
Lá biêng biếc ngần xanh
Rằm trăng vành vạnh mãi


Tiếng ngọc giữa lòng thơm
Thơ đẹp giữa tim đơm
Từ đâu mà có vậy
Tự vô thủy nguồn cơn


Thơ mộng ngập tràn nhau
Tiếng hát ngập tràn nhau
Tròn xin từ vô thủy
Tròn vẹn ngàn muôn sau


Chuốt tròn vành tiếng hát
Cho lá biếc non tơ
Nhã ngọt ngào nốt nhạc
Cho tình hồng đêm mơ


Thuở trời đất giao hòa
Sinh thành nên cỏ hoa
Mẹ sinh thành tiếng hát
Tròn trĩnh niềm âu ca


Nữa khuya lạc bước đời
Nữa khuya tiếng vàng rơi
Ơi từ vô thủy nọ
Biêng biếc mộng xuân ngời


Thoáng oanh vàng tiếng hát
Đằm thắm khúc sinh ca
Chân dung cơn gió mát
Thơm lành cả thịt da


Như thực cũng như hư
Siêu hình cùng hiện thực
Tiếng hát ngần tứ đức
Tuệ giác ngời như như


Mượn tia sáng mặt trời
Niềm bình minh em hát
Mượn biển xanh dào dạt
Khuya vọng tiếng trùng khơi


Cứu cánh của tiếng hát
Cung bậc của niềm thơ
Đoạn trường ơi luân lạc
Đòi đoạn thúy kiều thơ


Mẹ cho con tiếng hát
Đời cho mình bài thơ
Người bẫy ta canh bạc
Tình tận hiến giấc mơ


Hương giang trẫy chuyến đò
Câu mái nhì đưa đẩy
Trằm khơi hương biếc dậy
Dòng thịt thủy thơm tho


Trong tư thế kiết già
Tim hồng ngân lời ca
Đất trời chung nốt nhạc
Mưa hoa mạn đà la


Một thoáng nghe người hát
Diệu hữu tự tròn đầy
Một thoáng nghe gió hát
Ba đời cùng vui lây


Có tiếng hát ngọc tuyền
Có tứ thơ mộc mạc
Tự thể vốn sơ nguyên
Đá vàng ai khóe tạc


Mật ngữ nơi em là
Nụ cười thơm hương hoa
Diệu ngữ ở em là
Tiếng hát tròn ngân nga


Mỗi tiếng hát: bước chân
Khai phá mỗi con đường
Về phương trời bản thệ
Rạng ánh hồng thanh lương


Giữa đoạn trường gió mưa
Giữa tăm tối lọc lừa
Em tròn xinh tiếng hát
Tao nôi lành ru đưa


Không hẹn cũng chẳng hò
Chẳng nhận chẳng phải cho
Hồn nhiên lời gió hát
Chim vành khuyên líu lo


Ca từ nơi hơi thở
Ca từ sâu trong tim
Ca từ trong nức nở
Ca từ ơi diệu âm


Trong tư thế kiết già 
Trái tim hồng ngân nga 
Khúc tình ca vũ trụ 
Mưa hoa mạn đà la


Đi về - cõi tịnh – thơm 
Lòng trong, ngon bát cơm 
Ngát hương thiền duyệt lạc 
Châu ngọc tình hương đơm 



Vượt non cao vực sâu 
Tìm ngọc ngọc nơi đâu  
Về nhà ngồi tĩnh tại 
Lóng lánh mình minh châu. 


Mắt xanh tròn hạt khóc 
Thơ xinh tròn hạt ngọc 
Tình yêu thảy tròn xinh 
Ba đời vui thơ ngọc 


Tiếng hát sức thôi miên
Vẳng vọng từ sơ nguyên
Ngân nga từ cõi biếc
Xuyên suốt tận vô biên 


Ơn người đời cơm cháo
Tình người thơm tương chao
Đã thực vực được đạo
Vực đêm, đêm sáng sao


Mỗi chân tơ  kẻ tóc
Thảy tròn xinh phận người
Mỗi cánh hoa nụ cười
Thảy tròn duyên thơ ngọc


Hôm qua em mang về
Tiếng ngọc thốt pha lê
Hôm nay em hẹn sẽ
Hát tình ca hương quê



NGỌC
Nhà xuất bản THANH NIÊN
Chi nhánh 270- Nguyễn Đình Chiểu-Q.3 – Tp HCM


Chịu trách nhiệm xuất bản
MAI THỜI CHÍNH
Biên tập :
NGUYỄN TRƯỜNG
Sửa bản in :

TÁC GIẢ



Vài dòng về tác giả:

Tên thật : Hoàng Kim Bính
Sinh ngày : 20.5.1947
Người làng Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Hiện sinh sống ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
Email: hkbhanhphuong47@yahoo.com.vn
ĐT: 0985734265 - 0613871830

TÁC PHẨM :

Bài Thơ Chiều Tím, nxb Nến Hồng, Sài gòn, 1972
Sen Cúng Bụt, nxb Văn Nghệ, HCM, 1994   
Bóng Mát, nxb Trúc Lâm, USA, 1997
Phật là Cha mẹ, nxb Thanh Niên (TN), HÀ NỘI, 2007
Mẹ Tôi Vô Ngã, TN, HÀ NỘI, 2007
Giữa Vời, TN , HÀ NỘI, 2009
Dạt Dào Ngày của Mẹ, TN, HÀ NỘI, 2010
Ngọc, TN, HÀ NỘI, 2010
Thưởng Lãm Thơ Văn Đương Đại, TN, HÀ NỘI, 2010
Nguồn Suối Tình Thương, TN, HÀ NỘI, 2011                                                  
Hoa Ưu Đàm Nở, TN, Hà Nội, 2012

CHỦ BIÊN CÁC TUYỂN TẬP:

Cánh Hạc Trời Tây, nxb Tổng Hợp, TP HCM, 2003
Trời Một Phương, nxb Hội Nhà Văn VN, HÀ NỘI, 2005
Ngàn Dặm Tình Thơ, TN, HÀ NỘI, 2006
Nguồn Suối Tươi Mát 1, TN, HÀ NỘI, 2007
Nguồn Suối Tươi Mát 2, TN , HÀ NỘI, 2007

Suối Nguồn Vô Tận, TN, HÀ NỘI, 2008


READ MORE - NGỌC - trường thi của Hạnh Phương