Buổi tối, ông nội nhủ con cháu kê chiếc chõng tre ra giữa sân. Sau khi nhấp một ngụm nước, ông bắt đầu kể chuyện làng. Tôi lớn lên bằng những câu chuyện của ông; bởi thế mà tôi luôn biết ơn tuổi thơ và không hề cảm thấy chút tiếc nuối nào khi nghĩ về nó.
Dường như chính ấu thời đã hướng con người ta đến với một cung cách sống nào đó. Nếu đúng vậy thì quả thật, sự thanh bình là gam màu chính phác nên bức tranh cuộc sống của tôi. Sau này tôi khát khao được yên tĩnh hơn bất cứ nhu cầu nào trên đời.
Góc vườn nhà tôi có một cây Dạ Lý Hương, hoa thường nở vào độ mùa xuân, sau tết cổ truyền. Một chút gió đi qua hôn nhẹ vào nhuỵ hoa khiến hương tình lan ra ngát cả sân vườn. Có lẽ là hoa cũng đang nghe chuyện của ông với niềm hân hoan thích thú như tôi vậy! Dạ Lý Hương là hoa chỉ thơm về đêm, đúng như tên gọi của nó (dạ nghĩa là đêm), cũng như hoa Tử Đinh Hương chỉ ngát lừng khi ngày đã muộn. Tháng Năm mới đây, lúc đi qua sân trường độ mười giờ đêm, tôi đã ngửi được mùi hoa Tử Đinh Hương. Thú thật là mùi hương ấy không làm tôi vui, nhưng nó khiến tôi lắng lòng hướng về quê nhà. Thuở xưa lắm, khi chưa khai sinh ra loài người - gọi là cổ tích - chàng út nhà bà Pecxia ở xứ Ba Tư đã hoá thành khóm hoa Tử Đinh Hương để bảo vệ mẹ. Chính sự tích ấy đã làm tôi yêu mến hơn hoa Tử Đinh Hương lặng thầm trong buổi tối vừa rồi. Và do đó, tôi nghĩ rằng, những loài hoa nở về đêm thường biểu hiện cho một thứ tình cảm thiêng liêng, ví như Dạ Lý Hương mà tôi đang nói. Dạ Lý Hương là người bạn vong niên từ cổ tích đã trở về đây để cùng với tôi lắng nghe chuyện quê kiểng.
Trong một đêm trăng, giọng kể của ông như hoà quyện và lắng sâu vào trong mùi hương hoa, vị chát lừng nước chè. Sau này mỗi lần lục lại ký ức để tìm tư liệu, tôi luôn hình dung ra mồn một khung cảnh, ngửi thấy dư vị thảo mộc của ngày ấy.
Thuở tôi lên bảy. Tôi nhớ lắm một chiếc chõng tre giản đơn, bộ vạc tre được bện bằng chạc mây và nhẵn bóng đi. Ấm nước chè giữ nhiệt hầu như suốt đêm, cho đến khi nước nguội thì câu chuyện của ông chấm dứt. Ông nội pha nước chè rất ngon! Lá chè sau khi rửa sạch phải vò bằng tay rồi nhúm vào ấm, cho thêm một ít gừng củ đã giã nát, sau đó rót nước sôi cẩn thận. Nước chè phải trong và có màu vàng tươi, có vị chát lẫn cay. Uống nước chè phải dùng chính cái chén ăn cơm mới đúng. Những cái chén ngày ấy thường in cảnh họp làng bằng mực xanh. Bây giờ chén kiểu này không ai sản xuất nữa. Thời sinh viên ở Huế, tôi có ghé vào ven đường bên bờ sông Hương và thấy những chiếc chén này đã thành đồ cổ đưa ra bán cho giới sưu tập. Chao ôi, những nét đẹp làng quê mới đây thôi, vẫn đấy thôi mà đã hoá cổ ngay trước mắt ta sao? Người ta bảo thời gian đời người trôi nhanh. Ấy vậy mà thời gian của dòng chảy văn hoá có lẽ còn nhanh hơn. Đấy mới là cái đáng sợ hơn cả!
Từ đường họ Hoàng ở làng Phúc Lộc
Chuyện của ông không có hệ thống, không trật tự, nhớ đâu kể đấy, nhưng tôi không hề cảm thấy lộn xộn rắc rối. Tôi tự sắp xếp những câu chuyện ấy vào trong ngăn đẹp nhất và trang trọng nhất của tâm hồn mình.
Ông ngồi trong đêm, tĩnh tại mà sâu sắc, trầm ngâm nhưng nhiệt huyết - hình ảnh ấy khiên tôi liên tưởng đến một người nhắc sử làng vĩ đại. Ông kể và tôi nghe, không hề có giấy bút ghi lại; thế nhưng tháng năm đi qua vẫn không làm tôi quên được.
Tôi không quá tự tin vào trí nhớ của mình, nhưng tôi có thể khắng định rằng, nếu như một ngày nào đó tôi bị xoá nhoà nhiều thứ, thì cái còn lại sau cùng là những câu chuyện làng mà ông đã kể. Bởi như một triết gia đã nói: "Người ta có thể mang đứa trẻ ra khỏi quê hương của nó, nhưng không thể nào mang quê hương ra khỏi trí nhớ và tâm hồn một con người!".
Minsk 9.2009
H.C.D