1. Gối đầu lên bờ sông, về phía hữu ngạn của dòng Thác Ma, Tân Lương (hay Trầm)
là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía tây Mỹ Chánh, ngôi làng yên bình thuộc vùng bán
sơn địa này được biết đến với hai đặc sản nổi tiếng, đó là mít và chè. Nhìn những
ngôi nhà cổ “kèo cong, trến lận” hút hồn của vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, ít ai
biết phần lớn chúng được làm từ những cây gỗ mít cổ thụ của làng. Ngoài cung cấp
nguyên liệu để làm nên những ngôi nhà rường quý hiếm, vùng đất này còn được biết
đến với những cô gái nền nã, sắc nước hương trời.
Bà nội tôi là một trong những cô gái ấy. Chẳng biết do cơ duyên hay phận số, bà
về làm dâu gia tộc nhà tôi, một gia tộc đã mấy lần mon men đến bờ tuyệt tự. Nội
tôi là con trai duy nhất trong gia đình có đến tám mụn con, nên chỉ tiêu sớm có
con trai mà cả nhà đặt lên đôi vai gầy yếu của bà là không hề nhỏ, khổ nỗi cả
ba lần vượt cạn là cả ba lần đều không đem lại niềm vui cho gia tộc. Không biết
bà có nằm trong danh sách “trời xanh quen thói ma hồng đánh ghen” mà cụ Tiên Điền
đã đề cập trong phần mở đầu của Kim Vân Kiều hay không? Chỉ biết rằng ngoài sắc
đẹp trời cho, cao xanh cũng đã tước đoạt hầu hết những gì còn lại của bà. Một lần
đi biển là một lần bà để trượt trôi một phần tuổi xuân của mình sau những con
sóng lòng vật vã, đến khi hạ sinh được ba tôi, sức khỏe của bà chỉ còn là những
vạt nắng vàng vọt, loạng choạng, đuối dần bên kia sườn chiều. Cuộc đời đau buồn
ngắn ngủi của bà đã hằn lên trái tim thơ dại của ba tôi những vết đau đến tận
cuối đời. Ba tôi kể lại vào một buổi chiều trên bến quê, lúc đang kỳ cọ cho ba,
lựa lúc bến vắng người, bà thủ thỉ: Mẹ muốn cưới vợ cho con, con có chịu không? Sau câu hỏi là cái lắc đầu và nét mặt buồn rười rười của bà. Lời nói có vẻ như
bâng quơ nhưng ẩn bên trong là sự nuối tiếc xót xa, câu nói như một linh cảm, một
định mệnh mà sau này ba tôi luôn mang theo và xếp đặt ngay ngắn trong mớ hành
trang ít ỏi về mẹ của mình. Gần một tháng sau cái lần bà buột miệng thốt ra câu
hỏi vô vọng đó, ba tôi mồ côi mẹ, lúc nầy ông vừa lên chín, cái tuổi chưa bấm
tròn hai bàn tay đếm, cái tuổi chưa đủ lớn để thực hiện ước mơ của mẹ nhưng đã
đủ để biết thế nào là cách trở âm dương, thế nào là cảnh mẹ gà con vịt.
2. Men theo con đường ấu thơ trước đây mẹ thường dẫn đi, hàng năm mỗi dịp tết đến, ba tôi lại tìm về quê ngoại. Thời gian đầu thỉnh thoảng có ông nội đi cùng, nhưng do bề bộn công việc, những bước chân của chàng rể cũ cũng thưa dần theo năm tháng, thế là một mình ba lầm lũi đi. Thời ấy chưa có cầu, chưa có đường quốc lộ một, nên muốn về Tân Lương cậu bé mồ côi phải theo đường cái quan (đường Thiên Lý bắc nam) từ Trường Sanh vào Kẻ Lạng, qua bến đò Hôm Lạng đến bờ nam dòng Ô Lâu, sau đó vượt bến đò Phước Tích qua Hội Kỳ, Mỹ Chánh, tiếp tục men theo phía hữu ngạn dòng thác Ma để đến Tân Lương. Những năm sau khi đã qua tuổi thiếu thời, để rút ngắn hành trình, ba đi theo lối tắt của những người đi rừng, con đường mới được rút ngắn gần phân nửa nhưng chỉ thoáng nghĩ đã thấy nổi da gà. Ngoài việc phải luồn lách qua những núi đồi trập trùng lau sậy nổi tiếng có nhiều hổ báo, ông phải một mình vượt dòng Thác Ma ở phía thượng nguồn, nơi con sông quanh năm chảy xiết. Mỗi lần nhìn đứa cháu mồ côi mẹ vượt rừng vượt thác về thăm quê ngoại là một lần bà con cô cậu chảy nước mắt. Vậy là sau những giây phút hàn huyên đoàn tụ, bà con lại cử người vượt sông, tiễn cháu gần nửa đoạn đường mới đành lòng quay lại.
Như những chú chim đến ngày di trú, lịch trình về quê ngoại như đã định sẵn
trong người ông. Cứ đến thời khắc của mùa, cậu bé lại bay về quê mẹ. Rồi tuổi
thơ trôi qua, cánh chim ấy cũng đến mùa xây tổ và những chú chim non lần lượt
chào đời nhưng tiếng gọi mùa luôn thôi thúc ông trở về. Sau ngày rời quê hương
chuyển vào Nam sinh sống, mỗi lần về Quảng Trị, cho dù bận rộn đến đâu, ba tôi vẫn
thu xếp thời gian về thăm quê ngoại, những bước chân ba vẫn âm thầm in dấu trên
con đường yên bình ấy cho đến ngày ông mãi mãi ra đi.
3. Sinh thời ba là một người hiền lành ít nói. Ông chẳng có thời gian để dạy dỗ
con cái chuyện học hành cũng như những bài học đối nhân xử thế…, cách học làm
người, thế nhưng với lối sống gương mẫu tận tụy giàu lòng yêu thương, ở ông
luôn có một sức hút vô hình nào đó khiến chúng tôi phải ngoan ngoản tuân theo.
Như một chu trình sinh học định sẳn, đúng vào thời khắc khi bằng trạc tuổi của
ba ngày ông mới mồ côi, tôi lại tiếp tục lên đường thay ông về Tân Lương mỗi
khi Tết đến. Đường về quê ngoại của ba lúc này không còn cảnh trèo đèo vượt suối
hay bập bềnh sông nước như xưa, chỉ cần qua cầu Bến Đá theo quốc lộ 1 đến bờ
nam cầu Mỹ Chánh, băng qua đường rầy xe lửa ở phía Tây, cuốc bộ thêm dăm cây số
đường làng là đến nơi. Tuy nhiên với đôi chân trần của chú bé mới lên mười, việc
cuốc bộ gần non chục cây số là điều chẳng dễ dàng gì. Nhưng được bù lại mỗi lần
về thăm quê ngoại của ba là một lần được sống trong vòng tay ấm áp của người
thân, được các bác kể về những con người đức độ, nghĩa khí của dòng tộc và
không bao giờ quên nhắc đến tấm gương hiếu thảo của ba. Như chú cá hồi giữa trập
trùng sông nước, chẳng biết vì sao cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa bụi phủ
mờ trên bến sông, khi cây mai sau vườn chúm chím đơm nụ, tôi lại háo hức chuẩn bị
về Trầm.
Những năm tháng sau này, hành trình về Tân Lương của tôi cũng thưa dần… Một phần
do nợ áo cơm, quảng đường về Trầm ngày một ngái xa (đã ngót nghét hơn… ngàn cây
số), một phần những cây đa cây đề trong ngôi vườn thân tộc cũng dần đà rơi rụng.
Tuy nhiên, mỗi lần đặt chân lên con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào ngôi làng nhỏ, tôi có cảm giác như tim mình nghẹn lại, thấp thoáng bên kia sông hình ảnh ba
tôi đang rón rén vẹt lá tìm lối đi trong chập chùng lau sậy, trong tiếng vọng ầm
ào của dòng Thác Ma cuồn cuộn và văng vẳng rờn rợn bên tai tiếng hổ gầm.
Khê Giang