Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 23, 2014

CHIỀU THU GẶP EM - Hoàng Thế Bình



Đã biết mấy mùa thu đi qua
Vẫn trời xanh, vẫn nắng vàng trái bưởi
Rồi riêng tôi chẳng có gì để lại
Và thời gian cứ lặng lẽ trôi qua.

Ôi hôm nay tôi có đâu ngờ
Một mùa thu nắng vàng trước ngõ
Một ngày thu chim ca trong gió
Một chiều thu em đến quê anh.

Ơi chiều thu những cơn gió trong lành
Ta gặp nhau giữa quê mình đẹp quá
Chẳng hẹn hò mà sau giây phút đó
Trong mắt mình anh có một hình em
Anh nhắm lại em chẳng còn ra được
Nên em về anh vẫn gặp trong đêm.

Mùa thu ơi ta có thể nào quên
Sau buổi ấy lòng anh rồi rộng mở
Cứ xốn xao bao đêm dài trăn trở
Cứ tròng trành vướng một sợi tơ duyên.

Chia tay nhau bịn rịn bến xa thuyền
Lưu luyến lắm mà lời không nói nỗi
Anh lén lút xui mắt mình nhắn gửi
Một lời riêng mong em hiểu thật nhiều.
                     HOÀNG THẾ BÌNH

                                TP.Vinh
READ MORE - CHIỀU THU GẶP EM - Hoàng Thế Bình

SEN VÀ CÁ - Tùy bút của Mặc Phương Tử





Chiều nay, một chiều thật an bình, dưới bóng râm mát dịu của những tàn cây xanh, lồng lộng tiếng chim như trĩu thanh âm xuống phòng khách bên trong một ngôi đạo tràng. Bình trà đã rót nhiều lần, nhưng hương vị trà hãy còn thấm đậm theo dòng thế sự hoài niệm cổ kim.

Chúng tôi, mấy huynh đệ và đạo hữu trong buổi gặp gỡ, thường là không hẹn, bởi giấc đi miên man thì biết đâu mà hẹn cuộc tương phùng. Bây giờ ngồi tính lại thời gian đã hơn năm mươi năm (50) trôi xa và rồi sẽ còn trôi xa hơn thế nữa, hôm nay ngày nầy năm xưa, Bồ Tát Quảng Đức đã thắp lên ngọn lửa “vị pháp thiêu thân”, một trái tim đã ươm mầm cho hằng triệu triệu trái tim, hồng lên cho muôn trùng cõi vô minh của một thời hoang vu bạo tàn đế chế. Thế rồi, trái tim xưa vẫn tươi sắc hồng bất diệt, mà dòng đời thì cứ nặng nề lê mình qua từng khúc quanh nắng quái chưa tan. Vẫn biết rằng :

“Chỗ người ngồi một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ Bi”
(Vũ Hoàng Chương.)

Có người hỏi: “Bây giờ trái tim của Bồ Tát ở đâu, vì sao …?” Ở đâu và vì sao, lại dâng lên một nỗi mang mang trôi xa và trôi theo năm mươi năm của ngày ấy…

Thế rồi, câu chuyện được chuyển sang một cung bậc khác, một ý thức sống trong cuộc đời. Một đạo hữu kể rằng: “Có vị sư nhờ tìm cho một ít loài sen trắng để trồng, để điểm vào không gian của ngôi chùa với sắc màu tinh trắng của sen, vẫn biết rằng loại sen nầy khó trồng hơn những loại sen hồng, sen xanh.

Thời gian nghĩ quanh đây đó, chợt nhớ và vội tìm đến nơi ấy, thì ra khung cảnh hồ xưa, nay chỉ là một trũng nhỏ còn đọng lại một ít nước, trông thấy lúc nhúc mớ cá lon con còn xót lại trong hồ, phần diện tích hồ đã san lấp gần đầy. Nỗi buồn giây phút khi biết ra nay sen không còn, lại tiếp nỗi lòng trắc ẩn khi phát hiện sự sống mong manh của một số cá con còn lại nơi trũng nước nhỏ kia. Không câu nệ bùn dơ, từng cái thau nhỏ múc đổ dần vào cái sô to rồi nhọc nhằn đem ra thả xuống dòng sông lớn cho cá được tiếp tục sự sống mới, thoát đi cái cảnh ao tù, chắc chắn rằng chúng được tự do hơn, thoải mái hơn nơi bến rộng sông dài. Ơn ấy, công ấy, cá biết đâu mà đền mà trả, nhưng chỉ mong rằng cá lo sống tốt cho đời của cá mà thôi. Chuyện kể là như thế!

Vấn đề là đi tìm sen trắng đem về trồng trong ao vườn chùa. Vâng! vì rằng sen có nhiều đặc tính thanh cao, sự thanh cao ấy mà chư Phật và chư Thánh, những bậc hiền thiện thường ca ngợi tự ngàn xưa cho đến cả ngàn sau, cái đạo lý vô nhiễm vẫn trang nghiêm giữa cuộc đời tạp nhiễm. Trước đây, đức Phật đã cho chúng ta thấy rằng:

“Như giữa đống rác nhớp
Quăng bỏ trên đường lớn
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch, đẹp ý người”   PC.58.

Trồng sen là chọn lấy, khắc họa một biểu tượng cho cái sống thanh cao của tâm hồn, cái đẹp, cái thẩm mỹ, sự trong sáng vượt thoát không phải từ đầu non đỉnh núi, mà phải từ cõi lạc thú phàm tâm. Chính vì vậy, Đức Phật xác chứng qua lời dạy tiếp:

“Cũng vậy, giữa quần sanh
Uế nhiễm, mù, phàm tục
Đệ tử bậc Chánh Giác
Sáng ngời với tuệ trí.”    PC.59.

Ngoài sự ca ngợi của chư Phật, chư Thánh đệ tử và các bậc Thiền Tổ.v.v… Còn có sự ca ngợi trong kho tàng Ca dao, Dân ca Việt Nam đã được truyền tụng qua bao đời của Ông, Cha và rồi cũng sẽ truyền đi bất tận cho đến tận mai sau. Bởi :

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”   (Ca Dao VN).

Thanh cao quá!  như một câu kinh huyền nhiệm, như một tâm hồn không vết xước trầm luân. Nhưng có xa rời đâu cái “Thực-hữu” ở đây và cả bây giờ!

Chuyện của cái ao (đời) dù nay có bị lấp cạn đi, và cho dù nay nơi ấy đã không còn sen nữa, không thỏa mãn những ước mong tìm sen về trồng. Thế nhưng, điều gì lại giúp cho chúng ta có một cung nhịp mới, một cơ hội mới cho việc đi tìm một hướng đi trong muôn vàn hướng đi, một sự ẩn trú bình an trong muôn vàn sự  ẩn trú. Đó là, chợt thấy sự sống mong manh của một ít cá còn lại nơi trũng nước đục cạn. Điều ấy, nếu không phải “thực” là gì ? Thay vì ta phải thênh thang đi tìm một “chơn lý, lý tưởng” ảo hư mơ hồ vô vọng, phi thực.

Nếu như ta cố son phấn cho việc làm, thì việc làm sẽ chỉ là son phấn, Đạo lý cuộc sống đâu nhất thiết phải cần đến chất liệu son phấn giả tạm ấy! Và trái lại, son phấn cũng không cần phải vẽ lên sắc màu đạo lý của bậc Thánh Hiền.

Đến đây, chúng ta còn nhớ đến một sự việc khác nữa, qua một câu chuyện sống đẹp được kể rằng: “… Có một cậu bé, một hôm dọc theo bờ biển, cậu nhặt từng con sao biển trên tay rồi lần lượt quăng từng con ra biển xa, cứ như thế, mỗi khi cậu có dịp ra bờ biển. Một lần nọ, có người trông thấy cậu làm như vậy và bảo với cậu rằng: trông cậu làm một việc không ích lợi gì cả, vì sau đó sóng biển cũng sẽ đưa chúng trở lên bãi cát khô. Thế nhưng, cậu bé kia trả lời rằng: ít ra cậu cũng giúp cho chúng có thêm một ít thời gian sống dưới biển…”

Như vậy, tất cả việc làm là cốt để phát sinh sự sống sao cho được tươi mát lành mạnh là cần, sự sống được nuôi dưỡng tốt bởi những chất liệu có ý thức, có thiết thực đạo lý, có nhân tính.v.v… Chính điều đó, ở đây và bây giờ là sự tồn tại thanh cao, sự hướng thượng trong sáng, sự an bình mầu nhiệm một cách nghiễm nhiên hơn bao giờ hết.

Vì vậy, một chiều bình an, không phải là một chiều chỉ cho khái niệm, không phải là cầu an lẫn tránh, không phải là một mơ hồ ý tưởng xa xôi, càng không phải là sự mệt mõi, chán chường trong bùn dục của thói đời. Nếu như những ý niệm hành động trên, thì khác gì một tâm hồn hoang mạc, cọc còi tư duy, mục nát với thời gian.

Trái lại, có một chiều thật sự tìm và trồng sen và thật sự có giúp cho bao nhiêu con cá nơi trũng nước cạn đục kia được tự do thong dong ngược xuôi nơi bến rộng sông dài. Điều ấy có khác gì đã và đang tưng bừng bởi những sắc hương hoa và lá của sen. Đi và tìm bao “kỳ hoa dị thảo”, thế nhưng trên vạn nẻo đời, ở đâu lại không có (hoa thơm cỏ lạ) vẫn nở muôn trùng trong ta và trong cả cuộc đời.

Long Xuyên, tháng 6.2014.
MẶC PHƯƠNG TỬ

                                                                          

                                                                                                                                                                                                                                                                                            
READ MORE - SEN VÀ CÁ - Tùy bút của Mặc Phương Tử

Thơ Đoàn Vũ - TÂM KHÚC, TRĂNG MƯỜI SÁU, VỀ VỚI BIỂN



TÂM KHÚC
Tặng INRASARA

Ngày của tháng gieo mùa hạ cổ, xưa rất xa đến "Tháp nắng " thăng trầm. Tiếng kèn Saranai nhập hồn tôi ngày hội, những giọt nước của trời lất phất đêm Katê.

Tôi đứa con trong những đứa con, tháp hiển linh giục về ngày hội, dẫu sao...tôi trầm mặc tìm về.

Tháp nắng Sara* ư, thật tình tôi khát thèm những rêu phong dạn dày trên cổ tháp, nhịp vỗ Baranưng thổn thức ngày về. Ở độ cao của dáng tháp vốn cao, tôi mãi nhón chân nhìn dòng sông Lu trôi bên chiều chầm chậm mặn mòi mang hơi thở phù sa. Tựa bóng chiều dáng núi níu xa xa những vũ nữ ÁpSaRa cõng thăng trầm về cội; tôi biết tôi hiền khô như dòng sông Lu đâu có lỗi mà bước chân sột soạt tiếng thăng trầm!

Tôi đứa con trong những đứa con mang âm hưởng của ngụ ngôn ngưỡng mộ nhập hồn cổ tháp hơi trăng...

Tôi cúi người lặng bên tháp trân trân. Những vệt trăng nhân từ độ lượng chảy êm đềm trên dòng sông Lu.

* Tập thơ "Tháp nắng" của INRASARA
.
  

TRĂNG MƯỜI SÁU


Ở phía bên kia đồi. Em dựng vội túp lều chơ vơ. Chiều tiu nguỷu nhìn tận mặt từng tiếng thở dài. Điều không thật gõ mòn ở một góc tâm linh.

Có thể em nhẹ nhõm bước ra khỏi lòng đời? Điều chưa hề có thật, mặt trời cháy xém ngọn tóc em. Chiếc võng hai đầu khuyết tật. Vầng trăng xanh hấp hối, võ vàng tiếng vạc kêu sương. 

Ở phía bên kia đồi. Gió lang thang, trăng lang thang. Tiếng cú rúc vào lòng đêm chan chát. Gió chưa hề gọi tên em, trăng chưa hề gọi tên em. Thèm một tiếng gọi của gió, tiếng nói của trăng. Dồn dập, dồn dập…

Ở phía bên kia đồi. Núi lênh khênh thách thức cõng trời, bàng bạc ánh trăng suông, đá ôm đồm chồng lên nhau. Làm sao, làm sao em quên được. Chỉ một mình em biết!

Ở phía bên kia đồi. Túp lều cỏ nuốt chửng em. Đêm chưa hề chóng mặt buông thả em. Tiếng cú cứ rúc vào lòng đêm choáng ngợp. Em lạc hồn rớt ở bãi ngô xanh.

Ở phía bên kia đồi. Hốt hoảng, em chạy như người mộng du. Xa tít dải ngân hà, bàng bạc ánh trăng dính trên tóc em đêm nay mười sáu.
                                  

VỀ VỚI BIỂN

Ném phiền muộn chìm tận lòng biển trong xanh. Ta ngửa mặt đôi mắt quầng thâm nhìn trời xa lạ lẫm. Trăm năm lỡ một câu thề. Đá không tạc hộ lời mình đâu. Và sóng cũng ngày ngày giận dỗi.

Lạ sao…có loài chim nào không run ở giữa mùa giông bão? Ta đâu như cây phong ba gan góc đứng trụ giữa biển trời. Quanh năm mấy mùa nhắn nhủ, mấy mùa gạn đục khơi trong.

Lắm khi ta tưởng  mình loài rong rêu ngủ nhờ bên kè đá. Hấc ngược nỗi niềm đau điếng một đường đau. Thời gian nhát dao chém ngọt, xấc xượt xới cày vết tích của một thời cả tin!

Sáng nay ta ưu tư đắm mình trong biển. Hình như biển cũng bao dung và nói thì thầm “Hãy lao đi, lao đi con tàu nhỏ của ta ơi! Bởi đại dương mênh mông. Có thấm vào đâu chỉ hạt mưa nhỏ xíu!”

Có thể nỗi phiền muộn không chìm tận lòng biển xanh? Nó lênh đênh khi biển đổi mùa. Nó chao nghiêng như con thuyền gặp bão. Nó vo tròn như chiếc đảo khơi xa. Và ở đó nó bình yên, bình yên…?!

Sáng nay trời không quên trở gió. Cơn lốc cuốn phăng chiếc đảo nhỏ vô hồn. Ta đứng trên bờ đại dương, ôm chầm lấy biển. Có thấm tháp gì chỉ một vòng tay nhỏ xíu. Ta tức tưởi cuống cuồng…Gió bên bờ ran rát lên môi.

Và sáng nay, con còng gió bên bờ. Có khác chi tổ nhện trời tung tẩy; nó vô tư nhảy múa, nó lắc léo ngoằn ngoèo, nó vẽ lên nhữngđường cong vô định…Biển ở đằng xa, mưa cũng rắc hạt nên mây đàn xám xịt? Và đằng đông một chấm đỏ gọi ngày, hấc ngược ta quay về với biển.                                                                    
                                                                                                                                                                                                                       

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Địa chỉ: 48 Trần Hưng Đạo, Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận.
Điện thoại: 0915748434.
Email: vudoan0102@gmail.com.
READ MORE - Thơ Đoàn Vũ - TÂM KHÚC, TRĂNG MƯỜI SÁU, VỀ VỚI BIỂN

QUÁN CÀ PHÊ XƯA, CƠN MƯA NGÀY HẠ - thơ Nguyễn Miên Thượng

Tác giả Nguyễn Miên Thượng



Quán cà phê xưa

Nhớ người ghé quán cà phê
Năm năm quanh quẩn buổi về lơ ngơ
Tình xưa chừ đã thành thơ
Người xưa chừ cũng hững hờ tóc bay
Mắt xanh đà lỏng vòng tay
Ly cà phê đắng giọt gầy guộc nhau    


Cơn mưa ngày hạ

Có thể chiều nay em không đến
Mưa buồn ngày hạ rất vô thường
Ta ngồi nhẫm lại nghìn thương mến
Tình học trò mà cũng khói sương
Từ dạo thả hồn ngây ánh mắt
Cái chiều lớp học xối mưa giông
Gió tạt vô tình bay cọng tóc
Khiến ta lập cập điếng gan lòng
Bối rối em nhìn ra cửa sổ
Nhập nhòa giọt nước đọng khung gương
Nhấp nhô bờ ngực vầng giông bão
Làm tim con gái rộn tơ vương
Rồi chiều nay nghe lòng hụt hẫng
Ai biết phượng đơn nghẹn giấc sầu
Năm năm ủ mộng đành quên lãng
Em trở mặt tình hóa bể dâu
Từ đó hiên trường thưa tiếng guốc
Hiên đời ta lạc ngõ phù vân
Vạn nẽo đường trần xa hun hút
Em – ta đâu dễ gặp hai lần …

                             NMT

*****
Thế Lộc gởi đăng.
READ MORE - QUÁN CÀ PHÊ XƯA, CƠN MƯA NGÀY HẠ - thơ Nguyễn Miên Thượng

PHƯỢNG TÍM ĐÀ LẠT - thơ Tuyền Linh



Phượng tím Đà Lạt
Em về Đà Lạt sáu hai ? (*)
Điểm tô nhan sắc buộc cài nhân gian
Em qua khắp phố khắp làng
Khiến bao du khách ngỡ ngàng sắc hoa
Em không là tím hoa cà
Cũng không tím Huế mà là tím…thương
Tôi xin một chút hoang đường ?
Mai xa Đà Lạt còn vương vấn tình
Sắc hoa màu tím lung linh
Đi vào tâm thức như mình với ta
Đà Lạt muôn sắc ngàn hoa
Nhưng em dị biệt nhìn là rất riêng
Chút tình lãng mạn không tên
Cái màu dễ nhớ khó quên mất rồi !
Tím e ấp, tím cả trời
Mai xa Đà Lạt đầy vơi nỗi niềm
Tôi từng qua cả trăm miền
Vẫn lưu luyến mãi vùng thiêng đất nầy
Màu hoa phượng tím còn đây
Cánh hoa nhỏ ấy chứa đầy chiêm bao
Tuyền Linh
(*) Cây phượng tím do kỹ sư Lương Văn Sáu ( Hội viên Hội hoa hồng Pháp ) đem về Đà Lạt gầy giống năm 1962.
READ MORE - PHƯỢNG TÍM ĐÀ LẠT - thơ Tuyền Linh

CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ 2 - Huy Uyên

Tác giả Huy Uyên


1- Xa rồi Quảng-trị

Về Diên-sanh với em gái quê buồn
chiều qua bơ vơ trên đồi cát
sầu lòng ai theo từng câu hát
tóc ai bay xuôi ngược ngã-ba-thôn .

Dài theo mấy dặm đường phố chợ
bóng nhà thờ xưa nghiêng bóng một mình
chắc em quên rồi con đường lối nhỏ
thư gởi người sao đau quá con tim !

Lối về gió bay theo lá
ngờ ai từng nhặt chép câu thơ
có phải em nước trôi ra biển cả
Mỹ-thủy xa -kìa ai đợi chờ .

Có phải em chiều phe-Tư
chạnh lòng đưa ai đi trăm ngàn ngã
cho phe-Nhất buồn mãi tự bây giờ
tội tình ai trao lâu rồi từ thuở .

yêu người
chôn sâu hoài mà chưa được nói
để ngẫn ngơ nhớ hoài chỉ riêng mình tôi
tơ vương chen lòng chạy theo tiếng gọi  .

Em bây giờ không còn của tôi
mà là mây trời lang thang khắp nẽo
đã được mất rồi xa trôi
vội cầm nụ hôn xưa níu kéo .

Buổi theo người về Bến-đá
ai xưa ngồi lại bên cầu
vui buồn chi mà thuyền không bến đậu
đá mòn, sông cạn, tình sâu .

Ngược tình lên Mai-đàn,Thượng-xá
rừng dài những giây phút đợi chờ
em bạc tình chi tôi từ thuở
về bên đồi xưa
lặng lẻ hái-chùm-hoa-bơ-vơ .

Thôi trả người về lại đất Cu-hoan
tiếp sầu thêm Trung-đơn,Hải-quế
để Diên-sanh mãi mang kỷ-niệm buồn
vĩnh-biệt tình ơi Quảng-trị .
                  Huy-Uyên


2-  Em gái Quảng-trị

Gắn nụ hôn buồn trên tóc em
chín sắc thắm hồng lưu-ly đỏ
tháng năm biền biệt xa tìm
lung linh mắt sầu nổi nhớ .

Em dấu tôi đời con gái
cuối phố chiều nay đợi chờ
trái tim dỗ-dành xa mãi
bên đường chiếc bóng đơn côi .

Cầm mãi trong tay ngậm ngùi
ngày xưa chôn rồi mật đắng
xa em đau đớn trong tôi
Quảng trị đứng chờ
đợi ai bên sông Thạch-hãn .

Đò chiều xuôi trôi Ái-tử
đâu rồi thoáng bóng hình em
cổ-tích Nhan-biều
chuông chiều Sắc-tứ
dóng dã trong đêm
người mãi đi tìm .

Một mình cà-phê Sông-xanh
đau đáu nước trôi Thạch-hãn
lối về qua Bùi-thị-Xuân
xuyến xao thành-hào chao bóng .

Không em mây bay qua vội
con đường Gia-long nhớ mong
phố người bên sông đang ngũ
ngang dốc xóm chài trời sương .


Kể từ không em
đò ngược xuôi giòng
Quảng-trị bao năm xa vắng
An-đôn, Long-hưng, Trí-bưu buồn
gió qua thành chiều phả lạnh.

Giọng ca bờ thành quán rượu
tội lòng mấy khúc chơi vơi
Quảng-trị bao năm đứng đợi
người về tội lắm người ơi !
                    Huy-Uyên

3- Bến-đá sông chiều

Chiều sông xa nhớ đến não lòng
kể từ hai bờ chia tay mắt đỏ
thuyền đi từ dạo đó
em đi mà có nhớ tôi không ?

Bến cũ khuya buồn thấm lạnh
chắc chi ai đã quay về
Bến-đá sông chiều quạnh vắng
tình chiều ai gọi chiều nghe .

Qua sông người về vạn lối
sỏi đá thêm buồn ngày xưa
ai níu mây trời nhắn gởi
người đi nhớ mấy cho vừa .

Bên cầu tre (bóng) ai ngơ ngẫn
mấy nhịp lắt lay 
chiều không kịp đến
nước dưới chân cầu khôn trôi .

Bến đá sông chiều
sương ôm mái khói
đi rồi xót lệ chua cay
hỏi em có biết chiều nay
bên cầu thả buồn vời vợi .

Nắng sớm mưa chiều em (từng) nói
xa nhau tình cháy trong lòng
tháng năm nhớ người hoài mãi
Bến-đá sông chiều chờ trông.
                      Huy-Uyên

     
4-Em và giòng sông quê

Em một mình bên giòng sông quê
ngập lòng mùa về tháng chạp
qua rồi tháng năm được mất
tình đi nào có quay về .

Ô-giang đầu bến hoa sim nỡ
tím mãi tim ai đợi chờ
thôi lời nguyền buổi đó
mây đã xa, cây đời tương tư .

Sông xao chi mà chẻ hai giòng
võ vàng mấy bờ thương nhớ
dăm sầu ai đi cách trỡ
xa nhau hỏi em có buồn  .

Phai trôi màu chiều xa vắng
chiều đi nắng tím hoa-mua
suối chao mấy giòng nhịp sóng 
còn lại tình trao người về
bên khe quê hoài hiu quạnh .

Một mình em với sông quê
đợi tới khi chiều nắng tắt
người ơi nào có quay về
em giận ai
mà lòng đau muối xát .

Ngờ tình dặm chiều cay đắng
đợi chờ sông quê ngày nao
chở ai về
dỗ lòng theo sớm mưa chiều nắng .

Bên người xa cả trời trống vắng
nụ hôn xưa nay quá bẽ bàng
quên trôi theo từng ngày tháng
dặm sầu ai đã theo mang .
                    Huy-Uyên

4- Gởi người con gái Quảng-trị

Cho dù yêu rồi một ngày phải nói
em lấy chồng mà lấy thật xa
đại-dương buồn hơn tình cả hai ta
nhắm mắt mà đuổi xua gian dối .

Về bên ấy nơi đất trời xa lạ
buồn cho em đã tự-vẫn cả đời
bao nhiêu năm còn lại một người
mãi đợi thuyền dù (đã) xa khơi biển cả .

Em nói với tôi ngày chia tay hai đứa
gắng mà vui thôi quên chuyện tình mình
hãy trôi như giòng nước nỗi chìm
để dĩ vãng rời quên không còn nữa .

Đã bao lần tôi quá khứ vờ chôn
gởi lại em gia-tài của buổi trước
di-chúc viết mà chừng chưa gởi được
mang chi câu chuyện cũ để buồn thêm .

Cũng đôi lúc một mình tôi thầm hỏi
chiều về rồi mà em có về đâu
để mình tôi níu tiếc nhớ trong nhau
đường quá xa mà hai ta không kịp tới .

Cả đời em ngậm ngùi giòng lệ
không kịp nữa đâu buổi quay lại bên người
bạc đầu tôi tuyệt vọng đã lên ngôi
nổi nhớ theo hoài đầu-ghềnh-cuối-bể .

Biết khôn nguôi cùng đời ai tan vỡ
bước chân em cay cứng xót trăm năm
tưởng nhớ còn đâu mà dỗ mãi tấc lòng
về chôn chặt trái tim đang rướm máu .

Gọi tên em để được một lần quên
đào huyệt mộ về chôn ai đó
nắng sớm mưa chiều để người mắt đỏ
ơi em gái Quảng-trị
giờ này có nhớ tôi không ?
                       Huy-Uyên

5- Gặp em ở bến sông gần Thành-Cổ

Chòng chành tôi chén rượu trời khuya
đôi bờ Thạch-hãn
bên kia sông vang vọng tiếng chuông chùa
đêm chao lạnh
mẹ xưa một đời hụp lặn .

Đường Gia-long sương khuya rớt lại
lãng đãng hồn nghiêng
bao năm em đi mãi
mình tôi về rót lạnh con tim .

Em xưa hình như
hay đứng một mình
lối cũ đi về nhớ ai mà khóc
tim trao ai mà quên bỏ lại tình nhân
nữa đêm ngồi bên cầu buồn chải tóc .

Bao nhiêu năm rồi nước sông tím đỏ
Em đi hoài chi
cho chim trời mõi cánh
về thành xưa có nối lại tình xưa .

Hoài niệm xưa dấu quán-Góc-bầu
thôi phố người em đâu còn nữa
ly cà phê từng cay đắng lòng nhau
Quảng-trị về mà đầy bão tố .

Gặp em sương trời rơi đêm Bến-hộ
thuyền ai quăng lưới nép triền sông
áo giặt ai phơi ngày tháng cũ
xuyến xao thương nhớ khép chặt lòng .

Ngang qua phố chợ hắt hiu chờ
nhà ai(đèn)mờ tỏ con đường cũ
dấu trăng về che lấp bước xưa 
trao lại cho ai đêm thương nhớ .

(Kể từ ngày mẹ theo cha
súng giặc thù dấy lên từ thuở
tiếng nhạn bên thành kêu sương tìm tổ
chim bay cánh mõi không nhà

Sông ơi thôi đừng chảy chi
trôi bao đoạn đời buổi trước
trong gió bay hình như người về
qua rồi bao tháng năm xuôi ngược ) .

Mưa nắng ngậm sầu sông Thạch-hãn
trời khuya còn có tiếng gọi đò
vạn chài sáng sao trời đêm lạnh
về đây mà có biết khôn nguôi .

Em xuân bao ngày xa sông cũ
có về theo tiếng gọi (của) tôi không 
em giờ tóc bay nghiêng cùng gió
đứng bên sông mà có lạnh lòng ?
                      Huy-Uyên

6- Ga tạm

Nổi nhớ bên người từng thao thức
vết thương xưa băng kín trong lòng
sân ga lạnh tăm đêm mờ đục
không ai về mà ai chờ mong .

Tàu qua Bến-đá, đêm ga tạm
ngọn đèn hiu hắt lạnh ngang trời
không một người về trên ga vắng
để tình trôi theo chơi vơi .

Mưa ở đâu về mà vội bay
đường tàu chong mắt đêm quạnh vắng
tiếng còi chìm khuất mù-sương-mây
người đi tôi hoài quên năm tháng .

Ga tạm quanh đây chim gọi rừng
chập chờn giọng ai nghe tê tái
tiếng sao quá buồn
giọng sầu rưng rưng .

Quê nhà nữa đêm về dấu mặt
tàu qua sao cứ mãi không người
lữa cháy đốt thêm sầu héo hắt
bùi ngùi có ở lại cùng tôi .

Núi ngũ xa mờ rặng trời Tây
có người trong đêm trông đợi
đời hoài như cây ngái ngũ
vết thương vây quanh
vọng tiếng thở dài .

Thôi đâu mưa đêm xóm cũ
dỗ dành nhau mấy hạnh-phúc người
tàu qua mang theo thương nhớ
tình đi mà lòng dạ nào nguôi .

Ngày xưa, ngày xưa rất xanh
quê cũ lâu rồi trắng bạc
mắt ai buồn chi mà lệ đỏ
ga tạm đêm tàu qua không em .
                     Huy-Uyên
READ MORE - CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ 2 - Huy Uyên

ANH VỀ BÊN ẤY ... TÔI BUỒN - thơ Thế Lộc

  * Gởi theo hương linh anh sui Nguyễn Tâm.




Ngày anh đi
Mưa phùn rưng rưng lạnh
Chiếc áo quan ôm kín mảnh hình hài
Tiếng kinh cầu huyễn hoặc một đời trai
Hai hàng nến phập phù cơn mưa lạ
Anh ra đi còn xanh trên mắt lá
Lon cơm chiều, vợ gói chưa kịp ăn
Anh đã đi, bất ngờ sang bến lạ
Thiên thu buồn mòn mỏi những mùa trăng 
Nước chảy qua cầu
Chiều thu tắt nắng
Anh ra người thiên cổ
Tôi mất bạn tri âm
Lần giỗ đầu cúi mặt đứng lặng thầm
Hai hố mắt già nua sầu đổ lệ
Anh đi rồi còn tôi trên trần thế
Ray rức hoài tiếc nhớ một tri âm
Có những chiều
Bên ly rượu đắng trầm ngâm
Say chếch choáng
Thấy anh cười trong đáy cốc.

                     Tháng 6 năm 2014
                         Thế Lộc
READ MORE - ANH VỀ BÊN ẤY ... TÔI BUỒN - thơ Thế Lộc